Thứ Bảy, 26 tháng 7, 2008

Annhiong haxeio, Korea! V - Nỗi đau chia cắt

Category: Hàn Quốc, Tag: Các nước châu Á khác,Du lịch,karea

07/26/2008 09:13 pm
Ngày 27/7/1953, hiệp định về đình chiến tại Triều Tiên được ký kết. Từ đó đến nay đã chẵn 55 năm, nước Triều Tiên tiếp tục bị chia cắt. Nói “tiếp tục bị chia cắt”, vì Triều Tiên bị chia cắt từ năm 1945, tính đến nay đã là 63 năm.
Chiều 11/7, tôi đến Imjingak Park (Công viên Nhâm Thìn Các), một công viên tưởng niệm trong khu phi quân sự giữa Đại Hàn Dân Quốc và Cộng Hoà Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên. Những tượng đài bằng đá xám với cảnh núi cắt sông chia, gia đình ly tán. Những tủ trưng bày vũ khí, quân dụng của binh lính đôi bên trong thời gian chiến tranh 1950 – 1953. Những gian hàng lưu niệm, trong đó được bày bán nhiều nhất là những bản đồ hoặc tranh vẽ, chạm khắc hình đất nước Triều Tiên bị sợi dây kẽm gai chia đôi ở vĩ tuyến 38… Bao trùm lên tất cả là âm điệu khắc khoải ảo não của những bài hát với giọng ca nữ. Du khách phần đông là người Hàn Quốc, đàn ông, đàn bà, thanh niên nam nữ lặng lẽ đi giữa khung cảnh đó, đến nơi tận cùng của Imjingak Park : Cầu Tự Do - Bridge of Freedom.
ben dai ky niem

chia cat

Đó là chiếc cầu bằng gỗ bắc ngang con suối nhỏ đổ ra sông Imjin (Nhâm Thìn), một nhánh của sông Hàn. Năm 1953 sau khi hiệp định đình chiến được ký kết, 12733 tù binh đã được trao trả, đi qua cầu này về miền Nam Triều Tiên. Bridge of Freedom không có giá trị về kiến trúc, nhưng từ hơn nửa thế kỷ nay đã được nhắc đến như một biểu tượng của Chiến tranh Triều Tiên. Phía Bắc Bridge of Freedom bị chắn lại bằng rào thép và kẽm gai. Trên hàng rào này, người Hàn Quốc và du khách treo rất nhiều vật lưu niệm như cờ, biểu tượng, những mảnh vải in bản đồ nước Triều Tiên thống nhất, những lời nguyện cầu… Chỉ cách Bridge of Freedom chưa đầy 500m là cây cầu sắt bắc ngang sông Imjin, nơi tuyến đường sắt Liên Triều chạy qua.
Cũng như những đồng bào của họ, mấy người Hàn Quốc đi cùng chúng tôi hầu như yên lặng suốt chuyến thăm. “Em có người thân ở miền Bắc không?” – Tôi hỏi Park Eun Hyun, cô gái đã có 2 năm học tại ĐH Sư phạm – ĐH Quốc gia Hà Nội trong chương trình “lưỡng quốc cử nhân”, thích được gọi theo tên Việt là Hiền. “Dạ, gia đình em may mắn, không có ai ở miền Bắc.” Khi Hiền trả lời, tôi thấy ngấn nước trong mắt cô.
Bridge of Freedom
Bridge of Freedom

cau nguyen

Một người bạn Hàn Quốc nói, nếu quân đội Trung Quốc không vượt sông Áp Lục (Amnokkang, Yalu) can thiệp cuối năm 1950, Triều Tiên đã thống nhất. Nhưng Triều Tiên cũng có thể đã thống nhất, nếu Mỹ và nhiều nước khác không đổ quân lên Pusan và Incheon (Nhân Xuyên) tháng 8, tháng 9/1950? Anh bạn Hàn Quốc không phản bác lại tôi, chỉ thở dài.
Từ khu phi quân sự, chúng tôi tới thẳng sân bay quốc tế Incheon cách đó chừng 40 phút chạy xe để làm thủ tục lên máy bay, về Tân Sơn Nhất. Tại Incheon tôi nghe tin, chỉ vài giờ trước khi chúng tôi đặt chân lên Bridge of Freedom, một nữ du khách Hàn Quốc 53 tuổi là bà Park Wang Ja đã bị bắn chết trong Khu nghỉ mát núi Kumgang (Kim Cương) trên lãnh thổ Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Phía Triều Tiên nói, bà Park bị bắn vì cố tình đi vào khu vực quân sự.
Đã có hiệp định đình chiến Panmunjeom (Bàn Môn Điếm) ngày 27/7/1953, nhưng cho đến nay cuộc Chiến tranh Triều Tiên vẫn chưa thực sự chấm dứt, chưa có hiệp định hoà bình.
Việt Nam cũng từng bị chia cắt bởi hiệp định Geneve, được ký kết đúng một năm sau hiệp định Bàn Môn Điếm. Tổ quốc của chúng ta đã thống nhất được 33 năm. Người Triều Tiên đang khao khát đất nước của họ cũng thống nhất được như Việt Nam .
Họ có biết rằng, từ ngày thống nhất lãnh thổ đến khi lòng người không còn chia cắt, khoảng thời gian còn dài xa lắm!
Quân đội 16 nước đã tham chiến cùng quân Nam Triều Tiên
16 nuoc tham chien

Vọng gác bên đường sắt Liên Triều
vong gac

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét