Thứ Bảy, 29 tháng 8, 2015

Biển Đông, tranh chấp đa phương, đa chiều lợi ích

Tự ta phải giữ chủ quyền cho ta thôi, chớ tin kẻ "cờ ngoài", đừng trông chờ thằng nào.

Tổng quan tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa

          Việt Nam có đầy đủ bằng chứng pháp lý, lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; Việt Nam là quốc gia đầu tiên xác lập chủ quyền và là quốc gia duy nhất quản lý liên tục, hòa bình, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Tuy nhiên, Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và toàn bộ quần đảo Trường Sa. Hơn thế, Trung Quốc còn đưa ra “đường lưỡi bò - cow's tongue line”, đòi chủ quyền hơn 80% diện tích Biển Đông. Đài Loan (Trung Quốc) cũng tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và toàn bộ quần đảo Trường Sa. Philippines tuyên bố chủ quyền đối với phần lớn quần đảo Trường Sa (trừ đảo Trường Sa và bãi Đá Lát ở phía Tây, một số bãi ở phía Nam quần đảo), gọi khu vực nước này tuyên bố chủ quyền là Nhóm đảo Kalayaan. Malaysia tuyên bố chủ quyền một phần phía Nam quần đảo Trường Sa. Bruney cũng cho rằng một phần khu vực quần đảo Trường Sa thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước này. Theo tài liệu của Ủy ban Biên giới quốc gia Việt Nam, Trung Quốc đang chiếm đóng 7 bãi đá tại quần đảo Trường Sa, Đài Loan (Trung Quốc) chiếm đóng đảo lớn nhất trong quần đảo là đảo Ba Bình, Philippines đang chiếm đóng 9 đảo, bãi trong quần đảo Trường Sa, Malaysia đang chiếm đóng 5 đảo, bãi trong quần đảo Trường Sa.
Yêu sách chủ quyền của các nước tại Biển Đông 
          Như vậy, tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông là vấn đề quốc tế, đa phương, khá phức tạp (trong bài này tôi chỉ nêu những tranh chấp liên quan đến quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, không nêu nhiều tranh chấp chủ quyền khác và những tranh chấp không phải về chủ quyền mà về lợi ích). Lâu nay, Trung Quốc không chịu đàm phán quốc tế, đa phương, chỉ muốn đàm phán song phương với từng nước có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông với Trung Quốc. Lập trường này của Trung Quốc nhằm phục vụ những lợi ích, mưu đồ của họ, nên không được Việt Nam và nhiều nước khác chấp nhận. Thế nhưng tại Việt Nam, một số người lại có hướng cho rằng các vấn đề, sự kiện ở Biển Đông, ở Trường Sa chỉ là vấn đề giữa Việt Nam và Trung Quốc. Cách nhìn ấy sẽ dẫn đến những luận giải, phản ứng chưa đúng.

Thái độ của quốc tế

          ASEAN sẽ ủng hộ Việt Nam tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa?
Chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa là vấn đề tranh chấp giữa Việt Nam với Trung Quốc (và Đài Loan, Trung Quốc), không có nước ASEAN nào tranh chấp với Việt Nam, nhưng đến nay chưa có dấu hiệu cho thấy ASEAN sẽ nghiêng hẳn về phía Việt Nam trong cuộc tranh chấp này. Tại quần đảo Trường Sa, ngoài Trung Quốc (và Đài Loan, Trung Quốc), Việt Nam có tranh chấp chủ quyền với 3 nước ASEAN khác, nên càng khó có chuyện ASEAN ủng hộ Việt Nam tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, vì điều đó sẽ ảnh hưởng đến yêu sách chủ quyền của 3 nước thành viên ASEAN kia.
Trung Quốc triệt để lợi dụng, khai thác việc 4 quốc gia thuộc ASEAN có tranh chấp chủ quyền tại quần đảo Trường Sa, có mâu thuẫn với nhau về lợi ích tại đây để dụ dỗ từng nước đàm phán riêng lẻ với Trung Quốc. Nếu các nước ASEAN có tranh chấp với nhau về chủ quyền tại Trường Sa không tạm gác tranh chấp, không hợp tác với nhau để đối phó với Trung Quốc mà tìm cách “ăn mảnh”, sẽ chỉ có Trung Quốc được lợi.    

Mỹ sẽ giúp Việt Nam đến mức nào trong các tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông?
          Năm 1974, Mỹ đã làm ngơ, nếu không muốn nói là đã có thỏa thuận ngầm với Trung Quốc, để Trung Quốc chiếm trọn phần phía Tây quần đảo Hoàng Sa đang có quân đội Việt Nam Cộng hòa, đồng minh của Mỹ canh giữ. Trước đó, Mỹ đã để cho Philippines chiếm giữ nhiều đảo ở quần đảo Trường Sa từ tay đồng minh Việt Nam Cộng hòa.   
          Hiện nay, Mỹ tuyên bố không bênh vực bên nào trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông, Mỹ phản đối hành động của Trung Quốc bồi đắp đảo nhân tạo ở Trường Sa. Thế nhưng, quan niệm của Mỹ về quần đảo Trường Sa lại có phần giống với quan niệm của Trung Quốc hơn của Việt Nam, có lợi cho Trung Quốc hơn.  
Gần đây một số báo nhắc tới việc, ngày 13/5/2015 Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ David Shear nói trong phiên điều trần tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ rằng, Việt Nam đang có 48 điểm đóng quân ở Trường Sa. Thực sự, Việt Nam đang đóng giữ 9 đảo và 12 đá, bãi (đảo chìm) ở Trường Sa, với 33 điểm đóng quân. Vậy ông David Shear đếm sai? Ông ta không đếm sai, mà đã tính cả 15 nhà giàn DK1 ở thềm lục địa phía Nam Việt Nam vào số cơ sở của Việt Nam ở Trường Sa.
Nhà nước Việt Nam khẳng định, khu vực các nhà giàn DK1 trên các bãi cạn Phúc Tần, Phúc Nguyên, Tư Chính, Quế Đường, Vũng Mây, Huyền Trân nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, không thuộc quần đảo Trường Sa, hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam, không có tranh chấp với bất kỳ quốc gia nào. Trong khi đó, Trung Quốc cho rằng quần đảo Trường Sa bao gồm hầu hết phần phía Nam đường lưỡi bò mà họ tùy tiện vẽ ra, có cả khu vực nhà dàn DK1 của Việt Nam. Mỹ cũng cho rằng khu vực các bãi cạn Phúc Tần, Phúc Nguyên, Tư Chính, Quế Đường, Vũng Mây, Huyền Trân thuộc quần đảo Trường Sa. Như vậy, một vùng biển rộng lớn thuộc chủ quyền Việt Nam đã bị Mỹ coi là vùng có tranh chấp. Đây là điều hợp với mong muốn của Trung Quốc, có lợi cho Trung Quốc.

Bản đồ của CIA về quần đảo Trường Sa, bao gồm cả bãi  Phúc Tần (Prince of Wales Bank), bãi  Phúc Nguyên (Prince Consort Bank), bãi Huyền Trân (Alexandra Bank), bãi Quế Đường (Grainger Bank), bãi Vũng Mây (Rifleman Bank) và bãi Tư Chính (Vanguard Bank)
Hơn thế nữa, tháng 5/1992 công ty Crestone Energy của Mỹ đã ký với Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) hợp đồng thăm dò dầu khí ở các lô 133 – 134 – 135 trên thềm lục địa Việt Nam, cạnh bãi ngầm Tư Chính (Trung Quốc gọi là Vạn An Bắc-21). Cho đến năm 1994, công ty Crestone Energy mới ngưng việc thăm dò ở khu vực bãi Tư Chính, sau khi gặp những phản ứng quyết liệt của Việt Nam. Tuy Chính phủ Mỹ tuyên bố không biết, không liên quan đến hợp đồng giữa công ty Crestone Energy với Trung Quốc, nhưng có cơ sở để tin rằng Crestone ký hợp đồng với CNOOC vì biết Chính phủ Mỹ coi bãi Tư Chính không thuộc chủ quyền Việt Nam. Đến nay, những lời nói của Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ David Shear một lần nữa cho thấy, Mỹ tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đến mức nào.   
Khu vực Crestone Energy ký hợp đồng thăm dò với Trung Quốc
  Đã có quốc gia nào chính thức công nhận Việt Nam có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa? Tôi chưa thấy. Cũng chưa thấy quốc tế công nhận Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của bất cứ quốc gia nào khác. 
          
          Thêm:
          Nếu có xung đột vũ trang giữa Việt Nam với Trung Quốc tại Hoàng Sa hay Trường Sa, nếu Việt Nam la rằng Trung Quốc xâm lược, có ai la theo rằng Trung Quốc xâm lược Việt Nam không? Không. Cùng lắm, sẽ có vài tiếng nói lên án Trung Quốc hung hăng gây hấn, sau đó kêu gọi hai bên kìm chế, tránh leo thang xung đột, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở pháp lý quốc tế, vân vân và vân vân. Nhưng nếu ta không khôn khéo xử lý trước sự càn rỡ khiêu khích của đối phương, nóng máu hành động, có khi kẻ bị lên án lại là ta đó.  

Thứ Hai, 10 tháng 8, 2015

ƯU TIÊN NHÀ QUÊ LÀ XÂM PHẠM QUYỀN LỢI NGƯỜI Ở TỈNH!

Có mấy bạn la lối, đòi bỏ chính sách cộng điểm ưu tiên khi tuyển sinh đại học, cho rằng chính sách đó là bất công, xâm hại quyền lợi của thí sinh thành thị.
Thôi, chả nói chuyện “người nhà quê” thiệt thòi, điều kiện ăn, học không bằng “người ở tỉnh”, ối người nói rồi. Chỉ nghĩ tới cảnh vất vả của “nhà quê” mỗi kỳ thi, phải cơm đùm cơm nắm lên “tỉnh”, lo kiếm chỗ tá túc, lo giữ đồ đạc khỏi bị ăn trộm ăn cắp, lo ngộ độc thức ăn, mất ngủ do lạ nhà… Mấy thứ đó khiến “nhà quê” rất mệt mỏi, ảnh hưởng đến việc ôn bài, đến kết quả thi. Điểm thi của “nhà quê” thua điểm thi của “thành thị” một vài điểm chưa chắc do dốt hơn, mà do những lý do trên.

Thực tế, khi vào trường, “nhà quê” học không hề thua kém các bạn ở thành thị.