Thứ Hai, 7 tháng 4, 2014

Vụ tai nạn máy bay ở thung lũng Ô Kha năm 1992: 2. Hiểm địa đối với máy bay

Chiếc máy bay Yak40 cất cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất lúc 6 giờ 20 ngày 14/11/1992, bị mất tích khi gần tới Nha Trang. Trên máy bay có 31 người, gồm phi hành đoàn 6 người và một nhân viên hàng không, 15 hành khách Việt Nam, 4 người Đài Loan (Trung Quốc), 2 người Hà Lan, một cặp vợ chồng Pháp - Anh, 1 người Thụy Điển.   


 Vị trí máy bay Yak40 rơi

Sang ngày thứ 8, mới thấy nạn nhân

Để xuống Nha Trang, máy bay phải bay vòng ra biển, hạ cánh từ hướng đảo Hòn Tre. Theo cuộc đàm thoại cuối cùng giữa phi công máy bay VN-A449 với đài kiểm soát không lưu, phi công báo đã nhìn thấy biển, xin hạ độ cao, vào hạ cánh. Do vậy, dự đoán đầu tiên về vị trí máy bay gặp nạn là vùng biển Nha Trang. Nhưng tìm kiếm tại đó không phát hiện dấu hiệu gì. 
          Trong khi đó, bà Mấu Thị Năm ở thôn Ma O (Sơn Trung, Khánh Sơn, Khánh Hòa) và ông Mấu Quốc Tân, Xã đội trưởng xã Sơn Trung nói, sáng ngày 14/11/1992 họ thấy máy bay bay trên đầu, rồi nghe như có tiếng nổ. Sáng ngày 16/11/1992, hai tổ dân quân Sơn Trung lên đường tìm kiếm chiếc máy bay mất tích, một tổ lên phía đỉnh núi Hòn Bà, tổ của ông Tân đi về hướng Suối Chè (khu vực tháng 9/2012 có vụ tìm trầm, ăn chặn tiền bán trầm nổi tiếng). “Khi đó là mùa mưa, trong rừng rậm cách dăm mét là không dòm thấy gì hết, trơn trượt, đi cực lắm”. Ông Tân kể. Sáng ngày 17/11/1992, từ Suối Chè họ tiếp tục chặt cây mở lối leo lên hướng thung lũng Ô Kha ở núi Manhan, qua một dốc cao thì thấy mùi xăng. Tuy nhiên, mưa lớn, rừng rậm khiến hành trình tìm kiếm của họ rất khó khăn. Đến 2 giờ chiều ngày 18/11/1992, họ phát hiện một túi nôn, hai thẻ đi máy bay. Khoảng 9 giờ sáng ngày 20/11/1992, họ phát hiện mảnh xác máy bay đầu tiên…
 Sơ đồ hiện trường: 1. Vị trí phát hiện cánh trái máy bay; 2. Vị trí phát hiện cánh phải máy bay; 3. Vị trí phát hiện cánh tà; 4. Vị trí phát hiện càng và bánh máy bay; 5. Vị trí phát hiện hộp đen; 6. Vị trí đuôi máy bay rơi; 7. Vị trí một phần vỏ thân máy bay; 8. Vị trí đầu và thân máy bay - ảnh tư liệu
Đoàn tìm kiếm do Đại tá Lê Hải, Trợ lý Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam làm trưởng đoàn lập tức tập trung lên Ô Kha. Khoảng 14 giờ 20 phút ngày 21/11, họ tới nơi nhóm ông Tân tìm thấy cánh máy bay, triển khai dựng trại, tìm kiếm mở rộng và thắp hương cho những người xấu số. “Chúng tôi gác cả đêm ngày 20 ở đó mà không nghe tiếng ai, chỉ nghe như có tiếng cọp. Vậy mà ông Lê Hải mới thắp nhang, nhang chưa cháy hết một ngón tay thì nghe có tiếng người kêu cứu”. Ông Tân kể. Đội tìm kiếm sang phía bên kia đỉnh đồi, phát hiện cánh đuôi máy bay, tiếp theo phát hiện phần thân và đầu máy bay. Bà Annette đang ngồi cách khoang hành khách khoảng hơn 5 mét, trong tình trạng hầu như không thể cử động, hoại tử ở mông…  

Tai nạn chồng tai nạn

Đối với Thượng tá Trần Minh Đức, Trưởng phòng Kỹ thuật Hình sự, Công an tỉnh Khánh Hòa, 5 ngày khám nghiệm hiện trường và khám nghiệm tử thi ở thung lũng Ô Kha tháng 11/1992 là kỷ niệm ám ảnh suốt đời. Cả tháng sau đó, ông Đức nằm ngủ dưới sàn, không dám nằm chung với vợ con. “Lúc nào cũng cảm thấy cái mùi xác chết phảng phất bên cạnh mình”. Thượng tá Đức nói. 
          Năm 1992, ông Đức là Trung úy, đội phó đội Hiện trường, Phòng KTHS, Công an Khánh Hòa. Sáng ngày 21/11/1992, Trung tá Nguyễn Xuân Quý, Trưởng phòng KTHS triệu tập ông Đức và một người nữa cùng lên Ô Kha. Nhưng khi ra sân bay Nha Trang, Trung tá Cao Minh Nhạn, Phó Giám đốc Công an Khánh Hòa (nay là Trung tướng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm, Bộ Công an) nói ông Quý già rồi, leo núi không được, bảo ông Hải, đội trưởng của ông Đức đi. Cùng đi với họ có mấy cán bộ ngành bảo hiểm. Máy bay trực thăng chở họ bay gần tới Khánh Sơn phải quay về, vì sương mù. Khoảng hơn 10 giờ, lại bay lên, hạ cánh ở thị trấn Tô Hạp. Từ trên cao, ông Đức thấy đường lên Khánh Sơn đông nghịt xe cộ của người lên làm nhiệm vụ, người nhà nạn nhân, người của các đơn vị có nạn nhân, người hiếu kỳ. Lúc đó huyện Khánh Sơn có hơn chục nghìn dân, thị trấn Tô Hạp có hơn hai nghìn dân, mà mấy ngày từ khi phát hiện máy bay rơi có cả ngàn người tới đây.
Phần đuôi máy bay Yak40 tại hiện trường - ảnh tư liệu
Sáng sớm ngày 22/11/1992, đoàn khám nghiệm lên thung lũng Ô Kha. “Đi từ sáng sớm mà hai giờ chiều mới tới nơi, nhiều người rớt lại phía sau”. Thượng tá Đức kể. Tại hiện trường có nhiều người chết trong tư thế nằm bò, quay hướng đầu về nơi bà Annette ngồi, như anh Võ Duy Hải ở đường Nguyễn Thiện Thuật, Nha Trang… Có thể thấy, sau khi tai nạn xảy ra vẫn có một số người trên máy bay còn sống. Đoàn công tác thuê dân địa phương khiêng võng đưa các tử thi đã được khám nghiệm xuống núi, mỗi tử thi có ba người khiêng.
Sáng ngày 22/11/1992, bà Annette được đưa từ Ô Kha xuống Tô Hạp, để lên máy bay trực thăng về Nha Trang. Tuy nhiên, chuyến máy bay trực thăng Mi-8 đưa lên thêm người của đoàn công tác cùng với lương thực thực phẩm và kinh phí để chi trả cho người dân địa phương lại gặp nạn. Mấy tuần sau, chiếc Mi-8 mới được tìm thấy trên núi, cách nơi máy bay VN-A449 rơi khoảng 5km về phía Đông. Cả 7 người trên máy bay đã chết. Không có máy bay, bà Annette phải nằm xe cứu thương về Cam Ranh, ngày 23/11/1992 mới về Nha Trang, sau đó được đưa vào TP. Hồ Chí Minh rồi chuyển sang Singapore. Vài tháng sau, không hiểu sao có tin bà Annette cũng chết do sốt rét và chấn thương tâm lý.

Nguyên nhân: Do thời tiết xấu

Theo biên bản khám nghiệm hiện trường và tử thi vụ máy bay chở khách VN-A449 bị rơi, hiện trường vụ máy bay rơi xảy ra tại tọa độ 108059’30’’ kinh độ Đông, 12003’ vĩ độ Bắc, ở khu vực dãy núi Manhan thuộc xã Sơn Trung, độ cao 970 mét. Từ điểm bắt đầu va chạm đến vị trí có đầu và thân máy bay dài 600 mét, cây bị gãy theo chiều hướng thấp dần theo hướng Đông Bắc (hướng bay)… Thân máy bay bị đứt gãy làm 2 đoạn, đoạn thân sau bị tụt lại. Đoạn đầu và thân buồng lái bị thủng, vỡ vụn làm nhiều phần. Trong khoang hành khách, ghế bị đảo lộn, vách bị rách đổ vỡ lộn xộn đè lên các tử thi cả nam và nữ, nhiều hành khách trong khoang vẫn còn các dây an toàn và ghế máy bay buộc liền theo người. Đa số các tử thi không còn nguyên vẹn, có một số tử thi bị gảy cụt chân, cụt đầu và văng ra xung quanh đầu và thân máy bay... 
          Ngày 20/12/1992, ông Nguyễn Văn Tạo, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Hình sự kiêm ủy viên Ủy ban lâm thời Nhà nước điều tra tai nạn máy bay ký Báo cáo về Đánh giá công tác khám nghiệm hiện trường, công tác giám định pháp y, giám định hóa lý và giám định đường vân vụ máy bay Yak40 số hiệu VN-A449 lâm nạn. Theo báo cáo, máy bay VN-A449 có xu hướng từ thung lũng Ô Kha cố tăng độ cao đế vượt  qua đỉnh núi Manhan, hướng bay ổn định, thể hiện người lái vẫn đang điều khiển phương tiện trước khi máy bay va chạm vào cây cách đỉnh đồi 150m. Không tìm thấy dấu hiệu máy bay bị bắn, bị nổ do bom mìn hoặc cháy do hóa chất lạ. Tại buồng lái không phát hiện thấy người thứ 5 (người lạ), mà chỉ có 4 người của phi hành đoàn ngồi đúng các vị trí của mình. Do đó, loại trừ khả năng có không tặc.


Annette Herfkens trong lần trở lại Ô Kha năm 2006- ảnh của bà Annette

Nạn nhân Emmerson Hamish, quốc tịch Anh được nhận dạng qua film răng do gia đình mang sang Việt Nam với tài liệu mô tả răng tại hiện trường và các mô tả hỗ trợ về đặc điểm cơ thể khác, do đó Lãnh sự quán Anh tại TP Hồ Chí Minh và gia đình nhận, mang về nước. Nạn nhân Willem van der Pas, quốc tịch Hà Lan, chồng chưa cưới của bà Annette được người anh và em gái nhận mang về nước nhờ đối chiếu hỗ trợ qua mô tả quần áo, tư trang, đặc điếm cơ thể. Nạn nhân Wellvet Knut, quốc tịch Thụy Điển, có passport ở túi quần tử thi, đối chiếu ảnh răng từ gia đình gửi sang và các mô tả đặc điểm cơ thể tại hiện trường là trùng hợp nên gia đình mang về nước. Tuy nhiên, đã có sự nhầm lẫn: thi hài ông Emmerson (Anh) bị đưa về Hà Lan, thi hài ông Willem (Hà Lan) bị đưa về Thụy Điển và hỏa thiêu tại đó, thi hài ông Wellvet (Thụy Điển) bị đưa về Anh. Nguyên nhân nhầm lẫn được xác định do sai sót trong khi làm vệ sinh lại cho các tử thi, tại TP Hồ Chí Minh.        
           
         Ngày 27/11/1970, một máy bay C-123K của Không quân Mỹ, bay từ Tân Sơn Nhất đi Nha Trang đã đâm vào núi ở vị trí cách Nha Trang 25 km về phía Tây Nam (gần vị trí máy bay Yak40 VN-A449 rơi), toàn bộ 79 người trên máy bay thiệt mạng. Theo người dân Khánh Sơn, đã có nhiều máy bay Mỹ bị rơi ở vùng núi Ô Kha trong chiến tranh Việt Nam.   
              

Nguyễn Đình Quân 

Tai nạn máy bay ở thung lũng Ô Kha năm 1992: 1. Một mình giữa những người chết

Tôi sẽ gắng cầm cự một tuần. Tôi cần có nước, và thực phẩm. Nếu không tôi sẽ chết. Như những người khác, như Pasje. Tôi sẽ bò vào rừng, nếu tới thứ Bảy không có ai đến. Đó là kế hoạch của tôi. Phải sống sót cho đến thứ Bảy. Sáu ngày nữa.

Sáng thứ Bảy, ngày 14/11/1992, chiếc máy bay Yak40, số hiệu VN-A449 của Việt Nam Airlines thực hiện chuyến bay VN-474 từ sân bay Tân Sơn Nhất đi Nha Trang. Khoảng 6 phút trước khi hoàn thành chuyến bay, máy bay đâm vào núi ở thung lũng Ô Kha, xã Sơn Trung (Khánh Sơn, Khánh Hòa). Trong số 31 người trên máy bay, duy nhất Annette Herfkens sống sót.
Annette Herfkens sinh năm 1961 tại Maracaibo, Venezuela, cha mẹ là người Hà Lan. Bà lớn lên ở Hà Lan, theo học Đại học Leiden, sau đó làm việc trong ngành ngân hàng. Tháng 11/1992, Annette đến Việt Nam để đi nghỉ cùng chồng chưa cưới, một thương nhân Hà Lan tên là Willem van der Pas. Sáng ngày 14/11/1992, họ cùng đi trên chiếc máy bay Yak40, số hiệu VN-A449. Annette đã trải qua gần tám ngày một mình trong rừng, giữa những người chết, và sống sót nhờ nước mưa. Trong cuốn sách “Turbulence, A Survival Storry” (Tạm dịch: Sự hỗn mang, một câu chuyện sinh tồn), xuất bản tháng 1/2014, Annette mô tả cách bà sống sót, chuyện bà được giải cứu và chuyến quay lại Việt Nam lần đầu tiên năm 2005, để leo lên thung lũng Ô Kha, nơi bà từng phải đối mặt với cái chết…


  Annette tại bệnh viện ở Singapore, cuối tháng 11/1992 - ảnh tư liệu

Kinh hoàng
Đây là lần đầu tiên tôi đến Việt Nam, để đi nghỉ cùng Pasje - đó là cách tôi gọi Willem van der Pas, bạn trai đã 13 năm của tôi. Pasjie đã đến Việt Nam từ 6 tháng trước, để mở 2 chi nhánh ngân hàng. Sáng sớm ngày 14/11/1992, khi tới trước chiếc máy bay sẽ chở chúng tôi, tôi không thể tin nó nhỏ như thế. "Em sẽ không ở đó, em không thể!" Tôi kêu lên kinh hoàng. “Anh biết em có thể, cho anh, cho chúng ta”. Pasje thuyết phục tôi.  
Trên máy bay, tôi hướng ánh mắt vào chiếc đồng hồ của Pasje, chiếc đồng hồ Rolex 1940, tôi mua cho anh ở Washington DC vào năm ngoái, khi tôi 30 tuổi. Khi đó anh nói, anh muốn lập gia đình và cho tôi một thời hạn… Thời gian trôi thật chậm. Bốn mươi chín phút. Còn sáu phút nữa máy bay sẽ hạ cánh. Bỗng nhiên chúng tôi bị rơi. Cú xóc kinh hãi. “Anh không thích điều này”. Pasje nhìn thẳng vào tôi, nói một cách lo lắng. Chúng tôi lại rơi. Lần này lâu hơn. Ai đó thét lên. Pasje nắm lấy tay tôi…
          Tôi tỉnh dậy, thấy cây rừng rậm rạp qua một lỗ hổng khổng lồ đằng trước thân máy bay. Không gian vừa im lặng kỳ quái vừa ồn ào kỳ lạ. Tôi vẫn đang ở trong máy bay, mắc kẹt dưới một cái ghế và bị một cái xác đè lên. Tôi cố gắng đẩy nó ra, nhưng không thể. Tôi rút mạnh chân tôi ra khỏi dưới ghế. Rồi tôi thấy Pasje phía bên dãy bên kia. Anh ấy vẫn đang ngồi trên ghế, mà bằng cách nào đó đã quay ngược lại. Trên môi anh ấy nở nụ cười. Nụ cười mỉm ngọt ngào. Anh ấy đã chết.
Chắc chẳn là tôi đã bị sốc, bởi đột nhiên tôi thấy mình đang ngồi bên ngoài cabin, ở trên mặt đất. Khắp người đau đớn. Tôi không thể di chuyển. Chiếc váy của tôi mất tiêu. Chân trái của tôi có một vết thương hở rộng. Nhưng tệ nhất là cẳng chân phải của tôi: Khúc xương xanh dài bốn inch đâm ra qua lớp thịt. Tôi chuyển động đột ngột và cảm thấy hết sức đau đớn ở hông…
          Có vài người nằm trên sườn núi, giữa đống hỗn độn. Tôi có thể nghe thấy một số hành khách rên rỉ trong máy bay. Khoảng 3 mét bên phải tôi, một cô gái Việt Nam đang kêu rên lớn tiếng. Cao hơn một chút là cơ thể không còn sự sống của một người đàn ông. Sau đó, tôi nhận ra rằng tôi đang ngồi ngay bên cạnh một ai đó, một người đàn ông Việt Nam. Còn sống và nói được.
“Đừng lo, họ sẽ đến tìm chúng ta”, ông ấy nói, phát âm chữ r như chữ l. Tôi đột nhiên nhận ra tôi chỉ đang mặc quần lót. Tôi xấu hổ nhìn xuống dưới chân, chỗ khúc xương xanh đang thòi ra khỏi thịt. Người đàn ông mở chiếc cặp vuông nhỏ mà ông đang ôm, lấy đưa tôi một chiếc quần dài, một phần của một bộ vest. Đau vô cùng, khi tôi kéo chiếc quần dài qua vết thương. Vùng xương chậu của tôi cảm giác như bị nghiền vụn. Tôi cắn chặt răng và chậm rãi, đau đớn kéo quần qua hông. Tôi cảm ơn ông ấy lần nữa.
Tôi thấy được trấn an bởi lời nói của ông ấy. Bởi sự hiện diện của ông ấy. Trong khoảng vài tiếng sau đó, chúng tôi nói chuyện vài lần. Tôi có thể thấy ông ấy yếu dần. “Xin đừng chết,” tôi van nài ông ấy. “Hãy cố gắng kiếm chút nước”. “Tôi đã có cái để uống rồi”, ông ấy trả lời, giọng còn yếu ớt hơn. “Ông cho tôi một ít nhé?” Tôi hỏi. Ông ấy nhắm mắt lại. “Làm ơn đừng chết, đừng để tôi ở đây một mình!” Tôi gần như hét lên. Nhưng ông ấy thở rất khó khăn. Tôi nhìn cuộc sống rời bỏ ông ấy. Không còn âm thanh nào từ cô gái người Việt đã rên rỉ nặng nề trước đó. Không có âm thanh, chuyển động từ bất kỳ hành khách nào khác.
Mọi người đã chết. Tôi đang ngồi đây, trong một khu rừng rậm. Một mình. Giúp con, Chúa ơi. Giúp con!... Tôi nhớ tới người đàn ông đã chết, cách ông ấy nói chuyện, cách ông ấy không nói. Và cả cách quan tâm, khi ông ấy đưa cho tôi chiếc quần dài của ông ấy. Cảm ơn Chúa vì điều đó: Chiếc quần dài bảo vệ tôi khỏi lũ côn trùng kinh khủng! 


Phần đầu của chiếc Yak40 VN-A449 bị nạn - ảnh tư liệu

Ngày thứ hai

Mặt trời chiếu sáng khi tôi thức dậy. Khát. Người đàn ông đã chết ở ngay bên cạnh tôi, mắt mở hé. Xa hơn về bên phải, tôi nhìn thấy thi thể của cô gái Việt Nam. Tóc của cô tỏa sáng trong ánh mặt trời… Tôi nhìn vào bàn tay của tôi. Những vật tròn đen là gì? Ôi trời, vắt. Tôi chà hai mu bàn tay vào nhau để chúng rơi ra. Tôi khát, rất khát nước. Đột nhiên trời mưa. Mưa rào nặng hạt làm các vết thương của tôi đau nhói. Tôi vui mừng hớp những giọt nước mưa, những giọt cứu sinh. Quần áo tôi ướt đẫm. Rồi mặt trời lại xuất hiện, bất ngờ như lúc mưa rơi. Những tia nắng lọt qua kẽ lá không làm tôi đỡ lạnh. Tôi lạnh. Rất lạnh…
Tôi nghĩ, cực hình khi phải ngồi bên người đàn ông dã chết sẽ sớm đến. Tôi phải di chuyển ra xa, bằng cách nào đó. Tôi nghĩ, ông ta không khơi dậy sự thèm ăn của tôi, không như đội bóng bầu dục bị rơi máy bay ở vùng núi Andes, ăn thịt lẫn nhau. Tôi khát nước, nhưng không khát máu.
          Tôi sẽ gắng cầm cự một tuần. Tôi cần có nước, và thực phẩm. Nếu không tôi sẽ chết. Như những người khác, như Pasje. Tôi sẽ bò vào rừng, nếu tới thứ Bảy không có ai đến. Đó là kế hoạch của tôi. Phải sống sót cho đến thứ Bảy. Sáu ngày nữa.
                  
 Khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn máy bay ở thung lũng Ô Kha - ảnh tư liệu


Còn nhớ đó là ngày thứ 10 tính từ sau 14/11/1992, tôi và vài đồng nghiệp ra sân đậu nơi chiếc phi cơ nhỏ chở Annette vừa từ Nha Trang về để chuyển qua chiếc chuyên cơ của tổ chức cứu nạn quốc tế đi Singapore. Cửa đuôi chiếc máy bay được mở, cô nằm trên cáng đắp một chiếc chăn mỏng để lộ khuôn mặt. Tôi không biết tả cô thế nào, bởi tôi không thể đọc được bất kỳ điều gì từ đôi mắt xanh nhạt trên khuôn mặt nhỏ nhắn xanh xao ấy. Cô nhìn mọi người hoặc đơn giản là mở rộng mắt, hoàn toàn vô hồn, không cảm xúc, không đau đớn, không hồi sinh. Đôi mắt và khuôn mặt Annette là sự mô tả ám ảnh nhất cái gọi là 'không còn cảm giác' mà tôi đã gặp cho đến tận bây giờ.
          Blogger Lana, một nhân viên điều hành bay tại sân bay Tân Sơn Nhất

Đầu năm 1993, tôi nhận được một bưu kiện của Việt Nam Airlines. Nó chứa đồ đạc của chúng tôi, được tìm thấy trong rừng. Cả gia đình tôi quây quanh khi tôi mở hộp. Tay tôi run rẩy khi tôi mở gói đầu tiên bên trong. Chiếc đồng hồ Rolex 1940 của Pasje! Nó đã dừng lại ở 12:00. Đồ đạc của tôi ở trong một hộp khác: ba gói thuốc lá Philip Morris “siêu nhẹ”, bật lửa BIC, và máy ảnh. Đó một khoảnh khắc đầy cảm xúc. Máy ảnh vẫn tốt, có cuộn phim bên trong. Tôi đã đi tráng phim, rửa ảnh. Những hình ảnh hơi vàng nhưng rõ ràng. Ảnh của Numachi và tôi ở Tokyo, và hình ảnh cuối cùng của Pasje, do tôi chụp trên ban công phòng khách sạn của chúng tôi, ngày 13 tháng 11 năm 1992.
Annette Herfkens
                  
Nguyễn Đình Quân – Huy Toàn
                                                                   (lược dịch)