Thứ Bảy, 25 tháng 10, 2014

Tay đua tồi

Để đến nơi đúng hẹn, mình phải chạy xe nhanh xíu, vượt qua xe máy do một anh lái, chở một chị bế một em bé.
Xe do một anh lái, chở một chị bế một em bé vèo lên trước xe mình.
Tốc độ xe mình không đổi, một lúc sau xe mình lên trước xe ấy.
Xe do một anh lái, chở một chị bế một em bé lại vèo lên trên xe mình.
Tốc độ xe mình không đổi, một lúc sau xe mình lại lên trước xe ấy.
Thế là xe do một anh lái, chở một chị bế một em bé lại vèo lên trước xe mình.
Đành giảm tốc độ, đành trễ hẹn.
Để xe ấy không vèo lên trên xe mình nữa.

Nhưng sợ rằng, anh ấy vẫn cứ vèo lên trước xe ai đó chạy nhanh, bất kể anh ấy đang chở một chị bế một em bé.   

Thứ Ba, 14 tháng 10, 2014

Triều Tiên bí ẩn

Từ ngày 5/6/2009 đến ngày 12/6/2009, tại chợ tranh nghệ thuật trong chương trình Festival Biển Nha Trang 2009, lần đầu tiên tác phẩm của các họa sỹ Triều Tiên được giới thiệu tại Việt Nam. Về sinh sống tại Nha Trang sau 7 năm sống và làm việc tại Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, bà Đoàn Lan Hương cùng chồng, ông Felix Abt giới thiệu và chào bán 100 bức tranh của 60 họa sĩ Triều Tiên. Các bức tranh mang nhiều phong cách đa dạng và tiêu biểu của hội họa Triều Tiên, như thủy mạc, bút chì, sơn dầu, ấn họa, tranh bột đá quý…

Nhiều người nghĩ rằng, Triều Tiên chỉ có những bức tranh cổ động như tranh này  

          Nhân lúc thế giới đang đoán già đoán non về ông Kim Jong Un, đăng lại ảnh mấy bức tranh Triều Tiên trưng bày tại Nha Trang năm 2009. Triều Tiên bí ẩn, khép kín, nhưng chắc chắn đời sống văn hóa của họ không đơn điệu.   
Mùa thu - tranh thủy mạc
Tuyết đầu mùa - tranh thủy mạc
Cún và ớt - tranh sơn dầu 
Ngắm cô dâu - tranh thủy mạc
Mùa xuân - tranh màu nước
Lẵng hoa - tranh sơn dầu
Sóng đùa - tranh bột đá quý
Hội mùa bội thu - tranh thủy mạc

Thứ Năm, 9 tháng 10, 2014

Sai nhiều quá, phải sửa thôi!

Hồi giữa tháng 8, tôi đăng lên FB ảnh bia chủ quyền đảo Thuyền Chài B, trong đó có thông tin tọa độ: vĩ độ 8 độ 10 phút 00 giây Bắc, kinh độ 118 độ 18 phút 00 giây Đông, đề nghị các bạn tìm điểm sai. Một số bạn đã chỉ ra được cái sai về kinh độ trên bia chủ quyền đảo Thuyền Chài B: không phải 118 độ (18 phút 00 giây) Đông, mà là 113 độ (18 phút 00 giây) Đông. Nên lưu ý, không có đảo nào đang được Việt Nam đóng giữ tại quần đảo Trường Sa ở về phía Đông kinh tuyến 115 Đông.
Việc thông tin sai trên bia chủ quyền đảo Thuyền Chài B, tôi đã nói với một cán bộ Lữ đoàn 146. Anh ấy đáp, đã thấy cái sai ấy, và sẽ cho sửa lại. Tuy nhiên, không chỉ có thông tin trên bia chủ quyền đảo Thuyền Chài B sai. Thông tin trên bia chủ quyền một số đảo khác cũng sai. Ở đây, tôi chỉ nói tới những cái sai dễ nhận thấy nhất.
Như đã nêu trên, trên bia chủ quyền đảo Thuyền Chài B có thông tin tọa độ: vĩ độ 8 độ 10 phút 00 giây Bắc, kinh độ 118 độ 18 phút 00 giây Đông. Nếu sửa lại thông tin kinh độ trên bia chủ quyền đảo Thuyền Chài B: vĩ độ 8 độ 10 phút 00 giây Bắc, kinh độ 113 độ 18 phút 00 giây Đông, thì đó chính là thông tin trên bia chủ quyền đảo Thuyền Chài A. Đảo Thuyền Chài A và đảo Thuyền Chài B không thể có cùng tọa độ, vậy nên thông tin ở một trong hai bia chủ quyền đảo Thuyền Chài A và đảo Thuyền Chài B (đã sửa kinh độ) sai, hoặc thông tin trên cả hai bia chủ quyền đều chưa chính xác.

Trường hợp khác, là đảo Đá Lớn. Bia chủ quyền đảo Đá Lớn A có thông tin: vĩ độ 10 độ 03 phút 00’’Bắc, kinh độ 113 độ 05 phút 00 giây Đông; bia chủ quyền đảo Đá Lớn B có thông tin: vĩ độ 10 độ 07 phút 00 giây Bắc, kinh độ 113 độ 52 phút 30 giây Đông; bia chủ quyền đảo Đá Lớn C có thông tin: vĩ độ 10 độ 00 phút 44 giây Bắc, kinh độ 113 độ 50 phút 44 giây Đông. Theo thông tin trên các bia chủ quyền, đảo Đá Lớn A và đảo Đá Lớn B chênh nhau về kinh tuyến tới 47 phút, tương đương sự chênh nhau về kinh tuyến giữa Nha Trang và Đà Lạt! Thực ra, đảo Đá Lớn là rạn san hô dài, hẹp, nằm theo hướng Bắc – Nam, các điểm A – B – C của đảo Đá Lớn chỉ chênh nhau vài phút về kinh tuyến. Dò trên Google Earth, đảo Đá Lớn A có kinh tuyến khoảng 113 độ 51 phút Đông.

So sánh thông tin trên bia chủ quyền đảo Song Tử Tây và đảo Đá Nam, dễ thấy cái sai nhất. Đảo Đá Nam ở về phía Tây Nam đảo Song Tử Tây, có nghĩa là chỉ số vĩ độ và kinh độ của đảo Đá Nam đều phải nhỏ hơn chỉ số vĩ độ và kinh độ của đảo Song Tử Tây. Thế nhưng, trên bia chủ quyền đảo Đá Nam có thông tin: vĩ độ 11 độ 30 phút 00 giây Bắc, kinh độ 114 độ 21 phút 00 giây Đông, trên bia chủ quyền đảo Song Tử Tây có thông tin: vĩ độ 11 độ 25 phút 55 giây Bắc, kinh độ 114 độ 18 phút 00 giây Đông. Nếu vẽ bản đồ theo những thông tin này, đảo Đá Nam sẽ ở Đông Bắc đảo Song Tử Tây.
Thiết nghĩ, các bác Hải quân nên rà soát, để chỉnh lại thông tin trên về tọa độ trên toàn bộ các bia chủ quyền ở các đảo của huyện đảo Trường Sa.    

Thứ Ba, 7 tháng 10, 2014

Thứ Sáu, 3 tháng 10, 2014

Nghĩ cũng lạ


Mấy hôm nay, “cộng đồng mạng” lại xôn xao với clip tướng Lê Mã Lương chém gió về Gạc Ma ngày 14 tháng 3 năm 1988. Clip ghi từ giữa tháng 6, bây giờ mới được đưa lên mạng, để làm gì? Chắc là để chào mừng quốc khánh Trung Quốc?
Trong cái clip đó, tướng Lê Mã Lương bịa ra một chiến sĩ là Nguyễn Văn Luyện, bị lính Trung Quốc đâm nhiều nhát, nhưng đáng kể nhất là ông nói, đã có nhân vật cao cấp lệnh cho lính ta ở Trường Sa không được nổ súng vào lính Trung Quốc. Dựa vào đây, nhiều thánh phán nào là đê hèn bán nước, nào là mang lính đi làm bia đỡ đạn. Những người lính ở Gạc Ma ngày 14/3/1988, như Lê Hữu Thảo khẳng định không có lệnh đó, các thánh cũng chẳng chịu nghe, phán rằng lệnh đó là lệnh tuyệt mật, không được phổ biến cho lính.
Hê hê, nghĩ cũng lạ, ra lệnh mà không truyền lệnh cho lính, lính làm sao biết có lệnh mà chấp hành?
Nghĩ cũng lạ, cái ông bị cho là ra cái lệnh “bán nước”, cũng trong thời gian đó lại chỉ đạo quân ta đóng giữ thêm 12 đảo ở Trường Sa, nâng tổng số đảo Việt Nam đóng giữ ở Trường Sa từ 9 đảo lên 21 đảo. Rồi ngày 7/5/1988, tại đảo Trường Sa, ổng lại đọc một bài phát biểu hùng hồn, mạnh mẽ lên án Trung Quốc, với Lời thề manghồn nước: “Chúng ta xin thề trước hương hồn của Tổ tiên ta, trước hương hồn của cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau "Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu của chúng ta".
Nghĩ cũng lạ các lão lãnh đạo Trung Quốc, biết lãnh đạo quân Việt Nam có lệnh không được bắn vào quân Trung Quốc, thế mà không tận dụng cơ hội chiếm hết các đảo ở Trường Sa, nên bây giờ bị “cộng đồng mạng” Trung Quốc mắng là nhu nhược, để Việt Nam chiếm mất bao nhiêu đảo “Nam Sa”.
Nghĩ cũng lạ, tướng Lê Mã Lương.    

    

Vụ án Huỳnh Văn Nén: Nhân danh người cha

           “Tôi luôn luôn tin thằng Nén bị oan, vì tôi là cha, tôi biết lòng dạ con tôi, nó không có gan giết người”. Cụ Huỳnh Văn Truyện nói về 14 năm đi kêu oan cho con trai cụ, ông Huỳnh Văn Nén.

          Trời nhá nhem tối, ông Lê Minh Quân, con rể cụ Huỳnh Văn Truyện chở tôi bằng xe máy từ thành phố Cà Mau về đến nhà cụ Truyện ở ấp 4, xã Thới Bình (Thới Bình, Cà Mau). Vừa hồi phục sau một cơn bệnh, sắc vóc kém nhiều so với lần ghé nhà tôi trong chuyến đi kêu oan cho con trai, tháng 11/2013, nhưng cụ Truyện vẫn bắt “hai thằng Quân” ngồi uống với cụ hết hai xị rượu. Năm nay đã sang tuổi 90, nhưng cụ vẫn nhớ rõ mọi bước đường gập ghềnh trong hành trình kêu oan cho con trai cụ.
 Cụ Huỳnh Văn Truyện đọc các bài báo Tiền Phong lật lại vụ án Huỳnh Văn Nén

Không được giúp kháng án 
Ngày 31/8/2000, sau phiên xét xử sơ thẩm gói gọn trong một buổi sáng, TAND tỉnh Bình Thuận tuyên phạt ông Nén mức án tù chung thân về tội giết bà Lê Thị Bông. Ngày 11/9/2000, cụ Truyện đến Trại tạm giam, Công an tỉnh Bình Thuận xin được thăm ông Nén, nhưng bị từ chối. Sau đó, cụ Truyện nghe tin anh Nguyễn Phúc Thành tố cáo thủ phạm giết bà Bông không phải là ông Nén. Ngày 15/9/2000, ngày cuối cùng trong thời hạn kháng án của ông Nén, cụ Truyện tìm đến LS X, người được TAND tỉnh Bình Thuận chỉ định bào chữa cho ông Nén tại phiên tòa sơ thẩm, đề nghị LS giúp ông Nén làm đơn kháng án. Trớ trêu thay, bà LS X nói ông Nén đáng phạt tử hình, được chung thân là may rồi, còn khiếu nại, kêu oan gì nữa. “Bà luật sư kêu trời ơi với tôi, tôi kêu trời ơi với bà luật sư, rồi lại chạy tới Trại tạm giam, Công an Bình Thuận”. Cụ Truyện kể. Tại Trại tạm giam, cụ Truyện xin gặp Giám thị Trại, để trình bày việc làm đơn kháng án của ông Nén. Nhưng cán bộ trực ban Trại tạm giam không báo cho Giám thị, nói rằng án chung thân cho ông Nén là phù hợp rồi. “Lúc đó, hy vọng cho con tôi được xét xử phúc thẩm đã tiêu tan, tôi suy sụp về tinh thần và sức khỏe, nhưng nghĩ thằng Nén còn vướng vụ án vườn điều nữa, nên gắng đi mời luật sư cho nó”. Cụ Truyện kể.
Ông Nén ở ngoài cùng bên phải, cùng các bị cáo khác trong phiên xét xử phúc thẩm (lần 1) “vụ án vườn điều”, ngày 14/6/2001

Trong phiên sơ thẩm (lần 1) “vụ án vườn điều”, gia đình các bị cáo mời LS Nguyễn Hồng Hà, Đoàn LS tỉnh Khánh Hòa bào chữa cho họ. Riêng bị cáo Huỳnh Văn Nén, dù là rể của đại gia đình các bị cáo nhưng không được họ mời LS bào chữa, vì họ ghét ông Nén khai các bị cáo là thủ phạm giết bà Dương Thị Mỹ. Cụ Truyện mời một LS thuộc Đoàn LS tỉnh Khánh Hòa bào chữa cho ông Nén. Nhưng ngày 5/12/2000, TAND tỉnh Bình Thuận có văn bản cho biết, TAND tỉnh Bình Thuận đã mời LS Lê Trung Quân, Đoàn LS tỉnh Bình Thuận bào chữa cho ông Nén, ông Nén chỉ chấp nhận LS do Tòa chỉ định, không chấp nhận LS do cha mình mời. Ngày 7/3/2001, TAND tỉnh Bình Thuận xét xử sơ thẩm (lần 1) “vụ án vườn điều’, tuyên phạt bị cáo Huỳnh Văn Nén 6 năm tù về tội giết người.

Không tắt lòng tin vào công lý

  Năm 2006, sau khi ‘vụ án vườn điều’ được kết luận là vụ án oan sai,   Cụ Truyện tiếp tục gửi đơn kêu oan cho ông Nén trong vụ bà Lê Thị Bông đến các cơ quan pháp luật và Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận, VKSND Tối cao, TAND Tối cao, Bộ Công an, Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước… Tháng 10/2007, cụ cầm cố 5 công ruộng, cùng con rể Huỳnh Trung Nghĩa và ông Nguyễn Thận ra Hà Nội kêu oan cho con. Tháng 11/2013, cụ cầm cố nốt 6 công ruộng còn lại được 20 triệu đồng, lại cùng con rể Huỳnh Trung Nghĩa và ông Nguyễn Thận ra Hà Nội kêu oan cho ông Nén. “Tôi đã kêu oan biết bao nhiêu lần, mà họ không nói gì hết, không trả lời gì hết. Lần này tôi đưa đơn lên Chủ tịch nước. Tôi đến đó, như là đến với mặt trời mà không được nữa sao? Tôi có hy vọng chớ. Dù mỗi lần đi tốn hai ba chục triệu đồng, dù bò lăn bò lóc, dù sao đi nữa tôi vẫn phải đi kêu oan. Tôi có lòng tin, là con tôi bị oan”.
Cụ Huỳnh Văn Truyện bên mảnh ruộng cụ đã cầm cố, để có tiền đi kêu oan cho ông Nén

Đêm 26/9, tôi ngủ lại nhà cụ Truyện. Sáng hôm sau, trời chưa sáng rõ mặt người đã thấy cụ dậy. Cụ bảo, cả đêm khó ngủ, mừng vì nghe tin VKSND Tối cao kháng nghị hủy án vụ ông Nén, mà vẫn lo. “Nếu hủy án rồi giao tòa án tỉnh Bình Thuận xét xử lại, họ có xử công minh không, vì trước kia họ đã làm sai rồi? Xưa ông Mít xử, nay ông Xoài xử, nhưng vẫn là ông Bình Thuận, tôi không đồng ý. Theo tôi, hồ sơ chứng lý oan sai vụ này đã đầy đủ rồi, đã sáng rõ như ban ngày rồi, Tòa Tối cao phải ra quyết định trắng án cho con tôi, ra quyết định thả con tôi”. Cụ Truyện nói, rồi dẫn tôi ra mộ cụ bà Đặng Thị Hường, ở mảnh vườn cạnh nhà. Bên mộ người bạn đời của mình, mới mất cách nay 6 tháng, hưởng thọ 85 tuổi, cụ Truyện kể, mỗi lần cụ cầm cố đất để đi kêu oan cho con trai, đều được cụ bà đồng ý. “Cái thân già tôi còn không tiếc, bả tiếc gì công ruộng”. Cụ Truyện dự định, nếu ông Nén được kết luận bị oan và được đền bù oan sai, cụ sẽ chuộc lại đất đã cầm cố, giao cho ông Nén và em trai út của ông Nén là Huỳnh Văn Út. Bây giờ, ruộng đất ở xã Thới Bình luân canh tôm – lúa có thu nhập khá ổn định, với 11 công đất, anh em dựa vào nhau làm ăn, cuộc sống sẽ ổn. “Bà nhà tôi chết, nhắm mà không thấy mặt con của bả, máu thịt của bả. Nếu sớm minh oan được cho thằng Nén, đón nó về đây, rồi tôi đi theo bả là thỏa nguyện rồi”.      


 Cụ Huỳnh Văn Truyện (thứ ba từ trái sang) tại nhà Thiềm Thừ, trong chuyến đi kêu oan cho ông Nén, tháng 10/2007 

Hơn 14 năm qua, tôi bị ám ảnh về vụ này. Bản án chung thân cho ông Nén có oan sai không, tố cáo của Nguyễn Phúc Thành có đáng tin cậy không, thực sự thủ phạm giết bà Lê Thị Bông là ai? Cụ Truyện 14 năm đi kêu oan cho con trai, bản thân tôi là một cán bộ, đảng viên, không có bà con dòng họ gì với ông Nén, mà cũng chừng ấy năm tôi làm tờ trình, tôi cùng cụ Truyện đi kiến nghị làm rõ vụ bà Bông, tôi có đùa với lương tâm của tôi đâu, có đùa với lương tâm của những người có trách nhiệm đâu. Những chứng cứ kết tội ông Nén chưa thuyết phục, trong khi những tình tiết mới không được làm rõ, nên bản án tù chung thân cho ông Nén chưa làm cho tôi và người dân Tân Minh thấy thuyết phục, mà thấy có điều gì đó không bình thường. Phải chăng, việc chứng minh ông Nén vô tội sẽ lại là sự buộc tội ai đó đã làm sai, nên mới có sự không bình thường mười mấy năm nay?     
Ông Nguyễn Thận, nguyên Chủ tịch UBND xã Tân Minh, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hàm Tân

Ngày 25/3/2006, hai con gái của bà Lê Thị Bông là chị Phạm Thị Hường và chị Phạm Thị Hồng có đơn gửi Viện trưởng VKSND Tối cao, Chánh án TAND Tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, yêu cầu làm rõ thủ phạm giết bà Bông. Hai chị không phục bản án phạt tù chung thân ông Nén, không tin một mình ông Nén có thể giết bà Bông, vì ông Nén ốm yếu, say rượu, còn bà Bông to cao, khỏe mạnh. Mặt khác, hiện trường có hai loại dấu chân khác nhau, tức là có hai đồng thủ phạm. Theo hai chị, các cơ quan pháp luật Trung ương cần điều tra, xét xử lại vụ án này, làm sao cho kẻ bị buộc tội, gia đình người bị hại và dư luận địa phương tâm phục khẩu phục, để thực sự rửa hận cho mẹ của hai chị.
Ngày 28/9, tôi đã tìm đến nhà bà Bông ở khu phố 2, thị trấn Tân Minh (Hàm Tân, Bình Thuận) để gặp lại chị Hồng và chị Hường. Nhưng rất tiếc, người  dân ở đây cho biết, hai chị đã bán nhà này, chuyển đi sống ở xã khác.   

Vụ án Huỳnh Văn Nén: Mười sáu năm tủi cực

Từ năm 2000 đến nay, đã nhiều lần gặp bà Nguyễn Thị Cẩm, vợ ông Huỳnh Văn Nén và các con của hai người, tôi chưa bao giờ thấy họ cười, chỉ thấy họ khóc 

          Nhà mất nóc
Đầu tháng 12/2005, Cơ quan điều tra Bộ Công anVKSND Tối cao công bố kết luận không đủ chứng cứ buộc tội bị can, bị cáo trong “vụ án vườn điều’. Ngay sau đó, ngày 10/12/2005, các phóng viên báo Tiền Phong là Hồ Việt Khuê và Nguyễn Đình Quân về lại thị trấn Tân Minh (Hàm Tân, Bình Thuận) gặp đại gia đình bị can, bị cáo trong “vụ án vườn điều”.
 Hôm đó, chúng tôi đã tới nhà ông Huỳnh Văn Nén, một căn nhà nhỏ lợp tôn một góc hẻo lánh của khu phố 2, thị trấn Tân Minh. Nay, thị trấn Tân Minh đã sầm uất khác hẳn 9 năm trước, nhà cửa, đường sá đổi thay rất nhiều, nhưng tôi vẫn nhận ra nhà ông Nén. Vẫn căn nhà tường gạch không tô, vẫn mái tôn nóng bức, chỉ có thêm hai cánh cửa bằng tôn. “Được như bây giờ là tốt lắm rồi, hồi xưa cứ mưa là dột, mấy mẹ con phải dồn vào một góc nhà”, bà Nguyễn Thị Cẩm nói.

Trò chuyện với mẹ con bà Cẩm về ông Nén và vụ bà Lê Thị Bông bị giết, về “vụ án vườn điều”, tôi nhớ đến việc bà Cẩm được em gái bà là Nguyễn Thị Tiến ôm hôn, trong buổi đầu tiên của phiên toà xét xử phúc thẩm (lần 2) “vụ án vườn điều”, sáng ngày 9/3/2005. Trong “vụ án vườn điều”, mẹ bà Cẩm là bà Nguyễn Thị Lâm, 4 người chị, anh, em ruột của bà Cẩm cùng một người anh rể và hai cháu ruột của bà Cẩm bị khởi tố, bắt giam. Bà Cẩm cũng bị khởi tố về tội giết người, nhưng được tại ngoại. Vừa là bị cáo trong vụ án, vừa phải vất vả một mình nuôi ba con nhỏ, bà Cẩm còn mang nỗi khổ tâm, mặc cảm là vợ của kẻ đã khai bậy, khiến cả đại gia đình vướng vòng lao lý. Tại buổi đầu tiên của phiên toà xét xử phúc thẩm (lần 2) “vụ án vườn điều”, ngay sau khi Cẩm trả lời xong các câu hỏi của chủ toạ, bị cáo Nguyễn Thị Tiến đã đứng lên ôm hôn bà Cẩm, khiến Tòa phải cảnh cáo. Cái ôm hôn đó là sự chia sẻ, cảm thông với bà Cẩm, khi ông Nén đã phản cung, nói rằng ông và cả gia đình vợ ông bị oan trong “vụ án vườn điều”.  
Đầu năm 2006, đại gia đình bà Cẩm được đền bù oan sai trong “vụ án vườn điều”, bà Cẩm hy vọng ông Nén cũng sẽ được xác định là bị oan trong vụ bà Lê Thị Bông. “Tôi muốn giải oan cho chồng tôi, ảnh cũng nói với mấy ông luật sư, cứu em với, em vô tội mà bị bỏ tù lâu quá”. Bà Cẩm nói. Bà đến UBND thị trấn Tân Minh để kêu oan cho chồng, nhưng UBND thị trấn bảo phải lên huyện, lên tỉnh mà kêu, chớ thị trấn đâu giải quyết được gì. Bà Cẩm muốn đi kêu oan cho chồng, nhưng không có tiền, không hiểu biết nhiều về pháp luật, lại phải lo làm ăn nuôi con, trong khi tai ương vẫn chưa buông tha cho bà.
Bà Cẩm bán bánh canh ở chợ Tân Minh, tháng 3/2010
 Ngày 12/3/2010, sau khi đi viết bài ở thị xã La Gi (Bình Thuận), tôi và phóng viên Hồ Việt Khuê ghé qua Tân Minh. Nghe nói bà Cẩm đang bán bánh canh ở chợ Tân Minh, chúng tôi tìm đến, thấy bà Cẩm đang lúi húi dọn đồ, trên đầu bà có một vạt tóc bị cắt. Bà Cẩm kể, ngày 6/3/2010 bà cãi nhau với Th., cháu ông Phó chủ tịch UBND thị trấn, bị Th. chém vào đầu, phải khâu 6 mũi, nhưng Th. không bị chính quyền xử lý. Hôm sau, con trai bà Cẩm là Huỳnh Thành Lượng chém vào chân Th., liền bị bắt giam (sau này bị kết án 2 năm tù). Trước đó, anh của Lượng là Huỳnh Thành Công đánh nhau, bị tuyên phạt 4 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 18 tháng. Sắp hết hạn án treo, Công lại vướng vụ khác, án treo thành án giam. Vậy là  cùng lúc, chồng và hai con bà Cẩm bị giam.     

“Anh em con như mồ côi mười mấy năm rồi”

Cùng bà Cẩm trò chuyện với tôi ngày 28/9/2014 có Huỳnh Thành Lượng. Ngày 10/12/2005, tôi đã gặp Lượng, tại chính căn nhà này. Khi đó, ba anh em Lượng vừa từ Làng trẻ em SOS Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh về, còn bà Cẩm vẫn đang đi làm ôsin ở tỉnh Bình Dương. Trong ánh mắt của anh em Lượng, cũng như trong ánh mắt của gần chục đứa trẻ vô tội khác của đại gia đình bà Cẩm như còn dấu vết những tháng ngày tủi nhục, vất vưởng, thất học, bữa đói bữa no vì đại gia đình của chúng lâm cảnh tai ương. “Mỗi lần nhắc tới cha, con buồn lắm, anh em con như mồ côi mười mấy năm rồi”. Lượng khóc khi gặp lại tôi.
Năm 1998, khi ông Huỳnh Văn Nén bị bắt, Lượng mới 7 tuổi, Công mới 9 tuổi, còn em út Huỳnh Thành Phát mới 3 tuổi. Mẹ Cẩm bị khởi tố, không nuôi nổi ba đứa con, bà ngoại và hầu hết cô, cậu, dì ruột cũng bị bắt giam, ông bà nội đã già và ở mãi tỉnh Cà Mau, ba anh em Lượng như những con chim non không tổ. Công và Lượng phải bỏ học, đi chăn bò thuê. Cám cảnh lũ trẻ, Chủ tịch UBND xã Tân Minh lúc đó là ông Nguyễn Thận (cuối năm 2003 xã Tân Minh mới được chia tách thành thị trấn Tân Minh, xã Tân Đức và xã Tân Phúc) xin Làng trẻ em SOS Gò Vấp nhận nuôi ba anh em Lượng, cùng 5 đứa trẻ khác trong đại gia đình bà Cẩm. Họ ở Làng trẻ em SOS Gò Vấp hơn 3 năm.   
Anh Lượng khóc khi nói về chuyện gia đình mình
Sau những ngày lêu lổng, quậy phá và bị tù tội, Công và Lượng đã tu chí làm ăn. Công đi làm rẫy mướn và năm 2011 đã cưới vợ, vợ Công cũng là người ở Tân Minh. Lượng học lái xe, làm phụ xe tải chở hàng trong tỉnh Bình Thuận và các tỉnh lân cận. Nhưng cậu em út Huỳnh Thành Phát, năm nay đã 19 tuổi vẫn ham chơi bời. “Chuyện nhà con vẫn chông chênh lắm, chú ạ”. Lượng nói với tôi. Lượng bảo, vẫn thường nghe người ta nói sau lưng, cha thằng đó giết người. Vì mặc cảm, Lượng không muốn quen cô gái nào, chưa nghĩ đến chuyện vợ con.   
Tháng 8 vừa rồi, anh em Công, Lượng đi thăm ông Huỳnh Văn Nén, đang bị giam ở Trại giam Xuân Lộc (Z 30A), thuộc Tổng cục VIII, Bộ Công an, ở huyện Xuân Lộc (Đồng Nai). Ông Nén được đối xử tốt, không phải đi lao động, nhưng sức khỏe đã xuống nhiều. Lượng cho biết, mắt phải của ông Nén đã bị mờ, tròng trắng kéo màng. Khi nghe con trai nói vụ án của mình đang được xem xét lại, ông Nén không nói gì, mà cười vui. “Ba con nói, mấy năm trước có ba bốn lần làm đơn kêu oan, nhưng không thấy hồi âm”. Lượng nói.  

Cuối năm 2013, có ba cán bộ Tổng cục VIII (Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ Tư pháp), Bộ Công an gặp tôi. Họ hỏi tôi khá kỹ về việc tôi tố cáo thủ phạm giết bà Lê Thị Bông là Nguyễn Th. và Hồ Văn V., không phải ông Huỳnh Văn Nén, việc sau khi bà Bông bị giết Nguyễn Th. bảo tôi cùng anh Huỳnh Long Nghĩa đưa Th. đi bán một chỉ vàng, rồi Th. bỏ đi biệt tích. Các cán bộ đó làm việc với thái độ vui vẻ, ngon lành, không dọa nạt gì, còn đưa tiền bù cho tôi một ngày mất công mất việc, nhưng tôi không nhận. Sau đó, lại có ba cán bộ của VKSND Tối cao gặp tôi, cũng về việc tôi tố cáo Nguyễn Th. và Hồ Văn V.
Tố cáo hai người đó, tôi cũng có sợ. Nhưng sự thật phải  được nói ra. Hai người đó ngày trước là bạn tôi, nhưng tôi không thấy có lỗi với họ khi tố cáo họ. Chuyện họ làm mà để người khác chịu tội, ông Nén bị tù lâu quá rồi, cả gia đình ba thế hệ bị đau khổ, tan nát. Nếu họ có lương tâm, họ phải ra đầu thú, khai báo chứ.
Anh Nguyễn Phúc Thành, người dân thị trấn Tân Minh

Mấy tháng trước, có ba người của VKSND Tối cao làm việc với tôi 2 buổi, ở UBND thị trấn Tân Minh. Tôi kể với họ chuyện, năm 1998 tôi có chiếc xe Minsk, làm nghề chạy xe ôm. Khoảng cuối tháng 4 năm 1998, Nguyễn Th. với Nguyễn Phúc Thành bảo tôi chở đi huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Tới “căn cứ 4” (xã Xuân Hòa, Xuân Lộc), chúng tôi vào quán uống nước. Tôi với Thành ngồi quán còn Nguyễn Th. chạy đâu đó khoảng 15 phút, nói là đi mua bẫy lò xo để bẫy thú. Mua bẫy không được, Th. cho chúng tôi 20 ngàn đồng để đổ xăng, rồi đón xe đò đi Đắc Lắc luôn, từ đó đến nay tôi không thấy Th. về Tân Minh nữa.
Anh Huỳnh Long Nghĩa, người dân thị trấn Tân Minh