Thứ Hai, 20 tháng 6, 2016

Hôm nay có gì mới không?

Hôm nay có gì mới không? Đó là câu chào ngày mới của nhà báo Xuân Hòa, cựu trưởng văn phòng báo Thanh Niên tại Nam Trung bộ và Tây Nguyên, khi gặp đồng nghiệp.
Tôi và một và đồng nghiệp lúc đầu không thích câu chào này cho lắm, cho rằng đó là câu chào hình thức, lại có hơi hướng tò mò, “khai thác thông tin”.
          Nhưng sau này, và cho đến bây giờ, tôi thấy đó là là câu chào hay, là điều mỗi nhà báo phải tự hỏi mình, mỗi ngày.
          Tiếng Anh có một từ, tôi cho là từ hay nhất của tiếng Anh, đó là NEWS – Tin tức. Trong News có New – mới, mới mẻ. NEWS lại có đủ Bắc (North) - Đông (East) – Tây (West) – Nam (South). Tin tức là phải mới mẻ, từ bốn phương tám hướng, đủ ba hồn chín vía của cõi nhân gian.

Chúc các đồng nghiệp luôn tự làm mới mình, làm mới tờ báo của mình, không “bắt gà chết”, không “hấp cơm nguội”, luôn mang tới cho bạn đọc những thông tin mới mẻ, hấp dẫn, da dạng, đa chiều, thiết thực, lành mạnh.   

Thứ Sáu, 10 tháng 6, 2016

Sông Nhuệ của tôi

Nhà tôi ở khu gia đình Viện quân y 103, Học viện Quân y, đất cũ làng Xa La bên sông Nhuệ. Lũ chúng tôi, ngày tắm sông vài buổi là thường. Nước sông Nhuệ bình thường khá trong, nhưng cũng nhiều khi đỏ nặng phù sa. Đó là khi Công ty Thuỷ nông sông Nhuệ mở cửa đập, đưa nước sông Hồng vào sông Nhuệ, tuới tắm cho khắp vùng Hà Đông, Hà Nam. Khi nước lên, chúng tôi rủ nhau kiếm que tre làm cần, chỉ khâu hoặc dây lõi pin Văn Điển làm dây câu, đập ruồi làm mồi để câu cá mương. Chỉ cần rắc ít thính xuống sông là cá mương kéo đến hàng đàn, cắn câu và bị giật lên bờ liên tục.
Nước rút, để lại lớp phù sa dày màu nâu đỏ. Bọn trẻ con chúng tôi hay làm cầu trượt bằng phù sa để trượt từ bờ sông xuống nước, hoặc vùi mình trong lớp phù sa mịn mát ấy. Không thể quên cảm giác khoan khoái tuyệt vời những khi đó. Tắm bùn khoáng Tháp Bà Nha Trang cũng không bằng đùa nghịch với phù sa sông Nhuệ.
Sông Nhuệ, đoạn giữa khu tập thể Học viện Quân y và làng Hà Trì 
Cũng nhiều khi, chúng tôi chửi nhau với bọn trẻ con bên làng Hà Trì. Bọn tôi thường thắng, với câu chửi kinh điển “Hà Trì là con Xa La, Xa La là cháu viện 3, viện 3 là cha Yên Phúc, Yên Phúc là cục mắm tôm”. Chửi nhau chán thì lấy đất, đá, mảnh sành ném nhau. Thỉnh thoảng bên này bơi sang bên kia tấn công. Có lần, hồi tôi học lớp 4, chúng tôi bị bọn trẻ Hà Trì tập kích. Chúng bơi qua sông ở đoạn khác, rồi lẻn tới chỗ chúng tôi để quần áo, ôm sạch. Lần đó, may có thằng bạn để quần áo ở chỗ khác, nó cho tôi mượn cái áo để về nhà…    
Sông Nhuệ cũng là một nguồn sống của gia đình tôi. Bên bờ sông, nhà tôi có một mảnh vườn, chừng dăm chục mét vuông. Rau muống, xu hào, rau dền, đậu cô-ve, cà chua, thì là…, mùa nào thức nấy, chính tay tôi đã trồng chừng ba bốn chục loại rau ở mảnh vườn ấy. Lâu lâu cả nhà, từ bố mẹ đến anh chị em chúng tôi, kể cả mấy đứa em gái lại xắn phù sa dưới sông lên bồi cho vườn. Chẳng cần mai hay xẻng, chỉ cần dùng tay xắn từng miếng phù sa bỏ vào xô, xách lên vườn. Rau trồng trên đất phù sa mới, xanh tốt lạ. Dọc mùng cao quá đầu tôi, còn rau cải xanh, mỗi bữa chỉ cần tỉa mươi lá là đủ cho cả nhà gần chục người… Rồi nhà tôi còn làm chuồng lợn ở đó. Nhờ nuôi lợn, tắm lợn mà có lần tôi làm bài văn tả lợn được cô giáo chủ nhiệm lớp khen hay, đọc bài văn trước lớp.
 Khi nước sông Nhuệ cạn, chúng tôi hay đi xúc hến, mò trai. Lội dọc mép nước, lấy rổ xúc bùn phù sa rồi dùng tay chà cho phù sa tan chảy theo nước, hến và trùng trục ở lại. Nếu bắt trai thì mang theo cái chậu, lội ra chỗ nước sông sâu đến cổ. Dò dẫm bằng chân, thấy trai thì ngụp xuống móc lên. Chừng tiếng đồng hồ là đủ nguyên liệu cho nồi canh hến, cháo trai ngon tuyệt!

          Bây giờ, những chuyện trên đã thành cổ tích. Sẽ chẳng bao giờ có thể tắm ở sông Nhuệ được nữa. Không được như nhạc sĩ Hoàng Hiệp “lòng chợt vui, thấy sông không già”. Sông Nhuệ đã thành dòng sông đen, nước sông Nhuệ bây giờ còn kinh khủng hơn nước sông Tô Lịch. Sông Nhuệ của tôi đã chết.

          Nghe nói Hà Nội đã có dự án hồi sinh sông Nhuệ. Bao giờ cho đến ngày xưa!

Thứ Bảy, 4 tháng 6, 2016

Ngài Bob Kerry hay lão Kerry?

Tôi tin rằng, ít ngày nữa, sau khi đã đọc, đã nghe những ý kiến về việc mình làm Chủ tịch Hội đồng Tín thác của trường Đại học Fulbright Việt Nam, đã có thời gian suy nghĩ, Bob Kerry sẽ rút lui khỏi vị trí đó.
Những người ủng hộ ông Bob Kerrey làm Chủ tịch Hội đồng Tín thác của trường Đại học Fulbright Việt Nam (FUV) nói rằng, Bob Kerrey đã sám hối, đã làm nhiều việc để hàn gắn quan hệ Việt –Mỹ. Họ bảo phải biết tha thứ, chê rằng những người phản đối Kerry ở vị trí lãnh đạo FUV là hẹp hòi, rằng dân tộc cứ bị quá khứ ám ảnh mãi thì sao tiến bộ, văn minh được…
Các bạn và tôi làm gì có tư cách để nói về tha thứ hay không tha thứ. Những người có quyền nói điều đó là người thân của 20 phụ nữ, trẻ em, người già bị ông ta và đồng bọn thảm sát tại Thạnh Phong,  Bến Tre, ngày 25/2/1969. Ông ta đã được thân nhân của các nạn nhân tha thứ. Nhiều người Việt Nam khác cũng đã tha thứ cho những lính Mỹ đã trực tiếp bắn chết người thân của họ.
Nhưng, tha thứ không có nghĩa là chấp nhận để Bob Kerry ở vị trí lãnh đạo FUV. Phản đối Kerry ở vị trí lãnh đạo FUV không có nghĩa là không tha thứ cho ông ta. Bàn về điều này, cũng nên biết về vai trò của Đại học Fulbright Việt Nam. Tại sao Tuyên bố chung Việt – Mỹ ngày 23/5 nêu việc mở Đại học Fulbright Việt Nam? Tại sao trong bài phát biểu ở Trung tâm Hội nghị quốc gia Hà Nội ngày 23/5, Tổng thống Mỹ Obama dành nhiều thời gian để nói về việc mở Đại học Fulbright Việt Nam? Vì Đại học Fulbright là một trung tâm truyền bá văn hóa, tư tưởng Mỹ, tương tự Học viện Khổng tử của Trung Quốc, việc mở FUV như một biểu tượng của sự hợp tác giáo dục Mỹ - Việt. Ở cương vị Chủ tịch Hội đồng Tín thác của FUV, chắc chắn Bob Kerry sẽ xuất hiện thường xuyên ở các sự kiện, trên các phương tiện truyền thông. Sự xuất hiện thường xuyên của ông ta có giúp củng cố mối quan hệ hữu nghị Việt – Mỹ, hay vô tình mở lại vết thương cũ trong lòng người dân Việt Nam, gây chia rẽ mối quan hệ đang tốt đẹp hơn bất cứ thời điểm nào trong quan hệ giữa hai nước?    
Bà A có chồng bị ông B giết hại. Tôi sẽ hoan nghênh việc ông B xin lỗi bà A, hoan nghênh việc ông ta lo lắng, chăm sóc cho con cái bà A, ngoài những việc ông ta bắt buộc phải làm, theo pháp luật. Tôi sẽ rất cảm phục, tán thành việc bà A tha thứ cho ông B, không đòi tòa xử tử hình ông ta, chấp nhận để ông ta giúp đỡ con mình. Nhưng tôi sẽ cho là bà A thiếu tự trọng, bạc nghĩa với chồng khi để ông B thoải mái xoa đầu con mình, nói cười rôm rả trong đám giỗ chồng mình.  
Tôi tin rằng, ít ngày nữa, sau khi đã đọc, đã nghe những ý kiến về việc mình làm Chủ tịch Hội đồng Tín thác của trường Đại học Fulbright Việt Nam, đã có thời gian suy nghĩ, Bob Kerry sẽ rút lui khỏi vị trí đó. Tôi sẽ tôn trọng Bob Kerry hơn nhiều nếu ông ta làm việc đó, sẽ tin rằng ông ta thực tâm muốn mang lại điều gì đó tốt đẹp cho người Việt Nam, cho quan hệ Việt – Mỹ.

Bằng không, tôi sẽ nói, Bob Kerry, ông vẫn là kẻ sát nhân.