Thứ Ba, 25 tháng 3, 2014

Tỏi của người Lý Sơn trên đất Khánh Hòa

Mùa thu hoạch tỏi đang rộ ở thị xã Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh. Với tổng diện tích trồng tỏi khoảng trên 300 ha, vùng tỏi Khánh Hòa còn lớn hơn vùng tỏi Lý Sơn cả về diện tích lẫn sản lượng.
Đống tỏi ngồn ngộn vừa thu hoạch ở thôn Ninh Yển, xã Ninh Phước
Một trong những người dân huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đầu tiên vào Khánh Hòa lập nghiệp gần 20 năm trước là ông Võ Ái Nhân. Hiện nay, ông Nhân và những người thân thuộc có hơn 10 ha tỏi ở các xã Ninh Phước, xã Ninh An, Ninh Sơn, thị xã Ninh Hòa. 
Ông Võ Ái Nhân tại vườn tỏi của gia đình ông ở thôn Ninh Yển, xã Ninh Phước  
Sau Ninh Phước, người Lý Sơn tiếp tục phát hiện những khu đất thích hợp tại thị xã Ninh Hòa để trồng tỏi, như xã Ninh Vân, xã Ninh An, xã Ninh Sơn… 
Vườn tỏi của chị Bùi Thị Nguyệt ở thôn 1, xã Ninh Sơn, thị xã Ninh Hòa
Có một vùng tỏi của người Lý Sơn ít được mọi người biết đến. Đó là các các vườn tỏi ở Bãi Dừa, Bãi Tranh, Bãi Voi, Bãi Lớn, Lỗ Hầu… trên đảo Hòn Lớn, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh. Để trồng được tỏi ở đây, những người dân Lý Sơn phải chở cát san hô từ xã Ninh Phước, xã Ninh Hải (thị xã Ninh Hòa) và xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh ra. Như chị Võ Thị Lắm từ xã An Vĩnh (Lý Sơn) tới bãi Lỗ Hầu (thôn Ninh Đảo, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh) từ năm 1999, nay có 15 sào tỏi mỗi năm thu được hai, ba trăm triệu đồng.
Chị Võ Thị Lắm nói, mỗi năm chị phải mua vài chục ghe cát san hô để cải tạo vườn tỏi
Chị Võ Thị Mai, từ Lý Sơn vào Bãi Dừa, đảo Hòn Lớn từ năm 2004, nên nghĩa vợ chồng với anh Phạm Ngọc Hậu ở thôn Xuân Tự (Vạn Hưng, Vạn Ninh). Đội nắng gội mưa, bứng từng gốc cây, moi từng viên đá để dọn mặt bằng, hiện nay họ có hơn 1 ha vườn tỏi.

Từng là một ngư phủ lão luyện, thuộc từng bãi đá ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, ông Nguyễn Sanh phải xa nghề biển do bị thương nặng sau một tai nạn. Gia đình ông Sanh từ xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn vào Bãi Dừa từ năm 2000, đến nay đã tạo dựng được tại đây vườn tỏi khoảng 3 ha. 
Ông Sanh tưới tỏi, năm 2013
Đến vụ tỏi này, ông Sanh đã lắp xong giàn tưới tự động, không phải tưới bằng tay nữa

Vụ tỏi năm nay, năng suất tỏi đạt khá cao, khoảng 6 – 7 tấn mỗi ha. Tuy giá tỏi có hạ, chỉ 30 triệu đồng/tấn, nhưng người trồng tỏi vẫn có lãi mỗi ha trên dưới 100 triệu đồng. 
Phơi tỏi tại xã Ninh Phước   

Thứ Tư, 19 tháng 3, 2014

Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin trong chiến dịch CQ88 – Sao không chiếm lại Gạc Ma?

Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin trong chiến dịch CQ88 –
Sao không chiếm lại Gạc Ma?
                                      
Nếu hiểu biết sâu hơn về CQ88, câu hỏi sẽ khác

          Sao không chiếm lại Gạc Ma? Rất nhiều người nêu câu hỏi đó, khi nhắc về một phần của máu thịt Việt Nam bị nước ngoài chiếm đóng ngày 14/3/1988. Nhưng sao chỉ hỏi “sao không chiếm lại Gạc Ma”?
          Sao không chiếm lại Gạc Ma? Nếu người hỏi chỉ thấy mỗi đảo Gạc Ma, không nhìn xa hơn, rộng hơn, sẽ chẳng có câu trả lời nào lọt tai họ.
          Ngoài bãi san hô Gạc Ma, từ đầu năm 1988 đến tháng 3/1988, Trung Quốc đã chiếm các bãi Chữ Thập, Châu Viên, Ga Ven, Su Bi, Huy Ghơ ở quần đảo Trường Sa, năm 1995 chiếm thêm đá Vành Khăn.  Philippines đang chiếm đóng 9 đảo ở Trường Sa, Malaysia đang chiếm đóng 5 đảo ở Trường Sa, Đài Loan (Trung Quốc) đang chiếm đóng đảo Ba Bình, đảo lớn nhất ở Trường Sa. Thay vì hỏi sao không lấy lại các đảo đó, tại sao chỉ hỏi “sao không chiếm lại Gạc Ma”?

Sao năm 1988 không chiếm lại các đảo bị Trung Quốc chiếm?
         
          Đại tá Nguyễn Văn Dân, nguyên Phó Tham mưu trưởng Vùng 4 Hải quân, người chỉ huy cụm 2 Trường Sa (cụm Sinh Tồn, bao gồm Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin) trong CQ88 trả lời câu hỏi này của tôi.
Nói năm 1988 mình thả lỏng để Trung Quốc chiếm đảo là hoàn toàn sai. Tôi là người trong cuộc, tôi rất hiểu. Mình chủ yếu là tàu vận tải, phương tiện thô sơ, đi ra đến đúng đảo chủ yếu là nhờ kinh nghiệm, xác định định vị dựa vào các tàu buôn lớn của nước ngoài. Cố gắng rất lớn. Vì đảo là đảo chìm, một bãi cạn mênh mang. Ý chí, quyết tâm của mình lớn, nhưng tiềm lực, khả năng của mình hạn chế. Phải thừa nhận với nhau chuyện đó. Nhưng không có chuyện thả lỏng Trung Quốc nó muốn làm gì thì làm. Quần đảo Trường Sa quá rộng, các điểm đảo cách nhau rất xa, mình chủ trương đóng giữ tất cả các đảo, nhưng phải chú ý đóng giữ các đảo lớn, bãi chìm lớn trước, bãi nhỏ sau. Nhiệm vụ của tôi là xây dựng xong hai nhà cao chân trên Đá Đông thì lên Ga Ven, làm xong nhà ở Ga Ven, nếu còn lực lượng, còn phương tiện thì mới giải quyết nốt Chữ Thập… Mà đúng cái mùa gió ghê gớm, thời tiết khắc nghiệt. Khi đi, tôi nói với sở chỉ huy, Liên Xô có phương tiện, mình phải nhờ để có gì họ cứu hộ cứu nạn với mình. Lúc sóng gió nguy cơ nhất, liên tục báo về tọa độ tương đối, để có gì là Liên Xô ra cứu hộ cứu nạn…  
   Người ta cứ thắc mắc, sao mình không đánh lại ở Gạc Ma. Thực ra mà nói, mình không có phương tiện để đánh. Như cái 605, có hai bệ pháo 40 ly của Mỹ ở mũi tàu, cũ rồi, đạn từ thời Mỹ, chưa chắc còn nổ được. Thứ hai, tàu Trung Quốc nó đậu cách mấy hải lý, nó dùng pháo lớn bắn vào mình. Mình bắn lại nó, cũng không bắn tới.
Sao mình không đưa tàu chiến ra?
Mình khẳng định chủ quyền của mình, đưa ra chủ yếu là các phương tiện vận tải, anh em công binh ra giữ chủ quyền. Chứ mình không đưa tàu chiến ra để đối đầu, nổ súng. Chủ quyền là của mình, mình có trách nhiệm tiếp tục đóng giữ, bảo vệ. Chủ trương của mình là vậy. Có đưa tàu chiến ra Trường Sa, là để tăng cường hỗ trợ bảo vệ. Khi mình có chủ trương tiến hành làm nhà cao chân trên tất cả các đảo chìm, mình dùng từ đóng giữ, vì chủ quyền của mình rồi, chứ không phải mình chiếm đóng. Chính vì quan điểm đó, nên chúng tôi dù khó khăn mấy cũng làm, bằng phương tiện thô sơ của mình. 
Còn Trung Quốc, họ muốn có chủ quyền bằng sức mạnh. Tức là, một cái tàu đưa người định chiếm đóng đảo nào thì có tàu chiến khác đi cùng, thậm chí là tàu tuần dương, như tàu 064, 062. Họ đi đâu đều có phương tiện đồng bộ, sẵn sàng nổ súng. Nếu lúc đó mình đưa tàu chiến ra, tình hình trở nên phức tạp hơn. Có thể xảy chiến tranh, khốc liệt hơn, mà hy sinh của mình lớn hơn. Vì Trung Quốc nó có phương tiện đầy đủ hơn. Nó đánh từ xa, phóng tên lửa từ xa, từ tàu tuần dương, tàu khu trục cỡ lớn.
Khi chiến sự xảy ra, lực lượng Liên Xô không tham gia, vì sẽ làm vấn đề trở nên phức tạp. Họ chỉ giúp mình xác định tọa độ, cung cấp cho mình các phương tiện, báo cho mình thông tin về lực lượng của nó. Chứ họ không ra mặt ở đó được. Tôi nghĩ, lúc đó nếu Liên Xô vào, là cái cớ để lực lượng Mỹ cũng có mặt, thì trở nên còn phức tạp nữa. Tranh chấp chủ quyền ở Trường Sa, đâu chỉ có Việt Nam và Trung Quốc.

Ngày 9/1/1988, Đảng ủy Quân chủng họp nhận định: Hải quân nước ngoài sẽ tiến hành các hoạt động quân sự tranh chấp chủ quyền hải đảo, chiếm một số bãi san hô nổi hoặc chìm khi nước lên, xen kẽ với các đảo của ta. Các nước ngoài có thể tranh chấp thêm các đảo kể cả khi có xung đột với nhau. Cũng có nước có thể chiếm đóng một số đảo nằm giữa Kỳ Vân và Ri-gân. Cuộc tranh chấp các đảo đang trở thành nguy cơ trực tiếp đe dọa Việt Nam và các nước trong khu vực. Ở Bắc Bộ, nước ngoài có thể triển khai thêm khu vực khai thác dầu khí, sử dụng không quân và hải quân bảo vệ gây tình hình căng thẳng ở khu vực này. Ở vịnh Thái Lan, Hải quân Mỹ thường xuyên qua lại có thể hỗ trợ cho hải quân Thái Lan mở rộng hoạt động, gây mất ổn định, uy hiếp chủ quyền vùng biển, hải đảo của ta ở phía Nam. Đảng ủy Quân chủng đề ra chủ trương: Tranh thủ thời gian, triệt để triển khai lực lượng đóng giữ trên các đảo. Không để nước ngoài thực hiện ý đồ cho lực lượng đóng xen kẽ với ta, hoàn thành việc đóng giữ các đảo trong ba năm (1988-1990). Trong năm 1988, triển khai lực lượng đóng giữ phải hết sức bí mật, đóng đảo nào, bảo đảm phòng thủ tốt trên đảo đó.
Lịch sử Hải quân Nhân dân Việt Nam (1955 – 2005)

Không chiếm lại các đảo bị Trung Quốc chiếm, ta làm gì?

Trong bản đồ, các đảo có chữ số màu đỏ là đảo được Hải quân Việt Nam đóng giữ trong CQ88, các đảo có chữ số màu đen là đảo bị Trung Quốc chiếm  

          Năm 1975, Việt Nam đóng giữ 5 đảo ở quần đảo Trường Sa: Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa.
          Năm 1978, Việt Nam đóng giữ thêm 4 đảo: An Bang (10/3/1978), Sinh Tồn Đông (15/3/1978), Phan Vinh (30/3/1978), Trường Sa Đông (4/4/19878). Tổng cộng đến năm 1978 ta đóng giữ 9 đảo ở quần đảo Trường Sa, đều là đảo nổi.
          Ngày 5/31987, Hải quân Việt Nam đóng giữ đảo Thuyền Chài.
          Trong chiến dịch CQ88, trước ngày 14/3/1988, Hải quân Việt Nam đóng giữ thêm 7 đảo: Đá Tây (2/12/1987), Tiên Nữ (25/1/1988), Đá Lát (5/2/1988), Đá Đông (19/2/1988), Đá Lớn (20/2/1988), Tốc Tan (27/2/1988), Núi Le (28/2/1988).
          Ngày 14/3/1988, ta đóng giữ thêm đảo Len Đao và đảo Cô Lin. Nhân đây cũng nói thêm về vài bài báo ca ngợi quân ta “chiếm lại Len Đao”. Đảo Len Đao có bị Trung Quốc chiếm bao giờ, mà ta chiếm lại. Ngày 14/3/1988, lực lượng ta trên tàu HQ-605 đã cắm được cờ trên bãi Len Đao, nhưng do Trung Quốc cản trở nên ta chưa thể dựng nhà được. Sau đó, trong thế hai bên rình rập nhau, ta đã khôn khéo chớp thời cơ, đổ người đổ phương tiện lên đóng giữ Len Đao, chỉ trong một đêm.
          Ngày 15/3/1988, chỉ một ngày sau sự kiện 14/3/1988, ta không lấy lại được Gạc Ma, nhưng đóng giữ thành công đảo Đá Thị, một vị trí rất quan trọng ở cụm đảo Nam Yết.
          Ngày 16/3, ta tiếp tục đóng giữ đảo Đá Nam. Tổng cộng trong CQ88, ta đóng giữ 11 đảo chìm.
          Tháng 11/1988, Hải quân Việt Nam bắt  đầu đóng giữ, bảo vệ khu vực DK1 ở thềm lục địa phía Nam.  

          Được, mất của ta sau CQ88 và sự kiện 14/3/1988, các bạn tự trả lời.


            

Thứ Tư, 12 tháng 3, 2014

Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin trong chiến dịch CQ88 – 2. Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin ngày 14/3/1988

        Hiện nay, sự kiện xảy ra ngày 14/3/1988 hay được gọi là hải chiến Gạc Ma. Không đúng, vì ngày đó súng nổ, máu đổ  không chỉ riêng ở bãi Gạc Ma, mà cả ở bãi Cô Lin, bãi Len Đao. Nhắc tới ngày 14/3/1988 mà chỉ nói riêng về chuyện xảy ra ở Gạc Ma, bỏ qua những gì diễn ra ở Cô Lin và Len Đao là phiến diện, không đầy đủ về sự kiện.
          Mọi người hay nói “64 liệt sĩ hy sinh ở Gạc Ma”, cũng không đúng. Trong số 64 liệt sĩ hy sinh ngày 14/3/1988, có 62 liệt sĩ hy sinh trên bãi Gạc Ma và tàu HQ-604, 2 liệt sĩ hy sinh cùng tàu HQ-605 ở cạnh bãi Len Đao.
          Có mấy tờ báo nói rằng quân ta bị tập kích ở Gạc Ma, rằng Trung Quốc chọn ngày 14/3/1988 để đánh ta ở Gạc Ma, vì ngày đó nước ta đang để tang cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng. Tào lao. Vì ngày 14/3/1988 là ngày các đơn vị của ta được lệnh đóng giữ các bãi Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma.
Các bãi Cô Lin, Gạc Ma, Len Đao trong cụm đảo Sinh Tồn
          Sách Lịch sử hải quân Nhân dân Việt Nam (1955 – 2005) có đoạn: Trước tình hình đó, ngày 4 tháng 3 năm 1988, Thường vụ Đảng ủy Quân chủng họp nhận định: Trung Quốc đã cho quân chiếm giữ Chữ Thập, Châu Viên, Ga Ven, Xu Bi, Huy Gơ, ta xây dựng thế trận phòng thủ ở các đảo Tiên Nữ, Đá Lát, Đá Lớn, Đá Đông, Tốc Tan, bước đầu ngăn chặn được hành động mở rộng phạm vi chiếm đóng của hải quân nước ngoài ra các đảo lân cận. Song đối phương có thể chiếm thêm một số bãi cạn xung quanh cụm đảo Sinh Tồn, Nam Yết và đông kinh tuyến 115 độ. Gạc Ma giữ vị trí quan trọng, nếu để hải quân nước ngoài chiếm giữ sẽ khống chế đường qua lại của ta tiếp tế, bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa. Vì vậy, Thường vụ Đảng ủy Quân chủng hạ quyết tâm đóng giữ các đảo Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao. Đây là một nhiệm vụ hết sức nặng nề, khẩn trương, bởi trong cùng một lúc hải quân ta phải triển khai đóng giữ cả 3 đảo trong điều kiện phương tiện, trang bị của ta cũ, thô sơ, lực lượng hạn chế.

            Gửi đồng chí Sơn – Thuyền trưởng HQ 605. Tư lệnh Hải quân lệnh: 1. Đúng 6 giờ ngày N phải chiếm Len Đao. 2. Sẽ có tàu chở hàng và nhà (nhà cao chân – Thiềm Thừ) tới sau. 3. Quy định: Khi nào nhận điện “Tiếp tế Sinh Tồn T42” thì ngay lập tức chiếm lĩnh Len Đao; 11 giờ ngày 13/3 có mặt tại Tốc Tan cập mạn tàu Đại Lãnh gặp đồng chí Cai (Trung tá Võ Tiến Cai – Thiềm Thừ ghi chú) – lữ phó 146 nhận nhiệm vụ cụ thể; Gạc Ma là điểm A, Cô Lin là điểm B, Len Đao là điểm C. Đó là nội dung điện tối mật ngày 11/3/1988 của Phó đô đốc, Tư lệnh Hải quân kiêm Tư lệnh Vùng 4 Hải Quân Giáp Văn Cương gửi Thuyền trưởng tàu HQ-605, Đại úy Lê Lệnh Sơn. Trung tá Đỗ Xuân Công, Phó Tham mưu trưởng Vùng 4 (sau này là Phó Đô đốc, Tư lệnh Hải quân) ghi chú trong bức điện: N là ngày 14/3. Trước đây có thống nhất với đ/c Cai là 7 giờ ngày N. Nay quyết định đúng 6 giờ ngày 14/3 tàu 605 phải chiếm được Len Đao. Để thực hiện được việc đó thì đúng 11 giờ ngày 13/3 605 phải tập kết ở Tốc Tan.

          Một số tàu khác cũng nhận được mật lệnh hành quân tới đóng giữ bãi Gạc Ma và bãi Cô Lin, như tàu HQ-604, HQ-505, HQ-614… Qua văn bản mật lệnh, có thể thấy Quân chủng Hải quân đã đoán biết (hoặc biết) ý định của Trung Quốc chiếm đóng các bãi Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin, nên ra lệnh hành quân khẩn trương, ngay cả khi tàu mới chỉ có người, chưa có vật liệu để tổ chức đóng giữ đảo.    
          Đang làm nhiệm vụ cạnh đảo Đá Đông, tàu HQ-605 nhanh chóng tới đảo Tốc Tan, rồi lên bãi Len Đao ở phía Bắc, đêm 13/3/1988. Từ bờ, tàu HQ-604 và tàu HQ-505 cũng ghé đảo Đá Lớn để nhận nhiệm vụ cụ thể, rồi hành quân xuống bãi Cô Lin, bãi Gạc Ma ở phía Đông Nam, chiều ngày 13/3/1988. Chỉ ít phút sau khi tàu HQ-505 và tàu HQ-604 thả neo, một tàu hộ vệ của Trung Quốc từ Huy Gơ chạy về phía Gạc Ma, áp sát tàu HQ-604 và dùng loa gọi sang, đòi tàu ta rời khỏi Gạc Ma. Đến chiều tối, Trung Quốc đưa tới thêm một tàu chiến, các tàu của họ thay nhau chạy quanh bãi Gạc Ma… Bộ Tư lệnh Hải quân ra lệnh, tổ chức đóng giữ bãi Gạc Ma ngay trong đêm 13/3.
Theo sách Lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam (1955 – 2005), khoảng 3 giờ sáng ngày 14/3/1988, lực lượng của Trung đoàn 83 Công binh bắt đầu chuyển vật liệu lên bãi Gạc Ma, lực lượng của Lữ đoàn 146 tổ chức cắm cờ và bảo vệ công binh làm nhiệm vụ. Khoảng 6 giờ ngày 14/3/1988, Trung Quốc điều tới thêm 2 tàu, dùng 3 thuyền nhôm đưa khoảng 40 lính lên bãi Gạc Ma, giật quốc kỳ Việt Nam, bắn chết Thiếu úy Trần Văn Phương, đâm trọng thương hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh. Bị quân ta đánh trả, địch rút quân ra xa, bắn vào các tàu ta và quân ta đang ở trên bãi Gạc Ma. Trung tá Trần Đức Thông, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 và Đại úy Vũ Phi Trừ, Thuyền trưởng HQ-604 chỉ huy bộ đội trên tàu sử dụng các loại súng AK, RPĐ, B40, B41 đánh trả quyết liệt. Bị trúng nhiều đạn pháo địch, tàu HQ-604 chìm dần xuống biển… Trung tá Trần Đức Thông, Đại úy Vũ Phi Trừ, Thiếu úy Trần Văn Phương và 59 đồng đội hy sinh, 9 người bị Trung Quốc bắt. Những người còn sống đi tìm vớt đồng đội hy sinh và bị thương, đưa lên một xuồng của công binh rồi bơi về phía tàu HQ-505 ở bãi Cô Lin.   
Tại bãi Cô Lin, tàu HQ-505 trúng đạn pháo địch, bị hỏng máy. Thiếu tá Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ chỉ huy khẩn trương sửa máy, rồi lệnh chạy cả hai máy tàu, ủi bãi Cô Lin. Thấy vậy, hai tàu Trung Quốc tập trung bắn dữ dội vào tàu HQ-505. Tàu HQ-505 trườn được hai phần ba thân lên bãi thì bốc cháy. Lực lượng trên tàu vừa triển khai dập lửa cứu tàu, bảo vệ bãi Cô Lin, vừa đưa xuồng đi cứu vớt đồng đội ở phía bãi Gạc Ma.
Trung úy Phạm Hữu Doan, Thuyền phó HQ-605 (người thứ hai từ phải qua), khi là sinh viên Học viện Hải quân Nikola Vaptsarov, Bulgaria, năm 1982 
Tại bãi Len Đao, sáng ngày 14/3/1988 tàu HQ-605 bị tàu địch bắn cháy, đến sáng ngày 15/3/1988 thì chìm hẳn. Trung úy Phan Hữu Doan, Thuyền phó tàu HQ-605 và trung sỹ Bùi Duy Hiển, báo vụ tàu HQ-605 hy sinh. Nhưng quân ta vẫn bám trụ tại bãi Len Đao. Tối ngày 14/3, khi tàu HQ-614 tới, lực lượng trên tàu HQ-605 đưa nhau bơi về đảo Sinh Tồn.
     Trong trận chiến ngày 14/3/1988 tại các bãi san hô Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao, chúng ta mất 64 người, bị bắn chìm bắn cháy 3 tàu. Nhưng những người lính Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng đã không bỏ chạy, không bỏ đảo, không bỏ đồng đội. Chiều ngày 14/3/1988, các tàu HQ-931, HQ-671, HQ-614 lần lượt tới tiếp ứng bảo vệ bãi Len Đao và bãi Cô Lin. Trung Quốc chỉ chiếm được bãi Gạc Ma.     

Kỳ trước: Gạc Ma trong chiến dịch CQ88 – 1. Những người ra trận
Kỳ sau: Sao không chiếm lại Gạc Ma? 

Chủ Nhật, 9 tháng 3, 2014

Kẻ sát nhân lương thiện

Hành động của Nga trong vụ khủng hoảng Ukraina khiến tôi liên tưởng đến "Kẻ sát nhân lương thiện" của Lại Văn Long

Thứ Bảy, 1 tháng 3, 2014

Phải là Cô Lin, Gạc Ma, Len Đao ngày 14/3/1988

Ngày 14/3/1988, súng nổ, máu đổ không chỉ riêng ở bãi Gạc Ma, mà cả ở bãi Cô Lin, bãi Len Đao. 
Nhắc tới ngày 14/3/1988 mà bỏ qua những gì diễn ra ở Cô Lin và Len Đao là phiến diện, không đầy đủ về sự kiện, có lỗi với những người đã hy sinh xương máu để giữ được đảo Cô Lin, đảo Len Đao.
Liệt sĩ, Trung úy Phạm Hữu Doan, Thuyền phó tàu HQ-605, hy sinh ngày 14/3/1988 khi bảo vệ đảo Len Đao. Trong ảnh lấy từ website của Học viện Hải quân Nikola Vaptsarov (Bulgaria), anh Doan đứng thứ hai từ phải sang, cùng các sinh viên Mozambik, Yemen và Nga tại Học viện Hải quân Nikola Vaptsarov năm 1982.