Thứ Hai, 22 tháng 5, 2017

Chỉ cần danh mục ca khúc bị cấm, thế thôi!

Không có việc Cục Nghệ thuật biểu diễn vừa cấp phép cho hơn 300 bài hát "nhạc đỏ", trong đó có Tiến quân ca, Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng..., mà chỉ là việc Cục Nghệ thuật biểu diễn cập nhật thêm các bài hát này vào danh mục các ca khúc đã phổ biến rộng rãi.
Tuy nhiên, việc tồn tại các danh mục ca khúc bị cấm, ca khúc được phổ biến rộng rãi, ca khúc được cấp phép sẽ còn tạo ra những chuyện gây dư luận không đáng có, cười ra nước mắt, làm khổ các cơ quan quản lý văn hóa địa phương và cơ sở kinh doanh dịch vụ ca hát...
“Công dân có thể làm tất cả những gì không bị cấm” là một trong những nguyên tắc cơ bản của nhà nước pháp quyền, pháp luật chỉ quy định những điều cấm, không quy định danh mục những hành vi được phép. Theo nguyên tắc tối thượng này, chỉ cần công bố, cập nhật danh mục các ca khúc bị cấm là đủ, khỏi cần xét cấp phép hay "đưa ca khúc vào danh mục phổ biến rộng rãi", khỏi cần các ông nghị chất vấn (chạy theo dư luận) "ai cho Cục Nghệ thuật biểu diễn quyền cấp phép Quốc ca", khối vị công chức không vin được vào cớ "bận xét cấp phép ca khúc" để lơ là các việc công cần kíp, thiết thực khác.

Chủ Nhật, 14 tháng 5, 2017

Bà Tư Hường, một phần tôi biết

Nữ doanh nhân Trần Thị Hường, thường được gọi là bà Tư Hường, Chủ tịch Tập đoàn Hoàn Cầu, cố vấn cao cấp của Ngân hàng Thương mại cổ phần Nam Á (Nam A Bank), người vừa qua đời vào sáng ngày 13/5 ở tuổi 82 là một nhân vật đặc biệt trong giới kinh doanh tại Việt Nam.
  Bà Tư Hường cùng ông Nguyễn Văn Tự, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa cùng quan khách cắt băng khai trương Diamond Bay City, ngày 30/6/2008

Nữ tài phiệt học chưa hết lớp 5

          Bà Tư Hường sinh ngày 20/4/1936 ở xã Hoài Thanh (Hoài Nhơn, Bình Định), trong một gia đình nghèo. Bà từng kể: Tôi học không hết lớp 5, phải đi ở, rồi đi học may, học nhuộm quần áo, đi bán hàng, từng bước đi lên. Vợ chồng bà có tới 10 người con, trong đó có 3 con trai. Sau năm 1975, 5 người con của bà tìm cách ra nước ngoài, rồi định cư tại Canada. Năm 1979, gia đình bà Hường chuyển vào Thành phố Hồ Chí Minh. Với số vốn tích cóp cùng sự tháo vát, năm 1982 bà trở thành đại lý cung ứng thủy sản của Tổng Cty Thủy sản Seaprodex.
Ngày 19/1/1993, bà Tư Hường sáng lập và làm Chủ tịch Hội đồng thành viên Cty TNHH Thương mại và Xây dựng Hoàn Cầu tại Thành phố Hồ Chí Minh, với số vốn điều lệ 193 tỷ đồng. Cũng năm này, bà liên doanh với UBND tỉnh Khánh Hoà lập Cty Bia Vinagen, sau đó vài năm bán lại cho tập đoàn San Miguel (Philippines), thu lãi ít nhất 5 triệu USD. Kể từ đó, bà Tư Hường phất lên vùn vụt. Hiện nay, tập đoàn Hoàn Cầu có hàng chục công ty con, với số vốn điều lệ 1.170 tỷ đồng. Những dự án lớn của tập đoàn Hoàn Cầu là Khu nghỉ dưỡng Diamond Bay City và Nha Trang Center (Nha Trang, Khánh Hòa) dự án chung cư cao cấp Cantavil Hoàn Cầu ở Thành phố Hồ Chí Minh, trường Đại học Quang Trung (Quy Nhơn, Bình Định), Đà Lạt Palace Golf Club... Hiện nay, gia đình bà Hường tập trung kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản (tập đoàn Hoàn Cầu) và ngân hàng (Ngân hàng cổ phần Nam Á).
Cho đến vài năm gần đây, dù tuổi đã cao nhưng bà Tư Hường vẫn tham gia điều hành tập đoàn Hoàn Cầu, có ý kiến quyết định về những vấn đề lớn. Theo người thân và cộng sự của bà Tư Hường, bà là người nghiêm khắc, quy củ và có cá tính mạnh mẽ.
Tuy khó biết được bà Tư Hường có bao nhiêu tài sản, nhưng giới kinh doanh cho rằng bà là một trong những người giàu nhất, có thế lực không nhỏ ở Việt Nam.

Những vụ kinh doanh điển hình của bà Tư Hường

Theo tạp chí Forbes, bà Tư Hương thành công nhờ nắm bắt xu thế: Trong giai đoạn mở cửa, các thủ tục hành chính nhiêu khê khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài nản lòng, họ chọn cách mua lại những công ty có sẵn thay vì xây dựng từ đầu. Còn theo Thanh tra Chính phủ, Cty Hoàn Cầu của bà Tư Hường phương châm kinh doanh chủ yếu là đầu tư bất động sản lớn tại vị trí đẹp, đồng thời liên doanh với các doanh nghiệp Nhà nước được giao đất, qua đó đầu tư thu lợi nhuận hoặc chuyển nhượng dự án.  
Năm 1993, UBND tỉnh Khánh Hoà và bà Tư Hường liên doanh lập Cty TNHH Bia Khánh Hoà (Bia Vinagen). Cuối năm 1993 Vinagen liên doanh với Tập đoàn San Miguel (Philippines) để lập Cty Bia Rồng Vàng, rồi tỉnh Khánh Hoà nhượng phần của mình trong liên doanh cho bà Tư Hường. Cuối cùng, bà Tư Hường nhượng toàn bộ phần của mình cho San Miguel, Phi vụ này, bà Tư Hường lãi ròng 5 triệu USD, còn cán bộ và nhân dân trong tỉnh Khánh Hòa bất bình với lãnh đạo tỉnh. Cũng bên quốc lộ 1A ở xã Suối Hiệp (Diên Khánh, Khánh Hòa) chỉ cách Cty Bia San Miguel vài trăm mét là Nhà máy nước uống tăng lực Lipovitan, trước đây của Cty Hoàn Cầu. Cty Hoàn Cầu xin được đầu tư dự án, xây dựng vỏ nhà máy với mức đầu tư 5 triệu USD rồi nhượng lại cho Cty Taisho (Nhật) với giá 17 triệu USD.
Năm 1994, Cty Hoàn Cầu xây dựng nhà máy Sài Gòn Cola ở quận Thủ Đức (Thanh phố Hồ Chí Minh) rồi chuyển nhượng lại cho Coca Cola với giá 15 triệu USD.
 Có nghịch lý ở ngành địa ốcnhiều doanh nhân được liệt vào hàng đại gia nhưng rất ít sản phẩm. Bà Tư Hường là một trong số này.
Ông Nguyễn Văn ĐựcPhó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh nói với tạp chí Forbes 
Được tỉnh Khánh Hòa ưu ái

Nói đến bà Tư Hường, người ta thường nhắc đến Khu nghỉ dưỡng Diamond Bay City ở Sông Lô (xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang). Năm 2001 Cty Hoàn Cầu được giao hơn 180 ha đất để thực hiện dự án này, hiện nay dự án có diện tích khoảng hơn 250 ha. Ở vị trí thuận lợi, có đủ điều kiện để xây dựng trở thành một khu du lịch, giải trí có tầm cỡ, lại có lợi thế đi trước, nhưng hiện nay Diamond Bay City lép vế so với nhiều khu du lịch, giải trí khác ở Nha Trang. Cty Hoàn Cầu được cho là có công đưa cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ thế giới năm 2008 về Việt Nam (tổ chức tại Diamond Bay City tháng 7/2008), nhưng thực ra công đầu là của bà Đoàn Kim Hồng, Cty CIAT. 
Trong 15 năm từ năm 1994 đến năm 2009, bà Tư Hường mua toàn bộ sản lượng yến sào của tỉnh Khánh Hòa theo từng gói 5 năm, mỗi năm tỉnh phải bán ít nhất 2000kg yến sào cho bà Tư Hường. Trong khi yến sào của Hội An, Bình Định được bán với giá 2500 USD/kg đến trên 3000 USD/kg qua đấu giá, tỉnh Khánh Hoà bán yến sào cho bà Tư với giá chỉ trên 1000 USD/kg. Chẳng hạn, trong 5 năm 2005 - 2009, tỉnh bán yến sào cho bà Tư Hường với giá 1266 USD/kg, bà Tư Hường đã trả trước cho tỉnh 12.660.000 USD. Sau này, yến sào Khánh Hòa được bán đấu giá, bà Tư Hường không mua nữa.
          Từ năm 2001 đến năm 2004, UBND tỉnh Khánh Hoà giao cho Cty Hoàn Cầu 7 dự án, sử dụng 1042,34 ha đất. Trong đó, ba dự án tại thị xã Ninh Hòa đến nay vẫn dở dang, đó là dự án Khu dân cư Ninh Thủy (87 ha), dự án Khu dân cư Ninh Long (396 ha) và dự án đầu tư cơ sở hạ tầng khu công nghiệp Ninh Thủy (206 ha). Khu đất 20 Trần Phú rộng 10.000 m2, vốn là Thư viện tỉnh Khánh Hoà, một trong những khu đất vuông vức, ở vị trí đẹp nhất Nha Trang được giao cho Cty Hoàn Cầu thực hiện dự án Nha Trang Center. Năm 2016, trong khi việc hoán đổi các công sở ở khu vực đường Trần Phú cho các doanh nghiệp còn đang gặp nhiều ý kiến bàn cãi, Cty cổ phần Thanh Yến thuộc tập đoàn Hoàn Cầu đã lặng lẽ xây dựng dự án Nha Trang Center 2 trên khu đất trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa tiếp giáp Nha Trang Center, có hai mặt tiền đường Lý Tự Trọng và đường Trần Hưng Đạo, đối diện trụ sở Tỉnh ủy Khánh Hòa.   
          Tôi gầy dựng sự nghiệp từ bản thân, bước chân tôi đi từng bước, ngoài ra không lợi dụng ai, ông nào. Tự tôi đi, thấy chân không vững thì không đi. Nếu có nhờ là khi tôi thấy việc đó đúng thì yêu cầu nhà nước ký cho tôi, đó là nhờ về giấy tờ thôi.
          Bà Tư Hường trả lời câu hỏi của đài BBC, sự nghiệp của bà có nhờ vào quen biết với giới quan chức hay không?  

Thứ Sáu, 12 tháng 5, 2017

Chân thành và giả tạo

          Ngồi cà phê, lướt phây của một người hay viết về sự chân thành, bao dung và tử tế. Thấy anh bạn ngó qua, mới hỏi có biết anh này không? Biết. Anh bạn kể, anh và anh kia trước chung cơ quan, vẫn thường xưng hô ông tôi vì xêm xêm tuổi nhau. Nhưng khi anh được giao đi thẩm tra lý lịch anh ấy, anh ta gọi anh bằng anh, xưng em. Sau đó, do lý lịch có một điểm mờ, con đường chính trị ngưng lại, anh ta lại ông tôi với anh bạn, nhưng không còn thân mật nữa. “Thật ra tôi thấy xa cách, không thật từ khi ổng xưng em với tôi”, anh bạn nói.
           Xem facebook của một vài người sống bằng nghề viết, nghề nói (người viết báo, viết văn thơ, thầy cãi...), thấy họ hay viết kiểu lập lờ, người đọc đều thấy ẩn ý bỉ bôi thể chế hay một tổ chức, cá nhân nào đó, cạnh khóe một điều gì đó hoặc "khen đểu", nhưng bắt bẻ họ không dễ. Một kiểu xu thời hèn hèn. Những trang facebook kiểu đó thường làm tôi liên tưởng đến mảnh vải nhờ nhờ màu nước dưa, là nguồn cơn để tôi viết status “Trắng thì trắng, đen thì đen, đừng ra cái thứ nhá nhem, cháo lòng”. Có những người tôi không thích tiếp xúc, vì không muốn có cảm giác nhờn nhợn khi phải nghe họ nói không biết ngượng về “cái tâm”, về điều thiện. 
          Trái lại, có những người khiến tôi lắm lúc phát bực với cách cư xử bộc tuệch, lời nói thô kệch, có tay thậm chí tác phong lè phè, cư xử bỗ bã quá trớn, kiểu cậy mình lớn tuổi nên họp cơ quan vẫn gọi sếp là thằng, hoặc gọi ông anh “ê, ra đây tôi bảo cái này”... Nhưng họ vô tư, không làm màu, không giả dối nên nói chuyện, làm việc với họ bao giờ cũng thoải mái, tự nhiên.
          Một ông anh nói, như Quân cóc không bất mãn thì thôi, chứ mấy tay kia... Chả biết bác hiểu chuyện đời tôi đến đâu, nhưng câu nói đó cho thấy bác có não trạng lành mạnh, tâm thế đàng hoàng.
.