Thứ Tư, 19 tháng 11, 2014

Cô giáo của tôi

Đăng lại một bài viết từ năm 2009, thay lời chúc các thầy cô giáo

Cô giáo vỡ lòng
Lần đầu tiên đi học, cách đây đã hơn 40 năm. Hình như trước đó có đi nhà trẻ, nhưng chả nhớ tẹo nào. Chỉ nghe bác Cả kể, mình thường đứng bám song cửa sổ lớp gọi ra, bác Cả ơi Thiềm Thừ này! Chưa kịp lên mẫu giáo thì Mỹ ném bom miền Bắc, thế là anh lết đôi giày chuột khoét, em xách đôi dép tuột quai, ta lên đường đi sơ tán tèn ten tén ten… Bài hát nguyên bản chả nhớ, chỉ nhớ bản xuyên tạc!
Sơ tán lần thứ nhất 4 năm, có về quê nội Văn Giang một dạo, nhưng chủ yếu ở huyện Thanh Oai, Hà Tây. Xóm Thanh Giang xã Cao Viên, làng nón Chuông, các làng Cao Mật Thượng, Cao Mật Hạ, Thanh Thần xã Thanh Cao đều từng sơ tán tới. Ở Thanh Cao có đầm Thượng Thanh từng được giới thiệu và có ảnh trong sách giáo khoa địa lý, biết bơi do theo lũ bạn đi tắm ở đó. Khi đi học Vỡ lòng, đang ở Cao Mật Thượng. Nhớ, nhà mình ở cạnh khoa phẫu thuật của Viện quân y 103, ngày ấy cứ nghe gọi là phòng mổ, gần nhà thờ Cao Mật Thượng. 
Lớp vỡ lòng cũng gần nhà, cạnh nhà thờ. Sau này lớn chút nữa thì biết, nhà thờ là nơi an toàn, ít bị bỏ bom. Nhớ có mấy lần trốn học lủi vào nhà thờ xem các chị tập múa tập hát, nến trên tay, mắt long lanh. Rồi lần ông cha cố ở Thạch Bích về nhà thờ Cao Mật, thấy người lớn cung kính đón chiếc ô tô tiến vào sân nhà thờ, cũng cố chui lên trước. Lúc một ông áo đen, to cao, béo trắng trên ô tô bước xuống, vừa mong ông ấy nhìn mình, vừa sợ. Nhưng ông không nhìn…
Mang máng nhớ là lớp chỉ có khoảng mươi đứa, tường đất đắp dày để ngăn mảnh bom đạn. Không nhớ sách bút hồi đó có những gì, nhưng không có cặp, chỉ có chiếc bút chì, không có được một mẩu bánh mì con con như mèo con Vàng Anh (chính xác là nhà thơ Phan Thị Vàng Anh, không phải Hoàng Thuỳ Vàng Anh)! Cũng chẳng còn nhớ bảng, phấn ra sao, nhưng chắc rất tệ, vì đến năm học lớp 4 cả lớp vẫn dùng những chiếc bảng gỗ quét hắc ín, dùng được vài tháng là hết đen vì bị phấn mài mòn, những viên phấn rắn như sỏi. Ngoài o tròn như quả trứng gà, ô thời đội mũ, ơ đà có râu…, không còn nhớ lắm về những gì được học ở lớp vỡ lòng. Hình như chỉ học có vài tháng. 
Chỉ nhớ những câu hát như anh lết đôi giày chuột khoét, em xách đôi dép tuột quai, bé bé bằng rơm, hai tay bằng sắt hai chân bằng chì…, đi chăn bò, cầm cái roi đằng sau, bò không đi em lấy cái roi em…. Hát theo lũ bạn, theo các anh các chị, chứ cô giáo nào dạy xuyên tạc nhảm nhí thế. 
Trong trí nhớ, cô giáo vỡ lòng của mình còn trẻ, hiền và xinh. Vì cô trẻ, hiền và xinh nên mới dám và muốn lấy le với cô.
Chiều đó bố về, hút thuốc lá rồi quăng mẩu thuốc cháy dở ở góc sân. Tự nhiên ông con lại nổi tò mò, thử hút thuốc xem sao? Len lén nhặt mẩu thuốc phóng ra ngoài đường làng, chỗ cổng nhà thờ. Chợt thấy cô giáo đang gánh lúa về. Thế là ông cóc con ra đứng dang chân giữa đường, tay chống nạnh, miệng ngậm mẩu thuốc chặn đường cô giáo. Oai hùng lắm! Cô cười, khi đến gần cô hạ gánh lúa xuống, cầm mẩu thuốc vứt đi rồi bảo, còn hút thuốc nữa là cô mách bố mẹ đấy. Đó là kỷ niệm còn nhớ rõ nhất về cô giáo vỡ lòng. 
Nếu hồi đó có xếp hạnh kiểm, chắc mình bị hạnh kiểm kém?

Cô Hoàng Dân Hiên
Hồi xưa học cấp 3 Nguyễn Huệ ở Hà Đông, cô Hoàng Dân Hiên làm chủ nhiệm cả 3 năm, cô dạy môn Địa lý. Ba mươi năm rồi, vẫn nhớ cô Kim dạy Văn, cô Đính dạy Toán, cô Ly dạy Tiếng Nga, thầy Thịnh dạy thể dục, dạy Sử là thầy Nguyễn Vĩnh Thạnh, người dòng hoàng tộc, cùng đế hệ với vua Bảo Đại - Nguyễn Vĩnh Thuỵ… Các thầy cô, dù khó tính hay dễ tính – theo cách nhận xét của học trò - đều tận tình với học sinh. 
Nhớ có lần mùa đông, hơn 3 giờ chiều tôi còn trùm chăn nằm co ro. Nhưng trong lúc trời rét mướt đó, cô Hiên đi xe đạp đến thăm nhà tôi, nhà thằng Lân, thằng Hùng… để kiểm tra việc học hành. Nhớ có lần trong giờ ra chơi, tôi đùa nghịch làm vỡ kính cửa sổ. Tiết sinh hoạt lớp tuần đó, cô Hiên không phê bình nhiều về chuyện đùa nghịch làm vỡ kính, mà tỏ ý không vui vì tôi không tự giác làm bản kiểm điểm và thay lại miếng kính bị vỡ…
Có những tiết sinh hoạt lớp, cô Hiên dành phần lớn thời gian đọc sách cho cả lớp nghe. Nhớ nhất là cuốn Những tấm lòng cao cả của nhà văn Ý Edmondo De Amicis, hình như ngày đó phiên âm là Ét-môn-đô Đờ A-mi-xi. Mỗi tuần một câu chuyện về tình cảm gia đình, cha con, thầy trò, tình bạn, yêu quê hương, đồng cảm với những người bất hạnh… Trong đó có câu chuyện về con trai một nhân viên đường sắt. 
Để nuôi gia đình, ông bố phải làm thêm ban đêm cho một nhà phát hành bằng cách viết tên và địa chỉ những người mua dài hạn sách báo của họ. Thương bố, cậu con trai đầu Giu-li-ô cứ đợi đến nửa đêm, khi bố đi ngủ là cậu lén dậy viết thay bố, vì chữ viết của hai bố con rất giống nhau. Ông bố được trả thêm nhiều tiền, vui vì tưởng mình viết nhanh hơn trước. Trong khi đó, Giu-li-ô vì thức đêm viết giúp bố nên phờ phạc, học hành sút kém. Ông bố ngày càng thất vọng về đứa con. Nhiều lúc bị mắng, Giu-li-ô định thú thật với bố, định thôi không viết nữa. Nhưng cứ khi chuông điểm nửa đêm, cậu ta lại dậy, tiếp tục âm thầm với giấy bút. Bốn tháng trôi qua… 
Cho đến một hôm, bà mẹ thấy con trai xanh xao ốm yếu, lo lắng nói với chồng. Nhưng ông bố xẵng giọng, nó khoẻ ốm chẳng ảnh hưởng đến ông! Câu nói của bố khiến Giu-li-ô tê dại, như có mũi dao đâm thẳng vào tim cậu. Giu-li-ô quyết bỏ hẳn việc viết ban đêm, để lại học giỏi như trước, để lại được bố thương yêu như trước. Đêm đó, cậu vào phòng viết, chỉ để có lại lần cuối cảm giác một mình, âm thầm trong đêm khuya. Nhưng khi đèn đã thắp lên, những băng giấy trước mặt, cậu lại cặm cụi viết… Tiếng động do Giu-li-ô làm rơi sách đã khiến ông bố thức dậy, và hiểu hết. Ông bố ôm lấy con trai, mái tóc bạc kề trên mái tóc đen, nước mắt hoà vào nước mắt… 
Cô Hiên đã khóc khi đọc câu chuyện đó, và nhiều đứa chúng tôi cũng khóc. 

Nhân 20 Tháng 11, soạn hai entry cũ thành entry mới. Tình cờ nhận ra, hai entry từng viết về các thầy cô giáo lại là hai bài viết về cô giáo chủ nhiệm đầu tiên và cô giáo chủ nhiệm cuối cùng. Thật may mắn, hạnh phúc khi kỷ niệm về hai cô đều là kỷ niệm đẹp!  

Thứ Hai, 17 tháng 11, 2014

MƯƠI PHÚT HÀ NỘI

          Taxi Hà Nội rẻ hơn trong anh, vì phần nhiều là xe bốn chỗ, không phải xe bảy chỗ. Xe bốn chỗ cũng nhỏ hơn xe bốn chỗ trong đó. Các hãng taxi Hà Nội sắm xe nhỏ một phần để luồn lách trên đường đông chật, nhưng cái chính là để vào được ngõ nhỏ phố nhỏ nhà tao ở đó. Có những ngách rất nhỏ, vào rất khó, ra còn khó hơn nhưng khách bắt đưa vào bằng được. Có thể họ khó chịu hơn khách trong đó, nhưng em nghĩ cũng phải thôi, họ bỏ tiền ra, muốn mình phải chiều họ.
           Hà Nội không cho hãng taxi tăng đầu xe, nhưng không hạn chế hãng xe mới. Trong đó chắc chỉ một vài chục hãng taxi, còn Hà Nội có trên trăm hãng taxi. Loạn taxi. Chưa kể taxi dù. Taxi dù chủ yếu của mấy ông sếp, mấy ông công an. Mua cái xe, cho thuê tháng chín triệu, khi cần đi gọi người thuê xe tới chở. Khỏe. Bọn xe dù chạy ẩu hơn bọn em. Bọn nó bị dừng xe, bị đòi phạt lỗi thì gọi chủ xe giải cứu. Xe bọn em vi phạm, công an cứ gửi giấy phạt đến công ty. Công ty nộp phạt, rồi sau đó khảo đầu bọn em.
          Các anh đến viện một linh tám, đi cổng nào? Cổng nhà tang lễ à, trước kia taxi chạy vào trong được, nhưng bây giờ phải dừng xe ở ngoài. Khách phải đi bộ từ cổng vào đến nhà tang lễ, để bọn bán hoa còn chào mời người ta mua vòng hoa.  
          Xe đến cổng nhà tang lễ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, một chị quần thun đỏ áo đỏ chặn đầu xe. Tôi làm trong viện, ông bạn đại tá trưởng khoa thò đầu ra cửa xe nói. Chị quần thun đỏ áo đỏ nhìn ông đại tá dò xét rồi miễn cưỡng tránh sang bên.

          Ông bạn bực bà bán hoa, còn mình khoái anh lái taxi. Thái độ dễ chịu, nói chuyện dễ nghe, nhiều thông tin. Hơn ối nhà báo. 

Thứ Bảy, 15 tháng 11, 2014

Vụ án Huỳnh Văn Nén: Trông chờ sự công tâm, khách quan

Công tâm, khách quan để tìm ra sự thật", đó là tiêu đề một bài tôi viết, đăng trên báo Tiền Phong số ra ngày 23/6/2001 về “vụ án vườn điều”, bây giờ nhắc lại có lẽ vẫn không thừa.

Ngày 12/11, Hội đồng giám đốc thẩm, TAND Tối cao đã chấp nhận kháng nghị của Viện KSND Tối cao, tuyên hủy phần tội danh và hình phạt tại bản án hình sự sơ thẩm số 96/2000/HSST ngày 31/8/2000 của TAND tỉnh Bình Thuận về tội “giết người”, “cướp tài sản” đối với ông Huỳnh Văn Nén, giao hồ sơ về cấp sơ thẩm để điều tra lại. Được phóng viên báo Tiền Phong báo tin qua điện thoại, cụ Huỳnh Văn Truyện, cha ông Huỳnh Văn Nén nói, cụ mới vui một nửa. Hành trình của cụ hơn 14 năm kêu oan cho con trai đã có kết quả quan trọng, nhưng cụ chưa vui với việc hồ sơ vụ án được giao về cấp sơ thẩm điều tra lại. “Xưa ông Mít xử, nay ông Xoài xử, nhưng vẫn là ông Bình Thuận, họ có điều tra xét xử công minh, có dám nhận trước kia họ sai không?” Cụ Truyện nói. Cùng suy nghĩ với cụ Truyện, ông Nguyễn Thận, nguyên Chủ tịch UBND xã Tân Minh, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hàm Tân (Bình Thuận) cho rằng, cần chuyển hồ sơ cho Cơ quan điều tra Bộ Công an điều tra, để bảo đảm công minh, khách quan. Ông Thận dẫn lại “vụ án vườn điều” để minh chứng cho ý kiến của ông. 
Đêm 18/5/1993, bà Dương Thị Mỹ ở thôn 2 (xã Tân Minh, nay là thị trấn Tân Minh, Hàm Tân) bị giết trong một vườn điều gần chợ Tân Minh. Công an Bình Thuận không tìm ra thủ phạm, nên tạm đình chỉ điều tra vụ án. Năm năm sau, đêm 23/4/1998, bà Lê Thị Bông cũng ở thôn 2 bị xiết cổ chết. Ngày 17/5/1998, cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Bình Thuận bắt tạm giam ông Nén. Trong trại giam, ông Nén nhận tội giết bà Bông, rồi khai đã cùng gia đình bên vợ giết bà Mỹ. Từ lời khai này, ngày 2/12/1998 cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Bình Thuận phục hồi điều tra vụ bà Mỹ bị giết, khởi tố ông Nén và 9 người trong đại gia đình bên vợ ông ta. Vụ án đó, sau này nổi tiếng với tên gọi “vụ án vườn điều”. Ngày 7/3/2001, TAND tỉnh Bình Thuận xét xử sơ thẩm (lần 1) “vụ án vườn điều’, tuyên phạt tù giam từ 2 năm đến 10 năm về tội “giết người” đối với 5 bị cáo, trong đó ông Nén bị phạt 6 năm tù. Ngày 14/6/2001 và ngày 5/4/2002, Tòa Phúc thẩm, TAND Tối cao tại TPHCM xét xử phúc thẩm (lần 1) “vụ án vườn điều". Tại đây, ông Nén phản cung, nói rằng những lời ông nhận tội và khai báo về hành vi phạm tội của những người khác là do bị đánh, bị bức cung, thực tế ông không biết gì về vụ bà Mỹ bị giết. Tòa phúc thẩm, TAND Tối cao tại TP Hồ Chí Minh tuyên hủy bản án sơ thẩm (lần 1) “vụ án vườn điều” để cấp sơ thẩm điều tra, xét xử lại. Sau đó trong trại giam ông Nén lại khai nhận tội với các cơ quan pháp luật tỉnh Bình Thuận. Từ ngày 27/7/2004 đến ngày 6/8/2004, TAND tỉnh Bình Thuận xét xử sơ thẩm (lần 2) “vụ án vườn điều”, tuyên án các bị cáo như bản án sơ thẩm (lần 1). Không những vậy, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Thuận, VKSND tỉnh Bình Thuận và TAND tỉnh Bình Thuận còn ký chung một văn bản, đề nghị các cơ quan pháp luật Trung ương xử lý các luật sư đã bào chữa miễn phí cho các bị cáo “vụ án vườn điều”. Mãi đến cuối năm 2005, sau khi Cơ quan điều tra Bộ Công an vào cuộc điều tra, “vụ án vườn điều” mới được khẳng định là vụ án oan. “Trong “vụ án vườn điều” ông Nén đã từng kêu oan trước tòa, nhưng sau đó trong trại giam lại phải khai nhận tội, dù thực sự bị oan. Lấy gì bảo đảm rằng chuyện sẽ không lặp lại, cơ quan điều tra cấp sơ thẩm sẽ làm việc thật sự công tâm, khi mà việc chứng minh ông Nén bị oan sẽ đồng nghĩa buộc tội họ đã làm sai?”. Ông Thận nói. Theo ông, như Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã nói, các cơ quan điều tra cần truy tìm ngay Nguyễn Thọ, người bị tố giác là hung thủ giết bà Lê Thị Bông. Tuy nhiên, nếu chưa tìm ra Nguyễn Thọ, chưa xác định được thủ phạm giết bà Bông nhưng khi đã xác định được rằng không đủ cơ sở kết tội ông Nén, phải trả tự do cho ông Nén.   
Nguyễn Thọ, người bị tố giác là hung thủ giết bà Lê Thị Bông, ảnh chụp năm 1998
LS Trần Vũ Hải, một trong ba LS bào chữa miễn phí cho các bị cáo trong phiên tòa sơ thẩm (lần 2) và phiên tòa phúc thẩm (lần 2) “vụ án vườn điều” cho biết, sẵn sàng bào chữa miễn phí cho ông Huỳnh Văn Nén trong giai đoạn tố tụng sắp tới. Theo LS Trần Vũ Hải, ông Nén cần có LS ngay từ đầu giai đoạn điều tra, để đảm bảo có LS trong tất cả các cuộc hỏi cung ông Nén, cũng như trong các hoạt động tố tụng khác của giai đoạn điều tra. “Cần phải như vậy, để tránh lặp lại chuyện LS do Tòa chỉ định không làm tròn trách nhiệm với bị cáo, như ở phiên tòa sơ thẩm vụ bà Bông năm 2000”. LS Trần Vũ Hải nói. Tuy nhiên, ông tin rằng việc điều tra lại vụ án Huỳnh Văn Nén sẽ được tiến hành công minh, sớm kết thúc với việc đình chỉ điều tra, trả tự do cho ông Nén, không cần một phiên tòa nữa.        

Thứ Bảy, 8 tháng 11, 2014

Người Hà Nội xấu xí

Chỉ cần một cớ vớ vẩn nào đó, "cộng đồng mạng" lại xúm nhau kể ra những tính xấu của người Hà Nội. Nào là trưởng giả học làm sang; nào là văn hóa giao thông kém, nói rộng hơn là ứng xử kém văn minh; nào là dịch vụ như đuổi khách; nào là kèn cựa đố kỵ; nào là sĩ diện hão, khệnh khạng tinh tướng...
Nhưng chưa thấy "cộng đồng mạng" kể một tính xấu nữa của người Hà Nội: Không lên mạng a dua nhau kể xấu người nơi khác!

Bản quyền ảnh ông Huỳnh Văn Nén

Những bức ảnh ông Huỳnh Văn Nén này là ảnh do tôi  - Nguyễn Đình Quân chụp. Báo nào đăng ảnh này cần nêu nguồn, nhé.  




Thứ Tư, 5 tháng 11, 2014

2 năm, còn như hết

Ngày 7/11/2012, ông Obama đắc cử Tổng thống Hoa Kỳ, nhiệm kỳ thứ hai, sau nhiệm kỳ đầu chưa được như cử tri Mỹ kỳ vọng. Khi đó, tôi viết bài "Mr. Obama, 4 năm nữa thôi nhé!" trên blog Yahoo plus, có câu "Năm 2008, nước Mỹ cần sự thay đổi. Năm 2012, nước Mỹ biết chờ đợi!" Nhưng có vẻ người Mỹ không chờ thêm 2 năm nữa, dù ông Obama vẫn còn 2 năm trên cương vị Tổng thống.


Thượng nghị sĩ Mitch McConnell cùng các thành viên đảng Cộng hòa mừng chiến thắng 

Thứ Ba, 4 tháng 11, 2014

Không thèm, không thích, không tiện, không thể?

Bạn hỏi, ông Đặng Ngọc Tùng đã có phản hồi về thư ngỏ gửi ông ấy chưa. Đã gần 4 tháng từ khi tôi đăng thư ngỏ, đúng một tháng từ khi tôi trao thư tận tay ông Đặng Ngọc Tùng, không thấy gì. Chắc ông ấy không thèm trả lời. 

Chủ Nhật, 2 tháng 11, 2014

Vi phạm nghiêm trọng trong quá trình tố tụng vụ án Huỳnh Văn Nén

Khi ông Huỳnh Văn Nén đã bị tù giam hơn 16 năm,  ngày 24/10/2014 Viện trưởng VKSND Tối cao mới ra Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, nhận định có nhiều thiếu sót, vi phạm nghiêm trọng trong mọi khâu của quá trình điều tra, xét xử vụ án Huỳnh Văn Nén. 
          Theo bản án hình sự sơ thẩm số 96/2000/HSST ngày 31/8/2000 của TAND tỉnh Bình Thuận, khoảng hơn 22 giờ ngày 23/4/1998 ông Huỳnh Văn Nén lẻn vào nhà bà Lê Thị Bông ở thôn 2, xã Tân Minh (nay là khu phố 2, thị trấn Tân Minh, Hàm Tân, Bình Thuận) qua cửa nhà dưới. Ông Nén lục tìm hai con dao để cắt lấy 2 đoạn dây dù buộc mô tơ bơm nước ở giếng nước, sau đó vứt bỏ đoạn dây ngắn hơn trong buồng tắm. Thấy bà Bông đang ngủ ở nhà dưới, ông Nén choàng dây qua cổ siết mạnh làm bà Bông ngã ngửa xuống đất rồi tiếp tục siết cho đến khi bà Bông không còn phản ứng. Sau đó, ông Nén lột chiếc nhẫn 1 chỉ vàng 24K ở ngón áp út bàn tay trái bà Bông, quấn sợi dây dù gây án vào bàn tay phải và cầm cả ổ khóa lẫn chìa khóa nhà bà Bông cho vào túi quần… Khi chạy khỏi nhà bà Bông, ông Nén vứt sợi dây dù trên đường chạy, vứt ổ khóa xuống suối Yên Ngựa rồi ngủ bên suối. Sáng hôm sau, ông Nén thấy chiếc nhẫn vàng đã mất.
          TAND tỉnh Bình Thuận xử phạt ông Nén tù chung thân về tội “giết người”, 3 năm tù về tội “cướp tài sản của công dân”, 2 năm tù về tội “cố ý hủy hoại tài sản của công dân” (đốt nhà ông Trần Bồ và ông Trịnh Văn Thảo), tổng hợp hình phạt là tù chung thân.
 Ông Nén (áo sọc) và người thân trong buổi giải lao tại phiên tòa xét xử phúc thẩm (lần 2) vụ án vườn điều, ngày 10/3/2005
Chưa đủ căn cứ kết tội 
Ngày 1/11, Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 30/QĐ-VKSTC-V3 ngày 24/10/2014 của Viện trưởng VKSND Tối cao đã được gửi tới địa chỉ nhà bà Huỳnh Kim Ngân, chị ruột ông Huỳnh Văn Nén tại thị trấn Tân Minh, bì thư ghi tên người nhận là Huỳnh Văn Nén. Theo quyết định này, vụ án Huỳnh Văn Nén là vụ án không quả tang, có rất nhiều thiếu sót, vi phạm trong quá trình điều tra, xét xử.
          Cơ quan điều tra không thu giữ được sợi dây dù ông Nén khai dùng để siết cổ bà Bông, ổ khóa nhà bà Bông và chiếc nhẫn 1 chỉ vàng 24K, các sợi dây thu giữ trong quá trình điều tra không liên quan đến sợi dây gây án. Khám nghiệm hiện trường thu được hai loại dấu chân: Tại sân gần hiên nhà chính có dấu bàn chân phải dài 23cm, rộng 9cm, rộng gót 4,5cm; trên mặt ghế salon trong nhà có ba dấu chân kích thước dài 22cm, rộng bàn 8,5cm, rộng gót 4cm (dấu chân bên phải nằm giữa ba dấu chân). Ngày 12/5/2000, cơ quan điều tra đưa chiếc ghế salon ở nhà bà Bông đến trại giam để ông Nén đứng lên, đo được dấu chân ông Nén dài 22,5cm, rộng bàn 8,5cm, rộng gót 4cm. Tòa sơ thẩm không tiến hành xác định sự đồng nhất giữa dấu chân để lại hiện trường và dấu chân của ông Nén (so sánh khoảng cách và chiều dài các ngón chân, so sánh về diện tích, khoảng cách các mu bàn chân, so sánh về các vân trong lòng bàn chân…). Do vậy, việc xác định dấu chân ở hiện trường là của ông Nén với suy luận “do có nhiều yếu tố tác động nên kích thước bàn chân có thể bị sai lệch” là không có cơ sở khoa học.
          Các lời khai nhận tội ban đầu của ông Nén không phù hợp với hiện trường, biên bản khám nghiệm tử thi. Các lời khai nhận tội sau mâu thuẫn với nhau, mâu thuẫn với lời khai của chị Phạm Thị Hồng (con gái bà Bông) và lời khai của một số nhân chứng. Ban đầu ông Nén khai dùng tay bóp cổ bà Bông, về sau ông Nén khai vòng dây từ phía sau siết cổ bà Bông, rồi lại có lời khai vòng dây qua cổ giật mạnh làm bà Bông ngã ngửa, sau đó mới dùng dây siết xuống cổ bà Bông. Theo biên bản khám nghiệm tử thi, ở dưới ngoài vú trái 13cm bà Bông còn có một vết bầm xuất huyết hình chữ V, cơ chế hình thành vết thương này chưa được làm rõ… Khoảng thời gian sau khi (bị cho là) giết bà Bông, ông Nén đi đâu, làm gì chưa được làm rõ.
          Từ những tình tiết nêu trên, VKSND tối cao thấy rằng Tòa án cấp sơ thẩm kết án Huỳnh Văn Nén về tội “giết người” và tội “ cướp tài sản” là chưa đủ căn cứ vững chắc.
Ngoài ra, đơn của anh Nguyễn Phúc Thành tố giác Nguyễn Thọ và Hồ Văn Việt giết bà Lê Thị Bông là nguồn tin tố giác tội phạm, nhưng chưa được điều tra làm rõ.
Viện trưởng VKSND Tối cao kháng nghị một phần bản án hình sự sơ thẩm số 96/2000/HSST của TAND tỉnh Bình Thuận, đề nghị Tòa Hình sự, TAND Tối cao xét xử vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm, hủy phần tội danh và hình phạt của bản án hình sự sơ thẩm nêu trên về tội “giết người”, “cướp tài sản” đối với ông Huỳnh Văn Nén, giao hồ sơ về cấp sơ thẩm để điều tra lại theo thủ tục chung.

VKSND tỉnh Bình Thuận đã thay thế cáo trạng số 84/KSĐT-TA ngày 27/7/2000 bằng cáo trạng số 84/KSĐT-TA ngày 16/8/2000, nhưng ngày 31/8/2000 TAND tỉnh Bình Thuận lại căn cứ vào cáo trạng số 84/KSĐT-TA ngày 27/7/2000 để xét xử, cáo trạng này không có trong hồ sơ. Việc xét xử như vậy là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.