Thứ Tư, 18 tháng 1, 2017

Những cái gai ở Trường Sa

     Hiện nay, từ các đảo Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn có thể thấy bằng mắt thường những công trình trên đảo Ba Bình và một số bãi đá san hô ở quần đảo Trường Sa bị Đài Loan (Trung Quốc) và Trung Quốc chiếm đóng trái phép.
          Đảo Ba Bình là đảo lớn nhất ở quần đảo Trường Sa, cách đảo Sơn Ca gần 7 hải lý về phía Tây, cách đảo Nam Yết khoảng 11 hải lý về phía Bắc. Đài Loan (Trung Quốc) chiếm đóng trái phép đảo Ba Bình từ năm 1956.
Cụm đảo Nam Yết ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, với các đảo Sơn Ca, Nam Yết, Ba Bình

  Đảo Ba Bình, nhìn từ đảo Sơn Ca
Bãi đá Ga Ven ở cách đảo Nam Yết hải lý khoảng 9 hải lý về phía Tây – Tây Bắc, bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ tháng 2/1988. Từ năm 2014, Trung Quốc đào xúc san hô, bồi đắp đá Ga Ven thành một đảo nhân tạo và xây dựng trên đó nhiều công trình cao, có thể nhìn thấy từ đảo Nam Yết bằng mắt thường. 
Đá Ga Ven, ảnh chụp từ đảo Nam Yết
          Đá Tư Nghĩa (Huy Ghơ) ở cách đảo Sinh Tồn 12 hải lý về phía Đông, bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép ngày 28/2/1988. Đá Gạc Ma ở cách đảo Sinh Tồn 11 hải lý về phía Nam – Tây Nam, bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép ngày 14/3/1988. Cũng như đá Ga Ven, từ năm 2014 Trung Quốc xây dựng đá Tư Nghĩa và đá Gạc Ma thành đảo nhân tạo, với những công trình có thể nhìn thấy bằng mắt thường từ đảo Sinh Tồn.  
Cụm rạn san hô Sinh Tồn, trong đó có bãi Tư Nghĩa và bãi Gạc Ma bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép
Thềm san hô đảo Sinh Tồn và đá Tư Nghĩa
Đá Tư Nghĩa, nhìn qua cánh trái âu tàu đảo Sinh Tồn

Đá Gạc Ma, nhìn từ trường tiểu học Sinh Tồn
Một tàu cá Việt Nam gần đá Tư Nghĩa

AI KHẮC THÊM CHỮ "CỰC ĐÔNG" Ở MỐC TỌA ĐỘ TẠI MŨI ĐIỆN?

Ngày 19/7/2012, tôi đến Mũi Điện và chụp ảnh mốc tọa độ cơ sở biển N18. Ở đây chả có chữ "Cực Đông" nào.

Vậy mà hôm nay, đọc bài của đồng nghiệp Lê Tấn Lộc trên báo Pháp Luật Thành Phố Hồ Chí Minh, thấy mấy vị quan chức Phú Yên nói rằng, ở mốc này có chữ "Cực Đông", đó là căn cứ pháp lý để Phú Yên nói rằng Mũi Điện là cực Đông đất liền Việt Nam. Hay nhỉ, căn cứ pháp lý chỉ là hai chữ "Cực Đông" khắc trên xi măng!

Phú Yên dựng bia "Cực Đông" từ năm 2011, tức là "lấy căn cứ pháp lý" từ cái Mốc tọa độ đó muộn nhất là năm 2011. Nhưng ngày 19/7/2012 tôi còn chụp bức ảnh mốc tọa độ N18 không có chữ "Cực Đông". Vậy ai đã đục thêm hai chữ này lên đó? Đục thêm nhằm mục đích gì?
Đồ giả dễ nhận ra, vì các chữ "Tong Cuc Dia Chinh", "Moc Toa Do Co so Bien" và "Nghiem Cam Pha Hoại" không có dấu, còn anh "Cực Đông" thêm vào lại đầy đủ dấu. 

Nói thêm, như dòng chữ trên mốc tọa độ đã nêu rõ, N18 chỉ là một trong nhiều mốc tọa độ cơ sở biển, được xác lập để làm cơ sở xác định đường cơ sở biển của Việt Nam, không phải để xác định các cực của Việt Nam.


Bổ sung:
Hôm qua, dòm cái ảnh mốc tọa độ cơ sở biển ở Mũi Điện có chữ "Cực Đông" trong bài trên báo PL TPHCM, vì ảnh size nhỏ nên tôi tưởng rằng đó là chữ đục vào xi măng. Hôm nay, vào fb của một bác, thấy cái ảnh size lớn, mới té ra chữ đó là chữ viết. Việc viết thêm vào, chứ không phải đục, khắc càng chứng tỏ cái sự nhận vơ, tùy tiện


Chủ Nhật, 15 tháng 1, 2017

Không thể để tiếp tục sự tùy tiện này

Các cơ quan Trung ương, như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông…, cả báo chí nữa rất đáng trách khi không lên tiếng trước việc lãnh đạo tỉnh Phú Yên tùy tiện coi Mũi Điện là cực Đông đất liền Việt Nam, tạo ra tình trạng “hai cực Đông”. 

 Các thế hệ học sinh Việt Nam đều được dạy, điểm cực Đông đất liền Việt Nam là Mũi Đôi, ở bán đảo Hòn Gốm, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Trong bài 2 (Vị trí địa lý, phạm vi lãnh thổ), sách giáo khoa Địa lý lớp 12 của NXB Giáo Dục ghi rõ: Điểm cực Đông đất liền Việt Nam nằm ở xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Tháng 3/2005, Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) công nhận danh thắng Mũi Đôi – Hòn Đầu là di tích danh thắng quốc gia, trong lý lịch di tích ghi rõ “Mũi Đôi (nằm ở 109027’55” kinh độ Đông) là điểm cực Đông trên đất liền của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Tuy nhiên, gần đây một số người ở tỉnh Phú Yên nói rằng Mũi Điện ở xã Hoà Tâm (Đông Hoà, Phú Yên) là cực Đông đất liền Việt Nam. Dịp kỷ niệm 400 năm Phú Yên và nhân Năm Du lịch quốc gia Duyên hải Nam Trung Bộ - Phú Yên 2011, UBND tỉnh Phú Yên đã cho xây dựng trên mỏm Rạng Đông của Mũi Điện một bia lưu niệm lớn, hai mặt bia đều ghi: Mũi Điện (Mũi Đại Lãnh), điểm cực Đông, nơi đón bình minh đầu tiên trên đất liền Việt Nam. Xuất hiện tình trạng nhiễu thông tin, nổ ra những cuộc tranh luận, cực Đông đất liền Việt Nam là ở Mũi Đôi, Khánh Hòa hay Mũi Điện, Phú Yên?
Hiện nay, việc sử hữu một thiết bị xác định tọa độ GPS là chuyện không khó. Nhiều người đã tới cả Mũi Điện và Mũi Đôi, xác định tọa độ GPS của hai địa điểm này để tự kiểm chứng. Họ đều đi tới kết luận, đúng hơn là xác nhận lại một điều đã được khẳng định từ lâu: Cực Đông đất liền Việt Nam ở Mũi Đôi, không phải ở Mũi Điện.  
Cực Đông đất liền Việt Nam chỉ có một mà thôi, đó là Mũi Đôi.
Thế nhưng, lãnh đạo tỉnh Phú Yên vẫn cố bám lấy cái điều sai trái do họ dựng lên. Sáng 1/1/2017, UBND tỉnh Phú Yên tổ chức tại Mũi Điện lễ chào cờ đầu năm mới và “các hoạt động chào đón những du khách đầu tiên đến Mũi Điện - điểm cực Đông trên đất liền Việt Nam năm 2017”.

Các giáo viên Địa lý ở tỉnh Phú Yên dạy bài về Vị trí địa lý, phạm vi lãnh thổ Việt Nam thế nào nhỉ, khi theo sách giáo khoa và thực tế Mũi Đôi là cực Đông đất liền Việt Nam, nhưng lãnh đạo tỉnh cứ nói rằng Mũi Điện là cực Đông đất liền Việt Nam?
Việc lãnh đạo tỉnh Phú Yên vì lợi ích cục bộ về du lịch, dựng lên chuyện cực Đông đất liền Việt Nam ở Mũi Điện là điều đáng trách. Đáng trách, đáng phê phán hơn nữa là các Bộ, các cơ quan có trách nhiệm, có thẩm quyền ở Trung ương cứ để mặc sự tùy tiện, gây nhiễu loạn thông tin về địa lý Việt Nam kéo dài nhiều năm trời.   
         


Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2017

Bốn cây di sản Việt Nam ở Trường Sa

    Những cây di sản rợp bóng trên các đảo Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn như những chứng nhân xanh cho sự hiện diện, làm chủ từ lâu nay của người Việt ở quần đảo Trường Sa.  
          Tháng 8/2014, Hội đồng Cây di sản Việt Nam (Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam) đã công nhận 4 cây ở huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa) là cây di sản Việt Nam, đó là một cây phong ba trên đảo Song Tử Tây, hai cây mù u trên đảo Sơn Ca và đảo Sinh Tồn, cây bàng vuông 8 nhánh trên đảo Nam Yết. Theo GS Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội đồng Cây di sản Việt Nam, những cây này đều có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, nguồn gen và cảnh quan môi trường.

Cây phong ba ở sau Sở chỉ huy đảo Song Tử Tây là cây lớn nhất trong hàng chục cây phong ba ở đây
Thầy giáo Lê Xuân Quyết, trường TH Song Tử Tây và các em học sinh bên cây phong ba di sản Việt Nam
Các chiến sĩ cùng nhau đọc sách, đọc thư nhà dưới bóng mát cây phong ba
Cây bàng vuông cổ thụ ở trung tâm đảo Nam Yết có tới 8 nhánh
Khách đến thăm đảo Nam Yết đều thích chụp ảnh kỷ niệm với lính đảo dưới gốc cây bàng vuông 8 nhánh
Thi gói bánh chưng bằng lá bàng vuông, dưới tán cây bàng vuông 8 nhánh
Trong khi phong ba và bàng vuông thuộc những loài cây đặc hữu của Trường Sa, cây mù u là loài cây đặc trưng của vùng Nam Bộ nhưng cũng có nhiều trên các đảo Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn… Không rõ mù u được trồng ở các đảo này từ khi nào, nhưng qua chu vi thân cây và diện tích tán cây có thể thấy rằng, nhiều cây mù u có tuổi đã khá cao.
Cây mù u ở công viên thanh niên đảo Sơn Ca là cây mù mu nổi tiếng nhất Trường Sa

Cây mù u này có nhiều nhánh tỏa đều ra các phía, che mát phân nửa công viên thanh niên đảo Sơn Ca
Cây mù u di sản Việt Nam ở đảo Sinh Tồn tỏa bóng mát ngay trước Sở chỉ huy đảo
Gốc cây mù u là nơi lý tưởng để quân, dân đảo Sinh Tồn ngồi trò chuyện, thưởng trà
Chào cờ dưới bóng mù u