Thứ Tư, 29 tháng 4, 2015

Mùa xuân thắng lợi của dân tộc Việt Nam

Mùa xuân 1975 là mùa xuân thắng lợi của dân tộc Việt Nam. Dù ai vui hay buồn, nói ngược hay nói xuôi cũng không thể phủ nhận điều đó.

https://www.youtube.com/watch?v=uk1i3HzZi0s 

Thứ Năm, 23 tháng 4, 2015

Cùng hân hoan

Báo Tiền Phong số ra ngày 6/5/1975 dành nguyên trang 15 để đăng chùm 6 tranh liên hoàn về 21 năm Mỹ can thiệp vào Việt Nam, từ 1954 đến 1975.
Tranh cuối cùng khá thú vị, với nụ cười của ba người Việt Nam. Anh lính giải phóng cười tươi, dĩ nhiên. Hai anh lính Sài Gòn cũng vứt súng, hân hoan...

Chủ Nhật, 19 tháng 4, 2015

THƠ TÌNH NGƯỜI ĐÀN ÔNG 70 TUỔI

Già sinh tật. Cỏ non chờ mưa hạ
Tôi loay hoay không thoát khỏi đàn bà
Suốt đời tôi dòng sông không tĩnh lặng
Suốt đời tôi chìm nổi khúc tình ca.
Nhà thơ Nguyễn Tường Văn từ Tuy Hòa vào chơi, tôi dẫn anh đi cà phê. Tường Văn gọi nhà thơ Trần Vạn Giã tới. Cà phê Mê Trang gần bờ biển, gió mát rượi và có một cái quạt, mà Trần Vạn Giã cứ kêu nóng. Thêm một cái quạt nữa, ông vẫn kêu nóng. Phải chuyển bàn, để nhà thơ xứ trầm hương Vạn Ninh được làm mát bằng ba chiếc quạt. Bù lại, được nghe ông đọc THƠ TÌNH NGƯỜI ĐÀN ÔNG 70 TUỔI
Cuối tháng ba gió chìm trong nỗi nhớ
Dạt cánh chim trên đồng cỏ gọi mùa
Hay là tôi trở về nhà gọi gió
Để thổi qua thơ một chút hương thừa
Đừng níu tay tôi sợ tan làn sương mỏng
Sợ tính đa tình tan vào mênh mông
Đừng thắp cho tôi thêm nhiều ánh lửa
Sợ vấp hoàng hôn dưới bước chân mình
Chiều trầm tư trang sách cũ lặng thinh
Nhìn bài thơ tình. Giật mình hư ảo
Chén trà lạnh. Tiễn đò qua bến khác
Quay lại đồi sim. Sim tím tự bao giờ
Già sinh tật. Cỏ non chờ mưa hạ
Tôi loay hoay không thoát khỏi đàn bà
Suốt đời tôi dòng sông không tĩnh lặng
Suốt đời tôi chìm nổi khúc tình ca.
TRẦN VẠN GIÃ

Thứ Năm, 16 tháng 4, 2015

“Hố đen” tệ hại

Từ sáng đến trưa ngày 13/5/2012, anh Ngô Thanh Kiều bị còng tay, còng chân trong phòng làm việc của Đội Điều tra tổng hợp, Công an thành phố Tuy Hòa (Phú Yên), bị đánh nhiều lần bằng dùi cui cao su, không được cho ăn. Đến 17 giờ 40 phút cùng ngày, anh Kiều được đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Yên, nhưng anh đã chết trước đó. Theo Trung tâm Giám định pháp y tỉnh Phú Yên, trên người anh Kiều có ít nhất 63 vết thương, anh chết do chấn thương sọ não, chấn thương phần mềm. Anh Kiều đã bị chết do những hành động tội ác, đó là điều không thể phủ nhận.   
Tại phiên tòa do TAND tỉnh Phú Yên mở từ ngày 7/4 đến ngày 15/4 để xét xử sơ thẩm (lần 2) vụ anh Kiều bị hành hạ đến chết, nhiều nhân chứng là sĩ quan công an khai, khi ăn cơm trưa ở cách nơi anh Kiều bị hành hạ chỉ 5 – 7 mét, họ có nghe tiếng anh Kiều kêu la. Họ nghe nhưng bỏ qua, tiếp tục ăn cơm. Ông Hà Văn Đại, cán bộ Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội, Công an tỉnh Phú Yên khai, khi vào phòng có thấy bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành dùng dùi cui đánh anh Kiều. Theo ông Đại, ông thấy việc đánh anh Kiều là sai, nhưng không can ngăn vì đó không phải là việc của ông, ông không được giao nhiệm vụ, muốn can ngăn cũng không được. Có những lời khai rằng, ngoài các bị cáo, còn có những người khác đánh anh Kiều... Dường như từ sáng đến trưa ngày 13/5/2012, phòng làm việc của Đội Điều tra tổng hợp, Công an thành phố Tuy Hòa là một cái “hố đen”. Cái “hố đen” ấy khiến nhiều sĩ quan công an nghe mà như không nghe tiếng kêu la của anh. Cái “hố đen” ấy bưng bít việc anh bị hành hạ. Cái “hố đen” ấy khiến cho đến tận lúc này, sau 3 phiên tòa, vẫn chưa rõ có bao nhiêu người đã đánh anh Kiều, thực sự ai là thủ phạm gây nên cái chết của anh.    
Theo báo cáo kết quả giám sát về tình hình oan sai, được trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 10/4, trong thời gian gần đây có 12 vụ án về tội dùng nhục hình, với 26 bị can, bị cáo. Đó là chưa kể tới một số vụ, người bị tạm giam, tạm giữ “tự sát” ở nơi bị tạm giam, tạm giữ, nhưng có những tình tiết khiến người thân của họ nghi là họ bị dùng nhục hình dẫn đến cái chết, như vụ chị Trần Thị Hải Yến, chết ở nhà tạm giữ, Công an huyện Tuy An (Phú Yên) chiều ngày 7/10/2013. Theo Ủy ban Tư pháp Quốc hội, việc bức cung, dùng nhục hình chủ yếu xảy ra ở giai đoạn điều tra đối với người bị tạm giữ, tạm giam. Việc tố giác bức cung, nhục hình và điều tra chứng minh việc bức cung, dùng nhục hình gặp nhiều khó khăn, do hành vi phạm tội xảy ra tại bối cảnh đặc biệt, địa điểm khép kín. Đó chính là những “hố đen”. Do đó, để chống bức cung, dùng nhục hình cần phải đưa vào Dự thảo Luật tạm giữ, tạm giam các hình thức giám sát việc hỏi cung, quyền giám sát việc hỏi cung của người quản lý tạm giữ, tạm giam… Tuy nhiên, vụ Ngô Thanh Kiều cho thấy, còn có những “hố đen” không phải ở nơi tạm giữ, tạm giam, mà ngay tại nơi làm việc của cơ quan điều tra. Cần có những biện pháp nghiêm khắc, hữu hiệu để không thể tồn tại những “hố đen” tệ hại ấy, để không tái diễn những vụ án đau xót, như vụ Ngô Thanh Kiều.  
     
       Tại Tòa, chị Ngô Thị Tuyết, chị ruột anh Ngô Thanh Kiều trưng ảnh chụp tinh hoàn anh Kiều bị bầm dập