Thứ Bảy, 31 tháng 5, 2014

Ngắm các bé cười mà rưng rưng

Mỗi khi ngắm ảnh hai bé khiếm thị Hồ Thị Ái Vy và Huỳnh Phan Anh Vũ, Trung tâm Hỗ trợ phát triển và hòa nhập Trẻ em khuyết tật tỉnh Đắk Lắk đắp núi cát, tôi lại như nghe thấy tiếng cười trong trẻo, hồn nhiên của hai bé
 Ngày hội trẻ em khuyết tật năm 2014 được tổ chức tại Khu Du Lịch Đảo Hòn Tằm, Nha Trang ngày 31/5 và ngày 1/6
 Các em chờ đến lượt được khám sức khỏe

Bé Nguyễn Văn Hiếu, Trung tâm Nuôi dạy trẻ mồ côi, khuyết tật Thiện Tâm (Hàm Tân, Bình Thuận) gài lại áo cho bé Nguyễn Ngọc Như Ý, cùng Trung tâm
 Nô đùa trong làn nước biển
 Thật là thích khi được xuống biển

 Các em bé khiếm thính vui vẻ vùi bạn trong cát
 Niềm vui của hai bé khiếm thị Hồ Thị Ái Vy và Huỳnh Phan Anh Vũ khi chơi trò xây núi cát
 Một em nhỏ ở Trường khuyết tật Sao Mai (Nha Trang, Khánh Hòa) đặc biệt thích thú khi được cưỡi rùa tắm biển
Các em trai ở Trường khuyết tật Sao Mai

Thứ Tư, 28 tháng 5, 2014

Chớ lơ là căn cứ của Trung Quốc ở đảo Chữ Thập

Về sự chiếm đóng của Trung Quốc ở Trường Sa, nhiều người dường như chỉ biết tới Gạc Ma, chỉ quan tâm tới Gạc Ma. Nhưng thật ra, thành công đầu tiên, quan trọng nhất của Trung Quốc ở Trường Sa là việc chiếm đóng đảo Chữ Thập, ngày 31/1/1988. Đảo Chữ Thập thuộc cụm đảo Nam Yết của quần đảo Trường Sa, nhưng cách xa các đảo khác của cụm này, và cũng khá cách biệt với các thực thể địa lý khác của quần đảo Trường Sa. Căn cứ của Trung Quốc trên đảo Chữ Thập là căn cứ gần bờ biển Việt Nam nhất, hiện nay cũng là căn cứ lớn nhất trong số các căn cứ của Trung Quốc ở Trường Sa.


Trong bản đồ, các đảo có chữ số màu đỏ là các đảo được Việt Nam đóng giữ từ tháng 12/1987 đến tháng 3/1988, các đảo có chữ số màu đen là các đảo bị Trung Quốc chiếm đóng từ tháng 1/1988 đến tháng 3/1988, theo thứ tự trước - sau.


Thứ Năm, 15 tháng 5, 2014

Chặn tay lũ khốn

Khi tôi đăng bài "Khốn nạn", nhiều bạn nói tôi viết nặng nề. Khác phong cách thường thấy của tôi. Nhưng tôi cho rằng, vào lúc này cần có thái độ mạnh mẽ, rõ ràng, để góp phần ngăn những chuyện như ở Bình Dương, ở Hà Tĩnh và những điều tồi tệ hơn đến với cuộc sống của gia đình tôi, của những bạn bè tôi, của đất nước mình. 


Bài thơ này, tôi viết cách đây gần 30 năm.

Thủa nhỏ con của mẹ
Thích chơi trò bắn nhau
Mơ trong làn lửa đạn
Được xông lên hàng đầu

Đối với con khi đó
Chiến tranh sao giản đơn
Xông lên, và chiến thắng
Có gì còn đẹp hơn?

Nay đã thành người lính
Súng thép cầm trong tay
Đã trải bao thử thách
Gian lao, và đắng cay

Thấy bao nhà lửa cháy
Thiêu tiếng khóc em thơ
Bao hoang tàn, đổ nát
Những trường học, nhà thờ

Đã bao lần vuốt mắt
Vẫn mở, tuy chết rồi
Những bạn con, rất trẻ
Chưa lần hôn trong đời

Và thấy bao bà mẹ
Mắt mờ, thân héo khô
Hằn sâu trên nét mặt
Nỗi đau đớn vô bờ…

Mới thấu điều giản dị
Chiến tranh khác trò đùa!

Thứ Tư, 14 tháng 5, 2014

Khốn nạn

Khốn nạn.
Tôi không nói tới những người tham gia bạo động, đốt phá ở Bình Dương. Nhiều người trong số họ sẽ là những người khốn khổ.
Có những người không đi hò hét, không đi đập phá, không đốt lên những ngọn lửa man rợ. Họ chỉ ngồi bên bàn phím, viết những lời cổ súy hành động tẩy chay hàng “Tàu”, không phục vụ khách Trung Quốc, hô hào nuôi dưỡng mối thù truyền kiếp với Trung Quốc, nói rằng đó là những hành động yêu nước. Nhưng tôi thấy, những hành động đó đã khơi thêm tâm lý “ghét Tàu, ghét khựa”, nhen nhóm tâm lý bài Hoa. Bây giờ, khi những ngọn lửa man rợ cháy lên ở Bình Dương, có người trong số họ chửi những người tham gia bạo động ở Bình Dương là ít học, là ngu dốt, nhưng thực ra, chính họ đã gom xăng cho ngọn lửa man rợ đó.
  Khi cuộc bạo động bùng phát, họ lại liên tục cập nhật hình ảnh và thông tin – trong đó có những thông tin không kiểm chứng, kèm theo là những lời chê bai chính quyền bất lực, yếu kém trong hành động chống Trung Quốc, đòi Chính phủ phải thay đổi thế này thế nọ, thậm chí còn đổ lỗi cho Chính phủ về cuộc bạo động... Lê Hữu Thảo, một cựu chiến binh ở Gạc Ma ngày 14/3/1988 viết: “Còn cái loại thù trong, chúng ẩn nấp như con sâu, con nhộng, khi có thời cơ là chúng sẽ ló cái đầu ra, hành động của chúng rất thâm độc và nguy hại vô cùng cho sự an nguy của dân tộc ta. Chúng dùng ngòi bút, lời nói công kích, chia rẽ nhằm phân hóa các tầng lớp nhân dân ta vì những mục đích chính trị của chúng… Những người con ưu tú của quê hương đang ngày đêm gồng mình chống đỡ với cường địch, cả dân tộc đang ngày đêm nghẹt thở theo dõi về chiến tuyến thì bọn Việt gian như những con rắn độc đã ló đầu ra khỏi hang”.
Còn tôi cho rằng, trong lúc nước sôi lửa bỏng này, trong khi cả dân tộc cần đoàn kết, đồng lòng chống giặc ngoài, những người tôi nói ở trên là những kẻ khốn nạn! 

Thứ Ba, 13 tháng 5, 2014

Đoàn kết, cùng Chính phủ bảo vệ Tổ quốc

Đồng lòng cùng Chính phủ bảo vệ Tổ quốc là cách hành xử bản lĩnh, điềm đạm, tự tin, đậm NHÂN CÁCH VIỆT NAM. Tôi chia sẻ câu đó của nhà báo Lê Bá Dương, vì đó là tiếng nói, là thái độ có trách nhiệm đối với đất nước, vào lúc này.


Trước hết, nói về việc giàn khoan HD-981 của Tổng Công ty Dầu khí Hải dương, Trung Quốc hạ đặt ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Theo thông báo hàng hải ngày 3/5/2014 của Cục Hải sự Trung Quốc, từ ngày 2/5 đến 15/8/2014 giàn khoan HD-981 tiến hành khoan và tác nghiệp tại vị trí có tọa độ 15o29’58” vĩ Bắc – 111o12’06” kinh Đông. Vị trí này ở cách đảo Tri Tôn, đảo ở cực Tây Nam của quần đảo Hoàng Sa khoảng 18 hải lý về phía Nam. Như trong bản đồ dưới đây, vị trí hạ đặt của giàn khoan HD-981 cách đảo Lý Sơn của Việt Nam khoảng 120 hải lý.

Hiện trạng vùng đặc quyền kinh tế của các bên ở biển Đông

Ngày 23/6/1994, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn Công ước Luật Biển của Liên hợp quốc 1982. Ngày 21/6/2012, Quốc hội Việt Nam thông qua Nghị quyết phê chuẩn Luật Biển Việt Nam. Theo Công ước Luật Biển 1982, vùng đặc quyền về kinh tế của mọi quốc gia không được mở rộng ra quá 200 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải. Theo Luật Biển Việt Nam, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là vùng biển tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, hợp với lãnh hải thành một vùng biển có chiều rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Thềm lục địa là vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, trên toàn bộ phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền, các đảo và quần đảo của Việt Nam cho đến mép ngoài của rìa lục địa. Trong trường hợp mép ngoài của rìa lục địa này cách đường cơ sở chưa đủ 200 hải lý thì thềm lục địa nơi đó được kéo dài đến 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Hiện nay, đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của lục địa Việt Nam là đường thẳng gãy khúc nối liền 11 điểm, trong đó điểm A10 ở đảo Lý Sơn. Vị trí hạ đặt của giàn khoan HD-981 cách đảo Lý Sơn khoảng 120 hải lý, tức là nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.
Tuy nhiên, Trung Quốc lại cho rằng, vị trí hạ đặt của giàn khoan HD-981 chỉ cách phía Nam đảo Tri Tôn ở quần đảo Hoàng Sa 18 hải lý, mang khoảng cách đó so sánh với khoảng cách 120 hải lý tới đảo Lý Sơn, để nói rằng giàn khoan HD-981 đang hoạt động trong vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Sự thật là thế nào?
Vị trí hạ đặt của giàn khoan HD-981 cách đảo Hải Nam của Trung Quốc khoảng 230 hải lý, nằm ngoài vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tính từ đường cơ sở ở đảo Hải Nam của Trung Quốc. Nhưng ngày 15/5/1996, Trung Quốc lại quy định đường cơ sở quần đảo Hoàng Sa trong Tuyên bố hệ thống đường cơ sở của Trung Quốc. Đường này gồm 28 điểm, nối liền các điểm nhô ra nhất của các đảo, bãi đá, bãi cạn nửa nổi nửa chìm ngoài cùng thuộc quần đảo Hoàng Sa, bao lấy một khu vực rộng 17.300 km2. Từ đó, Hoàng Sa sẽ có các vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý và thềm lục địa chồng lấn vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Nếu theo nguyên tắc chọn trung tuyến trong vùng chồng lấn để xác định vùng đặc quyền kinh tế, vị trí đặt giàn khoan HD-981 sẽ nằm ở phía Bắc đường trung tuyến, tức là trong vùng đặc quyền kinh tế quần đảo Hoàng Sa của Trung Quốc!
Thứ nhất, theo quy định tại Khoản 3, Điều 121 Công ước Luật Biển 1982, “những hòn đảo, đá nào không thích hợp cho con người đến ở hoặc cho một đời sống kinh tế riêng, thì không có vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa”. Vùng quần đảo Hoàng Sa gồm các đảo có diện tích rất nhỏ, cằn cỗi, thời tiết khắc nghiệt, không thích hợp cho một đời sống kinh tế riêng, nên xung quanh các đảo này chỉ có thể có nội thủy và lãnh hải, không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa (Nguyễn Bá Diến, Nguyễn Hùng Cường, Thềm lục địa trong pháp luật quốc tế, NXB Thông tin và Truyền thông, 2012, trang 355). Như vậy, đảo Tri Tôn và mọi đảo trong quần đảo Hoàng Sa chỉ có lãnh hải rộng 12 hải lý, không có vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý. 
Thứ hai, cần khẳng định, quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Do vậy, nếu có vùng đặc quyền kinh tế quần đảo Hoàng Sa thì vùng đó cũng thuộc chủ quyền Việt Nam.
Kết luận: Dù đảo Tri Tôn, quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, của Trung Quốc, của Mỹ, Nhật hay bất kỳ quốc gia nào khác, vị trí hạ đặt giàn khoan HĐND-981 vẫn nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Hành động của Trung Quốc là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng Luật pháp Quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, cũng là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng Tuyên bố về Ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) mà Trung Quốc là một bên tham gia ký kết.                  

Đoàn kết, bình tĩnh, khôn khéo bảo vệ chủ quyền

          Tại sao Việt Nam không ngăn chặn, ngay khi giàn khoan HĐND-981 được đưa vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam? Có một số người lên tiếng phê phán các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm của Việt Nam về việc này. Họ đặt câu hỏi, cái giàn khoan HD-981 được đưa vào biển Đông rất chậm rãi, từ từ, mấy tàu khu trục lớp gepard Đinh Tiên Hoàng, Lý Thái Tổ hay mấy tàu ngầm kilo mang tên Hà Nội, TP Hồ Chí Minh ở đâu mà không ra cản nó lại? Có người đã lên tiếng, cho rằng đây là một câu hỏi ngô nghê, thiếu hiểu biết trầm trọng về Luật biển, Công ước Quốc tế về Luật biển, đồng thời đang đánh tráo khái niệm để kích động chỉ trích bằng những điều không thật. Việc lên tiếng như vậy là cần thiết, và đúng đắn.  
          Theo quy định tại Điều 58, Công ước Luật biển 1982, trong vùng đặc quyền về kinh tế, tất cả các quốc gia, dù có biển hay không có biển được hưởng các quyền tự do hàng hải và hàng không, với điều kiện phải chấp hành Công ước. Do vậy, nếu giàn khoan HD-981 được lai dắt để “đi qua không gây hại” (Passage inoffensif) vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Việt Nam không được cản trở hành trình của nó. Nhưng khi giàn khoan HD-981 được đưa đến một tọa độ trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam để khoan thăm dò và khai thác tài nguyên, hành động đó là xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, cần phải ngăn chặn, và khi đó Việt Nam mới có thể sử dụng các biện pháp ngăn chặn, kể cả việc khám xét, kiểm tra, bắt giữ và khởi tố tư pháp theo đúng luật pháp quốc tế. Nhân đây nói thêm, việc phản đối giàn khoan HD-981 vào biển Đông và đòi đưa nó ra khỏi biển Đông là buồn cười, chúng ta chỉ có thể đòi, buộc nó ra khỏi vùng biển Việt Nam.
Tại Hội nghị cấp cao ASEAN ngày 11/5, trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã thẳng thắn, mạnh mẽ bày tỏ thái độ của Việt Nam trước việc Trung Quốc hạ, đặt giàn khoan trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên biển Đông… Như nhà báo Lê Bá Dương đã nhận xét, chúng ta đã nói đúng lúc, đúng nơi, nói những điều cần nói về sự kiện nghiêm trọng đối với vận mệnh đất nước. Đó là một hành động quan trọng, trong tổng hợp những hành động kiên quyết, bình tĩnh và khôn khéo của chúng ta trên nhiều lĩnh vực, nhằm mục đích lớn lao nhất: Bảo vệ toàn vẹn chủ quyền đất nước.

Khi viết những dòng này, tôi nhớ đến Nguyễn Hồng Quân, thuyền trưởng tàu Vạn Hoa 739 đi bảo vệ tàu địa chấn Bình Minh 02 trước hành động ngang ngược của các tàu hải giám Trung Quốc ngày 26/5/2011, đúng ngày con gái Phương Anh của anh phải mổ, do bệnh tim bẩm sinh. Tôi nhớ nụ cười của những anh công binh, dầm mình trong nước biển để vác đá xây kè, tranh thủ thủy triều xuống, thức đến 3 giờ sáng để nạo vét âu tàu đảo Sinh Tồn. Tôi nhớ hình ảnh tàu Vạn Hoa 740 nhỏ bé, tự tin neo đậu giữa đám tàu chiến Trung Quốc ở đảo Gạc Ma, tháng 4/2014. Tôi thật sự trân trọng những người lính hải quân, những cán bộ, chiến sĩ cảnh sát biển, nhân viên kiểm ngư, những con người bình dị đang căng sức, đổ mồ hôi, đổ máu, bình tĩnh và khôn ngoan thực hiện lời thề "quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta". Họ cho tôi niềm tin vào dân tộc mình, Tổ quốc mình.
  

Thứ Ba, 6 tháng 5, 2014

Lời thề mang hồn nước

Chúng ta xin thề trước hương hồn của Tổ tiên ta, trước hương hồn của cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau "Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu của chúng ta".
Đại tướng Lê Đức Anh ở đảo Trường Sa, ngày 7/5/1988

Sau khi Trung Quốc chiếm đóng 6 bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đặc biệt là sự kiện ngày 14/3/1988 tại khu vực các bãi Gạc Ma – Len Đao, Cô Lin, Đại tướng Lê Đức Anh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã dẫn đầu đoàn công tác đi thị sát Trường Sa. Ngày 7/5/1988, tại lễ kỷ niệm 33 năm ngày truyền thống của Quân chủng Hải quân Nhân dân Việt Nam (7/5/1955 - 7/5/1988) ở đảo Trường Sa, Đại tướng Lê Đức Anh có bài phát biểu quan trọng. Dưới đây là toàn văn bài phát biểu.

"Cùng với các lực lượng, các đơn vị trong Quân chủng Hải quân nhân dân, hôm nay, Bộ Tư lệnh Quân chủng tổ chức mít tinh kỷ niệm lần thứ 33 ngày truyền thống vinh quang của Quân chủng (7/5/1955 - 7/5/1988) trên quần đảo Trường Sa, mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam.
Thay mặt Bộ Quốc phòng, tôi chuyển tới các đồng chí cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân lời chúc sức khỏe.
Hải quân ta ra đời trong hoàn cảnh khó khăn về nhiều mặt, vượt qua mọi khó khăn, thử thách bằng sức lao động thông minh và sáng tạo, từ những chiếc thuyền gỗ có gắn máy mà đi lên, Hải quân ta đã tích cực trên các mặt trận chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng lực lượng, bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam và làm nhiệm vụ quốc tế.

Từ những ngày đầu của cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, Hải quân nhân dân ta đã nêu cao tinh thần cách mạng tiến công, ý chí quyết chiến, quyết thắng và đã lập nhiều chiến công oanh liệt. Ngoài nhiệm vụ bảo vệ ven biển miền Bắc, Hải quân nhân dân ta còn có nhiệm vụ cấp thiết và quan trọng là đưa cán bộ, súng đạn vào miền Nam qua đường biển bằng loại tàu đi biển do Hải quân ta tự thiết kế. Loại tàu nhỏ bé này đã vượt biển khơi đi qua vùng biển dưới sự kiểm soát của không quân và hải quân thuộc Hạm đội 7 của Mỹ, của hạm đội tuần tiễu thuộc quân đội Sài Gòn.
Nhưng Hải quân nhân dân ta vừa làm nhiệm vụ bảo vệ ven biển miền Bắc, chống mọi sự phong tỏa của địch, đồng thời đã vận chuyển được hàng vạn tấn hàng hóa, vũ khí, đạn dược và hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ chi viện cho chiến trường miền Nam, góp phần xứng đáng giành thắng lợi trọn vẹn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc ta.

Nhân dịp kỉ niệm ngày truyền thống của Quân chủng, tôi nhắc lại điều đó để nói lên tinh thần dũng cảm và sự thông minh sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ Hải quân ta trong thời kỳ đánh Mỹ. Đó là sự thông minh và dũng cảm tuyệt vời, nó được nối tiếp mãi cho đến ngày nay và mãi mãi đến các thế hệ mai sau.
Thông minh dũng cảm là sức mạnh.
Niềm tin là sức mạnh, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế là sức mạnh.

Mở đầu thời kỳ đánh Mỹ để giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, trước một tên đầu sỏ hùng mạnh nhất của chủ nghĩa đế quốc; Đảng ta đã có một vũ khí cực mạnh, đó là niềm tin, niềm tin ở chính nghĩa độc lập tự do, niềm tin ở sức mạnh của nhân dân khi đã quyết tâm thì sẽ sáng tạo muôn vàn cách đấu tranh để giành lấy độc lập, tự do của Tổ quốc.
Chính niềm tin sắt đá đó đã động viên và đoàn kết toàn dân tộc nhất tề đứng dậy đấu tranh với đế quốc cực mạnh, và đã từng bước thu hút sự chú ý và sự ủng hộ của loài người tiến bộ trên thế giới, kể cả nhân dân Mỹ. Sự ủng hộ của bạn bè trên thế giới đã góp phần quan trọng giành thắng lợi trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta.
Đoàn kết dân tộc, đoàn kết với bạn bè quốc tế, đó là sức mạnh, đó là đại nghĩa, đó là lẽ sống của cách mạng Việt Nam, của nhân dân Việt Nam.

Về mối quan hệ giữa ta và Trung Quốc: Trong những năm 50 và những năm 60 quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc là quan hệ hữu nghị, tình sâu nghĩa nặng. Đặc biệt là sự giúp đỡ của Trung Quốc đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta trong những năm từ 1965 đến 1970 là rất to lớn và hiệu quả. Nhân dân Việt Nam vô cùng biết ơn sự giúp đỡ to lớn đó của nhân dân Trung Quốc đã dành cho mình.
Mặt khác, thắng lợi của chúng ta cũng đã góp phần đáng kể phá vỡ sự bao vây của đế quốc Mỹ đối với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Năm 1976, Đoàn đại biểu cao cấp của Đảng và Nhà nước ta đi thăm và cảm ơn các nước và bầu bạn trên thế giới đã ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam đánh thắng đế quốc Mỹ. Tới Trung Quốc, các đồng chí lãnh đạo của Đảng ta đã cảm ơn sự giúp đỡ to lớn của Trung Quốc đối với sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của Việt Nam, thì người lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc lúc bấy giờ đã nói: "Trung Quốc phải cảm ơn Việt Nam, chính nhờ Việt Nam thắng Mỹ mà Tổng thống Mỹ đã phải thân hành đến Trung Quốc để cầu thân với Trung Quốc".
Nói tóm lại cả hai nước đã giúp đỡ lẫn nhau trên nhiều lĩnh vực, với tình nghĩa anh em sâu đậm. Chúng ta đinh ninh rằng tình sâu nghĩa nặng đó sẽ kéo dài mãi mãi và nhất định nó sẽ xóa nhòa, đi đến xóa hẳn trong ký ức của dân tộc Việt Nam những tội lỗi mà các triều đại phong kiến Trung Quốc đã gây đau khổ cho dân tộc Việt Nam suốt hàng ngàn năm đô hộ.

Nhưng thật cay đắng cho cả nhân dân hai nước, tội lỗi mới lại ập tới, do một số người lãnh đạo Trung Quốc gây ra cho dân tộc Việt Nam, bắt đầu từ 30-4-1977 ở biên giới Tây Nam Tổ quốc, rồi đến tháng 2-1979 ở biên giới Việt - Trung và gần đây nhất, từ đầu năm 1988 lực lượng vũ trang Trung Quốc lại trắng trợn xâm lấn vùng quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đặc biệt nghiêm trọng là ngày 14-3-1988 Hải quân Trung Quốc đã bắn chìm và bắn cháy 3 tàu vận tải của chúng ta đang làm nhiệm vụ tiếp tế trong vùng quần đảo, gây thương vong cho bộ đội Hải quân ta và đến giờ phút này 70 cán bộ, chiến sĩ hải quân ta còn mất tích, và họ vẫn tiếp tục ngăn cản công việc cứu hộ.
  Các bọn đế quốc tư bản hung bạo, đầy tham vọng như đế quốc Pháp, đế quốc Nhật, đế quốc Mỹ cuối cùng cũng không xâm chiếm được một mảnh đất nào trên lãnh thổ và lãnh hải của Tổ quốc chúng ta.
Tại sao một số người lãnh đạo Trung Quốc nhân danh gì lại sử dụng vũ lực xâm chiếm một phần lãnh thổ của ta trên biên giới Việt - Trung, chiếm quần đảo Hoàng Sa, nay lại lấn chiếm quần đảo Trường Sa của Tổ quốc chúng ta?

Cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chỉ nói từ thế kỷ 17 đến nay, dưới các triều đại phong kiến Việt Nam, chế độ thực dân cũ và mới và nay dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, các Nhà nước Việt Nam liên tục và thật sự thực hiện quyền làm chủ của mình một cách hòa bình. Mãi đến năm 1956 Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm phần phía Đông quần đảo Hoàng Sa, đầu năm 1974 chiếm phần phía Tây quần đảo Hoàng Sa, nay lại dùng quân sự gây tội ác và xâm chiếm một số bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa.
Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là thật sự trên thực tế, phù hợp với pháp lý quốc tế, với đạo lý quốc tế.
Từ xưa đến nay, dân tộc Việt Nam dù chế độ xã hội khác nhau qua các thời đại, xu hướng chính trị khác nhau, tôn giáo khác nhau, đàn ông cũng như đàn bà, già cũng như trẻ đều một lòng, một dạ kiên trì và kiên quyết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Chúng ta tin tưởng rằng trong tương lai, nhân dân và cán bộ Trung Quốc hiểu rõ sự thật, họ sẽ chặn bàn tay bành trướng của số người lãnh đạo Trung Quốc đã có những hành động phi đạo lý, làm tổn thương đến tình hữu nghị giữa hai nhà nước và nhân dân hai nước Việt - Trung.
Chúng ta nhớ mãi không bao giờ quên tình sâu nghĩa nặng giữa nhân dân hai nước Việt - Trung, kiên trì phấn đấu để khôi phục tình hữu nghị giữa hai nước, đồng thời chúng ta nhất quyết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc chúng ta.
Hôm nay nhân kỷ niệm ngày thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam trên đảo chính của quần đảo Trường Sa, có mặt đông đủ đại diện của các Tổng cục, các Quân chủng, đại biểu tỉnh Phú Khánh, chúng ta xin thề trước hương hồn của Tổ tiên ta, trước hương hồn của cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau "Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu của chúng ta".





Cháu cùng bà ôn chuyện Điện Biên

Chủ nhật, trời hanh nắng sau nhiều ngày mưa rả rích, bà mang bộ quân phục cũ ra phơi. Mình biết ngay là bà đang chuẩn bị cho ngày họp mặt các chiến sỹ Điện Biên Phủ. Buổi tối bà ngồi cặm cụi kiểm tra từng cái nút áo. Bộ quân phục này rất quen thuộc với bà, dù bà có mấy bộ quân phục mới nhưng bà chỉ thích mặc bộ quân phục này vì bà bảo đây là áo bộ đội Cụ Hồ, bà đã mặc từ ngày còn trẻ, đến khi về nghỉ hưu bà vẫn giữ và mặc cho đến tận bây giờ. Trong giọng nói của bà có sự trìu mến và ấm áp khi nhắc đến áo bộ đội Cụ Hồ.
Tay của bà nhăn nheo vuốt từng nếp áo nếp quần đã bạc màu. Bà sờ vuốt từng đường chỉ, từng cái cúc áo, vừa làm bà vừa nói chuyện như với một người bạn già vẫn hay cùng bà trò chuyện bên hè. Mình nói bà để cháu là cho phẳng thì bà bảo để bà kiểm tra xem đường chỉ có bị mục không rồi bà mang bộ huân huy chương ra đeo vào áo. Mình chẳng biết cái nào với cái nào vì thấy cứ vuông vuông tròn tròn giống nhau. Bà chỉ đây là huy hiệu chiến sỹ Điện Biên, đây là huy hiệu 50 năm tuổi Đảng,  đây là Huân chương Chiến công, là Huân chương Chiến sỹ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba, rất rất nhiều mà mình không nhớ hết được, chỉ biết khi bà ghim hết lên áo thì cả ngực áo của bà là màu đỏ tươi. Bà vừa làm vừa nói chuyện, khuôn mặt của bà rạng rỡ, bà kể chuyện ngày xưa như mới hôm qua thôi. Dường như chuyện kể của bà là cả một dòng thời gian, cả dòng ký ức sống động năm nào đang dội về. Đã sang tuổi 85, nhưng bà còn minh mẫn lắm. Trong câu chuyện của bà cũng có cả sự bùi ngùi khi nhắc đến những người bạn chiến đấu năm xưa nay người còn người mất. Mình kể ra đây những câu chuyện của bà, người đã đi qua hai cuộc chiến tranh thần thánh của dân tộc với dấu ấn lịch sử Điện Biên Phủ, nơi bà đã sống và làm việc hết mình và đã gặp ông nội khi đang chiến đấu (mình hay trêu là bà đã gặp tình yêu đích thực của cuộc đời bà).
Con cháu nghe bà kể chuyện Điện Biên

Quê bà là làng Cam Giá, xã Ninh Khánh, huyện Gia Khánh nay là phường Ninh Khánh, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình, xưa kia là vùng chiêm trũng nghèo khó, chỉ được biết đến với đình làng Cam Giá, còn được gọi là đình Voi đá Ngựa đá. Bà mồ côi mẹ từ rất sớm và đã cùng cụ ngoại chèo lái gia đình. Bà rất ít khi kể về thời tuổi trẻ của bà khi ở quê vì bà cũng có trắc trở. Bà chỉ hay kể về những câu chuyện thời thơ ấu và về cụ ngoại, về những món ăn dân dã nhưng đã được cụ ngoại chế biến rất khéo léo, nên trong làng ngoài xã có việc đều mời cụ ra đình nấu nướng. Bà có cái chăm chỉ tảo tần của người con gái sớm phải vất vả lo toan và cái khéo léo, giỏi thu vén của cụ ngoại. Nhờ đó mà bà đã nổi tiếng toàn mặt trận Điện Biên Phủ về tài bếp núc (chuyện này mình sẽ kể sau).
Bà làm du kích xã từ hồi đôi tám, đến năm 22 tuổi bà đã được tổ chức phân công đi phục vụ chiến dịch Hòa Bình năm 1952,  bà vào luôn đội DT3 sau đó chuyển tên thành Đội điều trị 3 (tiền thân của Bệnh viện 103 bây giờ). Bà rất tự hào vì là một trong những người đầu tiên của DT3. Chiến dịch Hòa Bình rất gian khổ, đến nỗi sau chiến dịch rất nhiều du kích đã không có sức để theo các chiến dịch tiếp theo nên đã về lại quê nhà làm nông. Bạn của bà sau này gặp bà đã nói là ngày xưa không chịu được gian khổ nên về quê làm ruộng, thấy bà là cán bộ, đi thoát ly làm “người nhà nước” thì cứ xuýt xoa hối tiếc mãi. Tiếp sau đó bà đi nuôi hàng binh, tù binh của địch tận Hà Giang, Tuyên Quang. Bà kể ngày 2.9 trao trả tù binh, mỗi tù binh được tặng 1 huy hiệu Bác Hồ và một chiếc khăn tay thêu chim bồ câu hòa bình, mọi tù binh đều rất cảm động. Ngay sau đó bà được điều động đi nhận “nhiệm vụ đặc biệt”.
Ngày đó bà cũng không biết là nhiệm vụ gì, chỉ biết tổ chức điều động là lên đường. Đi được nửa đường thì được thông báo là đi tham gia chiến dịch Trần Đình, đến khi lên Điện Biên Phủ bà mới biết chiến dịch Trần Đình là chiến dịch Biện Biên Phủ. Đường đi từ Yên Bái lên Điện Biên Phủ bà đi bộ đúng 1 tháng với rất nhiều gian nan, vất vả, đêm đi ngày nghỉ, hoặc ngày đi thì phải luồn rừng, luồn khe để tránh máy bay địch. Lương thực thì mỗi người có một bao tượng đựng khoảng 5-6kg gạo, hết gạo mà chưa gặp binh trạm thì phải ăn rau rừng để dành gạo nấu cháo cho thương binh. Dù khó khăn thiếu thốn nhưng bà và đồng đội không ai tơ hào gì của đồng bào dân tộc mặc dù đôi khi gặp bên đường nương ngô, nương lúa của dân. Thỉnh thoảng may lắm không phải ngủ rừng vì được ngủ nhờ nhà dân thì mọi người lại cùng nhau ca hát ở dưới nhà sàn (người dân tộc không cho hát trên nhà vì sợ gọi con ma đến).  Bạn của bà cũng có rất nhiều người bị tụt lại, do không đi rừng quen chân bị nứt nẻ, toác máu, phải đi cùng đoàn thu dung. Còn bà dù nhỏ bé nhưng vẫn theo kịp đoàn quân, vào trận địa đúng hạn. Bà kể, đến chân đèo Pha Đin thấy đèn nhấp nháy trên cao, hỏi chỉ huy mới biết là đèn xe chở lương, chở pháo trên đỉnh đèo. Bà đi mất đúng 1 ngày mới đi hết đèo Pha Đin. Nói chung là cuộc hành quân đó vô cùng vất vả.

Bà, năm 1958

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, bà làm cô nuôi ở đội Trọng thương, ngày đó Đội điều trị 3 chia thành 3 đội là Trọng thương, Trung thương và Khinh thương. Bà bảo, đội Trọng thương toàn thương binh nặng vào đầu vào ổ bụng, thương binh toàn ăn nước cháo. Hàng ngày bà nấu cháo cho bộ đội mà thức ăn cũng chẳng có gì ngoài thịt trâu khô ở hậu phương chuyển lên, mắm kem từ Thanh Hóa chuyển vào. Bà phải đi tìm rau muống chua, rau dớn, rau tàu bay để bổ sung thức ăn và vitamin cho thương binh, cũng như cho đội viên. Ngày đó, gạo nuôi quân chủ yếu là gạo của đồng bào dân tộc Mường vùng Tây Bắc, nửa giống gạo nếp, nửa giống gạo tẻ. Nấu cơm bằng gạo đó không dễ, cơm lúc sống lúc khê, thương binh ăn không nổi. Bà nghĩ ra cách cho gạo vào túi vải ngâm qua đêm dưới suối, sáng hôm sau lót lá chuối vào cái sảo lớn, lấy bùn đất trét kín thành cái chõ đồ xôi. Thỉnh thoảng được cấp đậu xanh, bà đồ xôi nếp đậu. Xôi bà nấu khéo và ngon, thương binh ở đội khác cũng sang xin. Với thương binh nặng không ăn cơm được, không có sữa cho anh em uống, bà Vấn nấu cháo thật nhuyễn, cho cháo vào túi vải, dùng đôi đũa cả kẹp chặt lấy nước cháo thương binh. Kể lại thì dễ, nhưng làm được những việc đó là cả một kỳ công, chưa kể phải nấu nướng bằng bếp Hoàng Cầm, loại bếp dã chiến độc đáo của bộ đội ta, có tác dụng làm tan loãng khói bếp, tránh bị địch phát hiện. Bà kể, lơ mơ để dù chỉ một chút khói là đà trên lá cây, sẽ bị đồng chí phòng gian đi kiểm tra dội nước dập tắt bếp, đã không hoàn thành nhiệm vụ lại còn bị kỷ luật.
Kỷ niệm sâu sắc nhất của bà là hai lần bị bom suýt chết, vì nơi đóng quân của DT3 cũng thường bị máy bay Pháp thả bom, bắn phá. Một lần, bà đang đi tìm hái rau bên bờ suối thì máy bay Pháp thả bom, mảnh bom găm ngay cạnh người bà. Một lần khác, vừa nghe thấy tiếng máy bay, bà vội nhảy xuống hầm cá nhân, bom nổ, mảnh bom cắm vào nơi bà vừa đứng. Tuy nhiên, bà và đồng đội cũng có những giờ phút thảnh thơi ở chiến trường. Về đêm, khi công việc đã xong, họ trèo lên nóc hầm nhìn xuống thung lũng Điện Biên Phủ, thấy pháo sáng địch bắn sáng rực, máy bay địch bay như châu chấu, thả dù đồ tiếp viện cho quân của De Castries đang bị bao vây. Nhìn vui mắt lắm, nhưng bà và các bạn chỉ dám xem trộm, vì chỉ huy biết sẽ mắng đuổi xuống vì sợ trúng đạn pháo địch.
Bà kể chuyện nuôi thương binh ở Điện Biên Phủ trong một chương trình của VTV1 dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, năm 2004
Rồi một ngày toàn mặt trận thưa dần tiếng súng, đến chiều thì tin thắng trận truyền về. Bác sĩ, cấp dưỡng, thương binh ở DT3 mừng vui ôm nhau, reo hò ca hát mà nước mắt cứ chảy ra. Bà gặp ông, người bạn đời của bà trong những ngày như thế. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông là trung đội trưởng pháo cao xạ 37 ly của Trung đoàn 367, đơn vị pháo cao xạ đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam, tiền thân của Sư đoàn Phòng không 367 hiện nay. Ông bị sốt rét, phải điều trị tại DT3. Tại đây, người trung đội trưởng có giọng hát trống quân rất hay đã làm quen với người nữ cấp dưỡng đảm đang, chu đáo. Hai chiến sĩ Điện Biên đã cùng nhau đi qua những ngày ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, vượt qua mọi khó khăn, vất vả để nuôi 7 người con trưởng thành.
Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, bà vẫn làm cấp dưỡng tại Viện Quân y 103 cho đến khi nghỉ hưu. Hiện nay, bà vẫn tích cực tham gia các hoạt động của Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội.

                                                                         VINH HOA

Trường Sa tháng 4/2014 - 6. Đảo Sơn Ca

 Phía Tây Bắc đảo Sơn Ca có một doi cát - ảnh chụp tháng 5/2013
Doi cát Tây Bắc đảo Sơn Ca  
Lần này trở lại, không thấy doi cát đó nữa 
Chỉ thấy dấu vết đường xe chạy ra doi cát 
Năm ngoái, cầu cảng ở gần cổng chào đảo Sơn Ca. Nay, cầu cảng ở xa phía ngoài 
Doi cát đã được chuyển về để mở rộng đảo Sơn Ca 
 Hải đăng Sơn Ca tháng 5/2013
 Bây giờ, gần hải đăng xuất hiện một ngôi chùa



 Tháng sau, chùa đảo Sơn Ca sẽ được khánh thành, cũng với chùa đảo Nam Yết và chùa đảo Phan Vinh 
Một góc đảo Sơn Ca, tháng 4/2014

Thứ Hai, 5 tháng 5, 2014

Trường Sa 2014 - 5. Đảo Ba Binh và bãi Bàn Than

Đảo Ba Bình trong cụm đảo Nam Yết
Ba Bình là đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa, bị Đài Loan chiếm đóng từ năm 1956
Gần đây, theo tin nước ngoài, Đài Loan đang mở rộng cầu cảng ở đảo Ba Binh http://www.janes.com/article/37245/taiwan-holds-biggest-spratly-islands-drill-in-15-years
  
  Cầu cảng đảo Ba Bình năm 2012

 Khu vực cầu cảng Ba Bình tháng 4/2014
 Khu vực đang thi công kè chắn sóng ở Tây Nam đảo Ba Bình
 Đảo Ba Bình và bãi Bàn Than, nhìn từ đảo Sơn Ca
Đài Loan từng nhiều lần cắm cờ, dựng chòi canh trên bãi Bàn Than, nhưng đều bị ta phá. Theo chỉ huy đảo Sơn Ca, từ đầu năm 2014 đến nay đã hai lần xuồng CQ của đảo Sơn Ca phải đi xử lý việc đối phương lên bãi Bàn Than cắm cờ. Ảnh: cồn cát ở bãi Bàn Than, tháng 4/2014

Thứ Bảy, 3 tháng 5, 2014

Trường Sa tháng 4/2014 - 4. Mở rộng để Sinh Tồn

Có mấy bạn thấy cảnh Trung Quốc xây dựng ở Gạc Ma, nói sao ta không xây dựng Cô Lin to như Gạc Ma.  Cũng nên sửa sang đảo Cô Lin, đảo Len Đao cho rộng rãi hơn, nhưng không cần, không nên xây Cô Lin to như Gạc Ma. Vì gần đó đã có đảo nổi Sinh Tồn, xã Sinh Tồn của huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.    

Đảo Sinh Tồn nhìn từ phía Đông, tháng 4/2014



Một công trình lớn đang được triển khai thi công
Đảo Sinh Tồn, nhìn từ phía Nam
Âu tàu lớn cỡ gấp đôi âu tàu đảo Song Tử Tây, có thể cho tàu hơn nghìn tấn vào đang được xây dựng - ảnh bờ kè đang được xây dựng, phía Đông của âu tàu
Vệt xanh thẫm là lòng âu tàu đang được nạo vét, công việc nạo vét thường làm vào ban đêm, khi thủy triều xuống, nước cạn
Thi công bờ kè phía Tây
Bờ kè phía Tây




Dầm nước, đội nắng, chịu vất vả cho Sinh Tồn thêm rộng, thêm vững chắc, cho Tổ quốc sinh tồn

http://thiemthu62.blogspot.com/2013/12/truong-sa-qua-tung-buc-anh-bai-5-ao.html