Thứ Bảy, 26 tháng 9, 2015

Sự trớ trêu của tôn vinh và tưởng vọng

Nếu Hoàng Kế Viêm kém tài, đánh thua và chết vì tay quân Pháp như Nguyễn Tri Phương, có lẽ ông cũng đã được vinh danh!

Nguyễn Tri Phương
Từ cuối năm 1858 đến đầu năm 1860, Nguyễn Tri Phương được cử làm Quân thứ Tổng thống đại thần, chỉ huy khoảng 4000 quân chống lại liên quân Pháp - Tây Ban Nha, quân số khoảng 3000 người ở mặt trận Đà Nẵng. Tỷ lệ quân Việt Nam – liên quân là 4:3. Liên quân bị thiệt hại nặng, đến ngày 22/3/1860 rút hết khỏi Đà Nẵng. Chiến dịch này được coi là thắng lợi duy nhất trong cuộc chiến chống Pháp của quân triều đình Huế. Tuy nhiên, có những lúc phía liên quân chán nản, kiệt quệ do mất nhiều binh lính vì chết trận và dịch bệnh, nhưng đại quân của Nguyễn Tri Phương cứ án binh bất động, không chủ động tiến công đánh đuổi quân cướp nước. Vì vậy, Nguyễn Tri Phương bị vua Tự Đức trách "sợ oai giặc" và gieo vào dân chúng sự lo lắng hãi hùng.
Ngày 17/2/1859, quân Pháp đánh chiếm thành Gia Định. Tháng 8/1860, Nguyễn Tri Phương được sung chức Gia Định quân thứ, Thống đốc quân vụ cùng Tham tán đại thần Phạm Thế Hiển trông coi việc quân sự ở miền Nam. Nguyễn Tri Phương củng cố đại đồn Chí Hòa để đối phó các cuộc tiến công của quân Pháp. Nhưng ngày 24/2/1861 và ngày 25/2/1861, quân Pháp công phá đại đồn Chí Hòa, Nguyễn Tri Phương bị thương, đại đồn thất thủ. Em ruột ông là Nguyễn Duy tử trận. Trận này, lực lượng quân Việt Nam có khoảng 30.000 người, quân Pháp có khoảng 5.000 quân, tỷ lệ 6:1. Sau trận đại bại Chí Hòa, sĩ khí quân lính và quan lại ta suy giảm nặng nề, triều đình Huế từ chủ trương "thủ để hòa" chuyển sang "chủ hòa", Việt Nam để mất dần từng phần đất vào tay thực dân Pháp.
Rạng sáng ngày 20/11/1873, đại úy Francis Garnier và tay lái buôn Jean Dupuis tiến đánh thành Hà Nội. Khi đó Nguyễn Tri Phương là Khâm sai đại thần, thay mặt triều đình đảm trách việc quân sự ở Bắc Kỳ. Năm 1860, trong sớ tâu về Kinh, ông nêu lý do không chủ động đánh đuổi quân Pháp - Tây Ban Nha ở Đà Nẵng: Quân ta có nhiều kẻ sợ sệt, lạ nước lạ non, sức chiến đấu rất kém, với thực lực ba quân như thế, giữ thủ chưa xong, huống hồ là tấn công địch. Mười ba năm sau, đã chỉ huy quân đội trải qua trận đại chiến Chí Hòa, Nguyễn Tri Phương không nâng được tinh thần và năng lực chiến đấu của quân sĩ dưới quyền. Hơn 7000 quân triều đình ở Hà Nội không địch nổi hơn 300 quân Pháp (tỷ lệ 20:1), tan rã rất nhanh. Chỉ trong một giờ, quân Pháp đã treo cờ tam tài lên vọng lâu thành Hà Nội. Hơn hai nghìn quân triều đình bị bắt làm tù binh, con trai Nguyễn Tri Phương là phò mã Nguyễn Lâm bị trúng đạn chết tại trận, phía quân Pháp chỉ có một người lính đánh thuê Vân Nam bị chết, do một sỹ quan Pháp bắn nhầm!
Thất bại của Nguyễn Tri Phương ở Hà Nội khiến quân triều đình mất hết nhuệ khí, đại úy Francis Garnier cho quân đi đánh lấy các tỉnh Ninh Bình, Nam Định và Hải Dương dễ như trở bàn tay. Như ở thành Ninh Bình, 1.700 binh lính hạ vũ khí đầu hàng một toán quân Pháp chỉ có 7 người.  
Nguyễn Tri Phương cũng bị trọng thương, được lính Pháp cứu chữa nhưng ông khảng khái từ chối và nói rằng: “Bây giờ nếu ta chỉ gắng lây lất mà sống, sao bằng thung dung chết về việc nghĩa.” Sau đó, ông tuyệt thực và mất vào ngày 20/12/1873, thọ 73 tuổi. 
Chỉ một ngày sau khi Nguyễn Tri Phương mất, ngày 21/12/1873 Hoàng Kế Viêm và Lưu Vĩnh Phúc tổ chức mai phục, giết chết Fracis Garnier tại Cầu Giấy.

Hoàng Kế Viêm
Năm 1873, Hoàng Kế Viêm (tên thật là Hoàng Tá Viêm) đang là Thống đốc Tam Tuyên (Sơn Tây, Hưng Hóa, Tuyên Quang). Sau khi đại úy Fracis Garnier đánh chiếm thành Hà Nội và bắt được Nguyễn Tri Phương, Hoàng Kế Viêm được cử làm Tiết chế Bắc Kỳ quân vụ, chức vụ quân sự cao cấp nhất tại miền Bắc.  Ngày 21/12/1873, ông và thủ lĩnh quân Cờ Đen là Lưu Vĩnh Phúc tổ chức mai phục, giết chết được Francis Garnier tại Cầu Giấy. Garnier bị giết, quân Pháp ở thành Hà Nội hoang mang đã tính cách bỏ thành chạy về Gia Định theo đường thủy. Sau đó, Pháp rút hết quân khỏi Hà Nội, trao trả lại Bắc Kỳ cho nhà Nguyễn.
Ngày 25/4/1882, đại tá Hải quân Pháp Henri Rivière đánh chiếm được thành Hà Nội. Đến ngày 19/5/1883, Rivière lại bị quân của Hoàng Kế Viêm và Lưu Vĩnh Phúc giết chết tại Cầu Giấy.
Năm 1884, triều đình ký Hòa ước Giáp Thân (1884) với Pháp. Sau đó, vua Kiến Phúc đã ra lệnh cho Hoàng Kế Viêm lúc đó đang đóng ở Sơn Tây rút quân về Huế, nhưng ông không tuân lệnh, vẫn ở lại đánh Pháp. Mãi đến khi Sơn Tây và Hưng Hóa thất thủ, ông mới chịu về Huế, nhưng cương quyết không hợp tác với phe chủ hòa. Ông xin về trí sĩ nhưng không được, mãi đến đời vua Thành Thái, năm 1889 ông mới được nghỉ hưu, về quê (làng Văn La, tổng Văn Đại, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) sống đến khi mất (1909), thọ 89 tuổi.

Bây giờ, có nhiều đường phố, trường học, bệnh viện mang tên Nguyễn Tri Phương. Trong khi Hoàng Kế Viêm, người tổ chức giết chết kẻ đã đánh bại Nguyễn Tri Phương vẫn chưa được nhìn nhận, tưởng vọng xứng đáng.   






Thứ Năm, 3 tháng 9, 2015

Núi Le 2015

Mấy lần ra đá Núi Le, chỉ thấy có hai điểm Núi Le A và Núi Le B. Bây giờ thấy mấy bạn Trung Quốc đưa hình ảnh đá Núi Le có 4 điểm có người trú đóng, hai điểm mới ở phía Nam to hơn hai điểm cũ, có luồng lạch to rộng. Các bạn ấy còn nói rằng diện tích hai điểm mới đến 20ha. Hoang mang quá, he he!