Thứ Ba, 11 tháng 6, 2013

PHẠM QUY và NHẦM LẪN

Nhà giàn DK1 ở khu vực thềm lục địa phía Nam, không thuộc tỉnh Khánh Hòa, nhưng bài viết về nhà giàn vẫn được giải cuộc thi về Trường Sa và biển đảo tỉnh Khánh Hòa.

          Chiều 10/6, UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức trao giải thưởng cuộc thi tác phẩm báo chí và ca khúc về chủ đề “Trường Sa và biển đảo quê hương Khánh Hòa”. Trong danh sách tác phẩm được giải, có hai bài viết về nhà giàn DK1, trong đó có một bài được giải khuyến khích có tựa đề “Nhà giàn trong giông gió Trường Sa”. Nhà giàn DK1 ở khu vực thềm lục địa phía Nam, thuộc địa giới hành chính tỉnh tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, không thuộc tỉnh Khánh Hòa, bài viết về nhà giàn đã phạm quy cuộc thi “Trường Sa và biển đảo quê hương Khánh Hòa”, sao lại được trao giải? Sao lại trao giải cho bài báo, trong đó viết rằng nhà giàn ở Trường Sa? Ngay khi danh sách tác phẩm trúng giải được công bố, nhiều nhà báo dự lễ trao giải đã thắc mắc.
Nhà giàn Huyền Trân, tháng 4/1996

Trước đó, ngày 8/6, khi biết có bài báo viết về nhà giàn DK1 được giải trong cuộc thi “Trường Sa và biển đảo quê hương Khánh Hòa”, tôi đã gọi điện cho hai thành viên ban tổ chức cuộc thi “Trường Sa và biển đảo quê hương Khánh Hòa”, là ông Đoàn Minh Long, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo tỉnh Khánh Hòa và ông Phạm Duy Lộc, Phó GĐ Sở TTTT tỉnh Khánh Hòa. Tôi góp ý, để giữ uy tín cho cuộc thi, không gây hiểu sai, hiểu lầm về chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, cần xem lại, sửa chữa kết quả chấm giải. Tuy nhiên, ông Long và ông Lộc đã không có thái độ rõ ràng trước lời góp ý này.
Ngay sau lễ trao giải thưởng, một số nhà báo đã gặp ông Đoàn Minh Long và ông Phạm Duy Lộc để phỏng vấn. Ông Lộc né tránh, còn ông Long nói, phóng viên báo Tiền Phong nêu ý kiến qua điện thoại, nên ông thấy không cần thiết phải chuyển ý kiến lên Trưởng ban tổ chức. Các nhà báo tìm tới phòng làm việc của ông Lê Xuân Thân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, Trưởng ban tổ chức cuộc thi “Trường Sa và biển đảo quê hương Khánh Hòa”. Ông Thân đứng ở cửa phòng làm việc, nói rằng Hội đồng giám khảo đã làm việc cẩn thận, chấm giải rồi trình lên, ông chỉ  ký quyết định thôi. Nhà báo phát hiện vấn đề gì khác, sẽ xem xét sau. Ông không trả lời bất cứ câu hỏi nào khác của các nhà báo.
 Trả lời các đồng nghiệp, nhà báo Hoàng Thùy, phóng viên báo điện tử VNExpress nói, chị dự cuộc thi “Trường Sa và biển đảo quê hương Khánh Hòa”bằng cách gửi tới ban tổ chức đường link hai bài báo, là bài “Mắt thần giữa biển Đông” và “Nhật ký từ nhà giàn giữa biển Đông”, đều viết về nhà giàn DK1. “Tôi biết nhà giàn không thuộc Trường Sa, nhưng vì tình yêu biển đảo của Tổ quốc tôi cứ gửi hai bài đó dự thi, cũng không nghĩ là lại được giải nhì. Tôi cũng không định vào dự giải vì công việc đang bận rộn, nhưng ban tổ chức gọi ra hai lần để mời, nên tôi vào”. Nhà báo Hoàng Thùy nói.
Ông Lê Xuân Thân và các tác giả được giải nhì cuộc thi “Trường Sa và biển đảo quê hương Khánh Hòa”

  Xin nói thêm, trong danh sách giải thưởng do ban tổ chức công bố, tên tác phẩm của nhà báo Hoàng Thùy được ghi là “Nhà giàn DK1”, không đúng với tên tác phẩm của chị. Tại lễ trao giải, chỉ có nhà báo Tạ Bích Loan, Trưởng ban Thanh Thiếu Niên VTV6, Đài Truyền hình Việt Nam, thành viên Hội đồng giám khảo tác phẩm báo chí gửi tới một bức thư, nêu nhận xét của chị về các tác phẩm báo chí dự thi. Chủ tịch Hội đồng giám khảo tác phẩm báo chí là nhà báo Mã Diệu Cương, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam không đến dự, cũng không gửi bản tổng kết đánh giá cuộc thi.

Các nhà giàn DK1 được xây dựng trên thềm lục địa phía Nam của Việt Nam, cách đất liền khoảng 250-350 hải lý, thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Vùng thềm lục địa có các nhà giàn DK1 không nằm trong phạm vi quần đảo Trường Sa, hoàn toàn thuộc chủ quyền Việt Nam, không có chuyện tranh chấp với bất kỳ quốc gia nào. Cần phải hiểu và phân biệt rõ ràng về vấn đề này, trong tình hình phức tạp trên biển Đông hiện nay.
Một cán bộ Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường