Thứ Hai, 21 tháng 8, 2017

Việt Nam Cộng hòa, chỉ là chính quyền ngụy

Từ ngày 2/9/1945 đến nay, từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trên lãnh thổ Việt Nam chỉ có một chính phủ Việt Nam hợp pháp.
Bằng cuộc Cách mạng tháng Tám, dân tộc Việt Nam đã thoát ách cai trị của bọn thực dân, đế quốc, để ngẩng cao đầu trước toàn thế giới, “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”.
Bằng cuộc Tổng tuyển cử theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu ngày 6/1/1946, người dân khắp đất nước Việt Nam đã bầu ra Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất, đất nước mà trước năm 1945 đã bị thực dân Pháp chia làm ba xứ Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ.
Nhưng bọn thực dân Pháp không từ bỏ dã tâm đô hộ Việt Nam một lần nữa. Dân tộc Việt Nam lại phải chống trả cuộc xâm lược lần thứ hai của Pháp. Trong bối cảnh ấy, thực dân Pháp dựng lên cái gọi là “Quốc gia Việt Nam”, do cựu hoàng Bảo Đại làm quốc trưởng. Do có những kẻ phản quốc như Bảo Đại – Nguyễn Vĩnh Thụy, cuộc Kháng chiến chống Pháp đã gặp thêm khó khăn, phải kéo dài thêm. Ngay cả khi Pháp thua trận Điện Biên Phủ và phải ký Hiệp định Geneve ngày 21/7/1954, rút quân khỏi Việt Nam, đất nước Việt Nam vẫn bị chia cắt làm hai khu vực với giới tuyến quân sự tạm thời là Vĩ tuyến 17, do có “Quốc gia Việt Nam”. Pháp thua, nhưng Mỹ đã nhảy vào. Với cánh cửa là “Quốc gia Việt Nam”, Mỹ đã can thiệp vào Việt Nam. Nếu không có “Quốc gia Việt Nam”, nước Việt Nam đã không bị chia cắt lâu thêm tới 21 năm, đã không phải có được sự thống nhất hiện nay bằng sinh mạng của hàng triệu người, bằng di chứng đau thương do chất da cam dioxin gây ra đối với nhiều thế hệ...  

“Việt Nam Cộng hòa” từ đâu ra? Chính quyền “Việt Nam Cộng hòa” do Mỹ dựng lên, từ chính quyền bù nhìn “Quốc gia Việt Nam”. Bước chuyển từ “Quốc gia Việt Nam” sang “Việt Nam Cộng hòa” là bước chuyển từ làm tay sai cho thực dân Pháp sang làm công cụ cho đế quốc Mỹ.

Thứ Hai, 7 tháng 8, 2017

Xấu mặt làng báo


Một nam một nữ. Một anh là phóng viên có thâm niên kha khá ở cơ quan báo chí loại to nhất nước, đã được giải C Giải báo chí Quốc gia 2015, một chị mới chân ướt chân ráo vào một tạp chí mới được thành lập, của một hiệp hội ít người biết (nhưng hình như chị cũng đã có thâm niên trong lĩnh vực báo chí - truyền thông).
Đều sinh năm 1976, tuổi của nhiều người tài, nhiều người thành đạt trong lĩnh vực báo chí. Nhưng đều coi danh dự cá nhân, đạo đức nghề nghiệp là cái đinh gỉ, anh dùng clip đánh bạc để tống tiền công an, ả dùng bài báo của cơ quan báo chí khác để ép doanh nghiệp đưa tiền.
Một ngày đầu tuần, nghe tin hai phóng viên bị bắt vì tống tiền, ba tay nhà báo đang ba hoa với nhau ở quán cà phê cùng cun cút cắm mặt. 


Thứ Hai, 31 tháng 7, 2017

Khinh!

Nghe cô ấy nói con cô kiếm tiền để làm sạch bãi biển Long Thủy ở Tuy Hòa, mình hơi ngạc nhiên. Rác ở Long Thủy chưa phải là vấn đề bức xúc, để người tận Hà Nội phải sốt sắng tham gia dọn dẹp. Rồi biết thêm là gia đình cô ấy mới mua khu đất ở Long Thủy. À, ra thế. Bãi biển Long Thủy ở thành phố Tuy Hòa, Phú Yên đang có sức hút lớn về du lịch. 
Nghe chị kia nói làm lễ cầu siêu cho liệt sĩ, mình biết ngay ý đồ. Chị ta đã mua cả chục ngàn m2 đất ở chỗ làm lễ cầu siêu, đang chạy để được xây chùa ở đó. Thời nay kinh doanh chùa là có lãi lớn nhất, nhanh nhất. Lợi dụng đức tin tôn giáo, lợi dụng cả sự tri ân liệt sĩ để mưu lợi vật chất, làm gì có chút lòng thành nào. 
Khinh!

Thứ Bảy, 15 tháng 7, 2017

Chút buồn từ Khu Tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma

Bùi ngùi, xúc động khi dự lễ khánh thành Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, công trình được xây dựng từ tấm lòng của hàng triệu người Việt Nam.
Nhưng cũng có chút buồn.  
 Ba năm trước đây, ngày 14/7/2014 tôi đăng Thư ngỏ về Đài tưởng niệm liệt sĩ 14/3/1988 gửi ông Đặng Ngọc Tùng, lúc đó là Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam. Trong thư tôi viết rằng, ngày 14/3/1988 súng đã nổ, đạn địch đã bắn vào bộ đội ta không chỉ ở đá Gạc Ma, mà cả ở đá Len Đao, đá Cô Lin. Những người lính Việt Nam gan dạ, anh hùng đã bảo vệ được đá Len Đao và đá Cô Lin, quân Trung Quốc chỉ chiếm được đá Gạc Ma. Trong ngày 14/3/1988, không phải tất cả 64 liệt sĩ đều ngã xuống ở đá Gạc Ma. Có hai người đã hy sinh trên tàu HQ-605 ở đá Len Đao, đó là Trung úy Phạm Hữu Doan, Thuyền phó tàu HQ-605 và Trung sĩ Bùi Duy Hiển, nhân viên báo vụ tàu HQ-605. Do vậy, nếu đặt tên đài tưởng niệm 64 liệt sĩ là Đài tưởng niệm liệt sĩ Gạc Ma, đó là điều không đúng. Không chỉ không đúng về tên gọi, việc gọi như vậy còn dễ làm sai lệch nhận thức, hiểu biết của nhiều người về sự kiện ngày 14/3/1988, về mặt nào đó là có lỗi với những người đã hy sinh xương máu để bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Nói về ngày 14/3/1988, cần nêu đầy đủ các diễn biến ở đá Gạc Ma, đá Len Đao và đá Cô Lin, đặt trong tổng thể Chiến dịch Chủ quyền 1988. Đó là điều cần làm nếu thực sự kính phục, tri ân với những người đã dũng cảm , kiên quyết, hy sinh xương máu để bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Tôi đã đề nghị có sự cân nhắc, xem xét lại tên gọi của đài tưởng niệm.
Bây giờ, công trình đã hoàn thành. Mọi người đến đây chỉ nhìn thấy Gạc Ma, chỉ có cái tên Gạc Ma được nhắc đến.

Người trong ảnh đang thắp hương là Thượng úy Nguyễn Sỹ Minh, nguyên trợ lý chính trị Trung đoàn 83 Công binh, Quân chủng Hải quân. Ngày 14/3/1988, anh Sỹ Minh cùng những người còn sống ở Gạc Ma đưa thi thể Trung úy Trần Văn Phương và Hạ sỹ Đậu Xuân Tư cùng những đồng đội bị thương lên chiếc xuồng của E83 công binh, đưa về phía đá Cô Lin. Anh Sỹ Minh nói, nếu hôm 14/3/1988 không có tàu HQ-505 đưa xuồng từ đá Cô Lin đi đón, chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra với các anh. Hai người được anh Nguyễn Sỹ Minh nhắc đến nhiều nhất là Đại úy, Anh hùng liệt sỹ Vũ Phi Trừ, thuyền trưởng tàu HQ-604 và Đại tá, Anh hùng Vũ Huy Lễ, thuyền trưởng tàu HQ-505. 

Thứ Tư, 12 tháng 7, 2017

Một năm sau phán quyết vụ Philippiness kiện Trung Quốc: Bỏ phán quyết của PCA vào trong túi

Ngày 12/7/2016 Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại La Hay (Hà Lan) đưa ra phán quyết cuối cùng trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông. Điểm quan trọng nhất trong phán quyết của PCA: Tuyên bố đường chín đoạn hay “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc đưa ra ở Biển Đông là không có cơ sở pháp lý, Trung Quốc không có chủ quyền lịch sử tại Biển Đông. Phán quyết này được coi là một thất bại về pháp lý của Trung Quốc, còn tại Philippiness, đông đảo người dân đổ ra đường ăn mừng điều được cho là thắng lợi to lớn của đất nước họ.  
Nhưng sau một năm, bên thắng kiện là Philippines cũng chẳng đòi hỏi thực thi các phán quyết của PCA. Philippiness dưới thời Tổng thống mới Rodrigo Duterte không chỉ tăng cường hệ kinh tế với Trung Quốc, mà còn có ý quay lưng với đồng minh chiến lược là Hoa Kỳ, trong khi có nhiều hoạt động hợp tác quân sự với Trung Quốc. Mới nhất là việc ngày 28/6/2017, Trung Quốc bắt đầu bàn giao cho Philippiness những lô hàng đầu tiên trong gói viện trợ vũ khí trị giá 50 triệu nhân dân tệ (7,37 triệu USD). Có thể ông Duterte có tính toán chiến lược của ông ấy, vì không có chế tài quốc tế để thực hiện phán quyết của PCA. Nhưng theo GS luật Florin Hilbay, một trong những người làm nên chiến thắng pháp lý của Philippines trong vụ kiện Trung Quốc, việc chính quyền của ông Duterte tạm gác phán quyết của PCA để đổi lấy mối quan hệ tốt đẹp hơn với Trung Quốc là lập trường chủ bại.
Trung Quốc luôn công khai phủ nhận phán quyết của PCA, tuy nhiên chắc chắn không có chuyện Trung Quốc không thèm đếm xỉa đến nó. Tuy phán quyết của PCA không có cơ chế chế tài, nhưng nó thể hiện quan điểm luật pháp quốc tế, là một án lệ quốc tế. Từ sau phán quyết, Trung Quốc có xu hướng mềm hóa các hoạt động liên quan đến đòi hỏi chủ quyền, trong khi vẫn tìm cách lôi kéo các nước trong khu vực và có liên can xích lại gần Trung Quốc. Mặt khác, Trung Quốc tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng tại các đảo ở quần đảo Hoàng Sa và các bãi đá bị họ chiếm đóng trái phép và xây dựng thành đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa. Họ cũng tăng số lượng tàu chấp pháp và tàu cá dân binh ở khu vực Trường Sa. Tham vọng và mục tiêu lâu dài của Trung Quốc không hề thay đổi.  
Một trong những nước được lợi nhất từ phán quyết của PCA là Hoa Kỳ, đặc biệt trong lĩnh vực tự do hàng hải. Hoa Kỳ sẽ lợi dụng phán quyết để có thể can dự sâu hơn vào khu vực, lôi kéo các nước Đông Nam Á, trong đó có cả Việt Nam để kìm chế Trung Quốc. Tuy nhiên, quan hệ với Trung Quốc vẫn là ưu tiên hàng đầu của Hoa Kỳ. Dựa và Hoa Kỳ để chống Trung Quốc là sai lầm, ảnh hưởng đến vận mệnh quốc gia.
Các nước ASEAN có xu hướng ủng hộ sự có mặt về quân sự của Hoa Kỳ ở Biển Đông và toàn khu vực. Tuy nhiên phần lớn các nước này, giống như Philippiness, không muốn làm mất lòng Trung Quốc, không muốn đối đầu với Trung Quốc.

Việt Nam hoan nghênh việc PCA đã đưa ra phán quyết cuối cùng trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh trên biển Đông vào ngày 12/7/2016 và sẽ có tuyên bố về nội dung phán quyết. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Lê Hải Bình, đã nói rõ như vậy ngày 12/7/2016. Nhưng sau một năm, Việt Nam vẫn chưa đưa ra tuyên bố về nội dung phán quyết của PCA. Có thể cho rằng, điều này có nguyên nhân từ việc nhiều nội dung của phán quyết tuy bất lợi cho Trung Quốc nhưng không hẳn có lợi cho Việt Nam, có nội dung bất lợi cho Việt Nam. Tuy nhiên, một năm qua, Việt Nam vẫn âm thầm, bền bỉ và kiên quyết thực hiện những biện pháp để khẳng định chủ quyền của mình ở Hoàng Sa và Trường Sa. Trong một số trường hợp, Việt Nam tin rằng phán quyết của PCA sẽ là điểm tựa pháp lý cho mình. Vụ Thượng tướng Phạm Trường Long, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc cắt ngắn chuyến thăm Việt Nam vào ngày 18/6 và Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam – Trung Quốc lần thứ 4 tại tỉnh Lai Châu (Việt Nam) và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) dự kiến tổ chức vào các ngày 20/6 đến 22/6 bị hoãn lại, trong khi Việt Nam đang khảo sát, tiến tới hạ đặt giàn khoan ở lô 136.3, thềm lục địa phía Nam Việt Nam là một ví dụ. Nên nhớ, 6 năm trước, ngày 09/6/2011 tàu thăm dò Viking 2 của Việt Nam đang thăm dò địa chấn lô 136.3 thì bị tàu cá số 62226 của Trung Quốc, được sự yểm trợ của 2 tàu ngư chính 311, 303 vào cắt cáp làm gấp khúc 1 cáp, rối 4 cáp của tàu thăm dò.  


http://thiemthu62.blogspot.com/2016/07/tom-tat-thong-cao-bao-chi-cua-toa-trong.html

Thứ Năm, 29 tháng 6, 2017

Trông đợi gì, luật sư như thế!

          Chiều qua, khi TAND tỉnh Khánh Hòa tuyên phạt Nguyễn Ngọc Như Quỳnh 10 năm tù giam, tôi không giấu nổi nỗi buồn. Buồn và tiếc cho Nguyễn Ngọc Như Quỳnh – Mẹ Nấm.
          Tại sao tôi buồn và tiếc cho Mẹ Nấm, buồn và tiếc những gì, tôi đã (và chỉ) chia sẻ với những người hiểu tôi, hiểu vụ án, biết và hiểu chút gì đó về Mẹ Nấm. Riêng một điều tiếc tôi có thể nói với mọi người, là Mẹ Nấm đã không có được những LS có thể bảo vệ quyền lợi cho cô ấy một cách tốt nhất.  
Có 4 LS đã được TAND tỉnh Khánh Hòa cấp giấy chứng nhận bào chữa cho Mẹ Nấm, là LS Võ An Đôn và LS Nguyễn Khả Thành (Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên), LS Nguyễn Hà Luân và LS Lê Văn Luân (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội). Tại phiên tòa do TAND tỉnh Khánh Hòa mở ngày 29/6, LS Nguyễn Hà Luân vắng mặt. Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đề nghị Tòa hoãn xử để đợi LS Nguyễn Hà Luân có mặt, và cô ấy muốn có thêm LS Hà Huy Sơn (Đoàn Luật sư Hà Nội). Ba LS cũng đề nghị tương tự. Tòa không chấp nhận các đề nghị này, vì LS Hà Huy Sơn thiếu thủ tục để được cấp giấy chứng nhận bào chữa, vắng LS Nguyễn Hà Luân nhưng đã có 3 LS bảo vệ quyền lợi cho bị cáo.  
Phiên tòa bắt đầu lúc 8 giờ ngày 29/6. Thấy LS Lê Văn Luân mặc chiếc áo như trong ảnh, thẩm phán Trần Hữu Viên chủ tọa phiên tòa nhắc nhở LS Luân thực hiện theo quy định của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, để thể hiện sự tôn nghiêm ở chốn công đường: Khi tham gia phiên tòa, LS phải mặc quần âu màu đen, áo sơ mi màu trắng, cà vạt màu xám lông chuột. Nhưng LS Luân vẫn mặc chiếc áo đó, cả trong phiên làm việc buổi chiều của phiên tòa. Một thái độ thiếu chuyên nghiệp, thiếu ý thức với chính thân chủ của mình, như một tín hiệu xấu, rằng LS sẽ cãi chẳng đâu vào đâu.

Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị VKSND tỉnh Khánh Hòa truy tố về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, theo các điểm a, b, c Khoản 1 Điều 88 Bộ Luật Hình sự. Nguyễn Ngọc Như Quỳnh thừa nhận hành vi của mình đã vi phạm các điểm a, c Khoản 1 Điều 88 Bộ Luật Hình sự. Thân chủ đã thừa nhận như vậy, mà các LS không lựa theo đó để cãi làm sao có lợi nhất cho thân chủ, cứ cãi rằng các hành vi của thân chủ không cấu thành tội phạm được quy định tại Điều 88 Bộ luật Hình sự. Cãi chuyện thân chủ không cần cãi, rỗi hơi thế.  
          Một phiên tòa lẽ ra phải rất căng thẳng, sôi nổi, dự kiến kéo dài hai ngày mà xong trong một ngày. Cũng có mấy lúc mọi người trong phòng xử án được dịp thư giãn, chẳng hạn khi LS Nguyễn Khả Thành tranh luận: “Thấy người ta có bài viết sai thì nhắc nhở, xử phạt ngay chứ, sao cứ để gom lại rồi báo công an? Tôi cho rằng ông Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông tỉnh Khánh Hòa là người độc ác.”     
          Thực ra, cũng có lúc LS nói đúng. Như LS Lê Văn Luân nói trong phần thủ tục của phiên tòa, rằng cần có thêm LS, vì ba LS hiện có không đủ khả năng bảo vệ quyền lợi cho Mẹ Nấm.

          Chưa khai cuộc đã nói thua, trông đợi gì!  

Thứ Năm, 8 tháng 6, 2017

Chuyện nửa chỉ vàng ở Campuchia

     Tháng 11/1985, sau một năm học tiếng Khmer, tôi được điều động sang chiến trường Campuchia, công tác tại một xưởng quân giới của Quân đội Nhân dân cách mạng Campuchia, cấp bậc trợ lý 3 (chùm-nuôi-ca bây, nhưng dân Campuchia hay gọi là sạ bây - quan ba). Những sĩ quan công tác trực tiếp trong đơn vị quân đội của bạn như tôi được gọi là cán bộ tăng cường (căm-ma-phíc-ban boòng-caơn). Tôi và Trần Tiến Đạt, một ông bạn cùng khóa ở Học viện Kỹ thuật Quân sự, căm-ma-phíc-ban boòng-caơn tại một tiểu đoàn ô tô - thiết giáp của bạn cùng ở vùng đầm Tuol Kork, Tây Bắc thành phố Phnom Pênh. Một ông bạn đồng khóa nữa ở Học viện Kỹ thuật Quân sự là Nguyễn Hoàng Nguyên làm căm-ma-phíc-ban boòng-caơn tại Cục Công binh quân đội Campuchia. Hàng tháng chúng tôi phải mượn xe đạp hoặc thuê xe đạp ôm, lên Đoàn Chuyên gia quân sự 478 lĩnh lương. Tiền của ba thằng bỏ chung trong một hòm đạn B41.

     Cuối năm 1985, đầu năm 1986, vài tháng sau cuộc đổi tiền, đồng tiền Việt Nam bắt đầu mất giá nhanh chóng. Nhưng mấy thằng trung úy boòng-caơn chúng tôi ở với bạn, ít đi chợ búa, ít thông tin, lúc đó đâu biết chuyện tiền mất giá nhanh. Đến kỳ lĩnh lương thứ ba mới bảo nhau mang tiền 3 tháng lương ra chợ Orussey, đổi lấy tiền Campuchia. Lúc mới sang Campuchia, 1 đồng được hơn 1,2 riel. Lúc bọn tôi mang tiền ra đổi, 3 đồng chưa được 2 riel, coi như mất một nửa tiền! Bảo nhau, biết dại rồi, từ đó cứ lĩnh lương là chịu khó mang đổi ngay ra riel.
     Giữa năm 86, Đạt nghỉ phép về Hà Nội cưới vợ. Tôi và Nguyên cũng xin nghỉ phép, về phụ làm đám cưới cho Đạt, lúc đó ở cùng bố mẹ tại khu tập thể Nguyễn Công Trứ. Đêm tân hôn của Đạt, tôi ngủ cạnh giường cô dâu chú rể, sáng tỉnh dậy thấy hai chân đút trong gậm giường!
     Xong đám cưới Đạt, tôi trở lại Campuchia trước. Khi tiễn tôi, Đạt dặn dò, mày sang đó lĩnh lương, mua vàng ngay nhé! Dặn rất nghiêm túc, như bác Nguyễn Sinh Hùng khuyên chơi chứng khoán.
     Sang Campuchia, tôi lĩnh lương hai thằng (lúc đó Nguyên đi công tác nhiều, cần mang tiền để tiêu, không cất tiền chung nữa), dồn cả hai suất lương thượng úy, cả tiền tích cóp trước đó, mua được cái khoẻn nửa chỉ vàng 98. Vừa sắm khoẻn xong thì được lệnh của Cục Kỹ thuật Campuchia, đi sửa chữa vũ khí cho một số đơn vị ở tỉnh Pursat và  tỉnh Koh Kong.
     Nghĩ chuyến này đi vất vả, động chân động tay nhiều, đeo nhẫn vàng ở tay bị mòn mất (hic), tôi cắt một khuyết nhỏ phía trong nắp túi áo quân phục, bỏ cái khoẻn vào đó. Yên tâm lắm. Mày cứ nằm yên trong đó, chờ thằng Đạt sang tao moi ra khoe cho nó mừng, đỡ nhớ vợ, nhé!
     Trên đường hành quân, tôi ngồi trên đống hòm đồ nghề, dụng cụ ở thùng xe, không ngồi trong ca bin. Lúc đó, trong hàng ngũ bạn có nhiều người tốt, nhưng không ít kẻ múc pi – hai mặt, và cũng có những kẻ không ưa người Việt. Ngồi trong ca bin khó cơ động, có khi không dính đạn bọn Pol Pot phục kích mà lại ăn đạn thằng cùng đi với mình. Cả đoàn hơn 40 người, có mỗi mình là người Việt. Cứ ôm AK ngồi phía trước thùng xe, quan sát tốt, dễ ứng phó…
     Sau một chặng đường dài, đoàn xe dừng nghỉ trưa tại một thị trấn. Trên đường mải quan sát và ngắm cảnh, quên cái khoẻn ở phía ngoài trái tim. Giờ sờ lên, tim vẫn đập nhịp đều, khoẻn không thấy. Bỏ mẹ. Thì ra gió mạnh đập túi áo, cái khuy đứt chỉ rơi mất, nắp túi đập lên đập xuống, cái nhẫn vàng chui ra ngoài từ lúc nào. Biết nói sao với thằng Đạt đây! Cái thằng, trông phong lưu công tử vậy nhưng cũng chưa từng cầm nửa chỉ vàng. Hôm cưới vợ, Đạt đeo nhẫn vào tay vợ mấy lần vẫn rơi, vì nhẫn nó làm ở xưởng tôi, từ vỏ đạn 20 ly, hơi rộng…
     Bần thần một hồi, rồi thử tìm lại, biết đâu. Thế mà thấy thật. Em không rơi xuống đường mà nằm trên tấm vải bạt ở góc thùng xe, vàng chóe. May thế!

     Hôm Đạt sang, nghe tôi kể chuyện, hắn giật luôn cái khoẻn, cất biến. Nói chung, tiếng Khmer đến với với hắn rồi đi nhanh lắm, nhưng hắn giữ vàng hơi bị được! 

Thứ Hai, 22 tháng 5, 2017

Chỉ cần danh mục ca khúc bị cấm, thế thôi!

Không có việc Cục Nghệ thuật biểu diễn vừa cấp phép cho hơn 300 bài hát "nhạc đỏ", trong đó có Tiến quân ca, Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng..., mà chỉ là việc Cục Nghệ thuật biểu diễn cập nhật thêm các bài hát này vào danh mục các ca khúc đã phổ biến rộng rãi.
Tuy nhiên, việc tồn tại các danh mục ca khúc bị cấm, ca khúc được phổ biến rộng rãi, ca khúc được cấp phép sẽ còn tạo ra những chuyện gây dư luận không đáng có, cười ra nước mắt, làm khổ các cơ quan quản lý văn hóa địa phương và cơ sở kinh doanh dịch vụ ca hát...
“Công dân có thể làm tất cả những gì không bị cấm” là một trong những nguyên tắc cơ bản của nhà nước pháp quyền, pháp luật chỉ quy định những điều cấm, không quy định danh mục những hành vi được phép. Theo nguyên tắc tối thượng này, chỉ cần công bố, cập nhật danh mục các ca khúc bị cấm là đủ, khỏi cần xét cấp phép hay "đưa ca khúc vào danh mục phổ biến rộng rãi", khỏi cần các ông nghị chất vấn (chạy theo dư luận) "ai cho Cục Nghệ thuật biểu diễn quyền cấp phép Quốc ca", khối vị công chức không vin được vào cớ "bận xét cấp phép ca khúc" để lơ là các việc công cần kíp, thiết thực khác.

Chủ Nhật, 14 tháng 5, 2017

Bà Tư Hường, một phần tôi biết

Nữ doanh nhân Trần Thị Hường, thường được gọi là bà Tư Hường, Chủ tịch Tập đoàn Hoàn Cầu, cố vấn cao cấp của Ngân hàng Thương mại cổ phần Nam Á (Nam A Bank), người vừa qua đời vào sáng ngày 13/5 ở tuổi 82 là một nhân vật đặc biệt trong giới kinh doanh tại Việt Nam.
  Bà Tư Hường cùng ông Nguyễn Văn Tự, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa cùng quan khách cắt băng khai trương Diamond Bay City, ngày 30/6/2008

Nữ tài phiệt học chưa hết lớp 5

          Bà Tư Hường sinh ngày 20/4/1936 ở xã Hoài Thanh (Hoài Nhơn, Bình Định), trong một gia đình nghèo. Bà từng kể: Tôi học không hết lớp 5, phải đi ở, rồi đi học may, học nhuộm quần áo, đi bán hàng, từng bước đi lên. Vợ chồng bà có tới 10 người con, trong đó có 3 con trai. Sau năm 1975, 5 người con của bà tìm cách ra nước ngoài, rồi định cư tại Canada. Năm 1979, gia đình bà Hường chuyển vào Thành phố Hồ Chí Minh. Với số vốn tích cóp cùng sự tháo vát, năm 1982 bà trở thành đại lý cung ứng thủy sản của Tổng Cty Thủy sản Seaprodex.
Ngày 19/1/1993, bà Tư Hường sáng lập và làm Chủ tịch Hội đồng thành viên Cty TNHH Thương mại và Xây dựng Hoàn Cầu tại Thành phố Hồ Chí Minh, với số vốn điều lệ 193 tỷ đồng. Cũng năm này, bà liên doanh với UBND tỉnh Khánh Hoà lập Cty Bia Vinagen, sau đó vài năm bán lại cho tập đoàn San Miguel (Philippines), thu lãi ít nhất 5 triệu USD. Kể từ đó, bà Tư Hường phất lên vùn vụt. Hiện nay, tập đoàn Hoàn Cầu có hàng chục công ty con, với số vốn điều lệ 1.170 tỷ đồng. Những dự án lớn của tập đoàn Hoàn Cầu là Khu nghỉ dưỡng Diamond Bay City và Nha Trang Center (Nha Trang, Khánh Hòa) dự án chung cư cao cấp Cantavil Hoàn Cầu ở Thành phố Hồ Chí Minh, trường Đại học Quang Trung (Quy Nhơn, Bình Định), Đà Lạt Palace Golf Club... Hiện nay, gia đình bà Hường tập trung kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản (tập đoàn Hoàn Cầu) và ngân hàng (Ngân hàng cổ phần Nam Á).
Cho đến vài năm gần đây, dù tuổi đã cao nhưng bà Tư Hường vẫn tham gia điều hành tập đoàn Hoàn Cầu, có ý kiến quyết định về những vấn đề lớn. Theo người thân và cộng sự của bà Tư Hường, bà là người nghiêm khắc, quy củ và có cá tính mạnh mẽ.
Tuy khó biết được bà Tư Hường có bao nhiêu tài sản, nhưng giới kinh doanh cho rằng bà là một trong những người giàu nhất, có thế lực không nhỏ ở Việt Nam.

Những vụ kinh doanh điển hình của bà Tư Hường

Theo tạp chí Forbes, bà Tư Hương thành công nhờ nắm bắt xu thế: Trong giai đoạn mở cửa, các thủ tục hành chính nhiêu khê khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài nản lòng, họ chọn cách mua lại những công ty có sẵn thay vì xây dựng từ đầu. Còn theo Thanh tra Chính phủ, Cty Hoàn Cầu của bà Tư Hường phương châm kinh doanh chủ yếu là đầu tư bất động sản lớn tại vị trí đẹp, đồng thời liên doanh với các doanh nghiệp Nhà nước được giao đất, qua đó đầu tư thu lợi nhuận hoặc chuyển nhượng dự án.  
Năm 1993, UBND tỉnh Khánh Hoà và bà Tư Hường liên doanh lập Cty TNHH Bia Khánh Hoà (Bia Vinagen). Cuối năm 1993 Vinagen liên doanh với Tập đoàn San Miguel (Philippines) để lập Cty Bia Rồng Vàng, rồi tỉnh Khánh Hoà nhượng phần của mình trong liên doanh cho bà Tư Hường. Cuối cùng, bà Tư Hường nhượng toàn bộ phần của mình cho San Miguel, Phi vụ này, bà Tư Hường lãi ròng 5 triệu USD, còn cán bộ và nhân dân trong tỉnh Khánh Hòa bất bình với lãnh đạo tỉnh. Cũng bên quốc lộ 1A ở xã Suối Hiệp (Diên Khánh, Khánh Hòa) chỉ cách Cty Bia San Miguel vài trăm mét là Nhà máy nước uống tăng lực Lipovitan, trước đây của Cty Hoàn Cầu. Cty Hoàn Cầu xin được đầu tư dự án, xây dựng vỏ nhà máy với mức đầu tư 5 triệu USD rồi nhượng lại cho Cty Taisho (Nhật) với giá 17 triệu USD.
Năm 1994, Cty Hoàn Cầu xây dựng nhà máy Sài Gòn Cola ở quận Thủ Đức (Thanh phố Hồ Chí Minh) rồi chuyển nhượng lại cho Coca Cola với giá 15 triệu USD.
 Có nghịch lý ở ngành địa ốcnhiều doanh nhân được liệt vào hàng đại gia nhưng rất ít sản phẩm. Bà Tư Hường là một trong số này.
Ông Nguyễn Văn ĐựcPhó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh nói với tạp chí Forbes 
Được tỉnh Khánh Hòa ưu ái

Nói đến bà Tư Hường, người ta thường nhắc đến Khu nghỉ dưỡng Diamond Bay City ở Sông Lô (xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang). Năm 2001 Cty Hoàn Cầu được giao hơn 180 ha đất để thực hiện dự án này, hiện nay dự án có diện tích khoảng hơn 250 ha. Ở vị trí thuận lợi, có đủ điều kiện để xây dựng trở thành một khu du lịch, giải trí có tầm cỡ, lại có lợi thế đi trước, nhưng hiện nay Diamond Bay City lép vế so với nhiều khu du lịch, giải trí khác ở Nha Trang. Cty Hoàn Cầu được cho là có công đưa cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ thế giới năm 2008 về Việt Nam (tổ chức tại Diamond Bay City tháng 7/2008), nhưng thực ra công đầu là của bà Đoàn Kim Hồng, Cty CIAT. 
Trong 15 năm từ năm 1994 đến năm 2009, bà Tư Hường mua toàn bộ sản lượng yến sào của tỉnh Khánh Hòa theo từng gói 5 năm, mỗi năm tỉnh phải bán ít nhất 2000kg yến sào cho bà Tư Hường. Trong khi yến sào của Hội An, Bình Định được bán với giá 2500 USD/kg đến trên 3000 USD/kg qua đấu giá, tỉnh Khánh Hoà bán yến sào cho bà Tư với giá chỉ trên 1000 USD/kg. Chẳng hạn, trong 5 năm 2005 - 2009, tỉnh bán yến sào cho bà Tư Hường với giá 1266 USD/kg, bà Tư Hường đã trả trước cho tỉnh 12.660.000 USD. Sau này, yến sào Khánh Hòa được bán đấu giá, bà Tư Hường không mua nữa.
          Từ năm 2001 đến năm 2004, UBND tỉnh Khánh Hoà giao cho Cty Hoàn Cầu 7 dự án, sử dụng 1042,34 ha đất. Trong đó, ba dự án tại thị xã Ninh Hòa đến nay vẫn dở dang, đó là dự án Khu dân cư Ninh Thủy (87 ha), dự án Khu dân cư Ninh Long (396 ha) và dự án đầu tư cơ sở hạ tầng khu công nghiệp Ninh Thủy (206 ha). Khu đất 20 Trần Phú rộng 10.000 m2, vốn là Thư viện tỉnh Khánh Hoà, một trong những khu đất vuông vức, ở vị trí đẹp nhất Nha Trang được giao cho Cty Hoàn Cầu thực hiện dự án Nha Trang Center. Năm 2016, trong khi việc hoán đổi các công sở ở khu vực đường Trần Phú cho các doanh nghiệp còn đang gặp nhiều ý kiến bàn cãi, Cty cổ phần Thanh Yến thuộc tập đoàn Hoàn Cầu đã lặng lẽ xây dựng dự án Nha Trang Center 2 trên khu đất trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa tiếp giáp Nha Trang Center, có hai mặt tiền đường Lý Tự Trọng và đường Trần Hưng Đạo, đối diện trụ sở Tỉnh ủy Khánh Hòa.   
          Tôi gầy dựng sự nghiệp từ bản thân, bước chân tôi đi từng bước, ngoài ra không lợi dụng ai, ông nào. Tự tôi đi, thấy chân không vững thì không đi. Nếu có nhờ là khi tôi thấy việc đó đúng thì yêu cầu nhà nước ký cho tôi, đó là nhờ về giấy tờ thôi.
          Bà Tư Hường trả lời câu hỏi của đài BBC, sự nghiệp của bà có nhờ vào quen biết với giới quan chức hay không?  

Thứ Sáu, 12 tháng 5, 2017

Chân thành và giả tạo

          Ngồi cà phê, lướt phây của một người hay viết về sự chân thành, bao dung và tử tế. Thấy anh bạn ngó qua, mới hỏi có biết anh này không? Biết. Anh bạn kể, anh và anh kia trước chung cơ quan, vẫn thường xưng hô ông tôi vì xêm xêm tuổi nhau. Nhưng khi anh được giao đi thẩm tra lý lịch anh ấy, anh ta gọi anh bằng anh, xưng em. Sau đó, do lý lịch có một điểm mờ, con đường chính trị ngưng lại, anh ta lại ông tôi với anh bạn, nhưng không còn thân mật nữa. “Thật ra tôi thấy xa cách, không thật từ khi ổng xưng em với tôi”, anh bạn nói.
           Xem facebook của một vài người sống bằng nghề viết, nghề nói (người viết báo, viết văn thơ, thầy cãi...), thấy họ hay viết kiểu lập lờ, người đọc đều thấy ẩn ý bỉ bôi thể chế hay một tổ chức, cá nhân nào đó, cạnh khóe một điều gì đó hoặc "khen đểu", nhưng bắt bẻ họ không dễ. Một kiểu xu thời hèn hèn. Những trang facebook kiểu đó thường làm tôi liên tưởng đến mảnh vải nhờ nhờ màu nước dưa, là nguồn cơn để tôi viết status “Trắng thì trắng, đen thì đen, đừng ra cái thứ nhá nhem, cháo lòng”. Có những người tôi không thích tiếp xúc, vì không muốn có cảm giác nhờn nhợn khi phải nghe họ nói không biết ngượng về “cái tâm”, về điều thiện. 
          Trái lại, có những người khiến tôi lắm lúc phát bực với cách cư xử bộc tuệch, lời nói thô kệch, có tay thậm chí tác phong lè phè, cư xử bỗ bã quá trớn, kiểu cậy mình lớn tuổi nên họp cơ quan vẫn gọi sếp là thằng, hoặc gọi ông anh “ê, ra đây tôi bảo cái này”... Nhưng họ vô tư, không làm màu, không giả dối nên nói chuyện, làm việc với họ bao giờ cũng thoải mái, tự nhiên.
          Một ông anh nói, như Quân cóc không bất mãn thì thôi, chứ mấy tay kia... Chả biết bác hiểu chuyện đời tôi đến đâu, nhưng câu nói đó cho thấy bác có não trạng lành mạnh, tâm thế đàng hoàng.
.

Thứ Bảy, 29 tháng 4, 2017

Đóa hoa bất tử của Hòn Đất

 “Kìa, chị đang khẽ mỉm cười và lặng lẽ. Kia, khuôn mặt trái xoan thon thả của chị đang mở to đôi mắt đẹp đẽ chân thật. Kia là mái tóc óng mượt mà cả Hòn Ðất ai cũng lấy làm hãnh diện”. Đó là Anh hùng liệt sĩ Phan Thị Ràng, nguyên mẫu nhân vật chị Sứ trong tiểu thuyết Hòn Đất của cố nhà văn Anh Đức.

Đính hôn được mấy tháng thì phải chia tay người thương. Cứ nghĩ chỉ hai năm sau sẽ được đoàn tụ, nhưng những ngày xa cách cứ dài mãi ra, do chính quyền Ngô Ðình Diệm không chấp nhận tổ chức tổng tuyển cử để thống nhất đất nước. Khi hai người đã nhận được thư của nhau, người ra Bắc tập kết đã trở về Nam chiến đấu, "trong lòng nở hoa" vì sắp đoàn tụ với vợ chưa cưới thì nghe tin người ở lại miền Nam bị giặc giết... Cuộc đời và sự hy sinh của chị Tư Ràng còn đẹp hơn, bi tráng hơn nhiều so với của chị Sứ trong tiểu thuyết.


Ngày ngày, vẫn có rất nhiều người từ mọi miền về chân Hòn Đất, để viếng người con gái xinh đẹp, kiên trinh...


Một số người cho rằng ngày 30/4 là ngày quân đội miền Bắc thắng quân đội miền Nam. Chưa cần xét về quan điểm, về ý thức chính trị, nói như vậy là xúc phạm hương linh của chị Tư Ràng, của chị Võ Thị Sáu, của anh Nguyễn Văn Trỗi..., xúc phạm hàng triệu triệu người con miền Nam đã hy sinh xương máu, hy sinh hạnh phúc của đời mình trong cuộc đấu tranh trường kỳ vì độc lập, thống nhất của Tổ quốc Việt Nam.

Thứ Ba, 4 tháng 4, 2017

4/4, ngày truyền thống đảo Trường Sa Đông

Đảo Trường Sa Đông (Đá Giữa) thuộc cụm đảo Trường Sa, ở vĩ độ 08độ 55’ Bắc, kinh độ 112 độ 21’ Đông, nằm ở khoảng giữa bãi Đá Tây và bãi Đá Đông trên cùng một rạn san hô lớn, nên trước năm 1978 được gọi là Đá Giữa. Cùng nằm trên rạn này có đá Châu Viên, cách đảo Trường Sa Đông 30 hải lý về phía Đông, bị Trung Quốc chiếm đóng ngày 18/2/1988. 
Toàn cảnh đảo Trường Sa Đông
Đảo nằm gần như ngang theo hướng Đông Tây, chiều dài khoảng 200m, phần phía Đông rộng khoảng 60m, phần phía Tây hẹp hơn, diện tích tự nhiên toàn đảo chỉ khoảng 6000m2, khi thủy triều lên phần giữa đảo bị ngập nước. 
Các giảng viên, cán bộ nghiên cứu của Học viện Kỹ thuật Quân sự tại bia chủ quyền đảo Trường Sa Đông, tháng 4/1996
Đầu năm 1978, tình hình ở khu vực quần đảo Trường Sa diễn biến phức tạp, Philippines đưa quân chiếm đóng bãi An Nhơn (cồn san hô Lan Can), Malaysia cũng đưa nhiều tàu thuyền quân sự đến khu vực Nam quần đảo Trường Sa. Quân chủng Hải quân quyết định, phải nhanh chóng đóng giữ các đảo An Bang (10/3/1978), Sinh Tồn Đông (15/3/1978), Phan Vinh (Hòn Sập, 30/3/1978) và Đá Giữa. Ngày 4/4/1978, một phân đội gồm 19 người của Trung đoàn 146, Vùng 4 Hải quân do Tham mưu trưởng Trung đoàn Nguyễn Trung Cang chỉ huy, đi trên tàu 681 của Lữ đoàn 125 đã đổ bộ, đóng giữ đảo Trường Sa Đông.
Đảo Trường Sa Đông năm 2009 và năm 2016
Từ một đảo san hô nhỏ, hẹp, trợ trọi, không có nước ngọt, điều kiện sinh sống trên đảo rất khó khăn, ngày nay đảo Trường Sa Đông đã được tôn tạo mở rộng, xây dựng khang trang, rợp bóng cây xanh. Đảo Trường Sa Đông được đánh giá là một trong những đảo đẹp nhất ở Trường Sa.
Phút gải lao sau giờ luyện tập của lính đảo Trường Sa Đông
 Đảo Trường Sa Đông tháng 4/2014
Chào cờ trên đảo Trường Sa Đông 

Thứ Tư, 29 tháng 3, 2017

30/3, ngày truyền thống đảo mang tên Anh hùng Phan Vinh

Rạn san hô Phan Vinh
Đảo Phan Vinh thuộc cụm đảo Trường Sa, nằm ở vĩ độ 08058’ Bắc, kinh độ 113041’ Đông, ở đầu Đông Bắc rạn san hô Phan Vinh (Pearson Reef) dài khoảng 5 hải lý, theo hướng Đông Bắc – Tây Nam. Có hình dạng tự nhiên gần tròn, đường kính chỉ hơn 50m, đảo Phan Vinh là đảo nhỏ nhất trong 9 đảo nổi ở quần đảo Trường Sa có Hải quân Việt Nam đóng giữ. Tuy nhỏ bé, nhưng đảo Phan Vinh có vị trí chiến lược quan trọng, ở giữa quần đảo Trường Sa, gần như cách đều 3 bãi cạn đang bị Trung Quốc chiếm đóng và xây dựng đảo nhân tạo trái phép là đá Gạc Ma, đá Chữ Thập và đá Châu Viên, với khoảng cách trên 50 hải lý.
Đảo Phan Vinh tháng 5/1988 - ảnh Nguyễn Viết Thái

Trước năm 1978, đảo Phan Vinh có tên là Hòn Sập. Đầu năm 1978, tình hình ở khu vực quần đảo Trường Sa diễn biến phức tạp, Philippines đưa quân chiếm đóng bãi An Nhơn (cồn san hô Lan Can, theo tiếng Anh là Lankiam Cay), Malaysia cũng đưa nhiều tàu quân sự đến khu vực phía Nam quần đảo Trường Sa. Quân chủng Hải quân quyết định, phải nhanh chóng đóng giữ các đảo An Bang (10/3/1978), Sinh Tồn Đông (15/3/1978), Hòn Sập, Trường Sa Đông (Đá Giữa, 4/4/1978). Ngày 30/3/1978, một phân đội của trung đoàn 146, Vùng 4 Hải quân có Trung đoàn trưởng Cao Ánh Đăng đi cùng trên tàu 680 thuộc Đoàn 128 đã ra đóng giữ đảo Hòn Sập. Ngày 7/5/1978, Tư lệnh Hải quân Giáp Văn Cương và Chính ủy Hải quân Hoàng Trà ra đảo Hòn Sập kiểm tra. Tại đây, Tư lệnh Giáp Văn Cương đề nghị đổi tên đảo Hòn Sập thành đảo Phan Vinh, mang tên Anh hùng liệt sĩ, Trung úy Nguyễn Phan Vinh, thuyền trưởng của tàu 235 trong đoàn tàu không số, đường Hồ Chí Minh trên biển.
Đảo Phan Vinh tháng 1/2011


So với các đảo nổi trên quần đảo Trường Sa, điều kiện sinh sống ở đảo Phan Vinh khó khăn hơn. Đảo nhỏ hẹp, chỉ có cát san hô trắng trơ trọi, không có nước ngọt, không có cây xanh, mỗi khi có dông gió lớn, sóng đánh bụi nước biển từ bên này sang bên kia đảo. Qua nhiều lần tôn tạo, đảo Phan Vinh đã được mở rộng hơn, các công trình trên đảo đã khá khang trang, có cả chùa Vinh Phúc. Bên cạnh điểm đảo nổi (Phan Vinh A), ta xây dựng thêm điểm đảo chìm Phan Vinh B, cách đảo Phan Vinh A gần 5 hải lý về phía Tây.   
 Đảo Phan Vinh B
Đảo Phan Vinh hiện nay, góc sẫm màu xanh cây cối phía Đông là phần đảo tự nhiên
ảnh vệ tinh Cụm B đảo Phan Vinh 

Thứ Sáu, 17 tháng 3, 2017

Không có chuyện ta phải giành lại Len Đao!

Không có chuyện giành lại Len Đao!
           Tôi đã đôi ba lần viết điều này trên blog, trên facebook, trên báo Tiền Phong. Nhưng hôm nay, lại đọc một bài báo có nội dung “giành lại Len Đao”, buộc lòng phải trở lại chuyện này.
Đại tá Dân cắm lại cờ trên Len Đao ngày 22/4/1988 (do thủy triều lên, dòng chảy làm trôi cờ ta đã cắm) - ảnh tư liệu của Tổng cục Chính trị, Quân đội nhân dân Việt Nam

Đại tá Nguyễn Văn Dân, trong chiến dịch CQ-88 là Trung tá, Phó tham mưu trưởng Vùng 4 Hải quân, chỉ huy trưởng Khu vực 2 Sinh Tồn (trong đó có Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin) khẳng định, ta cắm cờ và giữ Len Đao từ ngày 14/3/1988, không để mất đá Len Đao nên không có chuyện "giành lại Len Đao". Đại tá Nguyễn Văn Dân đã ở đá Len Đao từ chiều ngày 14/3/1988, cùng tàu HQ-614. Trong mấy tháng sau sự kiện 14/3/1988, ta giữ Len Đao bằng sự hiện diện của tàu HQ-614 và một số tàu khác, chưa làm nhà cao chân trên đó được vì Trung Quốc cản phá. Có chuyện một đơn vị bí mật đưa vật liệu lên làm nhà ở Len Đao, vì lý do như đã nói ở trên. Nhưng đó không phải là "bí mật giành lại Len Đao".
Bài báo trên Tuổi Trẻ nói về "giành lại Len Đao", nghĩa là Len Đao đã bị Trung Quốc chiếm. Vậy nhưng trong nội dung bài báo, không thấy nói khi quân ta lên "giành lại Len Đao" có gặp lính Trung Quốc nào không, có thấy công trình gì Trung Quốc xây không, có thấy cờ Trung Quốc cắm không?
Việc bí mật đưa vật liệu lên làm nhà ở Len Đao và Cô Lin tháng 6/1988, trong sách Truyền thống đoàn Trường Sa anh hùng

Sách “Truyền thống đoàn Trường Sa anh hùng” do NXB Trẻ xuất bản năm 1995 cho biết: Do Khu vực 2 còn phức tạp, nên kế hoạch đóng giữ làm nhà ở Cô Lin, Len Đao yêu cầu phải bảo đảm bí mật, khẩn trương, tránh đụng độ, không cho địch biết ý định. Đại tá Lê Văn Thư, Chỉ huy trưởng Vùng 4 và Đại tá Phạm Công Phán, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 được giao nhiệm vụ tổ chức làm nhà ở 2 đảo này. Ngày 28/6/1988, tàu HQ-706 từ Cô Lin đến Len Đao, ủi vào bãi cạn và tổ chức chuyển vật liệu lên bãi. Tối ngày 29/6/1988, ta tổ chức cắm cờ và làm nhà. Trong quá trình ta làm nhà, một số tàu Trung Quốc vẫn đe dọa khiêu khích, có khi chúng vào cách đảo 180m... Ngày 7/7/1988 ta làm xong nhà ở Len Đao, cùng thời gian này cũng làm xong nhà ở Cô Lin.  
Bài trên báo Nhân Dân ngày 22/4/1988 có phần nói về tàu cứu hộ Đại Lãnh khảo sát tàu HQ-605 ở đá Len Đao

Nếu ai đó vẫn cho rằng có chuyện “Len Đao đã bị mất, ta phải giành lại”, xin đọc bài trên báo Nhân Dân ngày 22/4 về hoạt động của tàu cứu hộ Đại Lãnh ở vùng đảo Sinh Tồn. “Ở Len Đao, tổ lặn của tàu cứu hộ Đại Lãnh đã quay camera dưới biển toàn cảnh và các chi tiết con tàu 605 bị chìm ở độ sâu 40 mét. Tổ lặn đã thực hiện nhiều ca làm việc khảo sát bên ngoài và phía trong con tàu 605. Tàu bị pháo Trung Quốc bắn từ phía bên phải. Do đó, khi bị chìm đã lật nghiêng hơn 80 độ ở mạn phải, mạn trái bị một vết thủng lớn do đạn pháo xuyên qua, toàn bộ cabin và xuồng cứu sinh trên tàu đều bị bắn nát”. Tàu Đại Lãnh khảo sát được tàu 605 ở Len Đao vì đá Len Đao do ta kiểm soát, nhưng không khảo sát được tàu 604 ở Gạc Ma, vì đá Gạc Ma đã bị Trung Quốc chiếm đóng từ ngày 14/3/1988.


Thứ Năm, 16 tháng 3, 2017

Những kẻ khốn nạn!

Hôm rồi, có người bình luận trong bài viết về Trường Sa trên facebook của một người anh, rằng Trung Quốc đã kiểm soát toàn bộ Biển Đông. Bị chỉnh lại, anh kia bảo vệ ý kiến “Trung Quốc đã kiểm soát toàn bộ Biển Đông” bằng cách nói rằng, đã được đi thăm Trường Sa, đã được cung cấp thông tin rất chính xác và đầy đủ.
Bực mình đập lại, ông đã ra Trường Sa, tức là đã ở trên những hòn đảo ở Trường Sa không bị Trung Quốc kiểm soát, mà nói Trung Quốc kiểm soát toàn ḅộ Biển Đông, thật lạ. Chưa ̣́̀̀kể, ông quên những đảo như Bạch Long Vỹ, Cồn Cỏ, Lý Sơn, Phú Quý, Côn Đảo, Phú Quốc…, quên khu vực khai thác dầu khí và khu Nhà giàn DK1 chăng?
Vụ “đi thăm Trường Sa, được cung cấp thông tin đầy đủ và chính xác, do đó biết rằng Trung Quốc đã kiểm soát toàn bộ Biển Đông” là minh chứng rõ ràng điều tôi đã nói: Khách đi thăm Trường Sa không được cung cấp thông tin chính thống có hệ thống về Trường Sa, nên khi đi thăm Trường Sa dễ ở tình trạng như thầy bói xem voi, hiểu biết về Trường Sa, về chủ quyền biển, đảo không có hệ thống, hời hợt. Mặt khác, có những cơ quan, địa phương coi việc đi thăm Trường Sa như một chính sách đãi ngộ, cho nên luân phiên “cấp phiếu du lịch” cho cán bộ đi Trường Sa, cho những cán bộ chuẩn bị nghỉ hưu đi thăm Trường Sa, ra đảo họ chỉ chăm chăm chụp ảnh tự sướng, hái hoa bàng vuông và tìm vỏ ốc, chả tìm hiểu gì về Trường Sa. Cũng có dấu hiệu cho thấy, có sự lợi dụng chính sách của Nhà nước bao cấp chi phí đi thăm Trường Sa, để đưa người ngoài cơ quan vào các đoàn đi thăm Trường Sa…
Đi thăm Trường Sa rồi về nói rằng Trung Quốc đã kiểm soát toàn bộ Biển Đông, chẳng khác nào nói rằng Việt Nam mình đã mất hết Trường Sa. Những kẻ như vậy là những kẻ ngu ngốc, họ xúc phạm công sức, trí lực của bao thế hệ, của cả dân tộc này, xúc phạm xương máu, xúc phạm hương hồn của bao liệt sĩ đã hy sinh cuộc sống của mình để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam.


Thứ Tư, 15 tháng 3, 2017

16/3, ngày truyền thống đảo Đá Nam

Đá Nam, nhìn từ hải đăng đảo Song Tử Tây

Bãi san hô Đá Nam thuộc cụm đảo Song Tử Tây của quần đảo Trường Sa, nằm ở vĩ độ 11030’ Bắc, kinh độ114021’ Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 3 hải lý về phía Tây Nam. Rạn san hô Đá Nam có dạng gần giống hình elip, nằm theo hướng Đông Bắc - Tây Nam, dài khoảng 2 hải lý, rộng khoảng 1,5 hải lý, khi thủy triều thấp có nhiều đá mồ côi nhô lên khỏi mặt nước. Phía Đông Nam của Đá Nam có một hồ nhỏ, độ sâu hồ từ 3m đến 15m.
Xây nhà lâu bền trên Đá Nam, năm 1989 - ảnh tư liệu

          Nằm ở phần Bắc quần đảo Trường Sa, nơi từ tháng 7 đến tháng 12 hàng năm thường có bão đi qua, mỗi năm đảo Đá Nam có 130 ngày chịu gió mạnh từ cấp 6 trở lên. Có thể nói, Đá Nam chính là nơi hứng chịu nhiều gió bão nhất trong các đảo, đá có Hải quân Việt Nam đóng giữ ở quần đảo Trường Sa.
Đá Nam, đảo Song Tử Tây, đảo Song Tử Đông (đang bị Philippines chiếm đóng) tháng 12/2016

           Trong Chiến dịch CQ-88, ngày 16/3/1988, một phân đội của Lữ đoàn 146 đã hoàn thành nhiệm vụ đóng giữ Đá Nam. Đá Nam là bãi san hô (đảo chìm) thứ 11 được Việt Nam đóng giữ trong CQ-88, là thực thể địa lý được Việt Nam đóng giữ gần đây nhất trong 21 thực thể địa lý đang có lực lượng Hải quân Việt Nam đóng giữ ở quần đảo Trường Sa
  

Một góc Đá Nam
Tặng quà Đá Nam, ngày 23/12/2016

Thứ Ba, 14 tháng 3, 2017

Hôm nay, ngày truyền thống đảo Sinh Tồn Đông và đảo Đá Thị

Bia chủ quyền đảo Sinh Tồn Đông - ảnh Đại Điền
Đảo Sinh Tồn Đông (Đá Nhám) thuộc cụm đảo Sinh Tồn, ở vĩ độ 09054’09’’ Bắc, kinh độ 114035’51’’ Đông, cách đảo Sinh Tồn 14 hải lý về phía Đông, cách Cam Ranh 343 hải lý về phía Đông Đông Nam. Chỉ cách  đảo Sinh Tồn Đông 4 hải lý về phía Tây Bắc là đá Tư Nghĩa (Huy Ghơ) đang bị Trung Quốc chiếm đóng, cách đảo Sinh Tồn Đông 8 hải lý về phía Đông Bắc là đá Ba Đầu cũng thường xuyên bị Trung Quốc dòm ngó.   


Xây dựng công trình lâu bền trên đảo Sinh Tồn Đông, năm 1980  - ảnh tư liệu
Đảo nằm theo hướng Bắc Tây Bắc – Nam Đông Nam, dài khoảng 200m, rộng 40m, cao khoảng 2,5m – 3m khi thủy triều xuống thấp nhất. Hai đầu đảo có bãi cát di chuyển theo mùa, bãi cát ở đầu Bắc đảo dài hơn bãi cát ở đầu Nam. Nền san hô quanh đảo kéo dài từ chân đảo ra khoảng 300m – 400m, nhô cao hơn mặt nước 0,5m-0,6m khi thủy triều thấp nhất.
           Đầu năm 1978, tình hình ở khu vực quần đảo Trường Sa diễn biến phức tạp, Philippines đưa quân chiếm đóng bãi An Nhơn (cồn san hô Lan Can, tên tiếng Anh là Lankiam Cay, Philippines gọi là Panata), Malaysia cũng đưa nhiều tàu quân sự đến khu vực Nam quần đảo Trường Sa. Bộ Tư lệnh Hải quân quyết định, phải nhanh chóng tổ chức lực lượng đóng giữ các đảo An Bang (10/3/1978), đá Grierson (Sinh Tồn Đông, 15/3/1978), Hòn Sập (Phan Vinh, 30/3/1978) và Trường Sa Đông (Đá Giữa, 4/4/1978). Ngày 15/3/1978, tàu 679 của Hải đoàn 128 đưa lực lượng của Lữ đoàn 146 cùng một số cán bộ của Bộ Tham mưu Hải quân đổ bộ lên đá Grierson.

Đảo Sinh Tồn Đông năm 1995 – ảnh tư liệu

          Ngày 25/4/1978, khi ra kiểm tra đá Grierson cùng Chính ủy Quân chủng Hải quân Hoàng Trà, Tư lệnh Quân chủng Hải quân Giáp Văn Cương đề nghị đổi tên đá Grierson thành đảo Sinh Tồn Đông.
           Tại đảo Sinh Tồn Đông, lần đầu tiên Trung đoàn 83 Công binh xây dựng nhà cao chân trên đảo từ các vật tư sẵn có, phù hợp với điều kiện tự nhiên của đảo Sinh Tồn Đông, với khả năng của ta và tình hình khẩn trương lúc đó. Đây là kinh nghiệm rất quý báu, để sau này làm nhà cao chân trên các đảo chìm những năm 1987 – 1988.


 Trên bãi cát phía Nam đảo Sinh tồn Đông
ảnh vệ tinh đảo Sinh Tồn Đông, ngày 24/7/2016

Đá Thị trong cụm đảo Nam Yết 
                    
 Đá Thị (đá Núi Thị) nằm ở cụm đảo Nam Yết, phía Bắc quần đảo Trường Sa, vĩ độ 10 độ 24’42’’N và kinh độ 114độ 22’12’’E, cách đảo Sơn Ca khoảng 7 hải lý về phía Đông - Đông Bắc. Cách Đá Thị khoảng 8 hải lý về phía Đông Nam là bãi Én Đất, thường xuyên bị Trung Quốc nhóm ngó. Bãi san hô Đá Thị có hình hơi tròn và dẹt về hai đầu, nằm theo hướng Đông Bắc - Tây Nam, là bãi đá ngầm dài 1,5-2km, rộng khoảng 1-1,3km, có độ dốc về hướng Đông Nam. Độ cao của Đá Thị không đều, khi nước thủy triều cao khoảng 1,2m toàn bộ bãi đá san hô nằm dưới mặt nước khoảng 0,6m, khi thủy triều xuống, nơi cao nhất của Đá Thị nhô lên khỏi mặt nước 0,3m.
Đá Thị năm 1991 - ảnh tư liệu

Để củng cố thế trận phòng thủ ở cụm đảo Nam Yết, ngày 15/3/1988, ngay sau ngày xảy ra sự kiện 14/3/1988, một lực lượng của Lữ đoàn 146 đã triển khai đóng giữ, bảo vệ đảo Đá Thị theo mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải Quân.

Lính đảo Đá Thị đón dây kéo xuồng vào đảo, tháng 12/2011

Lính đảo Đá Thị mừng năm mới 2017



Thứ Hai, 13 tháng 3, 2017

Chỉ là bóp méo lịch sử

Một số vị đòi đưa "trận đánh Gạc Ma" vào SGK lịch sử, rằng không đưa thì mất lịch sử. Quanh đi quẩn lại, các vị chỉ nhắc mỗi Gạc Ma, chỉ biết mỗi cái tên Gạc Ma. 
Điều cần đưa vào SGK là sự tranh chấp chủ quyền giữa “6 bên 5 nước” đối với Trường Sa, là làm sao để học sinh hiểu rằng tranh chấp ở Biển Đông, ở Trường Sa là vấn đề quốc tế đa phương, sâu xa, có sự can dự của nhiều “ông lớn” ở ngoài khu vực, chứ không phải chỉ là tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc, chỉ liên quan đến Việt Nam và Trung Quốc.
Chỉ nhắc đến "hải chiến Gạc Ma", chỉ đòi đưa mỗi Gạc Ma vào SGK, thứ các vị muốn học sinh được học không phải là lịch sử, chỉ là sự bóp méo lịch sử mà thôi.

Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin trong chiến dịch Chủ quyền 1988 Bài 2: Những người dũng cảm bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc

Ngày 14/3/1988, hàng trăm viên đạn pháo đã bắn vào những con tàu, những người lính Hải quân Việt Nam ở đá Gạc Ma, đá Len Đao và đá Cô Lin, làm 64 người hy sinh. Những người lính Việt Nam gan dạ, anh dũng đã bảo vệ được đá Len Đao và đá Cô Lin, quân Trung Quốc chỉ chiếm được đá Gạc Ma.
Anh hùng Vũ Huy Lễ và sĩ quan, thủy thủ tàu HQ-505, tháng 4/1988 - ảnh Nguyễn Viết Thái

Ngày bi tráng 14/3/1988

Đá Gạc Ma, đá Cô Lin và đá Len Đao đều thuộc cụm đảo Sinh Tồn, đá Gạc Ma cách đảo Sinh Tồn 11 hải lý về phía Tây Nam, cách đá Cô Lin gần 4 hải lý và cách đá Len Đao 7 hải lý. Tàu HQ-604 và tàu HQ-505 tới cạnh đá Gạc Ma và đá Cô Lin vào chiều tối ngày 13/3/1988, cùng thời gian tàu HQ-605 cũng tới đá Len Đao. Chỉ ít phút sau, hai tàu chiến Trung Quốc từ đá Tư Nghĩa chạy tới áp sát tàu ta và dùng loa gọi sang, đòi tàu ta rời đi... Bộ Tư lệnh Hải quân ra lệnh, tổ chức đóng giữ bãi Gạc Ma ngay trong đêm 13/3/1988.
Di ảnh Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương
Theo sách Lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam (1955 – 2005), khoảng 3 giờ sáng ngày 14/3/1988 quân ta bắt đầu chuyển vật liệu từ tàu HQ-604 lên đá Gạc Ma. Khoảng 6 giờ ngày 14/3/1988, Trung Quốc điều tới thêm 2 tàu, dùng 3 thuyền nhôm đưa khoảng 40 lính lên bãi Gạc Ma, giật quốc kỳ Việt Nam, bắn chết Trung úy Trần Văn Phương, đâm trọng thương hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh. Bị quân ta đánh trả, quân Trung Quốc rút ra xa, xả đạn pháo và các loại súng vào tàu HQ-604 ta và quân ta đang ở trên bãi. Trung tá Trần Đức Thông, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 chỉ huy bộ đội bắn trả quyết liệt. Tuy nhiên, các tàu địch có số lượng và uy lực vũ khí áp đảo, tàu HQ-604 trúng nhiều đạn pháo địch, chìm xuống biển… Trung tá Trần Đức Thông và 61 đồng đội hy sinh, mất tích, 9 người bị Trung Quốc bắt. Những người còn sống đi tìm vớt đồng đội hy sinh và bị thương, đưa lên một xuồng của công binh rồi bơi về phía tàu HQ-505 ở đá Cô Lin.  
  Tại đá Cô Lin, lực lượng trên tàu HQ-505 đã cắm hai cờ Việt Nam trên bãi trước 6 giờ sáng ngày 14/3/1988. Sau khi bắn vào tàu HQ-604, các tàu Trung Quốc bắn nhiều đạn pháo vào tàu HQ-505, khiến tàu bị hỏng máy. Thiếu tá Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ chỉ huy khẩn trương sửa máy, rồi lệnh chạy cả hai máy tàu, ủi bãi Cô Lin. Hơn 8 giờ sáng ngày 14/3/1988, tàu HQ-505 bốc cháy nhưng đã trườn được hai phần ba thân lên bãi. Lực lượng trên tàu vừa triển khai dập lửa cứu tàu, bảo vệ đá Cô Lin, vừa đưa xuồng đi cứu vớt đồng đội ở phía đá Gạc Ma.
Liệt sĩ Phan Hữu Doan đứng thứ hai từ phải sang, cùng các sinh viên Mozambik, Yemen và Nga tại Học viện Hải quân Nikola Vaptsarov (Bulgaria) năm 1982, ảnh lấy từ website của Học viện Hải quân Nikola Vaptsarov 
 Tại đá Len Đao, rạng sáng ngày 14/3/1988 Trung úy Phan Hữu Doan, Phó Thuyền trưởng tàu HQ-605 chỉ huy một nhóm lên bãi cắm cờ. Khi thấy các tàu HQ-604 và HQ-505 bị bắn, Đại úy Thuyền trưởng Lê Lệnh Sơn lệnh đơn vị tránh xuống mặt boong, trên cabin chỉ còn Thuyền trưởng và Thượng úy, máy trưởng Uông Xuân Thọ điều khiển tàu ủi bãi Len Đao. Khoảng gần 8 giờ ngày 14/3/1988, tàu HQ-605 vừa tăng tốc để ủi bãi thì bị tàu Trung Quốc bắn pháo vào thẳng cabin và buồng máy. Thuyền Thuyền trưởng Lê Lệnh Sơn và máy trưởng Uông Xuân Thọ kịp chạy khỏi cabin, chỉ bị thương. Lúc tàu HQ-605 bị bắn, Thuyền phó Phan Hữu Doan đang tắm sau khi được thay ca giữ cờ. “Anh Doan bị lửa từ buồng máy trùm lên và mảnh đạn găm vào mặt, chạy ra bên lan can tàu. Khi nhảy xuống biển, nhiều mảng da của anh bị lột ra”. Thượng úy Uông Xuân Thọ bồi hồi kể lại. Sĩ quan, thủy thủ tàu HQ-605 đưa Trung úy Phan Hữu Doan và người bị thương nặng nhất là thợ máy Trần Văn Sáu lên phao cá nhân. Họ không tìm thấy Trung sĩ báo vụ Bùi Duy Hiển, có lẽ anh đã hy sinh trên tàu. Vài giờ sau, nhóm giữ cờ trên bãi Len Đao bơi xuồng gặp được những người nhảy từ tàu xuống. Những người bị thương nặng được đưa lên xuồng, những người khác bơi quanh, dìu xuồng về hướng đảo Sinh Tồn. Sau gần 8 giờ bơi trên biển, gần 4 giờ chiều ngày 14/3/1988 họ được bộ đội đảo Sinh Tồn bơi xuồng ra đón. Trung úy Phan Hữu Doan mất trên đường bơi về đảo Sinh Tồn. Vừa lên đảo, Thượng úy Uông Xuân Thọ cũng mê man bất tỉnh. 
Đến sáng ngày 15/3/1988, tàu HQ-605 chìm hẳn. Trước đó, chiều ngày 14/3/1988, các tàu HQ-931, HQ-671, HQ-614 lần lượt tới tiếp ứng, bảo vệ bãi Len Đao và bãi Cô Lin.

Không có chuyện “giành lại Len Đao”

Với sự chỉ huy mau lẹ, tỉnh táo, kiên quyết của Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ, với sự đoàn kết, dũng cảm, tình đồng đội của tập thể tàu HQ-505, chủ quyền của Việt Nam đối với đá Cô Lin đã được bảo vệ vững chắc, nhiều người sĩ quan, chiến sĩ ở đá Gạc Ma đã được cứu giúp. Ngày 6/1/1989, Thiếu tá Thuyền trưởng tàu HQ-505 Vũ Huy Lễ được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Liệt sĩ, Trung úy Trần Văn Phương được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ngày 8/1/1989, tập thể tàu HQ-505 được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đến ngày 3/12/1989, Liệt sĩ, Trung tá Trần Đức Thông và Liệt sĩ, Thiếu tá Vũ Phi Trừ, Thuyền trưởng tàu HQ-604 được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Hạ sỹ Nguyễn Văn Lanh được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. 
“Gần đây, có một số bài báo đưa thông tin, khoảng 1 tháng sau sự kiện 14/3/1988 Hải quân Việt Nam đã tổ chức giành lại đá Len Đao, với sự hỗ trợ của 7 máy bay SU–22. Thông tin như vậy không đúng, ta mất Len Đao khi nào mà phải giành lại”. Đại tá Cao Ánh Đăng, nguyên Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146. Ông cho biết thêm, thời điểm đó Không quân Việt Nam chưa đủ khả năng đưa máy bay SU-22 ra tác chiến ở khu vực quần đảo Trường Sa. Đại tá Nguyễn Văn Dân, trong chiến dịch CQ-88 là Trung tá, Phó tham mưu trưởng Vùng 4 Hải quân, chỉ huy trưởng Khu vực 2 Sinh Tồn (trong đó có Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin) cũng phản bác thông tin sai lạc về việc “giành lại Len Đao”. Đại tá Nguyễn Văn Dân đã ở đá Len Đao từ chiều ngày 14/3/1988, cùng tàu HQ-614. Trong mấy tháng sau sự kiện 14/3/1988, ta giữ Len Đao bằng sự hiện diện của tàu HQ-614 và một số tàu khác.
Đại tá Nguyễn Văn Dân cắm Quốc kỳ Việt Nam trên mỏm đá san hô cao nhất của đá Len Đao, ngày 22/4/1988 - ảnh tư liệu
Sách “Truyền thống đoàn Trường Sa anh hùng” do NXB Trẻ xuất bản năm 1995 cho biết: Do Khu vực 2 còn phức tạp, nên kế hoạch đóng giữ làm nhà ở Cô Lin, Len Đao yêu cầu phải bảo đảm bí mật, khẩn trương, tránh đụng độ, không cho địch biết ý định. Đại tá Lê Văn Thư, Chỉ huy trưởng Vùng 4 và Đại tá Phạm Công Phán, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 được giao nhiệm vụ tổ chức làm nhà ở 2 đảo này. Ngày 28/6/1988, tàu HQ-706 từ Cô Lin đến Len Đao, ủi vào bãi cạn và tổ chức chuyển vật liệu lên bãi. Tối ngày 29/6/1988, ta tổ chức cắm cờ và làm nhà. Trong quá trình ta làm nhà, một số tàu Trung Quốc vẫn đe dọa khiêu khích, có khi chúng vào cách đảo 180m... Ngày 7/7/1988 ta làm xong nhà ở Len Đao, cùng thời gian này cũng làm xong nhà ở Cô Lin.  
         
Bản đồ khu vực thực hiện Chiến dịch CQ-88, chữ số màu đỏ đánh dấu các điểm Việt Nam đóng giữ trong chiến dịch này, chữ số màu đen đánh dấu điểm bị Trung Quốc chiếm đóng

Ngày 15/3/1988, chỉ một ngày sau sự kiện 14/3/1988, ta đóng giữ thành công Đá Thị, một bãi đá san hô rất quan trọng ở cụm đảo Nam Yết. Ngày 16/3, ta tiếp tục đóng giữ bãi Đá Nam ở Tây Nam đảo Song Tử Tây.
Tổng cộng trong Chiến dịch CQ-88, Việt Nam đã đóng giữ thêm 11 bãi đá (đảo chìm), nâng số thực thể địa lý Việt Nam đóng giữ ở quần đảo Trường Sa lên con số 21