Thứ Năm, 31 tháng 7, 2008

Xa rồi, Hà Tây!

Category: cảnh đẹp, Tag: Du lịch,Tổng quát

07/31/2008 10:20 am

Bóng chiếc thoi đưa ánh mắt long lanh
Trời đất Hà Tây tay em dệt lụa
Sữa trắng Ba Vì, thóc vàng Khu Cháy
Hồn thơ Nguyễn Trãi dệt thành vần
Sông Tích sông Đà giăng lụa mênh mông

Đan Phượng ơi! Quê hương người gái đảm
Đồng hợp tác xanh tươi cấy cầy thẳng tắp
Anh phi công bàng hoàng ngỡ mình bay trên gấm vóc

Hà Tây! Cửa ngõ Thủ Đô!
Áo giáp chở che ngàn năm bền vững
Ngăn bầy giặc Mỹ vẩn đục bầu trời
Hà Tây! Vọng gác Thủ Đô!
Cô gái Suối Hai chàng trai Cầu Giẽ
Giữ lấy màu xanh biếc cho tấm lụa thanh thiên
Hà Tây...

Hà Tây Quê Lụa
Sáng tác: Nhật Lai - Thể hiện: Quốc Hương


Trên báo Phú Yên Online, tôi đọc được một bài viết về Hà Tây quê lụa. Đối với một kẻ sinh ra ở Hà Đông, tắm mát bằng dòng nước sông Nhuệ, sống nhiều năm ở Phú Yên, đây là bài viết hay nhất đọc được trong ngày hôm nay - Ngày cuối cùng còn tên gọi Hà Tây, ngày cuối cùng giai điệu mềm mại, êm mát như dải lụa Vạn Phúc là nhạc hiệu của Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Tây!

Chuyện về bài “tỉnh ca” sắp thành quá khứ

Cách đây ít lâu, tôi nhận được một cuốn sách do người bạn gửi tặng. Đó là tập sách nhạc, tuyển chọn 64 ca khúc được chọn làm “tỉnh ca” của các tỉnh, thành phố trong cả nước. Cuốn sách mang tên Đường tôi đi dài theo đất nước, thật giống như một chuyến tàu, chở âm nhạc băng qua bao suối bao sông, bao đồng bao biển để từ Tây Bắc, Đông Bắc về đồng bằng Bắc Bộ, vào miền Trung, vượt lên Tây Nguyên, ghé qua miền Tây Nam Bộ rồi xuống đất Mũi Cà Mau. Khi mở tập sách nhạc này, tôi đã dừng lại khá lâu bên bài Hà Tây quê lụa và hát vang khúc “tỉnh ca” mà cố nhạc sĩ Nhật Lai đã viết. Ông đâu ngờ bài hát này đã được chọn làm nhạc hiệu của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Tây. Bài “tỉnh ca” ấy đã khắc sâu vào tâm hồn và trở thành một thứ tài sản phi vật thể, thành niềm tự hào của cư dân xứ Đông, xứ Đoài…; thành nỗi nhớ quê của kẻ dứt áo ra đi - mà tôi cũng chỉ là một.
Đêm nay tôi tìm lại cuốn sách bạn gửi tặng hôm nào, lật mở trang 84+85, gặp lại những câu nhạc mượt mà của nhạc sĩ Nhật Lai và biết rằng, khi tái bản cuốn sách Đường tôi đi dài theo đất nước, dù yêu biết bao, dù thích nhường nào, bạn tôi cũng bỏ đi bài hát ấy. Nếu để bài hát ở đó, sẽ là một sai sót của người biên tập, vì Hà Tây đã thuộc về Hà Nội… Nhưng mà đó là chuyện của mai này, là công việc của người làm sách.
Khi biết tin Hà Nội có thêm Hà Tây, tôi lấy xe đi qua gốc gạo làng, ra với cánh đồng lúa vẫn như đang rì rào kể chuyện, và chợt nhớ đến Nhật Lai. Ông đã viết Hà Tây quê lụa cho chúng tôi bằng một trái tim nhiều thương mến: “Bóng chiếc thoi đưa ánh mắt long lanh/ Trời đất Hà Tây, tay em dệt lụa/ Sữa trắng Ba Vì thóc vàng Khu Cháy, hồn thơ Nguyễn Trãi dệt thành vần/ Sông Tích, sông Đà giăng lụa mênh mông…”. Ông đã viết Hà Tây quê lụa bằng cái nhìn xanh non của một cư dân vùng đất Phú Yên bốn mùa nắng gió.
Tôi đã đọc được ở đâu đó và nhớ như in rằng, nhạc sĩ Nhật Lai sinh năm 1931 ở làng An Nghiệp, Tuy An (Phú Yên). Ông có một cái tên khai sinh thật dễ nhớ, vì trùng với bút danh một nhà văn lớn của Việt Nam: Nguyễn Tuân. Chẳng phải vì “sợ” tên tuổi lớn đó mà ông tìm cho mình một tên gọi khác, mà chỉ đơn giản là ông trông giống người Nhật Bản, nên bạn bè thường nói đùa ông là… lai Nhật. Lâu dần, tiếng gọi “Nhật lai” trở thành bút danh Nhật Lai và được ký dưới những trường ca, nhạc kịch hay ca khúc. Ông cũng chính là anh trai của nhà thơ Nguyễn Mỹ - tác giả bài thơ nổi tiếng Cuộc chia ly màu đỏ...
Năm 1954, nhạc sĩ Nhật Lai tập kết ra Bắc, chính thức hòa nhập vào cuộc sống cùng nhân dân miền Bắc. Vì lẽ ấy ông rất hiểu cuộc sống của người dân miền Bắc thời kỳ đó. Trong những năm máy bay Mỹ đánh phá miền Bắc, ông xót xa trước cảnh những cánh đồng lúa xanh bị bom đạn cày phá. Từ thực tế cộng thêm nhiều trải nghiệm, Nhật Lai đã xúc động đặt bút viết ca khúc Hà Tây quê lụa. Đó là năm 1965. Giai điệu của bài hát mềm mại, êm mát như tấm lụa làng Vạn Phúc. Thật xúc động biết bao khi nghe tiếng hát nghệ sĩ Quốc Hưng ngân lên da diết: “Đan Phượng ơi! Quê hương người gái đảm/ Đồng hợp tác xanh tươi cấy dày thẳng tắp, anh phi công bàng hoàng ngỡ mình bay trên gấm vóc... Hà Tây, cửa ngõ Thủ đô/ Áo giáp chở che ngàn năm bền vững...”.
Tạo hóa ban cho đất Hà Tây thật nhiều cảnh đẹp: Hương Sơn có suối Yến lững lờ, xứ Đoài mây trắng, sông Tích, sông Đáy hiền hòa trôi xuôi như những dải lụa mềm vắt qua vùng gấm vóc. Mỗi khi bài hát vang lên, ta như được nhìn thấy những em gái má hồng môi đỏ ngồi quay xa dệt lụa, như được tham gia vào một chuyến du ngoạn qua những địa danh nổi tiếng của Hà Tây bằng chiếc xe âm nhạc. Bây giờ, với quyết định nhập toàn bộ tỉnh Hà Tây về Hà Nội, Hà Tây quê lụa sẽ không còn là một bài “tỉnh ca” nữa. Rồi đây nó sẽ sống một đời sống tự do hơn. Bức tranh bằng âm nhạc về một vùng đất của Việt Nam với lụa là gấm vóc, với “sông Tích, sông Đà giăng lụa mênh mông…” đã khắc sâu trong lòng người yêu nhạc, như một kỷ niệm khó mờ phai…
HƯƠNG THỊ

hai tam at 12/30/2009 11:43 pm comment
hjhj bai` ne` hay we'. hjhj we mjnh o tan ljnh ba vj` ha tay (cu~) ne`

Thứ Ba, 29 tháng 7, 2008

Vinashin làm Cò?

Category: báo chí, Tag: Những người sống quanh ta,Văn hóa Xã hội

07/29/2008 11:31 am
Cuối tháng 6, ông Phạm Thanh Bình - Chủ tịch HĐQT Vinashin - cho biết, Vinashin đã quyết định dừng hoặc giãn tiến độ 49 dự án, với tổng số vốn khoảng 6.500 tỷ đồng. Có một số ý kiến cho rằng, quyết định này thể hiện trách nhiệm của Vinashin trước Thủ tướng, trước đất nước trong việc kìm chế lạm phát.
6500 tỷ đồng tương đương gần 400 triệu USD, con số khá lớn. Nhưng nó chỉ là “muỗi”, so với con số 9,8 tỷ USD tổng vốn đầu tư của dự án liên hiệp nhà máy luyện cán thép (14,42 triệu tấn/năm), nhà máy nhiệt điện (2.270MW) và cảng biển 50.000 tấn tại Khu công nghiệp Dốc Hầm – Cà Ná (Ninh Phước, Ninh Thuận). Hồ sơ dự án này đã được Vinashin gửi đến UBND tỉnh Ninh Thuận và nhiều Bộ, ngành đầu năm nay.
Đáng chú ý nhất trong hồ sơ là dự án nhà máy thép - cảng biển, Vinashin liên doanh với tập đoàn Lion (Malaysia), vốn đầu tư giai đoạn đầu (2008 – 2010) 2,7 tỷ USD. Dự án này làm người ta nhớ đến dự án nhà máy thép (8 triệu tấn/năm) - cảng biển – nhà máy điện tại Khu kinh tế Vân Phong (Khánh Hoà) của Vinashin liên doanh với tập đoàn Posco (Hàn Quốc). 2 dự án nhà máy thép to vật vã liên doanh với hãng nước ngoài lại không phải của anh chuyên về sản xuất thép là Tổng Cty Thép Việt Nam (VSC), mà của đại gia chuyên về đóng tàu!
Trong dự án Vân Phong giai đoạn đầu, có tin Vinashin sẽ góp 1 tỷ trong số vốn đầu tư trên 5 tỷ USD. Thế nhưng tháng 6 vừa qua, khi được hỏi về việc Vinashin sẽ không góp vốn với Posco, một số nhân vật có trách nhiệm trả lời, Vinashin chưa hề ký kết liên doanh với Posco, nên làm gì có chuyện rút khỏi liên doanh! Còn ông Cho Chung Myong - Trưởng Ban quản lý dự án của Posco tại Việt Nam thật thà nói: “Vinashin có kinh nghiệm, có quan hệ tốt trong việc thực hiện thủ tục đầu tư, và đã giúp chúng tôi rất nhiều. Bây giờ họ không liên doanh không ảnh hưởng gì đến dự án của chúng tôi. Nhưng sau này, có thể chúng tôi vẫn cần sự giúp đỡ của họ.”
Nếu sau này, nghe tin Vinashin rút khỏi liên doanh nhà máy thép tại Dốc Hầm – Cà Ná, xin đừng ngạc nhiên. Hãy tiếp tục khen ngọi họ “thể hiện trách nhiệm trước Thủ tướng, trước đất nước trong việc kìm chế lạm phát”!
Thiềm Thừ at 04/01/2010 03:25 pm comment
Thứ Sáu, 19/02/2010, 08:11 Lơ lửng một đại dự án TP - Dự án Khu liên hợp Thép Cà Ná động thổ vào ngày 23-11-2008 tại xã Phước Diêm, huyện Ninh Phước (nay là huyện Thuận Nam) trong niềm kỳ vọng của lãnh đạo các cấp và nhân dân tỉnh nghèo Ninh Thuận. Thế nhưng đến nay, đại dự án này… bất động. Một góc vùng đất dự án - Ảnh: P.T Lui binh một phần Dự án này có tổng vốn đầu tư lên đến 156.700 tỷ đồng, tương đương 9.793 triệu USD, liên doanh giữa Cty Maju Stabil SDN (thuộc Tập đoàn Lion - Malaysia) và Vinashin (Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam), thời gian thực hiện 50 năm. Dự án Khu liên hợp Thép Cà Ná gồm khu liên hợp thép, Nhà máy nhiệt điện và cảng biển. Giai đoạn I của dự án (2008 - 2010) sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng tổ hợp nhà máy thép có công suất 4,5 triệu tấn thép cuộn cán nóng/năm (tổng công suất dự án 14,4 triệu tấn thép thô/năm); đầu tư hai nhà máy nhiệt điện có tổng công suất 1.450MW, cảng biển có công suất bốc dỡ 15 triệu tấn/năm. Nguồn vốn giai đoạn I là 43.988 tỷ đồng Vinashin góp 26%. Đến nay, Vinashin đã ứng 84 tỷ đồng/130 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng 662 ha đất cho giai đoạn I. Từ sau ngày khởi công đến nay, số tiền bồi thường còn lại chưa đến tay người bị giải tỏa ở thôn Thương Diêm I và II (xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam) và khu tái định cư 1,3 ha (đợt I) vẫn còn... trên giấy. Theo quy định, UBND tỉnh Ninh Thuận đã có thể thu hồi giấy chứng nhận đầu tư cấp vì dự án đã chậm triển khai 17 tháng... Đọc toàn bài tại đây

Thứ Bảy, 26 tháng 7, 2008

Annhiong haxeio, Korea! V - Nỗi đau chia cắt

Category: Hàn Quốc, Tag: Các nước châu Á khác,Du lịch,karea

07/26/2008 09:13 pm
Ngày 27/7/1953, hiệp định về đình chiến tại Triều Tiên được ký kết. Từ đó đến nay đã chẵn 55 năm, nước Triều Tiên tiếp tục bị chia cắt. Nói “tiếp tục bị chia cắt”, vì Triều Tiên bị chia cắt từ năm 1945, tính đến nay đã là 63 năm.
Chiều 11/7, tôi đến Imjingak Park (Công viên Nhâm Thìn Các), một công viên tưởng niệm trong khu phi quân sự giữa Đại Hàn Dân Quốc và Cộng Hoà Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên. Những tượng đài bằng đá xám với cảnh núi cắt sông chia, gia đình ly tán. Những tủ trưng bày vũ khí, quân dụng của binh lính đôi bên trong thời gian chiến tranh 1950 – 1953. Những gian hàng lưu niệm, trong đó được bày bán nhiều nhất là những bản đồ hoặc tranh vẽ, chạm khắc hình đất nước Triều Tiên bị sợi dây kẽm gai chia đôi ở vĩ tuyến 38… Bao trùm lên tất cả là âm điệu khắc khoải ảo não của những bài hát với giọng ca nữ. Du khách phần đông là người Hàn Quốc, đàn ông, đàn bà, thanh niên nam nữ lặng lẽ đi giữa khung cảnh đó, đến nơi tận cùng của Imjingak Park : Cầu Tự Do - Bridge of Freedom.
ben dai ky niem

chia cat

Đó là chiếc cầu bằng gỗ bắc ngang con suối nhỏ đổ ra sông Imjin (Nhâm Thìn), một nhánh của sông Hàn. Năm 1953 sau khi hiệp định đình chiến được ký kết, 12733 tù binh đã được trao trả, đi qua cầu này về miền Nam Triều Tiên. Bridge of Freedom không có giá trị về kiến trúc, nhưng từ hơn nửa thế kỷ nay đã được nhắc đến như một biểu tượng của Chiến tranh Triều Tiên. Phía Bắc Bridge of Freedom bị chắn lại bằng rào thép và kẽm gai. Trên hàng rào này, người Hàn Quốc và du khách treo rất nhiều vật lưu niệm như cờ, biểu tượng, những mảnh vải in bản đồ nước Triều Tiên thống nhất, những lời nguyện cầu… Chỉ cách Bridge of Freedom chưa đầy 500m là cây cầu sắt bắc ngang sông Imjin, nơi tuyến đường sắt Liên Triều chạy qua.
Cũng như những đồng bào của họ, mấy người Hàn Quốc đi cùng chúng tôi hầu như yên lặng suốt chuyến thăm. “Em có người thân ở miền Bắc không?” – Tôi hỏi Park Eun Hyun, cô gái đã có 2 năm học tại ĐH Sư phạm – ĐH Quốc gia Hà Nội trong chương trình “lưỡng quốc cử nhân”, thích được gọi theo tên Việt là Hiền. “Dạ, gia đình em may mắn, không có ai ở miền Bắc.” Khi Hiền trả lời, tôi thấy ngấn nước trong mắt cô.
Bridge of Freedom
Bridge of Freedom

cau nguyen

Một người bạn Hàn Quốc nói, nếu quân đội Trung Quốc không vượt sông Áp Lục (Amnokkang, Yalu) can thiệp cuối năm 1950, Triều Tiên đã thống nhất. Nhưng Triều Tiên cũng có thể đã thống nhất, nếu Mỹ và nhiều nước khác không đổ quân lên Pusan và Incheon (Nhân Xuyên) tháng 8, tháng 9/1950? Anh bạn Hàn Quốc không phản bác lại tôi, chỉ thở dài.
Từ khu phi quân sự, chúng tôi tới thẳng sân bay quốc tế Incheon cách đó chừng 40 phút chạy xe để làm thủ tục lên máy bay, về Tân Sơn Nhất. Tại Incheon tôi nghe tin, chỉ vài giờ trước khi chúng tôi đặt chân lên Bridge of Freedom, một nữ du khách Hàn Quốc 53 tuổi là bà Park Wang Ja đã bị bắn chết trong Khu nghỉ mát núi Kumgang (Kim Cương) trên lãnh thổ Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Phía Triều Tiên nói, bà Park bị bắn vì cố tình đi vào khu vực quân sự.
Đã có hiệp định đình chiến Panmunjeom (Bàn Môn Điếm) ngày 27/7/1953, nhưng cho đến nay cuộc Chiến tranh Triều Tiên vẫn chưa thực sự chấm dứt, chưa có hiệp định hoà bình.
Việt Nam cũng từng bị chia cắt bởi hiệp định Geneve, được ký kết đúng một năm sau hiệp định Bàn Môn Điếm. Tổ quốc của chúng ta đã thống nhất được 33 năm. Người Triều Tiên đang khao khát đất nước của họ cũng thống nhất được như Việt Nam .
Họ có biết rằng, từ ngày thống nhất lãnh thổ đến khi lòng người không còn chia cắt, khoảng thời gian còn dài xa lắm!
Quân đội 16 nước đã tham chiến cùng quân Nam Triều Tiên
16 nuoc tham chien

Vọng gác bên đường sắt Liên Triều
vong gac

Thứ Sáu, 25 tháng 7, 2008

CLB Thanh niên Vĩnh Hải bị xoá sổ!

Category: báo chí, Tag: cưỡngchế,Những người sống quanh ta,Văn hóa Xã hội

07/25/2008 07:17 pm
Cuộc cưỡng chế diễn ra khi Chủ nhiệm CLB đang làm nhiệm vụ HLV Đội dự tuyển Thể thao Người khuyết tật Việt Nam tham dự Đại hội thể thao Người khuyết tật thế giới – Paralympic Bắc Kinh 2008.


Năm 1987, vợ chồng anh Quang Nhật Mạnh được cha mẹ cho 402m2 đất bên đường 2/4, phường Vĩnh Hải, Nha Trang. Anh Mạnh và vợ - chị Nguyễn Thị Tuyết Huệ đều là HLV thể thao, họ lập CLB Thanh Niên Vĩnh Hải, được Ủy ban Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Khánh Hoà ủng hộ, giúp đỡ. Từ đó cho đến nay, đây là cơ sở thể thao xã hội hoá lớn nhất Bắc Nha Trang, địa chỉ thường xuyên lui tới của hàng ngàn nam nữ thanh niên ham rèn luyện thân thể và những sinh hoạt văn hoá lành mạnh. Trong những thanh niên khuyết tật được anh Mạnh trực tiếp hướng dẫn rèn tập thể thao, trở thành VĐV xuất sắc có Châu Hoàng Tuyết Loan và Đinh Thị Ngà. Họ đã được triệu tập vào Đội dự tuyển Thể thao Người khuyết tật Việt Nam dự Paralympic Bắc Kinh 2008, môn cử tạ. Anh Quang Nhật Mạnh cũng được Bộ VH-TT và DL triệu tập làm HLV Đội dự tuyển Paralympic Bắc Kinh 2008 của Việt Nam, lên đường ra Hà Nội làm nhiệm vụ từ ngày 1/7/2008.

Tháng 8/2001, UBND tỉnh Khánh Hoà phê duyệt dự án đầu tư xây dựng chợ Vĩnh Hải (CVH) mới với số vốn trên 22 tỷ đồng, hơn 90% số vốn này trông chờ vào tiền bán đất thu hồi được. Ngày 23/7/2002, UBND tỉnh Khánh Hoà ra quyết định thu hồi 30.060m2 đất để đầu tư xây dựng CVH, kèm theo có danh sách 38 hộ và 4 tổ chức bị thu hồi đất. Gia đình anh Quang Nhật Mạnh bị thu hồi trắng 402m2 đất, nơi ở của gia đình anh và cũng là CLB Thanh niên Vĩnh Hải. 402m2 đất mặt tiền đường sầm uất nhất Bắc Nha Trang, có giấy tờ hợp pháp, nhưng anh Mạnh chỉ được đền bù 150m2 đất ở với giá 5.000.000đ/m2, còn 252m2 chỉ được hỗ trợ 1.000.000đ/m2.
Sau nhiều lần khiếu nại, gia đình anh được tiêu chuẩn 200m2 đất tái định cư (TĐC, giá 3.100.000đ/m2) và có thể mua 1 lô nữa (khoảng 80m2) với giá gần giá thị trường, khoảng 20.000.000đ/m2. Lô đất 200m2 Ban quản lý Dự án các công trình xây dựng Nha Trang (BQLDA) giao cho gia đình anh Mạnh vốn là đất do gia đình ông Hồ Văn Xy sử dụng.
Ông Hồ Văn Xy là con trai duy nhất của liệt sĩ Hồ Văn Thọ, năm 1990 ông được Cty Vật tư nông nghiệp Khánh Hoà giao một căn nhà ở trên lô đất giáp phía sau lô đất của anh Mạnh. Gia đình ông Xy sinh sống ổn định tại đó cho đến nay, trong sổ hộ khẩu thường trú có 13 người thuộc 3 thế hệ. Trong danh sách thu hồi đất không có hộ ông Xy, nhưng họ vẫn bị giải toả trắng. Ông Xy cho biết, toàn bộ 285m2 đất gia đình ông đang sử dụng, gần 140m2 nhà cấp 4 và nhà tạm cùng nhiều vật kiến trúc, cây cối… chỉ được hỗ trợ tổng cộng 19,2 triệu đồng. Gia đình ông không được giao đất TĐC, chỉ được mua 1 lô 80 m2 với giá 4.500.000đ/m2.

CLB Vinh Hai

Một trong rất nhiều bằng khen, chứng nhận... của anh Mạnh, chị Huệ
Anh Mạnh, chị Huệ thẫn thờ với tờ quyết định cưỡng chế
Vợ chồng anh Mạnh và vợ chồng ông Xy đều làm đơn khiếu nại việc đền bù, hỗ trợ giải toả không đúng chính sách của Nhà nước. Các báo Tiền phong, Đại Đoàn Kết, Khánh Hoà, Thanh Niên, Pháp Luật Việt Nam… đã đăng nhiều bài ủng hộ nguyện vọng chính đáng của họ. Nhưng UBND thành phố Nha Trang vẫn ra các quyết định cưỡng chế giải toả đối với hộ anh Mạnh và hộ ông Xy. Ngày 18/4/2008, hộ ông Xy bị cưỡng chế giải toả.
Trong khi đó, anh Mạnh trình sơ đồ trích đo địa chính thửa đất do Cty TNHH Dịch vụ địa chính Thanh Lâm xác lập, cho thấy 187,6m2 đất của anh nằm ngoài quy hoạch CVH mới. Cty Thanh Lâm xác lập sơ đồ này dựa vào bản đồ quy hoạch sử dụng đất phường Vĩnh Hải đến năm 2010, do UBND tỉnh Khánh Hoà phê duyệt. Nhưng Sở TN-MT Khánh Hoà cho rằng, bản đồ quy hoạch sử dụng đất không đủ cơ sở để làm tài liệu xác định ranh giới, mốc giới. Dựa vào ý kiến này, ngày 25/7 UBND thành phố Nha Trang tổ chức thực hiện quyết định cưỡng chế thu hồi đất của gia đình anh Mạnh.
Bắt đầu cuộc cưỡng chế
Chị Huệ
Rất đông người chứng kiến cuộc cưỡng chế
Biết việc bị cưỡng chế, nhưng anh Quang Nhật Mạnh không thể bỏ nhiệm vụ quốc gia để về Nha Trang. Chỉ có chị Huệ và 3 cô con gái ở nhà. Họ bị cưỡng chế khi chưa có đất TĐC. Bởi sau khi bị cưỡng chế, gia đình ông Xy dựng lều ở lại trên nền nhà cũ và tiếp tục khiếu nại. Ông Xy là con liệt sĩ. Anh Mạnh là người có đóng góp không thể phủ nhận cho thể thao Khánh Hoà và cả nước. Nhưng cả hai gia đình vốn là láng giềng thân thiết đều bị cưỡng chế thu hồi đất, nhà này phải nhận đất TĐC là đất cũ vừa bị cưỡng chế của nhà kia. Trong khi bác bỏ những khiếu nại chính đáng của anh Mạnh, ông Xy, khó khăn trong việc giải quyết đất TĐC cho họ, UBND tỉnh Khánh Hoà lại đồng ý về chủ trương giao 1200 m2 đất CVH mới cho Cty thuỷ sản F17, để họ kinh doanh đất ở
Vợ chồng ông Xy trong lều ở tạm của gia đình họ. Bên ngoài là cảnh phá dỡ nhà anh Mạnh.
Hoang tàn

Đêm nay, mọi người trong gia đình anh Mạnh và gia đình ông Xy đều không được ngủ dưới mái nhà của họ! 

Thứ Năm, 24 tháng 7, 2008

Annhiong haxeio, Korea! IV - Nhà hàng Việt Nam, cửa hiệu phục vụ người Việt

Category: Hàn Quốc, Tag: Các nước châu Á khác,Du lịch

07/24/2008 10:09 pm
Hiệu sâm Cao Ly (Koryo Gingseng Store) ở lối cổng số 2 chợ Namdaemun, Seoul . Vào cửa hàng này, có cảm giác như vào một hiệu thuốc bắc ở đường Hải Thượng Lãn Ông, Chợ Lớn, chỉ khác là ở đây sực nức mùi nhân sâm. Đủ loại dược liệu, từ củ nhân sâm tươi, nhân sâm viên, hồng sâm đến linh chi, đông trùng hạ thảo, cả kẹo nhân sâm, kem đánh răng nhân sâm, mỹ phẩm chế từ nhân sâm… Bao bì thường in chữ tiếng Hàn và tiếng Anh, nhưng trên kệ có dán những bảng chữ lớn bằng tiếng Việt chỉ dẫn loại hàng, loại dược liệu bày ở đó. Khách mua loại nào đều được nhà hàng đưa cho tờ hướng dẫn sử dụng khá chi tiết bằng tiếng Việt. Bằng tiếng Việt, cô nhân viên thu ngân cho biết cửa hàng làm ăn phát đạt, vì ngày nào cũng có khá đông khách người Việt đến đây.

Trong hiệu sâm ở chợ Namdaemun
Seoul là thủ đô Hàn Quốc, là thành phố lớn với trên 10 triệu dân, nên việc nhiều người Việt lui tới đây cũng dễ hiểu. Nhưng Gwangyang là một thành phố nhỏ ở phía Nam Hàn Quốc, có khoảng 140.000 dân - ít hơn dân số thành phố Tuy Hoà tỉnh Phú Yên. Trưa 8/7, những người bạn Hàn Quốc đã dành cho chúng tôi một bất ngờ: Ăn trưa ở một nhà hàng Việt Nam là Nhà hàng Hồ Chí Minh tại khu Jeonnam, Gwangyang. Ở mặt tiền nhà hàng, bên dưới bảng hiệu là tấm bạt có hình ảnh bốn cô gái Việt Nam thướt tha trong tà áo dài trắng, đội nón lá trắng dắt xe đạp đi dạo, cùng những hình ảnh giới thiệu các món ăn, trong đó có món Chả dò chiên (tiếng Việt đầy đủ dấu). Bữa đó tại Nhà hàng Hồ Chí Minh, chúng tôi đã ăn nem cuốn với bánh đa nem Hà Nội, ăn phở bò với giá làm bằng đậu tương, không nêm bột ngọt, khá ngon.
Nhà hàng Hồ Chí Minh ở Gwangyang
Nhà hàng Hồ Chí Minh có rượu Nếp Mới với ghi chú tiếng Hàn - Việt Men Say Hồn Việt, có bia Sài Gòn, bia Hà Nội
Mrs. Kwak: Nhà hàng của tôi mang tên Hồ Chí Minh vì đây là người Việt Nam được biết đến nhiều nhất ở Hàn Quốc, cũng là tên thành phố lớn nhất Việt Nam. 

Thứ Ba, 22 tháng 7, 2008

Thủ tướng đã nói điều tôi muốn nghe!

Category: báo chí, Tag: Những người sống quanh ta,Văn hóa Xã hội,vânphong

07/22/2008 07:15 pm
Chiều 22/7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng làm việc với UBND tỉnh Khánh Hoà. Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà Võ Lâm Phi nêu với Chính phủ 6 kiến nghị về chính sách chung và 12 kiến nghị về các vấn đề của địa phương, trong đó không có nội dung về vấn đề được dư luận rất quan tâm: Tập đoàn Posco của Hàn Quốc muốn đầu tư xây dựng nhà máy thép tại khu vực Đầm Môn trong Khu Kinh tế Vân Phong (KKTVP), lấn mất khá lớn diện tích đã được quy hoạch cho Cảng Trung chuyển container quốc tế Vân Phong (Cảng TCCQTVP) – giai đoạn tiềm năng và khu thương mại - dịch vụ - tài chính (phi thuế quan) của KKTVP. Nhưng không phải tỉnh không kiến nghị, việc này được dành cho ông Nguyễn Văn Tự - UV Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Khánh Hoà. Ông Nguyễn Văn Tự trình bày một “tâm thư” của nhiều vị nguyên là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Khánh Hoà, đề nghị Chính phủ tạo điều kiện để sớm triển khai các dự án lớn tại KKTVP như tổ hợp lọc hoá dầu của Petrolimex, tổ hợp nhiệt điện than của tập đoàn Sumitomo (Nhật), nhà máy thép liên hợp của Posco. Ông nói rằng vừa rồi có một đoàn nhà báo Việt Nam (có cả ThiềmThừ) đi thăm các nhà máy thép của Posco bên Hàn Quốc, về nhà ai cũng nói vấn đề môi trường của họ rất ổn! Dường như ông cho rằng, việc Posco đầu tư nhà máy thép tại Đầm Môn chỉ vướng một chút chuyện môi trường!
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang nghe ông Nguyễn Văn Tự (bên trái) và ông Võ Lâm Phi (bên phải) báo cáo về phương án vị trí nhà máy thép của Posco
Ngay khi bắt đầu phần phát biểu của mình, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc đến dự án nhà máy thép liên hợp Posco. Ông nói, từ người dân thường đến nhà khoa học, nhà tư vấn, cán bộ cao cấp đều quan tâm đến vấn đề này. Ông khẳng định, Chính phủ chưa cho phép tập đoàn Posco đầu tư nhà máy thép tại Vân Phong như một số người lầm tưởng và tuyên truyền. Chính phủ mới chỉ đồng ý về nguyên tắc cho tập đoàn Posco lập dự án tại Vân Phong. Ông cũng lưu ý, Khánh Hoà cần quan tâm xử lý nghiêm vụ Nhà máy tàu biển Hyundai-Vinashin gây ô nhiễm môi trường và vụ phóng viên Minh Quốc bị đánh tại cuộc thi HHHV 2008 (!).
Với việc xuất hiện những dự án trị giá nhiều tỷ đô-la Mỹ của Petrolimex, Sumitomo, Posco, quy hoạch chung KKTVP cần được điều chỉnh. Tỉnh Khánh Hoà đề nghị Chính phủ uỷ quyền cho Bộ Xây dựng làm việc này. Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thẳng thừng bác bỏ. Ông nói, điều chỉnh quy hoạch chung KKTVP là việc rất quan trọng, Chính phủ cần trực tiếp quyết định.
Về dự án nhà máy thép liên hợp của Posco, Thủ tướng nói: “Các đồng chí Khánh Hoà sốt ruột, chúng tôi còn sốt ruột hơn. Ta sốt ruột nhưng phải bình tĩnh. Các đồng chí Đỗ Mười, Trần Đức Lương, Võ Văn Kiệt và cả tôi đã đến trụ sở Posco, mời họ đầu tư vào Việt Nam. Họ chọn vị trí thuận lợi nhất cho họ, phù hợp lợi ích của họ. Nhưng ta phải có quyết định có lợi nhất cho ta, cho sự phát triển bền vững lâu dài cho con cháu muôn đời sau. Cảng TCCQTVP có vị trí rất thuận lợi để xây dựng đạt năng lực 300 – 400 triệu tấn/năm, không thua kém bất cứ cảng nào trong khu vực. Cảng TCCQTVP và Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh là 2 yếu tố quan trọng nhất kích thích Khánh Hoà phát triển nhanh về mọi mặt. Tại KKTVP, ưu tiên số một là Cảng TCCQVP, làm gì cũng không được giảm năng lực của Cảng. Ưu tiên số 2 là môi trường, không thể đánh đổi môi trường lấy bất cứ thứ gì. Sẽ phải có Hội đồng thẩm định quốc gia để thẩm định toàn diện dự án nhà máy thép của Posco.”
Thủ tướng đã nói điều ThiềmThừ và rất nhiều người muốn nghe. Lời nói mang lại hy vọng. Nhưng việc thực hiện lời nói mới mang lại lòng tin!
Sơ đồ Cảng Trung chuyển container quốc tế Vân Phong

Thứ Hai, 21 tháng 7, 2008

Xăng tăng đột ngột, thế mà hay!

Category: Tào lao, Tag: Báo Tạp chí,bãogiá,Giải trí

07/21/2008 08:39 am
Thấy trên mạng có bài vè hay hay về xăng tăng giá. Chả biết của ai, cóp đại. Tác giả đừng đòi tiền bản quyền nha, tiền mua xăng còn thiếu đây.
Xăng tăng đột ngột thế mà hay
Các bác ô tô phải bấm tay
Việc có thật cần thì mới phóng
Hết chơi bất tận suốt đêm ngày
Xăng tăng đột ngột thế mà hay
Các bác vĩ mô lại cối chày
Cứ tưởng hứa rồi thì phải giữ
Ai ngờ các bác lại quắt quay
Xăng tăng đột ngột thế mà hay
Ở lại cơ quan cả tháng này
Mỗi tháng một lần về mẹ đĩ
Khổ thằng cu ấy phải ăn chay .....
Cả thế giới đều phải kiêng nể người Mỹ vì người Mỹ đã nói là làm. Nhưng người Mỹ lại sợ người Nhật vì người Nhật làm trước nói sau. Người Nhật lại sợ Trung Quốc vì Trung Quốc không nói mà làm. Người Trung Quốc lại sợ ai??? Xin thưa Trung Quốc sợ nhất Việt Nam vì Việt Nam nói một đằng làm một nẻo... Hôm qua bảo Thứ trưởng Bộ Công Thương nói không tăng giá xăng, hôm nay đùng một cái tăng 31% ..
Xăng 95 lên 19.680đ/lít, điểm bán xăng tại Mã Vòng, Nha Trang phải cắt cử nhiều nhân viên bảo vệ, đề phòng lộn xộn bất trắc.

Chủ Nhật, 20 tháng 7, 2008

Không cần báo chí tụi mày! Phần 6 - Nhà báo ở đâu

Category: hoa hậu, Tag: bàTưHường,Những người sống quanh ta,Văn hóa Xã hội

07/20/2008 10:37 am
Đã định dừng loạt entry này. Nhưng hôm nay, đọc entry của bloger Linh http://blog.360.yahoo.com/blog-LHs64Q8nc6oA.KIg0brqXw--?cq=1 , thấy cần làm thêm phát nữa
"Mấy hôm nay thấy các báo và các blog nhà báo nói nhiều tới vụ một anh nhà báo đưa tin Hoa hậu Hoàn vũ bị anh con rể bà Tư Hường đấm chảy máu cam. Có vẻ các nhà báo hết sức bất bình, từ đó còn lôi ra một loạt vụ làm ăn "có vấn đề" của nhà tư sản Tư Hường như việc thông đồng với chính quyền Khánh Hòa cướp đất của dân để xây khu du lịch với giá đền bù vài trăm đồng/ m2.

Thực sự mình chẳng lấy làm bất bình gì lắm cho anh nhà báo bị đấm, dù có thể anh bị đấm oan và thằng cha đấm anh đúng là một thằng trọc phú rất láo. Nhưng các anh nhà báo ở đâu khi bà Tư Hường mới cướp đất của dân? Các anh nhà báo ở đâu khi người dân bất bình vì bị chính quyền cướp đất làm thơ vè "nói xấu cán bộ", rồi bị bắt và xử tù treo? Cú đấm vào miệng và mũi của anh nhà báo có so sánh với những việc như thế này: công an
bắn chột mặt một người dân chỉ vì anh này dám cãi lại công an khi bị đuổi về nhà? Hay một con mắt chột của người dân thường không có giá trị bằng vài giọt máu mũi của nhà báo? Và chả nhẽ đến bây giờ các nhà báo mới biết có nhiều doanh nhân giàu có là trọc phú, vô văn hóa và vẫn coi nhiều người trong nghề báo như những kẻ viết thuê? Tại sao họ cứ làm như họ đang sửng sốt?

Cái sự việc ầm ĩ của các nhà báo khi đồng nghiệp bị đánh phải chăng là phản ứng khi họ cảm thấy cái quyền lực thứ tư của họ chỉ là quyền lực giấy. Họ không chỉ phải sợ hãi, câm lặng khi chính quyền quyết định bắt người, và ngoan ngoãn nộp phạt khi bị phạt tiền. Giờ đến cả giới doanh nhân cũng coi họ chẳng ra gì, khi một thằng oắt con 16 tuổi cũng có thể dí cái thẻ tác nghiệp vào mặt họ mà bảo rằng
: “Mày phải biết rằng có cái thẻ này là do tiền của gia đình tao bỏ ra”. Vâng, ngòi bút là sức mạnh, ngòi bút là quyền lực nhưng là khi ngòi bút được tự do. Chứ còn khi ngòi bút bị chi phối quá nhiều bởi những sức mạnh thực sự, như cây roi của ông Doãn, cái gậy của ông Hồng Anh, như đồng tiền của bà Hường, thì xin đừng ảo tưởng rằng ngòi bút cũng là quyền lực. Tất nhiên một số người trong số họ vẫn có quyền lực, như khi ông gì nhà báo bụng phệ có quyền tham gia quyết định ẻm nào trúng hoa hậu và được chụp ảnh ôm eo các em thí sinh trên bãi biển. Nhưng đó là thứ quyền lực có điều kiện, trên cơ sở thỏa thuận ngầm giữa các bên. Và cả cái quyền lực đó cũng run rẩy như lá tre trong gió, rất dễ bị tước đi nếu họ vi phạm những nguyên tắc bí ẩn nào đó, động chạm tới các quyền lực thực sự kia.

Thỉnh thoảng đọc blog một số nhà báo, lại thấy các nhà báo bàn nhau về chuyện các nhà báo đồng nghiệp của họ, anh A, chị B, ông C, định bỏ nghề. Khi đọc thế, tự nhiên tôi có ý nghĩ: so pathetic, so self-pitious. Thậm chí có nhà báo còn tự giễu bằng cách ví nghề nhà báo với một số nghề không lành mạnh (và các chị em làm nghề này vẫn hay kêu là: em sẽ bỏ nghề khi nào em đủ tiền lấy chồng và lo cho bố mẹ ở nhà bị bệnh). Nếu họ cảm thấy thực sự nghề của mình ngày càng chật chội, mất tự do, hạ nhân phẩm, phải thỏa hiệp quá mức thì họ cứ bỏ nghề đi, việc gì mà cứ phải hễ ai động vào là lại than vãn là đến bỏ nghề mất thôi? Nhưng nếu thống kê thì tôi nghĩ chắc khó tìm ra được trường hợp nhà báo nào thực sự bỏ nghề (chứ không phải chỉ nói suông) vì những việc như anh Hải, anh Chiến bị bắt, anh gì đưa tin hoa hậu bị đấm sưng miệng?"


Đây là còm men của ThiềmThừ vào entry trên:
"Nhưng các anh nhà báo ở đâu khi bà Tư Hường mới cướp đất của dân?" Linh hỏi hay lắm. Hỏi thường dễ hơn trả lời. Nhưng câu trả lời đây:
- http://vietnamnet.vn/xahoi/doisong/2005/08/482538
- http://www.tienphong.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=25293&ChannelID=2
- http://www.tienphong.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=24785&ChannelID=2
- http://www.tienphong.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=24161&ChannelID=2
- http://www.tienphong.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=15747&ChannelID=3
- http://vietnamnet.vn/xahoi/doisong/2005/08/481845
- http://www.tienphong.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=42025&ChannelID=2
- http://vietnamnet.vn/xahoi/phapluat/2005/10/503807
- http://vietnamnet.vn/xahoi/doisong/2005/10/498673
Còn nhiều lắm, chỉ cần vào website tìm kiếm nào đó, gõ "Hoàn Cầu" hay "Sông Lô" là có vô số. Chưa kể những bài trên các báo không online hoặc khi báo chưa có online. Có lẽ trước khi chê nhà báo, các bạn nên tự trách mình trước!
Bạn nào thực sự quan tâm, hãy tìm đọc các báo Tiền Phong, VietNamNet, Tuổi Trẻ, Pháp Luật Việt Nam, Pháp Luật TPHCM, Lao Động..., để thấy họ đã viết gì về bà Tư Hường, về Cty Hoàn Cầu, về Sông Lô từ nhiều năm nay.


Thứ Bảy, 19 tháng 7, 2008

Annhiong haxeio, Korea! III- Cảnh đẹp quê hương

Category: cảnh đẹp, Tag: Du lịch,phongcảnh,Tổng quát

07/19/2008 11:33 am
Trên đường từ TP.HCM về nhà, được ngồi cạnh cửa sổ máy bay. Trời khá tốt, cảnh quá đẹp, chụp được kha khá ảnh. Tiếc là cửa kính máy bay bị bám bẩn nên mờ, ánh sáng hơi ngược.

Thứ Sáu, 18 tháng 7, 2008

Không cần báo chí tụi mày! Phần 4 - Ảnh nói thay lời

Category: hoa hậu, Tag: bàTưHường,Những người sống quanh ta,Văn hóa Xã hội

07/18/2008 08:47 am
Bà Tư Hường tới Sông Lô
Vụ cưỡng chế dịp cúng Ông Táo, tháng Chạp Quý Mùi
Kêu cứu

Không cần báo chí tụi mày! Phần 5: Xui gia cũng ngán!

Category: hoa hậu, Tag: bàTưHường,Những người sống quanh ta,Văn hóa Xã hội

07/18/2008 07:12 pm
Bây giờ, mọi người đều biết những người xúc phạm nhà báo Hoàng Minh Quốc tại dạ tiệc mừng Tân HHHV 2008 ở Diamond Bay Resort, Nha Trang tối 14/7 là vợ chồng bà Nguyễn Thị Xuân Nương và con trai họ. Nhưng tối đó, anh Minh Quốc nghe nói tên người phụ nữ là Ngọc. Do vậy trong bài của báo Tiền phong số ra ngày 16/7 phản ánh về vụ việc, có thuật lại lời của phóng viên Minh Quốc: “Anh cho biết, người đàn ông là chồng bà Ngọc, con gái bà Trần Thị Hường - chủ Cty Hoàn Vũ”. Chiều nay, một phự nữ xưng tên là Trần Thị Lý đã gọi điện cho anh Minh Quốc, đề nghị cải chính. Bà Trần Thị Lý cho biết, bà là xui gia của bà Tư Hường. Con trai bà - Huỳnh Thành Trung là chồng cô Nguyễn Thị Xuân Ngọc, em gái bà Nguyễn Thị Xuân Nương. Tối 14/7 vợ chồng ông Trung không có mặt ở Diamond Bay Resort, vì ngày 17/8 họ mới từ Mỹ về đến Việt Nam.
Bà Trần Thị Lý nói với phóng viên Minh Quốc: “Con ruột hay con dâu của tôi đều không thể hành xử vô văn hóa như vậy, gia đình tôi không muốn dính líu một chút gì đến những chuyện vô văn hóa này”.
Hội Nhà báo Việt Nam lên tiếng
Sau khi nhận được bản tường trình của phóng viên Minh Quốc và đơn đề nghị của liên chi hội nhà báo TTXVN về việc "Phóng viên báo Ảnh Việt Nam (TTXVN) Minh Quốc bị hành hung khi đang tác nghiệp tại buổi dạ tiệc chiêu đãi tân Hoa hậu Hoàn vũ 2008", Hội nhà báo Việt Nam đã có công văn gửi Ban giám đốc Công an tỉnh Khánh Hòa điều tra làm rõ và có xử lý thích đáng những kẻ vi phạm pháp luật.

Công văn nêu rõ "Tại buổi dạ tiệc chiêu đãi tân Hoa hậu Hoàn vũ 2008 tại khu vực Diamond Bay (Nha Trang), phóng viên Minh Quốc (Báo Ảnh Việt Nam - TTXVN) đã bị một số người thuộc đơn vị tổ chức buổi dạ tiệc cản trở tác nghiệp, xúc phạm, sỉ nhục và hành hung gây thương tích. Hành động côn đồ, thiếu văn hóa, vi phạm pháp luật của những người nêu trên không chỉ gây tổn thương đến tinh thần, thể diện, danh dự, thân thể phóng viên Minh Quốc mà còn xúc phạm tới giới báo chí, để lại một ấn tượng xấu đối với quan khách, hoa hậu, bạn bè quốc tế có mặt tại buổi dạ tiệc.

Ban thường vụ Hội nhà báo Việt Nam đề nghị Công an tỉnh Khánh Hòa điều tra làm rõ và có xử lý thích đáng những kẻ vi phạm pháp luật".
(TT&VH Online 18/7) 

Thứ Năm, 17 tháng 7, 2008

Không cần báo chí tụi mày! Phần 3 - Vì sao con cháu dì Tư nổi cáu?

Category: hoa hậu, Tag: bàTưHường,Những người sống quanh ta,Văn hóa Xã hội

07/17/2008 08:25 pm
Nói cho ngay, cần phải hiểu và thông cảm gia đình dì Tư Hường (gọi theo cách gọi của một VIP trong làng báo).
Về danh nghĩa, họ đưa cuộc thi này về Việt Nam. Thực ra, có công đầu đưa cuộc thi HHHV 2008 về Việt Nam là TS Đoàn Kim Hồng của Cty CIAT. Nhưng sau đó Đoàn Kim Hồng - người sáng lập Cty Hoàn Vũ trở thành người ngoài cuộc. Chuyện này có uẩn khúc, xin không đi sâu.
Tuy nhiên, đúng là gia đình dì Tư Hường đã bỏ ra nhiều tiền nhất cho cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ 2008. Có một số doanh nghiệp cùng góp tiền, trong đó đáng kể nhất là Vincom của Mr. Phạm Nhật Vượng, 1 triệu USD. Nhưng bỏ nhiều tiền nhất vẫn là gia đình dì Tư Hường.
Vì sao gia đình dì Tư Hường chịu bỏ tiền cho một cuộc chơi lớn? Họ có tính toán riêng, nhưng như ông Trưởng Ban tổ chức HHHV 2008 cho biết, Cty Hoàn Vũ hy vọng sẽ kêu gọi, sẽ thu nạp được nhiều Mạnh Thường Quân. Tuy nhiên, khi chỉ còn chưa đầy tháng nữa hoa hậu sẽ đến, ngoảnh đi ngoảnh lại chả được mấy người như Mr. Vượng. Thấy tình hình khó khăn, UBND tỉnh Khánh Hoà ra tay giúp đỡ Cty Hoàn Vũ bằng cách biến 7 triệu USD bản quyền tổ chức HHHV thành giá quảng bá 9 phút trên NBC. UBND Khánh Hoà phát văn bản kêu gọi các nơi hỗ trợ . Nhưng không có hiệu quả, như công văn s50/BC-UBND ngày 23/5/2008 của UBND tỉnh Khánh Hoà gửi Thủ tướng Chính phủ.
Người ta không đóng góp, vì trong 9 phút quảng bá không được đưa logo, đưa tên doanh nghiệp. Làm kinh tế, chả ai dại bỏ tiền để thiên hạ chỉ biết Cty Hoàn Vũ và Diamond Bay. Còn bọn báo chí khi tuyên truyền về HHHV 2008, thường chỉ phản ánh hoạt động, ít chịu giới thiệu Diamond Bay. Có báo nhắc đến Diamond Bay lại thật thà kể rằng, nó không được như quảng cáo. Cho nên có người trong gia đình dì Tư Hường bức xúc (chưa kể, trong nội bộ gia đình có xích mích vì anh này được lợi, ả kia thiệt thòi hay không).
Sẵn cục tức đó, nên câu chuyện với bác nhà báo Minh Quốc là xúc tác cho vụ Big Bang!
Viết như trên, không có nghĩa là ThiềmThừ tán thành cách cư xử của con rể và cháu ngoại dì Tư Hường. Dù với lý do gì, hành động của họ cho thấy phông văn hoá thấp.

Thứ Tư, 16 tháng 7, 2008

Không cần báo chí tụi mày! - phần 2 - Tiền từ đâu?

Category: hoa hậu, Tag: bàTưHường,Những người sống quanh ta,Văn hóa Xã hội

07/16/2008 06:23 am
“Mày phải biết rằng cái thẻ này cho mày tác nghiệp là do tiền của gia đình tao bỏ ra!” Cháu ngoại của bà Trần Thị Hường (Tư Hường), chủ Cty Hoàn Vũ - Hoàn Cầu từ Canada về nói vậy khi giật thẻ tác nghiệp của phóng viên Hoàng Minh Quốc của Thông tấn xã Việt Nam và dứ vào mặt anh.
"Tiền của gia đình tao" là tiền nào, từ đâu?
Là tiền từ vụ bia Vinagen (bây giờ là bia San Miguel) làm ăn lình xình với tỉnh Khánh Hoà đầu thập kỷ 1990.
Là tiền lãi do được mua toàn bộ yến sào của Khánh Hoà từ năm 1994 đến nay, với giá chỉ bằng phân nửa giá bán yến sào Hội An.
Là tiền từ nhiều vụ làm ăn tai tiếng khác...
Là tiền lời khi kiếm được mảnh đất Sông Lô ở xã Phước Đồng, Nha Trang để làm Diamond Bay Resort and Golf trên nỗi đau của hàng trăm hộ dân bị thu hồi đất.
Họ được dung túng. Nhưng không phải chỗ dựa của họ vững chắc mãi mãi. Ngày 9/7/2008, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Thanh tra Chính phủ chủ trì xem xét một số vấn đền liên quan đến Khu du lịch và giải trí Sông Lô (Diamond Bay Resort and Golf). Hy vọng, lần thứ 4 thanh tra vào cuộc, Công lý sẽ lên tiếng!
Đây là ảnh bà Hà - người có tên trong công văn trên - ở trại tạm giam của công an tỉnh Khánh Hoà. Gia đình bà bị thu hồi hơn 22.000 m2 đất đìa tôm, nhà ở tại Sông Lô nhưng chỉ được "hỗ trợ" chưa tới 200 triệu đồng, bị cưỡng chế phá nhà đúng vào ngày cúng ông Táo 23 tháng Chạp năm Quý Mùi (14/01/2004). Sau đó, do bức xúc khiếu kiện, bà Hà đã bị phạt tù giam 9 tháng với tội danh "làm nhục người khác". Cùng với bà Hà, có ông Nguyễn Văn Phúc và bà Lê Thị Hoan cũng bị tù giam do "gây rối" khi khiếu kiện đòi quyền lợi chính đáng.
Chuyện còn dài. Nhưng có lẽ chúng ta nên cảm ơn cháu ngoại bà Tư Hường về câu nói của anh ta. Anh ta đã đạt tới tầm triết gia khi tóm lược được bản chất gia đình mình và mục đích đăng cai cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2008!
 Xem thêm: http://www.tienphong.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=130171&ChannelID=7

Thứ Ba, 15 tháng 7, 2008

Annhiong haxeio, Korea! II -Đời thường ở Seoul

Category: Hàn Quốc, Tag: Các nước châu Á khác,Du lịch,hànquốc

07/15/2008 08:21 pm
Vừa đến sân bay quốc tế Incheon, thấy ngay cảnh sát vũ trang đi tuần trong sảnh khách đến. Có lẽ tình hình Hàn Quốc chưa êm sau những cuộc biểu tình liên quan đến thịt bò Mỹ. Lớ ngớ mới đặt chân đến đất lạ chưa đầy chục phút, chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu những tay súng kia thấy mình chụp ảnh họ. Nên chả dám lại gần để chụp ảnh hay đợi họ đền gần rồi chụp. Đành đứng xa xa zoom tới.
Ở Hàn Hàn Quốc, từ khách sạn 5 sao Lotte đến quán cơm bình dân, chỗ nào cũng thấy đàn ông diện vét, cà vạt, giày đen bóng lộn. Nhưng cũng có những người như thế này. Anh ta sử dụng vỉa hè bên tấm bảng giới thiệu Cổng Namdaemun - di tích văn hoá, lịch sử nổi tiếng ở thủ đô Seoul, đang được che lại để phục dựng sau khi bị đốt cháy- làm giường để ngủ một giấc ngon lành mà chẳng bị cảnh sát du lịch (Hàn Quốc có không nhỉ?) hoặc ai đó làm khó dễ.
Người đàn ông với xe bán rong đủ thứ linh tinh
Và người phụ nữ bán vài mớ rau, củ cải ở chợ Namdaemun. Sao mà giống mẹ tôi mươi năm trước!
Bức ảnh cuối cùng chụp ở Seoul là người phụ nữ đội tấm bảng thỉnh nguyện trước dinh tổng thống.

Không cần báo chí tụi mày!

Category: hoa hậu, Tag: bàTưHường,Những người sống quanh ta,Văn hóa Xã hội

07/15/2008 10:26 am
Theo lời mời của Phòng Truyền thông Công ty Hoàn Vũ, tối 14/7 một số phóng viên đến Diamond Bay Resort dự tiệc mừng Tân HHHV 2008. Tại đây, theo lời ông Dương Thuận Quý - Trưởng Phòng Truyền thông của Cty Hoàn Vũ, các phóng viên dự tiệc được tự do chụp hình, tác nghiệp.
Cũng như các đồng nghiệp, phóng viên Minh Quốc của Báo Ảnh Việt Nam (Thông Tấn Xã Việt Nam) mang theo máy ảnh để chụp hình ảnh các Hoa hậu giao lưu với khách mời dự tiệc và chụp ảnh pháo hoa sẽ được bắn trong đêm tại Diamond Bay.

Tại khu dạ tiệc, thấy các Hoa hậu đang ký tên vào một tấm vải, Minh Quốc liền tới chụp ảnh. Nhưng khi vừa giơ máy ảnh, anh liền bị vợ chồng một người đàn ông trung niên, mặc áo thun màu cà rốt giơ tay cản và dùng những lời xua đuổi rất khiếm nhã. Phóng viên Minh Quốc bình tĩnh giải thích, anh là nhà báo đang tác nghiệp. Tuy nhiên trước mặt các Hoa hậu và những người chứng kiến, người đàn ông tiếp tục tỏ thái độ hung hăng, miệng văng tục: “Không cần báo chí tụi mày, đ… có đưa tin gì hết!” Bị xúc phạm, phóng viên Minh Quốc liền phản ứng: “Tại sao giữa một sự kiện văn hoá anh lại văng tục vô văn hóa như vậy?” Đáp lại người đàn ông tung “chưởng” đấm thẳng vào mặt phóng viên Minh Quốc, khiến anh chảy máu mũi. Một thanh niên đi cùng người đàn ông đó còn xông đến túm áo, giật thẻ tác nghiệp do MUO (Tổ chức HHHV Thế giới) cấp cho phóng viên Minh Quốc và nói với lời lẽ xấc xược: “Mày phải biết rằng cái thẻ này cho mày tác nghiệp là do tiền của gia đình tao bỏ ra!”

PV Minh Quốc sau khi bị đánh
Sự việc quá nhanh, và tuy người đàn ông đã được vợ kéo đi khỏi bữa tiệc ngay sau đó nhưng cũng đã có mấy phóng viên ghi lại được hình ảnh. Điều tệ hại là, không riêng các phóng viên và quan khách Việt Nam chứng kiến, cách hành xử vô văn hoá kể trên diễn ra trước mặt những Hoa hậu đến từ nhiều quốc gia. Rồi đây, các Hoa Hậu sẽ kể gì về một sự việc vô văn hoá trong một sự kiện văn hoá diễn ra tại Việt Nam? Được biết, vài giờ sau khi xảy ra sự việc này, bà Trần Thị Hường - chủ công ty Hoàn Vũ - với tư cách chủ nhà của sự kiện cuộc thi Hoa hậu cũng như của bữa tiệc đãi mừng tân Hoa Hậu Hoàn Vũ đã gọi điện xin lỗi nhà báo Minh Quốc. Bà xác nhận ngững người hành hung, xúc phạm nhà báo Minh Quốc là con rể và cháu ngoại của bà, từ Canada về.

 

Chủ Nhật, 13 tháng 7, 2008

Anh Khế đổi màu da!



Category: Tào lao, Tag: Báo Tạp chí,Giải trí

07/13/2008 10:02 pm
Hình trên màn hình lead ở Trung tâm hội nghị Hoàn Vũ tối 13/7, phúc khảo Hoa hậu Hoàn vũ 2008

Annhiong haxeio, Korea! I - Hoa

Category: Hàn Quốc, Tag: Các nước châu Á khác,Du lịch,hànquốc

07/13/2008 02:22 pm
Hàn Quốc mùa này thật nhiều hoa
Hoa ở mô hình nhà truyền thống Hàn Quốc bên một góc phố Seoul. Ảnh chụp qua cửa kính xe đang chạy.
Hoa tường vi tại khu mộ hoàng gia Silla ở Geyongju - cố đô Hàn Quốc
Hoa bên cầu Samchonpo, tỉnh Guangyang, Tây Nam Hàn Quốc
Hoa tươi và bông hồng thép trước trụ sở chính của tập đoàn Posco ở Seoul