Thứ Hai, 25 tháng 8, 2008

Posco và Vân Phong

Category: báo chí, Tag: Những người sống quanh ta,Văn hóa Xã hội

08/25/2008 09:09 pm
Nếu Cảng CTCCQT và DA thép Posco cùng xây dựng tại Đầm Môn – Vân Phong, sẽ không có DA nào phát triển đạt tầm mức mong muốn.
Đến nơi, nhưng chưa được đến chốn!
Cùng gần 20 cán bộ tỉnh Khánh Hoà và nhà báo Việt Nam, tôi được mời đi thăm trụ sở của Tập đoàn Posco (Hàn Quốc) tại Seoul, hai nhà máy thép của Posco tại Gwangyang và Pohang, nhà máy nhiệt điện than Samcheonpo... Cảm nhận chung, các cơ sở của Posco được quản lý tốt về môi trường, khá xanh và sạch. Giám đốc dự án tại Việt Nam của Posco là ông Cho Chung-Myong nói, không khí ở nhiều đường phố Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Seoul không sạch bằng không khí trong nhà máy thép của Posco!
Posco cho biết, với dự án (DA) Nhà máy thép liên hợp tại Đầm Môn trong Khu Kinh tế Vân Phong (KKTVP), thép sẽ được sản xuất theo công nghệ Finex. Finex là công nghệ độc quyền của Posco, không cần công đoạn chế biến quặng thiêu kết và luyện cốc nên giảm 19% lượng các khí SOx, 10% lượng các khí NOx và 52% lượng bụi so với công nghệ luyện thép truyền thống. Cả đoàn Việt Nam đều muốn tận mắt thấy, Finex như thế nào. Ngày cuối cùng trong chuyến thăm Posco, chúng tôi được mời tham quan dây chuyền duy nhất trên thế giới hiện nay sản xuất thép theo công nghệ Finex tại Pohang. Tuy nhiên khi đã đến cổng khu vực Finex, chúng tôi được thông báo dây chuyền tạm ngưng làm việc! Cần nói thêm, Posco tổ chức chuyến thăm rất chu đáo, nhân viên Posco rất ân cần nhưng không cho chúng tôi chụp ảnh nhà máy của họ.
Trước chúng tôi, đoàn công tác của Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ và nhiều Bộ, ngành cũng đã đi khảo sát các nhà máy của Posco. Đoàn này đề nghị được xem số liệu lưu trữ về chất lượng khí thải tại nhà máy, nhưng theo phía Posco, số liệu được truyền thẳng lên Bộ Tài nguyên và Môi trường Hàn Quốc, không lưu tại nhà máy. Đoàn cũng không được xem trực tiếp các hệ thống xử lý nước thải, dù theo báo cáo của Posco, các kết quả ghi đo thông số nước thải đều đạt tiêu chuẩn Hàn Quốc và Việt Nam.
Bãi than của Nhà máy điện Samcheonpo
Môi trường chỉ là một trong những vấn đề của DA thép Đầm Môn
Theo báo cáo nghiên cứu khả thi của Posco, DA thép Đầm Môn chiếm diện tích 903 ha. Giai đoạn 1 gồm nhà máy thép có công suất 4 triệu tấn/năm và nhà máy điện công suất 1.100 MW sẽ hoàn thành vào tháng 12/2012 nếu bắt đầu xây dựng vào tháng 4/2009, chi phí đầu tư là 5,378 tỷ USD. Giai đoạn 2, năng lực sản xuất đạt 8 triệu tấn thép/năm, chi phí đầu tư là 4,392 tỷ USD. Báo cáo cũng trình bày về địa điểm nhà máy và cảng, cơ sở hạ tầng, quản lý môi trường, đánh giá kế hoạch kinh doanh... Qua báo cáo này, người có hiểu biết nhất định về KKTVP và khu vực Đầm Môn sẽ thấy những vấn đề cần cân nhắc kỹ. Môi trường chỉ là một trong những vấn đề đó.

Nhà máy thép Gwangyang
Phần Mục đích nêu rằng DA sẽ tạo việc làm cho 1,3 triệu người trong 5 năm xây dựng và 146.000 người trong thời gian vận hành. So sánh với tổng số người trong độ tuổi lao động của tỉnh Khánh Hoà là khoảng 750.000 người, số đoàn viên công đoàn hiện nay là 61.400 người, thấy hiệu quả tạo việc làm của DA thật lớn! Tuy nhiên phần Kế hoạch nhân lực cho thấy, nhu cầu nhân lực của cả 3 ca khi DA vận hành chỉ là 5485 người. Đây mới là con số đáng tin cậy, vì năm 2007 Posco sản xuất 31,064 triệu tấn thép, nhưng toàn bộ nhân lực của Posco chỉ là 17.307 người.

Người của Posco tỏ ra không thoải mái lắm khi được hỏi về việc tiêu thụ nước của DA thép Đầm Môn. Vấn đề tưởng chừng là thứ yếu này lại ảnh hưởng đến tính khả thi của DA. Nhu cầu nước của DA là 140.000m3/ngày, trong khi đến năm 2020 các nguồn nước của KKTVP chỉ có thể cung cấp 110.000m3/ngày. Tức là, dẫu có ngưng cấp nước cho Cảng trung chuyển container quốc tế (Cảng TCCQT) và toàn bộ các khu chức năng, khu đô thị của KKTVP cũng không đủ nước cho DA thép.
Đã có nước từ sông Ba về qua Đèo Cả? Trong trường hợp thuận lợi nhất, hầm Đèo Cả sẽ được khởi công năm 2009 và hoàn thành cuối năm 2014, 2 năm sau khi giai đoạn 1 của DA thép Đầm Môn hoàn thành. Vả lại, đã có những dự án trị giá nhiều tỷ USD được cấp phép đầu tư vào Phú Yên, nhu cầu nhu cầu nước ở đó không hề nhỏ. Phú Yên có thể san sẻ lượng nước đủ cho Đầm Môn?

Nhà máy thép Pohang

Vấn đề quan trọng nhất - mặt bằng
Những ai đã đến Đầm Môn đều biết, khu vực này không rộng lắm. Ngoài diện tích dành cho du lịch, toàn bộ diện tích có thể xây dựng ở Đầm Môn khoảng 1300 ha đã được quy hoạch cho Cảng TCCQT (750 ha), khu dịch vụ hậu cảng (150 ha) và khu trung tâm đa chức năng dịch vụ - thương mại - tài chính - ngân hàng (khu phi thuế quan, 400 ha). Dự án thép Đầm Môn sẽ chiếm khoảng 650 ha của các khu này. Với diện tích còn lại, Cảng TCCQT khó phát triển đủ sức cạnh tranh với các cảng trung chuyển lớn trong khu vực. Thậm chí, có thể cảng này sẽ chỉ là một cảng container thông thường! Mặt khác, DA thép Đầm Môn cũng sẽ gặp khó khăn trong việc kiếm đất xây dựng khu công nghiệp phụ trợ (188 ha) và khu nhà ở cho công nhân viên (200 ha).
Ngày 22/7/2008 khi làm việc với lãnh đạo Khánh Hoà, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói về DA của Posco: “Ta phải có quyết định có lợi nhất cho ta, cho sự phát triển bền vững lâu dài cho con cháu muôn đời sau. Ưu tiên số một là Cảng TCCQT, làm gì cũng không được giảm năng lực của Cảng. Ưu tiên nữa là môi trường, không thể đánh đổi môi trường lấy bất cứ thứ gì.” Với định hướng đó, nên tạo điều kiện cho Posco đầu tư DA thép của họ ở một nơi ngoài Đầm Môn, Vân Phong. Nếu Cảng CTCCQT và DA thép Posco cùng xây dựng tại Đầm Môn, sẽ không có DA nào phát triển đạt tầm mức mong muốn.

Phối cảnh dự án của Posco tại Đầm Môn

- Ngày 6/3/2008, Nhà máy thép Nghi Sơn (Thanh Hoá) với tổng công suất là 2,25 triệu tấn/năm đã được khởi công xây dựng. Tổng mức đầu tư DA (bao gồm cảng chuyên dùng) là 8.000 tỷ đồng, tương đương 500 triệu USD.
Nguồn: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, TTXVN
- Sáng 6/7/2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát lệnh khởi công xây dựng Khu liên hợp gang thép Sơn Dương Formosa do Tập đoàn Công nghiệp nặng Formosa (Đài Loan - Trung Quốc) đầu tư. Giai đoạn 1 của DA án có tổng mức đầu tư là 7,26 tỷ USD, gồm Nhà máy liên hợp gang thép có công suất 7,5 triệu tấn/năm và cảng nước sâu Sơn Dương công suất 30 triệu tấn/năm, tạo 10.000 việc làm .
Nguồn: Trang tin điện tử Chính phủ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét