Thứ Năm, 24 tháng 10, 2013

N2683 cùng Đại tướng vào sách giáo khoa

      Nhiều người đòi truy phong Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Nguyên soái. Tôi không tán thành. Trong lòng dân, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã là Thánh, chả cần thêm một văn bản hành chính truy phong Cụ.
Nhiều người, trong đó có một số ông nghị, bà nghị đề nghị, phải đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào sách giáo khoa Lịch sử. Điều này, tôi nhiệt liệt ủng hộ. Nhưng sửa đổi sách giáo khoa Lịch sử không chỉ có việc đưa vào đó hình ảnh, công lao của Đại tướng. Sách giáo khoa Lịch sử cần được sửa đổi toàn diện.
Hiện nay, trong sách giáo khoa Lịch sử, giai đoạn kháng chiến chống Mỹ hầu như chỉ được kể lại với những trận đánh, những chiến dịch, những chiến thắng. Nhưng cuộc kháng chiến thần thánh đó đã giành được thắng lợi, không chỉ nhờ vào tài thao lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các tướng lĩnh khác...

Bức ảnh trên được chụp năm 1999, tại nhà của bác Nguyễn Văn Phi (Mười Phi, Mười Thăng Long) ở đường Võ Văn Tần, TP. Hồ Chí Minh. Một sự tình cờ đã cho tôi, một nhà báo tỉnh lẻ được gặp bác Mười Thăng Long, Trưởng ban Tài chính đặc biệt thuộc Trung ương Cục miền Nam, ký hiệu N2683. N2683 đã tạo nên một trong 5 Đường Hồ Chí Minh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, góp phần thầm lặng nhưng không hề nhỏ bé vào thắng lợi cuối cùng, ngày 30/4/1975.
N2683 (còn được gọi là D270) đã xây dựng một con đường vô hình, sử dụng hệ thống ngân hàng của các nước phương Tây và của chế độ Sài Gòn để chuyển đô-la Mỹ vào Nam, từ đó trở thành lương thực, thuốc men, nhu yếu phẩm, quân trang quân dụng… cho các đơn vị quân ta. Một con đường huyền thoại để dùng đô-la Mỹ đánh Mỹ. 
Thành công nổi bật nhất của N2683 là FM (phương pháp mới, phương pháp thanh toán đặc biệt). Cốt lõi của FM là vận dụng các nghiệp vụ mua bán và thanh toán quốc tế qua hệ thống ngân hàng, để chuyển đô-la Mỹ cho các chiến trường miền Nam chỉ trong một ngày, không hao mòn thất thoát. Hệ thống N2683 có cơ sở ở Phnom Pênh, Paris, Bắc Kinh, Hồng Kông, ở Sài Gòn Thương Tín… FM là kết tinh của lòng yêu nước, tài tổ chức và óc sáng tạo, sự dũng cảm. Cho đến ngày 30/4/1975, hệ thống này đã chuyển hàng trăm triệu đô-la Mỹ tới các đơn vị quân giải phóng, không hề bị lộ.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đã có 5 Đường Hồ Chí Minh được xây dựng: đường mòn Hồ Chí Minh – đường Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh trên biển, đường ống Hồ Chí Minh – đưa xăng dầu từ biên giới Việt – Trung vào tận Lộc Ninh, đường Hồ Chí Minh trên không – đưa người, thuốc men, thiết bị… từ Bắc vào Nam, từ Nam ra Bắc bằng máy bay, thậm chí qua sân bay Tân Sơn Nhất, đường Hồ Chí Minh qua các ngân hàng. Để các thế hệ sau này hiểu về tầm vóc kỳ vĩ của cuộc kháng chiến chống Mỹ, hiểu được nguyên nhân thắng lợi của cuộc kháng chiến đó, sách giáo khoa Lịch sử cần phải dành dung lượng xứng đáng cho 5 Đường Hồ Chí Minh này.
Trong ảnh trên là bút tích của bác Mười Thăng Long tưởng nhớ liệt sĩ Trần Chí Năng, một Việt kiều tại Campuchia. Đầu năm 1970, một lực lượng lớn chủ lực quân giải phóng đóng chân ở vùng biên giới Việt Nam  - Canpuchia, chi tiêu bằng đồng tiền riel của Campuchia. Để triệt nguồn sống của các đơn vị này, Mỹ và chính quyền Lonnol ở Campuchia cho đổi tiền, ngày 24/2/1970. Vợ chồng liệt sĩ Trần Chí Năng đã biết được âm mưu này, báo về Trung ương Cục miền Nam. Bí thư Trung ương Cục miền Nam Phạm Hùng đã kịp thời chỉ đạo tập trung đồng riel để đổi, cứu được một nguồn tài chính rất lớn, các đơn vị quân giải phóng không bị đói vì không có tiền mua gạo…

1 nhận xét: