Thứ Ba, 22 tháng 10, 2013

Học viện Quốc phòng Võ Nguyên Giáp

“Cụ Võ Nguyên Giáp, một vị tướng tài xuất chúng, sau khi cụ mất rồi, thì tên Cụ đâu chỉ là đặt cho một hay vài con đường”. Một cựu chiến binh đã viết như vậy. Anh ấy và nhiều người khác mong rằng, việc gắn tên Võ Nguyên Giáp cho một đường phố, một địa danh, một trường học nào đó không chỉ để tưởng nhớ, tôn vinh vị anh hùng dân tộc, mà còn có ý nghĩa khẳng định việc tiếp nối sự nghiệp, tinh thần của Đại tướng.   
“Tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam là Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, đội quân chủ lực đầu tiên được thành lập ngày 22 tháng 12 năm 1944 theo chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Khi mới thành lập, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân chỉ có 34 cán bộ, chiến sĩ nhưng đã sớm phát huy được truyền thống chống ngoại xâm và nghệ thuật quân sự lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ thắng lớn của dân tộc.” Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2009 viết. Võ Nguyên Giáp – Đội trưởng Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, Tư lệnh của mọi tư lệnh, Chính ủy của mọi chính ủy - vĩ đại không chỉ ở tài điều binh khiển tướng, mà cao hơn, ở triết lý xây dựng quân đội “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”, ở tư tưởng quân sự Chiến tranh nhân dân. “Nghệ thuật quân sự của chúng tôi, là lấy tinh thần chế ngự vật chất, lấy yếu chế ngự mạnh, lấy thô sơ chế ngự hiện đại. Chúng tôi đánh bại quân đội đế quốc hiện đại bằng tinh thần yêu nước của nhân dân cùng với chủ nghĩa anh hùng cách mạng”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói với ông Robert McNamara, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ trong lần hai người gặp nhau, tháng 6/1997.
          Ngày nay, tư tưởng quân sự Chiến tranh nhân dân đã được phát triển thành học thuyết Quốc phòng toàn dân của Việt Nam. Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2009 nêu, mục đích của nền quốc phòng toàn dân là bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ an ninh quốc gia trên mọi lĩnh vực, giữ vững môi trường hoà bình ổn định để công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước, đồng thời sẵn sàng đánh bại mọi cuộc chiến tranh xâm lược. Thế trận quốc phòng toàn dân là việc tổ chức, triển khai, bố trí lực lượng và tiềm lực quốc phòng trên toàn bộ lãnh thổ theo ý định chiến lược thống nhất, bảo đảm đối phó thắng lợi với mọi mưu toan và hoạt động của các thế lực thù địch xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia, sẵn sàng chuyển thành thế trận chiến tranh nhân dân nếu chiến tranh xảy ra.
          Tư tưởng, học thuyết về quân sự, quốc phòng của Việt Nam, của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang được truyền đạt, tiếp thu tại các học viện, nhà trường quân sự của Việt Nam. Phải có một trường quân sự, nơi đào tạo các vị chỉ huy của Quân đội nhân dân Việt Nam mang tên của Đại tướng – Tư lệnh của mọi tư lệnh, Chính ủy của mọi chính ủy. Đó là trường nào, học viện nào?  
Học viện Quốc phòng là một học viện lớn của Nhà nước Việt Nam, Bộ Quốc phòng được giao trực tiếp quản lý. Đây là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước Việt Nam, gồm: đào tạo sỹ quan cấp chiến dịch, chiến lược cho quân đội; bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho cán bộ chủ chốt của các bộ, ban ngành, đoàn thể ở trung ương và địa phương; hợp tác quốc tế về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quân sự, dân sự về quốc phòng với một số nước. Tư tưởng, học thuyết về quân sự, quốc phòng của Việt Nam, của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang được truyền đạt, tiếp thu, nghiên cứu bổ sung một cách toàn diện, sâu sắc nhất tại Học viện Quốc phòng. Học viện Quốc phòng đủ tầm để được mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp, và cần được đổi tên là Học viện Quốc phòng Võ Nguyên Giáp.

          Trên thế giới có một số trường quân sự danh tiếng, như Học viện quân sự West Point (Hoa Kỳ), Học viện Quân sự Frunze (Nga), Trường Quân sự Saint-Cyr (Pháp), Học viện Quân sự Hoàng gia Sandhurst (Anh)… Học viện Quốc phòng Võ Nguyên Giáp cũng sẽ là một học viện quân sự nổi bật, mang lại niềm tự hào cho những người được đào tạo tại đây.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét