Thứ Sáu, 15 tháng 3, 2013

Chuyện Trường Sa 1988, của người yêu Trường Sa: IX - Trường Sa, những ngày không thể quên



Sau sự kiện xảy ra ngày 14-3-1988 tại vùng biển Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao, cuối tháng 4-1988 Đại tướng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Đức Anh cùng Đô đốc Tư lệnh Quân chủng Hải quân Giáp Văn Cương và nhiều cán bộ cấp tướng của các Quân chủng, Tổng cục trong quân đội đã ra thăm Trường Sa.

Ra nơi đầu sóng
Đang là phóng viên ảnh kiêm viết mảng quân đội của báo Phú Khánh (cũ), Nguyễn ViếtThái được cấp chục cuộn phim Orwo đen trắng của Cộng hòa Dân chủ Đức (cũ) để đi Trường Sa. Cùng đi, có anh Phạm Đình Quát ở Quốc doanh Nhiếp ảnh Phú Khánh, cố nhạc sĩ Xuân An ở Sở Văn hóa Thông tin, hai ca sĩ Thanh Thanh, Anh Đào ở Đoàn ca múa Hải Đăng, hai anh ở Quốc doanh Chiếu bóng Phú Khánh. Vào đến Nhà khách ngoại vụ của Vùng 4 Hải quân, họ nhập chung với các nhà báo, nhà quay phim ở Tạp chí Hải quân, NXB Quân đội nhân dân, Xưởng phim Quân đội, Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh…
Mấy lần được cho về nhà để chờ, xuống tàu rồi lại lên bờ, khoảng một tuần sau khi đến Nhà khách, họ mới thực sự khởi hành. Tàu ra biển, họ mới được thông báo lịch trình, biết được đi cùng Đại tướng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Đức Anh, Đô đốc Tư lệnh Quân chủng Hải quân Giáp Văn Cương…
Viết Thái nhớ lại, những ngày ở Nhà khách anh thấy xe mang thư, quà gửi Trường Sa tấp nập đến đó. Sự kiện đẫm máu 14-3 còn đang nóng, cả nước đang hướng về những người lính nơi tuyến đầu. Chuyến đó, đoàn công tác không đến khu vực các đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao, nơi Trung Quốc vẫn đang gây ra tình trạng rất căng thẳng, có thể lại bùng nổ bất cứ lúc nào. Nhưng trước khi lên đường, Viết Thái và nhà văn Khuất Quang Thụy đã vào căn cứ Cam Ranh thăm Trung đoàn 83 công binh, đơn vị có nhiều người hy sinh nhất trong sự kiện 14-3-1988. Đặc biệt, anh được gặp cán bộ, chiến sĩ tàu HQ 505 vừa từ Trường Sa trở về. Sáng 14-3-1988, dù bị tàu đối phương bắn cháy, nhưng tàu HQ 505 đã ủi bãi đảo Cô Lin thành công, bảo vệ được chủ quyền của Tổ quốc tại đây. Tập thể tàu HQ 505 và thuyền trưởng Vũ Huy Lễ được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. “Thật xúc động khi gặp những người lính trẻ măng, vừa đối mặt với cái chết nhưng phong thái, nét mặt họ vẫn đầy vẻ tự tin, lạc quan”. Viết Thái kể.
Thuyền trưởng, Anh hùng Vũ Huy Lễ và đồng đội trên tàu HQ-505 anh hùng 

Trong 15 ngày thăm Trường Sa, đoàn ghé thăm 11 đảo: Đá Lát, Đá Đông, Núi Le, Tốc Tan, Tiên Nữ, Trường Sa, Phan Vinh… Dịp đó trời yên biển lặng, mặt biển mênh mông xanh ngắt. Trường Sa đẹp vô cùng. Ở đảo Thuyền Chài, khách được lính đảo dẫn đi lặn ngắm sa hô. Những đàn cá nhiều màu sắc tung tăng bơi lội giữa rừng san hô đủ các kiểu dáng như ở chốn thần tiên, khiến họ choáng ngợp. Buổi tối, ngắm ánh trăng lung linh soi bóng xuống mặt biển, cảm giác thật mơ màng, êm đềm. Nhưng cũng có lúc không khí trở lên căng thẳng, đó là lần hai tàu chiến Trung Quốc theo kèm, chạy cắt chéo đường chạy của tàu ta…

cố Đô đốc Giáp Văn Cương thăm bộ đội công binh đang xây dựng 
đảo Tiên Nữ
Ngày đó, hầu hết các đảo chìm họ ghé thăm đều mới được đóng giữ, chỉ có chiếc nhà cao chân rộng vài chục mét vuông. Công binh đang khẩn trương xây dựng nhà lâu bền trên một số đảo. Để lên đảo, mọi người phải đi xuồng, thủy thủ đẩy qua bãi san hô cập chân nhà. Tới mỗi đảo, Đại tướng Lê Đức Anh và Đô đốc Giáp Văn Cương đều thăm hỏi cán bộ chiến sĩ, rất thân tình, gần gũi. “Nhưng trong công việc, các ông ấy quyết liệt, nghiêm khắc lắm.” Viết Thái kể… 
Đại tướng Lê Đức Anh đọc lời thề tại đảo Trường Sa, ngày 7-5-1988
Một trong những bức ảnh của Nguyễn Viết Thái được sử dụng nhiều nhất là ảnh Đại tướng Lê Đức Anh tại lễ kỷ niệm 33 năm thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam, ngày 7-5-1988. Trước hàng quân trên đảo Trường Sa, giữa quần đảo Trường Sa đầy nắng gió, Đại tướng đọc lời thề: "Chúng ta xin thề trước hương hồn của Tổ tiên ta, trước hương hồn của cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, xin hứa trước đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau: Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu của chúng ta".

Trường Sa, không chỉ là kỷ niệm
          “Khi lên đảo Phan Vinh, chúng tôi nghe kể, bộ đội vừa làm vệ sinh kho gạo, đập chết và đốt 75 ký xác gián.” Nhà báo Phạm Đình Quát (Tu Mien Bien) hiện làm việc tại Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, kể về một ấn tượng sâu sắc trong chuyến đi Trường Sa năm 1988. Gián, chuột không cách nào diệt hết, nhưng sau mùa mưa bão, cả đàn gà trên đảo chỉ còn một chú gà trống. Hàng ngày, nó lủi thủi đi ăn rồi về chuồng, chẳng buồn gáy nữa. Cho đến khi đảo có khách. Buổi tối sinh hoạt văn nghệ thật ấm cúng, hai nữ ca sĩ Anh Đào, Thanh Thanh say sưa hát, như chưa từng hát. Các chàng lính đảo, chẳng rõ chăm chú nghe hay ngắm hai ca sĩ hát, cứ ngẩn ra... Khoảng hơn 4 giờ sáng hôm sau, bỗng đảo nhỏ xôn xao bởi tiếng gà gáy. Chú gà trống đứng trên ụ pháo, vỗ cánh phành phạch, ngóc cao đầu gáy liên tục. Một pháo thủ trẻ dí dỏm bảo: “Vì hai người đẹp xuất hiện trên đảo, có “cân bằng âm dương” nên con gà mới có hứng thú gáy”.
Cũng trên đảo Phan Vinh, các vị khách đã chứng kiến niềm vui sướng đến tột độ của lính đảo, khi một trận mưa giông ập đến bất ngờ. Cả đảo ùa ra tắm, nhảy nhót, la hét… Xúc động trước cảnh lính đảo đón mưa, cố nhạc sĩ Xuân An viết ngay bài hát “Mưa Trường Sa”, rất được lính Trường Sa ưa thích. “Mưa! Trời mưa! Á ha, trời mưa! Từng bàn tay với lên trời cao, vuốt trên mặt người, thấm từng giọt mưa lẫn dòng nước mắt. Mưa ơi mưa ơi đảo nhỏ chờ mưa. Mưa đi mưa đi chúng tôi cần mưa…”

cố nhạc sĩ Xuân An và ca sĩ Thanh Thanh với lính đảo Phan Vinh
Có lần tại một đơn vị ở đảo Trường Sa, Xuân An hát suốt 90 phút rồi buông đàn nằm nghỉ. Các chiến sĩ trẻ nhao nhao: “Bố cứ vừa nằm vừa hát tiếp đi. Chúng con quạt cho bố mát”. Một lúc sau, anh em ở đơn vị khác kéo đến, miệng mời tay kéo Xuân An đến chỗ ở của họ... nằm hát tiếp. Không có tình cảm sâu sắc và mãnh liệt, chắc Xuân An, cũng như Anh Đào, Thanh Thanh, không thể hát khỏe như trong chuyến đi ấy. Hai chị còn tranh thủ khâu vá cho chiến sĩ… 

Đình Quát (ngồi) và Viết Thái
Còn đối với nhà báo Phạm Đình Quát, Trường Sa không chỉ là những kỷ niệm, mỗi lần nhắc đến Trường Sa là cồn cào nỗi nhớ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét