Thứ Sáu, 8 tháng 3, 2013

Chuyện Trường Sa 1988, của người yêu Trường Sa


Loạt bài ghi lại những kỷ niệm với Trường Sa của một cựu chiến binh Trường Sa, của những nhà báo, nhạc sỹ, ca sỹ đã từng ra thăm Trường Sa và của một cô giáo ước một lần được ra với Trường Sa. Những câu chuyện của họ đều có một điểm chung: Kỷ niệm sâu sắc nhất, xúc động nhất, có liên quan với ngày 14 tháng 3 năm 1988, ngày Trung Quốc gây hấn, đánh chiếm đảo Gạc Ma.  

I - TIẾP QUẢN TRƯỜNG SA  
Đại tá Nguyễn Văn Dân sinh năm 1945 tại xã Bình Minh, Tĩnh Gia, Thanh Hoá, nhập ngũ năm 1964. Có gần 20 năm (1975 – 1994) gắn bó với quần đảo Trường Sa trước khi phụ trách Hệ đào tạo sau đại học của Học viện Hải quân rồi nghỉ hưu năm 2000, ông được coi là một trong những kho tư liệu sống về Trường Sa.
Đại tá Nguyễn Văn Dân
Năm 1975, tôi đang là Trung uý, trợ lý tham mưu của Khu vực 2 Sông Mã, Hải quân (Khu vực là cấp tổ chức hải quân, tương đương Vùng hiện nay), được lệnh tham gia Đoàn công tác tiếp quản căn cứ Cam Ranh. Đoàn gồm 42 người, do Trung tá Hà Trung Hỷ, Chính uỷ K2 chỉ huy (tháng 9-1975, Lữ đoàn 126 Hải quân đánh bộ được thành lập, ông Hà Trung Hỷ là Chính uỷ Lữ đoàn – N.Đ.Q), Đại uý Ngô Lai làm Tham mưu trưởng.
          Đoàn đi tàu đến Đà Nẵng ngày 2-4-1975. Tại đây, chúng tôi được biết chủ trương của trên, phải bí mật, nhanh chóng giải phóng các đảo ở quần đảo Trường Sa đang do quân Sài Gòn đóng giữ, kiên quyết không để lực lượng nào khác nhân tình hình lúc đó để chiếm đóng. Rồi tàu chúng tôi đi tiếp, đến quân cảng Quy Nhơn tối 6 tháng Tư. Khi đó, ở cảng Quy Nhơn vẫn chưa hết tiếng súng. Từ Quy Nhơn, Đoàn đi ô tô, vào đến Nha Trang ngày 7-4. Ở đây, chúng tôi được lệnh gấp rút ra tổ chức tăng cường cho lực lượng ở Trường Sa. Giữa tháng Tư, chúng tôi xuống hai tàu do Bộ Tư lệnh Hải quân đưa từ Hải Phòng vào, giả dạng tàu cá số hiệu 679 – 680, ra Trường Sa.
 
Hồ Song Tất Minh, em bé đầu tiên được sinh ra trên đảo Song Tử Tây và cả quần đảo Trường Sa
          Ngày 14, ta giải phóng đảo Song Tử Tây. Chúng tôi tiếp quản đảo Song Tử Tây từ đơn vị giải phóng đảo, tổ chức lại công tác bảo vệ và nắm thêm tình hình chung. Sau đó, chúng tôi đến đảo Sơn Ca, một ngày sau khi đảo này được lực lượng ta trên tàu 641 giải phóng (25-4). Tại đây, Đoàn nhận 16 tù binh Sài Gòn để đưa về Cam Ranh trên tàu 641. Anh Hùng người Hà Tây, chỉ huy đơn vị giải phóng đảo Sơn Ca cho biết, hình như có một – hai lính Sài Gòn bơi sang đảo Ba Bình bên cạnh, do Đài Loan chiếm đóng. Sau đó, Đoàn tiếp tục đến đảo Nam Yết. Lúc đó ở gần Nam Yết có một tàu khu trục của hải quân Sài Gòn, nhưng tàu này rút đi khi thấy tàu ta tới. 
          Đảo thứ tư Đoàn tới là đảo Sinh Tồn. Chúng tôi dừng tại đây lâu hơn. Khi đó, trên đảo còn ngôi mộ của một Thiếu uý Sài Gòn, bia ghi tên là Tính hay Tích gì đó, lâu rồi tôi không nhớ, ở Chợ Lớn, bị bệnh chết. Tôi nói với anh em, dù ở bên nào, nhưng họ cũng là người Việt Nam, tham gia giữ chủ quyền cho Tổ quốc, nay chết ở đây, mình cũng nên giữ mộ cho họ. Từ đảo Sinh Tồn, chúng tôi đến đảo Trường Sa Lớn, ngày 2 tháng Năm. Đây là đảo chúng tôi ở lại lâu nhất để củng cố tổ chức, lực lượng, đảm bảo các hoạt động.
tuần tra bảo vệ đảo Trường Sa, tháng 4-1996
          Nhìn chung, khi đó tổ chức phòng thủ của quân Sài Gòn tại Trường Sa còn sơ sài, thực phẩm cho lính chỉ có gạo sấy và đồ hộp. Các đảo còn hoang vu, ở Nam Yết cây mọc khá rậm rạp. Nhưng đảo này và đảo Sơn Ca hầu như không có chim, trong khi ở Song Tử Tây, Sinh Tồn và Trường Sa rất nhiều chim. Có những bãi chim, chim bay ào ào trên đầu, còn dưới đất chim con nằm dày đặc, chúng tôi không dám bước chân… Lúc đầu, chúng ta chưa xác định được cơ cấu tổ chức, trang bị, phương tiện, công tác phòng thủ tại các đảo. Dần dần, các khâu này được hoàn chỉnh, việc bảo đảm đời sống cho anh em trên các đảo đi vào nề nếp. Năm 1976, ta bắt đầu làm sân bay ở Trường Sa… 
Trong quá trình ra tiếp quản các đảo năm 75, hầu như chúng tôi không thấy tàu Mỹ. Nhưng có một số tàu của Trung Quốc ở quanh các đảo. Khi thấy tàu ta đến, họ rút đi. Ở các đảo Thị Tứ, Loại Ta chúng tôi thấy có tàu mang cờ Philippines …
hiện trạng quần đảo Trường Sa
Trung tuần tháng 5 năm 75, tôi về lại Nha Trang, được cử làm Cảng vụ trưởng ở căn cứ Cam Ranh. Tháng 8 năm 75, tôi làm Hải đội phó Hải đội Cam Ranh. Tháng 10 năm 78, Vùng 4 duyên hải được thành lập. Năm 80, tôi là Đại uý Hải đội trưởng, được điều lên làm Trưởng ban Huấn luyện của Vùng 4, rồi được cử đi học ở Liên Xô. Năm 1983 về nước, tôi làm Phó Tham mưu trưởng Vùng, được giao nhiệm vụ chuyên giúp cho các đảo Trường Sa...
Tháng 3-2009

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét