Thứ Bảy, 15 tháng 7, 2017

Chút buồn từ Khu Tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma

Bùi ngùi, xúc động khi dự lễ khánh thành Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, công trình được xây dựng từ tấm lòng của hàng triệu người Việt Nam.
Nhưng cũng có chút buồn.  
 Ba năm trước đây, ngày 14/7/2014 tôi đăng Thư ngỏ về Đài tưởng niệm liệt sĩ 14/3/1988 gửi ông Đặng Ngọc Tùng, lúc đó là Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam. Trong thư tôi viết rằng, ngày 14/3/1988 súng đã nổ, đạn địch đã bắn vào bộ đội ta không chỉ ở đá Gạc Ma, mà cả ở đá Len Đao, đá Cô Lin. Những người lính Việt Nam gan dạ, anh hùng đã bảo vệ được đá Len Đao và đá Cô Lin, quân Trung Quốc chỉ chiếm được đá Gạc Ma. Trong ngày 14/3/1988, không phải tất cả 64 liệt sĩ đều ngã xuống ở đá Gạc Ma. Có hai người đã hy sinh trên tàu HQ-605 ở đá Len Đao, đó là Trung úy Phạm Hữu Doan, Thuyền phó tàu HQ-605 và Trung sĩ Bùi Duy Hiển, nhân viên báo vụ tàu HQ-605. Do vậy, nếu đặt tên đài tưởng niệm 64 liệt sĩ là Đài tưởng niệm liệt sĩ Gạc Ma, đó là điều không đúng. Không chỉ không đúng về tên gọi, việc gọi như vậy còn dễ làm sai lệch nhận thức, hiểu biết của nhiều người về sự kiện ngày 14/3/1988, về mặt nào đó là có lỗi với những người đã hy sinh xương máu để bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Nói về ngày 14/3/1988, cần nêu đầy đủ các diễn biến ở đá Gạc Ma, đá Len Đao và đá Cô Lin, đặt trong tổng thể Chiến dịch Chủ quyền 1988. Đó là điều cần làm nếu thực sự kính phục, tri ân với những người đã dũng cảm , kiên quyết, hy sinh xương máu để bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Tôi đã đề nghị có sự cân nhắc, xem xét lại tên gọi của đài tưởng niệm.
Bây giờ, công trình đã hoàn thành. Mọi người đến đây chỉ nhìn thấy Gạc Ma, chỉ có cái tên Gạc Ma được nhắc đến.

Người trong ảnh đang thắp hương là Thượng úy Nguyễn Sỹ Minh, nguyên trợ lý chính trị Trung đoàn 83 Công binh, Quân chủng Hải quân. Ngày 14/3/1988, anh Sỹ Minh cùng những người còn sống ở Gạc Ma đưa thi thể Trung úy Trần Văn Phương và Hạ sỹ Đậu Xuân Tư cùng những đồng đội bị thương lên chiếc xuồng của E83 công binh, đưa về phía đá Cô Lin. Anh Sỹ Minh nói, nếu hôm 14/3/1988 không có tàu HQ-505 đưa xuồng từ đá Cô Lin đi đón, chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra với các anh. Hai người được anh Nguyễn Sỹ Minh nhắc đến nhiều nhất là Đại úy, Anh hùng liệt sỹ Vũ Phi Trừ, thuyền trưởng tàu HQ-604 và Đại tá, Anh hùng Vũ Huy Lễ, thuyền trưởng tàu HQ-505. 

3 nhận xét:

  1. Có thể còn thiếu sót, nhưng Gạc Ma sẽ là trung tâm, là ký ức đau buồn, là mối hận...ngàn năm của dân tộc Việt Nam.

    Trả lờiXóa
  2. Với Trong nước là thế nhưng khi công bố quốc tế là khác đấy Ah "Vietnam opens memorial to honor fallen soldiers in Spratly battle with China" By Nguyen Xanh, Xuan Ngoc 

    Trả lờiXóa