Thứ Sáu, 8 tháng 7, 2016

Tên đảo ở Trường Sa: Kỳ 2 – Tên đảo phải là tên Việt Nam

Việt Nam tuyên bố có chủ quyền toàn bộ quần đảo Trường Sa, nhưng hiện nay tên gọi bằng tiếng Việt của nhiều thực thể địa lý ở Trường Sa không có nghĩa trong tiếng Việt, một số trường hợp gần như là tiếng Anh.
“Trên đảo có cây cối xanh tốt, có nhiều chim sơn ca sinh sống nên người ta đặt tên cho đảo là Sơn Ca”. Có khá nhiều bài báo, kể cả một số tài liệu tuyên truyền biển đảo lý giải như vậy về tên đảo Sơn Ca. Thật là hài hước. Đảo có diện tích tự nhiên chỉ khoảng 5ha, rất ít cây xanh (bây giờ có nhiều rồi, do bộ đội ta trồng), cách đất liền 330 hải lý, làm gì có con chim sơn ca nào ra sống ở đó. Thực ra, Sơn Ca có nguồn gốc từ tên đảo bằng tiếng Anh – Sand Cay. “Khi xưa, biển Đông quanh năm nổi sóng gió. Trời thương những con tàu bé nhỏ nên sai một nàng tiên bay đến giữa biển. Có nàng tiên ở đó, giông gió cũng thôi thét gào, trời biển cũng hiền hòa hơn. Nơi nàng tiên bay xuống, hình thành một bãi cạn, người ta gọi là bãi Tiên Nữ”. Đó là một cách lý giải về tên gọi đá Tiên Nữ, tương tự cách lý giải tên gọi đảo Sơn Ca. Nhưng, cũng như Sơn Ca, Tiên Nữ có nguồn gốc từ tiếng Anh - Tennent. Tương tự, đảo Sinh Tồn – Sin Cow, đảo An Bang – Amboyna… Tên của một số thực thể địa lý khác ở quần đảo Trường Sa cũng có nguồn gốc từ tiếng Anh, nhưng không theo cách biến âm như trên, mà dịch nghĩa, như đá Chữ Thập - Fiery Cross, đảo Bình Nguyên – Flat…
          Dù biến âm hay dịch nghĩa từ tên tiếng Anh, những tên đảo trên đều là những tên gọi hay theo tiếng Việt, hay không kém những tên gọi không có nguồn gốc từ tiếng Anh, như đảo Trường Sa, đảo Song Tử Tây, đá Thuyền Chài, bãi Bàn Than, bãi Ba Đầu…
Bình minh trên bãi đá Cô Lin
Nhưng hiện nay, tên tiếng Việt của một số thực thể địa lý ở quần đảo Trường Sa vẫn hầu như không khác tên tiếng Anh. Chẳng hạn, đá Cô Lin – Collins Reef, đá Len Đao – Lansdowne Reef, đá Xubi – Subi Reef, đá Gaven – Gaven Reef… Có những cái tên không từ nguồn gốc tiếng Anh, nhưng rất không hay, như Tốc Tan – Alison Reef, Gạc Ma - Johnson South Reef … Tôi cho rằng, cần phải đổi những cái tên này, để tên gọi của mọi thực thể địa lý ở quần đảo Trường Sa, dù có nguồn gốc từ đâu cũng phải có nghĩa trong tiếng Việt, khi nói lên phải có âm thanh tiếng Việt, phải là tên Việt Nam.
Chúng ta đã có những lần đổi tên đảo như thế, chẳng hạn với đảo Sinh Tồn Đông. Đảo Sinh Tồn Đông có tên tiếng Anh là Grierson Reef, trước kia thường được gọi là đá Grisan. Ngày 15/3/1978, tàu 679 của Hải đoàn 128 đưa lực lượng của Lữ đoàn 146 cùng một số cán bộ của Bộ Tham mưu Hải quân đổ bộ lên đá Grisan. Ngày 25/4/1978, khi ra kiểm tra đá Grisan, Tư lệnh Quân chủng Hải quân Giáp Văn Cương đề nghị đổi tên đá Grisan thành đảo Sinh Tồn Đông.
Đặc biệt, tên gọi của ba bãi đá ở nơi diễn ra sự kiện ngày 14/3/1988 là đá Gạc Ma, đá Len Đao và đá Cô Lin rất cần được thay đổi. Như đã nêu trên, đá Len Đao và đá Cô Lin là những cái tên gần như tên tiếng Anh, xa lạ với người Việt Nam. Tôi chưa rõ xuất xứ của tên gọi Gạc Ma, nhưng đó là một cái tên tối nghĩa – nếu không muốn nói là vô nghĩa, và rất xấu. Theo tôi, đá Gạc Ma nên được đổi tên thành đá Trần Văn Phương hoặc Văn Phương, mang tên của Trung úy, Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương, người đã chỉ huy đơn vị dũng cảm bảo vệ đá Gạc Ma ngày 14/3/1988. Chúng ta đã từng mang tên Anh hùng liệt sĩ, Trung úy Nguyễn Phan Vinh, thuyền trưởng của tàu 235 trong đoàn tàu không số, đường Hồ Chí Minh trên biển để đổi tên cho đảo Hòn Sập (Pearson Reef) thành đảo Phan Vinh, sau khi đóng giữ Hòn Sập ngày 30/3/1978. Việc đổi tên Văn Phương cho đảo Gạc Ma chính là một cách để tưởng nhớ, để tri ân Trần Văn Phương và các Anh hùng, liệt sĩ đã xả thân hy sinh vì Tổ quốc ngày 14/3/1988, là một cách nhắc nhớ về lịch sử.
    

2 nhận xét: