Thứ Ba, 26 tháng 7, 2016

Trần Bá Toàn ơi, đồng đội ơi!

      
  Bức ảnh này được chụp ở núi Non Nước, Đà Nẵng giữa tháng 10/1984, người thanh niên ngồi bên trái là Trần Bá Toàn. Đây là bức ảnh chụp cuối cùng của Trung úy Trần Bá Toàn, sinh ngày 14/2/1962, mất ngày 1/2/1985 tại chiến trường Campuchia. Toàn là học sinh lớp chuyên Toán trường THPT Ngô Sĩ Liên tỉnh Hà Bắc (Bắc Giang và Bắc Ninh ngày nay) khóa 1976 – 1979, học viên lớp Công sự khóa 14 Học viện Kỹ thuật Quân sự (10/1979 – 10/1984). Sau khi tốt nghiệp Học viện Kỹ thuật Quân sự, Toàn và tôi cùng rất nhiều bạn học khác được cử sang Campuchia.
“Đường/ Nắng ngập bụi đất/ Mưa ngập bùn lầy/ Ẩn khuất những quả mìn lạnh ngắt/ Người lính tình nguyện/ Gạt bùn đất mà đi/ Gỡ mìn mà tiến/ Bao chiếc xe dính mìn bốc cháy/ Bao bàn chân bạn tôi gửi lại…” Đó là một đoạn trong bài thơ “Những nẻo đường chiến tranh” của Trần Văn Thịnh, bạn học cùng lớp đại học của tôi, cùng sang chiến trường Campuchia. Không chỉ một bàn chân hay một cánh tay, Trần Bá Toàn đã gửi lại cả sự sống của anh bên xứ Chùa Tháp. Trung úy Trần Bá Toàn mất ngày 1/2/1985, khi chưa tròn 23 tuổi, chỉ 3 tháng sau khi sang Đoàn 5501, Mặt trận 579. Khi đó, Toàn vừa được Viện quân y 21 điều trị dứt một trận sốt rét ác tính thể não, đang ở Trạm khách Mặt trận 579 tại thị xã Stung Treng chờ đi nhờ xe lên lại đơn vị ở gần ngã ba biên giới Campuchia – Thái Lan – Lào thì tái phát sốt rét, rồi mất. Toàn được đưa về an táng ở nghĩa trang Đức Cơ, tỉnh Gia Lai, nhưng sau đó, đau đớn thay, mộ Toàn thất lạc. Một phần tư thế kỷ sau, đến tháng 10/2009 chúng tôi mới biết mộ bạn Trần Bá Toàn của chúng tôi đang ở một nghĩa trang bỏ hoang tại thành phố Playku, tỉnh Gia Lai. Sau nhiều rắc rối nữa, tháng 6/2011 chúng tôi và các em trai, em rể Toàn mới đưa được Toàn về với gia đình ở huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai.
Viếng mộ Trần Bá Toàn ở nghĩa trang Trà Đa, Playku đêm 17/12/2010
Trần Bá Toàn đã tìm về được với gia đình, nhưng đến nay anh ấy vẫn chưa được công nhận là liệt sĩ. Danh dự người lính của Trần Bá Toàn chưa về được cùng anh.
“Anh sang Campuchia là xung phong đi hay phải đi?” Ngày 23/10/2009, tại Đà Nẵng, một phóng viên trẻ đã hỏi tôi như thế, trên đường chở tôi đến nhà Hoàng Trung Thông, một bạn học của Toàn và tôi ở K14 Học viện Kỹ thuật Quân sự, đồng đội của chúng tôi ở chiến trường Campuchia. Hôm đó, tôi đến nhà Hoàng Trung Thông, để cùng Thông và hai đồng đội nữa lên Tây Nguyên tìm mộ Trần Bá Toàn.
Trần Bá Toàn, Hoàng Trung Thông, Trần Văn Thịnh…, chúng tôi sang chiến trường Campuchia theo điều động của Bộ Quốc phòng, không làm đơn tình nguyện, không ký tên bằng máu để xung phong, nhưng với tâm thế nhẹ nhàng của người lính, của người đàn ông biết việc mình cần làm cho Tổ quốc. “Giúp bạn là tự giúp mình”, câu đó mãi mãi đúng, để nói về hơn 10 năm những người lính Việt chiến đấu, hy sinh ở Campuchia, 1979 – 1989. Bạn Trần Bá Toàn của chúng tôi sang chiến trường Campuchia với tư thế của người lính. Trần Bá Toàn không mất trong một trận chiến, nhưng việc anh ấy mất vì bạo bệnh tái phát, khi đang chờ trở lại đơn vị là sự hy sinh.   
      Trần Bá Toàn ơi, đồng đội ơi! Đối với tao, đối với Thông mắm, đối với Nguyên khọm, đối với Nguyễn Mạnh Hùng…, mày mãi mãi là đồng đội, là người lính đã hy sinh tuổi thanh xuân vì Tổ quốc! 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét