Thứ Năm, 4 tháng 9, 2008

Gặp lại Hội An - tháng 8.2008

Category: Cuộc sống, Tag: Bạn bè,Đời sống

09/04/2008 09:15 pm
Đường Nguyễn Thị Minh Khai

Diện mạo Hội An không đổi khác bao nhiêu. Vẫn là những con phố nhỏ yên bình với những ngôi nhà truyền thống mái ngói không cao quá 2 tầng, phía trước có vườn hoặc giàn cây xanh. Ở những đường phố chính cũng không nhiều nhà hộp và những cửa hiệu sáng choang, người lại qua đông hơn nhưng không nhiều xe hơi, không nhiều người chạy xe máy ào ào. Người Hội An vẫn giữ nếp thong dong, không vội vã xô bồ. Nhưng có muốn chạy xe nhanh cũng khó, vì mặt đường phố bị loang lổ bong tróc rất nhiều. Có lẽ, Hội An là thành phố có đường phố xấu nhất Việt Nam. Hội An cũng không phải là thành phố đẹp về cây xanh. Nhưng phòng tranh nhiều. Và có vẻ làm ăn khấm khá. Những bức tranh không mấy độc đáo, mới mẻ, được đề giá 300 – 500 – 1000 USD…
Khách sạn Nhà cổ Hội An

May mắn, được theo tua đi thăm nhà cổ và một số khách sạn tại Hội An. Khách sạn ở đây đáng nhớ hơn khách sạn ở nơi khác, Nha Trang, Vũng Tàu chẳng hạn. Không phải là những khối hộp chen chúc lên cao ở mặt tiền, phô phang nhôm – kính - sơn màu, các khách sạn ở Hội An thường gồm nhiều nhà 2 – 3 tầng trong khuôn viên rộng, có nhiều cây xanh. Hầu như mỗi khách sạn đều có một nét riêng khó lẫn, về kiến trúc phòng ốc, về cảnh quan. Ở khách sạn Nhà cổ, các khu nhà được xây dựng theo kiểu nhà cổ, có giếng trời, các phòng đều thoáng gió tự nhiên. Tại đây có một ngôi nhà cổ thực sự, sân nhà là nơi phơi bánh của lò làm bánh tráng bên cạnh, cung cấp cho nhiều quán bánh tráng khô, bánh tráng đập, cao lầu… ở Hội An.

Tối 29/8, nghỉ ở khách sạn Vĩnh Hưng. Những ngôi nhà 2 tầng dưới tán dừa, những hồ bơi xinh xắn, những lối đi rải sỏi dẫn ra bờ sông Thu Bồn… Phòng khách sạn 2 giường rất rộng, thiết bị khá xịn, chiếc ti vi 21 inches mở kênh nào cũng thấy muỗi bay sè sè. Sáng sau ghé phòng internet, 2 máy tính đầu không khởi động được. Chiếc thứ 3 truy cập tốt, nhưng không vào được Yahoo! Messenger. Hỏi nhân viên khách sạn đang ngồi ở máy bên, anh ta bảo: “Máy bị virus.” Thế là xong trách nhiệm với khách! Tối 30/8, nghỉ ở khách sạn Thiện Trung trên đường Phan Châu Trinh. Trong phòng có chiếc máy lạnh Toshiba cũ mèm điều chỉnh bằng tay, toilet không khăn, không xà phòng. Đối diện khách sạn có nhà hàng kiểu cổ khá đẹp, nhưng tại đó món ăn nổi tiếng của Hội An là cao lầu không thể khen là ngon.
Thợ thêu tại cơ sở thời trang YaLy Couture

Trưa 30/8, đi xe ôm từ đường Trần Hưng Đạo sang đường Lý Thường Kiệt, đoạn đường chừng 1km. Đến nơi, anh xe ôm nhất quyết đòi 20.000đ. Cuốc xe ôm sau từ Lý Thường Kiệt sang Hoàng Diệu cũng chỉ trên 1km, cước phí là 20.000đ. Lần thứ 3 đi xe ôm từ một nơi gần chợ Hội An về khách sạn Vĩnh Hưng, rút kinh nghiệm nên hỏi giá trước. “Hai mươi nghìn!” – Anh xe ôm nói. Thấy chiếc taxi, định vẫy thì anh ta hạ giá xuống 15.000đ. Thôi, đi cho rồi. Dọc đường, nghe khách nói cước xe ôm mắc hơn cước taxi, anh lái xe phân trần: “Dân Hội An ít đi xe ôm lắm nên ít người làm nghề chạy xe ôm, giá cuốc xe phải cao hơn nơi khác.” Nghe vậy biết vậy.
Tối 30/8, Viết Hiền và Việt Hương từ Quy Nhơn ra, gia đình Hữu Thành gồm 5 người từ Đông Hà vào, cùng Thiềm Thừ, Cửu Vạn và thổ công xứ Quảng Lê Trung Việt mừng hội ngộ. Bọn đàn ông trù tính, kiếm quán cơm cho phụ nữ và trẻ em trước, bù khú bia rượu sau. Cửu Vạn chạy xe khắp Hội An, chỉ thấy duy nhất 1 quán còn cơm, nhưng hết chỗ ngồi. Lúc đó mới 7 giờ tối! Đành kéo nhau ra quán Vườn Hoàng bên sông Hoài kiếm cái lẩu. Nghe nhau câu được câu chăng, vì quán bên có nhạc sống, đám mừng sinh nhật hay họp bạn gì đó hát – gào – hú hét đủ loại bài tây, ta, cũ, mới… Ngỡ ngàng đêm Hoài Phố.
Đường Trần Phú, thời gian chỉ dành cho người đi bộ và xe thô sơ

Nhưng ở Hội An, tôi đã gặp nhiều người để lại ấn tượng rất đẹp, như anh Trương Duy Trí, hướng dẫn viên du lịch, cựu quân nhân. Nhẹ nhàng, mạch lạc pha chút hóm hỉnh, mỗi lời kể của anh đều cho thấy sự hiểu biết sâu sắc, lòng tự hào về lịch sử, văn hoá, con người Hoài Phố. Nhớ nhất lời anh kể về việc người Hội An đã biết “sống chung với lũ” từ mấy trăm năm trước, thể hiện qua việc làm nhà có chỗ mở lên gác, lên mái. Người ta thường làm nhà ngoài thấp, trong cao, nhưng người Hội An làm nhà nền ngoài cao, nền trong thấp. Cũng như tục quét rác vào trong, không quét ra ngoài, việc làm nhà như vậy để của cải tài lực “vào dễ ra khó”. Nhưng còn có ý nghĩa khác. Nhà Hội An thường bị ngập nước lụt, thường phải rửa. Nhà trước cao sau thấp, khi rửa bùn rác không chảy ra ngoài đường, chảy sang nhà bên. Ứng xử, quan hệ thân thiện, có văn hoá với xóm giềng từ chuyện cái nền nhà như thế!
Chiều 30/8, đi bộ dạo chơi phố cổ. Đến một ngã ba gần Quảng trường Sông Hoài, hỏi một bà cụ trên 70 tuổi đường tới Chùa Cầu. Bà cụ chỉ đường xong, đã dợm quay đi nhưng lại cầm tay tôi dẫn tới đường Nguyễn Thị Minh Khai, nói Chùa Cầu ở cuối đường đó con!
Hai lần đến, cũng chỉ có hơn 2 ngày ở Hội An. Thời gian mới tạm đủ để làm quen. Nhưng dường như đã đủ để biết, Hội An có nhiều thứ quý giá cần được bảo tồn, gìn giữ. Trong đó, có tình người, có sự thanh bình của cuộc sống.

Trương Duy Trí: "Trên đây là cửa thoát lên khi nước ngập". 3 vạch phấn là mức nước ngập năm 1999 - 2000 và 2007.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét