Thứ Hai, 22 tháng 9, 2008

Đằng sau sự nhã nhặn của ông Ngô Quang Kiệt

Category: nhân vật, Tag: Những người sống quanh ta,Văn hóa Xã hội

09/22/2008 03:58 pm
Tôi không định viết lách gì quanh chuyện những người công giáo đòi đất ở Toà Khâm cũ, đòi đất Thái Hà, rồi sẽ đòi khách sạn Láng Hạ như Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt doạ. Chả phải mũ ni che tai, mà vì đã có quá nhiều người nói, quá nhiều người viết, chợ đã đông lắm rồi, ồn ào lắm rồi. Nhưng hôm nay, nhiều người lại đến nhà tôi mời xem, gạ đọc, khuyên nghe ông Kiệt đã nói gì. Thôi thì, sau khi đã đọc văn bản, đã nghe file mp3, đã xem clip, đành viết vài dòng.

Cái giọng nói của Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt thật nhẹ nhàng du dương. Cái cách nói của ông thật nhã nhặn, trình bày rất có lớp có lang (khen bác khen cả ngày, nghề của bác mà). Nhưng mà tôi thấy ông dẫn tục ngữ Pháp “những cái tính toán nó đúng mực thì nó mới là những người bạn tốt được” khi nói về “cái hài hoà trong cái mối thống nhất”, cái tình và cái lý. Nói chuyện toàn người Việt với nhau, sao lại dẫn cái tục ngữ Pháp, chẳng lẽ ông không biết một câu tục ngữ Việt Nam về điều này?

Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt nói: “Nhưng mà cái tôn giáo là cái quyền tự nhiên con người được hưởng. Và nhà nước vì dân do dân phải có trách nhiệm tạo cái điều kiện đó cho người dân chứ không phải cái ân huệ chúng tôi xin.” Mới nghe có vẻ đúng, nhưng thực ra là xảo ngôn. Tự do tôn giáo là quyền của công dân được theo hoặc không theo tôn giáo nào, làm gì có “cái tôn giáo là cái quyền tự nhiên con người được hưởng”. Ý ông là, cái người không có đạo, không theo cái tôn giáo nào thì bị thiệt thòi? Nhà nước bảo đảm tự do tôn giáo là bảo đảm cho công dân được tự do theo hoặc không theo tôn giáo nào, chứ làm gì có cái chuyện nhà nước phải tạo điều kiện cho người dân theo tôn giáo! Khi nói: “Nhà nước vì dân do dân phải có trách nhiệm tạo cái điều kiện đó cho người dân”, chắc ông muốn Chính phủ Việt Nam phải như Chính phủ Hàn Quốc hiện nay, hay chính quyền Ngô Đình Diệm nửa thế kỷ trước?

Rồi ông nói: "Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều, chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam. Đi đâu cũng bị soi xét, chúng tôi buồn lắm chứ. Chúng tôi mong muốn đất nước mình mạnh lên. Làm sao như một anh Nhật nó cầm cái hộ chiếu là đi qua tất cả mọi nơi, không ai xem xét gì cả. Anh Hàn Quốc bây giờ cũng thế.” Có nhiều người phê phán cái việc cắt cúp, chỉ đăng phát cái câu in đậm ở trên. Rằng, phải đặt cái câu đó trong bối cảnh cụ thể. Rằng, nếu nghe toàn bộ lời nói của Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt, sẽ thấy câu in đậm kia chả phải là phỉ báng, chối bỏ đất nước. Nhưng mà đặt cái câu đó trong buổi ông Kiệt gặp Chủ tịch UBND Hà Nội, thấy gì? Thấy cái câu đó nó chả ăn nhập với nội dung cuộc gặp. Nếu không “ném đá” Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt vì cái câu nói đó, cũng không thể biện minh cho ông ấy, rằng nó hàm ý xây dựng.

Cuối cùng, Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt nói: “Chúng tôi xin hết sức cám ơn ông Chủ tịch và UBND thành phố Hà Nội đã dành cho chúng tôi một buổi tiếp đón thật là trân trọng và thân tình và hứa hẹn những trao đổi khác. Chúng tôi thấy hy vọng, như thế mới có thể chúng ta hiểu nhau hơn và mới có thể làm cho thành phố Hà Nội chúng ta nói riêng, tiến đến kỷ niệm ngàn năm Thăng Long được vui vẻ.” Ông Tổng Giám mục đã nhắc tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Nhưng dịp kỷ niệm đó có được vui vẻ hay không, nếu nhà nước không trả Giáo hội đất Toà Khâm cũ, đất Thái Hà, đất khách sạn Láng Hạ…? Trong sự nhã nhặn của ông Tổng Giám mục, dường như có sự trịch thượng, và hơn thế nữa! 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét