Thứ Tư, 30 tháng 10, 2013

Trò mèo của báo

Một số nhà báo và tờ báo đang lên án bác sĩ Tường, nên cảm ơn anh ta đã nuôi béo mình. La làng về y đức, cũng nên ngó lại sự tử tế của mình.

Thứ Năm, 24 tháng 10, 2013

N2683 cùng Đại tướng vào sách giáo khoa

      Nhiều người đòi truy phong Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Nguyên soái. Tôi không tán thành. Trong lòng dân, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã là Thánh, chả cần thêm một văn bản hành chính truy phong Cụ.
Nhiều người, trong đó có một số ông nghị, bà nghị đề nghị, phải đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào sách giáo khoa Lịch sử. Điều này, tôi nhiệt liệt ủng hộ. Nhưng sửa đổi sách giáo khoa Lịch sử không chỉ có việc đưa vào đó hình ảnh, công lao của Đại tướng. Sách giáo khoa Lịch sử cần được sửa đổi toàn diện.
Hiện nay, trong sách giáo khoa Lịch sử, giai đoạn kháng chiến chống Mỹ hầu như chỉ được kể lại với những trận đánh, những chiến dịch, những chiến thắng. Nhưng cuộc kháng chiến thần thánh đó đã giành được thắng lợi, không chỉ nhờ vào tài thao lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các tướng lĩnh khác...

Bức ảnh trên được chụp năm 1999, tại nhà của bác Nguyễn Văn Phi (Mười Phi, Mười Thăng Long) ở đường Võ Văn Tần, TP. Hồ Chí Minh. Một sự tình cờ đã cho tôi, một nhà báo tỉnh lẻ được gặp bác Mười Thăng Long, Trưởng ban Tài chính đặc biệt thuộc Trung ương Cục miền Nam, ký hiệu N2683. N2683 đã tạo nên một trong 5 Đường Hồ Chí Minh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, góp phần thầm lặng nhưng không hề nhỏ bé vào thắng lợi cuối cùng, ngày 30/4/1975.
N2683 (còn được gọi là D270) đã xây dựng một con đường vô hình, sử dụng hệ thống ngân hàng của các nước phương Tây và của chế độ Sài Gòn để chuyển đô-la Mỹ vào Nam, từ đó trở thành lương thực, thuốc men, nhu yếu phẩm, quân trang quân dụng… cho các đơn vị quân ta. Một con đường huyền thoại để dùng đô-la Mỹ đánh Mỹ. 
Thành công nổi bật nhất của N2683 là FM (phương pháp mới, phương pháp thanh toán đặc biệt). Cốt lõi của FM là vận dụng các nghiệp vụ mua bán và thanh toán quốc tế qua hệ thống ngân hàng, để chuyển đô-la Mỹ cho các chiến trường miền Nam chỉ trong một ngày, không hao mòn thất thoát. Hệ thống N2683 có cơ sở ở Phnom Pênh, Paris, Bắc Kinh, Hồng Kông, ở Sài Gòn Thương Tín… FM là kết tinh của lòng yêu nước, tài tổ chức và óc sáng tạo, sự dũng cảm. Cho đến ngày 30/4/1975, hệ thống này đã chuyển hàng trăm triệu đô-la Mỹ tới các đơn vị quân giải phóng, không hề bị lộ.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đã có 5 Đường Hồ Chí Minh được xây dựng: đường mòn Hồ Chí Minh – đường Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh trên biển, đường ống Hồ Chí Minh – đưa xăng dầu từ biên giới Việt – Trung vào tận Lộc Ninh, đường Hồ Chí Minh trên không – đưa người, thuốc men, thiết bị… từ Bắc vào Nam, từ Nam ra Bắc bằng máy bay, thậm chí qua sân bay Tân Sơn Nhất, đường Hồ Chí Minh qua các ngân hàng. Để các thế hệ sau này hiểu về tầm vóc kỳ vĩ của cuộc kháng chiến chống Mỹ, hiểu được nguyên nhân thắng lợi của cuộc kháng chiến đó, sách giáo khoa Lịch sử cần phải dành dung lượng xứng đáng cho 5 Đường Hồ Chí Minh này.
Trong ảnh trên là bút tích của bác Mười Thăng Long tưởng nhớ liệt sĩ Trần Chí Năng, một Việt kiều tại Campuchia. Đầu năm 1970, một lực lượng lớn chủ lực quân giải phóng đóng chân ở vùng biên giới Việt Nam  - Canpuchia, chi tiêu bằng đồng tiền riel của Campuchia. Để triệt nguồn sống của các đơn vị này, Mỹ và chính quyền Lonnol ở Campuchia cho đổi tiền, ngày 24/2/1970. Vợ chồng liệt sĩ Trần Chí Năng đã biết được âm mưu này, báo về Trung ương Cục miền Nam. Bí thư Trung ương Cục miền Nam Phạm Hùng đã kịp thời chỉ đạo tập trung đồng riel để đổi, cứu được một nguồn tài chính rất lớn, các đơn vị quân giải phóng không bị đói vì không có tiền mua gạo…

Thứ Tư, 23 tháng 10, 2013

Trái tim con rắn

Trong những tờ báo ít bạn đọc, báo nghèo, có những nhà báo rất giàu.
Ẩn sâu trong một số bài báo khua vang, những câu chữ nhân văn hào nhoáng, ta nhìn thấy trái tim con rắn.  

Thứ Ba, 22 tháng 10, 2013

Học viện Quốc phòng Võ Nguyên Giáp

“Cụ Võ Nguyên Giáp, một vị tướng tài xuất chúng, sau khi cụ mất rồi, thì tên Cụ đâu chỉ là đặt cho một hay vài con đường”. Một cựu chiến binh đã viết như vậy. Anh ấy và nhiều người khác mong rằng, việc gắn tên Võ Nguyên Giáp cho một đường phố, một địa danh, một trường học nào đó không chỉ để tưởng nhớ, tôn vinh vị anh hùng dân tộc, mà còn có ý nghĩa khẳng định việc tiếp nối sự nghiệp, tinh thần của Đại tướng.   
“Tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam là Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, đội quân chủ lực đầu tiên được thành lập ngày 22 tháng 12 năm 1944 theo chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Khi mới thành lập, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân chỉ có 34 cán bộ, chiến sĩ nhưng đã sớm phát huy được truyền thống chống ngoại xâm và nghệ thuật quân sự lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ thắng lớn của dân tộc.” Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2009 viết. Võ Nguyên Giáp – Đội trưởng Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, Tư lệnh của mọi tư lệnh, Chính ủy của mọi chính ủy - vĩ đại không chỉ ở tài điều binh khiển tướng, mà cao hơn, ở triết lý xây dựng quân đội “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”, ở tư tưởng quân sự Chiến tranh nhân dân. “Nghệ thuật quân sự của chúng tôi, là lấy tinh thần chế ngự vật chất, lấy yếu chế ngự mạnh, lấy thô sơ chế ngự hiện đại. Chúng tôi đánh bại quân đội đế quốc hiện đại bằng tinh thần yêu nước của nhân dân cùng với chủ nghĩa anh hùng cách mạng”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói với ông Robert McNamara, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ trong lần hai người gặp nhau, tháng 6/1997.
          Ngày nay, tư tưởng quân sự Chiến tranh nhân dân đã được phát triển thành học thuyết Quốc phòng toàn dân của Việt Nam. Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2009 nêu, mục đích của nền quốc phòng toàn dân là bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ an ninh quốc gia trên mọi lĩnh vực, giữ vững môi trường hoà bình ổn định để công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước, đồng thời sẵn sàng đánh bại mọi cuộc chiến tranh xâm lược. Thế trận quốc phòng toàn dân là việc tổ chức, triển khai, bố trí lực lượng và tiềm lực quốc phòng trên toàn bộ lãnh thổ theo ý định chiến lược thống nhất, bảo đảm đối phó thắng lợi với mọi mưu toan và hoạt động của các thế lực thù địch xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia, sẵn sàng chuyển thành thế trận chiến tranh nhân dân nếu chiến tranh xảy ra.
          Tư tưởng, học thuyết về quân sự, quốc phòng của Việt Nam, của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang được truyền đạt, tiếp thu tại các học viện, nhà trường quân sự của Việt Nam. Phải có một trường quân sự, nơi đào tạo các vị chỉ huy của Quân đội nhân dân Việt Nam mang tên của Đại tướng – Tư lệnh của mọi tư lệnh, Chính ủy của mọi chính ủy. Đó là trường nào, học viện nào?  
Học viện Quốc phòng là một học viện lớn của Nhà nước Việt Nam, Bộ Quốc phòng được giao trực tiếp quản lý. Đây là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước Việt Nam, gồm: đào tạo sỹ quan cấp chiến dịch, chiến lược cho quân đội; bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho cán bộ chủ chốt của các bộ, ban ngành, đoàn thể ở trung ương và địa phương; hợp tác quốc tế về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quân sự, dân sự về quốc phòng với một số nước. Tư tưởng, học thuyết về quân sự, quốc phòng của Việt Nam, của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang được truyền đạt, tiếp thu, nghiên cứu bổ sung một cách toàn diện, sâu sắc nhất tại Học viện Quốc phòng. Học viện Quốc phòng đủ tầm để được mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp, và cần được đổi tên là Học viện Quốc phòng Võ Nguyên Giáp.

          Trên thế giới có một số trường quân sự danh tiếng, như Học viện quân sự West Point (Hoa Kỳ), Học viện Quân sự Frunze (Nga), Trường Quân sự Saint-Cyr (Pháp), Học viện Quân sự Hoàng gia Sandhurst (Anh)… Học viện Quốc phòng Võ Nguyên Giáp cũng sẽ là một học viện quân sự nổi bật, mang lại niềm tự hào cho những người được đào tạo tại đây.

Thứ Tư, 16 tháng 10, 2013

Học viện Quân sự Võ Nguyên Giáp

Nên đổi tên Học viện Quốc phòng thành Học viện Quân sự Võ Nguyên Giáp. Tư tưởng quân sự của Võ Nguyên Giáp là cốt lõi tư tưởng quân sự Việt Nam hiện nay.
Nếu xét thuần túy về việc tạo danh tiếng, cái tên Học viện Quân sự Võ Nguyên Giáp cũng dễ nổi bật.

Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2013

Ráo

Vừa khóc nhớ Đại tướng
Vừa kiếm chuyện mắng nhau
Giọt nước mắt của họ
Có lẽ khô rất mau?

Thứ Bảy, 5 tháng 10, 2013

NHẪN của NGƯỜI

Có khi nhẫn để yêu thương
Có khi nhẫn để liệu đường lo toan
Có khi nhẫn để vẹn toàn
Có khi nhẫn để khỏi tàn hại nhau.

Bài thơ “Nhẫn” này là của cụ cử Tử An Trần Lê Nhân – đồng soạn giả sách “Cổ học tinh hoa”, nhưng nhiều người lầm tưởng là của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cũng phải thôi, vì mọi người đều biết, Người đã bị đối xử như thế nào

Có cốt cách văn hóa, nhân văn vĩ đại, mới có thể NHẪN như thế. 

Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2013

Thứ Năm, 3 tháng 10, 2013

Đấng tối cao

Nếu quả thật có Thượng đế, Chúa, Phật, Bụt, Allah..., nói chung là một đấng tối cao, thì đấng tối cao đó là của loài người, hay của muôn loài?