Thứ Bảy, 27 tháng 12, 2014

10 năm, tăng và giảm

Năm 2005, dân số Việt Nam là khoảng 83,5 triệu người. Trong năm đó, có 14.711 người Việt Nam chết vì tai nạn giao thông.
Năm 2014, Việt Nam có dân số khoảng 90,5 triệu người, và có 8.996 người chết vì tai nạn giao thông.
Số người chết vì tai nạn giao thông: Năm 2005 - 14.711 người, năm 2006 - 14.727 người, năm 2007 - 14.624 người, năm 2008 - 11.594 người,  năm 2009 - 11.516 người, năm 2010 - 11.449 người, năm 2011 - 11.395 người, năm 2012 - 9.838 người, năm 2013 - 9.369 người, năm 2014 - 8.996 người.
Sau 10 năm, dân số Việt Nam tăng khoảng 8 triệu người, số người chết vì tai nạn giao thông hàng năm giảm gần 6.000 người.
 Biểu đồ của Tổ chức Y tế Thế giới về số người chết vì TNGT trên 100.000 dân của Việt Nam - Global Status Report On Road Safety 2013
Năm 2014, số người chết vì TNGT của Việt Nam đã ở dưới 10 người/100.000 dân.Theo Biểu đồ của Tổ chức Y tế Thế giới, số người chết vì TNGT trên 100.000 dân của Hoa Kỳ tương đương của Việt Nam.  

Chủ Nhật, 21 tháng 12, 2014

Tự hào!

Chúc các đồng đội của tôi, những người lính mãi mãi xứng đáng truyền thống: Quyết chiến quyết thắng, vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh!



Ảnh của Mai Vinh, báo Tuổi Trẻ và Dương Giang, Thông tấn xã Việt Nam

Thứ Ba, 16 tháng 12, 2014

HY SINH

Hoa hậu Nguyễn Cao Kỳ Duyên nói rằng, sự hy sinh là điều làm người phụ nữ Việt Nam khác với những người phụ nữ khác trên thế giới.
Một số người không đồng tình, giễu cợt hoa hậu.
Còn tôi, tôi nghĩ tới mẹ tôi, nhớ tới những khuôn mặt này, những đôi mắt này, ở quân cảng Cam Ranh!










Thứ Sáu, 12 tháng 12, 2014

Vui cùng Đinh Bằng Sắt

Gặp bạn lần đầu tiên ngày 30/7/1979 ở làng Đoàn Đào, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên khi cùng đang lặn lội hỏi đường về đại đội. Mình và bạn cùng em ruột Đinh Hồng Chương trong số mấy chục thằng nhập ngũ muộn hơn một tuần so với bọn bạn lính Đoàn Đào Đập Neo, nhập ngũ ngày 23/7/1979.
Lớp Súng Pháo K14 đầu năm 1984, Đinh Đại Văn đứng, cao nhất
          Sau đó, cùng bạn trở thành học viên lớp Súng Pháo K14, Đại học Kỹ thuật Quân sự, nay là Học viện Kỹ thuật Quân sự. Tốt nghiệp năm 1984, cùng được điều động đi K, cùng làm chùm niaing ka boòng kaơn (chuyên gia tăng cường), trực tiếp ăn ở, làm việc trong đơn vị quân đội Bạn. Khi Việt Nam rút quân khỏi Campuchia, bạn trong số những người ở lại giúp Bạn đến ngày cuối cùng. Hơn 4 năm ở đất rừng xứ lạ, bom đạn, bệnh tật không làm gì được bạn.   
          Đúng hai năm trước, tai nạn bất ngờ ập đến, bạn bị chấn thương rất nặng ở đầu, mặt. Nhiều ngày, nhiều tuần, nhiều tháng…, bạn nằm một chỗ trong Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng. Người thân, đồng đội, bạn bè cầu mong sự kỳ diệu đến với bạn, mà thâm tâm vẫn không tin lắm vào khả năng mong manh ấy.
Vui mừng xem lại ảnh lớp
          Họp lớp “sinh đôi” Súng Pháo K14 và Đạn K14 sau 30 năm tốt nghiệp, mình được giao đi Đà Nẵng thăm bạn. Hồng Chương vừa đánh tiếng ở cửa nhà, bạn đã chạy ra. Bàn tay ấm nóng, cái ôm thật chặt, tiếng cười rổn rảng. Hiệp, vợ bạn hỏi biết ai không? Biết chứ, biết chứ, bạn nói rồi lấy điện thoại, mở danh bạ, chỉ vào chỗ Quân Súng Pháo. Lấy ảnh lớp Súng Pháo và lớp Đạn chụp chung hôm gặp mặt cho bạn xem, bạn lấy điện thoại chụp ảnh từng người, rồi lưu thông tin vào danh bạ. Đưa phong bì quà tặng của hai lớp cho bạn, bạn chỉ vào Nguyễn Lạc Hồng trong ảnh, rồi ghi vào phong bì Nguyễn Lạc Hồng (SP14). Dẫn bạn đi nhậu ở văn phòng cơ quan đại diện báo Tiền Phong tại Đà Nẵng, bạn cũng làm mấy ly rượu…  
"Lạc Hồng, tao vẫn nhớ mày đấy nhé!"
          Hồi năm thứ nhất ở Học viện Kỹ thuật Quân sự, thầy Định dạy Toán giải tích gọi Đinh Đại Văn là Đinh Bằng Sắt. Cách gọi ấy thật đúng. Từng bước, từng bước chiến thắng tai ương khủng khiếp, bạn vẫn là Đinh Bằng Sắt.    
         Vui cùng Đinh Bằng Sắt

Thứ Ba, 2 tháng 12, 2014

Đến Trường Sa, vẫn ít thông tin về Trường Sa

Nghe nói, từ nay Quân chủng Hải quân sẽ rà soát kỹ hơn, sẽ giảm bớt số nhà báo trong các đoàn đi công tác, đi thăm Trường Sa. Lý do, là có một số nhà báo coi đi Trường Sa như đi du lịch, hiệu quả tuyên truyền sau chuyến đi Trường Sa không cao, viết bài không đúng sự thật, “tào lao” như vụ N.Q.Đ… Nhưng khách thăm Trường Sa chưa hiểu Trường Sa, có phần lỗi của người mời khách đi thăm.   

Mỗi năm gần đây, có vài trăm nhà báo được cử, được mời ra Trường Sa. Có nhà báo như ông Trương Minh Thắng, Tổng Biên tập báo Đắk Lắk, làm thơ tặng lính Trường Sa với cảm xúc gượng ép, sượng như nồi cơm ít nước, thiếu lửa, đã vậy còn minh họa thơ mình bằng ảnh lính Trung Quốc bồng súng đứng bên cột mốc chủ quyền, quốc huy, bản đồ Trung Quốc! Có nhà báo làm lính Trường Sa buồn, bực mình, như các cô ra đảo Phan Vinh, đảo Trường Sa Đông. Đó chỉ là số ít. Đông hơn một chút, có những nhà báo coi ra Trường Sa là dịp để “lên màu, thêm số má”.
Phần đông nhất, các nhà báo hăm hở viết, với nhiệt huyết thật sự, tình cảm thật sự dành cho Trường Sa. Nhưng trong cả ngàn bài báo được viết mỗi năm về Trường Sa, có bao nhiêu bài thật sự đọng lại trong bạn đọc? Không nhiều. Hầu hết là những bài viết về Trường Sa đổi mới, lính Trường Sa vượt lên mọi khó khăn, thiếu thốn để hoàn thành nhiệm vụ ra sao, trồng rau giỏi thế nào… Đó là những điều cần viết, rất cần. Nhưng năm này qua năm khác, nhà báo ra Trường Sa hầu như chỉ có thể viết về những điều đó. Cho nên, nếu có những nhà báo coi đi Trường Sa là một chuyến du lịch không mất tiền, như bác Cựu Chiến Binh đã còm ở blog này, cũng không nên trách họ nhiều quá. Họ có viết bài về Trường Sa, có lẽ cũng sẽ viết theo công thức về đề tài quen thuộc, không nhiều thông tin.
Vụ tàu hải giám Trung Quốc cản phá và cắt cáp của tàu Bình Minh 02 ở khu vực bồn trũng Phú Khánh cho thấy, việc tuyên truyền về chủ quyền biển đảo, trong đó có ý nghĩa của việc bảo vệ Trường Sa, quá trình hình thành, xây dựng, bảo vệ các đảo ở đó là rất cần thiết. Nhưng, chính các nhà báo ra Trường Sa cũng chưa được cung cấp đủ thông tin về những điều này. Cho nên, có phóng viên một tờ báo khá gắn bó với Trường Sa, sau chuyến đi kéo dài một tháng ở Trường Sa vẫn có nhận định hết sức ấu trĩ, sai lầm: “Mình đóng giữ nhiều đảo ở Trường Sa hơn Trung Quốc thì tốn kém hơn, chứ chưa được lợi lộc gì”. Ngắn gọn về chuyện này: Nếu chúng ta không còn các đảo ở Trường Sa, đội tàu đánh bắt xa bờ của ta chắc phải xóa sổ, ngư dân chết đói!   
          Những thông tin đó ở đâu? Rất sẵn. Trong cuốn Lịch sử Hải quân Nhân dân Việt Nam (1955 – 2005), trong cuốn “30 năm hình thành và phát triển của Đoàn Trường Sa”, trong các tập sách về lịch sử hình thành, xây dựng các đảo ở Trường Sa như Len Đao, Cô Lin, Tốc Tan…, sách “Những điều bộ đội Trường Sa cần biết”… Nếu Cục Chính trị Hải quân, hoặc Ban Tuyên giáo Trung ương chắt lọc thông tin trong các cuốn sách đó, soạn một cẩm nang cho các nhà báo và mọi người khách ra Trường Sa, hiệu quả tuyên truyền về chủ quyền và công cuộc bảo vệ chủ quyền tại Trường Sa chắc chắn sẽ được nâng lên, trúng trọng tâm hơn nhiều…   
          Đó là nội dung chính của bài thứ 4 trong loạt bài “Nhà báo làm gì ở Trường Sa", tôi đăng trên blog ngày 31/5/2011.  
          Ba năm sau, tàu HQ-561 chở đoàn cán bộ Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin Truyền thông đi thăm Trường Sa. Ngày 24/4/2014, khi tàu chạy đảo qua đảo Đá Tây C, đảo Đá Tây A để tới đảo Đá Tây B, một số bác cứ khăng khăng rằng Đá Tây A là căn cứ của Trung Quốc, ta làm gì xây được to như thế. Mở máy tính cho các bác xem ảnh tôi chụp Đá Tây A tháng 4 năm ngoái, các bác cũng chưa chịu tin rằng, cái đảo các bác đang thấy là của ta. Một anh bạn trong đoàn là Phó Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông tỉnh Nghệ An, đồng đội lính 779 với tôi dùng máy ảnh siêu zoom chụp ảnh quốc kỳ Việt Nam trên đảo Đá Tây A, các bác mới chịu im.

Có chuyện như thế, một phần vì các bác kém hiểu biết. Nhưng cũng có phần do các bác bên Hải quân. Mỗi vị khách thăm Trường Sa được phát một cuốn Sổ công tác Trường Sa, DK. Trong cuốn sổ này, sau phần giới thiệu về những chặng đường lịch sử của Hải quân Nhân dân Việt Nam là phần quy định về tổ chức, hoạt động của các đoàn đi thăm Trường Sa, DK1 và công tác tuyên truyền về Trường Sa, DK1. Nhưng trong sổ không hề có bản đồ quần đảo Trường Sa, không hề nhắc tới tình trạng tranh chấp của “5 nước, 6 bên” ở Trường Sa, số đảo Việt Nam đang đóng giữ ở Trường Sa và số đảo bị các bên khác chiếm đóng, nói chung không có thông tin về quần đảo Trường Sa. Cuốn sổ cũng không có thông tin về khu vực nhà giàn DK1, như: Quá trình xây dựng các nhà giàn, số nhà giàn; Tại sao cần phải khẳng định rằng khu vực nhà giàn DK1 là thềm lục địa Nam Việt Nam, không thuộc quần đảo Trường Sa, không thể có tranh chấp với bất cứ quốc gia nào…
Khách đi thăm Trường Sa không được cung cấp thông tin chính thống có hệ thống về Trường Sa, nên khi đi thăm Trường Sa dễ ở tình trạng như thầy bói xem voi, đi đến đâu biết sơ sơ đến đó. Hiểu biết về Trường Sa không có hệ thống, hời hợt, làm sao tuyên truyền về Trường Sa đạt hiệu quả cao được.    

Còn một số hạn chế khác trong quy định về tuyên truyền, tôi sẽ nói tới ở bài khác.     

Tham khảo: