Thứ Hai, 31 tháng 7, 2017

Khinh!

Nghe cô ấy nói con cô kiếm tiền để làm sạch bãi biển Long Thủy ở Tuy Hòa, mình hơi ngạc nhiên. Rác ở Long Thủy chưa phải là vấn đề bức xúc, để người tận Hà Nội phải sốt sắng tham gia dọn dẹp. Rồi biết thêm là gia đình cô ấy mới mua khu đất ở Long Thủy. À, ra thế. Bãi biển Long Thủy ở thành phố Tuy Hòa, Phú Yên đang có sức hút lớn về du lịch. 
Nghe chị kia nói làm lễ cầu siêu cho liệt sĩ, mình biết ngay ý đồ. Chị ta đã mua cả chục ngàn m2 đất ở chỗ làm lễ cầu siêu, đang chạy để được xây chùa ở đó. Thời nay kinh doanh chùa là có lãi lớn nhất, nhanh nhất. Lợi dụng đức tin tôn giáo, lợi dụng cả sự tri ân liệt sĩ để mưu lợi vật chất, làm gì có chút lòng thành nào. 
Khinh!

Thứ Bảy, 15 tháng 7, 2017

Chút buồn từ Khu Tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma

Bùi ngùi, xúc động khi dự lễ khánh thành Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, công trình được xây dựng từ tấm lòng của hàng triệu người Việt Nam.
Nhưng cũng có chút buồn.  
 Ba năm trước đây, ngày 14/7/2014 tôi đăng Thư ngỏ về Đài tưởng niệm liệt sĩ 14/3/1988 gửi ông Đặng Ngọc Tùng, lúc đó là Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam. Trong thư tôi viết rằng, ngày 14/3/1988 súng đã nổ, đạn địch đã bắn vào bộ đội ta không chỉ ở đá Gạc Ma, mà cả ở đá Len Đao, đá Cô Lin. Những người lính Việt Nam gan dạ, anh hùng đã bảo vệ được đá Len Đao và đá Cô Lin, quân Trung Quốc chỉ chiếm được đá Gạc Ma. Trong ngày 14/3/1988, không phải tất cả 64 liệt sĩ đều ngã xuống ở đá Gạc Ma. Có hai người đã hy sinh trên tàu HQ-605 ở đá Len Đao, đó là Trung úy Phạm Hữu Doan, Thuyền phó tàu HQ-605 và Trung sĩ Bùi Duy Hiển, nhân viên báo vụ tàu HQ-605. Do vậy, nếu đặt tên đài tưởng niệm 64 liệt sĩ là Đài tưởng niệm liệt sĩ Gạc Ma, đó là điều không đúng. Không chỉ không đúng về tên gọi, việc gọi như vậy còn dễ làm sai lệch nhận thức, hiểu biết của nhiều người về sự kiện ngày 14/3/1988, về mặt nào đó là có lỗi với những người đã hy sinh xương máu để bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Nói về ngày 14/3/1988, cần nêu đầy đủ các diễn biến ở đá Gạc Ma, đá Len Đao và đá Cô Lin, đặt trong tổng thể Chiến dịch Chủ quyền 1988. Đó là điều cần làm nếu thực sự kính phục, tri ân với những người đã dũng cảm , kiên quyết, hy sinh xương máu để bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Tôi đã đề nghị có sự cân nhắc, xem xét lại tên gọi của đài tưởng niệm.
Bây giờ, công trình đã hoàn thành. Mọi người đến đây chỉ nhìn thấy Gạc Ma, chỉ có cái tên Gạc Ma được nhắc đến.

Người trong ảnh đang thắp hương là Thượng úy Nguyễn Sỹ Minh, nguyên trợ lý chính trị Trung đoàn 83 Công binh, Quân chủng Hải quân. Ngày 14/3/1988, anh Sỹ Minh cùng những người còn sống ở Gạc Ma đưa thi thể Trung úy Trần Văn Phương và Hạ sỹ Đậu Xuân Tư cùng những đồng đội bị thương lên chiếc xuồng của E83 công binh, đưa về phía đá Cô Lin. Anh Sỹ Minh nói, nếu hôm 14/3/1988 không có tàu HQ-505 đưa xuồng từ đá Cô Lin đi đón, chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra với các anh. Hai người được anh Nguyễn Sỹ Minh nhắc đến nhiều nhất là Đại úy, Anh hùng liệt sỹ Vũ Phi Trừ, thuyền trưởng tàu HQ-604 và Đại tá, Anh hùng Vũ Huy Lễ, thuyền trưởng tàu HQ-505. 

Thứ Tư, 12 tháng 7, 2017

Một năm sau phán quyết vụ Philippiness kiện Trung Quốc: Bỏ phán quyết của PCA vào trong túi

Ngày 12/7/2016 Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại La Hay (Hà Lan) đưa ra phán quyết cuối cùng trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông. Điểm quan trọng nhất trong phán quyết của PCA: Tuyên bố đường chín đoạn hay “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc đưa ra ở Biển Đông là không có cơ sở pháp lý, Trung Quốc không có chủ quyền lịch sử tại Biển Đông. Phán quyết này được coi là một thất bại về pháp lý của Trung Quốc, còn tại Philippiness, đông đảo người dân đổ ra đường ăn mừng điều được cho là thắng lợi to lớn của đất nước họ.  
Nhưng sau một năm, bên thắng kiện là Philippines cũng chẳng đòi hỏi thực thi các phán quyết của PCA. Philippiness dưới thời Tổng thống mới Rodrigo Duterte không chỉ tăng cường hệ kinh tế với Trung Quốc, mà còn có ý quay lưng với đồng minh chiến lược là Hoa Kỳ, trong khi có nhiều hoạt động hợp tác quân sự với Trung Quốc. Mới nhất là việc ngày 28/6/2017, Trung Quốc bắt đầu bàn giao cho Philippiness những lô hàng đầu tiên trong gói viện trợ vũ khí trị giá 50 triệu nhân dân tệ (7,37 triệu USD). Có thể ông Duterte có tính toán chiến lược của ông ấy, vì không có chế tài quốc tế để thực hiện phán quyết của PCA. Nhưng theo GS luật Florin Hilbay, một trong những người làm nên chiến thắng pháp lý của Philippines trong vụ kiện Trung Quốc, việc chính quyền của ông Duterte tạm gác phán quyết của PCA để đổi lấy mối quan hệ tốt đẹp hơn với Trung Quốc là lập trường chủ bại.
Trung Quốc luôn công khai phủ nhận phán quyết của PCA, tuy nhiên chắc chắn không có chuyện Trung Quốc không thèm đếm xỉa đến nó. Tuy phán quyết của PCA không có cơ chế chế tài, nhưng nó thể hiện quan điểm luật pháp quốc tế, là một án lệ quốc tế. Từ sau phán quyết, Trung Quốc có xu hướng mềm hóa các hoạt động liên quan đến đòi hỏi chủ quyền, trong khi vẫn tìm cách lôi kéo các nước trong khu vực và có liên can xích lại gần Trung Quốc. Mặt khác, Trung Quốc tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng tại các đảo ở quần đảo Hoàng Sa và các bãi đá bị họ chiếm đóng trái phép và xây dựng thành đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa. Họ cũng tăng số lượng tàu chấp pháp và tàu cá dân binh ở khu vực Trường Sa. Tham vọng và mục tiêu lâu dài của Trung Quốc không hề thay đổi.  
Một trong những nước được lợi nhất từ phán quyết của PCA là Hoa Kỳ, đặc biệt trong lĩnh vực tự do hàng hải. Hoa Kỳ sẽ lợi dụng phán quyết để có thể can dự sâu hơn vào khu vực, lôi kéo các nước Đông Nam Á, trong đó có cả Việt Nam để kìm chế Trung Quốc. Tuy nhiên, quan hệ với Trung Quốc vẫn là ưu tiên hàng đầu của Hoa Kỳ. Dựa và Hoa Kỳ để chống Trung Quốc là sai lầm, ảnh hưởng đến vận mệnh quốc gia.
Các nước ASEAN có xu hướng ủng hộ sự có mặt về quân sự của Hoa Kỳ ở Biển Đông và toàn khu vực. Tuy nhiên phần lớn các nước này, giống như Philippiness, không muốn làm mất lòng Trung Quốc, không muốn đối đầu với Trung Quốc.

Việt Nam hoan nghênh việc PCA đã đưa ra phán quyết cuối cùng trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh trên biển Đông vào ngày 12/7/2016 và sẽ có tuyên bố về nội dung phán quyết. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Lê Hải Bình, đã nói rõ như vậy ngày 12/7/2016. Nhưng sau một năm, Việt Nam vẫn chưa đưa ra tuyên bố về nội dung phán quyết của PCA. Có thể cho rằng, điều này có nguyên nhân từ việc nhiều nội dung của phán quyết tuy bất lợi cho Trung Quốc nhưng không hẳn có lợi cho Việt Nam, có nội dung bất lợi cho Việt Nam. Tuy nhiên, một năm qua, Việt Nam vẫn âm thầm, bền bỉ và kiên quyết thực hiện những biện pháp để khẳng định chủ quyền của mình ở Hoàng Sa và Trường Sa. Trong một số trường hợp, Việt Nam tin rằng phán quyết của PCA sẽ là điểm tựa pháp lý cho mình. Vụ Thượng tướng Phạm Trường Long, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc cắt ngắn chuyến thăm Việt Nam vào ngày 18/6 và Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam – Trung Quốc lần thứ 4 tại tỉnh Lai Châu (Việt Nam) và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) dự kiến tổ chức vào các ngày 20/6 đến 22/6 bị hoãn lại, trong khi Việt Nam đang khảo sát, tiến tới hạ đặt giàn khoan ở lô 136.3, thềm lục địa phía Nam Việt Nam là một ví dụ. Nên nhớ, 6 năm trước, ngày 09/6/2011 tàu thăm dò Viking 2 của Việt Nam đang thăm dò địa chấn lô 136.3 thì bị tàu cá số 62226 của Trung Quốc, được sự yểm trợ của 2 tàu ngư chính 311, 303 vào cắt cáp làm gấp khúc 1 cáp, rối 4 cáp của tàu thăm dò.  


http://thiemthu62.blogspot.com/2016/07/tom-tat-thong-cao-bao-chi-cua-toa-trong.html