Thứ Hai, 13 tháng 3, 2017

Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin trong chiến dịch Chủ quyền 1988 Bài 2: Những người dũng cảm bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc

Ngày 14/3/1988, hàng trăm viên đạn pháo đã bắn vào những con tàu, những người lính Hải quân Việt Nam ở đá Gạc Ma, đá Len Đao và đá Cô Lin, làm 64 người hy sinh. Những người lính Việt Nam gan dạ, anh dũng đã bảo vệ được đá Len Đao và đá Cô Lin, quân Trung Quốc chỉ chiếm được đá Gạc Ma.
Anh hùng Vũ Huy Lễ và sĩ quan, thủy thủ tàu HQ-505, tháng 4/1988 - ảnh Nguyễn Viết Thái

Ngày bi tráng 14/3/1988

Đá Gạc Ma, đá Cô Lin và đá Len Đao đều thuộc cụm đảo Sinh Tồn, đá Gạc Ma cách đảo Sinh Tồn 11 hải lý về phía Tây Nam, cách đá Cô Lin gần 4 hải lý và cách đá Len Đao 7 hải lý. Tàu HQ-604 và tàu HQ-505 tới cạnh đá Gạc Ma và đá Cô Lin vào chiều tối ngày 13/3/1988, cùng thời gian tàu HQ-605 cũng tới đá Len Đao. Chỉ ít phút sau, hai tàu chiến Trung Quốc từ đá Tư Nghĩa chạy tới áp sát tàu ta và dùng loa gọi sang, đòi tàu ta rời đi... Bộ Tư lệnh Hải quân ra lệnh, tổ chức đóng giữ bãi Gạc Ma ngay trong đêm 13/3/1988.
Di ảnh Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương
Theo sách Lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam (1955 – 2005), khoảng 3 giờ sáng ngày 14/3/1988 quân ta bắt đầu chuyển vật liệu từ tàu HQ-604 lên đá Gạc Ma. Khoảng 6 giờ ngày 14/3/1988, Trung Quốc điều tới thêm 2 tàu, dùng 3 thuyền nhôm đưa khoảng 40 lính lên bãi Gạc Ma, giật quốc kỳ Việt Nam, bắn chết Trung úy Trần Văn Phương, đâm trọng thương hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh. Bị quân ta đánh trả, quân Trung Quốc rút ra xa, xả đạn pháo và các loại súng vào tàu HQ-604 ta và quân ta đang ở trên bãi. Trung tá Trần Đức Thông, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 chỉ huy bộ đội bắn trả quyết liệt. Tuy nhiên, các tàu địch có số lượng và uy lực vũ khí áp đảo, tàu HQ-604 trúng nhiều đạn pháo địch, chìm xuống biển… Trung tá Trần Đức Thông và 61 đồng đội hy sinh, mất tích, 9 người bị Trung Quốc bắt. Những người còn sống đi tìm vớt đồng đội hy sinh và bị thương, đưa lên một xuồng của công binh rồi bơi về phía tàu HQ-505 ở đá Cô Lin.  
  Tại đá Cô Lin, lực lượng trên tàu HQ-505 đã cắm hai cờ Việt Nam trên bãi trước 6 giờ sáng ngày 14/3/1988. Sau khi bắn vào tàu HQ-604, các tàu Trung Quốc bắn nhiều đạn pháo vào tàu HQ-505, khiến tàu bị hỏng máy. Thiếu tá Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ chỉ huy khẩn trương sửa máy, rồi lệnh chạy cả hai máy tàu, ủi bãi Cô Lin. Hơn 8 giờ sáng ngày 14/3/1988, tàu HQ-505 bốc cháy nhưng đã trườn được hai phần ba thân lên bãi. Lực lượng trên tàu vừa triển khai dập lửa cứu tàu, bảo vệ đá Cô Lin, vừa đưa xuồng đi cứu vớt đồng đội ở phía đá Gạc Ma.
Liệt sĩ Phan Hữu Doan đứng thứ hai từ phải sang, cùng các sinh viên Mozambik, Yemen và Nga tại Học viện Hải quân Nikola Vaptsarov (Bulgaria) năm 1982, ảnh lấy từ website của Học viện Hải quân Nikola Vaptsarov 
 Tại đá Len Đao, rạng sáng ngày 14/3/1988 Trung úy Phan Hữu Doan, Phó Thuyền trưởng tàu HQ-605 chỉ huy một nhóm lên bãi cắm cờ. Khi thấy các tàu HQ-604 và HQ-505 bị bắn, Đại úy Thuyền trưởng Lê Lệnh Sơn lệnh đơn vị tránh xuống mặt boong, trên cabin chỉ còn Thuyền trưởng và Thượng úy, máy trưởng Uông Xuân Thọ điều khiển tàu ủi bãi Len Đao. Khoảng gần 8 giờ ngày 14/3/1988, tàu HQ-605 vừa tăng tốc để ủi bãi thì bị tàu Trung Quốc bắn pháo vào thẳng cabin và buồng máy. Thuyền Thuyền trưởng Lê Lệnh Sơn và máy trưởng Uông Xuân Thọ kịp chạy khỏi cabin, chỉ bị thương. Lúc tàu HQ-605 bị bắn, Thuyền phó Phan Hữu Doan đang tắm sau khi được thay ca giữ cờ. “Anh Doan bị lửa từ buồng máy trùm lên và mảnh đạn găm vào mặt, chạy ra bên lan can tàu. Khi nhảy xuống biển, nhiều mảng da của anh bị lột ra”. Thượng úy Uông Xuân Thọ bồi hồi kể lại. Sĩ quan, thủy thủ tàu HQ-605 đưa Trung úy Phan Hữu Doan và người bị thương nặng nhất là thợ máy Trần Văn Sáu lên phao cá nhân. Họ không tìm thấy Trung sĩ báo vụ Bùi Duy Hiển, có lẽ anh đã hy sinh trên tàu. Vài giờ sau, nhóm giữ cờ trên bãi Len Đao bơi xuồng gặp được những người nhảy từ tàu xuống. Những người bị thương nặng được đưa lên xuồng, những người khác bơi quanh, dìu xuồng về hướng đảo Sinh Tồn. Sau gần 8 giờ bơi trên biển, gần 4 giờ chiều ngày 14/3/1988 họ được bộ đội đảo Sinh Tồn bơi xuồng ra đón. Trung úy Phan Hữu Doan mất trên đường bơi về đảo Sinh Tồn. Vừa lên đảo, Thượng úy Uông Xuân Thọ cũng mê man bất tỉnh. 
Đến sáng ngày 15/3/1988, tàu HQ-605 chìm hẳn. Trước đó, chiều ngày 14/3/1988, các tàu HQ-931, HQ-671, HQ-614 lần lượt tới tiếp ứng, bảo vệ bãi Len Đao và bãi Cô Lin.

Không có chuyện “giành lại Len Đao”

Với sự chỉ huy mau lẹ, tỉnh táo, kiên quyết của Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ, với sự đoàn kết, dũng cảm, tình đồng đội của tập thể tàu HQ-505, chủ quyền của Việt Nam đối với đá Cô Lin đã được bảo vệ vững chắc, nhiều người sĩ quan, chiến sĩ ở đá Gạc Ma đã được cứu giúp. Ngày 6/1/1989, Thiếu tá Thuyền trưởng tàu HQ-505 Vũ Huy Lễ được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Liệt sĩ, Trung úy Trần Văn Phương được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ngày 8/1/1989, tập thể tàu HQ-505 được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đến ngày 3/12/1989, Liệt sĩ, Trung tá Trần Đức Thông và Liệt sĩ, Thiếu tá Vũ Phi Trừ, Thuyền trưởng tàu HQ-604 được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Hạ sỹ Nguyễn Văn Lanh được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. 
“Gần đây, có một số bài báo đưa thông tin, khoảng 1 tháng sau sự kiện 14/3/1988 Hải quân Việt Nam đã tổ chức giành lại đá Len Đao, với sự hỗ trợ của 7 máy bay SU–22. Thông tin như vậy không đúng, ta mất Len Đao khi nào mà phải giành lại”. Đại tá Cao Ánh Đăng, nguyên Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146. Ông cho biết thêm, thời điểm đó Không quân Việt Nam chưa đủ khả năng đưa máy bay SU-22 ra tác chiến ở khu vực quần đảo Trường Sa. Đại tá Nguyễn Văn Dân, trong chiến dịch CQ-88 là Trung tá, Phó tham mưu trưởng Vùng 4 Hải quân, chỉ huy trưởng Khu vực 2 Sinh Tồn (trong đó có Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin) cũng phản bác thông tin sai lạc về việc “giành lại Len Đao”. Đại tá Nguyễn Văn Dân đã ở đá Len Đao từ chiều ngày 14/3/1988, cùng tàu HQ-614. Trong mấy tháng sau sự kiện 14/3/1988, ta giữ Len Đao bằng sự hiện diện của tàu HQ-614 và một số tàu khác.
Đại tá Nguyễn Văn Dân cắm Quốc kỳ Việt Nam trên mỏm đá san hô cao nhất của đá Len Đao, ngày 22/4/1988 - ảnh tư liệu
Sách “Truyền thống đoàn Trường Sa anh hùng” do NXB Trẻ xuất bản năm 1995 cho biết: Do Khu vực 2 còn phức tạp, nên kế hoạch đóng giữ làm nhà ở Cô Lin, Len Đao yêu cầu phải bảo đảm bí mật, khẩn trương, tránh đụng độ, không cho địch biết ý định. Đại tá Lê Văn Thư, Chỉ huy trưởng Vùng 4 và Đại tá Phạm Công Phán, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 được giao nhiệm vụ tổ chức làm nhà ở 2 đảo này. Ngày 28/6/1988, tàu HQ-706 từ Cô Lin đến Len Đao, ủi vào bãi cạn và tổ chức chuyển vật liệu lên bãi. Tối ngày 29/6/1988, ta tổ chức cắm cờ và làm nhà. Trong quá trình ta làm nhà, một số tàu Trung Quốc vẫn đe dọa khiêu khích, có khi chúng vào cách đảo 180m... Ngày 7/7/1988 ta làm xong nhà ở Len Đao, cùng thời gian này cũng làm xong nhà ở Cô Lin.  
         
Bản đồ khu vực thực hiện Chiến dịch CQ-88, chữ số màu đỏ đánh dấu các điểm Việt Nam đóng giữ trong chiến dịch này, chữ số màu đen đánh dấu điểm bị Trung Quốc chiếm đóng

Ngày 15/3/1988, chỉ một ngày sau sự kiện 14/3/1988, ta đóng giữ thành công Đá Thị, một bãi đá san hô rất quan trọng ở cụm đảo Nam Yết. Ngày 16/3, ta tiếp tục đóng giữ bãi Đá Nam ở Tây Nam đảo Song Tử Tây.
Tổng cộng trong Chiến dịch CQ-88, Việt Nam đã đóng giữ thêm 11 bãi đá (đảo chìm), nâng số thực thể địa lý Việt Nam đóng giữ ở quần đảo Trường Sa lên con số 21

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét