Thứ Tư, 23 tháng 7, 2014

Trai 52 vui như tuổi 17

Ngày 17 tháng 2 năm 1979, chiến tranh biên giới Trung - Việt nổ ra. Bộ Quốc phòng chỉ đạo trường Đại học Kỹ thuật Quân sự và trường Đại học Quân y (nay là Học viện Kỹ thuật Quân sự và Học viện Quân y) cử cán bộ về các trường cấp 3 chất lượng cao, các lớp chuyên trên cả nước, mời những học sinh giỏi nhất, tự nguyện phục vụ quân đội lâu dài và đủ điều kiện về sức khỏe thi vào hai trường này trong kỳ thi tuyển sinh đại học năm 1979.
Từ ngày 23/7/1979 đến ngày 30/7/1979, chỉ ít ngày sau kỳ thi tuyển sinh đại học năm 1979, tất cả các học sinh phổ thông đã dự thi vào hai trường này được nhận lệnh gọi nhập ngũ, được đưa đi huấn luyện tân binh ở các đại đội 9, 10, 11, 12 (xã Đoàn Đào, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên) và các đại đội 13, 14, 15, 16 (thôn Đập Neo, thị trấn Thanh Miện, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương), thuộc tiểu đoàn 7 và tiểu đoàn 9, trung đoàn 871, sư đoàn 433, Quân khu 3. Sau khi có kết quả thi đại học, những người trúng tuyển Đại học Kỹ thuật Quân sự và Đại học Quân y được nhập học hai trường này, những người không đủ điểm trúng tuyển được chuyển học tại một số trường sĩ quan, hoặc cho ôn thi tiếp tục để thi lại trong kỳ thi tuyển sinh đại học năm sau. Cho đến nay, đây là lần duy nhất các học sinh phổ thông thi vào các Học viện, trường Đại học của Quân đội được tập trung huấn luyện tân binh ngay sau khi thi.
Đoàn Đào - Đập Neo 779 không phải là tên một đơn vị, mà do chúng tôi chọn để kỷ niệm nơi đầu tiên chúng tôi mặc quân phục, tập lăn lê bò toài... Ngày 23/7 được chọn là ngày kỷ niệm của Bộ đội Đoàn Đào -Đập Neo 779.


Ngày 19/7/2014, chúng tôi tụ họp tại cơ sở Học viện Kỹ thuật Quân sự ở thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. 35 năm trước, tôi và 7 bạn học viên mới của trường Đại học Kỹ thuật Quân sự đã ở trong căn phòng 104, nhà D21, khu 125, ĐHKTQS, thị xã Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phú. Cảnh vật nay đã đổi thay, may mắn thay riêng căn nhà này vẫn được giữ lại, để chúng tôi được chụp ảnh chung tại nơi lưu giữ bao kỷ niệm thời đeo "quai hàm xơ mít".


Những cựu chiến binh ở Campuchia cùng vợ con
 Tại hội trường UBND tỉnh Vĩnh Phúc, cùng chào cờ, hát Quốc ca và tưởng niệm những đồng đội đã khuất
Do cơn bão Matmo, nhiều đồng đội ở xa đã không thể về dự gặp mặt
Tôi đã có tròn 5 năm học tại đây
 Những người bạn cùng lớp Súng Pháo và lớp Đạn - K14 Học viện Kỹ thuật Quân sự
Trần Anh Tuấn

TÌNH ĐỒNG NGŨ
Bạn bè đồng ngũ năm xưa
Hôm nay hội ngộ, say sưa ân tình..
Ông lên Tướng bất thình lình
Ông thành Cục trưởng, ông trình Giáo sư..
Có ông đời vẫn suy tư..
Con còn bé tí vẫn chưa trưởng thành.
Vài ông còn bước quẩn quanh
Nhiều ông đường lớn đã dành vẻ vang…
Nhưng hôm nay miễn phải bàn,
Ta là đồng đội, đồng hàng như nhau.
Ngồi đây chung một con tàu
Cùng đi tới chốn thẳm sâu tâm hồn…
Lòng ta phấn khởi, bồn chồn
Cất cao lời hát, vùi chôn nỗi buồn.
Sang, hèn, giầu có nào hơn
Ân tình bè bạn keo sơn vững bền..
Chúc nhau vạn sự đi lên
Chúc nhau nghị lực, trí bền trong ta
Ước mong cho mãi về già,
Hội mình vẫn hát bài ca Kết đoàn…

Bằng bài thơ Tình Đồng Ngũ, đồng đội Trần Anh Tuấn đã nói hộ suy nghĩ, tình cảm của tất cả chúng tôi
  


Ba chàng tán một nàng
Giữa đồng đội, nhà văn, nhà báo Ngô Tự Lập phiêu với L'Italiano (Đàn ông Ý thực thụ) và những bài hát do chính anh sáng tác, Hà Nội hip hop, Annyong Haseyo (Xin chào), Những vì sao đen...









Thứ Năm, 17 tháng 7, 2014

Gần hơn không có nghĩa là sâu hơn

Một số bạn đo khoảng cách từ giàn khoan Hải Dương 981 đến bờ biển Việt Nam, thấy rằng hôm nay nó gần đảo Lý Sơn hơn hôm 14/7, vội kêu rằng nó vào sâu hơn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, rút gì mà rút! Xin các bạn xem bản đồ này.




Thứ Hai, 14 tháng 7, 2014

Về Đài tưởng niệm liệt sĩ 14/3/1988

Thư ngỏ gửi ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch
Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam

          Kính gửi ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam
          Thưa ông, tôi là Nguyễn Đình Quân, phóng viên báo Tiền Phong, đang sinh sống và làm việc tại tỉnh Khánh Hòa. Tôi vừa được UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, sáng ngày 4/7, ông đã làm việc với ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa về việc xây dựng Đài tưởng niệm 64 chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam hy sinh tại đảo Gạc Ma, quần đảo Trường Sa ngày 14/3/1988. Ông và Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa đã thống nhất địa điểm xây dựng Đài tưởng niệm liệt sĩ Gạc Ma tại khu vực dự kiến xây công viên, bãi đỗ xe ở khu K5 – K6, Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh, xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa. Về việc này, tôi có nhiều điều muốn thưa với ông.
          Tôi được biết, việc xây dựng Đài tưởng niệm liệt sĩ Gạc Ma nằm trong chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa”, do Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam phát động từ ngày 13/3/2014. Trước hết việc xây đài tưởng niệm giúp gia đình các liệt sĩ hy sinh ở đảo Gạc Ma có nơi thắp hương tưởng nhớ người thân vào dịp 14/3, vì họ không thể ra ngoài đảo được. Đài tưởng niệm cũng là sự ghi nhận công lao những anh hùng đã hy sinh bảo vệ chủ quyền Việt Nam tại quần đảo Trường Sa, là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, bảo vệ tổ quốc cho thế hệ trẻ. Là công dân Việt Nam, tôi ủng hộ chương trình này.
          Thưa ông, viết đến đây tôi lại nhớ đến hình ảnh cụ Phan Thị Đay ở xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa ngồi bất động rất lâu trước bia ghi tên liệt sĩ tại Tượng đài Cam Ranh, ánh mắt cụ như hướng đến một nơi xa, rất xa. Con trai cụ Phan Thị Đay, anh Võ Đình Tuấn đã hy sinh trên đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988, khi chưa đầy 20 tuổi. Tôi nhớ đến hình ảnh người yêu của anh Võ Đình Tuấn là chị Nguyễn Thị Dung, chị cũng đã đứng yên lặng thật lâu, trước Tượng đài Cam Ranh. Tôi nhớ đến sự lặng lẽ, âm thầm của chị Đỗ Thị Hà, vợ của Trung úy liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh, trong những buổi chúng tôi cùng chị viếng Tượng đài Cam Ranh. Tôi nhớ đến lời cựu chiến binh Nguyễn Văn Tuấn, người trông coi Tượng đài Cam Ranh kể về ngày 17/2/2012, nhằm ngày 26 tháng Giêng năm Nhâm Thìn, một ngày trước ngày giỗ của 64 liệt sĩ hy sinh ngày 14/3/1988. Ngày đó, anh Phan Văn Dân, anh trai của liệt sĩ Phan Văn Sự từ Đà Nẵng vào viếng Tượng đài Cam Ranh, cùng một phụ nữ. Suốt buổi viếng, chị ấy cứ lặng lẽ bày hoa trái, lặng lẽ thắp hương rồi ngồi nhìn vào dòng tên liệt sĩ Phan Văn Sự trên bia, lặng lẽ khóc. Anh Dân cho biết, đó là người yêu của liệt sĩ Phan Văn Sự, đến nay chị vẫn không lấy chồng... Tôi nhớ lời dặn của Nguyễn Quang Lăng, người bạn cùng nhập ngũ với tôi ngày 23/7/1979 “khi nào có dịp ra Trường Sa, qua vùng biển Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin, hãy thắp hộ mình nén hương tưởng nhớ anh Doan, anh Hoàng, tưởng nhớ anh em đồng đội của mình, Quân nhé”. Anh Nguyễn Quang Lăng có 2 người bạn thân cùng học tại Học viện Hải quân Varna, Bulgaria là Trung úy Phan Hữu Doan, Thuyền phó tàu HQ-605 và Trung úy Lê Đức Hoàng, Thuyền phó tàu HQ-604, hai anh đã hy sinh ngày 14/3/1988...
Cụ Võ Ta, cha liệt sĩ Võ Đình Tuấn tìm tên con ở Tượng đài Cam Ranh
          Thưa ông
Tôi rất trân trọng tấm lòng của ông, của những người đề xuất ý tưởng xây dựng Đài tưởng niệm liệt sĩ Gạc Ma. Và với tất cả sự trân trọng, tôi mong các ông cân nhắc, xem xét lại việc lựa chọn vị trí xây dựng đài tưởng niệm, xem xét lại tên gọi của đài tưởng niệm.
          Theo ông, vị trí mà ông thống nhất với Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa để xây dựng Đài tưởng niệm là vị trí đẹp, cạnh đại lộ Nguyễn Tất Thành nối thành phố Nha Trang với Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh, thuận lợi cho người dân khắp mọi miền đất nước đến chiêm bái và tưởng niệm. Nhưng theo tôi, chỉ cần xét theo mục đích giúp gia đình các liệt sĩ hy sinh ngày 14/3/1988 có nơi thắp hương tưởng nhớ người thân vào dịp 14/3 hàng năm, đã thấy vị trí đó không phù hợp.
          Tôi hiểu rằng, các ông muốn xây dựng đài tưởng niệm ở tỉnh Khánh Hòa, vì đảo Gạc Ma thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Nhưng Trường Sa không phải của riêng tỉnh Khánh Hòa, mà là máu thịt của Tổ quốc Việt Nam, nỗi đau ngày 14/3/1988 không phải là nỗi đau riêng của người Khánh Hòa, mà là nỗi đau chung của mọi người Việt Nam
          Thưa ông
          Ở tỉnh Khánh Hòa, hiện nay đã có ít nhất 4 nơi thường xuyên có hương khói tưởng nhớ những người con đất Việt đã hy sinh vì nước ngày 14/3/1988. Đầu tiên, là bàn thờ trên đảo Cô Lin, chỉ cách nơi anh em hy sinh ở đảo Gạc Ma khoảng 3 hải lý. Nơi thứ hai, là chùa đảo Sinh Tồn, huyện Trường Sa, tại đây có bàn thờ và bia phương danh anh linh 64 liệt sĩ. 
Bia phương danh 64 liệt sĩ ở chùa đảo Sinh Tồn
Nơi thứ ba là Đài Liệt sĩ ở đảo Trường Sa, thị trấn Trường Sa. 
Đài Liệt sĩ ở đảo Trường Sa
Nơi thứ tư ở đất liền, là Tượng đài Cam Ranh cạnh Cảng hàng không Quốc tế Cam Ranh, thuộc địa phận thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Tại Tượng đài Cam Ranh có bia ghi tên 172 liệt sĩ hy sinh ở khu vực quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 từ năm 1975 trở lại đây, trong đó có tên của 64 Anh hùng, liệt sĩ hy sinh ngày 14/3/1988. 
Tượng đài Cam Ranh
Bây giờ, nếu một đài tưởng niệm nữa được xây dựng cũng trên đại lộ Nguyễn Tất Thành, chỉ cách Tượng đài Cam Ranh dăm cây số, tôi cho là điều đó sẽ gây sự trùng lắp không, làm loãng không gian tưởng niệm. Hơn nữa, địa điểm đó ở xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tuy thuộc tỉnh Khánh Hòa nhưng không có mối liên hệ trực tiếp, gần gũi nào với sự kiện ngày 14/3/1988.
          Trong số 64 liệt sĩ hy sinh ngày 14/3/1988, chỉ có hai liệt sĩ có người ruột thịt đang sống ở tỉnh Khánh Hòa, là liệt sĩ Võ Đình Tuấn và liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh. Có hai liệt sĩ quê ở tỉnh Phú Yên cạnh tỉnh Khánh Hòa, là liệt sĩ Phan Tấn Dư và liệt sĩ Trương Văn Thịnh. Hầu hết các liệt sĩ quê ở các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng trở ra, như Đà Nẵng (9 liệt sĩ, trong đó riêng phường Hòa Cường có 7 liệt sĩ), Quảng Bình (13 liệt sĩ), Nghệ An (7 liệt sĩ), Thanh Hóa (6 liệt sĩ), Thái Bình (9 liệt sĩ)… Như vậy, nếu xây Đài tưởng niệm liệt sĩ hy sinh ngày 14/3/1988 tại xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa, sẽ không thuận tiện cho việc đến thắp hương của phần đông thân nhân liệt sĩ, còn với thân nhân các liệt sĩ ở tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Phú Yên, lâu nay họ đã có Tượng đài Cam Ranh để lui tới, tưởng nhớ người thân của họ. 
  Chị Đỗ Thị Hà, vợ Trung úy liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh thắp hương cho chồng ở Tượng đài Cam Ranh 
           Thưa ông, tại sao không chọn địa điểm xây dựng Đài tưởng niệm liệt sĩ hy sinh ngày 14/3/1988 tại thành phố Đà Nẵng, vừa thuận tiện cho thân nhân liệt sĩ ở các tỉnh lân cận đến viếng, vừa thuận tiện kết nối với các hoạt động tưởng nhớ những người đã xác lập, bảo vệ chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa?
            Ngày 14/3/1988, súng đã nổ, đạn địch đã bắn vào bộ đội ta không chỉ ở đảo Gạc Ma, mà cả ở đảo Len Đao, đảo Cô Lin. Những người lính Việt Nam gan dạ, anh hùng đã bảo vệ được đảo Len Đao và đảo Cô Lin, quân Trung Quốc chỉ chiếm được đảo Gạc Ma. Trong ngày 14/3/1988, không phải tất cả 64 Anh hùng, liệt sĩ đều ngã xuống ở đảo Gạc Ma. Có hai người đã hy sinh trên tàu HQ-605 ở đảo Len Đao, đó là Trung úy Phan Hữu Doan, Thuyền phó tàu HQ-605 và Trung sĩ Bùi Duy Hiển, nhân viên báo vụ tàu HQ-605. Do vậy, gọi sự kiện xảy ra ngày 14/3/1988 là “hải chiến Gạc Ma” là không đúng, nếu đặt tên đài tưởng niệm 64 liệt sĩ là Đài tưởng niệm liệt sĩ Gạc Ma, đó là điều không đúng. Không chỉ không đúng về tên gọi, việc gọi như vậy còn dễ làm sai lệch nhận thức, hiểu biết của nhiều người về sự kiện ngày 14/3/1988, về mặt nào đó là có lỗi với những người đã hy sinh xương máu để bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.       
          Thưa ông
          Để bảo vệ Trường Sa, hàng trăm liệt sĩ đã hy sinh, không riêng tại đảo Gạc Ma và đảo Len Đao ngày 14/3/1988. Tại sao chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa” hỗ trợ cả thân nhân của 74 quân nhân Việt Nam Cộng hòa ngã xuống trong trận hải chiến Hoàng Sa tháng 1/1974 (tôi ủng hộ việc làm này), mà không hỗ trợ thân nhân của hàng trăm liệt sĩ khác đã hy sinh ở Trường Sa trước và sau ngày 14/3/1988? Đó là điều cuối cùng tôi muốn thắc mắc với ông. 
         Xin cảm ơn ông
Nguyễn Đình Quân

          Tái bút:

          Tôi chân thành cảm ơn ông Lê Xuân Thân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã đồng cảm với tôi, khi tôi phát biểu tại cuộc họp báo do UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức ngày 11/7, và gợi ý tôi viết thư ngỏ này.        

Thứ Năm, 10 tháng 7, 2014

Có nguy hiểm cho xã hội không?

          Ngày 9/7, trong phiên tòa phúc thẩm (lần 2) vụ 5 công an dùng nhục hình gây nên cái chết của anh Ngô Thanh Kiều (Hòa Đồng, Tây Hòa, Phú Yên) ngày 13/5/2012, LS Võ An Đôn đề nghị khởi tố ông Lê Đức Hoàn, Phó Trưởng Công an thành phố Tuy Hòa (Phú Yên) về 3 tội, trong đó có tội “bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật”.
          Tranh luận với LS Đôn, kiểm sát viên Huỳnh Văn Tám, đại diện VKSND tỉnh Phú Yên giữ quyền công tố tại phiên tòa thừa nhận, việc bắt giữ anh Kiều khi chưa có lệnh bắt, chưa có chuẩn y của VKSND là có dấu hiệu của tội “bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật”. Nhưng kiểm sát viên Tám cho rằng, bắt giữ Ngô Thanh Kiều là đúng đối tượng, đúng thẩm quyền, tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể, nên VKSND xét thấy không cần xử lý hình sự, mà xử lý bằng biện pháp khác. Việc cấp sơ thẩm không khởi tố ông Hoàn và một số người liên quan về tội “bắt giữ người trái pháp luật” trong vụ bắt giữ Ngô Thanh Kiều là hoàn toàn có căn cứ, đúng pháp luật.
Việc bắt giữ anh Ngô Thanh Kiều trái pháp luật có gây huy hiểm cho xã hội không? Điều 123, Bộ luật Hình sự quy định về tội “bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật”: Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Điều 123 được đặt trong Chương XIII của Bộ luật Hình sự, chương về các tội xâm phạm quyền tự do, dân chủ của công dân, các nhà làm luật Việt Nam đã khẳng định, hành vi bắt giữ người trái pháp luật là gây nguy hiểm cho xã hội. Nhớ lại, cuối tháng 4/2014, Công an huyện Chư Sê (Gia Lai) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 4 nhân viên siêu thị Vĩ Yên ở thị trấn Chư Sê về tội “bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật”, do ngày 10/4/2014 những người này đã giữ và dùng băng dính trói hai tay một nữ sinh lớp 7, khi biết em này lấy hai cuốn truyện tranh trong siêu thị. 
Ngày 28/3/2014, tại phiên tòa sơ thẩm vụ án Ngô Thanh Kiều, Tòa đã công bố lời khai ngày 18/12/2012 của ông Lê Đức Hoàn với điều tra viên của VKSND Tối cao. Trong lời khai, ông Hoàn nói, sáng 13/5/2012 ông thấy anh Kiều bị còng tay ra sau ghế khi đang bị xét hỏi. “Theo quy định của ngành công an và pháp luật thì việc còng tay Kiều đưa về trụ sở công an làm việc là sai, nhưng tôi thấy trong trường hợp này cũng cần thiết, để đề phòng Kiều manh động, chống trả lực lượng công an hoặc tự sát”. Ông Hoàn khai. Như vậy, chính ông Hoàn cũng thấy, việc bắt giữ anh Kiều trái pháp luật có thể dẫn đến hậu quả xấu.
“Từ việc bắt giữ đó, anh Kiều đã thiệt mạng, hậu quả rất nghiêm trọng, sao ông đại diện VKSND lại nói không nguy hiểm cho xã hội”. LS Nguyễn Khả Thành, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên nói.

Nếu nhiều người làm ở ngành tòa án, viện kiểm sát có suy nghĩ, lập luận như kiểm sát viên Huỳnh Văn Tám, có nguy hiểm cho xã hội không? 

Thứ Sáu, 4 tháng 7, 2014

25 năm Nhà giàn DK1

Cách nay vừa đúng 25 năm, ngày 5/7/1989, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười ký Chỉ thị về việc xây dựng Cụm Dịch vụ kinh tế - khoa học - kỹ thuật (nhà giàn DK1) ở thềm lục địa phía Nam Việt Nam, tiếp giáp quần đảo Trường Sa. Ngày này trở thành ngày truyền thống của Nhà giàn DK1. Trước đó, trong tháng 6/1989, lần lượt các nhà giàn DK1/3 (Phúc Tần), DK1/4 (Ba Kè A) và DK1/1 (Tư Chính A) đã được xây dựng xong. 
 Cụm nhà giàn DK1 ở thềm lục địa Việt Nam 
 
Bảo dưỡng, gia cố nhà giàn DK1, năm 1995 - ảnh Hoàng Nguyên
 Nhà giàn Huyền Trân (DK1/7), 19/4/1996
 Nhà giàn Tư Chính, 21/4/1996
 Nhà giàn Quế Đường (DK1/8), 20/4/1996

"Tổ chim" Phúc Tần C (DK1/17), 26/4/2014
 "Tổ chim" Phúc Tần C (DK1/17), 26/4/2014
 Khi đoàn công tác số 5 làm lễ tưởng niệm các Anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh khi làm nhiệm vụ trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, cán bộ chiến sĩ trên nhà giàn DK1/17 cũng nghiêm trang tưởng niệm
 Thăm DK1/17 
 Nhà giàn Phúc Tần B (DK1/16), ngày 26/4/2014
  Nhà giàn Phúc Tần B (DK1/16), ngày 26/4/2014
 Cá bò đỏ đuôi tụ tập rất nhiều dưới chân nhà giàn. Bộ đội gọi chúng là cá cơm, vì chúng đã quen ăn cơm thừa của anh em
                                                                               Tổ chim DK1/16

Dễ thương, em bé đầu tiên sinh ở Trường Sa

Hồ Song Tất Minh, em bé đầu tiên được sinh ra trên huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa nay đã lên 5 tuổi, rất hồn nhiên, dễ thương 
 Lúc 6 giờ sáng ngày 16/5/2009, anh Hồ Dương, một ngư dân xã Song Tử Tây, huyện Trường Sa đưa vợ là chị Trương Thị Liền vừa trở dạ đến Bệnh xá đảo Song Tử Tây. Được các bác sĩ, y sĩ của Bệnh xá tận tình chăm sóc, có sự tư vấn, hỗ trợ của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, lúc 12 giờ 5 phút cùng ngày, chị Trương Thị Liền đã sinh hạ một bé gái khỏe mạnh, nặng 3,5kg. Em bé đầu tiên chào đời trên đảo Song Tử Tây, cũng là em bé đầu tiên chào đời trên huyện đảo Trường Sa được đặt tên là Hồ Song Tất Minh.  

 Bé Hồ Song Tất Minh cùng mẹ đi đón đoàn khách lên thăm đảo Song Tử Tây, ngày 20/12/2011
 Bé Hồ Song Tất Minh, tháng 12/2011
 Nghịch nước trước Nhà chỉ huy đảo Song Tử Tây, tháng 12/2011
Hiện nay, gia đình anh Hồ Dương đã chuyển về sinh sống tại đảo Bình Ba, xã Cam Bình (TP Cam Ranh, Khánh Hòa). Anh Hồ Dương cho biết, gần đây lượng khách du lịch đến đảo Bình Ba tăng nhanh, vợ chồng anh xây 3 phòng nghỉ cho du khách và sắm một xe ô tô điện chở khách, thu nhập khá và ổn định. Những ngày đầu về Bình Ba, Tất Minh chưa quen, cứ đòi bố mẹ cho trở lại đảo Song Tử Tây. “Bây giờ quen rồi, đi mẫu giáo được nhiều phiếu bé ngoan lắm”. Chị Liền khoe con gái.

 Hồn nhiên làm duyên
 Âu yếm thơm lên má mẹ
Cười thật tươi cùng bác Thiềm Thừ