Thứ Bảy, 5 tháng 12, 2015

Vụ án vườn điều, Huỳnh Văn Nén và án oan kép – kỳ 4: Những người gây oan và những người giải oan

Người truyền lửa

Báo Tiền Phong số ra ngày 20/11 đăng bài “Người thầy góp phần cứu trò khỏi án oan”, viết về ông Nguyễn Thận, nguyên Chủ tịch UBND xã Tân Minh (nay là thị trấn Tân Minh) đã rất kiên trì, quyết liệt, vượt qua bệnh tật, tai nạn, chấp nhận bị ảnh hưởng cả sinh mạng chính trị để giải oan cho các bị can vụ án vườn điều và và vụ án bà Lê Thị Bông (vụ án Huỳnh Văn Nén). Theo kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Bình Thuận, vụ án vườn điều xảy ra do lá thư hẹn hò của nạn nhân Dương Thị Mỹ bị phát giác. Nhưng gặp tôi lần đầu tiên vào ngày 14/2/2000, ông Thận đã nêu nghi ngờ kết luận này, vì bà Mỹ không biết chữ. Ông còn nêu một nghi vấn về động cơ giết bà Mỹ, vì đêm bà Mỹ bị giết, đêm 18/5/1993 chính là đêm trước ngày TAND huyện Hàm Tân xử vụ ly hôn của vợ chồng bà Mỹ. Từ đó, tôi đã đến TAND huyện Hàm Tân đọc hồ sơ vụ ly hôn của bà Mỹ và có bằng chứng không thể phủ nhận, rằng bà Mỹ không hề biết chữ.
Ông Nguyễn Thận tại buổi giao lưu “Huỳnh Văn Nén – Hành trình giải oan xuyên thế kỷ” do báo Tiền Phong tổ chức, ngày 2/12
Tháng 4/2002, sau khi nữ LS Phạm Thị Kim Anh không thể tiếp tục bào chữa cho các bị cáo vụ án vườn điều, dù đang gặp rất nhiều khó khăn, phiền nhiễu, ông Thận vẫn tìm cách thuyết phục được với LS Phạm Hồng Hải và LS Trần Vũ Hải ở Hà Nội bào chữa miễn phí cho họ. Từ 2006 đến năm 2013, sau khi vụ án vườn điều được khẳng định là án oan, ông Nguyễn Thận đã nhiều lần cùng cụ Huỳnh Văn Truyện, cha ông Nén và anh Huỳnh Trung Nghĩa, anh rể ông Nén mang đơn kêu oan, kiến nghị xem xét lại vụ Huỳnh Văn Nén ra Hà Nội, gửi các cấp có thẩm quyền ở Trung ương. Dù các kiến nghị, đơn kêu oan bị bỏ qua, ông Nguyễn Thận vẫn động viên cụ Huỳnh Truyện kiên trì kêu oan bằng những biện pháp chính đáng.
  Nói không hề quá, ông Nguyễn Thận chính là người truyền lửa và giữ lửa cho chúng tôi, để không thoái chí, nản lòng trên con đường dằng dặc dài tìm công lý cho những người dân khốn khổ.  

Cuộc marathon tiếp sức của nhiều luật sư

          Sinh năm 1974, LS Nguyễn Hồng Hà (nay là Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa) nhận lời bào chữa cho các bị can vụ án vườn điều khi mới 26 tuổi. Trong số 10 bị can tại vụ án này, anh Trần Thanh Vân bị bắt giam về tội “giết người”, dù năm 1993 khi xảy ra vụ án vườn điều anh chưa đủ 14 tuổi, chưa phải chịu trách nhiệm hình sự. LS Nguyễn Hồng Hà đã phát hiện việc khởi tố, bắt giam anh Vân là trái pháp luật, làm văn bản kiến nghị Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Bình Thuận phải đình chỉ điều tra bị can, trả tự do cho anh Vân. LS Nguyễn Hồng Hà cũng đã nêu nghi vấn về sự khuất tất trong việc VKSND tỉnh Bình Thuận rút hồ sơ đã chuyển sang TAND tỉnh Bình Thuận, để làm lại cáo trạng vụ án vườn điều. Ngày 20/10/2000, LS Nguyễn Hồng Hà đã có văn bản kiến nghị Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm bản án vụ Huỳnh Văn Nén, để tránh gây oan sai và bỏ lọt tội phạm. 
LS Phạm Thị Kim Anh được những người dự phiên tòa phúc thẩm (lần 1) vụ án vườn điều vỗ tay hoan hô - ảnh của Đặng Ngọc Khoa
          Giai đoạn xét xử phúc thẩm (lần 1 và 2) vụ án vườn điều, người bào chữa cho các bị can là nữ LS Phạm Thị Kim Anh, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Dương. LS Phạm Thị Kim Anh đã vạch ra nhiều mâu thuẫn đến mức phi lý, “không thể chấp nhận được về mặt khoa học hình sự” trong việc kết tội các bị can. Hội đồng xét xử phúc thẩm (lần 2) vụ án vườn điều đã tuyên hủy bản án sơ thẩm (lần 1) ngày 7/3/2001 của TAND tỉnh Bình Thuận, để điều tra lại từ đầu. LS Kim Anh cũng đã kiến nghị xem xét lại vụ án Huỳnh Văn Nén, vì có dấu hiệu oan sai. Giai đoạn xét xử sơ thẩm (lần 2) và phúc thẩm (lần 3) vụ án vườn điều, LS Phạm Thị Kim Anh không thể tiếp tục bảo vệ quyền lợi cho các bị cáo, do lý do đặc biệt. Thay thế LS Kim Anh là các LS Phạm Hồng Hải, Trần Vũ Hải, Bùi Đức Trường, Đoàn Luật sư Hà Nội. Đây là giai đoạn có những cuộc tranh tụng nảy lửa giữa các đại diện VKSND giữ quyền công tố tại tòa và các LS. Ngày 11/3/2005, Tòa Phúc thẩm, TAND Tối cao tại TPHCM tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm (lần 2), giao toàn bộ hồ sơ cho cấp sơ thẩm điều tra lại từ đầu, kiến nghị Cơ quan điều tra Bộ Công An thụ lý điều tra. Ngày 26/12/2005, Cơ quan CSĐT, Bộ Công an ra các quyết định đình chỉ điều tra đối với các bị can trong vụ án vườn điều. Ngay sau đó, các LS kể trên đã cùng ông Nguyễn Thận, cụ Huỳnh Văn Truyện và một số nhà báo khởi động việc minh oan cho ông Huỳnh Văn Nén. Tuy nhiên, các nỗ lực của họ chìm trong “sự im lặng đáng sợ.  
          Tháng 11/2013, cụ Huỳnh Văn Truyện cùng ông Nguyễn Thận ra Hà Nội đưa đơn kiến nghị xem xét lại vụ án Huỳnh Văn Nén đến các cơ quan Trung ương. Các LS Phạm Hồng Hải, Trần Vũ Hải… lại tiếp sức cho họ bằng các hoạt động kêu gọi đại biểu Quốc hội, báo chí và dư luận xã hội quan tâm đến vụ án Huỳnh Văn Nén. Sáng 3/12/2015, ngay sau buổi xin lỗi công khai của ba cơ quan tố tụng tỉnh Bình Thuận đối với ông Huỳnh Văn Nén, các luật sư Trần Vũ Hải, Bùi Đức Trường, Bùi Quang Nghiêm, Nguyễn Văn Quynh, Trần Văn Đạt đã cùng bàn những bước tiếp theo để bảo đảm quyền lợi cho ông Nén và đòi hỏi xử lý nghiêm những người gây nên oan sai.

Những người gây nên và làm nặng oan sai

Ông Huỳnh Văn Nén và những người bị oan sai trong vụ án vườn điều đã có các đơn tố cáo, yêu cầu các cơ quan pháp luật xử lý nghiêm khắc, kể cả truy cứu trách nhiệm hình sự những người đã gây oan sai cho họ.
Nguyên đại uý Cao Văn Hùng, điều tra viên (ĐTV) chính vụ án Huỳnh Văn Nén và vụ án vườn điều từng được khen thưởng do thành tích trong hai vụ án này. Khi vụ án vườn điều xảy ra (19/5/1993), anh Trần Thanh Vân chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự, nhưng ông Hùng vẫn bắt giam Vân, khiến anh bị giam trái pháp luật 287 ngày. Ông Hùng cũng bỏ ngoài hồ sơ lời khai của nhiều nhân chứng về sự ngoại phạm của các bị can Huỳnh Văn Nén, Trần Văn Sáng. Năm 2002, ông Cao Văn Hùng được giao thụ lý vụ án tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, đã bị một phụ nữ dụ dỗ tiết lộ thông tin, giúp cho bị can Võ Ngọc Phương đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú khi có lệnh bắt. Bị loại khỏi ngành Công an, ông Cao Văn Hùng làm nhân viên Hạt Kiểm lâm Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận). Năm 2014, ông Hùng xin gia nhập Đoàn Luật sư tỉnh Bình Thuận, nhưng không được. Ông Hùng lại xin vào Đoàn luật sư Hà Nội, cũng bị phản ứng quyết liệt. Sau đó, ông Cao Văn Hùng được kết nạp vào Đoàn Luật sư tỉnh Thanh Hóa, quê của ông. Theo những người bị oan, ông Cao Văn Hùng có dấu hiệu phạm 3 tội hình sự, đó tội “làm sai lệch hồ sơ vụ án”, tội “truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội” và tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Ông Cao Văn Hùng tại phiên tòa phúc thẩm (lần 3) vụ án vườn điều, chiều ngày 11/3/2005
Thượng tá Đinh Kỳ Đáp, nguyên Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận, trưởng ban chuyên án vụ bà Lê Thị Bông (vụ án Huỳnh Văn Nén) và vụ án vườn điều. Cuối năm 2006, ông Đinh Kỳ Đáp bị Ban Thường vụ Đảng ủy Công an tỉnh Bình Thuận cảnh cáo về mặt Đảng do đã thiếu kiểm tra, đôn đốc trong quá trình chỉ đạo điều tra về hoạt động của băng nhóm tội phạm Hai Chi ở huyện Hàm Tân.Sau đó, ông Đinh Kỳ Đáp phải nghỉ hưu trước niên hạn. Trong số các sĩ quan công an bị tố cáo và đòi xử lý, có cả Đại tá Nguyễn Kiến Quốc, nguyên Thủ trưởng Cơ quan CSĐT, Công anh tỉnh.
Ông Trần Thanh Hải và bà Nguyễn Thị Hồng Dung đều là Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Bình Thuận, đã ký hai cáo trạng khác nhau về vụ án vườn điều, cùng mang số 67/KSĐT.TA. Sau này, ông Trần Thanh Hải bị khai trừ Đảng, đình chỉ công tác và cách chức Phó Viện trưởng VKSND Bình Thuận do có liên quan đến băng nhóm xã hội đen Hai Chi, không chỉ đạo điều tra xử lý đến nơi đến chốn nhiều vụ án liên quan đến băng nhóm này và nhận 4.000 USD của Phan Đình Hiển - Phó GĐ Xí nghiệp Sa khoáng Hàm Tân thuộc Cty Phát triển khoáng sản 6 (Lidisaco). Các thẩm phán Nguyễn Ngọc Quang và Trần Thị Ánh Tuyết, những người kết án oan các bị can vụ án vườn điều nay là Chánh án TAND tỉnh Bình Thuận và Chánh tòa Hình sự, TAND tỉnh Bình Thuận.
          “Chúng tôi xin hứa sẽ sớm xem xét, kiểm điểm trách nhiệm của những cá nhân, tập thể đã để xảy ra việc khởi tố, điều tra, truy tố, kết án oan đối với ông Huỳnh Văn Nén theo đúng quy định của pháp luật”. Hy vọng rằng câu này trong bản xin lỗi ông Huỳnh Văn Nén của các cơ tố tụng tỉnh Bình Thuận sẽ trở thành hành động cụ thể.        
Nguyễn Đình Quân

Thứ Sáu, 4 tháng 12, 2015

Vụ án vườn điều, Huỳnh Văn Nén và án oan kép - Kỳ 3: Những đứa trẻ vườn điều

 “Lũ trẻ vườn điều”, ảnh của cố nhà báo Đặng Ngọc Khoa, năm 2002       
   “Những đứa trẻ vườn điều” là từ người dân Tân Minh thường dùng để nói về những người con của các bị can trong vụ án vườn điều. Oan sai, tai họa không chỉ giáng xuống cha mẹ họ, mà chính họ cũng phải chịu những mất mát, thiệt thòi, những tổn thương sâu sắc.

Cả ba anh em vướng vòng lao lý

          “Có ai trên đất nước này khổ như tôi không?” Ông Huỳnh Văn Nén nói trong buổi ông được TAND tỉnh Bình Thuận, VKSND tỉnh Bình Thuận và Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Bình Thuận xin lỗi công khai, ngày 3/12. Sau 17 năm 6 tháng 11 ngày oan trái, đến khi được phục hồi danh dự, ông và gia đình vẫn chưa hết nỗi niềm cay đắng.
Năm 1998, ông Huỳnh Văn Nén bị bắt vì bị nghi giết bà Lê Thị Bông, Huỳnh Thành Phát mới 3 tuổi, anh Phát là Huỳnh Thành Lượng mới 7 tuổi, anh đầu Huỳnh Thành Công 9 tuổi. Vợ ông Nén là bà Nguyễn Thị Cẩm cũng bị khởi tố với tội danh “giết người” trong vụ án vườn điều, không nuôi nổi ba đứa con trong khi bà ngoại và hầu hết cô, cậu, dì ruột của họ cũng bị bắt giam. Anh em Công, Lượng, Phát như những con chim non không tổ. Ông Nguyễn Thận, Chủ tịch UBND xã Tân Minh lúc đó (cuối năm 2003 xã Tân Minh được chia tách thành thị trấn Tân Minh, xã Tân Đức và xã Tân Phúc) xin Làng trẻ em SOS Gò Vấp nhận nuôi ba con của bà Cẩm cùng 5 đứa trẻ khác trong đại gia đình bà Cẩm.      
Trở về từ Làng SOS trong khi cha vẫn trong nhà tù, mẹ đầu tắt mặt tối kiếm tiền nuôi con, ba anh em Công, Lượng, Phát học hành dở dang và sớm bị lôi kéo chơi bời lêu lổng. Năm 2008 Công đánh nhau, bị tuyên phạt 4 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 18 tháng. Sắp hết hạn án treo, Công lại vướng vụ khác, án treo thành án giam. Ngày 6/3/2010 bà Cẩm cãi nhau với Th., cháu ông Phó chủ tịch UBND thị trấn Tân Minh, bị Th. chém vào đầu, phải khâu 6 mũi. Bênh mẹ, hôm sau Huỳnh Thành Lượng chém vào chân Th., liền bị bắt giam, sau đó bị kết án 2 năm tù. Hiện nay, Công và Lượng đã tu chí làm ăn, đã có vợ. Khi ông Nén được cho tại ngoại, đầu tháng 11 Lượng dã đưa ông Nén đi chữa mắt tại Thành phố Hồ Chí Minh và đến Cơ quan đại diện báo Tiền Phong tại Thành phố Hồ Chí Minh cảm ơn. Nhưng cậu em út Huỳnh Thành Phát vẫn ham chơi bời, quậy phá, nên có lần Lượng nói với tôi, chuyện nhà Lượng vẫn chông chênh lắm. Cách đây 2 tuần, Phát bị Công an huyện Hàm Tân bắt tạm giam vì tham gia một vụ đánh nhau gây thương tích. 
Anh Huỳnh Thành Lượng khóc khi kể về chuyện nhà mình
Không khá lên được

Trên báo Tiền Phong số ra ngày 2/12, kỳ 2 của loạt bài này đã kể chuyện ông Nguyễn Văn Sơn bật khóc trước phiên tòa phúc thẩm (lần 1) vụ án vườn điều ngày 14/6/2001 vì quá uất ức trước tai họa giáng xuống gia đình mình. Hơn 3 tháng sau khi vọ mất vì tai nạn giao thông, ngày 16/12/1998 ông Sơn bị bắt về tội “giết người”, trong vụ án vườn điều. Ba con trai của ông Sơn là Nguyễn Hữu Lợi (SN 1985), Nguyễn Hữu Lộc (SN 1987), Nguyễn Hữu Lực (SN 1990) bơ vơ không cha không mẹ, bữa đói bữa no. Năm 2002, Lợi và Lực được vào Làng trẻ em SOS Gò Vấp, còn Lộc được một người bà con nuôi. Lợi vốn học rất giỏi, nhưng khi mẹ mất, cha bị bắt Lợi không chịu học nữa, thỉnh thoảng trốn khỏi Làng SOS.
Cuối năm 2004, ông Sơn mãn hạn 6 năm tù, về lại nhà ở ấp 3 (Xuân Hòa, Xuân Lộc, Đồng Nai), đón các con về nuôi. Hiện nay Nguyễn Hữu Lợi và vợ đều làm công nhân ở khu công nghiệp Sóng Thần (Bình Dương), có một con trai. Nguyễn Hữu Lợi chưa có vợ, phụ nghề lái xe với ông Sơn. Con út ông Sơn là Nguyễn Hữu Lực lấy vợ ở Củ Chi, làm ruộng, bắt cá sống qua ngày, có một con trai và một con gái. “Nếu em không bị oan vụ án vườn điều thì chắc tụi con em học cũng khá lắm đấy. Từ khi mẹ mất, em bị vậy tụi nó không khá lên được nữa”. Ông Sơn ngậm ngùi nói với tôi trong buổi các cơ quan pháp luật công khai xin lỗi ông Huỳnh Văn Nén, sáng ngày 3/12.  
Trần Thanh Vân là con của hai bị can trong vụ án vườn điều, là bà Nguyễn Thị Nhung và ông Trần Văn Sáng (cha dượng của Vân). Bản thân Vân và anh ruột là Trần Thanh An cũng bị khởi tố, bị bắt giam về tội “giết người” trong vụ án này, dù Vân sinh năm 1979, năm 1993 khi xảy ra vụ án vườn điều chưa đủ 14 tuổi, chưa phải chịu trách nhiệm hình sự. Bị giam gần 10 tháng, đến ngày 20/6/2000 Vân được thả sau khi LS Nguyễn Hồng Hà phát hiện việc khởi tố, bắt giam Vân là trái pháp luật. Mẹ Vân, bà Nguyễn Thị Nhung bị chết ngày 24/2/2001 do bệnh hiểm nghèo nhưng đến nay vẫn chưa chính thức được tuyên vô tội và được đền bù oan sai. Vân đã lấy vợ và có hai con trai, nhưng mới đây gia đình tan vỡ, vợ Vân đi lấy chồng khác, mang theo con trai lớn Trần Đình Khang, 13 tuổi. Vân không có công việc ổn định, sống cùng con trai nhỏ là Trần Vũ Hải, 12 tuổi. “Nói chung hoàn cảnh thiếu mẹ thì không gì tả nổi, giờ lớn nó cũng nguôi ngoai rồi chứ thời đó không tả nổi”. Anh Vân buồn bã nói.
Cha con côi cút Trần Thanh Vân
Trong “những đứa trẻ vườn điều”, 3 con trai của bà Nguyễn Thị Tiến, em út ông Sơn được học hành nhiều nhất. Nhưng hiện nay, không có ai trong số họ sống với bà Tiến. Đầu năm 2000 khi bà Tiến bị bắt giam, ba con trai của bà là Vương Quốc Dũng, Vương Quốc Trí, Vương Quốc Minh mới 10 tuổi, 9 tuổi và 7 tuổi. Chồng bà Tiến bỏ đi lấy vợ khác.  Năm 2002, ba con của bà Tiến được đưa vào Làng trẻ em SOS Gò Vấp. Quốc Trí được một người ở Làng SOS Gò Vấp nhận làm con nuôi, nay làm hướng dẫn viên du lịch. Con út Quốc Minh đã tốt nghiệp ngành khoa học xã hội một trường đại học, nhưng chưa đi làm, và vẫn đang ở Làng SOS Gò Vấp. Quốc Dũng hiện sống với cha.

“Ước mơ con muốn làm luật sư”

          “Khi ba con bị bắt oan, chị em con thiếu vắng cha mẹ, lại thấy luật sư giúp đỡ người bị oan nên trong tâm trí con có suy nghĩ làm luật sư”. Nguyễn Mỹ Dung, con gái ông Nguyễn Văn Tiền, người bị giam 6 năm trong vụ án vườn điều nói với tôi từ Vạn Giã (Khánh Hòa) qua điện thoại. Năm 1998, khi ông Tiền bị bắt, Mỹ Dung 7 tuổi, em trai Dung là Văn Vàng 6 tuổi. Đầu năm 1999, mẹ Dung dắt díu hai con về huyện miền núi Quế Sơn (Quảng Nam). “Con ở với ngoại, học lớp 2, lớp 3, đi làm ruộng, chăn trâu, đến khi đang học lớp 4 thì mẹ bỏ đi, chị em con về lại Tân Minh, cô Lụa (bà Nguyễn Thị Lụa, chị ông Tiền) nuôi”. Dung kể. Lúc đó bà Lụa phải nuôi 5 “đứa trẻ vụ án vườn điều” nữa, không kham nổi nên nhờ ông Nguyễn Thận giúp đưa chúng vào Làng SOS Gò Vấp. Năm 2005, sau khi ông Tiền mãn hạn tù, chị em Dung được ba đón về. Học hết lớp 9 thì Dung nghỉ, đi học nghề tóc, năm 2009 lấp gia đình, chồng ở Hàm Thuận Nam (Bình Thuận), làm phụ xe chở hàng. Mới đây, Dung cùng con trai 6 tuổi ra sống ở thị trấn Vạn Giã (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa).
          “Kỷ niệm buồn nhất của con là lúc ra tòa. Chị em con nhớ ba mà mấy người không cho gặp ba con. Bữa tòa xử (phiên tòa phúc thẩm lần 1 vụ án vườn điều, ngày 14/6/2001), tụi con đến tòa. Lúc xe tù chạy qua cổng, ba có cố đưa mặt ra nhìn, mà xe chạy nhanh, con chỉ nhìn lướt qua, không thấy rõ. Sau này có cô luật sư Phạm Thị Kim Anh đứng ra nói, con mới được vô. Con đứng ở phía sau, rồi con với em con lén đi ra bên hông, lên nhìn mặt ba. Ba cố nhìn chúng con, mà mấy chú cảnh sát dùng roi điện chích vô người ba, không cho nhìn. Đó là lần duy nhất con được nhìn thấy ba, trong 6 năm ba con bị giam”. Trong khi kể chuyện với tôi, Dung hay phải ngưng lại vì khóc. Dung kể, lúc đó cô muốn lên đứng trước tòa nói một câu. “Con muốn nói là gia đình con bị oan, sao lại đối xử với gia đình con như vậy, nhưng con bị đuổi ra, không có cơ hội để nói”                                                                                                                                                          Nguyễn Đình Quân 

Thứ Năm, 3 tháng 12, 2015

Án oan và sự thờ ơ với số phận con người

“Thưa công dân Huỳnh Văn Nén!”
 Đó là một câu trong văn bản xin lỗi công khai của TAND tỉnh Bình Thuận, VKSND tỉnh Bình Thuận và VKSND tỉnh Bình Thuận đối với ông Huỳnh Văn Nén, được trình bày sáng ngày 3/12. Việc ông Huỳnh Văn Nén được tuyên vô tội trong vụ án vườn điều và vụ bà Lê Thị Bông, được xin lỗi công khai là thắng lợi của công lý, là thắng lợi của công cuộc cải cách tư pháp, thắng lợi của những người có lương tâm, biết yêu thương con người.

“Thưa công dân Huỳnh Văn Nén!”
Để được nghe câu câu nói đó, ông Huỳnh Văn Nén người thân của ông đã chịu bao nhiêu đắng cay, tủi nhục trong 17 năm 6 tháng 11 ngày. Ông đã đi vào lịch sử tư pháp Việt Nam, đã trở thành người nổi tiếng theo một cách không ai muốn: Mang hai án oan giết người.
Hôm 2/12, trong buổi giao lưu trực tuyến “Huỳnh Văn Nén – Hành trình giải oan xuyên thế kỷ”, có người nêu câu hỏi cho tôi, án oan do trình độ yếu kém của cán bộ, do quan liêu hay do tiêu cực? Theo tôi, nguyên nhân của án oan là do trình độ yếu kém của những người làm tố tụng, do cả sự thiếu lương tâm, sự vô cảm, thờ ơ với số phận con người. Chính sự vô cảm với số phận con người, “sự im lặng đáng sợ” đã khiến những tiếng kêu oan, những lời tâm huyết đề nghị xét xử lại vụ án vườn điều và vụ án Huỳnh Văn Nén để tránh oan sai và bỏ lọt tội phạm rơi vào im lặng. Sự thờ ơ với số phận con người đã tiếp tay cho cái ác, đã khiến ông Huỳnh Văn Nén phải trải qua một phần tư cuộc đời trong chốn lao tù.
“Tôi không ngờ nói lên sự thật, bảo vệ công lý lại khó khăn, điêu đứng vậy. Nếu không có cải cách tư pháp, có lẽ không có ngày hôm nay. Vô hình trung, việc chứng minh các bị can vô tội lại là sự buộc tôi ai đó đã làm sai”. Ông Thận Nguyễn , người bền bỉ tìm cách giải oan cho ông Huỳnh Văn Nén và cho các bị can trong vụ án vườn điều đã khóc, khi họ được giải oan. Những người có sai phạm trong hai vụ án này cần bị xử lý, cần bị loại khỏi những chức vụ quyền hạn liên quan đến số phận của con người.
Thế nhưng, sau khi kết tội, bỏ tù oan ông Huỳnh Văn Nén và 9 người khác trong vụ án vườn điều, một số người đã được khen thưởng, đã được giữ chức vụ cao hơn, nắm quyền định đoạt nhiều hơn với số phận con người!
Nguyễn Đình Quân 

Bài trên báo Tiền Phong: Thưa công dân Huỳnh Văn Nén!

Thứ Tư, 2 tháng 12, 2015

Vụ vườn điều và vụ Huỳnh Văn Nén, án oan kép - Kỳ 2:
Khi bị cáo khóc trước tòa

Bắt đầu từ khoảnh khắc ông Nguyễn Văn Sơn òa khóc trước tòa ngày 14/6/2001, chúng tôi tin rằng ông và các bị can vụ án vườn điều vô tội.



Bài báo đầu tiên nêu nghi vấn ông Nén không giết người

Tôi (phóng viên Hồ Việt Khuê) và nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển (công tác tại báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh) lên chuyến xe đò Phan Thiết - Phan Rang vào một buổi sáng tháng 10/2000. Trong ba lô của tôi có lá đơn kêu cứu của cụ Huỳnh Văn Truyện, đơn tố cáo của Nguyễn Phúc Thành, phạm nhân  đang thụ án ở Trại giam Sông Cái (Ninh Thuận) và báo cáo của ông Nguyễn Thận, Chủ tịch UBND xã Tân Minh gửi các cơ quan tố tụng về việc anh Nguyễn Phúc Thành tố giác tội phạm. Trong đơn, anh Thành khẳng định ông Nén không phải là thủ phạm giết bà Năm Tét (bà Lê Thị Bông),  mà thủ phạm là Nguyễn Thọ và Hồ Văn Việt, hai người bạn thân của Thành. Theo Thành, đối tượng của Thọ và Việt không phải bà Năm Tét mà là chị Gái (Phạm Thị Hồng), con gái của bà, nhưng chị Gái bán thức ăn đêm về khuya, còn bà Năm về nhà sớm nên chết thay con. Chị Gái mang nhiều vàng nữ trang trên người mới là đối tượng mà hai kẻ sát nhân nhắm tới…
  PV báo Tiền Phong và anh Nguyễn Phúc Thành, người tố giác Nguyễn Thọ là thủ phạm giết bà Lê Thị Bông
Đến Phan Rang, tôi đến Tỉnh đoàn Ninh Thuận mượn Honda của Bí thư Tỉnh đoàn Lê Văn Phong, hỏi đường đi nước bước rồi chở anh Vũ Đức Sao Biển tìm Trại Sông Cái ở tuốt xã miền núi Phước Tiến, huyện Ninh Sơn, hiện nay thuộc huyện Bác Ái. Gần hết giờ làm việc chúng tôi mới đến nơi nhưng Trung tá Phạm Văn Phống, Giám thị trưởng vẫn vui vẻ tiếp chuyện. Trung tá Phống cho biết, Trại thường xuyên giáo dục phạm nhân tinh thần tự giác tố cáo tội phạm đang thụ án cũng như còn ngoài vòng pháp luật. Khi Thành tố giác, Trại cho Thành được nghỉ ba ngày lao động, nhiều lần viết tường thuật với sự truy vấn của quản giáo, nhận thấy các bản tường thuật của Thành trùng khớp nhau nên Ban giám thị quyết định fax bản tường thuật sau cùng của Thành về Cục V26 Bộ Công an. Bản tường thuật của Thành ghi ngày 26/8/2000, còn phiên tòa kết án ông Nén mức án tù chung thân diễn ra sau đó 5 ngày, vào ngày 31/8/2000.
Trên báo Tiền Phong số ra ngày 28/10/2000 đã đăng bài “Huỳnh Văn Nén có giết người?” ký tên Nguyễn Hồng Liêm, một trong các bút danh của tôi. Tôi ngây thơ tin rằng, khi vụ án có tình tiết mới sẽ được cấp có thẩm quyền xem xét. Nhưng sau đó, tôi được biết những người đến Trại Sông Cái xác minh đơn tố cáo của Thành là ông Đinh Kỳ Đáp, Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT, Công an Bình Thuận và ông Cao Văn Hùng, điều tra viên chính vụ án vườn điều và vụ của ông Nén, người đã được tuyên dương, khen thưởng nhờ thành tích phá hai vụ án này. Biết điều đó, tôi hiểu là hành trình đi tìm công lý cho thân phận người tù chung thân Huỳnh Văn Nén còn quá đỗi mịt mù…

Huỳnh Văn Nén phản cung, bị cáo khác bật khóc

Ngày 14/6/2001, tại trụ sở TAND tỉnh Bình Thuận, Toà Phúc thẩm TAND Tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm (lần 1) vụ án vườn điều. Rất đông người dân Tân Minh thuê xe ra Phan Thiết dự phiên toà. Với lý do phòng xử đã quá chật, rất nhiều người đã bị ngăn không cho vào Toà theo dõi việc xét xử. Ngay khi bắt đầu phần thẩm vấn, bất ngờ lớn đã xảy ra.  Huỳnh Văn Nén, bị cáo duy nhất khai nhận tội tại phiên toà sơ thẩm (lần 1) và cũng là bị cáo duy nhất không kháng án sơ thẩm đã phủ nhận hoàn toàn các lời khai trước đây của mình. Theo ông Nén, khi xảy ra vụ án ông không ở Tân Minh, mà đang làm thuê tại “Căn cứ 4” (xã Xuân Hoà, Xuân Lộc, Đồng Nai). Ông không biết gì về vụ bà Dương Thị Mỹ bị giết, những lời ông nhận tội và khai báo về hành vi phạm tội của những người khác là do bị ép cung, bức cung. Khi được kiểm sát viên Đinh Văn Lai, cán bộ VKSND tỉnh Bình Thuận vào trại giam phúc cung, ông Nén kêu oan thì bị điều tra viên vào đánh, do vậy tại phiên toà sơ thẩm (lần1) ông phải khai nhận tội... Khi nghe ông Nén nói, những người dự khán đã nhiều lần vỗ tay, trong khi một người đàn ông bưng mặt khóc. 
Vợ chồng ông Huỳnh Văn Nén hôm nay
Người đó là bị cáo Nguyễn Văn Sơn, anh rể ông Nén. Ông Sơn có xe tải chở hàng thuê, có 3 đứa con ngoan ngoãn, học giỏi. Gia đình đang êm ấm thì vợ ông Sơn là Nguyễn Thị Huệ bị chết vì tai nạn giao thông tháng 9/1998, gần đến giỗ trăm ngày bà Huệ, ngày 16/12/1998 ông Sơn lại bị bắt tạm giam, rồi bị kết án sơ thẩm 6 năm tù giam. Các con ông Sơn phải nghỉ học, đứa bán vé số, đứa làm thuê, đứa vào Làng Trẻ em SOS Gò Vấp. Trớ trêu nữa, mọi hồ sơ vụ án đều ghi tên người bị bắt là Nguyễn Văn Sơn, nhưng tên ông trong giấy CMND không phải là Sơn, mà là Nguyễn Văn Châu! Oan khuất lớn quá, nên khi ông Nén nói rằng không biết gì về vụ bà Dương Thị Mỹ bị giết, ông Sơn không kìm nén được nữa, òa khóc như một đứa trẻ.
Bắt đầu từ khoảnh khắc ông Nguyễn Văn Sơn òa khóc trước tòa, chúng tôi tin rằng ông và các bị can vụ án vườn điều vô tội. Nhưng hành trình để họ được tuyên vô tội còn xa lắm. Bởi sau đó, trong hồ sơ vụ án lại có lời khai của ông Huỳnh Văn Nén, rằng ông, ông Sơn và các bị can khác đã giết bà Dương Thị Mỹ.Bắt đầu từ khoảng khắc ông Nguyễn Văn Sơn òa khóc trước tòa, chúng tôi tin rằng ông và các bị can vụ án vườn điều vô tội.

Những đứa trẻ bị đánh cắp tương lai

          Bức ảnh này được cố nhà báo Đặng Ngọc Khoa chụp ở cổng TAND tỉnh Bình Thuận sáng ngày 5/4/2002, khi vụ án vườn điều được xét xử phúc thẩm (lần 2). Ba bé trai đang đứng bám cánh cổng tòa án là Huỳnh Thành Công, Huỳnh Thành Phát và Huỳnh Thành Lượng, con ông Huỳnh Văn Nén. Sáu đứa trẻ khác là các con của ba người, chị ruột, anh ruột và em gái ruột của bà Nguyễn Thị Cẩm, vợ ông Nén, đều là bị can trong vụ án. Lũ trẻ ngóng vào trong tòa án, mong được nhìn thấy 10 người là bà, mẹ, cha, dì, cậu, anh của chúng. Thay vì ở bên lũ trẻ để yêu thương, nuôi nấng, che chở cho chúng, họ phải để chúng bơ vơ giữa dòng đời, bản thân họ bị truy tố, xét xử về tội “giết người”, tội ác mà họ không hề phạm phải.
        Con của các bị can vụ án vườn điều ngóng trông cha mẹ ở cổng TAND tỉnh Bình Thuận, ngày 5/4/2002  
Năm 2002 ấy, ba anh em Công, Lượng, Phát đã cùng òa khóc khi nghe hỏi, mấy ngày tết có vui không. Chúng thường phải ôm nhau ngủ để quên đói, có lần đứa này ngủ mơ được ăn, cắn vào tay đứa kia. Năm 1998, khi ông Nguyễn Văn Tiền, anh rể ông Nén bị bắt giam, hai con của ông Tiền là Mỹ Dung và Văn Vàng mới 7 tuổi và 5 tuổi phải về quê ngoại ở Quảng Nam chăn trâu. Mẹ bỏ đi, hai chị em lại được cô Lụa đón về Tân Minh cho đi học. “Ngày ba con ra tòa, con có thấy ba nhưng ba không thấy con”. Bé Mỹ Dung kể trong nước mắt, còn cu Vàng thì ngơ ngác khi được hỏi về ba, em không hình dung được ba như thế nào. Thời gian đó, có 14 đứa trẻ con của vợ chồng ông Nén và của bốn người chị, anh, em ruột bà Cẩm lâm cảnh sống lay lắt, có đứa coi như mồ côi cả cha lẫn mẹ. Cám cảnh lũ nhỏ, ông Nguyễn Thận và cố nhà báo Đặng Ngọc Khoa đưa được 8 đứa nhỏ nhất vào Làng Trẻ em SOS Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh.  
Mỗi khi xem bức ảnh này, chạm phải những ánh mắt ngóng trông rười rượi buồn của lũ trẻ, tôi lại ứa nước mắt, con tim như bị bóp nghẹt. Các bị can vụ án vườn điều đã được đền bù oan sai, hôm nay ông Huỳnh Văn Nén cũng sẽ được xin lỗi, rồi sẽ được đền bù oan sai. Nhưng tuổi thơ trong sáng của những đứa trẻ vô tội kia đã bị lấy cắp, làm sao, cái gì có thể bù đắp nổi?     
        
Hồ Việt Khuê - Nguyễn Đình Quân
Huỳnh Văn Nén - Hành trình giải oan xuyên thế kỷ

Thứ Ba, 1 tháng 12, 2015

Vụ án vườn điều và vụ Huỳnh Văn Nén, án oan kép:
Kỳ IKhởi đầu hành trình 16 năm

Trong 16 năm đằng đẵng, các phóng viên báo Tiền Phong đã quyết liệt, bền bỉ đồng hành cùng những người bị kết tội oan ở thị trấn Tân Minh (Hàm Tân, Bình Thuận). Làm sao để không còn những vụ án oan, như vụ án vườn điều và vụ Huỳnh Văn Nén?

            Ông Huỳnh Văn Nén mang một kỷ lục không ai muốn mang: Người mang hai án giết người, đều là án oan. Vụ án vườn điều và vụ bà Lê Thị Bông là án oan kép, án oan chồng án oan, oan sai của vụ án này góp phần gây nên oan sai của vụ án kia. Hai vụ án này tuy hai mà một còn vì có chung điều tra viên (ĐTV) chính là ông Cao Văn Hùng, chung trưởng ban chuyên án là ông Đinh Kỳ Đáp.  
      Sáng sớm ngày 21/5/1993, xác bà Dương Thị Mỹ được phát hiện tại vườn điều của ông Hai Hoàng ở thôn 2 xã Tân Minh (nay là thị trấn Tân Minh, Hàm Tân, Bình Thuận). Cơ quan CSĐT, Công tỉnh Bình Thuận (PC16, nay là PC44) xác định bà Mỹ bị giết đêm 18, rạng sáng ngày 19/5/1993 và cho rằng vụ án có nguồn gốc từ quan hệ tình ái giữa bà Mỹ với ông Trần Văn Sáng, khiến vợ ông là Nguyễn Thị Nhung ghen tuông. Từ ngày 27/5/1993 đến ngày 26/7/1993, vợ chồng ông Sáng bị PC16 tạm giữ, nhưng không có quyết định khởi tố bị can và lệnh tạm giam. Ngày 22/9/1993, PC16 tạm đình chỉ điều tra vụ án. Đêm 23/4/1998, bà Lê Thị Bông ở thôn 2 Tân Minh bị giết tại nhà của bà ở thôn 2 Tân Minh. Ngày 17/5/1998, ông Huỳnh Văn Nén bị bắt vì bị coi là thủ phạm giết bà Bông. Đến tháng 10/1998, ông Nén lại khai rằng đã cùng vợ là Nguyễn Thị Cẩm, mẹ vợ, 4 chị em ruột của vợ, 2 cháu ruột vợ, tổng cộng 8 người đã giết bà Mỹ năm 1993. Từ đó, tháng 12/1988 PC16 phục hồi điều tra vụ bà Mỹ bị giết (vụ án vườn điều), khởi tố 8 người này về tội “giết người”, khởi tố ông Trần Văn Sáng về tội “không tố giác tội phạm”. Ngày 20/11/1999, PC16 ra kết luận điều tra (KLĐT) vụ án vườn điều…

Lên đường theo những tiếng kêu cứu
 3 đứa con của ông Huỳnh Văn Nén và 2 đứa con của ông Nguyễn Văn Tiền, ảnh của Đặng Ngọc Khoa chụp tháng 4/2002 
Cuối tháng 1/2000, cố Tổng biên tập báo Tiền Phong Đinh Văn Nam, khi đó đã nghỉ hưu nhưng vẫn giúp việc cho Ban bạn đọc của báo Tiền Phong gửi cho tôi một tập hồ sơ vụ án vườn điều, trong đó có nhiều lá đơn kêu cứu, kêu oan. Cùng lúc, anh Hồ Việt Khuê, phóng viên báo Tiền Phong thường trú tại Bình Thuận cũng nhận được những tài liệu tương tự. Lá đơn đầu tiên là đơn đề ngày 20/12/1998 của bà Nguyễn Thị Lâm (Năm Gấm) ở đội 9, xã Tân Minh, kêu oan, kêu cứu cho các con Nguyễn Thị Nhung, Nguyễn Văn Tiền, Nguyễn Văn Châu. Họ bị bắt ngày 16/12/1998, do bị cho là đã tham gia giết bà Dương Thị Mỹ. Lá đơn thứ hai, ông Nguyễn Văn Gấm kêu cứu cho bà Năm Gấm, vợ ông. Bà Năm Gấm bị bắt tạm giam ngày 21/12/1998, chỉ một ngày sau khi làm đơn kêu cứu cho các con. Lá đơn kêu cứu thứ ba đề ngày 5/12/1999, của ông Trần Văn Sáng. Ông Sáng làm đơn này sau khi đã có KLĐT vụ án vườn điều, ngày 20/11/1999. Khi đó, PC16 đã bắt tạm giam thêm hai con riêng của bà Nguyễn Thị Nhung là Trần Thanh An và Trần Thanh Vân, khởi tố hai em ruột bà Nhung là Nguyễn Thị Cẩm (vợ ông Nén), Nguyễn Thị Tiến. Ông Sáng cũng bị đình chỉ công tác cán bộ tư pháp xã Tân Minh và bị khởi tố. “Anh em cháu còn lại bơ vơ không có người nuôi dưỡng, phải bỏ học, bữa đói bữa no, không biết nhờ cậy vào ai”. Đó là lời trong đơn kêu cứu, đề ngày 30/11/1999 của ba anh em Nguyễn Hữu Lợi (SN 1985), Nguyễn Hữu Lộc (SN 1987), Nguyễn Hữu Lực (SN 1990), ở ấp 3 (Xuân Hòa, Xuân Lộc, Đồng Nai). Mẹ của Lợi – Lộc - Lực là Nguyễn Thị Huệ, bị tai nạn giao thông mất ngày 21/9/1998, gần đến dịp cúng trăm ngày cho mẹ các em thì cha các em là Nguyễn Văn Châu lại bị bắt. Trong xấp hồ sơ chúng tôi nhận được, có cả bản phô tô bài báo “Qua 6 năm truy tìm thủ phạm”, được đăng hai kỳ trên báo Bình Thuận. Bài báo nêu khá chi tiết quá trình điều tra vụ án vườn điều, khẳng định hành vi phạm tội của các bị can là không thể chối cãi.   
          Sau khi đọc đi đọc lại tập văn bản kêu cứu và buộc tội, sáng 14/2/2000, qua Tết Canh Thìn đúng một tuần, chúng tôi tới Tân Minh. Không ngờ, hành trình của chúng tôi cùng với những người bị oan ở Tân Minh kéo dài tới 16 năm trời.

Thấy rõ dần dấu hiệu oan sai
 Các bị cáo tại phiên xử sơ thẩm (lần 1) vụ án vườn điều, ngày 7/3/2001, từ trái qua: Nguyễn Thị Tiến, Nguyễn Văn Châu, Nguyễn Thị Lâm, Trần Văn Sáng, Huỳnh Văn Nén, người đứng giữa không phải bị cáo trong vụ án này, mà là một "chim mồi"
Theo KLĐT, khoảng 9 giờ ngày 18/5/1993, bà Nguyễn Thị Nhung giặt đồ, thấy trong túi quần ông Sáng mảnh thư ghi “Mỹ muốn gặp anh Sáng vào 1 giờ đêm nay tại vườn điều ông Hai Hoàng”. Đêm đó bà Nhung cùng mẹ, hai con trai, hai em trai, hai em gái và em rể là Hùynh Văn Nén đi phục ở vườn điều, rồi chém chết bà Mỹ… Nhưng ở Tân Minh, rất nhiều người nói bà Mỹ không biết chữ. Cô Huỳnh Thị Ngọc Hạnh, con gái bà Mỹ cũng khẳng định điều này. Trước khi vụ án xảy ra, bà Mỹ đã ly thân với ông Huỳnh Ngọc Bửu. Bà ăn ngủ ngay tại chòi bán nước mía của bà ở chợ Tân Minh, cạnh ngã ba QL1A và tỉnh lộ 336, chỉ cách nhà ông Sáng khoảng 250 m. Như vậy, nếu bà Mỹ và ông Sáng có tình ý, họ rất dễ dàng trực tiếp gặp nhau, không cần hẹn hò qua thư. Bà Mỹ không biết chữ, nên chuyện lá thư hẹn càng khó tin. Thực sự có lá thư định mệnh đó hay không? Ông Nguyễn Thận, Chủ tịch UBND xã Tân Minh còn nêu một nghi vấn về động cơ giết bà Mỹ, vì đêm 18/5/1993 chính là đêm trước ngày TAND huyện Hàm Tân xử vụ ly hôn của vợ chồng bà Mỹ.
            Những câu hỏi khác cứ tự nhiên bật ra khi tôi đứng ở vị trí phát hiện xác bà Mỹ, năm 1993. Nơi đó chỉ cách nhà bà Mỹ khoảng 100m, sát chỗ đổ rác của chợ Tân Minh. Nếu có lá thư, bà Mỹ thật khéo chọn thời gian và nơi hẹn! Ngã ba là cửa ngõ vào rừng Tánh Linh, năm 1993 là điểm nóng khai thác lậu gỗ và lâm sản, hàng quán hoạt động suốt đêm. Cả chục người mang dao gậy tới vườn điều và chạy về nhà qua ngã ba rồi theo QL1A, sao không bị ai thấy?
          Trong khi chúng tôi đang tập trung vào vụ án vườn điều, ngày 31/8/2000, TAND tỉnh Bình Thuận xử phạt ông Huỳnh Văn Nén tù chung thân vì tội “giết người”. Đến đầu tháng 10/2000, chúng tôi được biết, ngày 26/8/2000 anh Nguyễn Phúc Thành đã tố giác Nguyễn Thọ giết bà Lê Thị Bông, với đồng phạm là Hồ Văn Việt, không phải ông Nén. Bài trên báo Tiền Phong số ra ngày 28/10/2000 đã nêu khá rõ về việc này. Sau đó, được PC16 cử đi xác minh nội dung tố cáo của anh Thành, đại úy Cao Văn Hùng báo cáo xác minh rằng Nguyễn Thọ đã bỏ đi khỏi địa phương từ năm 1997. Tuy nhiên Công an xã Tân Minh cho biết, cuối tháng 4/1998, sau khi bà Bông bị giết, Thọ mới đi khỏi Tân Minh. Chúng tôi đã thu nhận nhiều ý kiến thắc mắc về phương cách làm việc của ông Hùng. Thắc mắc lớn nhất là, tại sao việc xác minh lại được giao cho ông Hùng, chính là người điều tra vụ bà Bông, cũng chính là người điều tra vụ án vườn điều. Một người được khen thưởng về thành tích phá 2 vụ án nghiêm trọng này, sao có thể được giao xác minh đơn tố cáo rằng sự thật không như ông đã điều tra ra?
          Trở lại việc bà Bông bị giết. Cơ quan điều tra xác định ông Nén là hủ phạm duy nhất. Nhưng anh Thành tố cáo rằng có 2 kẻ tham gia vụ này. Ở hiên nhà bà Bông và trên ghế xa lông trong nhà có 4 dấu chân không dép, kích thước khác nhau. Đây là dấu chân của cùng một người hay của hai người khác nhau? Theo KLĐT, ông Nén lấy được 1 chỉ vàng nhưng làm mất ngay khi chạy khỏi nơi gây án. Khi được dẫn về dựng lại hiện trường, ông Nén lúng túng không biết làm như thế nào... Trong bài “Những câu hỏi quanh vụ bà Bông bị giết” trên báo Tiền Phong số ra ngày 2/7/2001, chúng tôi đã nêu nhiều điều mâu thuẫn trong việc điều tra, kết tội ông Nén, đề nghị phục hồi điều tra xét xử vụ bà Bông theo trình tự giám đốc thẩm. Việc đó càng cần thiết vì nó liên quan chặt chẽ với việc làm sáng tỏ sự thật vụ án vườn điều”. Bài trên báo Tiền Phong nhấn mạnh.
                                                                                                       Nguyễn Đình Quân 



Thứ Hai, 30 tháng 11, 2015

Giải thoát và đè nặng

Cụ Huỳnh Văn Truyện, ông Huỳnh Văn Nén, bà Ngân, bà Cẩm…đều đã được giải thoát khỏi những nỗi niềm oan khiên, bi phẫn. Nhưng nhìn lại những ngày dài trong u tối của họ, tôi muốn hỏi những người đã làm nên oan trái, có cảm thấy lương tâm đang đè nặng lên họ hay không?

Bốn giờ sáng ngày 29/11, buổi sáng đầu tiên được hoàn toàn tự do của công dân Huỳnh Văn Nén, ông dậy phụ vợ dọn hàng hủ tiếu, mang ra cạnh chợ Tân Minh bán. So với một tháng trước, khi được tại ngoại để chữa mắt, ông Nén hoạt bát, tự tin hơn hẳn. Ngày 5/11, ông đã được Bệnh viện Mắt Thành phố Hồ Chí Minh mổ cườm mắt phải, kết quả rất tốt. “Tôi đã chính thức được quyền công dân như mọi người, đi đâu tùy thích không phải khai báo, mắt tôi đã sang lại, trong lòng tôi không còn mặc cảm nữa, không vui sao được”. Ông Nén nói. Trước kia, bà Nguyễn Thị Cẩm, vợ ông Nén bán hủ tiếu và bánh canh trong chợ Tân Minh, gần khu bán cá, ít khách ăn. Khoảng 4 tháng nay, bà Út ở khu phố 2 thị trấn Tân Minh cho bà Cẩm bán bánh canh trước nhà, lại dành cả một khoảng sân cho bà Cẩm kê mấy bàn cho khách ăn, không lấy tiền thuê. Hoàn cảnh nhà người ta còn nghèo túng lắm, mình không giúp được gì nhiều, nỡ lòng nào lấy tiền. Bà Út nói.
Hơn bảy giờ sáng, bà Huỳnh Kim Ngân, chị ruột ông Nén dẫn con dâu và hai cháu nội đến ăn hủ tiếu ở quán bà Cẩm. Rồi mẹ đẻ bà Cẩm là bà Năm Gấm, em ruột bà Cẩm là Nguyễn Thị Tiến và cháu ruột bà Cẩm là Trần Thanh An cùng đến ăn và trò chuyện vui vẻ với bà Ngân. Họ đều là những người chịu án tù oan trong vụ án vườn điều. Thấy bà Ngân vui vẻ trò chuyện với họ, tôi nhớ đến cảnh bà thu mình ngồi một góc ở những phiên tòa vụ án vườn điều, mươi năm trước. Trong nét mặt, ánh mắt của bà Ngân khi đó, có nỗi buồn, có bóng tối của sự tủi hổ, có nỗi đau khó chia sẻ được với ai. Ông Nén, em trai bà đang thụ án tù chung thân vụ bà Lê Thị Bông bị giết, lại là bị cáo trong phiên tòa vụ án vườn điều, nhưng cũng chính là người đã có lời khai rằng các bị cáo khác đã cùng giết bà Dương Thị Mỹ. “Chị của kẻ đã giết bà Lê Thị Bông, chị của kẻ đã khai rằng vợ mình và những người thân của vợ đã giết bà Dương Thị Mỹ”, bà Ngân bị hầu hết những người dự tòa, ở cả hai phía xa lánh. Sau này, nhiều người mới biết rằng, chính vợ chồng bà đã góp phần rất lớn, cả về tinh thần, công sức và tiền của để đi kêu oan, giải oan cho ông Huỳnh Văn Nén và các bị can khác trong vụ án vườn điều.        
        Nụ cười tươi, gần 18 năm mới có lại của cha con cụ Huỳnh Văn Truyện
  Tám giờ sáng, sau một đêm hành trình từ quê nhà là xã Thới Bình (Thới Bình, Cà Mau), cụ Huỳnh Văn Truyện, cha ông Huỳnh Văn Nén ra tới Tân Minh. Ngồi trò chuyện với con cháu, cụ Truyện hết cỡ, cười phô hàm răng chỉ còn  vài chiếc, nụ cười mãn nguyện của người cha vĩ đại. Hơn 17 năm kiên trì, quyết liệt đi kêu oan cho con, nay đã có kết quả tốt đẹp, còn niềm vui nào lớn hơn đối với cụ già đã sắp sang tuổi 91.

          Cụ Truyện, ông Nén, bà Ngân, bà Cẩm…đều đã được giải thoát khỏi những ưu tư, khắc khoải, những nỗi niềm oan khiên, bi phẫn. Ông Nguyễn Thận, nguyên Chủ tịch UBND xã Tân Minh, người tự nguyện mang gánh nặng đi tìm công lý cho những người dân cũng đã nở nụ cười tươi khi tâm nguyện của ông thành hiện thực. Nhưng nhìn lại những ngày dài trong u tối của ông Nén, của vợ con ông, của các bị can trong vụ án vườn điều, tôi muốn hỏi những người đã làm nên oan trái, có cảm thấy lương tâm đang đè nặng lên họ hay không?     

Thứ Tư, 25 tháng 11, 2015

NGƯỜI BẠN CAMPUCHIA

Anh… Trong thời gian học tập của em hơn 8 tháng rồi em nhớ anh lắm và rất buồn vì em nhận tin là anh bị ngã ô tô… Anh Long đưa tin này bảo hộ em. Em biết như vậy em về nhà ngai, em viết thư gửi cho anh hỏi thăm anh…

Hôm qua kôru pết (bác sĩ) Đỗ Văn Thái vào Nha Trang mở lớp tập huấn kỹ năng giao tiếp, ứng xử cho cán bộ y tế, ngồi cà phê cùng ôn chuyện xưa mới nhớ ra, sang Campuchia cuối tháng 11/1985, nay vừa tròn 30 năm. Về nhà, lục giấy tờ cũ để xem đặt bước chân đầu tiên sang K chính xác là ngày nào. Chưa tìm thấy cái muốn tìm, nhưng lại thấy phong bì thư của Hing Sao (thực ra tiếng Khmer là Hing Saư) gửi hồi tháng 4/1987. Một anh lính Campuchia đang ở Hà Nội gửi thư cho một anh lính Việt Nam đang ở Phnom Penh.
Hồi đó, tôi ở được cử về Xưởng Quân khí ở quận Tuol Kork, phía Tây Bắc Phnom Penh, cấp bậc chùm-nuôi-ca bây (trợ lý 3, lính K gọi là sạ bây – quan ba). Hing Saư là lính thợ ở xưởng, chắc bằng tuổi tôi, cao trên 1m70, da đen nhất xưởng, nụ cười hiền lành, chăm chỉ và tháo vát, đã có vợ và một con nhỏ. Nhà Hing Saư ở cạnh xưởng, có cây xoài kiến vàng hay kết lá làm tổ. Lần đầu tiên tôi được ăn canh chua thịt chó nấu với tổ kiến vàng là ở nhà Hing Saư, nguyên tổ kiến gồm cả lá xoài, kiến và trứng kiến vừa hái trên cây được bỏ thẳng vào nồi quân dụng hầm xương chó. Bê bát canh nóng hổi, uống thứ nước vừa ngọt, vừa dôn dốt chua vừa dìu dịu thơm, ôi chao! Vợ Hing Saư cũng hiền lành như chồng, bán cá ở chợ Tuol Kork. Nhà nghèo, vốn ít nên chỉ mua bán gánh cá nhỏ, người ta bán cá lóc cỡ bắp chân thì vợ Hing Saư chỉ có cá cơ 2- 3 ngón tay, to nhất bằng cổ tay. Ông bạn Trần Tiến Đạt, nay làm ở Vinaphone có lúc trách, chợ toàn cá to sao mày không mua, toàn mua cá nhỏ. Bảo mua ủng hộ vợ chồng Hing Saư. Sau này Đạt đi chợ cũng hay mua cá nhà Hing Saư.
Cuối năm 1986, Hing Saư được chọn đi học ở Nhà máy Z133, Gia Lâm, Hà Nội. Đầu năm 1987 một đoàn công tác của Nhà máy Z133 đi sửa chữa vũ khí ở khu vực Pailin, khi về có ghé Xưởng Quân khí Tuol Kork, vì có một số cán bộ Z133 làm chuyên gia ở đó. Tôi nhờ họ chuyển lời thăm Hing Saư, không ngờ tháng 4/1987 nhận được thư của anh. Một người bạn thực sự. Dù hồi ở Xưởng Quân khí Tuol Kork tôi cũng đã dạy Hing Saư tiếng Việt, nhưng khi đọc thư Hing Saư tôi vẫn ngạc nhiên vì anh viết tiếng Việt khá tốt, chỉ sau 8 tháng.  


Thêm: Anh Long, người được Hing Saư nhắc đến là công nhân Z133, tôi quen từ 1983 khi lớp tôi thực tập ở đó. Năm 1986 anh Long cưới vợ là Hương, một công nhân điều khiển cần cẩu ở xưởng sửa chữa pháo của Z133. Hương khỏe mạnh, có duyên, có cá tính, chúng tôi gọi đùa là Hương cẩu. Cuối năm 1987, tôi nghe anh Viên, một chuyên gia Z133 ở Xưởng Quân khí Tuol Kork nói Hương mất vì sốt rét. Có lẽ Long đi Pailin sốt rét, về nhà muỗi đốt Long lại đốt Hương, nên Hương bị lây sốt rét.                       

Thứ Ba, 17 tháng 11, 2015

Tăm tối

"Đề nghị không vay tiền Trung Quốc, không nhận viện trợ từ Trung Quốc".
 Sao không đòi không buôn bán giao thương, không làm ăn với Trung Quốc, tuyệt giao với Trung Quốc luôn đi, ông nghị Trương Trọng Nghĩa!

Thứ Tư, 11 tháng 11, 2015

Tự làm khó mình, làm khó đồng nghiệp

Tôi có nhiều bạn thân quý là luật sư, nên khi cho rằng sau vụ LS Trần Thu Nam và LS Lê Văn Luân bị đánh họ sẽ mất uy tín nghề nghiệp, tôi không muốn bàn về vụ này.
Nhưng đọc đơn của hai LS đòi khởi tố vụ án, khởi tố và bắt giam 8 bị can, thấy các anh làm khó thêm cho mình, làm khó thêm cho đồng nghiệp, nên không cưỡng được sự ngứa miệng nữa.



Khởi tố vụ án? Cũng nên. Nhưng hai LS đòi khởi tố bị can, bắt tạm giam ngay 8 người, để ngăn việc họ thông cung, khai không trung thực, chính điều này làm khó cho hai LS và đồng nghiệp của họ.
Nếu cho rằng việc “đánh hội đồng” hai LS là từ một “âm mưu hèn hạ, dằn mặt các LS bảo vệ em Đỗ Đăng Dư”, thì hẳn 8 người kia đã được bàn bạc, chỉ bảo trước. Vậy bắt giam có tác dụng gì cho việc ngăn họ thông cung? Để ngăn việc ép cung, mớm cung, phải có luật sư cho họ ngay. LS bảo vệ quyền lợi cho 8 người này sẽ không thể bảo vệ quyền lợi của hai đồng nghiệp bị hại, đó là cái khó đầu tiên.
Các LS đó sẽ phải đặt vấn đề với cơ quan điều tra, tuy hành vi các bị can có tính côn đồ, nhưng hậu quả không lớn, có cần thiết bắt tạm giam 8 bị can không? Nếu các LS đó cho rằng không cần thiết bắt tạm giam 8 bị can, đòi cho họ tại ngoại, sẽ trái với đòi hỏi của LS Nam và LS Luân. Đó là cái khó thứ hai.
Nếu các LS đó đồng ý rằng cần bắt tạm giam 8 người kia thì lại mâu thuẫn với quan điểm của hai LS và nhiều LS khác khi muốn bảo vệ quyền lợi của người thân em Đỗ Đăng Dư, rằng việc bắt tạm giam em Dư là không cần thiết. Đó là cái khó thứ 3.
Khi ra tòa - nếu các LS quyết đưa vụ này ra tòa, người ta sẽ phải hỏi về việc tác nghiệp, hành nghề của hai LS trong vụ em Đỗ Đăng Dư. Đó là cái khó nữa.



     

Thứ Ba, 10 tháng 11, 2015

Cần một Vladimir Putin hơn một Aung San Suu Kyi

          Chúc mừng đất nước Myanmar, chúc mừng bà Aung San Suu Kyi, hoan hô ông Thein Sein. Nhiều người ngầm liên hệ Myanmar với Việt Nam, chính quyền quân sự Myanmar với chính thể lãnh đạo Việt Nam. Thực ra sự liên hệ, so sánh đó rất khập khễnh, nhất là về vai trò, vị thế trong lịch sử đất nước và hiện tại.
Cha của bà Aung San Suu Kyi, ông Aung San là người thành lập các đơn vị tiền thân của quân đội Myanmar, cũng là một trong những người có công lớn nhất đưa Myanmar thoát khỏi sự thống trị của đế quốc Anh. Mẹ của bà cũng là một nhà chính trị của Myanmar, từng là Đại sứ Myanmar tại Ấn Độ và Nepal. Chắc chắn, trong hoạt động chính trị của mình, bà Aung San Suu Kyi có những mối liên hệ với các bạn bè, những người đã từng cộng tác với cha, mẹ của bà. Ngoài phẩm chất cá nhân, sự thành công hôm nay của bà Aung San Suu Kyi còn có phần từ những mối quan hệ đó, từ vị thế của gia đình bà trong chính trường Myanamar. Còn ông Thein Sein và chính quyền quân sự không phải những người mang lại nền độc lập cho Myanmar, và họ nắm quyền qua một cuộc đảo chính.

Có người cho rằng Việt Nam cần một Aung San Suu Kyi, nhưng tôi cho rằng Việt Nam không cần một Aung San Suu Kyi (cũng không thể có), mà cần một Vladimir Putin, hoặc một Tập Cận Bình. Khi đất nước có kỷ cương chưa chặt, có nhiều người chỉ biết nói và làm bậy hơn người biết làm, cần có người có tài, có trí, có chí và uy điều hành đất nước.
          Việc đảng NLD của bà Aung San Suu Kyi thắng lợi trong cuộc bầu cử vừa qua là bước tiến lớn của nền dân chủ Myanmar, nhưng còn quá sớm để nói về sự phát triển của đất nước này dưới sự cầm quyền của NLD.
Tại Đông Nam Á, Phillippines là nền dân chủ lâu đời nhất. Nhưng nền kinh tế Philippines lại là nền kinh tế kém cỏi nhất trong các nước ASEAN “cũ”, thu nhập bình quân đầu người của Phi chỉ cao hơn không nhiều so với thu nhập bình quân của Việt Nam. Joseph Estrada, Tổng thống thứ 13 của Philippines (30/6/1998 – 20/1/2001) từng rất được người dân nghèo ở nông thôn Philippines hâm mộ, là người đắc cử tổng thống với tỉ lệ phiếu bầu cao nhất trong các cuộc bầu cử tổng thống ở Philippines. Thế nhưng chỉ nửa nhiệm kỳ, ông đã bị phế truất.

Trong “4 con hổ châu Á”, ngoại trừ Hồng Kông, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore đều có hàng chục năm phát triển mạnh mẽ dưới thể chế “độc tài”, ít dân chủ. Hiện nay, nền dân chủ tại những nơi này đang mở mang, trên cơ sở nền kinh tế phát triển và thể chế nhà nước được tổ chức tốt.

Thứ Sáu, 16 tháng 10, 2015

Thà chọn con vua trẻ, cho nghỉ khỏe sãi già

Nói gì thì nói, tôi tin một anh "con vua" 40 tuổi sẽ làm được nhiều cái hay hơn một ông "con sãi" gần 60 tuổi.
Tứ thập nhi bất hoặc, 40 tuổi là quá chững chạc rồi, cũng chẳng trẻ gì nữa.

Thứ Bảy, 26 tháng 9, 2015

Sự trớ trêu của tôn vinh và tưởng vọng

Nếu Hoàng Kế Viêm kém tài, đánh thua và chết vì tay quân Pháp như Nguyễn Tri Phương, có lẽ ông cũng đã được vinh danh!

Nguyễn Tri Phương
Từ cuối năm 1858 đến đầu năm 1860, Nguyễn Tri Phương được cử làm Quân thứ Tổng thống đại thần, chỉ huy khoảng 4000 quân chống lại liên quân Pháp - Tây Ban Nha, quân số khoảng 3000 người ở mặt trận Đà Nẵng. Tỷ lệ quân Việt Nam – liên quân là 4:3. Liên quân bị thiệt hại nặng, đến ngày 22/3/1860 rút hết khỏi Đà Nẵng. Chiến dịch này được coi là thắng lợi duy nhất trong cuộc chiến chống Pháp của quân triều đình Huế. Tuy nhiên, có những lúc phía liên quân chán nản, kiệt quệ do mất nhiều binh lính vì chết trận và dịch bệnh, nhưng đại quân của Nguyễn Tri Phương cứ án binh bất động, không chủ động tiến công đánh đuổi quân cướp nước. Vì vậy, Nguyễn Tri Phương bị vua Tự Đức trách "sợ oai giặc" và gieo vào dân chúng sự lo lắng hãi hùng.
Ngày 17/2/1859, quân Pháp đánh chiếm thành Gia Định. Tháng 8/1860, Nguyễn Tri Phương được sung chức Gia Định quân thứ, Thống đốc quân vụ cùng Tham tán đại thần Phạm Thế Hiển trông coi việc quân sự ở miền Nam. Nguyễn Tri Phương củng cố đại đồn Chí Hòa để đối phó các cuộc tiến công của quân Pháp. Nhưng ngày 24/2/1861 và ngày 25/2/1861, quân Pháp công phá đại đồn Chí Hòa, Nguyễn Tri Phương bị thương, đại đồn thất thủ. Em ruột ông là Nguyễn Duy tử trận. Trận này, lực lượng quân Việt Nam có khoảng 30.000 người, quân Pháp có khoảng 5.000 quân, tỷ lệ 6:1. Sau trận đại bại Chí Hòa, sĩ khí quân lính và quan lại ta suy giảm nặng nề, triều đình Huế từ chủ trương "thủ để hòa" chuyển sang "chủ hòa", Việt Nam để mất dần từng phần đất vào tay thực dân Pháp.
Rạng sáng ngày 20/11/1873, đại úy Francis Garnier và tay lái buôn Jean Dupuis tiến đánh thành Hà Nội. Khi đó Nguyễn Tri Phương là Khâm sai đại thần, thay mặt triều đình đảm trách việc quân sự ở Bắc Kỳ. Năm 1860, trong sớ tâu về Kinh, ông nêu lý do không chủ động đánh đuổi quân Pháp - Tây Ban Nha ở Đà Nẵng: Quân ta có nhiều kẻ sợ sệt, lạ nước lạ non, sức chiến đấu rất kém, với thực lực ba quân như thế, giữ thủ chưa xong, huống hồ là tấn công địch. Mười ba năm sau, đã chỉ huy quân đội trải qua trận đại chiến Chí Hòa, Nguyễn Tri Phương không nâng được tinh thần và năng lực chiến đấu của quân sĩ dưới quyền. Hơn 7000 quân triều đình ở Hà Nội không địch nổi hơn 300 quân Pháp (tỷ lệ 20:1), tan rã rất nhanh. Chỉ trong một giờ, quân Pháp đã treo cờ tam tài lên vọng lâu thành Hà Nội. Hơn hai nghìn quân triều đình bị bắt làm tù binh, con trai Nguyễn Tri Phương là phò mã Nguyễn Lâm bị trúng đạn chết tại trận, phía quân Pháp chỉ có một người lính đánh thuê Vân Nam bị chết, do một sỹ quan Pháp bắn nhầm!
Thất bại của Nguyễn Tri Phương ở Hà Nội khiến quân triều đình mất hết nhuệ khí, đại úy Francis Garnier cho quân đi đánh lấy các tỉnh Ninh Bình, Nam Định và Hải Dương dễ như trở bàn tay. Như ở thành Ninh Bình, 1.700 binh lính hạ vũ khí đầu hàng một toán quân Pháp chỉ có 7 người.  
Nguyễn Tri Phương cũng bị trọng thương, được lính Pháp cứu chữa nhưng ông khảng khái từ chối và nói rằng: “Bây giờ nếu ta chỉ gắng lây lất mà sống, sao bằng thung dung chết về việc nghĩa.” Sau đó, ông tuyệt thực và mất vào ngày 20/12/1873, thọ 73 tuổi. 
Chỉ một ngày sau khi Nguyễn Tri Phương mất, ngày 21/12/1873 Hoàng Kế Viêm và Lưu Vĩnh Phúc tổ chức mai phục, giết chết Fracis Garnier tại Cầu Giấy.

Hoàng Kế Viêm
Năm 1873, Hoàng Kế Viêm (tên thật là Hoàng Tá Viêm) đang là Thống đốc Tam Tuyên (Sơn Tây, Hưng Hóa, Tuyên Quang). Sau khi đại úy Fracis Garnier đánh chiếm thành Hà Nội và bắt được Nguyễn Tri Phương, Hoàng Kế Viêm được cử làm Tiết chế Bắc Kỳ quân vụ, chức vụ quân sự cao cấp nhất tại miền Bắc.  Ngày 21/12/1873, ông và thủ lĩnh quân Cờ Đen là Lưu Vĩnh Phúc tổ chức mai phục, giết chết được Francis Garnier tại Cầu Giấy. Garnier bị giết, quân Pháp ở thành Hà Nội hoang mang đã tính cách bỏ thành chạy về Gia Định theo đường thủy. Sau đó, Pháp rút hết quân khỏi Hà Nội, trao trả lại Bắc Kỳ cho nhà Nguyễn.
Ngày 25/4/1882, đại tá Hải quân Pháp Henri Rivière đánh chiếm được thành Hà Nội. Đến ngày 19/5/1883, Rivière lại bị quân của Hoàng Kế Viêm và Lưu Vĩnh Phúc giết chết tại Cầu Giấy.
Năm 1884, triều đình ký Hòa ước Giáp Thân (1884) với Pháp. Sau đó, vua Kiến Phúc đã ra lệnh cho Hoàng Kế Viêm lúc đó đang đóng ở Sơn Tây rút quân về Huế, nhưng ông không tuân lệnh, vẫn ở lại đánh Pháp. Mãi đến khi Sơn Tây và Hưng Hóa thất thủ, ông mới chịu về Huế, nhưng cương quyết không hợp tác với phe chủ hòa. Ông xin về trí sĩ nhưng không được, mãi đến đời vua Thành Thái, năm 1889 ông mới được nghỉ hưu, về quê (làng Văn La, tổng Văn Đại, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) sống đến khi mất (1909), thọ 89 tuổi.

Bây giờ, có nhiều đường phố, trường học, bệnh viện mang tên Nguyễn Tri Phương. Trong khi Hoàng Kế Viêm, người tổ chức giết chết kẻ đã đánh bại Nguyễn Tri Phương vẫn chưa được nhìn nhận, tưởng vọng xứng đáng.   






Thứ Năm, 3 tháng 9, 2015

Núi Le 2015

Mấy lần ra đá Núi Le, chỉ thấy có hai điểm Núi Le A và Núi Le B. Bây giờ thấy mấy bạn Trung Quốc đưa hình ảnh đá Núi Le có 4 điểm có người trú đóng, hai điểm mới ở phía Nam to hơn hai điểm cũ, có luồng lạch to rộng. Các bạn ấy còn nói rằng diện tích hai điểm mới đến 20ha. Hoang mang quá, he he!  




Thứ Bảy, 29 tháng 8, 2015

Biển Đông, tranh chấp đa phương, đa chiều lợi ích

Tự ta phải giữ chủ quyền cho ta thôi, chớ tin kẻ "cờ ngoài", đừng trông chờ thằng nào.

Tổng quan tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa

          Việt Nam có đầy đủ bằng chứng pháp lý, lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; Việt Nam là quốc gia đầu tiên xác lập chủ quyền và là quốc gia duy nhất quản lý liên tục, hòa bình, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Tuy nhiên, Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và toàn bộ quần đảo Trường Sa. Hơn thế, Trung Quốc còn đưa ra “đường lưỡi bò - cow's tongue line”, đòi chủ quyền hơn 80% diện tích Biển Đông. Đài Loan (Trung Quốc) cũng tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và toàn bộ quần đảo Trường Sa. Philippines tuyên bố chủ quyền đối với phần lớn quần đảo Trường Sa (trừ đảo Trường Sa và bãi Đá Lát ở phía Tây, một số bãi ở phía Nam quần đảo), gọi khu vực nước này tuyên bố chủ quyền là Nhóm đảo Kalayaan. Malaysia tuyên bố chủ quyền một phần phía Nam quần đảo Trường Sa. Bruney cũng cho rằng một phần khu vực quần đảo Trường Sa thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước này. Theo tài liệu của Ủy ban Biên giới quốc gia Việt Nam, Trung Quốc đang chiếm đóng 7 bãi đá tại quần đảo Trường Sa, Đài Loan (Trung Quốc) chiếm đóng đảo lớn nhất trong quần đảo là đảo Ba Bình, Philippines đang chiếm đóng 9 đảo, bãi trong quần đảo Trường Sa, Malaysia đang chiếm đóng 5 đảo, bãi trong quần đảo Trường Sa.
Yêu sách chủ quyền của các nước tại Biển Đông 
          Như vậy, tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông là vấn đề quốc tế, đa phương, khá phức tạp (trong bài này tôi chỉ nêu những tranh chấp liên quan đến quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, không nêu nhiều tranh chấp chủ quyền khác và những tranh chấp không phải về chủ quyền mà về lợi ích). Lâu nay, Trung Quốc không chịu đàm phán quốc tế, đa phương, chỉ muốn đàm phán song phương với từng nước có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông với Trung Quốc. Lập trường này của Trung Quốc nhằm phục vụ những lợi ích, mưu đồ của họ, nên không được Việt Nam và nhiều nước khác chấp nhận. Thế nhưng tại Việt Nam, một số người lại có hướng cho rằng các vấn đề, sự kiện ở Biển Đông, ở Trường Sa chỉ là vấn đề giữa Việt Nam và Trung Quốc. Cách nhìn ấy sẽ dẫn đến những luận giải, phản ứng chưa đúng.

Thái độ của quốc tế

          ASEAN sẽ ủng hộ Việt Nam tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa?
Chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa là vấn đề tranh chấp giữa Việt Nam với Trung Quốc (và Đài Loan, Trung Quốc), không có nước ASEAN nào tranh chấp với Việt Nam, nhưng đến nay chưa có dấu hiệu cho thấy ASEAN sẽ nghiêng hẳn về phía Việt Nam trong cuộc tranh chấp này. Tại quần đảo Trường Sa, ngoài Trung Quốc (và Đài Loan, Trung Quốc), Việt Nam có tranh chấp chủ quyền với 3 nước ASEAN khác, nên càng khó có chuyện ASEAN ủng hộ Việt Nam tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, vì điều đó sẽ ảnh hưởng đến yêu sách chủ quyền của 3 nước thành viên ASEAN kia.
Trung Quốc triệt để lợi dụng, khai thác việc 4 quốc gia thuộc ASEAN có tranh chấp chủ quyền tại quần đảo Trường Sa, có mâu thuẫn với nhau về lợi ích tại đây để dụ dỗ từng nước đàm phán riêng lẻ với Trung Quốc. Nếu các nước ASEAN có tranh chấp với nhau về chủ quyền tại Trường Sa không tạm gác tranh chấp, không hợp tác với nhau để đối phó với Trung Quốc mà tìm cách “ăn mảnh”, sẽ chỉ có Trung Quốc được lợi.    

Mỹ sẽ giúp Việt Nam đến mức nào trong các tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông?
          Năm 1974, Mỹ đã làm ngơ, nếu không muốn nói là đã có thỏa thuận ngầm với Trung Quốc, để Trung Quốc chiếm trọn phần phía Tây quần đảo Hoàng Sa đang có quân đội Việt Nam Cộng hòa, đồng minh của Mỹ canh giữ. Trước đó, Mỹ đã để cho Philippines chiếm giữ nhiều đảo ở quần đảo Trường Sa từ tay đồng minh Việt Nam Cộng hòa.   
          Hiện nay, Mỹ tuyên bố không bênh vực bên nào trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông, Mỹ phản đối hành động của Trung Quốc bồi đắp đảo nhân tạo ở Trường Sa. Thế nhưng, quan niệm của Mỹ về quần đảo Trường Sa lại có phần giống với quan niệm của Trung Quốc hơn của Việt Nam, có lợi cho Trung Quốc hơn.  
Gần đây một số báo nhắc tới việc, ngày 13/5/2015 Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ David Shear nói trong phiên điều trần tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ rằng, Việt Nam đang có 48 điểm đóng quân ở Trường Sa. Thực sự, Việt Nam đang đóng giữ 9 đảo và 12 đá, bãi (đảo chìm) ở Trường Sa, với 33 điểm đóng quân. Vậy ông David Shear đếm sai? Ông ta không đếm sai, mà đã tính cả 15 nhà giàn DK1 ở thềm lục địa phía Nam Việt Nam vào số cơ sở của Việt Nam ở Trường Sa.
Nhà nước Việt Nam khẳng định, khu vực các nhà giàn DK1 trên các bãi cạn Phúc Tần, Phúc Nguyên, Tư Chính, Quế Đường, Vũng Mây, Huyền Trân nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, không thuộc quần đảo Trường Sa, hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam, không có tranh chấp với bất kỳ quốc gia nào. Trong khi đó, Trung Quốc cho rằng quần đảo Trường Sa bao gồm hầu hết phần phía Nam đường lưỡi bò mà họ tùy tiện vẽ ra, có cả khu vực nhà dàn DK1 của Việt Nam. Mỹ cũng cho rằng khu vực các bãi cạn Phúc Tần, Phúc Nguyên, Tư Chính, Quế Đường, Vũng Mây, Huyền Trân thuộc quần đảo Trường Sa. Như vậy, một vùng biển rộng lớn thuộc chủ quyền Việt Nam đã bị Mỹ coi là vùng có tranh chấp. Đây là điều hợp với mong muốn của Trung Quốc, có lợi cho Trung Quốc.

Bản đồ của CIA về quần đảo Trường Sa, bao gồm cả bãi  Phúc Tần (Prince of Wales Bank), bãi  Phúc Nguyên (Prince Consort Bank), bãi Huyền Trân (Alexandra Bank), bãi Quế Đường (Grainger Bank), bãi Vũng Mây (Rifleman Bank) và bãi Tư Chính (Vanguard Bank)
Hơn thế nữa, tháng 5/1992 công ty Crestone Energy của Mỹ đã ký với Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) hợp đồng thăm dò dầu khí ở các lô 133 – 134 – 135 trên thềm lục địa Việt Nam, cạnh bãi ngầm Tư Chính (Trung Quốc gọi là Vạn An Bắc-21). Cho đến năm 1994, công ty Crestone Energy mới ngưng việc thăm dò ở khu vực bãi Tư Chính, sau khi gặp những phản ứng quyết liệt của Việt Nam. Tuy Chính phủ Mỹ tuyên bố không biết, không liên quan đến hợp đồng giữa công ty Crestone Energy với Trung Quốc, nhưng có cơ sở để tin rằng Crestone ký hợp đồng với CNOOC vì biết Chính phủ Mỹ coi bãi Tư Chính không thuộc chủ quyền Việt Nam. Đến nay, những lời nói của Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ David Shear một lần nữa cho thấy, Mỹ tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đến mức nào.   
Khu vực Crestone Energy ký hợp đồng thăm dò với Trung Quốc
  Đã có quốc gia nào chính thức công nhận Việt Nam có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa? Tôi chưa thấy. Cũng chưa thấy quốc tế công nhận Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của bất cứ quốc gia nào khác. 
          
          Thêm:
          Nếu có xung đột vũ trang giữa Việt Nam với Trung Quốc tại Hoàng Sa hay Trường Sa, nếu Việt Nam la rằng Trung Quốc xâm lược, có ai la theo rằng Trung Quốc xâm lược Việt Nam không? Không. Cùng lắm, sẽ có vài tiếng nói lên án Trung Quốc hung hăng gây hấn, sau đó kêu gọi hai bên kìm chế, tránh leo thang xung đột, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở pháp lý quốc tế, vân vân và vân vân. Nhưng nếu ta không khôn khéo xử lý trước sự càn rỡ khiêu khích của đối phương, nóng máu hành động, có khi kẻ bị lên án lại là ta đó.