Thứ Bảy, 20 tháng 6, 2015

Nhớ Bố và hai Anh

  Buổi tối mùa hè ngột ngạt nóng, đứng gió. Bỗng ánh chớp lóe lên, rồi tiếng sét giật kinh hồn. Mưa ập xuống. Điện tắt. Bố lấy đèn pin, mặc áo mưa, đeo cái túi Mẹ khâu bằng vải cũ, bước ra ngoài màn đêm, trong làn nước mưa quất ràn rạt. Vài giờ sau Bố về, trong túi đầy ếch và nhái Bố bắt ở đồng Yên Phúc, đồng Xa La. Dù có áo mưa nhưng người Bố vẫn ướt sũng, những ngón tay Bố nhăn nheo vì ngâm nước. Cũng có khi Anh Tuấn, khi ấy khoảng 14 – 15 tuổi đi bắt ếch với Bố. Ếch chặt miếng để kho, còn nhái mẹ băm nhỏ trộn với lá lốt, làm chả. Trong bữa ăn, Bố hay kể chuyện ngày Bố còn nhỏ, nhỏ như Anh Tuấn khi đó. Mùa gặt, Bố theo người làng lên tận Thái Nguyên gặt lúa thuê. Mùa đông, Bố đi bắt ốc, đánh giậm bắt tép ở những khu đồng trũng, ao. Trời rét cắt da mà vẫn phải lội nước, có khi lạnh quá chim teo đâu mất, Bố kể và cười.
  Năm 1989, Huy Toàn vừa đầy năm, Bố đi xe khách từ Hà Đông vào Tuy Hòa thăm cháu nội. Đến Hương Trà ở Thừa Thiên – Huế, xe bị lật xuống ruộng nước bên đường. Lúc đó Bố đã 65 tuổi, bị người ta dẫm đạp lên, nằm trong nước mãi mới dậy nổi. Lên được đường nhựa, sợ xe khách chạy ẩu, Bố vẫy xe tải xin đi nhờ. Nhưng đến Quảng Nam, xe Bố xin đi nhờ lại bị tai nạn… Khi trở ra, Bố đi tàu hỏa, không đi xe khách nữa.
  Tháng 6/2004, con cháu từ Nha Trang ra Hà Đông. Bố ôm lấy Huy Toàn, ôm lấy Phương Anh, nói vui quá, mà nước mắt Bố giàn giụa. Ai ngờ, chỉ mấy ngày sau Bố đi xa.
 Một sớm mùa hè năm 1994, cả nhà còn đang ngon giấc trong căn nhà ở hẻm nhỏ gần biển Tuy Hòa, bỗng nghe tiếng Anh Tuấn gọi Quân ơi, Tuyến ơi. Mở cửa nhìn ra, ngỡ ngàng thấy Anh Tuấn đang đứng ở cổng. Ngày ấy, Bố thấy vợ chồng con trai chỉ có chiếc giường ọp ẹp, nên mua gỗ, gọi thợ đóng một chiếc giường. Chị Tuyết gửi từ Nga về một chiếc xe Suzuki Birdie 50 cũ, Anh Tuấn sửa lại ngon lành để gửi cho thằng em, lúc đó chỉ có chiếc xe đạp. Có người bạn Anh Tuấn chạy xe tải vào miền Nam, Anh Tuấn gửi chiếc giường Bố đóng và chiếc Suzuki Birdie, Anh cũng theo xe. Xe vào đến Tuy Hòa lúc nửa đêm. Khi đó, nhà em vừa chuyển, Anh có địa chỉ nhưng nhà trong hẻm khó tìm, lại giữa đêm khuya, chẳng có điện thoại để gọi. Anh Tuấn xin anh trực bảo vệ ở cổng trường Ngân hàng bên đường Nguyễn Huệ cho để nhờ cái xe máy và chiếc giường, rồi ngồi chờ trời sáng để đi tìm nhà em…

Anh Tuân không đi bắt ếch với Bố như Anh Tuấn, nhưng hay đi mò trai, mò trùng trục ở sông Nhuệ, đi bắt cua ở đồng Xa La. Từ khi em 10 tuổi, em cũng hay đi mò trai, đi bắt cua với Anh. Sông Nhuệ khi đó còn là dòng nước phù sa màu mỡ, không tù đọng hôi thối như bây giờ. Hai anh em, mỗi đứa ôm một cái chậu đi dưới lòng sông, lấy chân rà, thấy trai thì ngụp xuống móc lên. Để bắt trùng trục thì lội ven bờ sông, dùng cái rổ xúc phù sa lên, chà rửa cho phù sa trôi đi, còn trùng trục hoặc hến ở lại. Chị Tuyết cũng hay đi bắt trùng trục, bắt hến.
Đi bắt cua, hai anh em thường đi ra đồng làng Xa La sau khi ăn cơm trưa. Trời nắng nóng, cua hay ngoi lên bờ. Nhưng cũng có nhiều con chui trong hang sâu ở bờ ruộng. Thấy có “mà”, là đám bùn đùn ra lấp cửa hang, hầu như chắc chắn trong đó có cua cái. Hang không có “mà”, có khi không có cua, mà có chú rắn nước ở trong. Hai anh em đều từng có lần bị rắn nước cắn khi thọc tay vào hang, ngưa ngứa một lúc rồi hết. Bị cua cắp là chuyện quá thường. Cũng có lúc anh em làm cái móc bằng dây thép để móc cua ra, không cần dùng tay thọc vào hang. Nhưng em móc không khéo, hay làm rách con cua, nên vẫn quen dùng tay. Có hôm hai anh em mang theo cái lọ thủy tinh, để bỏ những con cá săn sắt bắt được. Trời nắng nóng, cá săn sắt phun bọt thành cái mái che nắng, rồi núp dưới cái mái bọt. Vọc tay nhanh dưới mái bọt ấy là bắt được chú cá săn sắt. Mang về nuôi, các chú đẹp và chọi hay không kém cá chọi.

Bố và hai Anh đều đã đi xa. Hôm nay là giỗ Bố, con lại nhớ những kỷ niệm xưa. Nhớ khi cả nhà quây quần bên mâm cơm có chả nhái. Nhớ những đêm trời nóng mà mất điện, bố quạt cho con ngủ. Nhớ khi Bố mắng vợ chồng con, chúng mày nuôi con thế nào mà chúng nó gầy như con mắm thế kia. Nhớ khi Anh Tuấn vào Tuy Hòa, đêm ngủ cùng Huy Toàn, lâu lâu cháu lại ngồi dậy nhìn lom lom vào mặt bác, nói bác giống bố cháu i sì. Nhớ khi Anh Tuân vào thăm chúng em ở Nha Trang, lúc đó nhà em chưa sửa lại, chỗ gường Anh nằm bị dột khi mưa, phải lấy áo mưa phủ lên màn…    


Thứ Sáu, 19 tháng 6, 2015

Những trải nghiệm, thấu cảm ở Trường Sa

          Tôi đã đi công tác tại Trường Sa 5 lần. Mỗi chuyến đi là một lần trải nghiệm, để hiểu thêm nỗi gian truân, lòng can trường của những người lính nơi đầu sóng, để thấu cảm sự thiệt thòi, hy sinh thầm lặng của những người phụ nữ ở hậu phương.

Lính đứng vời trông, lệch cả đảo chìm

Tháng 4/1996, lần đầu tiên tôi được đi thăm Trường Sa. Trừ khu vực giữa đảo có một số cây xanh, hầu khắp đảo Trường Sa là những căn nhà lợp tôn trên nền cát san hô, trắng nhức mắt dưới cái nắng thiêu đốt. Đảo Trường Sa Đông bây giờ rộng rãi, rợp bóng cây xanh, nhưng lúc đó nhỏ không bằng một sân bóng, hầu như không một bóng cây. Ở các đảo chìm Đá Tây, Đá Lát, Đá Đông, bộ đội ở trong những ngôi nhà lâu bền xấu xí, như những chiếc lô cốt, bên cạnh vẫn còn nhà cao chân dựng từ năm 1988, nay dùng để trồng rau. Những mảnh “ruộng rau” bé bằng chiếc chiếu, được lính đảo che chắn kỹ, vừa ngăn gió vừa ngăn chuột. Chỉ tiêu ăn rau muống, rau mồng tơi hàng ngày của cả đảo được tính bằng từng ngọn, từng lá. Đại úy Đỗ Quốc Bình, đảo trưởng đảo Trường Sa Đông nói, mỗi ngày lính đảo được hơn chục lon Pepsi. Sang thế? Nhưng đó là lon Pepsi để đong định suất nước hàng ngày cho mỗi người… 
Cánh nhà báo thường được đi chuyến xuồng đầu tiên từ tàu vào đảo. Xuồng còn cách mép nước hàng chục mét, lính đảo đã lội nước ào ra để kéo xuồng cập đảo. Những nụ cười tươi, những cái ôm thật chặt. Nhưng sau đó, ánh mắt lính đảo lại đăm đắm hướng ra chuyến xuồng sau. Trên tờ báo tường của đảo Đá Đông, tôi đọc thấy câu thơ: “Đoàn văn công theo con tàu đang tới, lính đứng vời trông, lệch cả đảo chìm…” Chỉ khi thấy rõ các cô gái văn công trên xuồng, niềm vui của họ mới bùng ra hết cỡ. Cả năm trời chỉ có mấy “thằng” với nhau, lính đảo khát khao được thấy, được nắm tay một cô gái, được nghe một giọng nói dịu dàng. Nhưng khi văn công lên đảo rồi, các anh lại trở lên vụng về, không dám làm quen. “Nhiều anh cứ ngồi nhìn, chẳng nói gì chỉ say sưa ngắm bọn em thôi, thương lắm.” Thanh Thủy, Đoàn ca múa Tổng cục Chính trị nói với tôi.   

Tấm lòng với người đã khuất

          Tháng 3/2009, thấy một số người nói rằng sự kiện ngày 14/3/1988 tại các đảo Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin bị giấu nhẹm, tôi chụp ảnh toàn bộ các bài viết trên báo Nhân Dân từ tháng 2/1988 đến tháng 4/1988 về việc Trung Quốc xâm chiếm Trường Sa năm 1988, đưa lên blog của tôi. Trong đó, có danh sách 74 người hy sinh và bị coi là mất tích trong sự kiện 14/3/1988, được đăng ở báo Nhân Dân số ra ngày 28/3/1988 (sau này, Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân cung cấp cho tôi danh sách chính thức 64 liệt sĩ đã hy sinh ngày 14/3/1988). Trong những người lính đã kết thành “vòng tròn bất tử” trên đảo Gạc Ma, có liệt sĩ Võ Đình Tuấn, quê ở thôn Phú Hữu (xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa).
Ngày 22/12/2010, trước khi được ra Trường Sa lần thứ hai, tôi tìm về thôn Phú Hữu. Cụ Võ Ta, cha của liệt sĩ Võ Đình Tuấn tự tay viết và trao cho tôi một lá thư gửi hương hồn người con trai mãi mãi tuổi hai mươi. Sáng 12/1/2011, tại vùng biển cạnh đảo Gạc Ma, trong lễ tưởng niệm những người con đất Việt hy sinh ngày 14/3/1988, trên một chiếc xuồng nhỏ, tôi đọc to rồi hóa vàng lá thư của cụ Võ Ta: “Cha mẹ Võ Ta – Phan Thị Đay tưởng nhớ con Tuấn đã hy sinh ở Trường Sa ngày 14/3/1988. Mong linh hồn con siêu thoát.” Gió cuốn tro thư bay lên cao trước khi hòa vào sóng nước Trường Sa. Ngửa mặt lên trời, tôi thấy như mây trắng quần tụ lại, thành những dáng người đang nhìn xuống, cảm giác như Võ Đình Tuấn và các đồng đội của anh đã nhận được thư của cha mẹ anh. Bài trên báo Tiền Phong, clip bản tin của VTV1 về lễ tưởng niệm được tôi đưa lên blog, với niềm tin: “Không ai bị lãng quên, không điều gì bị lãng quên!”   
     Phóng viên Nguyễn Đình Quân đọc thư của cụ Võ Ta gửi liệt sĩ Võ Đình Tuấn, tại lễ tưởng niệm ngày 12/1/2011
Do trái tim mách bảo hay hương hồn anh Tuấn mách bảo, chị D., người yêu xưa của anh Tuấn đã thấy ảnh anh ở blog của tôi. Hai người chưa một lần nắm tay nhau, chưa từng có một nụ hôn, nhưng hình bóng Tuấn vẫn không phai mờ trong tâm trí D. “Nhiều khi, D. hy vọng Tuấn không hy sinh, đang ở một nơi nào đó. Một buổi sáng, Tuấn sẽ xuất hiện trước mặt D., vóc người tầm thước, nước da ngăm đen, mái tóc quăn, nụ cười chân chất...” D. chat với tôi. Câu chuyện về tình cảm của chị D. dành cho anh Tuấn đã được kể trong bài báo “Muốn ra nơi sóng đã cuốn Tuấn đi”, đăng trên báo Tiền Phong và báo Khánh Hòa trong tháng 5/2011. Chưa được ra nơi sóng đã cuốn Tuấn đi, cuối năm 2011 chị D. đã nhờ tôi và đồng nghiệp gửi vào lòng biển Gạc Ma những kỷ vật tình yêu của anh chị.  
         
Những sự hy sinh âm thầm, lớn lao
         
Sáng 18/1/2011, khi đón anh em hoàn thành nhiệm vụ ở đảo Tiên Nữ ra tàu Trường Sa 22, chúng tôi đã trải qua những phút lo lắng đến thắt lòng. Mấy lần xuồng công tác kéo xuồng chuyển tải vượt mép xanh (vùng rìa bãi cạn san hô tiếp giáp biển) đều bị sóng hất dựng ngược, chết máy. Anh em trên đảo phải mặc áo phao, lội nước ra kéo hai xuồng trở vào. Cố gắng vượt mép xanh ở hướng khác, xuồng công tác bị sóng đánh chìm. Tàu Trường Sa 22 phải cấp tốc hạ xuồng cứu sinh, kéo hai xuồng về tàu. Khi lên tàu, Đại úy Nguyễn Duy Bá, Chính trị viên đảo Tiên Nữ nói với tôi: “Chúng tôi ở đảo vất vả chút, nhưng thấm gì so với vợ ở nhà. Mọi việc gia đình, hiếu hỉ, nuôi dạy con đều một tay vợ lo toan hết.” Có những người vợ vừa phải chịu đựng nỗi cô đơn hàng năm trời, vừa phải chịu những điều thị phi đối với người phụ nữ vắng chồng, sự hy sinh, thiệt thòi của họ khó có thể diễn tả hết bằng lời…

Chị Trần Thị Loan tiễn chồng, trung úy Bùi Minh Nam, ngày 2/1/2013             
Chiều 28/12/2010, ở quân cảng Cam Ranh, tôi chứng kiến cảnh Trung úy Bùi Minh Nam chia tay vợ con, trước khi anh lên đường ra đảo Song Tử Tây. Cậu con trai Bùi Minh Đức mới 2 tuổi, chưa hiểu gì về sự chia ly, cứ vô tư chào kiểu con nhà binh với mọi người. Trong khi đó, vợ Trung úy Nam là chị Trần Thị Loan thỉnh thoảng lại lấy khăn tay lau nước mắt, đôi mắt đỏ hoe. Chiều ngày 2/1/2013, tôi lại gặp đôi mắt đỏ hoe ấy. Sau ít ngày về đất liền, trung úy Bùi Minh Nam lại ra Trường Sa, lần này anh làm nhiệm vụ tại đảo Nam Yết. Vợ chồng họ lại phải xa nhau, đằng đẵng... Khi đoàn tàu rời bến đưa những người lính ra đảo xa, nhiều phụ nữ, nhiều cô gái thẫn thờ dõi mắt trông theo, những cặp uyên ương vừa vẫy tay chào vừa nói với nhau qua điện thoại, miệng cười mà mắt ướt. Những gương mặt buồn, những đôi mắt ngấn nước ấy nhắc tôi rằng, để giữ gìn bờ cõi Tổ quốc, đã có biết bao sự hy sinh âm thầm, lớn lao.  
 
Chị Trần Thị Hiền cùng hai con trai đi đón chồng chị, Trung tá Phạm Văn Lợi trở về bến cảng Cam Ranh ngày 26/1/2011, sau 18 tháng làm nhiệm vụ tại đảo Song Tử Tây

Liên quan: Hy Sinh 
Nguyễn Đình Quân 

Thứ Bảy, 13 tháng 6, 2015

Nụ cười sẽ hóa giải tất cả

 “Bí quyết để thầy đã 91 tuổi mà vẫn minh mẫn là không giận ai quá ba phút. Giữ hòa khí dễ lắm, chỉ có một chút xíu thôi. Khi thầy thấy sắp nổi xung với ai đó, thầy đi ra ngoài thở thật sâu, uống ba ngụm nước mát, rồi gắng mỉm cười chút xíu. Nụ cười trên môi sẽ hóa giải tất cả.”
Giáo sư Trần Văn Khê và Nguyễn Đình Quân, ngày 14/5/2011
Sáng ngày 14/5/2011, Giáo sư Trần Văn Khê đến trường THPT Nguyễn Văn Trỗi, thành phố Nha Trang, Khánh Hòa dự buổi giao lưu “Văn hóa ứng xử học đường”. Khi ấy Giáo sư Trần Văn Khê đã 91 tuổi, phải ngồi xe lăn nhưng vẫn trò chuyện với học sinh khá nhiều, ý tứ rành mạch, giọng nói của Giáo sư rõ ràng, lưu loát, ấm và khỏe. Theo Giáo sư Trần Văn Khê, mọi người cùng ứng xử với hòa khí thì chuyện gì cũng có thể nói được với nhau, tạo được sự thân thiện, không có hận thù, không có xung đột. “Cuộc sống như tấm kiếng, người cười với tấm kiếng sẽ thấy kiếng cười với mình, nhăn với kiếng thì kiếng sẽ nhăn lại mình”.  
Học sinh trường THPT Nguyễn Văn Trỗi, thành phố Nha Trang, Khánh Hòa xin chữ ký Giáo sư Trần Văn Khê, ngày 14/5/2011


Thứ Sáu, 12 tháng 6, 2015

Thiện chí của Chú Sam

 Ông làm thông gia với tôi nhé, tôi sẽ giúp ông trị thằng A Q. Chú Sam rủ Hai Lúa.
- Ờ, tôi có mấy đám ruộng Hoàng Sa, Trường Sa bị thằng AQ xâm lấn, ông giúp tôi thì hay quá. Nhưng tôi muốn ông làm một việc nhỏ, để tỏ thiện chí làm thông gia với tôi.
- Tôi sẵn lòng.
- Tôi chỉ cần ông công nhận Hoàng Sa, Trường Sa là ruộng nhà tôi.
- Ờ, ờ… À, à…. Chú Sam lúng búng.

Thứ Tư, 10 tháng 6, 2015

Nhìn hẹp, hiểu sai

Lâu nay, Trung Quốc luôn chống quốc tế hóa, đa phương hóa vấn đề Biển Đông, không chấp nhận đàm phán đa phương, chỉ muốn đàm phán song phương với từng nước có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông. Lập trường này của Trung Quốc nhằm phục vụ những lợi ích, mưu đồ của họ, nên không được Việt Nam và nhiều nước khác chấp nhận.
Thế nhưng tại Việt Nam, một số người, kể cả một số bài viết trên vài tờ báo lại có hướng cho rằng các vấn đề, sự kiện ở Biển Đông, ở Trường Sa chỉ là vấn đề giữa Việt Nam và Trung Quốc, chỉ liên quan đến Việt Nam và Trung Quốc. Cách nhìn ấy sẽ dẫn đến những luận giải, phản ứng chưa chuẩn xác.

          Treo ý chính đã, rảnh viết tiếp   

Thứ Tư, 3 tháng 6, 2015

THỜI CƠ ĐỂ MỞ TUYẾN DU LỊCH TRƯỜNG SA

Chính hành động của Trung Quốc cấp tập xây dựng đảo nhân tạo là thời cơ của Việt Nam để mở tuyến du lịch Trường Sa, để khẳng định chủ quyền bằng cách thực hiện các hoạt động dân sự, hòa bình.
Đảo Sinh Tồn 
Báo chí đưa tin, ngày 22/6 chuyến tàu du lịch đầu tiên ra Trường Sa sẽ khởi hành. Thông tin này chưa chính xác, vì đây mới là chuyến khảo sát để thiết kế tour, chưa phải tour du lịch Trường Sa chính thức. Đây cũng không phải là chuyến khảo sát đầu tiên để mở tour du lịch Trường Sa. Chuyến khảo sát mở tour du lịch đầu tiên đã được Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ và Du lịch biển đảo Hải Thành (Quân chủng Hải quân) tổ chức từ ngày 19/4/2004 đến ngày 25/4/2004. Trong chuyến đó, hơn 100 khách đã được tàu 996 đưa từ Tân Cảng ra đảo Trường Sa, đảo Đá Tây (tắm, lặn ngắm san hô), ghé qua Côn Đảo rồi về lại Tân Cảng. Sau đó vì nhiều lý do, trong đó có phản ứng của các bên (các bên, chứ không phải chỉ riêng Trung Quốc) có tranh chấp chủ quyền ở Trường Sa, tuyến du lịch Trường Sa chưa được triển khai.
Chùa trên đảo Nam Yết
Bẵng đi 11 năm, tại sao bây giờ Việt Nam khởi động lại việc mở tuyến du lịch Trường Sa? UBND Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo thực hiện chuyến khảo sát này, nhưng việc mở tuyến du lịch Trường Sa có lẽ không phải là quyết định của riêng UBND Thành phố Hồ Chí Minh. Chắc hẳn, đã có sự cân nhắc mọi vấn đề liên quan, dự đoán phản ứng của các bên trước khi quyết định này được đưa ra. Cá nhân tôi cho rằng, chủ trương mở tuyến du lịch Trường Sa vào thời điểm này có liên hệ trực tiếp với việc Trung Quốc cấp tập xây dựng đảo nhân tạo ở Trường Sa, nôn nóng tiến tới kiểm soát Biển Đông. Chính hành động ngạo ngược của Trung Quốc là thời cơ của Việt Nam để mở tuyến du lịch Trường Sa, để khẳng định chủ quyền bằng cách thực hiện các hoạt động dân sự, hòa bình. Không có gì tương phản, trái ngược nhau hơn giữa cảnh các con tàu “thiên kình” xám xịt ngày đêm nạo vét, tàn phá các rạn san hô, hủy hoại môi trường sinh thái biển để xây dựng đảo nhân tạo với cảnh những con tàu du lịch màu trắng đưa những người dân thường đi ngắm những lòng hồ ở các đảo chìm đổi màu lung linh dưới nắng, ngắm những đàn cá tung tăng bơi lượn trong các rạn san hô lộng lẫy ở Trường Sa…    
Khu dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây đang được nâng cấp
Không như năm 2004, bây giờ đã có tàu to đẹp, đủ tiện nghi đưa khách, trên các đảo ở Trường Sa đã có nhà nghỉ đàng hoàng, có điện cả ngày… Theo tôi, cuối năm nay tuyến du lịch Trường Sa sẽ chính thức được công bố.