Thứ Hai, 25 tháng 1, 2016

Một thời lênh láng

Nàng chỉ thấy ta làm thịt chó
Đâu thấy hồn thi sĩ trong ta
Tay quạt lửa mà đầu vẫn nghĩ
Cho vần thơ lênh láng chảy ra…
Hôm rồi có bạn dẫn lại mấy câu thơ trên, làm tôi nhớ ra một bài dự cuộc thi "Cây bút biếm" của báo Tuổi Trẻ Cười. May còn giữ được tờ TTC số tháng 9/1994, có đăng bài đó.

Chuyện Phố Tôi

          Ngày tôi còn nhỏ, phố tôi là một con đường lổn nhổn đá ở ngoại vi thành phố, hai bên phần lớn là các cơ quan, xí nghiệp và khu tập thể. Thời đó là thời của tem phiếu, khi cửa hàng mậu dịch bán đậu thì mọi nhà đều ăn đậu, cửa hàng bán cá biển thì cả khu tanh nồng mùi cá biển… Có khi thực phẩm cửa hàng bị ôi thiu, thế là sau bữa ăn cả khu theo nhau xách quần chạy ra nhà xí! Khổ nỗi, cả khu tập thể chỉ có một dãy nhà xí với vài khoang, nên lúc đó người ta phải xếp hàng, phải chen lấn. Bọn nhóc chúng tôi thuộc lòng mấy câu thơ, không biết do ai xuyên tạc:
Đố ai định nghĩa được chữ yêu
Có khó gì đâu, một buổi chiều
Chàng, nàng chạm trán nơi… nhà xí
Nhường nhau… “đi” trước, thế là yêu!
          Lớn lên tôi đi học xa, đi làm xa, rồi lấy vợ ở xa, lâu lâu mới về thăm bố mẹ một lần. Mấy năm gần đây, mỗi lần về thăm lại thấy phố tôi có nhiều thay đổi. Con đường nay đã được trải nhựa, những dãy tường rào rêu mốc đã bị phá bỏ gần hết, những dãy nhà tập thể dài thượt quay lưng ra đường đã bị thay thế bằng những ngôi nhà hai, ba tầng đủ kiểu Tây Tàu kim cổ. Có ngôi nhà tầng dưới tường ốp đá đen cửa sắt, tầng trên cửa vòm tường gạch son, trên sân thượng là am thờ kiểu chùa Một Cột. Có ngôi nhà, mặt tiền được ốp bằng gạch men trắng xưa nay thường được dùng trang trí toa-lét. Số nhà được đánh rất ngẫu hứng: 22, 24…, 60, 62, 18, rồi lại 24. Thậm chí có cả nhà số chẵn bên dãy số lẻ. Chỉ khổ nhân viên bưu điện và những ai tìm nhà mà mình chưa từng đến.
          Đường phố đông vui sáng sủa hơn hẳn trước kia, đến mức có người phải than: “Đông vui quá, đông vui không chịu nổi”. Trước nhà tôi có một quán karaoke luôn tấp nập các cô cậu “nhí” đến thử giọng hoặc khoe giọng từ sáng sớm tới đêm khuya. Đến đêm, đã quá 12 giờ mà vẫn còn phải nghe những tiếng nỉ non “đêm đêm ngửi mùi hương…” hay “mời chàng hãy cùng tôi vui đêm nay…” được khuếch đại hết cỡ, vợ chồng ông anh cạnh nhà tôi đành chịu “vỡ kế hoạch”.
          Chưa hết, vừa chợp mắt được một chút sau khi quán karaoke tắt tiếng, người ta lại bị đánh thức bởi tiếng rống thảm thiết của các chủ ỉn bị chọc tiết. Cách nhà tôi vài căn là một nhà làm nghề mổ lợn lậu. Họ mổ lợn ở ngay hè phố trước nhà, nước làm lông được đun sôi trong thùng phuy, bằng điện câu từ dây điện đường. Nước rửa từ đó chảy lênh láng dưới đường, tới tận trước nhà tôi, mang theo cả lông và phân lợn, dĩ nhiên mùi còn bay xa hơn nhiều. Mọi người xung quanh đều bất bình, nhưng chẳng ai dám nói, bởi không muốn thấy trên tường và cả cánh cửa nhà mình bê bết phân lợn. Hơn nữa, mấy thằng con trai nhà đó đứa nào cũng lực lưỡng!
          Lần về thăm gần đây nhất, tôi được mấy ông bạn cũ đưa tới một quán thịt chó mới khai trương. Trước cửa quán treo tấm biển lớn kẻ tên “Quán Cầy Tơ Văn Nghệ”, phía dưới hàng tên là dòng chữ “Ngon – Bổ - Rẻ - Giảm giá cho văn nghệ sĩ”. Trong quán treo la liệt tranh chó: Chó đánh bài, chó đua mô tô, chó đấm bốc… và ảnh người đẹp ôm chó. Đặc biệt là bốn câu thơ lục bát kẻ nắn nót trên tường:
Thịt chó vừa rẻ vừa ngon
Chả chìa, dồi nướng lại còn tiết canh
Ăn vào già cũng hồi xuân
Đêm về vợ bảo: “Trai tân chẳng bằng”!
          Quán rộng rãi mát mẻ, nhưng chất lượng món ăn vào loại xoàng. Đang ăn, thấy chủ quán tới gần, tôi chỉ mấy câu thơ trên tường, hỏi do ai làm. Dường như chỉ chờ có thế, ông chủ kéo ghế ngồi cạnh chúng tôi, hãnh diện khoe đó là sáng tác của ông. Cao hứng, ông đọc tiếp bài thơ “vừa làm tối qua”:
Cầu vồng bảy sắc lung linh
Ước gì hai đứa chúng mình được lên
Cầy tơ bảy món mời em
Em ăn, quên cả chuyện lên cầu vồng!
Cả quán vỗ tay đôm đốp, mọi cặp mắt đều dồn vào ông chủ quán. Được đà, ông đọc tiếp:
Nàng chỉ thấy ta làm thịt chó
Đâu thấy hồn thi sĩ trong ta
Tay quạt lửa mà đầu vẫn nghĩ
Cho vần thơ lênh láng chảy ra…
Ông còn kể cho chúng tôi dự định in một tập thơ, nhan đề là “Bảy sắc cầu vồng”, mỗi khách tới quán “Cầu Tơ Văn Nghệ” sẽ được tặng một tập. Khi chúng tôi đứng lên, ông tiễn chân ra tận cửa, vỗ vai chúng tôi: “Bữa nào vui vẻ lại tới nhé. Cùng là dân văn nghệ nói chuyện thật khoái”. Ông tự nhận là “dân văn nghệ” và do đó chúng tôi cũng được ông coi là “dân văn nghệ” nhưng chuyện giảm giá thì ông lờ tịt.

Tôi lại sắp có dịp về thăm phố cũ. Chẳng biết ông chủ quán “Cầy Tơ Văn Nghệ” đã in được tập thơ chưa, để tôi đến kiếm một tập về đọc chơi. Cũng có thể, lần này tôi lại được thấy thêm một chuyện mới mẻ hay ho, một cô bạn cũ bỏ chồng để lấy Tây chẳng hạn. Biết đâu đấy!  

CON ĐƯỜNG VÀ BÁC TÀI

Hầu hết ý kiến trên mạng về ĐH XII tập trung vào chuyện nhân sự. Vị nào ngồi ghế nào, chuyện đó cũng rất quan trọng. Nhưng đường hướng phát triển của đất nước, của Đảng trong thời gian tới sẽ không phụ thuộc quá nhiều vào chuyện vị nào ngồi ghế nào. Đường hướng đó, có thể thấy từ Nghị quyết Hội nghị lần thứ 14, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, trong đó nội dung quan trọng nhất là việc ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).   
          “Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI tán thành, đồng ý để Chính phủ cùng chính phủ các nước ký Hiệp định TPP vào đầu tháng 02/2016; giao Bộ Chính trị chỉ đạo công tác chuẩn bị trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn Hiệp định theo đúng quy định của pháp luật; xây dựng đề án trình Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết về thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập quốc tế trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó có Hiệp định TPP”.
Tham gia Hiệp định TPP, Việt Nam chúng ta sẽ phải điều chỉnh, sửa đổi nhiều quy định pháp luật về thương mại, hải quan, đầu tư, đấu thầu, sở hữu trí tuệ, lao động…

          Đảng đã chấp nhận những thay đổi đó, sẽ là những thay đổi rất sâu sắc, không chỉ về kinh tế mà cả về thiết chế xã hội, sẽ dẫn tới sự thay đổi về thể chế hành chính nhà nước. 

Chủ Nhật, 17 tháng 1, 2016

Đếm giông trong cát - 2

- Ba, cái xe máy của con tã rồi, ba cho con tiền mua chiếc SH nhé.
          - Ừ, ít bữa nữa ba cho.
          - Anh Hai sướng quá ha. Con chỉ ước có cái xe đạp điện để đi học đỡ nhọc và cái Iphone, học kỳ này con được học sinh giỏi, ba mua cho con nha.
- Rồi.
- Này ông, tiền đâu mà hứa sắm toàn những thứ nhiều tiền cho tụi nhỏ? Cái  ti vi cũ, ông còn chưa thay được cho tôi đấy. Xem phim Cô dâu 8 tuổi mà cứ chớp nhá chớp nhá, bực bội quá.
- Mấy bữa nữa mở đường xây cầu Long Hồ mới, đất mình ra mặt tiền, tôi bán một miếng mua cho bà cái ti vi 40 inh luôn.
- Còn mùng thất mới xây cầu, tiền đâu mà xây.
- Bà không nghe tỉnh nói đổi đất sân bay Nha Trang để lấy tiền xây cầu à?
- Tôi có nghe, nào là xây khu trung tâm hành chính tổ yến, nào là xây đường băng mới của sân bay Cam Ranh, nào là làm đường, nào là xây cầu nọ cầu kia. Có mỗi khu đất sân bay mà muốn đổi lấy tiền xây bao nhiêu thứ.  
- Mấy năm trước, ông Chủ tịch tỉnh nói chỉ cần bán 90 ha đất sân bay Nha Trang, sẽ có 27 nghìn tỷ đồng mà.
- Xưa rồi, quê rồi ông ơi. Tất cả đất sân bay Nha Trang có giá 12 nghìn tỷ đồng, trừ phần làm vốn xây dựng sân bay mới, hơn trăm ha còn lại được định giá 6 nghìn tỷ đồng thôi. Tiền đó xây khu tổ yến vỡ là hết rồi, ông đừng mơ còn tiền xây cầu qua trước nhà mình nhé....
          - Hai dà! Vậy tôi không tính bán đất nữa, để vậy nuôi giông cho chắc ăn.

          - Ông tính vậy là phải. Đừng như mấy ổng, cứ đếm cua trong lỗ, đếm giông trong cát. 

Thứ Sáu, 15 tháng 1, 2016

Ở hai đầu nỗi nhớ

            Họ là những người quen từ lâu của tôi, từng được nhắc đến hay đăng ảnh trên báo Tiền Phong và một số báo khác. Chia ly hay sum họp, câu chuyện Xuân của họ đều gắn với hai tiếng – Trường Sa. 
Gia đình trung úy QNCN Nguyễn Duy Chinh ở quân cảng Cam Ranh, ít phút trước khi anh ra làm nhiệm vụ ở đảo Trường Sa Đông 
           
Bến cảng Cam Ranh, 8 năm trước

Chiều ngày 6-1-2008 trên quân cảng Cam Ranh, tôi gặp một phụ nữ trẻ từ Hải Phòng vào, đang hồi hộp chờ lên tàu ra Trường Sa. Hoàng Thị Mai được mời tham gia chương trình “Chúng tôi là chiến sĩ” của VTV3, ghi hình tại đảo Trường Sa, nơi có chồng cô, thiếu úy QNCN Nguyễn Duy Chinh. Là đồng hương Vĩnh Bảo (Hải Phòng), năm 1999 họ quen nhau qua mục “Thư kết bạn” trên báo Tiền Phong. Cuối năm 2004 họ làm đám cưới, khi Mai đang là cô giáo trường mầm non của Cty Công nghiệp tàu thủy Nam Triệu.

Hoàng Thị Mai trên tàu 936 trước giờ ra Trường Sa, ngày 6/1/2008 
Từ tháng 9/2005 khi Duy Chinh ra đảo Trường Sa đến ngày 8/1/2008, khi được ở trong vòng tay nhau trên đảo Trường Sa, họ đã phải xa nhau 28 tháng đằng đẵng, con trai Nguyễn Hoàng Tuấn Đạt đã được 21 tháng tuổi nhưng chưa một lần được bố bế… Câu chuyện của họ đã được kể trong bài “Hội ngộ bất ngờ ởTrường Sa”, trên báo Tiền Phong số ra ngày 29/1/2008 và 2/2/2008.
Giây phút vợ chồng Chinh - Mai gặp nhau trên đảo Trường Sa, sáng ngày 8/1/2008

Cũng ngày 6/1/2008, đang mang thai đứa con đầu lòng, Nguyễn Thị Phấn, cán bộ Huyện đoàn Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) tiễn chồng, trung úy QNCN Đỗ Việt Tiến ra làm nhiệm vụ ở đảo Nam Yết. Tháng 4/2008, sắp đến ngày sinh Phấn vẫn tìm tôi, nhờ chuyển quà cho chồng. Nam Cường, phóng viên báo Tiền Phong được ra đảo Nam Yết đã chuyển quà tới tận tay Việt Tiến. “Chỉ là mấy cái quần đùi, vì anh ấy nói ở đảo nước mặn, quần áo mau rách, và thuốc bổ gan, đỡ ngứa, vì ngoài đó ăn uống còn thiếu chất”. Sau này, Phấn tiết lộ với tôi về gói quà.
Chiều ngày 15/12/2008, khi nơi nơi chuẩn bị đón xuân, có ba con tàu từ bến cảng Cam Ranh đưa những người lính ra các điểm đảo ở huyện đảo Trường Sa. Tàu 996 từ từ rời bến, một chàng trung úy trẻ trên tàu và một cô gái trên bến cảng vừa vẫy tay tạm biệt, vừa nói với nhau qua điện thoại. Cô gái miệng cười mà mắt nhòa lệ. Họ là trung úy xe tăng Trịnh Đức Thành, ra làm nhiệm vụ ở đảo Nam Yết và Phan Huyền Trang, kế toán Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh Khánh Hòa. Ảnh của họ đã được đăng trong bài “Trường Sa – Kẻ ra người nhớ” trên báo Tiền Phong số Xuân Kỷ Sửu (2009).
         
“Người lái đò” Trường Sa

Một trong những người lính Trường Sa được nhiều người đi thăm Trường Sa biết đến là thượng úy QNCN Tống Văn Tùng, chủ trang facebook Tống Tùng, trước kia là Người lái đò. Sau gần 5 năm làm nhiệm vụ ở các đảo Sơn Ca, Đá Tây A và Len Đao, Tùng được chuyển về tàu khách 996 của Vùng 4 Hải quân, đã tham gia vài chục chuyến đưa khách thăm Trường Sa và khu vực DK1. Anh đã chụp được nhiều ảnh độc đáo về các đảo ở Trường Sa, về cảnh khách lên thăm nhà giàn DK1 bằng cách đu dây, ảnh những đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở Trường Sa…
Cuối năm 2011 và đầu năm 2012, tôi đi công tác ở Trường Sa trên tàu 996. Đó cũng là chuyến đi biển đầu tiên của Tống Tùng, khi vừa cưới vợ được 3 tháng. “Chúng em nên duyên như là trời định”, chàng trai Tĩnh Gia, Thanh Hóa kể. Năm 2007, sau hai năm ở đảo Sơn Ca, Tùng về quê nghỉ phép, bố mẹ giục anh lấy vợ. Nhỏ dại gì cho cam, đã 28 tuổi rồi. Nhưng chưa kịp tìm người yêu, Tùng đã phải trở lại đơn vị để tiếp tục đi đảo. Không ngờ, đó là lần nghỉ phép cuối cùng Tùng được gặp bố mẹ, anh không kịp báo hiếu song thân khi họ còn sống. Tháng 9/2008, bố mẹ Tùng vào Đắc Nông làm đám cưới cho em gái anh, trên đường về đến Nghệ An thì gặp tai nạn. Đang ở đảo Đá Tây A, Tùng được cho vào bờ chịu tang bố mẹ. Anh gặp lại Thanh Thương vào dịp đó. 
Vợ chồng "người lái đò" Tống Tùng
Năm 1998, Tùng từ quê ra phố, ở trọ tại nhà Thanh Thương để ôn thi đại học. Ngay ngày đầu tiên ở trọ, Tùng bị sốt, được mẹ Thanh Thương tận tình chăm sóc. Suốt thời gian ở trọ, Tùng được bà chăm nuôi như con trong nhà. Bởi vậy, sau này mỗi lần về phép Tùng đều ra thăm bà. “Không phải kiếm cớ thăm con gái bả đâu nhé. Hồi em trọ học cô ấy mới 10 tuổi, em cũng chưa biết gì”. Tùng kể. Về chịu tang bố mẹ, Tùng ra thăm bà chủ nhà trọ ngày xưa, gặp lại Thanh Thương, lúc đó vừa học hết năm thứ nhất đại học. Tháng 4/2009 Tùng vừa ngỏ lời yêu thì lại nhận nhiệm vụ ra đảo Len Đao, đến tháng 9/2011 họ mới làm đám cưới. Bây giờ, vợ chồng Tùng đã có cậu con trai hơn 3 tuổi và một căn nhà nhỏ gần Bệnh viện Đa khoa thành phố Cam Ranh (Khánh Hòa), nơi Thanh Thương làm việc.
Tống Tùng và nữ sinh viên Đoàn Ngọc, tác giả tập thơ “Ngược Sóng” viết về Trường Sa, trên tàu 996 đi thăm Trường Sa, tháng 5/2015 
Khi bài này lên blog, “Người lái đò” lại đang đưa hàng Tết ra với đồng đội ở Trường Sa.     
Nao nức xuân về

Sáng ngày 22/4/2014, Đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh Hậu Giang giao lưu với bộ đội đảo Sơn Ca. Anh lính đầu tiên ra hát chính là trung úy QNCN Nguyễn Duy Chinh. Đó là lần thứ hai tôi gặp Duy Chinh ở Trường Sa, sau lần đầu là ngày 16/5/2013, trên đảo Trường Sa. Từ năm 2008 đến nay, Duy Chinh đã ra Trường Sa làm nhiệm vụ 4 lần nữa. Cậu con trai Tuấn Đạt đã học lớp 4, gia đình anh đã có thêm cô con gái Hà Linh gần 6 tuổi, còn Mai ở nhà làm nghề may. “Em đi xa suốt, mình cô ấy không thể vừa đi dạy vừa nuôi hai con nhỏ”. Duy Chinh nói với tôi, khi chuẩn bị ra làm nhiệm vụ ở Trường Sa. Tết này, gia đình anh lại không được quây quần bên nhau.     
“Chồng em ở Trường Sa sắp về rồi”. Phấn khoe, khi tôi đến thăm 3 mẹ con cô ở thị trấn Khánh Vĩnh. Sau đảo Nam Yết, Việt Tiến còn đi làm nhiệm vụ ở các đảo Sơn Ca, Trường Sa Đông, Song Tử Tây, rồi lại ra đảo Nam Yết, tổng cộng hơn 5 năm rưỡi. Hai con trai của anh đều sinh ra khi anh đang ở đảo Nam Yết, Chí Vĩ sinh tháng 5/2008, 8 tháng sau bố mới về, Tiến Nam sinh tháng 10/2014, nay đã hơn 14 tháng mới sắp được bố bế. Kể chuyện vất vả nuôi hai con nhỏ, rồi trong mắt Phấn lại ánh lên niềm vui. Tết này, lần đầu tiên cả nhà cô sẽ được cùng ra Bắc, đón Xuân ở hai quê, Thái Bình và Bắc Ninh.    
Niềm vui của mẹ con chị Nguyễn Thị Phấn khi chồng chị, anh Đỗ Việt Tiến sắp về từ đảo Nam Yết

Niềm vui ấy, tôi cũng thấy trong mắt của vợ chồng đại úy Trịnh Đức Thành. Họ đã kết hôn năm 2012, Huyền Trang vừa sinh con gái cuối tháng 11/2015, đặt tên con là Vân Khánh. “Lần sau nếu đẻ con trai, chúng em sẽ đặt tên là Trịnh Phan Vinh, vừa có họ của em, vừa mang tên đảo Phan Vinh ở Trường Sa”. Huyền Trang vừa nựng con gái, vừa nói.   
Niềm vui, hạnh phúc khi xuân về của vợ chồng đại úy Trịnh Đức Thành và con gái