Thứ Hai, 24 tháng 2, 2014

Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin trong chiến dịch CQ88 – 1. Những người ra trận

Tôi trở lại với CQ88, với Gạc Ma - Len Đao - Cô Lin ngày 14 tháng 3 năm 1988 bằng câu chuyện về liệt sĩ Võ Đình Tuấn... 
          Võ Đình Tuấn sinh ngày 17/51968 ở thôn Phú Hữu, xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, hy sinh sáng ngày 14/3/1988 trên bãi Gạc Ma. Năm 2011, câu chuyện tình yêu của anh và người con gái Ninh Hòa được tôi đưa lên blog, đăng trên báo.      
          Những bài viết đó có kể chuyện, ít ngày trước khi cùng đồng đội lên tàu HQ-604 ra Trường Sa, một buổi tối Võ Đình Tuấn gặp người yêu ở Nha Trang, nói chuyện có người khuyên Tuấn ở lại. Người yêu của Tuấn nói với anh, hãy đi cùng đơn vị, bảo vệ quê hương. Tuấn nói, anh hỏi để thử lòng người yêu thôi, chứ anh là người chiến sĩ, không thể thoái thác nhiệm vụ.
          Có người ở Nha Trang cũng nói với tôi, dịp tháng 3 năm 1988, đã có một số quân nhân người Khánh Hòa tìm cách để không ra Trường Sa, có người đã lên xe vào căn cứ Cam Ranh để xuống tàu ra Trường Sa, vẫn nhảy xuống trốn.
          Tại sao khi đó có người khuyên Võ Đình Tuấn ở lại, tại sao có những kẻ thoái thác nhiệm vụ, đào ngũ?
          Từ cuối năm 1987, Trung Quốc đưa nhiều tàu chiến đến khu vực quần đảo Trường Sa, chiếm đóng đá Chữ Thập, đá Châu Viên và có ý đồ chiếm đóng một số đá, bãi san hô khác. Để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam, Quân chủng Hải quân mở chiến dịch CQ-88, tổ chức lực lượng, phương tiện đóng giữ thêm một số bãi đá ở Trường Sa.
          Ngày 2/12/1987, tàu HQ-604 thuộc Lữ đoàn 125 Hải quân đưa bộ đội ra đóng giữ đảo Đá Tây. Ngày 25/1/1988, quân ta đóng giữ đảo Tiên Nữ.     
          Sau đó, ta liên tiếp đóng giữ các đảo, là đảo Đá Lát (5/2/1988), đảo Đá Đông (19/2/1988), đảo Đá Lớn (20/2/1988), đảo Tốc Tan (27/2/1988), đảo Núi Le (28/2/1988).
          Tại các bãi Chữ Thập, Châu Viên, Đá Lớn, Đá Đông đã có những sự đụng độ quyết liệt, căng thẳng giữa tàu Việt Nam và tàu Trung Quốc, có lúc nòng súng hai bên đã chĩa thẳng vào nhau, chờ khai hỏa. Khi Trung Quốc chiếm đóng bãi Chữ Thập và bãi Châu Viên, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã ra tuyên bố, cực lực lên án hành động của Trung Quốc. Báo chí, Đài Truyền hình Việt Nam liên tiếp đưa tin về hành động khiêu khích quân sự của Trung Quốc và phản ứng của Việt Nam. Không khí Trường Sa rất sục sôi, căng thẳng. Bộ tư lệnh Hải quân điều hầu hết cán bộ chủ chốt vào Vùng 4 để lập Sở Chỉ huy tiền phương, Tư lệnh Hải quân Giáp Văn Cương kiêm luôn Tư lệnh Vùng 4. Nói như Đại tá Nguyễn Văn Dân, nguyên Phó Tham mưu trưởng Vùng 4 Hải quân, ra Trường Sa lúc đó, dù chỉ để xây dựng những bãi đá thuộc chủ quyền Việt Nam, chính là ra trận, có thể có đổ máu, hy sinh.
          Cho nên, có những kẻ đào ngũ. Sự hèn nhát ở đâu, thời nào cũng có.
          Sự hèn nhát của họ càng tôn lên lòng dũng cảm, bản lĩnh của những chàng trai hiên ngang ra trận, để bảo vệ máu thịt Việt Nam.

          Dưới đây là vài đoạn trích từ facebookcủa Lê Hữu Thảo, một cựu chiến binh Gạc Ma thực thụ về những đồng đội đã hy sinh ở bãi Gạc Ma ngày 14/3/1988. 

Trung sĩ Nguyễn văn Thành quê ở Hương Điền, Hương Khê, Hà Tĩnh, là con út trong gia đình, anh chị vào Nam công tác và lập nghiệp. Thành sinh năm 1967, nhưng nhập ngũ cùng ngày, cùng đơn vị với tôi, rồi cùng học khóa hạ sĩ quan, xong lại cùng chuyển về một đại đội. Thành người cao, ít nói, chỉ cười tủm tỉm, dáng chậm chạp, Thành hiền lắm.
Ngày chuyển về tăng cường cho Lữ đoàn 146, tăng cường cho Trường Sa, Thành không có danh sách đi làm nhiệm vụ trong đợt này, Thành buồn lắm. Thế rồi do hôm 10/3/88 tàu gặp bão nên hoãn lại ngày hôm sau, hôm đó có sự cố nên một đồng chí không thể đi được mà phải thay, thế là Thành xung phong. Tôi không đồng ý, nhưng Thành cương quyết vì thích đi với tôi, cả Độ cũng xin đi, nhưng chỉ được một người nên anh Phong (liệt sĩ, Thượng úy Nguyễn Mậu Phong) và anh Phương (Anh hùng liệt sĩ, Trung úy Trần Văn Phương) chọn Thành. Tôi và Độ kéo Thành ra ngoài phân tích, Thành không nghe, mặc dù Thành đang bị cảm.


Di ảnh liệt sĩ Hồ Văn Nuôi, chụp khi 16 tuổi - Lê Hữu Thảo chụp lại
LIỆT SĨ HỒ VĂN NUÔI (quê Nghi Tiến, Nghi Lộc, Nghệ An)
Hắn trốn tau đi khám tuyển nghĩa vụ quân sự, chỉ khám có một phòng là trúng luôn, khi đó mới 16 tuổi. Đó là lời của Mẹ, mẹ nói tiếp, tau không đồng ý, tau khóc, hắn kéo tau ra tận ngoài bãi cát, nơi có rặng phi lao, hắn ôm tau rồi nói, mẹ cho con đi, con chỉ đi 3 hay 4 năm là con về, đi sớm về sớm, nghĩa vụ ai cũng phải đi cả mẹ ạ. Rứa là tau bằng lòng cho hắn đi, hắn đi và đi mãi đến bây giờ không về, nói rồi mẹ lại khóc…
          Ngày nhận nhiệm vụ, tăng cường cho lữ đoàn 146 và nhận nhiệm vụ đi chiến đấu, Nuôi vui lắm, và còn nói rằng mình đi biển quen rồi, không sợ say sóng đâu, các bạn là dân miền rừng thì say sóng là cái chắc. Ấy vậy khi tàu ra khơi gặp gió bão, nước quăng qua cả boong tàu, tàu chòng chành, lắc lư, thì thấy Nuôi cũng không khác chi mọi người. Dìu Nuôi lại cạnh với mấy đồng đội, lấy cho Nuôi cốc nước, thấy Nuôi nhìn tôi, tôi còn nói đùa, giờ thì chưa biết dân rừng say hay dân biển say nhé….
       

Ngày mai, 27 tháng Giêng (26/2) là ngày giỗ của những người đã hy sinh ở Gạc Ma! 

Thứ Bảy, 15 tháng 2, 2014

Ngã rẽ cuộc đời

Ngã rẽ cuộc đời

          Bức ảnh này được chụp tháng 8 năm 1979, khi tôi 17 tuổi 2 tháng, cao chưa tới 160cm, nặng 45 kg. Nếu không có cuộc Chiến tranh biên giới, nổ ra ngày 17/2/1979, tôi đã không “đóng thùng” trong bộ quân phục đó, đã không trở thành một người lính khi còn non choẹt.


          Hồi tôi học lớp một, lớp hai, cùng với những bài như “bé bé bằng bông”, “ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng”, cô giáo còn dạy chúng tôi hát bài “Việt Nam, Trung Hoa, núi liền núi, sông liền sông, mối tình hữu nghị sáng như biển Đông…”. Sau đó, tôi biết thêm về Trung Quốc qua những bộ phim như “Bạch Mao Nữ”, “Đứng gác dưới ánh đèn nê ông”, qua những cuốn sách như “Thượng Cam Lĩnh”, qua những quyển báo ảnh, lúc đó gọi là họa báo của Trung Quốc, bố tôi mang về. Trong những quyển họa báo rất đẹp bằng tiếng Việt có ảnh các đơn vị quân đội “học tập trước tác của Mao Chủ tịch”, công nhân mỏ dầu Đại Khánh, xã viên công xã Đại Đại, tranh vẽ về cuộc khởi nghĩa Hoàng Cân (Khăn Vàng)… Đôi khi, kèm theo quyển họa báo còn có đĩa hát bằng nhựa mềm, ghi những “kinh kịch hiện đại cách mạng” như Dùng mưu chiếm Uy Hổ sơn. Thỉnh thoảng, trong nhà tôi có gói lương khô Trung Quốc, có hộp thịt Trung Quốc, kèm theo hộp thịt có cả chiếc kiềng bé xíu và mấy viên cồn khô… Trong ý niệm của tôi khi đó, Trung Quốc là phe mình, cùng với Liên Xô rất thân thiết với Việt Nam, “ông Liên Xô, bà Trung Quốc, ông đi guốc, bà đi giày, ông nhảy dây, bà đá bóng…”.
      Thế rồi, tôi thấy trong họa báo Trung Quốc những bức ảnh vũ khí của Liên Xô, mà Trung Quốc thu được trong cuộc xung đột biên giới Trung – Xô. Lên lớp ba, thầy giáo không bảo quản ca bắt nhịp cho lớp hát bài “Việt Nam, Trung Hoa” nữa. Bố tôi có cái radio Standar của Nhật, buổi tối ông thường nghe đài BBC, Hoa Thịnh Đốn, Mạc Tư Khoa, Bắc Kinh, những gì loáng thoáng nghe được qua các đài đó khiến tôi lờ mờ biết rằng, quan hệ Việt - Trung - Xô không còn khắng khít “ Việt Trung Xô, Việt Trung Xô, Xít Ta Mao Trạch Cụ Hồ nghênh ngang” nữa. Đầu năm 1972, tôi thấy bố tôi và mấy ông bạn bàn tán nhiều, vẻ không vui về chuyện Tổng thống Mỹ Nixon được đón tiếp ở Bắc Kinh. Ngày 16/4/1972, máy bay B52 Mỹ rải thảm Hải Phòng, Hà Nội. Tôi và những đứa bạn chưa đầy 10 tuổi phải tự tay đào hào trú ẩn cho mình, sau đó là những ngày sơ tán gian khổ… 
Ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết. Gia đình tôi về lại thị xã Hà Đông thân yêu. Một lần nghe đọc bút ký trên Đài Tiếng nói Việt Nam, hình như là chương trình phát thanh Quân đội Nhân dân, trong đó có người hỏi Thủ tướng Phạm Văn Đồng, sau Hiệp định Paris Việt Nam có còn bị tình trạng chia cắt kéo dài như sau Hiệp định Geneve? Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói, năm 1954 chúng ta muốn giới tuyến tạm thời là vĩ tuyến 13, nhưng cuối cùng đã phải chấp nhận vĩ tuyến 17, bây giờ ta không để họ làm điều ấy nữa. Sau này, tôi biết rằng, chiến dịch mùa xuân 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã được chuẩn bị và thực hiện một cách bí mật với “họ”, là Trung Quốc.    
Sau năm 1975, không còn họa báo Trung Quốc, không còn những bộ phim Trung Quốc, bớt dần những lời nựng nhau “môi hở răng lạnh”. Trong khu gia đình Học viện Quân y, tôi nghe các chú các cô – toàn sĩ quan quân đội – nói với nhau về sự lạnh nhạt của Trung Quốc với Việt Nam, chẳng hạn Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi thăm Trung Quốc, được mời cơm ở nhà ăn một đại đội…
Năm 1978, bắt đầu nghe những câu chuyện về “nạn kiều”, người này dặn người kia đừng mua ti vi, tủ lạnh… người Hoa bán rẻ trước khi dắt díu nhau đi, vì nghe nói họ nhỏ a xít vào linh kiện. Cùng với tin chiến sự ở biên giới Việt Nam – Campuchia là thông tin về việc Trung Quốc giật dây “bè lũ diệt chủng Pol Pot, Ieng Xary, Khieu Xamphon” đánh Việt Nam. Ngày 25/8/1978, chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang Lê Đình Chinh hy sinh trong sự kiện cửa khẩu Hữu Nghị. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, Lê Đinh Chinh được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, phong trào noi gương Lê Đình Chinh được phát động, khắp nơi vang lời hát “chúng tôi là đồng đội của Lê Đình Chinh, nghe đất nước gọi như tiếng gọi của chính mình”. Những từ “bọn bành trướng bá quyền Bắc Kinh”, “nhà cầm quyền Trung Quốc” được dùng với mật độ ngày càng dày đặc trên báo, đài. Từ cuối năm 1978, bắt đầu có những cuộc xung đột vũ trang ở Cao Bằng, Lạng Sơn, có cả những trận đánh ác liệt thật sự, mỗi sự kiện xảy ra ở biên giới đều ngay lập tức được đưa lên báo, lên đài, lên truyền hình. Khi Trung Quốc tấn công xâm lược Việt Nam trên toàn tuyến biên giới Việt – Trung ngày 17/2/1979, không mấy thấy người bất ngờ. Nhưng bây giờ, có người nói Việt Nam bị bất ngờ về cuộc tiến công đó. 
Tối tối, cả nhà tôi quây quanh ti vi, xem tin chiến sự, đặc biệt là mục bình luận của một ông Đại tá, nếu tôi nhớ không nhầm là Đại tá Cao Nham. Các trận đánh ở Bản Phiệt, Mường Khương, Cao Bằng… được tường thuật khá kỹ, có cả bản đồ tác chiến. Lúc đó, tôi đang học lớp 10 trường cấp 3 Nguyễn Huệ, thầy trò đều hừng hực khí thế chống Trung Quốc. Cô Đính dạy toán còn cắt ngắn tiết dạy, hào hứng nói về việc, nếu quân Trung Quốc kéo đến Hà Đông, người già và trẻ nhỏ sẽ đi sơ tán, còn cô trò ta sẽ ở lại chiến đấu bảo vệ thị xã, bảo vệ trường! Tối 4/3/1979, sau khi đưa tin chiến sự, Đài truyền hình Việt Nam đưa cảnh Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch trả lời trong cuộc họp báo. Phóng viên nước ngoài hỏi, Việt Nam có lo lắng không trước việc Trung Quốc đã vào thị xã Lạng Sơn và có thể tiến sâu vào nội địa Việt Nam? Bộ trưởng nói ngắn gọn, các bạn có thể tự có câu trả lời, qua không khí cuộc sống tại Hà Nội, người lớn vẫn đi làm, trẻ em vẫn đi học bình thường.  
Lúc đó, tôi đã có dự định thi vào đại học Tổng hợp, hoàn toàn không có ý định sẽ làm anh bộ đội. Nhưng sau ngày 17/2/1979, mọi người Việt Nam đều có ánh mắt mang hình viên đạn. Ngày 5/3/1979, Chủ tịch Tôn Đức Thắng ký lệnh Tổng động viên. Ở tầng 2 phía trên nhà tôi, nhạc sĩ Vũ Trọng Hối sáng tác bài hát “Lời tạm biệt lúc lên đường”, có câu “Việt Nam ơi, Việt Nam ơi trái tim Việt Nam tình yêu cuộc sống, giặc dùng đạn bom thì ta giáng trả đạn bom”. Cuối tháng 3, trường tôi đón nhiều người từ biên giới về kể chuyện chiến đấu chống quân Trung Quốc xâm lược, trong đó có một cậu bé 15 tuổi ở Cao Bằng. Những câu chuyện kể của cậu thắp thêm lửa trong chúng tôi. Cũng thời gian ấy, các anh chị sinh viên trong khu tôi nghỉ học để đi xây dựng phòng tuyến Sông Cầu. Tháng 4/1979, trường Đại học Kỹ thuật Quân sự, nay là Học viện Kỹ thuật Quân sự cử cán bộ về trường tôi, mời những học sinh giỏi nhất thi vào trường. Tất cả những điều ấy khiến tôi không mất nhiều thời gian để quyết định đường đời mình, theo một hướng khác dự định trước đó.

Cuộc chiến tranh biên giới 1979 đã mang đến ngã rẽ quan trọng trong cuộc đời tôi, trong cuộc đời rất nhiều bạn bè tôi. Với nhiều người khác, cuộc chiến ấy không mang lại ngã rẽ, mà cắt đứt, cướp đi cuộc sống của họ. Cả 6 tỉnh biên giới phía Bắc lúc ấy, nay là 7 tỉnh bị tàn phá tan hoang. Đất nước đã nghèo càng thêm khốn khó, khi trong tình trạng chiến tranh với Trung Quốc thêm 10 năm nữa, phải duy trì lực lượng quân đội quá đông. Lịch sử quan hệ giữa hai nước, hai dân tộc thêm một vết đen rất lớn, rất đậm.              
  35 năm sau cuộc chiến đó, mọi người vẫn nói nhiều về việc Trung Quốc đã gây ra cuộc chiến, nhằm phục vụ những mưu đồ của họ. Nhưng ít có người đặt câu hỏi, chúng ta có thể tránh được cuộc chiến tệ hại đó không, tránh bằng cách nào? Về cuộc chiến đó, nhà thơ Nguyễn Duy đã viết rất sâu sắc, “A.Q. túm tóc Chí Phèo, để hai bác lính nhà nghèo cùng thua”. Chí Phèo là ai? Chí Phèo là những người gọi Trung Quốc một cách miệt thị là Tàu, là Khựa, là những người đòi phải mãi mãi căm thù Trung Quốc, phải nuôi dưỡng mối thù truyền kiếp, Chí Phèo có thể là tôi, là bạn, nếu tôi và bạn dửng dưng hoặc ngầm tán thành những sự kích động hận thù.      


Bạn Phạm Quang Vinh đã viết: Mấy ngày trước đứng trong nghĩa trang Vị Xuyên, mình không thể cầm được nước mắt trước những tấm bia mộ của 1700 liệt sĩ còn nằm lại nơi biên viễn. Nhưng mình tin rằng, cách tốt nhất để tưởng nhớ họ, tưởng nhớ những người đã bỏ mình lại nơi biên viễn, là tạo dựng hoà bình, chứ không phải là bằng cách kêu gọi nhớ lại những mối thù dân tộc. Và hoà bình không thể có được bằng cách "tao thù mày, còn mày muốn hoà bình đừng thù tao nữa..."  Chia sẻ với bạn suy nghĩ ấy.

Việt Nam bất ngờ khi Trung Quốc tấn công ngày 17/2/1979

Việt Nam đã bị bất ngờ khi Trung Quốc tấn công ngày 17/2/1979, theo Bị vong lục ngày 14/2/1979 của Bộ Ngoại giao Việt Nam. Ảnh trang 1 và trang 4 báo Quân Đội Nhân Dân, số ra ngày 15/2/1979





Thứ Hai, 3 tháng 2, 2014

Chuyện thường ngày ở bãi Ba Đầu

Một ngày bình thường như mọi ngày, có chiếc tàu Trung Quốc tới bãi Ba Đầu, thuộc cụm đảo Sinh Tồn trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam
 Nó mang số hiệu 712
 Nó thả một vật thể lạ lên bãi Ba Đầu
 Vật thể lạ đây
 Tàu ta ra kéo vật thể lạ
 Vật thể lạ được đưa lên đảo Sinh Tồn Đông


cụm đảo Sinh Tồn