Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2009

Cô giáo của tôi

Category: Người thân, Tag: cô giáo,Gia đình,Khác

11/20/2009 06:41 am
Đi học vỡ lòng
Lần đầu tiên đi học, cách đây đã hơn 40 năm. Hình như trước đó có đi nhà trẻ, nhưng chả nhớ tẹo nào. Chỉ nghe bác Cả kể, mình thường đứng bám song cửa sổ lớp gọi ra, bác Cả ơi Thiềm Thừ này! Chưa kịp lên mẫu giáo thì Mỹ ném bom miền Bắc, thế là anh lết đôi giày chuột khoét, em xách đôi dép tuột quai, ta lên đường đi sơ tán tèn ten tén ten… Bài hát nguyên bản chả nhớ, chỉ nhớ bản xuyên tạc!
Sơ tán lần thứ nhất 4 năm, có về quê nội Văn Giang một dạo, nhưng chủ yếu ở huyện Thanh Oai, Hà Tây. Xóm Thanh Giang xã Cao Viên, làng nón Chuông, các làng Cao Mật Thượng, Cao Mật Hạ, Thanh Thần xã Thanh Cao đều từng sơ tán tới. Ở Thanh Cao có đầm Thượng Thanh từng được giới thiệu và có ảnh trong sách giáo khoa địa lý, biết bơi do theo lũ bạn đi tắm ở đó. Khi đi học Vỡ lòng, đang ở Cao Mật Thượng. Nhớ, nhà mình ở cạnh khoa phẫu thuật của Viện quân y 103, ngày ấy cứ nghe gọi là phòng mổ, gần nhà thờ Cao Mật Thượng.
Lớp vỡ lòng cũng gần nhà, cạnh nhà thờ. Sau này lớn chút nữa thì biết, nhà thờ là nơi an toàn, ít bị bỏ bom. Nhớ có mấy lần trốn học lủi vào nhà thờ xem các chị tập múa tập hát, nến trên tay, mắt long lanh. Rồi lần ông cha cố ở Thạch Bích về nhà thờ Cao Mật, thấy người lớn cung kính đón chiếc ô tô tiến vào sân nhà thờ, cũng cố chui lên trước. Lúc một ông áo đen, to cao, béo trắng trên ô tô bước xuống, vừa mong ông ấy nhìn mình, vừa sợ. Nhưng ông không nhìn…
Mang máng nhớ là lớp chỉ có khoảng mươi đứa, tường đất đắp dày để ngăn mảnh bom đạn. Không nhớ sách bút hồi đó có những gì, nhưng không có cặp, chỉ có chiếc bút chì, không có được một mẩu bánh mì con con như mèo con Vàng Anh (chính xác là nhà thơ Phan Thị Vàng Anh, không phải Hoàng Thuỳ Vàng Anh)! Cũng chẳng còn nhớ bảng, phấn ra sao, nhưng chắc rất tệ, vì đến năm học lớp 4 cả lớp vẫn dùng những chiếc bảng gỗ quét hắc ín, dùng được vài tháng là hết đen vì bị phấn mài mòn, những viên phấn rắn như sỏi. Ngoài o tròn như quả trứng gà, ô thời đội mũ, ơ đà có râu…, không còn nhớ lắm về những gì được học ở lớp vỡ lòng. Hình như chỉ học có vài tháng.
Chỉ nhớ những câu hát như anh lết đôi giày chuột khoét, em xách đôi dép tuột quai, bé bé bằng rơm, hai tay bằng sắt hai chân bằng chì…, đi chăn bò, cầm cái roi đằng sau, bò không đi em lấy cái roi em…. Hát theo lũ bạn, theo các anh các chị, chứ cô giáo nào dạy xuyên tạc nhảm nhí thế.
Trong trí nhớ, cô giáo vỡ lòng của mình còn trẻ, hiền và xinh. Vì cô trẻ, hiền và xinh nên mới dám và muốn lấy le với cô.
Chiều đó bố về, hút thuốc lá rồi quăng mẩu thuốc cháy dở ở góc sân. Tự nhiên ông con lại nổi tò mò, thử hút thuốc xem sao? Len lén nhặt mẩu thuốc phóng ra ngoài đường làng, chỗ cổng nhà thờ. Chợt thấy cô giáo đang gánh lúa về. Thế là ông cóc con ra đứng dang chân giữa đường, tay chống nạnh, miệng ngậm mẩu thuốc chặn đường cô giáo. Oai hùng lắm! Cô cười, khi đến gần cô hạ gánh lúa xuống, cầm mẩu thuốc vứt đi rồi bảo, còn hút thuốc nữa là cô mách bố mẹ đấy. Đó là kỷ niệm còn nhớ rõ nhất về cô giáo vỡ lòng.
Nếu hồi đó có xếp hạnh kiểm, chắc mình bị hạnh kiểm kém?

Cô Hoàng Dân Hiên
Hồi xưa học cấp 3 Nguyễn Huệ ở Hà Đông, cô Hoàng Dân Hiên làm chủ nhiệm cả 3 năm, cô dạy môn Địa lý. Ba mươi năm rồi, vẫn nhớ cô Kim dạy Văn, cô Đính dạy Toán, cô Ly dạy Tiếng Nga, thầy Thịnh dạy thể dục, dạy Sử là thầy Nguyễn Vĩnh Thạnh, người dòng hoàng tộc, cùng đế hệ với vua Bảo Đại - Nguyễn Vĩnh Thuỵ… Các thầy cô, dù khó tính hay dễ tính – theo cách nhận xét của học trò - đều tận tình với học sinh.
Nhớ có lần mùa đông, hơn 3 giờ chiều tôi còn trùm chăn nằm co ro. Nhưng trong lúc trời rét mướt đó, cô Hiên đi xe đạp đến thăm nhà tôi, nhà thằng Lân, thằng Hùng… để kiểm tra việc học hành. Nhớ có lần trong giờ ra chơi, tôi đùa nghịch làm vỡ kính cửa sổ. Tiết sinh hoạt lớp tuần đó, cô Hiên không phê bình nhiều về chuyện đùa nghịch làm vỡ kính, mà tỏ ý không vui vì tôi không tự giác làm bản kiểm điểm và thay lại miếng kính bị vỡ…
Có những tiết sinh hoạt lớp, cô Hiên dành phần lớn thời gian đọc sách cho cả lớp nghe. Nhớ nhất là cuốn Những tấm lòng cao cả của nhà văn Ý Edmondo De Amicis, hình như ngày đó phiên âm là Ét-môn-đô Đờ A-mi-xi. Mỗi tuần một câu chuyện về tình cảm gia đình, cha con, thầy trò, tình bạn, yêu quê hương, đồng cảm với những người bất hạnh… Trong đó có câu chuyện về con trai một nhân viên đường sắt.
Để nuôi gia đình, ông bố phải làm thêm ban đêm cho một nhà phát hành bằng cách viết tên và địa chỉ những người mua dài hạn sách báo của họ. Thương bố, cậu con trai đầu Giu-li-ô cứ đợi đến nửa đêm, khi bố đi ngủ là cậu lén dậy viết thay bố, vì chữ viết của hai bố con rất giống nhau. Ông bố được trả thêm nhiều tiền, vui vì tưởng mình viết nhanh hơn trước. Trong khi đó, Giu-li-ô vì thức đêm viết giúp bố nên phờ phạc, học hành sút kém. Ông bố ngày càng thất vọng về đứa con. Nhiều lúc bị mắng, Giu-li-ô định thú thật với bố, định thôi không viết nữa. Nhưng cứ khi chuông điểm nửa đêm, cậu ta lại dậy, tiếp tục âm thầm với giấy bút. Bốn tháng trôi qua…
Cho đến một hôm, bà mẹ thấy con trai xanh xao ốm yếu, lo lắng nói với chồng. Nhưng ông bố xẵng giọng, nó khoẻ ốm chẳng ảnh hưởng đến ông! Câu nói của bố khiến Giu-li-ô tê dại, như có mũi dao đâm thẳng vào tim cậu. Giu-li-ô quyết bỏ hẳn việc viết ban đêm, để lại học giỏi như trước, để lại được bố thương yêu như trước. Đêm đó, cậu vào phòng viết, chỉ để có lại lần cuối cảm giác một mình, âm thầm trong đêm khuya. Nhưng khi đèn đã thắp lên, những băng giấy trước mặt, cậu lại cặm cụi viết… Tiếng động do Giu-li-ô làm rơi sách đã khiến ông bố thức dậy, và hiểu hết. Ông bố ôm lấy con trai, mái tóc bạc kề trên mái tóc đen, nước mắt hoà vào nước mắt…
Cô Hiên đã khóc khi đọc câu chuyện đó, và nhiều đứa chúng tôi cũng khóc.

Nhân 20 Tháng 11, soạn hai entry cũ thành entry mới. Tình cờ nhận ra, hai entry từng viết về các thầy cô giáo lại là hai bài viết về cô giáo chủ nhiệm đầu tiên và cô giáo chủ nhiệm cuối cùng. Thật may mắn, hạnh phúc khi kỷ niệm về hai cô đều là kỷ niệm đẹp!  
Cựu Chiến Binh at 11/24/2009 10:24 am comment
em ko viết gì về nông trường sông hậu???
Thiềm Thừ at 11/24/2009 11:26 am reply
Viết ở blast thôi anh ạ. Vì hiện nay em khá bận rộn, mà viết về vụ bà Ba Sương phải dành nhiều thời gian để viết thật chắc chắn.
That at 11/20/2009 11:21 pm comment
 Các bác chống tiêu cực...là các quan tham nhũng ...Vậy thằng ngọc sơn " ca sỉ tối tăm" ...nó xúc phạm Bác Hồ mà báo CAND đã đưa tin ...các bác có chống nó không ? ...hay nó là vùng cấm !.      Tôi chưa thấy bác nào nhận xét về điều này .
Tran Giang Oanh at 11/20/2009 10:47 pm comment
Cảm ơn bác Thiềm Thừ về bài hát НЕ ПОВТОРЯЕТСЯ ТАКОЕ НИКОГДА. Xin được copy về Blog của trangiangoanh71 ạ. Tặng Bác!
Tran Giang Oanh at 11/20/2009 04:21 pm comment
Trở lại sân trường Nắng ngẩn ngơ nhìn ta xa lạ Chùm phượng đỏ hôm nao Giờ chỉ xanh màu lá Vết chân xưa mưa nắng cũng nhoà! Chỗ ngồi kia đâu phải của riêng ta Còn đâu nữa những giờ học Thả hồn theo gió Lời mắng nhẹ nhàng của thầy Giờ đây nghe xa quá! Kỉ niệm tràn về thật ngân nga! Thật ư Thời học trò đã xa Tuổi thơ cũng vụt qua Ta lặng lẽ bước đi trong niềm nhớ Thầy cô bạn bè ơi! Biết vao giờ gặp lại Thời gian thì trôi mãi Trôi xa!!...
Thiềm Thừ at 11/20/2009 07:49 pm reply
Mùa hè đã qua  Rồi mùa hè đã qua, trở lại mái trường xưa Nhìn lên phía hàng cây, xanh bao la nhớ nhung Giờ học sao khó quên mối tình đầu thiết tha Ngập ngừng trong ánh mắt, ai thoáng nhìn qua Mãi trong ta còn nhớ những phút giây bên nhau Ngày nào ta chung lối tay nắm tay nhau vui ca Có bao giờ ta trở lại với kỷ niệm xưa êm đềm Tháng năm đã qua trong tim chúng ta vẫn còn thương nhớ Thoáng xa ngàn xa chân trời, cháy lên tình yêu cuộc đời Tháng năm đã qua đưa ta trở lại bên nhau... НЕ ПОВТОРЯЕТСЯ ТАКОЕ НИКОГДА М. Пляцковский В школьное окно смотрят облака, Бесконечным кажется урок. Слышно, как скрипит перышко слегка, И ложатся строчки на листок. Первая любовь. Звонкие года. В лужах голубых стекляшки льда. Не повторяется, не повторяется, Не повторяется такое никогда! Незаметный взгляд удивленных глаз И слова туманные чуть-чуть. После этих слов в самый первый раз Хочется весь мир перевернуть. Первая любовь. Снег на проводах. В небе, промелькнувшая звезда… Не повторяется, не повторяется, Не повторяется такое никогда! Песенка дождя катится ручьем, Шелестят зеленые ветра… Ревность без причин, споры ни о чем. Это было будто бы вчера. Первая любовь. Звонкие года. В лужах голубых стекляшки льда… Не повторяется, не повторяется, Не повторяется такое никогда! http://www.youtube.com/watch?v=LSr_fFkZdFs
linhdao at 11/20/2009 12:23 pm comment
Cô giáo vỡ lòng dạy cho biết ngoan, không theo thói hư tật xấu... Cô Hiên dạy cho biết tình yêu cha con và sự bền bỉ quyết tâm ... Ông Trời đã sắp đặt làm Nhà báo để chống tiêu cực từ thủa ấu thơ ...

Thứ Hai, 21 tháng 9, 2009

Tội phạm?!

Category: Cuộc sống, Tag: Bạn bè,Đời sống

09/21/2009 06:19 am

          Báo chí đưa tin, ở thị xã An Khê, Gia Lai vừa có náo loạn, 75 người bị bắt giam vì gây rối, ném gạch đá vào cảnh sát. Khởi nguyên sự vụ là chuyện ngày 14/9, anh Phạm Ngọc Đến ở xã Xuân An, thị xã An Khê bị chết đuối sau khi phải nhảy xuống sông Ba, do bị CSGT truy đuổi vì không đội mũ bảo hiểm khi chạy xe máy.           Không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy là hành vi vi phạm quy định về bảo đảm an toàn giao thông. Tuyên truyền, vận động mọi người đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy, xử phạt những người không chấp hành quy định này là việc làm rất cần thiết. Tuy nhiên, việc không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy là hành vi làm tăng nguy cơ chấn thương nặng, thậm chí tử vong cho đương sự khi xảy tai nạn. Nó không phải là nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông, như xe chở hàng quá khổ quá tải, điều khiển xe không làm chủ được tốc độ, vượt ẩu, rẽ ẩu… Vậy nhưng, thời gian gần đây, nhất là trong các đợt, các tháng An toàn giao thông, dường như việc kiểm tra, xử phạt những người không đội mũ bảo hiểm là nội dung chính, được chú trọng nhất. Trong trường hợp anh Đến, anh bị CSGT truy đuổi gần 10km, như truy đuổi tội phạm. Chính việc truy đuổi đến cùng đã có thể tạo nên nguy cơ tai nạn giao thông với hậu quả nghiêm trọng, vì để chạy trốn, người bị truy đuổi thường điều khiển xe máy phóng nhanh, lạng lách trong khi không đội mũ bảo hiểm, trạng thái tâm lý thiếu bình tĩnh. Báo chí đã không ít lần đưa tin về những vụ người điều khiển xe máy không đội mũ bảo hiểm bị truy đuổi, dẫn đến hậu quả xấu, tương tự vụ anh Đến.
          Việc truy đuổi anh Đến khiến anh phải nhảy xuống sông rồi chết, do anh không đội mũ bảo hiểm là hành động thái quá của CSGT. Phải chăng, hành động thái quá này có nguyên từ cái nhìn chưa đúng, thái quá về mức độ, tính chất của lỗi không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy?
linhdao at 11/01/2009 08:32 am comment
Bác Thiềm ơi - ở Thanh Hóa lại có chuyện Cảnh sát truy đuổi làm một em sinh viên lao vào cột điện nữa cà...
-- at 10/19/2009 08:55 am comment
  Cảnh sát giao thông đánh chết người, lại còn đàn áp người dân Gia Lai Theo tin tức từ trong nước thì vào ngày 16/09 hơn 4000 người dân đã tập trung quanh khu vực trụ sở Công an tỉnh Gia Lai để phản đối việc Cảnh sát giao thông xã An Khê đánh chết người. Được biết sự việc xảy ra sáng ngày 14-9, thanh niên tên Phạm Ngọc Đến (29 tuổi, trú tại xã Xuân An, thị xã An Khê) không đội mũ bảo hiểm chạy xe máy, bị 3 xe CSGT truy đuổi. Khi đến địa phận xã Phú An thì xe hết xăng, Đến bỏ xe chạy bộ, 5 CSGT chạy bộ đuổi theo và dùng dùi cui đánh đập anh Đến rớt xuống sông. CSGT đưa xe máy của anh Đến về trụ sở Công an thị xã An Khê, nhưng không thông báo về gia đình của Đến. Hôm sau, khi người nhà đến hỏi sự việc thì CSGT mới dẫn gia đình đến chỗ anh Đến rớt xuống sông. Đến 21g, người nhà phát hiện thi thể Phạm Ngọc Đến cách đó gần 3km. Việc CSGT đánh đập có vài người dân gần đó chứng kiến, thi thể Đến không chứa nước còn nhiều. Sáng 16-9, Công an tỉnh Gia Lai khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, người nhà nạn nhân không tin nạn nhân bị chết đuối vì thi thể không trương nước, có nhiều vết bầm tím ở lưng, gãy xương bả vai, một mắt bị lồi ra,… nên gia đình không ký vào biên bản, khiêng thi thể đến trụ sở Công an để phản đối. Chính quyền đã điều động một lực lượng lớn bao gồm CSGT, CS cơ động với lựu đạn cay, dùi tre, tấm chắn bảo hô, xe chữa cháy, xe có súng phóng hơi ngạt. CS cơ động đã đánh đập đoàn người người khiêng xác nạn nhân, cướp xác bỏ lên xe. Từ trưa đến tối, tại địa bàn xã của nạn nhân số người kéo đến ngày càng đông, khoảng 5000 người. Đêm 16.9, CS cơ động đã ra tay đàn áp rất mạnh bắt khoảng 100 người, đập phá tất cả xe gắn máy có trên đường. Đến ngày 18.9 nhưng lực lượng CS cùng các phương tiện vẫn còn canh giữ không cho người dân tụ tập. Qua sự việc này một lần nữa cho thấy sự vô lương của tầng lớp lãnh đạo, cái ác độc của người gọi là thừa hành công vụ, chính quyền của dân vì dân chỉ là sự dối trá.
Thiềm Thừ at 10/20/2009 10:26 am reply
Lữ khách, chả ai biết là ai, dẫn thông tin từ nguồn nào.
linhdao at 10/10/2009 10:34 pm comment
Hí Hí Há Há... Đời là thế, nhân tình, sao như thế!? Ta là ta, cuộc sống, vẫn từ ta!!!
linhdao at 10/10/2009 09:42 pm comment
he he... tiếc quá, giá mấy tay này sinh ra sớm hơn...cho sang K đuổi Pốt từ những năm 79... thì Quân TN VN đã không phải ở giúp bạn đến năm 89 mới về... Chắc mấy tay này không biết chữ...vì vậy không đọc được biển số xe... để sau này truy phạt sau... Thương thay... một cái chết oan ức .... chỉ vì sự mù chữ của người thi hành nhiệm vụ...
Thiềm Thừ at 10/10/2009 09:56 pm reply
Lính đảo đi đâu cũng có giọng chả lẫn với ai được, hí hí há há  
dvquan_moscow at 09/28/2009 01:07 pm comment
Tập trận hả các bác...haizz. .. Bác Thiềm Thử đặt vấn đề về tính chất bắt lỗi vi phạm luật đội mũ bảo hiểm rất hay!
Đức ơi at 09/25/2009 07:18 pm comment
Híc mấy bác bàn luận thời sự hay quá, cho em đi theo nghe với!!
ngochitung at 09/22/2009 12:26 am comment
Câu chuyện thế có hay không hử bác? cơ quan điều tra cấp dưới đi điều tra cơ quan điều tra cấp trên như thế khác nào bố bảo con "mày cứ đi điều tra bố mày đi". (Em cũng phải chú thích thêm rằng hôm đó cũng có mấy chú đi canh cá, nằm ngủ trong mấy cái lều ở cạnh ao, thấy tiếng lựu đạn nổ đùng đoàng mới lớ ngớ mò vào để xem, thế là cũng bị hót lên C14, tẩn cho no đòn và cái ví trong túi quần còn mỗi vỏ không sau đó các chú mới được "sàng lọc đối tượng" thả về. Chắc các chú này được một bài học nhớ đời về tội tò mò). Và suổt từ đó đến nay, cái chết về 5 thằng đánh bạc này cũng giống như con tàu Titanic hay ví von dân dã 1 tí là xanh mồ theo mấy thằng xấu số mà chả ai nhắc đến nó nữa. Thế nên cái chết của chú không đội MBH kia chả là cái mèng gì đâu bác ạ. Chuyện như thế ở quê em bi giờ (thủ đô đấy bác nhá) có mà đầy. Thế nên bác đừng bức xúc!
Thiềm Thừ at 09/22/2009 06:29 am reply
Ừ, vụ bắt đám bạc, chết con bạc đó, ầm ĩ trên báo chí một dạo rồi chìm lỉm. Tùng thức khuya thế. Đã nhận được đơn của Nguyễn Đức Chi tố cáo các nhà báo "vu khống" chưa? 
ngochitung at 09/22/2009 12:20 am comment
Báo cáo bác là có những vụ tày giời hơn thế nhiều. Năm 2007 em đã từng có 1 loạt bài viết về vụ C14 tổ chức bắt một nhóm đánh bạc ở Phúc Thọ Hà Tây quê bác. Vụ việc xảy ra vào ban đêm tối mò nên C14  huy động hơn 400 thằng lính C22 với trang bị đầy đủ mỗi thằng một cái dùi cui, roi điện, súng bắn điện, súng AK, lựu đạn nổ, lựu đạn cay và đèn pha công suất cực lớn để vây bắt mấy thằng đánh bạc.  Cái chiếu bạc này lại nằm ở vị trí vô cùng đắc địa đó là chỉ có 1 con đường độc đạo đi vào, xung quanh toàn ao hồ. Lực lượng lớn công an bao vây vòng ngoài hồ để tên nào có bơi qua cũng bị tóm lại. Số công an còn lại tập kích theo con đường độc đạo vào chiếu bạc. Sau một loạt tiếng nổ của lựu đạn nổ và lựu đạn khói, đám bạc bỏ của chạy lấy người, bao nhiêu tài sản chả còn gì, nhưng khốn nạn nhất là mấy hôm sau người dân phát hiện có 5 xác chết là những thằng có mặt trong chiếu bạc tối hôm đó trong đó có cả 1 thằng là vận động viên bơi lội mà cũng chết đuối?!. Kết quả khám nghiệm tử thi không hề có 1 tí nước nào trong dạ dày 5 con bạc này. Điều đáng nói nữa là khi xác mấy thằng này nổi lên, đều nổi ngửa bụng (nếu chết đuối thì nam phải nằm sấp bác nhể) và tay chân trong trạng thái co quắp 1 cách kỳ lạ. Bác bảo cái kiểu chết của mấy thằng này không phải do dùi cui điện dí vào ngất xỉu rồi ngã lăn quay xuống nước chết ngạt thì là chết do cái gì? Câu chuyện này được em tương liền mấy bài to tổ bố trên cái mảnh đất nhà em. Sau mấy bài đó, bọn C14 tổ chức họp báo thông báo rất nhảm nhí về vụ án và đề nghị các anh em báo chí thân tín với C14 ủng hộ C14. Thế là còn trơ khấc mỗi mình em đứng ra 1 phe (thế có đau không hử bác) chiến đấu lại. Kết quả: Cục trưởng C14, thiếu tướng Triệu Quốc Đạt (nay là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát) đề nghị công an Hà Tây điều tra nguyên nhân về 5 cái chết.

Thứ Năm, 25 tháng 6, 2009

Luật sư nhắc nhà báo

Category: báo chí, Tag: nghề,Những người sống quanh ta,Văn hóa Xã hội

06/25/2009 12:28 pm
Để giữ thái độ hoài nghi cần thiết cho Nghề báo khi tường thuật ở Tòa án:
·      Đừng bao giờ tin một luật sư, trừ phi bạn biết rõ người ấy. Dù hầu hết luật sư đều trung thực, tất cả họ đều là người bênh vực cho kẻ khác. Do đó, mọi điều họ nói ra hay viết ra được diễn dịch như là những điều được thiết kế ra để giúp thân chủ họ và làm tổn hại đối phương. Điều đó luôn luôn đúng, cho dù luật sư làm đại diện cho bên bị hay bên khởi tố trong một vụ án hình sự, hay đại diện hai bên trong một vụ án dân sự. Các quy tắc đạo đức của luật sư đoàn cấm các luật sư lợi dụng nhà báo để giành lợi thế, nhưng nhiều luật sư sẽ cố dùng thủ đoạn này. Phải biết ngờ vực.
·       Lời thẩm phán có thể  là luật pháp nhưng không phải là chân lý . Không phải thẩm phán nào cũng là một học giả về pháp lý. Phần lớn thẩm phán là, từng là, những chính khách. Một số thậm chí còn không lương thiện nữa. Otto Kernel đang là thẩm phán tòa phúc thẩm liên bang thì bị buộc tội tham nhũng đã phạm phải trước đó trong khi làm thống đốc bang Illonois. Abe  Fortas đang là thẩm phán Tòa án Tối cao Hoa Kỳ, nhà cố vấn thân cận với Tổng thống Lyndon Johnson, và được Johnson đề cử làm chánh án tối cao thì một phóng viên phanh phui ra ông này thường xuyên nhận tiền từ một người đã bị buộc tội vi phạm pháp luật liên bang. Fortas buộc phải từ chức ra đi.
·       Sự thật và chân lý không phải lúc nào cũng thắng thế . Các công tố viên có khi lại che dấu những bằng chứng có lợi cho bên bị khởi tố. Các luật sư biện hộ đôi lúc vồ lấy những khái niệm chuyên môn hay dựa vào những nhân chứng mà biết là không đáng tin cậy nhằm buộc tòa án xử trắng án. Các thẩm phán thỉnh thoảng lại diễn dịch sai những điều luật hay phớt lờ chúng đi. Nhiều người vô tội phải vào tù và những kẻ phạm tội lại được tự do. Các tòa án cũng chẳng hoàn hảo hơn nhật báo. Hai cái này cộng lại có thể đẻ ra những cảnh tượng kinh hồn, chẳng hạn như sự kiện ở Cleveland năm 1954 khi các tờ báo gào thét đòi trả máu và một thẩm phán khước từ tiến sĩ Sam Sheppard những quyền cơ bản nhất trước khi kết tội bị cáo này đã giết chết vợ. Quyết định của Tòa án tối cao lật ngược hoàn toàn bản án đó đã trở thành một cột mốc lịch sử và đề ra những quy trình xét xử đúng đắn. Trong nhiều trường hợp khác, báo chí đã giúp điều chỉnh nhiều vụ xử oan sai. Phóng viên Genne Mille đã giành được hai giải Putilzer vì đã giành được quyền tự do cho những người đã bị bỏ tù oan sau những bản án bất công buộc họ tội sát nhân. 
( Xem  cuốn  Nhà báo hiện đại- News Reporting and writing cầm nang  dạy nghề cho những nhà báo của thế kỷ 21  của Ban biên soạn  The Missouri Group thuộc Khoa  báo chí  Đại học Missouri  )
Đọc Nhà báo hiện đại, nhớ lại nhiều vụ án, đặc biệt là vụ án “Vườn Điều" ở Bình Thuận. Tại thời điểm ban đầu (điều tra - truy tố, xét xử sơ thẩm ), có tờ báo đã sai lầm nghiêm trọng khi đăng những bài “ Sáu năm truy tìm thủ phạm “.. quy kết, đòi xử lý nhiều người dân vô tội về tội giết người, cướp tài sản, thậm chí có lúc đòi xử lý các phóng viên báo khác đã “Lợi dụng quyền tự do dân chủ, vu khống ... ). Thế nhưng các phóng viên Báo Tiền phong: Nguyễn Đình Quân, Báo Pháp luật TPHCM: Vũ Đức Sao Biển, Báo Đại  Đoàn kết: Nguyễn Chính, Nhà báo tự do: Trần Mỹ, Mạc Hồng Kỳ (Báo Thanh niên) và không thể nhớ hết tên các nhà báo khác cũng đã có nhiều bài điều tra, phản biện với hành trình đầy cam go... Nếu không có những nhà báo như vậy,  tôi nghĩ rằng khó có thể giành quyền tự do cho đại gia đình bà Nhung. Vô cùng cám ơn các nhà báo hiện đại.
Bài của luật sư Nguyễn Hồng Hà, bloger TỰ DO
dvquan_moscow at 06/26/2009 01:14 am comment
"...phóng viên Báo Tiền phong: Nguyễn Đình Quân, Báo Pháp luật TPHCM: Vũ Đức Sao Biển, Báo Đại  Đoàn kết: Nguyễn Chính, Nhà báo tự do: Trần Mỹ, Mạc Hồng Kỳ (Báo Thanh niên) và không thể nhớ hết   tên các nhà báo   khác   cũng đã có nhiều bài điều tra, phản biện với hành trình đầy cam   go... Nếu không có những nhà báo như vậy,  tôi nghĩ rằng khó có thể giành quyền tự do cho  đại gia đình   bà   Nhung. Vô cùng cám ơn các nhà báo hiện đại... " Xin chúc mừng bác Thiềm Thử!!!!

Thứ Bảy, 31 tháng 1, 2009

Sắc đào

Category: Cuộc sống, Tag: Bạn bè,Đời sống,xuân

01/31/2009 12:12 pm

Ngày đầu xuân, ngắm hoa anh đào đậu ở Hoàng Hoa Thôn, Nha Trang.
Như được ngắm hoa đào xứ Bắc!