Chủ Nhật, 17 tháng 8, 2014

Hồ sơ tìm cứu Annette Herfkens

Nhân chuyến trở lại Việt Nam của bà Annette Herfkens, nạn nhân duy nhất sống sót trong vụ tai nạn máy bay ngày 14/11/1992, Thiềm Thừ xin giới thiệu một số hồ sơ chính thức về việc tìm kiếm, cứu nạn.


Tóm tắt lời khai của một trong 6 người đầu tiên phát hiện nơi máy bay YAK40, số hiệu VA-A449 rơi (không phải VN474) là ông Mấu Quốc Tân, thời điểm xảy ra vụ tai nạn là xã đội trưởng xã Sơn Trung, huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa:
Ngày 15/11/1992, ông Tân được thông báo, máy bay có thể rơi ở khu vực huyện Khánh Sơn; Từ ngày 16/11/1992 xã Sơn Trung tổ chức 2 đội tìm kiếm, đến ngày 18/11/1992 họ phát hiện 2 vé máy bay và 1 túi nôn; Ngày 19/11/1992 đoàn tìm kiếm phát hiện vệt cây bị cháy trên đỉnh núi Manhan, nghi là máy bay bị rơi ở đó; Khoảng 10 giờ ngày 20/1/1992, tổ tìm kiếm gồm 6 người do ông Tân chỉ huy phát hiện một phần máy bay rơi, ông Tân và một người nữa chạy xuyên rừng xuống xã để báo tin… 





   

       Sơ đồ hiện trường máy bay YAK40 rơi ngày 14/11/1992:
1. Vị trí phát hiện cánh trái máy bay; 2. Vị trí phát hiện cánh phải máy bay; 3. Vị trí phát hiện cánh tà; 4. Vị trí phát hiện càng và bánh máy bay; 5. Vị trí phát hiện hộp đen; 6. Vị trí đuôi máy bay rơi; 7. Vị trí một phần vỏ thân máy bay; 8. Vị trí đầu và thân máy bay            

Tại hiện trường núi Manhan, ngày 21/11/1992 
BIÊN BẢN QUAN SÁT HIỆN TRƯỜNG VỤ TAI NẠN
YAK40 SỐ HIỆU VN-A449 
(Chuyến bay từ Sài Gòn ra Nha Trang ngày 14/11/1992)

- Được lệnh của Ban chỉ huy tìm kiếm và giải quyết vụ tai nạn máy bay YAK40 số hiệu VN-A449. Đoàn gồm :

1. Đ/c Lê Hải (trưởng đoàn), Trợ lý Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam
2. Đ/c Lê Trung Tiến, tìm kiếm cứu nguy Tân Sơn Nhất.
3. Đ/c Nguyễn Hưng Việt, Bảo hiểm Hàng không, Tổng công ty Hàng không Việt Nam
4. Đ/c Bùi Võ, An toàn bay Tổng công ty Hàng không Việt Nam
5. Đ/c Trần Ngọc Chính, quay video thuộc Ban phục vụ hành khách
6. Đ/c Chu Hoàng Hà, quay video An ninh hàng không
7. Đ/c Nguyễn Thành Chung, Thiếu tá , Huyện đội phó Khánh Sơn
8. Đ/c Nguyễn Thành Sinh, Thượng úy, Phó Công an huyện Khánh Sơn
9. Đ/c Mấu Quốc Tân, xã đội trưởng xã Sơn Trung

- Đoàn rời huyện Khánh Sơn lúc 8 giờ 20 phút. Đoàn đến hiện truờng lúc 14 giờ 20 phút. Hiện trường có 4 đồng chí dân quân xã Sơn Trung gác (04 đồng chí trong tổ phát hiện ra vị trí máy bay bị nạn), danh sách :
1. Bo Bo Thanh Lanh     Tổ trưởng
2. Mấu Hoa                    Dân quân xã Sơn Trung
3. Mấu Thiêu                  Dân quân xã Sơn Trung
4. Cao Trọng                  Dân quân xã Sơn Trung

- Đoàn tổ chức lập bàn thờ, thắp hương cho các hương hồn đã mất.
Anh Lê Hải, đại diện Hàng không Việt Nam thắp hương. Sau khi thắp hương đoàn tiến hành đi xung quanh quan sát hiện trường, quay video, chụp hình. Đoàn quan sát tình hình hiện trường như sau:
Quang cảnh chung : Hướng vệt máy bay rơi 45 - 50o, vệt dài tính từ vị trí đầu tiên máy bay chạm đến vị trí cuối cùng của vệt (khoảng 200m). Theo hướng của vệt cách 300m (tức là 500m) là nơi của khoang hành khách rơi và tìm thấy một người còn sống. Vệt chính rộng 30m. Các mảnh xác máy bay văng ra hai bên khoảng l0m. Điểm máy bay chạm vào núi cách đỉnh 70m (Manhan bình độ 970m). Vệt máy bay chạm từ sườn lên đến đỉnh 200m. Vệt này cây cối bị gãy, bị cháy vì xăng dầu. Khu vực không có mùi hôi thối của xác chết, chỉ có nùi xăng dầu bị cháy. Vị trí đâm chạm của máy bay là sườn đồi dốc 60 - 70 độ.  Máy bay cắt một số cây to và để lại 02 mảnh xác máy bay trên cây cao khoảng 10 - 15m (cây ở vùng này cao 20 - 30m). Máy bay ở trạng thái chạm trượt nên cánh bị cắt hai bên và theo phán đoán máy bay một phần bị nổ mảnh xác văng ra xung quanh. Phía cuối cùa vệt bên dưới sườn đồi phát hiện càng chính bên trái máy bay, cánh máy bay và một số giấy tờ, đồ dùng như: Đăng kiểm tàu thuyền, son phấn, ảnh, khay nhựa, khăn phục vụ hành khách trên máy bay.
Trong lúc đoàn quan sát hiện trường, đoàn tổ chức một lực lượng tìm kiếm các khu vực xung quanh. Tại hiện trường chính đoàn không phát hiện gì về người bị nạn. Đến 16 giờ kém 15 phút phát hiện có tiếng người hú kêu bên kia đồi. Đến 16 giờ đội tìm kiếm phát hiện cánh đuôi máy bay (đuôi đứng) và tiếp theo phát hiện 01 hành khách còn sống đang ngồi cách khoang hành khách khoảng 5 – l0m. Người hành khách tên là ANNETTE. Đoạn khoang hành khách có một số xác chết bị dồn ép. Phía trước là ca bin, có khả năng tổ bay bị kẹt ở trong. Quan sát thấy một số xác chết trong khoang còn hình thể con người và một số tư trang hành lý rơi vãi xung quanh và cả trong khoang hành khách. Lực lượng tìm cứu còn phát hiện xung quanh khoảng 50m có 04 xác chết (03 nam, 01 nữ). Sau khi phát hiện đoàn tổ chức đưa bà ANNETTE về khu vực trại chăm sóc uống thuốc B1, B complex, Ampixilin, uống nước cháo. Bà ANNETTE bị gãy răng và đau đầu gối. Sau khi quan sát hiện trường, đoàn cho tăng cường canh gác bảo vệ hiện trường (chờ đoàn khám nghiệm hiện trường của Nhà nước lên làm việc).

Đoàn kết  thúc lúc 17 giờ ngày 22/11/1992.



Liên Quan: 

Tai nạn máy bay ở thung lũng Ô Kha năm 1992: 1. Một mình giữa những người chết


Chủ Nhật, 3 tháng 8, 2014

Áp-phe gắn mác yêu nước

Một số nhà báo "đại gia" đang o bế ông này, bằng nhiều cách. Còn tôi, ngay từ đầu đã thấy đây là một áp-phe nặng mùi, gắn mác "yêu nước". Có lẽ Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã gián tiếp nói không với áp-phe này, khi ông nói về việc lựa chọn doanh nghiệp hợp tác với ngư dân để tổ chức sản xuất cá ngừ theo chuỗi giá trị: "Không chọn doanh nghiệp chỉ có đầu vào, phải lựa chọn doanh nghiệp có đầu ra cho sản phẩm, đây là điều quyết định".

Ông chủ bất động sản xin Thủ tướng cho nhập trực thăng, tàu cũ