Thứ Bảy, 27 tháng 12, 2014

10 năm, tăng và giảm

Năm 2005, dân số Việt Nam là khoảng 83,5 triệu người. Trong năm đó, có 14.711 người Việt Nam chết vì tai nạn giao thông.
Năm 2014, Việt Nam có dân số khoảng 90,5 triệu người, và có 8.996 người chết vì tai nạn giao thông.
Số người chết vì tai nạn giao thông: Năm 2005 - 14.711 người, năm 2006 - 14.727 người, năm 2007 - 14.624 người, năm 2008 - 11.594 người,  năm 2009 - 11.516 người, năm 2010 - 11.449 người, năm 2011 - 11.395 người, năm 2012 - 9.838 người, năm 2013 - 9.369 người, năm 2014 - 8.996 người.
Sau 10 năm, dân số Việt Nam tăng khoảng 8 triệu người, số người chết vì tai nạn giao thông hàng năm giảm gần 6.000 người.
 Biểu đồ của Tổ chức Y tế Thế giới về số người chết vì TNGT trên 100.000 dân của Việt Nam - Global Status Report On Road Safety 2013
Năm 2014, số người chết vì TNGT của Việt Nam đã ở dưới 10 người/100.000 dân.Theo Biểu đồ của Tổ chức Y tế Thế giới, số người chết vì TNGT trên 100.000 dân của Hoa Kỳ tương đương của Việt Nam.  

Chủ Nhật, 21 tháng 12, 2014

Tự hào!

Chúc các đồng đội của tôi, những người lính mãi mãi xứng đáng truyền thống: Quyết chiến quyết thắng, vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh!



Ảnh của Mai Vinh, báo Tuổi Trẻ và Dương Giang, Thông tấn xã Việt Nam

Thứ Ba, 16 tháng 12, 2014

HY SINH

Hoa hậu Nguyễn Cao Kỳ Duyên nói rằng, sự hy sinh là điều làm người phụ nữ Việt Nam khác với những người phụ nữ khác trên thế giới.
Một số người không đồng tình, giễu cợt hoa hậu.
Còn tôi, tôi nghĩ tới mẹ tôi, nhớ tới những khuôn mặt này, những đôi mắt này, ở quân cảng Cam Ranh!










Thứ Sáu, 12 tháng 12, 2014

Vui cùng Đinh Bằng Sắt

Gặp bạn lần đầu tiên ngày 30/7/1979 ở làng Đoàn Đào, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên khi cùng đang lặn lội hỏi đường về đại đội. Mình và bạn cùng em ruột Đinh Hồng Chương trong số mấy chục thằng nhập ngũ muộn hơn một tuần so với bọn bạn lính Đoàn Đào Đập Neo, nhập ngũ ngày 23/7/1979.
Lớp Súng Pháo K14 đầu năm 1984, Đinh Đại Văn đứng, cao nhất
          Sau đó, cùng bạn trở thành học viên lớp Súng Pháo K14, Đại học Kỹ thuật Quân sự, nay là Học viện Kỹ thuật Quân sự. Tốt nghiệp năm 1984, cùng được điều động đi K, cùng làm chùm niaing ka boòng kaơn (chuyên gia tăng cường), trực tiếp ăn ở, làm việc trong đơn vị quân đội Bạn. Khi Việt Nam rút quân khỏi Campuchia, bạn trong số những người ở lại giúp Bạn đến ngày cuối cùng. Hơn 4 năm ở đất rừng xứ lạ, bom đạn, bệnh tật không làm gì được bạn.   
          Đúng hai năm trước, tai nạn bất ngờ ập đến, bạn bị chấn thương rất nặng ở đầu, mặt. Nhiều ngày, nhiều tuần, nhiều tháng…, bạn nằm một chỗ trong Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng. Người thân, đồng đội, bạn bè cầu mong sự kỳ diệu đến với bạn, mà thâm tâm vẫn không tin lắm vào khả năng mong manh ấy.
Vui mừng xem lại ảnh lớp
          Họp lớp “sinh đôi” Súng Pháo K14 và Đạn K14 sau 30 năm tốt nghiệp, mình được giao đi Đà Nẵng thăm bạn. Hồng Chương vừa đánh tiếng ở cửa nhà, bạn đã chạy ra. Bàn tay ấm nóng, cái ôm thật chặt, tiếng cười rổn rảng. Hiệp, vợ bạn hỏi biết ai không? Biết chứ, biết chứ, bạn nói rồi lấy điện thoại, mở danh bạ, chỉ vào chỗ Quân Súng Pháo. Lấy ảnh lớp Súng Pháo và lớp Đạn chụp chung hôm gặp mặt cho bạn xem, bạn lấy điện thoại chụp ảnh từng người, rồi lưu thông tin vào danh bạ. Đưa phong bì quà tặng của hai lớp cho bạn, bạn chỉ vào Nguyễn Lạc Hồng trong ảnh, rồi ghi vào phong bì Nguyễn Lạc Hồng (SP14). Dẫn bạn đi nhậu ở văn phòng cơ quan đại diện báo Tiền Phong tại Đà Nẵng, bạn cũng làm mấy ly rượu…  
"Lạc Hồng, tao vẫn nhớ mày đấy nhé!"
          Hồi năm thứ nhất ở Học viện Kỹ thuật Quân sự, thầy Định dạy Toán giải tích gọi Đinh Đại Văn là Đinh Bằng Sắt. Cách gọi ấy thật đúng. Từng bước, từng bước chiến thắng tai ương khủng khiếp, bạn vẫn là Đinh Bằng Sắt.    
         Vui cùng Đinh Bằng Sắt

Thứ Ba, 2 tháng 12, 2014

Đến Trường Sa, vẫn ít thông tin về Trường Sa

Nghe nói, từ nay Quân chủng Hải quân sẽ rà soát kỹ hơn, sẽ giảm bớt số nhà báo trong các đoàn đi công tác, đi thăm Trường Sa. Lý do, là có một số nhà báo coi đi Trường Sa như đi du lịch, hiệu quả tuyên truyền sau chuyến đi Trường Sa không cao, viết bài không đúng sự thật, “tào lao” như vụ N.Q.Đ… Nhưng khách thăm Trường Sa chưa hiểu Trường Sa, có phần lỗi của người mời khách đi thăm.   

Mỗi năm gần đây, có vài trăm nhà báo được cử, được mời ra Trường Sa. Có nhà báo như ông Trương Minh Thắng, Tổng Biên tập báo Đắk Lắk, làm thơ tặng lính Trường Sa với cảm xúc gượng ép, sượng như nồi cơm ít nước, thiếu lửa, đã vậy còn minh họa thơ mình bằng ảnh lính Trung Quốc bồng súng đứng bên cột mốc chủ quyền, quốc huy, bản đồ Trung Quốc! Có nhà báo làm lính Trường Sa buồn, bực mình, như các cô ra đảo Phan Vinh, đảo Trường Sa Đông. Đó chỉ là số ít. Đông hơn một chút, có những nhà báo coi ra Trường Sa là dịp để “lên màu, thêm số má”.
Phần đông nhất, các nhà báo hăm hở viết, với nhiệt huyết thật sự, tình cảm thật sự dành cho Trường Sa. Nhưng trong cả ngàn bài báo được viết mỗi năm về Trường Sa, có bao nhiêu bài thật sự đọng lại trong bạn đọc? Không nhiều. Hầu hết là những bài viết về Trường Sa đổi mới, lính Trường Sa vượt lên mọi khó khăn, thiếu thốn để hoàn thành nhiệm vụ ra sao, trồng rau giỏi thế nào… Đó là những điều cần viết, rất cần. Nhưng năm này qua năm khác, nhà báo ra Trường Sa hầu như chỉ có thể viết về những điều đó. Cho nên, nếu có những nhà báo coi đi Trường Sa là một chuyến du lịch không mất tiền, như bác Cựu Chiến Binh đã còm ở blog này, cũng không nên trách họ nhiều quá. Họ có viết bài về Trường Sa, có lẽ cũng sẽ viết theo công thức về đề tài quen thuộc, không nhiều thông tin.
Vụ tàu hải giám Trung Quốc cản phá và cắt cáp của tàu Bình Minh 02 ở khu vực bồn trũng Phú Khánh cho thấy, việc tuyên truyền về chủ quyền biển đảo, trong đó có ý nghĩa của việc bảo vệ Trường Sa, quá trình hình thành, xây dựng, bảo vệ các đảo ở đó là rất cần thiết. Nhưng, chính các nhà báo ra Trường Sa cũng chưa được cung cấp đủ thông tin về những điều này. Cho nên, có phóng viên một tờ báo khá gắn bó với Trường Sa, sau chuyến đi kéo dài một tháng ở Trường Sa vẫn có nhận định hết sức ấu trĩ, sai lầm: “Mình đóng giữ nhiều đảo ở Trường Sa hơn Trung Quốc thì tốn kém hơn, chứ chưa được lợi lộc gì”. Ngắn gọn về chuyện này: Nếu chúng ta không còn các đảo ở Trường Sa, đội tàu đánh bắt xa bờ của ta chắc phải xóa sổ, ngư dân chết đói!   
          Những thông tin đó ở đâu? Rất sẵn. Trong cuốn Lịch sử Hải quân Nhân dân Việt Nam (1955 – 2005), trong cuốn “30 năm hình thành và phát triển của Đoàn Trường Sa”, trong các tập sách về lịch sử hình thành, xây dựng các đảo ở Trường Sa như Len Đao, Cô Lin, Tốc Tan…, sách “Những điều bộ đội Trường Sa cần biết”… Nếu Cục Chính trị Hải quân, hoặc Ban Tuyên giáo Trung ương chắt lọc thông tin trong các cuốn sách đó, soạn một cẩm nang cho các nhà báo và mọi người khách ra Trường Sa, hiệu quả tuyên truyền về chủ quyền và công cuộc bảo vệ chủ quyền tại Trường Sa chắc chắn sẽ được nâng lên, trúng trọng tâm hơn nhiều…   
          Đó là nội dung chính của bài thứ 4 trong loạt bài “Nhà báo làm gì ở Trường Sa", tôi đăng trên blog ngày 31/5/2011.  
          Ba năm sau, tàu HQ-561 chở đoàn cán bộ Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin Truyền thông đi thăm Trường Sa. Ngày 24/4/2014, khi tàu chạy đảo qua đảo Đá Tây C, đảo Đá Tây A để tới đảo Đá Tây B, một số bác cứ khăng khăng rằng Đá Tây A là căn cứ của Trung Quốc, ta làm gì xây được to như thế. Mở máy tính cho các bác xem ảnh tôi chụp Đá Tây A tháng 4 năm ngoái, các bác cũng chưa chịu tin rằng, cái đảo các bác đang thấy là của ta. Một anh bạn trong đoàn là Phó Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông tỉnh Nghệ An, đồng đội lính 779 với tôi dùng máy ảnh siêu zoom chụp ảnh quốc kỳ Việt Nam trên đảo Đá Tây A, các bác mới chịu im.

Có chuyện như thế, một phần vì các bác kém hiểu biết. Nhưng cũng có phần do các bác bên Hải quân. Mỗi vị khách thăm Trường Sa được phát một cuốn Sổ công tác Trường Sa, DK. Trong cuốn sổ này, sau phần giới thiệu về những chặng đường lịch sử của Hải quân Nhân dân Việt Nam là phần quy định về tổ chức, hoạt động của các đoàn đi thăm Trường Sa, DK1 và công tác tuyên truyền về Trường Sa, DK1. Nhưng trong sổ không hề có bản đồ quần đảo Trường Sa, không hề nhắc tới tình trạng tranh chấp của “5 nước, 6 bên” ở Trường Sa, số đảo Việt Nam đang đóng giữ ở Trường Sa và số đảo bị các bên khác chiếm đóng, nói chung không có thông tin về quần đảo Trường Sa. Cuốn sổ cũng không có thông tin về khu vực nhà giàn DK1, như: Quá trình xây dựng các nhà giàn, số nhà giàn; Tại sao cần phải khẳng định rằng khu vực nhà giàn DK1 là thềm lục địa Nam Việt Nam, không thuộc quần đảo Trường Sa, không thể có tranh chấp với bất cứ quốc gia nào…
Khách đi thăm Trường Sa không được cung cấp thông tin chính thống có hệ thống về Trường Sa, nên khi đi thăm Trường Sa dễ ở tình trạng như thầy bói xem voi, đi đến đâu biết sơ sơ đến đó. Hiểu biết về Trường Sa không có hệ thống, hời hợt, làm sao tuyên truyền về Trường Sa đạt hiệu quả cao được.    

Còn một số hạn chế khác trong quy định về tuyên truyền, tôi sẽ nói tới ở bài khác.     

Tham khảo:

Thứ Tư, 19 tháng 11, 2014

Cô giáo của tôi

Đăng lại một bài viết từ năm 2009, thay lời chúc các thầy cô giáo

Cô giáo vỡ lòng
Lần đầu tiên đi học, cách đây đã hơn 40 năm. Hình như trước đó có đi nhà trẻ, nhưng chả nhớ tẹo nào. Chỉ nghe bác Cả kể, mình thường đứng bám song cửa sổ lớp gọi ra, bác Cả ơi Thiềm Thừ này! Chưa kịp lên mẫu giáo thì Mỹ ném bom miền Bắc, thế là anh lết đôi giày chuột khoét, em xách đôi dép tuột quai, ta lên đường đi sơ tán tèn ten tén ten… Bài hát nguyên bản chả nhớ, chỉ nhớ bản xuyên tạc!
Sơ tán lần thứ nhất 4 năm, có về quê nội Văn Giang một dạo, nhưng chủ yếu ở huyện Thanh Oai, Hà Tây. Xóm Thanh Giang xã Cao Viên, làng nón Chuông, các làng Cao Mật Thượng, Cao Mật Hạ, Thanh Thần xã Thanh Cao đều từng sơ tán tới. Ở Thanh Cao có đầm Thượng Thanh từng được giới thiệu và có ảnh trong sách giáo khoa địa lý, biết bơi do theo lũ bạn đi tắm ở đó. Khi đi học Vỡ lòng, đang ở Cao Mật Thượng. Nhớ, nhà mình ở cạnh khoa phẫu thuật của Viện quân y 103, ngày ấy cứ nghe gọi là phòng mổ, gần nhà thờ Cao Mật Thượng. 
Lớp vỡ lòng cũng gần nhà, cạnh nhà thờ. Sau này lớn chút nữa thì biết, nhà thờ là nơi an toàn, ít bị bỏ bom. Nhớ có mấy lần trốn học lủi vào nhà thờ xem các chị tập múa tập hát, nến trên tay, mắt long lanh. Rồi lần ông cha cố ở Thạch Bích về nhà thờ Cao Mật, thấy người lớn cung kính đón chiếc ô tô tiến vào sân nhà thờ, cũng cố chui lên trước. Lúc một ông áo đen, to cao, béo trắng trên ô tô bước xuống, vừa mong ông ấy nhìn mình, vừa sợ. Nhưng ông không nhìn…
Mang máng nhớ là lớp chỉ có khoảng mươi đứa, tường đất đắp dày để ngăn mảnh bom đạn. Không nhớ sách bút hồi đó có những gì, nhưng không có cặp, chỉ có chiếc bút chì, không có được một mẩu bánh mì con con như mèo con Vàng Anh (chính xác là nhà thơ Phan Thị Vàng Anh, không phải Hoàng Thuỳ Vàng Anh)! Cũng chẳng còn nhớ bảng, phấn ra sao, nhưng chắc rất tệ, vì đến năm học lớp 4 cả lớp vẫn dùng những chiếc bảng gỗ quét hắc ín, dùng được vài tháng là hết đen vì bị phấn mài mòn, những viên phấn rắn như sỏi. Ngoài o tròn như quả trứng gà, ô thời đội mũ, ơ đà có râu…, không còn nhớ lắm về những gì được học ở lớp vỡ lòng. Hình như chỉ học có vài tháng. 
Chỉ nhớ những câu hát như anh lết đôi giày chuột khoét, em xách đôi dép tuột quai, bé bé bằng rơm, hai tay bằng sắt hai chân bằng chì…, đi chăn bò, cầm cái roi đằng sau, bò không đi em lấy cái roi em…. Hát theo lũ bạn, theo các anh các chị, chứ cô giáo nào dạy xuyên tạc nhảm nhí thế. 
Trong trí nhớ, cô giáo vỡ lòng của mình còn trẻ, hiền và xinh. Vì cô trẻ, hiền và xinh nên mới dám và muốn lấy le với cô.
Chiều đó bố về, hút thuốc lá rồi quăng mẩu thuốc cháy dở ở góc sân. Tự nhiên ông con lại nổi tò mò, thử hút thuốc xem sao? Len lén nhặt mẩu thuốc phóng ra ngoài đường làng, chỗ cổng nhà thờ. Chợt thấy cô giáo đang gánh lúa về. Thế là ông cóc con ra đứng dang chân giữa đường, tay chống nạnh, miệng ngậm mẩu thuốc chặn đường cô giáo. Oai hùng lắm! Cô cười, khi đến gần cô hạ gánh lúa xuống, cầm mẩu thuốc vứt đi rồi bảo, còn hút thuốc nữa là cô mách bố mẹ đấy. Đó là kỷ niệm còn nhớ rõ nhất về cô giáo vỡ lòng. 
Nếu hồi đó có xếp hạnh kiểm, chắc mình bị hạnh kiểm kém?

Cô Hoàng Dân Hiên
Hồi xưa học cấp 3 Nguyễn Huệ ở Hà Đông, cô Hoàng Dân Hiên làm chủ nhiệm cả 3 năm, cô dạy môn Địa lý. Ba mươi năm rồi, vẫn nhớ cô Kim dạy Văn, cô Đính dạy Toán, cô Ly dạy Tiếng Nga, thầy Thịnh dạy thể dục, dạy Sử là thầy Nguyễn Vĩnh Thạnh, người dòng hoàng tộc, cùng đế hệ với vua Bảo Đại - Nguyễn Vĩnh Thuỵ… Các thầy cô, dù khó tính hay dễ tính – theo cách nhận xét của học trò - đều tận tình với học sinh. 
Nhớ có lần mùa đông, hơn 3 giờ chiều tôi còn trùm chăn nằm co ro. Nhưng trong lúc trời rét mướt đó, cô Hiên đi xe đạp đến thăm nhà tôi, nhà thằng Lân, thằng Hùng… để kiểm tra việc học hành. Nhớ có lần trong giờ ra chơi, tôi đùa nghịch làm vỡ kính cửa sổ. Tiết sinh hoạt lớp tuần đó, cô Hiên không phê bình nhiều về chuyện đùa nghịch làm vỡ kính, mà tỏ ý không vui vì tôi không tự giác làm bản kiểm điểm và thay lại miếng kính bị vỡ…
Có những tiết sinh hoạt lớp, cô Hiên dành phần lớn thời gian đọc sách cho cả lớp nghe. Nhớ nhất là cuốn Những tấm lòng cao cả của nhà văn Ý Edmondo De Amicis, hình như ngày đó phiên âm là Ét-môn-đô Đờ A-mi-xi. Mỗi tuần một câu chuyện về tình cảm gia đình, cha con, thầy trò, tình bạn, yêu quê hương, đồng cảm với những người bất hạnh… Trong đó có câu chuyện về con trai một nhân viên đường sắt. 
Để nuôi gia đình, ông bố phải làm thêm ban đêm cho một nhà phát hành bằng cách viết tên và địa chỉ những người mua dài hạn sách báo của họ. Thương bố, cậu con trai đầu Giu-li-ô cứ đợi đến nửa đêm, khi bố đi ngủ là cậu lén dậy viết thay bố, vì chữ viết của hai bố con rất giống nhau. Ông bố được trả thêm nhiều tiền, vui vì tưởng mình viết nhanh hơn trước. Trong khi đó, Giu-li-ô vì thức đêm viết giúp bố nên phờ phạc, học hành sút kém. Ông bố ngày càng thất vọng về đứa con. Nhiều lúc bị mắng, Giu-li-ô định thú thật với bố, định thôi không viết nữa. Nhưng cứ khi chuông điểm nửa đêm, cậu ta lại dậy, tiếp tục âm thầm với giấy bút. Bốn tháng trôi qua… 
Cho đến một hôm, bà mẹ thấy con trai xanh xao ốm yếu, lo lắng nói với chồng. Nhưng ông bố xẵng giọng, nó khoẻ ốm chẳng ảnh hưởng đến ông! Câu nói của bố khiến Giu-li-ô tê dại, như có mũi dao đâm thẳng vào tim cậu. Giu-li-ô quyết bỏ hẳn việc viết ban đêm, để lại học giỏi như trước, để lại được bố thương yêu như trước. Đêm đó, cậu vào phòng viết, chỉ để có lại lần cuối cảm giác một mình, âm thầm trong đêm khuya. Nhưng khi đèn đã thắp lên, những băng giấy trước mặt, cậu lại cặm cụi viết… Tiếng động do Giu-li-ô làm rơi sách đã khiến ông bố thức dậy, và hiểu hết. Ông bố ôm lấy con trai, mái tóc bạc kề trên mái tóc đen, nước mắt hoà vào nước mắt… 
Cô Hiên đã khóc khi đọc câu chuyện đó, và nhiều đứa chúng tôi cũng khóc. 

Nhân 20 Tháng 11, soạn hai entry cũ thành entry mới. Tình cờ nhận ra, hai entry từng viết về các thầy cô giáo lại là hai bài viết về cô giáo chủ nhiệm đầu tiên và cô giáo chủ nhiệm cuối cùng. Thật may mắn, hạnh phúc khi kỷ niệm về hai cô đều là kỷ niệm đẹp!  

Thứ Hai, 17 tháng 11, 2014

MƯƠI PHÚT HÀ NỘI

          Taxi Hà Nội rẻ hơn trong anh, vì phần nhiều là xe bốn chỗ, không phải xe bảy chỗ. Xe bốn chỗ cũng nhỏ hơn xe bốn chỗ trong đó. Các hãng taxi Hà Nội sắm xe nhỏ một phần để luồn lách trên đường đông chật, nhưng cái chính là để vào được ngõ nhỏ phố nhỏ nhà tao ở đó. Có những ngách rất nhỏ, vào rất khó, ra còn khó hơn nhưng khách bắt đưa vào bằng được. Có thể họ khó chịu hơn khách trong đó, nhưng em nghĩ cũng phải thôi, họ bỏ tiền ra, muốn mình phải chiều họ.
           Hà Nội không cho hãng taxi tăng đầu xe, nhưng không hạn chế hãng xe mới. Trong đó chắc chỉ một vài chục hãng taxi, còn Hà Nội có trên trăm hãng taxi. Loạn taxi. Chưa kể taxi dù. Taxi dù chủ yếu của mấy ông sếp, mấy ông công an. Mua cái xe, cho thuê tháng chín triệu, khi cần đi gọi người thuê xe tới chở. Khỏe. Bọn xe dù chạy ẩu hơn bọn em. Bọn nó bị dừng xe, bị đòi phạt lỗi thì gọi chủ xe giải cứu. Xe bọn em vi phạm, công an cứ gửi giấy phạt đến công ty. Công ty nộp phạt, rồi sau đó khảo đầu bọn em.
          Các anh đến viện một linh tám, đi cổng nào? Cổng nhà tang lễ à, trước kia taxi chạy vào trong được, nhưng bây giờ phải dừng xe ở ngoài. Khách phải đi bộ từ cổng vào đến nhà tang lễ, để bọn bán hoa còn chào mời người ta mua vòng hoa.  
          Xe đến cổng nhà tang lễ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, một chị quần thun đỏ áo đỏ chặn đầu xe. Tôi làm trong viện, ông bạn đại tá trưởng khoa thò đầu ra cửa xe nói. Chị quần thun đỏ áo đỏ nhìn ông đại tá dò xét rồi miễn cưỡng tránh sang bên.

          Ông bạn bực bà bán hoa, còn mình khoái anh lái taxi. Thái độ dễ chịu, nói chuyện dễ nghe, nhiều thông tin. Hơn ối nhà báo. 

Thứ Bảy, 15 tháng 11, 2014

Vụ án Huỳnh Văn Nén: Trông chờ sự công tâm, khách quan

Công tâm, khách quan để tìm ra sự thật", đó là tiêu đề một bài tôi viết, đăng trên báo Tiền Phong số ra ngày 23/6/2001 về “vụ án vườn điều”, bây giờ nhắc lại có lẽ vẫn không thừa.

Ngày 12/11, Hội đồng giám đốc thẩm, TAND Tối cao đã chấp nhận kháng nghị của Viện KSND Tối cao, tuyên hủy phần tội danh và hình phạt tại bản án hình sự sơ thẩm số 96/2000/HSST ngày 31/8/2000 của TAND tỉnh Bình Thuận về tội “giết người”, “cướp tài sản” đối với ông Huỳnh Văn Nén, giao hồ sơ về cấp sơ thẩm để điều tra lại. Được phóng viên báo Tiền Phong báo tin qua điện thoại, cụ Huỳnh Văn Truyện, cha ông Huỳnh Văn Nén nói, cụ mới vui một nửa. Hành trình của cụ hơn 14 năm kêu oan cho con trai đã có kết quả quan trọng, nhưng cụ chưa vui với việc hồ sơ vụ án được giao về cấp sơ thẩm điều tra lại. “Xưa ông Mít xử, nay ông Xoài xử, nhưng vẫn là ông Bình Thuận, họ có điều tra xét xử công minh, có dám nhận trước kia họ sai không?” Cụ Truyện nói. Cùng suy nghĩ với cụ Truyện, ông Nguyễn Thận, nguyên Chủ tịch UBND xã Tân Minh, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hàm Tân (Bình Thuận) cho rằng, cần chuyển hồ sơ cho Cơ quan điều tra Bộ Công an điều tra, để bảo đảm công minh, khách quan. Ông Thận dẫn lại “vụ án vườn điều” để minh chứng cho ý kiến của ông. 
Đêm 18/5/1993, bà Dương Thị Mỹ ở thôn 2 (xã Tân Minh, nay là thị trấn Tân Minh, Hàm Tân) bị giết trong một vườn điều gần chợ Tân Minh. Công an Bình Thuận không tìm ra thủ phạm, nên tạm đình chỉ điều tra vụ án. Năm năm sau, đêm 23/4/1998, bà Lê Thị Bông cũng ở thôn 2 bị xiết cổ chết. Ngày 17/5/1998, cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Bình Thuận bắt tạm giam ông Nén. Trong trại giam, ông Nén nhận tội giết bà Bông, rồi khai đã cùng gia đình bên vợ giết bà Mỹ. Từ lời khai này, ngày 2/12/1998 cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Bình Thuận phục hồi điều tra vụ bà Mỹ bị giết, khởi tố ông Nén và 9 người trong đại gia đình bên vợ ông ta. Vụ án đó, sau này nổi tiếng với tên gọi “vụ án vườn điều”. Ngày 7/3/2001, TAND tỉnh Bình Thuận xét xử sơ thẩm (lần 1) “vụ án vườn điều’, tuyên phạt tù giam từ 2 năm đến 10 năm về tội “giết người” đối với 5 bị cáo, trong đó ông Nén bị phạt 6 năm tù. Ngày 14/6/2001 và ngày 5/4/2002, Tòa Phúc thẩm, TAND Tối cao tại TPHCM xét xử phúc thẩm (lần 1) “vụ án vườn điều". Tại đây, ông Nén phản cung, nói rằng những lời ông nhận tội và khai báo về hành vi phạm tội của những người khác là do bị đánh, bị bức cung, thực tế ông không biết gì về vụ bà Mỹ bị giết. Tòa phúc thẩm, TAND Tối cao tại TP Hồ Chí Minh tuyên hủy bản án sơ thẩm (lần 1) “vụ án vườn điều” để cấp sơ thẩm điều tra, xét xử lại. Sau đó trong trại giam ông Nén lại khai nhận tội với các cơ quan pháp luật tỉnh Bình Thuận. Từ ngày 27/7/2004 đến ngày 6/8/2004, TAND tỉnh Bình Thuận xét xử sơ thẩm (lần 2) “vụ án vườn điều”, tuyên án các bị cáo như bản án sơ thẩm (lần 1). Không những vậy, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Thuận, VKSND tỉnh Bình Thuận và TAND tỉnh Bình Thuận còn ký chung một văn bản, đề nghị các cơ quan pháp luật Trung ương xử lý các luật sư đã bào chữa miễn phí cho các bị cáo “vụ án vườn điều”. Mãi đến cuối năm 2005, sau khi Cơ quan điều tra Bộ Công an vào cuộc điều tra, “vụ án vườn điều” mới được khẳng định là vụ án oan. “Trong “vụ án vườn điều” ông Nén đã từng kêu oan trước tòa, nhưng sau đó trong trại giam lại phải khai nhận tội, dù thực sự bị oan. Lấy gì bảo đảm rằng chuyện sẽ không lặp lại, cơ quan điều tra cấp sơ thẩm sẽ làm việc thật sự công tâm, khi mà việc chứng minh ông Nén bị oan sẽ đồng nghĩa buộc tội họ đã làm sai?”. Ông Thận nói. Theo ông, như Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã nói, các cơ quan điều tra cần truy tìm ngay Nguyễn Thọ, người bị tố giác là hung thủ giết bà Lê Thị Bông. Tuy nhiên, nếu chưa tìm ra Nguyễn Thọ, chưa xác định được thủ phạm giết bà Bông nhưng khi đã xác định được rằng không đủ cơ sở kết tội ông Nén, phải trả tự do cho ông Nén.   
Nguyễn Thọ, người bị tố giác là hung thủ giết bà Lê Thị Bông, ảnh chụp năm 1998
LS Trần Vũ Hải, một trong ba LS bào chữa miễn phí cho các bị cáo trong phiên tòa sơ thẩm (lần 2) và phiên tòa phúc thẩm (lần 2) “vụ án vườn điều” cho biết, sẵn sàng bào chữa miễn phí cho ông Huỳnh Văn Nén trong giai đoạn tố tụng sắp tới. Theo LS Trần Vũ Hải, ông Nén cần có LS ngay từ đầu giai đoạn điều tra, để đảm bảo có LS trong tất cả các cuộc hỏi cung ông Nén, cũng như trong các hoạt động tố tụng khác của giai đoạn điều tra. “Cần phải như vậy, để tránh lặp lại chuyện LS do Tòa chỉ định không làm tròn trách nhiệm với bị cáo, như ở phiên tòa sơ thẩm vụ bà Bông năm 2000”. LS Trần Vũ Hải nói. Tuy nhiên, ông tin rằng việc điều tra lại vụ án Huỳnh Văn Nén sẽ được tiến hành công minh, sớm kết thúc với việc đình chỉ điều tra, trả tự do cho ông Nén, không cần một phiên tòa nữa.        

Thứ Bảy, 8 tháng 11, 2014

Người Hà Nội xấu xí

Chỉ cần một cớ vớ vẩn nào đó, "cộng đồng mạng" lại xúm nhau kể ra những tính xấu của người Hà Nội. Nào là trưởng giả học làm sang; nào là văn hóa giao thông kém, nói rộng hơn là ứng xử kém văn minh; nào là dịch vụ như đuổi khách; nào là kèn cựa đố kỵ; nào là sĩ diện hão, khệnh khạng tinh tướng...
Nhưng chưa thấy "cộng đồng mạng" kể một tính xấu nữa của người Hà Nội: Không lên mạng a dua nhau kể xấu người nơi khác!

Bản quyền ảnh ông Huỳnh Văn Nén

Những bức ảnh ông Huỳnh Văn Nén này là ảnh do tôi  - Nguyễn Đình Quân chụp. Báo nào đăng ảnh này cần nêu nguồn, nhé.  




Thứ Tư, 5 tháng 11, 2014

2 năm, còn như hết

Ngày 7/11/2012, ông Obama đắc cử Tổng thống Hoa Kỳ, nhiệm kỳ thứ hai, sau nhiệm kỳ đầu chưa được như cử tri Mỹ kỳ vọng. Khi đó, tôi viết bài "Mr. Obama, 4 năm nữa thôi nhé!" trên blog Yahoo plus, có câu "Năm 2008, nước Mỹ cần sự thay đổi. Năm 2012, nước Mỹ biết chờ đợi!" Nhưng có vẻ người Mỹ không chờ thêm 2 năm nữa, dù ông Obama vẫn còn 2 năm trên cương vị Tổng thống.


Thượng nghị sĩ Mitch McConnell cùng các thành viên đảng Cộng hòa mừng chiến thắng 

Thứ Ba, 4 tháng 11, 2014

Không thèm, không thích, không tiện, không thể?

Bạn hỏi, ông Đặng Ngọc Tùng đã có phản hồi về thư ngỏ gửi ông ấy chưa. Đã gần 4 tháng từ khi tôi đăng thư ngỏ, đúng một tháng từ khi tôi trao thư tận tay ông Đặng Ngọc Tùng, không thấy gì. Chắc ông ấy không thèm trả lời. 

Chủ Nhật, 2 tháng 11, 2014

Vi phạm nghiêm trọng trong quá trình tố tụng vụ án Huỳnh Văn Nén

Khi ông Huỳnh Văn Nén đã bị tù giam hơn 16 năm,  ngày 24/10/2014 Viện trưởng VKSND Tối cao mới ra Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, nhận định có nhiều thiếu sót, vi phạm nghiêm trọng trong mọi khâu của quá trình điều tra, xét xử vụ án Huỳnh Văn Nén. 
          Theo bản án hình sự sơ thẩm số 96/2000/HSST ngày 31/8/2000 của TAND tỉnh Bình Thuận, khoảng hơn 22 giờ ngày 23/4/1998 ông Huỳnh Văn Nén lẻn vào nhà bà Lê Thị Bông ở thôn 2, xã Tân Minh (nay là khu phố 2, thị trấn Tân Minh, Hàm Tân, Bình Thuận) qua cửa nhà dưới. Ông Nén lục tìm hai con dao để cắt lấy 2 đoạn dây dù buộc mô tơ bơm nước ở giếng nước, sau đó vứt bỏ đoạn dây ngắn hơn trong buồng tắm. Thấy bà Bông đang ngủ ở nhà dưới, ông Nén choàng dây qua cổ siết mạnh làm bà Bông ngã ngửa xuống đất rồi tiếp tục siết cho đến khi bà Bông không còn phản ứng. Sau đó, ông Nén lột chiếc nhẫn 1 chỉ vàng 24K ở ngón áp út bàn tay trái bà Bông, quấn sợi dây dù gây án vào bàn tay phải và cầm cả ổ khóa lẫn chìa khóa nhà bà Bông cho vào túi quần… Khi chạy khỏi nhà bà Bông, ông Nén vứt sợi dây dù trên đường chạy, vứt ổ khóa xuống suối Yên Ngựa rồi ngủ bên suối. Sáng hôm sau, ông Nén thấy chiếc nhẫn vàng đã mất.
          TAND tỉnh Bình Thuận xử phạt ông Nén tù chung thân về tội “giết người”, 3 năm tù về tội “cướp tài sản của công dân”, 2 năm tù về tội “cố ý hủy hoại tài sản của công dân” (đốt nhà ông Trần Bồ và ông Trịnh Văn Thảo), tổng hợp hình phạt là tù chung thân.
 Ông Nén (áo sọc) và người thân trong buổi giải lao tại phiên tòa xét xử phúc thẩm (lần 2) vụ án vườn điều, ngày 10/3/2005
Chưa đủ căn cứ kết tội 
Ngày 1/11, Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 30/QĐ-VKSTC-V3 ngày 24/10/2014 của Viện trưởng VKSND Tối cao đã được gửi tới địa chỉ nhà bà Huỳnh Kim Ngân, chị ruột ông Huỳnh Văn Nén tại thị trấn Tân Minh, bì thư ghi tên người nhận là Huỳnh Văn Nén. Theo quyết định này, vụ án Huỳnh Văn Nén là vụ án không quả tang, có rất nhiều thiếu sót, vi phạm trong quá trình điều tra, xét xử.
          Cơ quan điều tra không thu giữ được sợi dây dù ông Nén khai dùng để siết cổ bà Bông, ổ khóa nhà bà Bông và chiếc nhẫn 1 chỉ vàng 24K, các sợi dây thu giữ trong quá trình điều tra không liên quan đến sợi dây gây án. Khám nghiệm hiện trường thu được hai loại dấu chân: Tại sân gần hiên nhà chính có dấu bàn chân phải dài 23cm, rộng 9cm, rộng gót 4,5cm; trên mặt ghế salon trong nhà có ba dấu chân kích thước dài 22cm, rộng bàn 8,5cm, rộng gót 4cm (dấu chân bên phải nằm giữa ba dấu chân). Ngày 12/5/2000, cơ quan điều tra đưa chiếc ghế salon ở nhà bà Bông đến trại giam để ông Nén đứng lên, đo được dấu chân ông Nén dài 22,5cm, rộng bàn 8,5cm, rộng gót 4cm. Tòa sơ thẩm không tiến hành xác định sự đồng nhất giữa dấu chân để lại hiện trường và dấu chân của ông Nén (so sánh khoảng cách và chiều dài các ngón chân, so sánh về diện tích, khoảng cách các mu bàn chân, so sánh về các vân trong lòng bàn chân…). Do vậy, việc xác định dấu chân ở hiện trường là của ông Nén với suy luận “do có nhiều yếu tố tác động nên kích thước bàn chân có thể bị sai lệch” là không có cơ sở khoa học.
          Các lời khai nhận tội ban đầu của ông Nén không phù hợp với hiện trường, biên bản khám nghiệm tử thi. Các lời khai nhận tội sau mâu thuẫn với nhau, mâu thuẫn với lời khai của chị Phạm Thị Hồng (con gái bà Bông) và lời khai của một số nhân chứng. Ban đầu ông Nén khai dùng tay bóp cổ bà Bông, về sau ông Nén khai vòng dây từ phía sau siết cổ bà Bông, rồi lại có lời khai vòng dây qua cổ giật mạnh làm bà Bông ngã ngửa, sau đó mới dùng dây siết xuống cổ bà Bông. Theo biên bản khám nghiệm tử thi, ở dưới ngoài vú trái 13cm bà Bông còn có một vết bầm xuất huyết hình chữ V, cơ chế hình thành vết thương này chưa được làm rõ… Khoảng thời gian sau khi (bị cho là) giết bà Bông, ông Nén đi đâu, làm gì chưa được làm rõ.
          Từ những tình tiết nêu trên, VKSND tối cao thấy rằng Tòa án cấp sơ thẩm kết án Huỳnh Văn Nén về tội “giết người” và tội “ cướp tài sản” là chưa đủ căn cứ vững chắc.
Ngoài ra, đơn của anh Nguyễn Phúc Thành tố giác Nguyễn Thọ và Hồ Văn Việt giết bà Lê Thị Bông là nguồn tin tố giác tội phạm, nhưng chưa được điều tra làm rõ.
Viện trưởng VKSND Tối cao kháng nghị một phần bản án hình sự sơ thẩm số 96/2000/HSST của TAND tỉnh Bình Thuận, đề nghị Tòa Hình sự, TAND Tối cao xét xử vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm, hủy phần tội danh và hình phạt của bản án hình sự sơ thẩm nêu trên về tội “giết người”, “cướp tài sản” đối với ông Huỳnh Văn Nén, giao hồ sơ về cấp sơ thẩm để điều tra lại theo thủ tục chung.

VKSND tỉnh Bình Thuận đã thay thế cáo trạng số 84/KSĐT-TA ngày 27/7/2000 bằng cáo trạng số 84/KSĐT-TA ngày 16/8/2000, nhưng ngày 31/8/2000 TAND tỉnh Bình Thuận lại căn cứ vào cáo trạng số 84/KSĐT-TA ngày 27/7/2000 để xét xử, cáo trạng này không có trong hồ sơ. Việc xét xử như vậy là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Thứ Bảy, 25 tháng 10, 2014

Tay đua tồi

Để đến nơi đúng hẹn, mình phải chạy xe nhanh xíu, vượt qua xe máy do một anh lái, chở một chị bế một em bé.
Xe do một anh lái, chở một chị bế một em bé vèo lên trước xe mình.
Tốc độ xe mình không đổi, một lúc sau xe mình lên trước xe ấy.
Xe do một anh lái, chở một chị bế một em bé lại vèo lên trên xe mình.
Tốc độ xe mình không đổi, một lúc sau xe mình lại lên trước xe ấy.
Thế là xe do một anh lái, chở một chị bế một em bé lại vèo lên trước xe mình.
Đành giảm tốc độ, đành trễ hẹn.
Để xe ấy không vèo lên trên xe mình nữa.

Nhưng sợ rằng, anh ấy vẫn cứ vèo lên trước xe ai đó chạy nhanh, bất kể anh ấy đang chở một chị bế một em bé.   

Thứ Ba, 14 tháng 10, 2014

Triều Tiên bí ẩn

Từ ngày 5/6/2009 đến ngày 12/6/2009, tại chợ tranh nghệ thuật trong chương trình Festival Biển Nha Trang 2009, lần đầu tiên tác phẩm của các họa sỹ Triều Tiên được giới thiệu tại Việt Nam. Về sinh sống tại Nha Trang sau 7 năm sống và làm việc tại Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, bà Đoàn Lan Hương cùng chồng, ông Felix Abt giới thiệu và chào bán 100 bức tranh của 60 họa sĩ Triều Tiên. Các bức tranh mang nhiều phong cách đa dạng và tiêu biểu của hội họa Triều Tiên, như thủy mạc, bút chì, sơn dầu, ấn họa, tranh bột đá quý…

Nhiều người nghĩ rằng, Triều Tiên chỉ có những bức tranh cổ động như tranh này  

          Nhân lúc thế giới đang đoán già đoán non về ông Kim Jong Un, đăng lại ảnh mấy bức tranh Triều Tiên trưng bày tại Nha Trang năm 2009. Triều Tiên bí ẩn, khép kín, nhưng chắc chắn đời sống văn hóa của họ không đơn điệu.   
Mùa thu - tranh thủy mạc
Tuyết đầu mùa - tranh thủy mạc
Cún và ớt - tranh sơn dầu 
Ngắm cô dâu - tranh thủy mạc
Mùa xuân - tranh màu nước
Lẵng hoa - tranh sơn dầu
Sóng đùa - tranh bột đá quý
Hội mùa bội thu - tranh thủy mạc

Thứ Năm, 9 tháng 10, 2014

Sai nhiều quá, phải sửa thôi!

Hồi giữa tháng 8, tôi đăng lên FB ảnh bia chủ quyền đảo Thuyền Chài B, trong đó có thông tin tọa độ: vĩ độ 8 độ 10 phút 00 giây Bắc, kinh độ 118 độ 18 phút 00 giây Đông, đề nghị các bạn tìm điểm sai. Một số bạn đã chỉ ra được cái sai về kinh độ trên bia chủ quyền đảo Thuyền Chài B: không phải 118 độ (18 phút 00 giây) Đông, mà là 113 độ (18 phút 00 giây) Đông. Nên lưu ý, không có đảo nào đang được Việt Nam đóng giữ tại quần đảo Trường Sa ở về phía Đông kinh tuyến 115 Đông.
Việc thông tin sai trên bia chủ quyền đảo Thuyền Chài B, tôi đã nói với một cán bộ Lữ đoàn 146. Anh ấy đáp, đã thấy cái sai ấy, và sẽ cho sửa lại. Tuy nhiên, không chỉ có thông tin trên bia chủ quyền đảo Thuyền Chài B sai. Thông tin trên bia chủ quyền một số đảo khác cũng sai. Ở đây, tôi chỉ nói tới những cái sai dễ nhận thấy nhất.
Như đã nêu trên, trên bia chủ quyền đảo Thuyền Chài B có thông tin tọa độ: vĩ độ 8 độ 10 phút 00 giây Bắc, kinh độ 118 độ 18 phút 00 giây Đông. Nếu sửa lại thông tin kinh độ trên bia chủ quyền đảo Thuyền Chài B: vĩ độ 8 độ 10 phút 00 giây Bắc, kinh độ 113 độ 18 phút 00 giây Đông, thì đó chính là thông tin trên bia chủ quyền đảo Thuyền Chài A. Đảo Thuyền Chài A và đảo Thuyền Chài B không thể có cùng tọa độ, vậy nên thông tin ở một trong hai bia chủ quyền đảo Thuyền Chài A và đảo Thuyền Chài B (đã sửa kinh độ) sai, hoặc thông tin trên cả hai bia chủ quyền đều chưa chính xác.

Trường hợp khác, là đảo Đá Lớn. Bia chủ quyền đảo Đá Lớn A có thông tin: vĩ độ 10 độ 03 phút 00’’Bắc, kinh độ 113 độ 05 phút 00 giây Đông; bia chủ quyền đảo Đá Lớn B có thông tin: vĩ độ 10 độ 07 phút 00 giây Bắc, kinh độ 113 độ 52 phút 30 giây Đông; bia chủ quyền đảo Đá Lớn C có thông tin: vĩ độ 10 độ 00 phút 44 giây Bắc, kinh độ 113 độ 50 phút 44 giây Đông. Theo thông tin trên các bia chủ quyền, đảo Đá Lớn A và đảo Đá Lớn B chênh nhau về kinh tuyến tới 47 phút, tương đương sự chênh nhau về kinh tuyến giữa Nha Trang và Đà Lạt! Thực ra, đảo Đá Lớn là rạn san hô dài, hẹp, nằm theo hướng Bắc – Nam, các điểm A – B – C của đảo Đá Lớn chỉ chênh nhau vài phút về kinh tuyến. Dò trên Google Earth, đảo Đá Lớn A có kinh tuyến khoảng 113 độ 51 phút Đông.

So sánh thông tin trên bia chủ quyền đảo Song Tử Tây và đảo Đá Nam, dễ thấy cái sai nhất. Đảo Đá Nam ở về phía Tây Nam đảo Song Tử Tây, có nghĩa là chỉ số vĩ độ và kinh độ của đảo Đá Nam đều phải nhỏ hơn chỉ số vĩ độ và kinh độ của đảo Song Tử Tây. Thế nhưng, trên bia chủ quyền đảo Đá Nam có thông tin: vĩ độ 11 độ 30 phút 00 giây Bắc, kinh độ 114 độ 21 phút 00 giây Đông, trên bia chủ quyền đảo Song Tử Tây có thông tin: vĩ độ 11 độ 25 phút 55 giây Bắc, kinh độ 114 độ 18 phút 00 giây Đông. Nếu vẽ bản đồ theo những thông tin này, đảo Đá Nam sẽ ở Đông Bắc đảo Song Tử Tây.
Thiết nghĩ, các bác Hải quân nên rà soát, để chỉnh lại thông tin trên về tọa độ trên toàn bộ các bia chủ quyền ở các đảo của huyện đảo Trường Sa.    

Thứ Ba, 7 tháng 10, 2014

Thứ Sáu, 3 tháng 10, 2014

Nghĩ cũng lạ


Mấy hôm nay, “cộng đồng mạng” lại xôn xao với clip tướng Lê Mã Lương chém gió về Gạc Ma ngày 14 tháng 3 năm 1988. Clip ghi từ giữa tháng 6, bây giờ mới được đưa lên mạng, để làm gì? Chắc là để chào mừng quốc khánh Trung Quốc?
Trong cái clip đó, tướng Lê Mã Lương bịa ra một chiến sĩ là Nguyễn Văn Luyện, bị lính Trung Quốc đâm nhiều nhát, nhưng đáng kể nhất là ông nói, đã có nhân vật cao cấp lệnh cho lính ta ở Trường Sa không được nổ súng vào lính Trung Quốc. Dựa vào đây, nhiều thánh phán nào là đê hèn bán nước, nào là mang lính đi làm bia đỡ đạn. Những người lính ở Gạc Ma ngày 14/3/1988, như Lê Hữu Thảo khẳng định không có lệnh đó, các thánh cũng chẳng chịu nghe, phán rằng lệnh đó là lệnh tuyệt mật, không được phổ biến cho lính.
Hê hê, nghĩ cũng lạ, ra lệnh mà không truyền lệnh cho lính, lính làm sao biết có lệnh mà chấp hành?
Nghĩ cũng lạ, cái ông bị cho là ra cái lệnh “bán nước”, cũng trong thời gian đó lại chỉ đạo quân ta đóng giữ thêm 12 đảo ở Trường Sa, nâng tổng số đảo Việt Nam đóng giữ ở Trường Sa từ 9 đảo lên 21 đảo. Rồi ngày 7/5/1988, tại đảo Trường Sa, ổng lại đọc một bài phát biểu hùng hồn, mạnh mẽ lên án Trung Quốc, với Lời thề manghồn nước: “Chúng ta xin thề trước hương hồn của Tổ tiên ta, trước hương hồn của cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau "Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu của chúng ta".
Nghĩ cũng lạ các lão lãnh đạo Trung Quốc, biết lãnh đạo quân Việt Nam có lệnh không được bắn vào quân Trung Quốc, thế mà không tận dụng cơ hội chiếm hết các đảo ở Trường Sa, nên bây giờ bị “cộng đồng mạng” Trung Quốc mắng là nhu nhược, để Việt Nam chiếm mất bao nhiêu đảo “Nam Sa”.
Nghĩ cũng lạ, tướng Lê Mã Lương.    

    

Vụ án Huỳnh Văn Nén: Nhân danh người cha

           “Tôi luôn luôn tin thằng Nén bị oan, vì tôi là cha, tôi biết lòng dạ con tôi, nó không có gan giết người”. Cụ Huỳnh Văn Truyện nói về 14 năm đi kêu oan cho con trai cụ, ông Huỳnh Văn Nén.

          Trời nhá nhem tối, ông Lê Minh Quân, con rể cụ Huỳnh Văn Truyện chở tôi bằng xe máy từ thành phố Cà Mau về đến nhà cụ Truyện ở ấp 4, xã Thới Bình (Thới Bình, Cà Mau). Vừa hồi phục sau một cơn bệnh, sắc vóc kém nhiều so với lần ghé nhà tôi trong chuyến đi kêu oan cho con trai, tháng 11/2013, nhưng cụ Truyện vẫn bắt “hai thằng Quân” ngồi uống với cụ hết hai xị rượu. Năm nay đã sang tuổi 90, nhưng cụ vẫn nhớ rõ mọi bước đường gập ghềnh trong hành trình kêu oan cho con trai cụ.
 Cụ Huỳnh Văn Truyện đọc các bài báo Tiền Phong lật lại vụ án Huỳnh Văn Nén

Không được giúp kháng án 
Ngày 31/8/2000, sau phiên xét xử sơ thẩm gói gọn trong một buổi sáng, TAND tỉnh Bình Thuận tuyên phạt ông Nén mức án tù chung thân về tội giết bà Lê Thị Bông. Ngày 11/9/2000, cụ Truyện đến Trại tạm giam, Công an tỉnh Bình Thuận xin được thăm ông Nén, nhưng bị từ chối. Sau đó, cụ Truyện nghe tin anh Nguyễn Phúc Thành tố cáo thủ phạm giết bà Bông không phải là ông Nén. Ngày 15/9/2000, ngày cuối cùng trong thời hạn kháng án của ông Nén, cụ Truyện tìm đến LS X, người được TAND tỉnh Bình Thuận chỉ định bào chữa cho ông Nén tại phiên tòa sơ thẩm, đề nghị LS giúp ông Nén làm đơn kháng án. Trớ trêu thay, bà LS X nói ông Nén đáng phạt tử hình, được chung thân là may rồi, còn khiếu nại, kêu oan gì nữa. “Bà luật sư kêu trời ơi với tôi, tôi kêu trời ơi với bà luật sư, rồi lại chạy tới Trại tạm giam, Công an Bình Thuận”. Cụ Truyện kể. Tại Trại tạm giam, cụ Truyện xin gặp Giám thị Trại, để trình bày việc làm đơn kháng án của ông Nén. Nhưng cán bộ trực ban Trại tạm giam không báo cho Giám thị, nói rằng án chung thân cho ông Nén là phù hợp rồi. “Lúc đó, hy vọng cho con tôi được xét xử phúc thẩm đã tiêu tan, tôi suy sụp về tinh thần và sức khỏe, nhưng nghĩ thằng Nén còn vướng vụ án vườn điều nữa, nên gắng đi mời luật sư cho nó”. Cụ Truyện kể.
Ông Nén ở ngoài cùng bên phải, cùng các bị cáo khác trong phiên xét xử phúc thẩm (lần 1) “vụ án vườn điều”, ngày 14/6/2001

Trong phiên sơ thẩm (lần 1) “vụ án vườn điều”, gia đình các bị cáo mời LS Nguyễn Hồng Hà, Đoàn LS tỉnh Khánh Hòa bào chữa cho họ. Riêng bị cáo Huỳnh Văn Nén, dù là rể của đại gia đình các bị cáo nhưng không được họ mời LS bào chữa, vì họ ghét ông Nén khai các bị cáo là thủ phạm giết bà Dương Thị Mỹ. Cụ Truyện mời một LS thuộc Đoàn LS tỉnh Khánh Hòa bào chữa cho ông Nén. Nhưng ngày 5/12/2000, TAND tỉnh Bình Thuận có văn bản cho biết, TAND tỉnh Bình Thuận đã mời LS Lê Trung Quân, Đoàn LS tỉnh Bình Thuận bào chữa cho ông Nén, ông Nén chỉ chấp nhận LS do Tòa chỉ định, không chấp nhận LS do cha mình mời. Ngày 7/3/2001, TAND tỉnh Bình Thuận xét xử sơ thẩm (lần 1) “vụ án vườn điều’, tuyên phạt bị cáo Huỳnh Văn Nén 6 năm tù về tội giết người.

Không tắt lòng tin vào công lý

  Năm 2006, sau khi ‘vụ án vườn điều’ được kết luận là vụ án oan sai,   Cụ Truyện tiếp tục gửi đơn kêu oan cho ông Nén trong vụ bà Lê Thị Bông đến các cơ quan pháp luật và Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận, VKSND Tối cao, TAND Tối cao, Bộ Công an, Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước… Tháng 10/2007, cụ cầm cố 5 công ruộng, cùng con rể Huỳnh Trung Nghĩa và ông Nguyễn Thận ra Hà Nội kêu oan cho con. Tháng 11/2013, cụ cầm cố nốt 6 công ruộng còn lại được 20 triệu đồng, lại cùng con rể Huỳnh Trung Nghĩa và ông Nguyễn Thận ra Hà Nội kêu oan cho ông Nén. “Tôi đã kêu oan biết bao nhiêu lần, mà họ không nói gì hết, không trả lời gì hết. Lần này tôi đưa đơn lên Chủ tịch nước. Tôi đến đó, như là đến với mặt trời mà không được nữa sao? Tôi có hy vọng chớ. Dù mỗi lần đi tốn hai ba chục triệu đồng, dù bò lăn bò lóc, dù sao đi nữa tôi vẫn phải đi kêu oan. Tôi có lòng tin, là con tôi bị oan”.
Cụ Huỳnh Văn Truyện bên mảnh ruộng cụ đã cầm cố, để có tiền đi kêu oan cho ông Nén

Đêm 26/9, tôi ngủ lại nhà cụ Truyện. Sáng hôm sau, trời chưa sáng rõ mặt người đã thấy cụ dậy. Cụ bảo, cả đêm khó ngủ, mừng vì nghe tin VKSND Tối cao kháng nghị hủy án vụ ông Nén, mà vẫn lo. “Nếu hủy án rồi giao tòa án tỉnh Bình Thuận xét xử lại, họ có xử công minh không, vì trước kia họ đã làm sai rồi? Xưa ông Mít xử, nay ông Xoài xử, nhưng vẫn là ông Bình Thuận, tôi không đồng ý. Theo tôi, hồ sơ chứng lý oan sai vụ này đã đầy đủ rồi, đã sáng rõ như ban ngày rồi, Tòa Tối cao phải ra quyết định trắng án cho con tôi, ra quyết định thả con tôi”. Cụ Truyện nói, rồi dẫn tôi ra mộ cụ bà Đặng Thị Hường, ở mảnh vườn cạnh nhà. Bên mộ người bạn đời của mình, mới mất cách nay 6 tháng, hưởng thọ 85 tuổi, cụ Truyện kể, mỗi lần cụ cầm cố đất để đi kêu oan cho con trai, đều được cụ bà đồng ý. “Cái thân già tôi còn không tiếc, bả tiếc gì công ruộng”. Cụ Truyện dự định, nếu ông Nén được kết luận bị oan và được đền bù oan sai, cụ sẽ chuộc lại đất đã cầm cố, giao cho ông Nén và em trai út của ông Nén là Huỳnh Văn Út. Bây giờ, ruộng đất ở xã Thới Bình luân canh tôm – lúa có thu nhập khá ổn định, với 11 công đất, anh em dựa vào nhau làm ăn, cuộc sống sẽ ổn. “Bà nhà tôi chết, nhắm mà không thấy mặt con của bả, máu thịt của bả. Nếu sớm minh oan được cho thằng Nén, đón nó về đây, rồi tôi đi theo bả là thỏa nguyện rồi”.      


 Cụ Huỳnh Văn Truyện (thứ ba từ trái sang) tại nhà Thiềm Thừ, trong chuyến đi kêu oan cho ông Nén, tháng 10/2007 

Hơn 14 năm qua, tôi bị ám ảnh về vụ này. Bản án chung thân cho ông Nén có oan sai không, tố cáo của Nguyễn Phúc Thành có đáng tin cậy không, thực sự thủ phạm giết bà Lê Thị Bông là ai? Cụ Truyện 14 năm đi kêu oan cho con trai, bản thân tôi là một cán bộ, đảng viên, không có bà con dòng họ gì với ông Nén, mà cũng chừng ấy năm tôi làm tờ trình, tôi cùng cụ Truyện đi kiến nghị làm rõ vụ bà Bông, tôi có đùa với lương tâm của tôi đâu, có đùa với lương tâm của những người có trách nhiệm đâu. Những chứng cứ kết tội ông Nén chưa thuyết phục, trong khi những tình tiết mới không được làm rõ, nên bản án tù chung thân cho ông Nén chưa làm cho tôi và người dân Tân Minh thấy thuyết phục, mà thấy có điều gì đó không bình thường. Phải chăng, việc chứng minh ông Nén vô tội sẽ lại là sự buộc tội ai đó đã làm sai, nên mới có sự không bình thường mười mấy năm nay?     
Ông Nguyễn Thận, nguyên Chủ tịch UBND xã Tân Minh, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hàm Tân

Ngày 25/3/2006, hai con gái của bà Lê Thị Bông là chị Phạm Thị Hường và chị Phạm Thị Hồng có đơn gửi Viện trưởng VKSND Tối cao, Chánh án TAND Tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, yêu cầu làm rõ thủ phạm giết bà Bông. Hai chị không phục bản án phạt tù chung thân ông Nén, không tin một mình ông Nén có thể giết bà Bông, vì ông Nén ốm yếu, say rượu, còn bà Bông to cao, khỏe mạnh. Mặt khác, hiện trường có hai loại dấu chân khác nhau, tức là có hai đồng thủ phạm. Theo hai chị, các cơ quan pháp luật Trung ương cần điều tra, xét xử lại vụ án này, làm sao cho kẻ bị buộc tội, gia đình người bị hại và dư luận địa phương tâm phục khẩu phục, để thực sự rửa hận cho mẹ của hai chị.
Ngày 28/9, tôi đã tìm đến nhà bà Bông ở khu phố 2, thị trấn Tân Minh (Hàm Tân, Bình Thuận) để gặp lại chị Hồng và chị Hường. Nhưng rất tiếc, người  dân ở đây cho biết, hai chị đã bán nhà này, chuyển đi sống ở xã khác.   

Vụ án Huỳnh Văn Nén: Mười sáu năm tủi cực

Từ năm 2000 đến nay, đã nhiều lần gặp bà Nguyễn Thị Cẩm, vợ ông Huỳnh Văn Nén và các con của hai người, tôi chưa bao giờ thấy họ cười, chỉ thấy họ khóc 

          Nhà mất nóc
Đầu tháng 12/2005, Cơ quan điều tra Bộ Công anVKSND Tối cao công bố kết luận không đủ chứng cứ buộc tội bị can, bị cáo trong “vụ án vườn điều’. Ngay sau đó, ngày 10/12/2005, các phóng viên báo Tiền Phong là Hồ Việt Khuê và Nguyễn Đình Quân về lại thị trấn Tân Minh (Hàm Tân, Bình Thuận) gặp đại gia đình bị can, bị cáo trong “vụ án vườn điều”.
 Hôm đó, chúng tôi đã tới nhà ông Huỳnh Văn Nén, một căn nhà nhỏ lợp tôn một góc hẻo lánh của khu phố 2, thị trấn Tân Minh. Nay, thị trấn Tân Minh đã sầm uất khác hẳn 9 năm trước, nhà cửa, đường sá đổi thay rất nhiều, nhưng tôi vẫn nhận ra nhà ông Nén. Vẫn căn nhà tường gạch không tô, vẫn mái tôn nóng bức, chỉ có thêm hai cánh cửa bằng tôn. “Được như bây giờ là tốt lắm rồi, hồi xưa cứ mưa là dột, mấy mẹ con phải dồn vào một góc nhà”, bà Nguyễn Thị Cẩm nói.

Trò chuyện với mẹ con bà Cẩm về ông Nén và vụ bà Lê Thị Bông bị giết, về “vụ án vườn điều”, tôi nhớ đến việc bà Cẩm được em gái bà là Nguyễn Thị Tiến ôm hôn, trong buổi đầu tiên của phiên toà xét xử phúc thẩm (lần 2) “vụ án vườn điều”, sáng ngày 9/3/2005. Trong “vụ án vườn điều”, mẹ bà Cẩm là bà Nguyễn Thị Lâm, 4 người chị, anh, em ruột của bà Cẩm cùng một người anh rể và hai cháu ruột của bà Cẩm bị khởi tố, bắt giam. Bà Cẩm cũng bị khởi tố về tội giết người, nhưng được tại ngoại. Vừa là bị cáo trong vụ án, vừa phải vất vả một mình nuôi ba con nhỏ, bà Cẩm còn mang nỗi khổ tâm, mặc cảm là vợ của kẻ đã khai bậy, khiến cả đại gia đình vướng vòng lao lý. Tại buổi đầu tiên của phiên toà xét xử phúc thẩm (lần 2) “vụ án vườn điều”, ngay sau khi Cẩm trả lời xong các câu hỏi của chủ toạ, bị cáo Nguyễn Thị Tiến đã đứng lên ôm hôn bà Cẩm, khiến Tòa phải cảnh cáo. Cái ôm hôn đó là sự chia sẻ, cảm thông với bà Cẩm, khi ông Nén đã phản cung, nói rằng ông và cả gia đình vợ ông bị oan trong “vụ án vườn điều”.  
Đầu năm 2006, đại gia đình bà Cẩm được đền bù oan sai trong “vụ án vườn điều”, bà Cẩm hy vọng ông Nén cũng sẽ được xác định là bị oan trong vụ bà Lê Thị Bông. “Tôi muốn giải oan cho chồng tôi, ảnh cũng nói với mấy ông luật sư, cứu em với, em vô tội mà bị bỏ tù lâu quá”. Bà Cẩm nói. Bà đến UBND thị trấn Tân Minh để kêu oan cho chồng, nhưng UBND thị trấn bảo phải lên huyện, lên tỉnh mà kêu, chớ thị trấn đâu giải quyết được gì. Bà Cẩm muốn đi kêu oan cho chồng, nhưng không có tiền, không hiểu biết nhiều về pháp luật, lại phải lo làm ăn nuôi con, trong khi tai ương vẫn chưa buông tha cho bà.
Bà Cẩm bán bánh canh ở chợ Tân Minh, tháng 3/2010
 Ngày 12/3/2010, sau khi đi viết bài ở thị xã La Gi (Bình Thuận), tôi và phóng viên Hồ Việt Khuê ghé qua Tân Minh. Nghe nói bà Cẩm đang bán bánh canh ở chợ Tân Minh, chúng tôi tìm đến, thấy bà Cẩm đang lúi húi dọn đồ, trên đầu bà có một vạt tóc bị cắt. Bà Cẩm kể, ngày 6/3/2010 bà cãi nhau với Th., cháu ông Phó chủ tịch UBND thị trấn, bị Th. chém vào đầu, phải khâu 6 mũi, nhưng Th. không bị chính quyền xử lý. Hôm sau, con trai bà Cẩm là Huỳnh Thành Lượng chém vào chân Th., liền bị bắt giam (sau này bị kết án 2 năm tù). Trước đó, anh của Lượng là Huỳnh Thành Công đánh nhau, bị tuyên phạt 4 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 18 tháng. Sắp hết hạn án treo, Công lại vướng vụ khác, án treo thành án giam. Vậy là  cùng lúc, chồng và hai con bà Cẩm bị giam.     

“Anh em con như mồ côi mười mấy năm rồi”

Cùng bà Cẩm trò chuyện với tôi ngày 28/9/2014 có Huỳnh Thành Lượng. Ngày 10/12/2005, tôi đã gặp Lượng, tại chính căn nhà này. Khi đó, ba anh em Lượng vừa từ Làng trẻ em SOS Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh về, còn bà Cẩm vẫn đang đi làm ôsin ở tỉnh Bình Dương. Trong ánh mắt của anh em Lượng, cũng như trong ánh mắt của gần chục đứa trẻ vô tội khác của đại gia đình bà Cẩm như còn dấu vết những tháng ngày tủi nhục, vất vưởng, thất học, bữa đói bữa no vì đại gia đình của chúng lâm cảnh tai ương. “Mỗi lần nhắc tới cha, con buồn lắm, anh em con như mồ côi mười mấy năm rồi”. Lượng khóc khi gặp lại tôi.
Năm 1998, khi ông Huỳnh Văn Nén bị bắt, Lượng mới 7 tuổi, Công mới 9 tuổi, còn em út Huỳnh Thành Phát mới 3 tuổi. Mẹ Cẩm bị khởi tố, không nuôi nổi ba đứa con, bà ngoại và hầu hết cô, cậu, dì ruột cũng bị bắt giam, ông bà nội đã già và ở mãi tỉnh Cà Mau, ba anh em Lượng như những con chim non không tổ. Công và Lượng phải bỏ học, đi chăn bò thuê. Cám cảnh lũ trẻ, Chủ tịch UBND xã Tân Minh lúc đó là ông Nguyễn Thận (cuối năm 2003 xã Tân Minh mới được chia tách thành thị trấn Tân Minh, xã Tân Đức và xã Tân Phúc) xin Làng trẻ em SOS Gò Vấp nhận nuôi ba anh em Lượng, cùng 5 đứa trẻ khác trong đại gia đình bà Cẩm. Họ ở Làng trẻ em SOS Gò Vấp hơn 3 năm.   
Anh Lượng khóc khi nói về chuyện gia đình mình
Sau những ngày lêu lổng, quậy phá và bị tù tội, Công và Lượng đã tu chí làm ăn. Công đi làm rẫy mướn và năm 2011 đã cưới vợ, vợ Công cũng là người ở Tân Minh. Lượng học lái xe, làm phụ xe tải chở hàng trong tỉnh Bình Thuận và các tỉnh lân cận. Nhưng cậu em út Huỳnh Thành Phát, năm nay đã 19 tuổi vẫn ham chơi bời. “Chuyện nhà con vẫn chông chênh lắm, chú ạ”. Lượng nói với tôi. Lượng bảo, vẫn thường nghe người ta nói sau lưng, cha thằng đó giết người. Vì mặc cảm, Lượng không muốn quen cô gái nào, chưa nghĩ đến chuyện vợ con.   
Tháng 8 vừa rồi, anh em Công, Lượng đi thăm ông Huỳnh Văn Nén, đang bị giam ở Trại giam Xuân Lộc (Z 30A), thuộc Tổng cục VIII, Bộ Công an, ở huyện Xuân Lộc (Đồng Nai). Ông Nén được đối xử tốt, không phải đi lao động, nhưng sức khỏe đã xuống nhiều. Lượng cho biết, mắt phải của ông Nén đã bị mờ, tròng trắng kéo màng. Khi nghe con trai nói vụ án của mình đang được xem xét lại, ông Nén không nói gì, mà cười vui. “Ba con nói, mấy năm trước có ba bốn lần làm đơn kêu oan, nhưng không thấy hồi âm”. Lượng nói.  

Cuối năm 2013, có ba cán bộ Tổng cục VIII (Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ Tư pháp), Bộ Công an gặp tôi. Họ hỏi tôi khá kỹ về việc tôi tố cáo thủ phạm giết bà Lê Thị Bông là Nguyễn Th. và Hồ Văn V., không phải ông Huỳnh Văn Nén, việc sau khi bà Bông bị giết Nguyễn Th. bảo tôi cùng anh Huỳnh Long Nghĩa đưa Th. đi bán một chỉ vàng, rồi Th. bỏ đi biệt tích. Các cán bộ đó làm việc với thái độ vui vẻ, ngon lành, không dọa nạt gì, còn đưa tiền bù cho tôi một ngày mất công mất việc, nhưng tôi không nhận. Sau đó, lại có ba cán bộ của VKSND Tối cao gặp tôi, cũng về việc tôi tố cáo Nguyễn Th. và Hồ Văn V.
Tố cáo hai người đó, tôi cũng có sợ. Nhưng sự thật phải  được nói ra. Hai người đó ngày trước là bạn tôi, nhưng tôi không thấy có lỗi với họ khi tố cáo họ. Chuyện họ làm mà để người khác chịu tội, ông Nén bị tù lâu quá rồi, cả gia đình ba thế hệ bị đau khổ, tan nát. Nếu họ có lương tâm, họ phải ra đầu thú, khai báo chứ.
Anh Nguyễn Phúc Thành, người dân thị trấn Tân Minh

Mấy tháng trước, có ba người của VKSND Tối cao làm việc với tôi 2 buổi, ở UBND thị trấn Tân Minh. Tôi kể với họ chuyện, năm 1998 tôi có chiếc xe Minsk, làm nghề chạy xe ôm. Khoảng cuối tháng 4 năm 1998, Nguyễn Th. với Nguyễn Phúc Thành bảo tôi chở đi huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Tới “căn cứ 4” (xã Xuân Hòa, Xuân Lộc), chúng tôi vào quán uống nước. Tôi với Thành ngồi quán còn Nguyễn Th. chạy đâu đó khoảng 15 phút, nói là đi mua bẫy lò xo để bẫy thú. Mua bẫy không được, Th. cho chúng tôi 20 ngàn đồng để đổ xăng, rồi đón xe đò đi Đắc Lắc luôn, từ đó đến nay tôi không thấy Th. về Tân Minh nữa.
Anh Huỳnh Long Nghĩa, người dân thị trấn Tân Minh