Thứ Ba, 30 tháng 9, 2008

Cô giáo ngày nay, cô giáo ngày xưa

Category: Con người, Tag: Những người sống quanh ta,Văn hóa Xã hội

09/30/2008 10:10 pm
* Họp phụ huynh học sinh đầu năm học:
- Phụ huynh nào có thể viết giùm tôi biên bản? Anh đầu hói đeo kính, anh viết biên bản nhé!
* Họp phụ huynh học sinh cuối học kỳ I:
- Chị viết biên bản nhé?
- Dạ, tôi ít chữ, không viết được đâu.
- Vậy, anh viết biên bản nhé?
- Dạ, tôi không quen viết cô giáo ơi.
- Hừm…! Đây rồi, người viết biên bản lần trước đến rồi. Anh viết biên bản nhé!
- Vâng! Ờ, xin lỗi cô, hôm nay tôi quên không mang kính.
- Hừm…! Tôi rất buồn về thái độ của quý vị phụ huynh. Chỉ một việc nhỏ là viết biên bản mà không ai chịu làm. Với việc của chính mình mà còn thiếu trách nhiệm như thế này, không hiểu quý vị quan tâm, có trách nhiệm với con cái ra sao!...
Phụ huynh học sinh nhìn nhau. Thôi thì, lấy chữ “Nhẫn” làm đầu, cố nhịn vì tương lai con em chúng ta! Chị X. nói cô giáo đưa giấy để chị viết biên bản họp phụ huynh.
* Họp phụ huynh học sinh cuối năm học:
- Chị X., chị lại viết biên bản nhé. Thưa quý vị, chị X. chỉ là giáo viên tiểu học thôi, nhưng viết biên bản có kém ai đâu!

- Về kết quả học tập, lớp ta học kỳ một có tám em đạt học sinh giỏi, nhưng đáng buồn học kỳ hai và cả năm chỉ có bảy em đạt học sinh giỏi. Em A. đã không giữ được kết quả như học kỳ một. Quý vị có biết em A. không? Em A. chính là con của đồng chí nhà báo, kỳ họp trước tôi mời viết biên bản mà không chịu viết đấy!
Em A. không giữ được kết quả học sinh giỏi vì môn văn - môn của cô giáo chủ nhiệm - thiếu 0,1 điểm!

Hồi xưa học cấp 3 Nguyễn Huệ ở Hà Đông, cô Hoàng Dân Hiên làm chủ nhiệm cả 3 năm, cô dạy môn Địa lý. Ba mươi năm rồi, vẫn nhớ cô Kim dạy Văn, cô Đính dạy Toán, cô Ly dạy Tiếng Nga, thầy Thịnh dạy thể dục, dạy Sử là thầy Nguyễn Vĩnh Thạnh, người dòng hoàng tộc, cùng đế hệ với vua Bảo Đại - Nguyễn Vĩnh Thuỵ… Các thầy cô, dù khó tính hay dễ tính – theo cách nhận xét của học trò - đều tận tình với học sinh.
Nhớ có lần mùa đông, hơn 3 giờ chiều tôi còn trùm chăn nằm co ro. Nhưng trong lúc trời rét mướt đó, cô Hiên đi xe đạp đến thăm nhà tôi, nhà thằng Lân, thằng Hùng… để kiểm tra việc học hành. Nhớ có lần trong giờ ra chơi, tôi đùa nghịch làm vỡ kính cửa sổ. Tiết sinh hoạt lớp tuần đó, cô Hiên không phê bình nhiều về chuyện đùa nghịch làm vỡ kính, mà tỏ ý không vui vì tôi không tự giác làm bản kiểm điểm và thay lại miếng kính bị vỡ…
Có những tiết sinh hoạt lớp, cô Hiên dành phần lớn thời gian đọc sách cho cả lớp nghe. Nhớ nhất là cuốn Những tấm lòng cao cả của nhà văn Ý Edmondo De Amicis, hình như ngày đó phiên âm là Ét-môn-đô Đờ A-mi-xi. Mỗi tuần một câu chuyện về tình cảm gia đình, cha con, thầy trò, tình bạn, yêu quê hương, đồng cảm với những người bất hạnh… Trong đó có câu chuyện về con trai một nhân viên đường sắt.
Để nuôi gia đình, ông bố phải làm thêm ban đêm cho một nhà phát hành bằng cách viết tên và địa chỉ những người mua dài hạn sách báo của họ. Thương bố, cậu con trai đầu Giu-li-ô cứ đợi đến nửa đêm, khi bố đi ngủ là cậu lén dậy viết thay bố, vì chữ viết của hai bố con rất giống nhau. Ông bố được trả thêm nhiều tiền, vui vì tưởng mình viết nhanh hơn trước. Trong khi đó, Giu-li-ô vì thức đêm viết giúp bố nên phờ phạc, học hành sút kém. Ông bố ngày càng thất vọng về đứa con. Nhiều lúc bị mắng, Giu-li-ô định thú thật với bố, định thôi không viết nữa. Nhưng cứ khi chuông điểm nửa đêm, cậu ta lại dậy, tiếp tục âm thầm với giấy bút. Bốn tháng trôi qua.
Cho đến một hôm, bà mẹ thấy con trai xanh xao ốm yếu, lo lắng nói với chồng. Nhưng ông bố xẵng giọng, nó khoẻ ốm chẳng ảnh hưởng đến ông! Câu nói của bố khiến Giu-li-ô tê dại, như có mũi dao đâm thẳng vào tim cậu. Giu-li-ô quyết bỏ hẳn việc viết ban đêm, để lại học giỏi như trước, để lại được bố thương yêu như trước. Đêm đó, cậu vào phòng viết, chỉ để có lại lần cuối cảm giác một mình, âm thầm trong đêm khuya. Nhưng khi đèn đã thắp lên, những băng giấy trước mặt, cậu lại cặm cụi viết… Tiếng động do Giu-li-ô làm rơi sách đã khiến ông bố thức dậy, và hiểu hết. Ông bố ôm lấy con trai, mái tóc bạc kề trên mái tóc đen, nước mắt hoà vào nước mắt…
Cô Hiên đã khóc khi đọc câu chuyện đó, và nhiều đứa chúng tôi cũng khóc.

Đi họp phụ huynh cho con, tự nhiên nhớ lại những chuyện đã qua.!

Thứ Hai, 29 tháng 9, 2008

Phố đi bộ ở Nha Trang: Ý tưởng hay nhưng dân chưa khoái

Category: báo chí, Tag: Những người sống quanh ta,Văn hóa Xã hội

09/29/2008 08:40 pm
Đoạn đường Biệt Thự (phường Lộc Thọ) từ đường Trần Phú đến đường Nguyễn Thiện Thuật dài 320m, là một phần “khu phố Tây” mới hình thành vài năm nay của Nha Trang. Tại đây có nhiều nhà hàng, khách sạn, cửa hiệu đồ lưu niệm và dịch vụ du lịch… Tháng 8/2005, UBND tỉnh Khánh Hoà cho phép lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật dự án Phố đi bộ đường Biệt Thự (Phố), do Phòng Quản lý đô thị thành phố Nha Trang làm chủ đầu tư.


Theo thiết kế cơ sở dự án do Cty TNHH Tư vấn đầu tư – xây dựng và thương mại Việt Tín, TP Hồ Chí Minh lập, tại Phố sẽ có hoạt động kinh doanh của người dân sở tại, các hoạt động văn hoá, văn nghệ, kinh doanh giải khát trên mặt đường… Sẽ hình thành quảng trường nhỏ tại các ngã ba, ngã tư để làm nơi biểu diễn văn nghệ, tạp kỹ kết hợp quảng cáo, tiếp thị. Trên lòng đường sẽ có 26 sạp hàng di động với kích thước 3,6m x 3,6m và một số bồn hoa… Từ 6 giờ sáng đến 24 đêm, Phố được ưu tiên cho người đi bộ, các loại xe bị cấm chạy vào đây, kể cả xe của người dân trong khu vực. Xe cơ giới chỉ được ra vào cung ứng hàng hoá, dọn rác, tưới cây… từ 24 giờ đến 5 giờ sáng…
“Nếu dự án được thực hiện, 5 giờ sáng chúng tôi phải mang xe ra bãi gửi, đến khuya mới được lấy xe về vì không được để xe ở vỉa hè. Lấy hàng họ cũng phải chờ đến khuya, cái lúc đáng lẽ đã đi ngủ.” - Bà A, chủ một hiệu tạp hoá ở gần ngã tư Biệt Thự - Nguyễn Thiện Thuật nói. Nhưng cái lo lớn hơn của bà và nhiều người khác là buôn bán ế ẩm. Có ai chịu gửi xe ngoài xa, rồi đi bộ vào Phố để mua mấy món hàng mà chỗ khác cũng có? Chưa kể, với việc có thêm những ki-ốt giữa phố và những dãy ghế cho khách nghỉ chân trên vỉa hè, có nguy cơ những cửa hiệu như của bà A sẽ bị choán mặt tiền. Lòng đường thành chợ, sẽ phát sinh những vấn đề về rác thải, nước thải…
Nhiều khách sạn cũng băn khoăn về việc đưa đón khách. Tuy có quy định cho xe chạy chậm đưa khách đến cửa khách sạn, nhưng xe sẽ rất khó vào Phố khi vướng nhiều ki-ốt ở lòng đường. Anh Đoàn Hải Quân, GĐ Chi nhánh Nha Trang của Cty du lịch Viettravel nêu một vướng mắc cụ thể, doanh nghiệp của anh có dịch vụ lặn biển, các khí tài cho người lặn khá nặng sẽ được vận chuyển cách nào nếu không được dùng xe?
Theo thiết kế, các khu đậu xe và điểm giữ xe hai bánh được tổ chức tại các đường cắt ngang đường Biệt Thự, là đường Hùng Vương và đường Nguyễn Thiện Thuật. Mỗi khu đậu xe dài khoảng 50 – 100m, chiếm một nửa bề rộng các tuyến đường. Với phương án này, sẽ tiềm tàng nguy cơ tắc đường, kẹt xe trên đường Hùng Vương và đường Nguyễn Thiện Thuật vì mật độ xe cộ trên hai đường này khá cao.
Xem ra, phương án hiện nay chưa cho thấy tính khả thi và hiệu quả.


Hiện nay ở Nha Trang vẫn chưa có nhiều nơi cho du khách dạo chơi, giao lưu, giải trí. Dự án Phố đi bộ là một ý tưởng hay, có thể tạo một điểm nhấn cho du lịch Nha Trang. Nhưng tôi mới được nghe, chưa được biết cụ thể về dự án này.
Ông Huỳnh Quang Châu, Phó GĐ Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch Khánh Hoà.
Trong cuộc họp mới đây với đại diện các tổ dân phố và các doanh nghiệp đang kinh doanh trên đường Biệt Thự để góp ý cho dự án Phố đi bộ, chúng tôi đã nhận được hàng chục ý kiến băn khoăn, thắc mắc. Dự án sẽ tiếp tục được chỉnh sửa và lấy ý kiến đóng góp trước khi triển khai, nên cũng chưa thể nói gì nhiều với nhà báo.
Ông Lê Huy Toàn, Trưởng Phòng Quản lý đô thị Nha Trang.

Thứ Bảy, 27 tháng 9, 2008

Cạm bẫy ngọt ngào

Category: Xã hội, Tag: Tin tức Dư luận,Văn hóa Xã hội

09/27/2008 09:09 am
Cạm bẫy ngọt ngào

Ông bạn già lầu bầu:
- Sáng mắt sáng lòng nhé, tôi sống ngần này tuổi nên tôi dám nói là đồ ăn thức uống mình cứ nhập từ cái bác láng giềng về là có ngày tiêu. Trước còn sợ loại nhập tiểu ngạch do cửu vạn vác lậu về. Nay thì nhập chính hãng cũng chết!
- Này! Cấm bác có tư tưởng phân biệt thị trường nhé, coi chừng…
- Chả phải có cái vụ “sữa sạn thận” này rùm beng nên tôi mới nói leo đâu nhá. Chú chỉ cần nhìn những trái táo, lê để lăn lóc hàng tháng trời ngoài chợ mà vẫn tươi non, rồi một dạo ồn ào cái vụ món dung dịch tẩm ướp chân gà nướng, rồi có viên thuốc gì bỏ vào nồi nước sôi bỗng hoá thành nồi lẩu Thái thơm ngọt, gần nhất là viên thuốc bỏ vào can nước lọc 20 lít hoá thành rượu, đã có mấy chục người ở đồng bằng sông Cửu Long ngộ độc rượu mà chết…
- Thì dân mình nhìn chung còn nghèo, cứ thấy đồ ăn gì đáp ứng tiêu chuẩn “ngon, bổ, rẻ” là xơi, mà cái khoản rẻ thì láng giềng mình là nhất. Đúng là một thứ cạm bẫy ngọt ngào.
- Thế “chức năng” các chú đâu mà không kiểm tra, để người ta nhập ùn ùn cái thứ độc hại về cho dân mình?
- Bác này! “Chức năng” mình người thì ít, việc thì nhiều. Nội lo đối phó với “thù trong” như cá ướp u rê, đậu khuôn có thạch cao, nước tương có chất gây ung thư, giò chả có hàn the, kẹo pha bột đá… đủ tối mắt, hơi sức đâu lo nổi chuyện “giặc ngoài”.
- Tôi đọc báo thấy mỹ phẩm của họ, đồ chơi trẻ em của họ cũng có chất độc hại, thế giới phát hiện và bắt thu hồi rầm rầm…
- Bác lớn tuổi rồi, bác giải thích cho em nghe, vì sao mình biết đồ của họ độc nhiều lành ít mà dân mình cứ buôn, cứ nhập về hà rầm là sao?
Thì chú chả đã nói là dân mình thích “ngon, bổ, rẻ” đấy hả. Người buôn thì thấy rẻ ham lời, người tiêu dùng thấy rẻ ham mua, chú thấy ngon, rẻ ham nhậu…
- Chỉ có điều bổ đâu không thấy, toàn “bổ chửng”…
Thuỷ Ngân – báo Khánh Hoà Chủ nhật, 28/9 

Thứ Năm, 25 tháng 9, 2008

Muốn trở lại làm TRẺ CON!

Category: Người thân, Tag: Gia đình,Khác

05/29/2008 12:22 pm
Dù vui hay buồn, trẻ nhỏ vẫn là Thiên Thần

anh em 96


Duy 97


Duy - Ha - Linh


H.Toan97


P.Anh 25.11.94


Toan251194


Toan 1 tuoi


Toan Noel 92


H.Toan - P. Anh - ca ngua
Cựu Chiến Binh at 04/23/2009 10:04 am comment
he he anh nhớ rồi hình như ngày xưa gọi tên bố mẹ em là Vấn+Hồng??
Thiềm Thừ at 04/23/2009 01:55 pm reply
Vâng
Cựu Chiến Binh at 04/23/2009 09:59 am comment
con em à??
Thiềm Thừ at 04/23/2009 10:02 am reply
Ảnh chụp cũng lâu rồi, phần lớn là ảnh con em. Thằng trong ảnh thứ 2 là con chị Tuyết. Hai đứa con gái trong ảnh thứ 3 là con cô Vân. 

Thứ Hai, 22 tháng 9, 2008

Đằng sau sự nhã nhặn của ông Ngô Quang Kiệt

Category: nhân vật, Tag: Những người sống quanh ta,Văn hóa Xã hội

09/22/2008 03:58 pm
Tôi không định viết lách gì quanh chuyện những người công giáo đòi đất ở Toà Khâm cũ, đòi đất Thái Hà, rồi sẽ đòi khách sạn Láng Hạ như Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt doạ. Chả phải mũ ni che tai, mà vì đã có quá nhiều người nói, quá nhiều người viết, chợ đã đông lắm rồi, ồn ào lắm rồi. Nhưng hôm nay, nhiều người lại đến nhà tôi mời xem, gạ đọc, khuyên nghe ông Kiệt đã nói gì. Thôi thì, sau khi đã đọc văn bản, đã nghe file mp3, đã xem clip, đành viết vài dòng.

Cái giọng nói của Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt thật nhẹ nhàng du dương. Cái cách nói của ông thật nhã nhặn, trình bày rất có lớp có lang (khen bác khen cả ngày, nghề của bác mà). Nhưng mà tôi thấy ông dẫn tục ngữ Pháp “những cái tính toán nó đúng mực thì nó mới là những người bạn tốt được” khi nói về “cái hài hoà trong cái mối thống nhất”, cái tình và cái lý. Nói chuyện toàn người Việt với nhau, sao lại dẫn cái tục ngữ Pháp, chẳng lẽ ông không biết một câu tục ngữ Việt Nam về điều này?

Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt nói: “Nhưng mà cái tôn giáo là cái quyền tự nhiên con người được hưởng. Và nhà nước vì dân do dân phải có trách nhiệm tạo cái điều kiện đó cho người dân chứ không phải cái ân huệ chúng tôi xin.” Mới nghe có vẻ đúng, nhưng thực ra là xảo ngôn. Tự do tôn giáo là quyền của công dân được theo hoặc không theo tôn giáo nào, làm gì có “cái tôn giáo là cái quyền tự nhiên con người được hưởng”. Ý ông là, cái người không có đạo, không theo cái tôn giáo nào thì bị thiệt thòi? Nhà nước bảo đảm tự do tôn giáo là bảo đảm cho công dân được tự do theo hoặc không theo tôn giáo nào, chứ làm gì có cái chuyện nhà nước phải tạo điều kiện cho người dân theo tôn giáo! Khi nói: “Nhà nước vì dân do dân phải có trách nhiệm tạo cái điều kiện đó cho người dân”, chắc ông muốn Chính phủ Việt Nam phải như Chính phủ Hàn Quốc hiện nay, hay chính quyền Ngô Đình Diệm nửa thế kỷ trước?

Rồi ông nói: "Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều, chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam. Đi đâu cũng bị soi xét, chúng tôi buồn lắm chứ. Chúng tôi mong muốn đất nước mình mạnh lên. Làm sao như một anh Nhật nó cầm cái hộ chiếu là đi qua tất cả mọi nơi, không ai xem xét gì cả. Anh Hàn Quốc bây giờ cũng thế.” Có nhiều người phê phán cái việc cắt cúp, chỉ đăng phát cái câu in đậm ở trên. Rằng, phải đặt cái câu đó trong bối cảnh cụ thể. Rằng, nếu nghe toàn bộ lời nói của Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt, sẽ thấy câu in đậm kia chả phải là phỉ báng, chối bỏ đất nước. Nhưng mà đặt cái câu đó trong buổi ông Kiệt gặp Chủ tịch UBND Hà Nội, thấy gì? Thấy cái câu đó nó chả ăn nhập với nội dung cuộc gặp. Nếu không “ném đá” Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt vì cái câu nói đó, cũng không thể biện minh cho ông ấy, rằng nó hàm ý xây dựng.

Cuối cùng, Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt nói: “Chúng tôi xin hết sức cám ơn ông Chủ tịch và UBND thành phố Hà Nội đã dành cho chúng tôi một buổi tiếp đón thật là trân trọng và thân tình và hứa hẹn những trao đổi khác. Chúng tôi thấy hy vọng, như thế mới có thể chúng ta hiểu nhau hơn và mới có thể làm cho thành phố Hà Nội chúng ta nói riêng, tiến đến kỷ niệm ngàn năm Thăng Long được vui vẻ.” Ông Tổng Giám mục đã nhắc tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Nhưng dịp kỷ niệm đó có được vui vẻ hay không, nếu nhà nước không trả Giáo hội đất Toà Khâm cũ, đất Thái Hà, đất khách sạn Láng Hạ…? Trong sự nhã nhặn của ông Tổng Giám mục, dường như có sự trịch thượng, và hơn thế nữa! 

Chủ Nhật, 21 tháng 9, 2008

Diamon Bay hay bãi san hô thối?

Category: hoa hậu, Tag: Những người sống quanh ta,Văn hóa Xã hội

09/21/2008 04:37 pm
Ông Nguyễn Chiến Thắng - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa - xác nhận, Cty TNHH Hòan Cầu Nha Trang đã xin được lấp khoảng 80 ha mặt vịnh Nha Trang để mở rộng Khu du lịch và giải trí Sông Lô (KDL Sông Lô). Theo Cty Hoàn Cầu, khu vực dự tính san lấp là bãi san hô chết, hôi hám nằm trong diện tích 148,77 ha mặt vịnh Nha Trang mà Cty Hoàn Cầu được UBND tỉnh Khánh Hoà cho thuê từ tháng 10/2002.


Khu vực vịnh Nha Trang, Cty Hoàn Cầu muốn lấp

Bãi san hô thối, lạ quá! Chỉ cách đây vài tháng, họ vừa linh đình tổ chức lễ khánh thành Diamond Bay Resort and Golf, tên họ đặt cho KDL Sông Lô. Diamond Bay - vịnh Kim Cương, tại đây có những bãi tắm tuyệt vời, những căn hộ cao cấp, “toà nhà thông minh” dành cho đại tỷ phú Donald Trump…, khu du lịch của bà Tư Hường được lăng xê, quảng bá rùm beng khắp nơi, với những lời ngợi ca, tán tụng tận mây xanh. Vậy mà, bây giờ họ nói, đó là bãi san hô chết, nước cạn rong hôi!
Khu vực vịnh Nha Trang bị Cty Hoàn Cầu lấp chiếm năm 2004
Ngày 9/3/2001, Cty Hoàn Cầu được Chính phủ giao 170,8 ha đất tại xã Phước Đồng, TP Nha Trang để đầu tư xây dựng KDL Sông Lô. Cho đến tháng 7/2008 khi đăng cai tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2008, Cty Hoàn Cầu mới chỉ triển khai xây dựng trên một phần của diện tích được giao, phần lớn còn lại hầu như bị bỏ hoang. Tháng 7/2004, Cty Hoàn Cầu đổ đất lấn hơn 5 ha mặt biển, nhưng chỉ bị Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hoà xử phạt vi phạm hành chính về đất đai với số tiền 20 triệu đồng, không bị “buộc khôi phục lại tình trạng đất như trước khi bị thay đổi” theo quy định tại Nghị định số 04/CP ngày 10/01/1997 của Chính phủ. Trước phản ứng của dư luận, UBND tỉnh Khánh Hoà cho biết khu vực Cty Hoàn Cầu lấn biển trái phép sẽ được dùng là nơi công cộng. Tuy nhiên sau đó Cty Hoàn Cầu đã làm tường rào bao chiếm toàn bộ khu này để xây dựng công trình, rồi tiếp tục lấn biển.
Một góc khu vực vịnh Nha Trang, Cty Hoàn Cầu muốn lấp
Khu vực mặt biển ở Sông Lô nằm hoàn toàn trong khu vực bảo vệ I của vịnh Nha Trang, danh thắng cấp quốc gia. Theo quy định của Luật Di sản văn hóa, mọi hoạt động xây dựng tại khu vực bảo vệ I của danh thắng đều bị cấm.

Hiện tại, UBND tỉnh Khánh Hoà chưa trả lời Cty Hoàn Cầu. Có lẽ, ngoài quy định của Luật Di sản văn hóa, UBND tỉnh còn phân vân, nơi Cty Hoàn Cầu muốn lấp là Diamond Bay - vịnh Kim Cương hay bãi san hô chết thối!
Vị trí KDL Sông Lô trong vịnh Nha Trang

Thứ Năm, 18 tháng 9, 2008

Từ vụ Vedan - Thị Vải, nghĩ về Posco - Vân Phong

Category: Xã hội, Tag: Tin tức Dư luận,Văn hóa Xã hội

09/18/2008 07:17 pm
Vụ “bức tử sông Thị Vải”, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên nói, ông rất tức giận Vedan, vì họ “gian lận, lừa đảo bằng những hình thức tinh vi để qua mặt các cơ quan chức năng và vi phạm nghiêm trọng luật pháp của Việt Nam.”
Nhưng chưa thấy ông hay quan chức cao cấp nào tỏ thái độ tức giận với những người làm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về môi trường của Cty Vedan. Trong 14 năm Vedan hoạt động, năm nào cũng có đoàn tới đây thanh tra, kiểm tra về môi trường. Nhưng lần nào Vedan cũng bình an vô sự, bị xử phạt cũng chỉ như gãi ngứa. Đành rằng, Vedan dùng biện pháp tinh vi, xây dựng hệ thống xả nước thải như “giăng trận đồ bát quái” làm hoa mắt cán bộ kiểm tra. Thế nhưng, có những điều họ thấy được nhưng bỏ qua, cần làm lại không làm. Như, sau lần kiểm tra, thu mẫu nước thải tại Cty Vedan ngày 30/7/2007, Chi cục Bảo vệ môi trường Đồng Nai đã định đưa Vedan vào “danh sách đen” các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường. Cũng trong thời gian đó, ông Phan Văn Hết - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai - đã lưu ý về việc, mỗi ngày có hơn 20.000 m3 nước thải của Vedan “biến mất”. Nhưng tháng 4/2008, Cty Vedan vẫn được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép xả nước thải ra sông Thị Vải…
Từ vụ Vedan - Thị Vải, liên hệ việc tập đoàn Posco xin đầu tư dự án nhà máy thép liên hợp tại vịnh Vân Phong. Những người ủng hộ dự án này cho rằng nên an tâm về vấn đề môi trường, vì Posco rất coi trọng vấn đề này, nhà máy của họ rất sạch. Nhưng vụ Vedan đã cho thấy, một dự án được điểm son về báo cáo đánh giá tác động môi trường nhưng khi hoạt động vẫn có thể là một hung thần của môi trường nếu doanh nghiệp gian dối vì lợi nhuận, cán bộ quản lý nhà nước về môi trường kém về năng lực nghiệp vụ và sự công tâm.
Mới đây, đoàn công tác của Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư… đã đi khảo sát các nhà máy của Posco tại Hàn Quốc. Theo báo cáo do Posco đưa ra, các kết quả ghi đo thông số khí thải, nước thải đều đạt tiêu chuẩn Hàn Quốc và Việt Nam. Nhưng đoàn công tác đã không được xem số liệu lưu trữ về chất lượng khí thải, không được xem trực tiếp hệ thống xử lý nước thải tại các nhà máy. Thực tế, nhà đầu tư chỉ cho ta thấy những gì có lợi cho họ. Nếu nhà đầu tư dự án nhà máy théo tại Vân Phong có hành vi gian dối về môi trường, cơ quan chức năng sẽ khó bắt quả tang hơn so với vụ Vedan. Vì vị trí nhà máy này gần như biệt lập, việc bí mật tiếp cận không dễ, và nước thải tuy độc hại, có nhiều kim loại nặng nhưng không nhiều chất hữu cơ dễ bốc mùi sủi bọt như ở Cty Vedan.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nói, không thể đánh đổi môi trường lấy bất cứ thứ gì. Nhưng không phải địa phương nào, cơ quan nào, cán bộ nào cũng có suy nghĩ và hành động như Thủ tướng nói. Thị Vải đã thành dòng sông chết từ rất lâu trước khi Cty Vedan bị xử phạt. Đừng để những dòng sông khác, những vịnh đẹp khác chịu chung số phận với Thị Vải.

Thứ Hai, 15 tháng 9, 2008

Thư ngỏ về phim "Linh hồn Việt cộng"

Category: văn hoá, Tag: Tin tức Dư luận,Văn hóa Xã hội

09/15/2008 11:35 pm
Sau khi đăng trên blog của mình, sáng qua Lê Bá Dương đã gửi qua Bưu điện Thư ngỏ về vụ phim Linh hồn Việt cộng của Minh Chuyên đến nhiều nơi.

Trong Thư ngỏ dài gần 6000 chữ, Lê Bá Dương đã phân tích những điểm mâu thuẫn, phi lý, giả tạo, lố bịch trong phim của Minh Chuyên, bút ký dự thi “Gió dữ, gió lành” của Minh Chuyên trên báo Văn Nghệ và những trả lời của nhà văn này sau khi phim được chiếu 2 lần trên VTV1, gây những dư luận trái chiều.

Thời chiến tranh chống Mỹ, mỗi khi vào trận, những người lính chúng tôi đều phải tự chuẩn bị sẵn cho mình một cái lọ Penixiline, (Thực chất là tự chuẩn bị cho mình một chiếc bia mộ theo kiểu chiến trường) trong đó đựng một mẩu giấy nhỏ do mỗi người tự ghi tên, số thứ tự trích ngang và phiên hiệu quy ước đơn vị rồi bỏ vào túi áo , phòng khi hi sinh, đồng đội chỉ cần lấy chiếc lọ đó ra, đặt vào vòm miệng, chôn cất để sau này dễ tìm ... Ví như mẩu giấy hồi đó của tôi ghi : Lê Bá Dương 321 - 2 - 5270 - Quân giải phóng Quảng Trị. Trên thực tế nếu viết đúng phiên hiệu thật của đơn vị thì phải ghi là: Lê Bá Dương, số trích ngang 321, thuộc tiểu đoàn 2 , trung đoàn 27, mặt trận B5 quân giải phóng Bắc Quảng Trị! Đây là nguyên tắc bảo mật tuyệt đối nhằm không để lộ phiên hiệu đơn vị tham chiến tại mặt trận. Cũng với nguyên tắc bảo mật đó , thì nội dung trong chiếc lọ Penixiline của LS Hoàng Ngọc Đảm (nếu có) phải được ghi là: Hoàng Ngọc Đảm - KN - P - 280 Quân giải phóng Miền Trung, Trung Bộ.
Do không hề có cái lọ Penixiline chôn cùng di cốt được đào trộm, và cũng hoàn toàn không biết, không hiểu gì về thực chất chiếc "bia mộ" bằng lọ Penixiline này của anh em chiến sỹ Quân giải phóng thời chống Mỹ nên nhà văn Minh Chuyên mới hớ hênh khi bịa ra chi tiết này qua lời bình rất hùng hồn trong phim ...Trong lúc bới tìm từng đốt xương, một lọ penexilin được tìm thấy lẫn trong hài cốt. Nắp lọ được mở ra, một mảnh giấy gấp nhỏ trên viết bằng mực xanh đã ố nhoè nhưng vẫn đọc được: Họ và tên Hoàng Ngọc Đảm, đơn vị C2 - D67, quê quán: Làng Nha, xã Thái Giang, Huyện Thái Thuỵ, Thái Bình...
Bởi là những người lính thực sự đi ra từ chiến tranh, chúng tôi không khó khăn gì để nhận ra sự bịa chuyện một cách ngớ ngẩn của nhà văn, nhà đạo diễn Minh Chuyên. Đơn giản, không ai lúc đó lại ngây ngô đến mức vi phạm nguyên tắc bảo mật để để viết cụ thể tên đơn vị rồi mang theo người khi ra trận!
Cũng xin lưu ý một chi tiết về nội dung dòng chữ ghi quê quán trong lọ Penixiline, để qua đó khẳng định chắc chắn nó hoàn toàn do nhà văn Minh Chuyên "sáng tác" 100% sai sự thật.
Mẩu giấy do nhà văn Minh Chuyên "sáng tác" ghi quê quán của LS Đảm ở huyện
Thái Thuỵ. Trên thực tế vào thời điểm năm1969, Thái Bình chỉ có huyện Thái Ninh, sau giải phóng mới được đổi tên thành huyện Thái Thụy. Điều này có thể nhận thấy trong nội dung các giấy khen của LS Đảm (được CCB Homer lưu giữ và chuyển trao cho gia đình LS) do đơn vị tặng vào năm 1969 được ghi huyện Thái Ninh đúng như tên gọi lúc đó của huyện Thái Thụy bây giờ.

Chính vì vậy tôi, với tư cách một Cựu chiến binh Việt Nam - Đồng đội của các Liệt Sỹ đã phải làm một việc cần làm lúc này là qua môt bức thư ngỏ dài , trình bày kỹ lưỡng hệ thống các sự việc, chứng lý để từ những tình tiết gian trá được coi là "tiểu tiết" trong phim Linh Hồn Viêt Cộng để quý vị có cơ sở xem xét và xử lý vấn đề sao cho có tình, có lý, trước hết vì lợi ích cộng đồng. Nhất quyết không vì thoả mãn nhu cầu làm vợi nỗi đau của một người, một gia đình mà bỏ qua nỗi đau của nhiều người, nhiều gia đình cũng như làm phương hại niềm tin của đồng bào chiến sỹ cả nước vào chính sách Thương Binh, Liệt Sỹ của Đảng, nhà nước.

Cũng xin được thắp một nén hương tạ lỗi với vong linh LS Hoàng Ngọc Đảm và các LS khác. Vì để bảo vệ quyền được hoàn nguyên danh tính cho các anh, tôi đã không còn cách nào khác để không phải nhắc và đưa tên tuổi các anh vào trang viết đau đớn, xót xa trước đây cũng như trong thư ngỏ này.
Nha Trang 12/9/2008
Kính thư
LÊ BÁ DƯƠNG

Từ hơn nửa tháng nay, blog của Lê Bá Dương dường như chỉ dành để viết về vụ này. Trong đó, có cả “Người quản trang “tội nợ”, có cả bài báo không được đăng. Có cả việc người ta nhờ cậy một đồng đội, người bạn chiến đấu sinh tử và là người anh hơn tuổi của Lê Bá Dương nói với anh, đừng dính vào vụ này nữa. Anh trả lời: “Riêng người bạn chiến đấu, người đồng đội và người anh yếu quý một thời sinh tử, đây là lần đầu tiên tôi xin không nghe lời khuyên của anh. Một lời khuyên chân tình nhưng bị lạc ra khỏi tâm ý vốn có của anh. Rất có thể những việc tôi làm tới đây sẽ làm anh không vui, thậm chí dù không muốn, nhưng có thể ít nhiều đụng chạm đến anh. Song anh hiểu và tin tôi đã làm đúng khi đặt lợi ích của nhiều người lên một người.”
“Đò lên Thạch Hãn ơi, chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm”

Nếu ai đó hỏi tại sao Lê Bá Dương quyết theo đến cùng vụ “Linh hồn Việt cộng”, xin nhớ rằng, anh là tác giả của những câu thơ lay động lòng người ấy!  

Đi học Vỡ lòng

Category: Người thân, Tag: đihọc,Gia đình,Khác

09/15/2008 06:04 am
Lần đầu tiên đi học, cách đây đã đúng 40 năm. Hình như trước đó có đi nhà trẻ, nhưng chả nhớ tẹo nào. Chỉ nghe bác Cả kể, mình thường đứng bám song cửa sổ lớp gọi ra, bác Cả ơi Thiềm Thừ này! Chưa kịp lên mẫu giáo thì Mỹ ném bom miền Bắc, thế là “anh lết đôi giày chuột khoét, em xách đôi dép tuột quai, ta lên đường đi sơ tán tằng tăng tắng tăng…” Bài hát nguyên bản chả nhớ, chỉ nhớ bản xuyên tạc.
Sơ tán lần thứ nhất 4 năm, có về quê nội Văn Giang một dạo, nhưng chủ yếu ở huyện Thanh Oai, Hà Tây. Xóm Thanh Giang xã Cao Viên, làng nón Chuông, các làng Cao Mật Thượng, Cao Mật Hạ, Thanh Thần xã Thanh Cao đều từng sơ tán tới. Ở Thanh Cao có đầm Thượng Thanh từng được giới thiệu và có ảnh trong sách giáo khoa địa lý, biết bơi do theo lũ bạn đi tắm ở đó. Khi đi học Vỡ lòng, đang ở Cao Mật Thượng. Nhớ, nhà mình ở cạnh khoa phẫu thuật của Viện quân y 103, ngày ấy cứ nghe gọi là phòng mổ, gần nhà thờ Cao Mật Thượng.
Lớp vỡ lòng cũng gần nhà, cạnh nhà thờ. Sau này lớn chút nữa thì biết, nhà thờ là nơi an toàn, ít bị bỏ bom. Nhớ có mấy lần trốn học lủi vào nhà thờ xem các chị tập múa tập hát, nến trên tay, mắt long lanh. Rồi lần ông cha cố ở Thạch Bích về nhà thờ Cao Mật, thấy người lớn cung kính đón chiếc ô tô tiến vào sân nhà thờ, cũng cố chui lên trước. Lúc một ông áo đen, to cao, béo trắng trên ô tô bước xuống, vừa mong ông ấy nhìn mình, vừa sợ. Nhưng ông không nhìn…
Mang máng nhớ là lớp chỉ có khoảng mươi đứa, tường đất đắp dày. Không nhớ sách bút hồi đó có những gì, nhưng không có cặp, chỉ có chiếc bút chì, không có được “một mẩu bánh mì con con” như mèo con Vàng Anh (chính xác là Phan Thị Vàng Anh, không phải Hoàng Thuỳ Vàng Anh)! Cũng chẳng còn nhớ bảng, phấn ra sao, nhưng chắc rất tệ, vì đến năm học lớp 4 cả lớp vẫn dùng những chiếc bảng gỗ quét hắc ín, dùng được vài tháng là hết đen vì bị phấn mài mòn, những viên phấn rắn như sỏi. Ngoài “o tròn như quả trứng gà, ô thời đội mũ, ơ đà có râu…”, không còn nhớ lắm về những gì được học ở lớp vỡ lòng.
Chỉ nhớ những câu hát như “anh lết đôi giày chuột khoét, em xách đôi dép tuột quai”, “bé bé bằng rơm, hai tay bằng sắt hai chân bằng chì…”, “đi chăn bò, cầm cái roi đằng sau, bò không đi em lấy cái roi em…”. Hát theo lũ bạn, theo các anh các chị, chứ cô giáo nào dạy xuyên tạc nhảm nhí thế. Trong trí nhớ, cô giáo vỡ lòng của mình còn trẻ, hiền và xinh. Vì cô trẻ, hiền và xinh nên mới dám và muốn “lấy le” với cô.
Chiều đó bố về, hút thuốc lá rồi quăng mẩu thuốc cháy dở ở góc sân. Tự nhiên ông con lại nổi tò mò, thử hút thuốc xem sao? Len lén nhặt mẩu thuốc phóng ra ngoài đường làng, chỗ cổng nhà thờ. Chợt thấy cô giáo đang gánh lúa về. Thế là ông cóc con ra đứng dang chân giữa đường, tay chống nạnh, miệng ngậm mẩu thuốc chặn đường cô giáo. Oai hùng lắm. Cô cười, khi đến gần cô hạ gánh lúa xuống, cầm mẩu thuốc vứt đi rồi bảo, còn hút thuốc nữa là cô mách bố mẹ đấy! Đó là kỷ niệm còn nhớ rõ nhất về cô giáo vỡ lòng.
Nếu hồi đó có xếp hạnh kiểm, chắc mình bị hạnh kiểm kém?

Thứ Sáu, 12 tháng 9, 2008

ĐI TRẠI SÁNG TÁC… CÁI GÌ?

Category: văn hoá, Tag: Tin tức Dư luận,Văn hóa Xã hội

09/12/2008 03:44 pm
Lạc vào Nhà sáng tác Nha Trang, anh bạn có bút danh trên báo Thanh Niên là Hùng Phiên (Phiền Hung) dúi vào tay cái tạp văn, đòi đăng trên Tiền Phong. Chả biết Tiền Phong có đăng được cái này không, thôi thì mình đăng trước cho vui lòng anh bạn "tâm thần viên".

ĐI TRẠI SÁNG TÁC… CÁI GÌ?
Lâu quá lo cày cuốc báo chí kiếm cơm, bỗng nghe có suất đi trại sáng tác, bèn chạy chọt đi để hâm lại bầu máu văn chương. Nếu đến trại mới sáng tác được tức đây là trại… vịt đẻ? Thế nhưng chủ yếu nhiều nhà văn cái, nhà thơ đực coi đây chỉ là nơi để du hí, trốn vợ đi nhậu ngoại tỉnh, lấy giấy phép của chồng con để đi… ngoại ô!
Cũng có lắm anh ả cứ tưởng hễ bước chân vào trại sáng tác là bỗng chốc trở thành nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ nhớn! Uống vào mấy ly là tự bốc mình lên tận mây xanh, hoặc nữa là suốt ngày ngơ ngơ ngẩn ngẩn, chả chịu làm lụng kiếm cơm nuôi con, bụng dạ đói meo nhưng thấy mình luôn vĩ đại… hễ nghe đến đi trại sáng là tức tốc có “em”! Những người này họp lại uống rượu, đọc thơ, khoe sáng tác “đầu thừa đuôi thẹo”, nói về những ý đồ dùng văn chương dời non lấp biển… tình cảnh tương tự như mấy người “tưng tưng” hay lang thang, áo quần xanh đỏ thường gặp trên đường! Vậy nên cha Bình SVC độc miệng ở Phú Yên đặt tên cho loại trại này là “Trại tâm thần”, nghe ra cũng chí phải!
Mà chi phí cho mấy dzăn ngợ sĩ (nói lái là “nghĩ sợ”, giọng Phú Yên - Bình Định) này vô trại tâm thầm mỗi đợt đâu phải là ít. Ngoài chuyện tàu xe được thanh toán đủ, ở khách sạn phòng lạnh - nước nóng được bao căn, tiền ăn mỗi ngày cả trăm nghìn đồng/người, rồi giấy bút, đi thăm thú “thực tớ”… các ban tổ chức lo tất mỗi “tâm thần viên”. Mỗi trại ít nhất phải 15 người trở lên, thời gian giá chót cũng trong nửa tháng! Đã thế còn tốn tiền của vợ con cho chuyện tiêu vặt và ăn nhậu! Ôi, nghề chơi cũng lắm công phu! Mà nghe đâu bình quân mỗi tuần ở Việt Nam có 1 trại sáng tác các loại! Nhiêu khê tốn kém bạc tỷ như thế nên ngành văn hóa mới xây một hệ thống trại “tâm thần” giăng khắp nước; ví như các Nhà sáng tác Vũng Tàu, Nha Trang, Đà Lạt, Huế, Tam Đảo, Đồ Sơn,… với một đội ngũ thường trực phục vụ mỗi nơi luôn trên dưới 10 người. Tỉnh nào không có Nhà “sảng tạc” mà muốn đăng cai trại “tâm thần” thì dúi các trại viên vào một khách sạn nào đó… Nhậu nhẹt, đàn đúm mười ngày nửa tháng là xong chuyện!
Bây giờ nói đến việc thực thi nhiệm vụ chính của mỗi sáng tác viên. Nghĩa là, đăng ký mảng thơ thì làm thơ, văn thì viết truyện ngắn - truyện dài - kịch bản, mỹ thuật thì bôi màu - đẽo đá - khắc lung tung… Nói chung là cuối trại phải có sản phẩm nộp lấy lệ; đã thế thì đa phần là đem theo tác phẩm có sẵn ở nhà để còn rảnh rỗi mà rượu chè, đàn đúm! Có những tuyên bố xanh rờn: thằng nào đi trại “tâm thần” mà sáng tác là ngu, bởi thai nghén - tạo tác sản phẩm nghệ thuật là chuyện không phải đóng cửa bảo rặn bảo đẻ là… có con!
Thế nhưng mấy nhà tổ chức thì tự an ủi: coi như đây là dịp để ai tranh thủ làm được gì thì làm, hoặc chỉ giao lưu, so sánh tác phẩm, trao đổi kinh nghiệm sáng tác,… thế là có lợi cho nước cho dân rồi! Nhiều anh ả thì muốn tranh thủ đi du lịch đỡ mất tiền, hay kiếm cơm mết quá thì bỏ nhà đi thư giãn, còn tôi thì mục tiêu hâm lại bầu nóng văn chương chứ lâu nay đã nguội lạnh vì mãi lo kiếm tiền (nếu làm văn chương mà no cơm ấm áo thì tui đây chả dại gì bỏ quên)!
Túm lại, thứ gì cũng phải dồn hết sự tập trung và đam mê thì mới có thành quả đôi chút. Nhưng có mê đắm đến đâu mà rờ lưng không thấy mấy tí năng lực thì cũng là chuyện viễn vông khổ vợ khổ con, người thân hàng xóm, phiền phức tốn kém tiền dân tiền nước lắm ai ơi! 

Thứ Tư, 10 tháng 9, 2008

Viết cho con trai!

Category: Người thân, Tag: Gia đình,Khác

09/10/2008 05:19 am


Khi đó, ba đang gần như thất nghiệp. Hàng ngày vẫn phải 2 buổi đạp xe đến xí nghiệp kẹo Hải Âu, chỗ nhà máy bia Sài Gòn Phú Yên bây giờ, dù ở đó sản xuất đã đình trệ, ông giám đốc bỏ đi buôn. Mẹ lương ba cọc ba đồng. Cả đại gia đình cũng trong cảnh khó khăn. Lâu lâu mới có thể mua hay được cho một hộp sữa bột Similac của Liên Xô hoặc sữa Ông Thọ.
Con càng lớn càng đòi ăn nhiều. Mẹ đi chợ mua cá vụn và cua đồng, may mà hồi đó cua đồng ở Tuy Hòa còn chưa đắt lắm. Hôm nào có cua, ba giã cua lọc lấy nước. Có cá thì luộc qua, tỉ mẩn gỡ từng miếng thịt, cẩn thận không để lẫn xương, rồi nghiền nhỏ. Nấu cháo bằng nước lọc cua, bằng nước luộc cá và cá nghiền. Ba làm những việc đó bên bếp than dưới ánh đèn dầu buổi tối, vì buổi chiều từ xí nghiệp về phải làm việc khác. Cháo chín, múc lên miếng vải màn đặt trong tô, túm các góc miếng vải lại, xoắn chặt rồi lấy hai đũa cả kẹp miếng vải bọc cháo, vuốt xuôi cho nước cháo chảy xuống cái xoong khác. Khi đã hết nước, ba lại nghiền nhuyễn bã cháo một lần nữa, đổ vào đó ít nước cháo, lại xoắn vải và kẹp vuốt bằng đũa cả để lấy thêm bột gạo từ bã cháo. Pha chút sữa hộp vào nước cháo, nấu lại lần nữa thành sữa cho con.
May sao, con lớn lên từng ngày, dù không mập mạp. Ba cứ cúi xốc nách con đi tới, để con tập bước chân. Miệng cười vui của con làm ba vui, giúp ba qua được những ngày u ám. Đến một ngày, khi con mới hơn 8 tháng rưỡi tuổi, ngồi vững từ lâu nhưng chưa một lần bò. Chợt con chống tay, chổng mông đứng lên, rồi bước tới trong sự ngỡ ngàng của cả nhà. Chắc con thương ba, nên đã sớm mang cho ba niềm vui ấy.
Chuyện về con nhiều lắm, nhưng sao ba lại kể chuyện nấu cháo nuôi con? Vì hôm nay, con tròn 20 tuổi. Con vào năm học mới, con sẽ ra ở nhà trọ, không ở nhà dì nữa. Con được tự do hơn, và sẽ phải tự lo nhiều hơn. Con đã trưởng thành nhiều, đã có những suy nghĩ, quan niệm của riêng con về cuộc sống, về các mối quan hệ trong xã hội. Đã qua lâu lắm rồi, những ngày ba phải xốc nách cho con tập đi.
Ba luôn hy vọng, tin tưởng ở con. Và con biết, điều gì của con làm ba vui, điều gì làm ba buồn. Phải không, con trai của ba?
Tường San at 06/19/2010 10:33 pm comment
Good Dad! "Nhân ngày của bố" là ngày chủ nhật tuần thứ ba của tháng sáu, chúc bác TT phát huy hơn nữa! Mà bác tả cách nấu đồ ăn cho con giỏi thật đấy, bác tự tay làm à? Bây giờ những người như bác xắp tiệt chủng rùi, hì hì
Thiềm Thừ at 06/20/2010 07:14 am reply
Vậy hôm nay là Ngày của cha, phải không bác sĩ? Cảm ơn bác sĩ nhé! Món sữa đặc biệt đó tự tay TT làm đấy, mà cũng mong đời sống khá hơn, để không ông bố nào phải làm như TT nữa.
Cựu Chiến Binh at 06/19/2010 11:28 am comment
Ký ức gian khổ,nhưng cuộc sống tràn ngập tình thương yêu,chúc em vui nhé bài viết hay

Thứ Bảy, 6 tháng 9, 2008

Hổ cũng ngán Ác Báo

Category: báo chí, Tag: Những người sống quanh ta,Văn hóa Xã hội

09/06/2008 08:26 am
Ác báo

Thay vì niềm vui, gia đình hoa hậu Thùy Dung chìm trong u buồn từ khi cô đăng quang hoa hậu.
Ăn không ngon, ngủ không yên… Khuôn mặt của cha hốc hác, khuôn mặt của mẹ khi mô cũng ngân ngấn nước mắt. Chực òa khóc.
Mọi việc bắt đầu từ một nhà báo.
Anh Trần Văn Liễu, bố của hoa hậu Thùy Dung kể: Ngày 3-9, một người còn rất trẻ, tới nhà nói là phóng viên của báo Đất Việt, muốn tới để giúp gia đình. Gia đình tiếp phóng viên này rất lịch sự. Phóng viên mở đầu câu chuyện rất xúc động: “Anh chị yên tâm. Em đến đây để giúp anh chị, giúp Thùy Dung vượt qua scandal này. Nghe nói Thùy Dung chưa tốt nghiệp PTTH, như vậy là phạm qui. Nhưng không sao đâu, em sẽ giúp…
Giữa lúc gặp nạn có người an ủi là diễm phúc rồi. Huống hồ chi có người chìa bàn tay ra nâng đỡ…
Câu chuyện giữa ba mẹ Thùy Dung và phóng viên nọ diễn ra trong không khí gia đình, đầy thân thiện, đầy hàm ơn… Họ chưa bao giờ tiếp xúc với phóng viên nào từ ngày con gái đăng quang hoa hậu.
Nhưng hỡi ôi! Chỉ buổi chiều cùng ngày, hàng loạt câu nói không phải của vợ chồng ba mẹ hoa hậu được tung lên mạng. Hoa hậu làm học bạ giả, ba mẹ hoa hậu muốn trả vương miện, công an đã vào cuộc...
Phóng viên các báo rầm rầm chạy theo. Không phóng viên nào có được những tài liệu “quí giá” như báo Đất Việt.
Sáng qua, người đi trên đường Phan Chu Trinh thấy người ta phát báo có đăng bài về hoa hậu Thùy Dung. Cho không, không lấy tiền…
Chiều qua (5-9), phòng PA 25 tới văn phòng báo hỏi về nguồn gốc tài liệu vì dư luận có liên quan trên địa bàn. Trưởng văn phòng báo tại Đà Nẵng nói: “Loạt bài về hoa hậu do phóng viên ở Hà Nội làm!”. Tuy nhiên, cuộc làm việc của PA 25 chưa phải là cuộc làm việc chính thức về mặt pháp lý nên các báo chưa thông tin được.
Cửu Vạn mấy ngày ni hình dung gần giống Đại Sư Huynh. Tóc bạc thêm mấy phần, mắt sâu mười phần. Cầm ly rượu lên chửi: “Đ. mẹ, cái thằng phóng viên ròm ròm đó nó ở đây chớ Hà Nội mô. Hôm chung kết nó cứ chạy theo tao năn nỉ xin thẻ phóng viên vì không nằm trong danh sách mời…”.
Nhớ lại vụ rác thải. Hai ngày trước tất cả các báo đăng trong đó có tờ báo nói trên. Hôm sau, phóng viên báo Tuổi Trẻ tiếp xúc với Giám đốc công ty Thành Lợi thì thấy hai phóng viên báo này từ phòng Giám đốc ra. Hỏi ông Tân – Giám đốc Thành Lợi thì ông Tân nói: “Họ đăng 2 bài rồi. Giờ muốn tôi quảng cáo nhưng tôi không quảng cáo…”.
Hôm qua Hữu Khá (blogger Trai Làng) bị tòa soạn bảo bỏ sót tin săn trong vụ hoa hậu nên hôm ni nói chuyện thị phi chút. Hehehe…
Hữu Khá chỉ theo dõi hoa hậu, đẹp chỉ bằng gót chân hoa hậu nhưng cũng bị thị phi… Thì ra, xấu đẹp chi dư luận cũng chẳng chừa!

Blog Hổ Phụ Tử

Thứ Sáu, 5 tháng 9, 2008

Chợt giật mình!

Category: báo chí, Tag: Những người sống quanh ta,Văn hóa Xã hội

09/05/2008 03:59 pm
Chợt giật mình! Có những lúc mình cũng là con kên kên, như bao người khác hôm nay!
Bạn CATANG viết: "Du sao hoa hau van dep! Dep nhieu thu lam, it ra la no chua ac nhu nhung thang ac on dang giet no..." Có blogger phải kêu lên: "các anh, các chị đè em ra " hãm hiếp" tập thể".
Ôi, những con người văn minh, ngời sáng!  

Thứ Năm, 4 tháng 9, 2008

Gặp lại Hội An - tháng 8.2008

Category: Cuộc sống, Tag: Bạn bè,Đời sống

09/04/2008 09:15 pm
Đường Nguyễn Thị Minh Khai

Diện mạo Hội An không đổi khác bao nhiêu. Vẫn là những con phố nhỏ yên bình với những ngôi nhà truyền thống mái ngói không cao quá 2 tầng, phía trước có vườn hoặc giàn cây xanh. Ở những đường phố chính cũng không nhiều nhà hộp và những cửa hiệu sáng choang, người lại qua đông hơn nhưng không nhiều xe hơi, không nhiều người chạy xe máy ào ào. Người Hội An vẫn giữ nếp thong dong, không vội vã xô bồ. Nhưng có muốn chạy xe nhanh cũng khó, vì mặt đường phố bị loang lổ bong tróc rất nhiều. Có lẽ, Hội An là thành phố có đường phố xấu nhất Việt Nam. Hội An cũng không phải là thành phố đẹp về cây xanh. Nhưng phòng tranh nhiều. Và có vẻ làm ăn khấm khá. Những bức tranh không mấy độc đáo, mới mẻ, được đề giá 300 – 500 – 1000 USD…
Khách sạn Nhà cổ Hội An

May mắn, được theo tua đi thăm nhà cổ và một số khách sạn tại Hội An. Khách sạn ở đây đáng nhớ hơn khách sạn ở nơi khác, Nha Trang, Vũng Tàu chẳng hạn. Không phải là những khối hộp chen chúc lên cao ở mặt tiền, phô phang nhôm – kính - sơn màu, các khách sạn ở Hội An thường gồm nhiều nhà 2 – 3 tầng trong khuôn viên rộng, có nhiều cây xanh. Hầu như mỗi khách sạn đều có một nét riêng khó lẫn, về kiến trúc phòng ốc, về cảnh quan. Ở khách sạn Nhà cổ, các khu nhà được xây dựng theo kiểu nhà cổ, có giếng trời, các phòng đều thoáng gió tự nhiên. Tại đây có một ngôi nhà cổ thực sự, sân nhà là nơi phơi bánh của lò làm bánh tráng bên cạnh, cung cấp cho nhiều quán bánh tráng khô, bánh tráng đập, cao lầu… ở Hội An.

Tối 29/8, nghỉ ở khách sạn Vĩnh Hưng. Những ngôi nhà 2 tầng dưới tán dừa, những hồ bơi xinh xắn, những lối đi rải sỏi dẫn ra bờ sông Thu Bồn… Phòng khách sạn 2 giường rất rộng, thiết bị khá xịn, chiếc ti vi 21 inches mở kênh nào cũng thấy muỗi bay sè sè. Sáng sau ghé phòng internet, 2 máy tính đầu không khởi động được. Chiếc thứ 3 truy cập tốt, nhưng không vào được Yahoo! Messenger. Hỏi nhân viên khách sạn đang ngồi ở máy bên, anh ta bảo: “Máy bị virus.” Thế là xong trách nhiệm với khách! Tối 30/8, nghỉ ở khách sạn Thiện Trung trên đường Phan Châu Trinh. Trong phòng có chiếc máy lạnh Toshiba cũ mèm điều chỉnh bằng tay, toilet không khăn, không xà phòng. Đối diện khách sạn có nhà hàng kiểu cổ khá đẹp, nhưng tại đó món ăn nổi tiếng của Hội An là cao lầu không thể khen là ngon.
Thợ thêu tại cơ sở thời trang YaLy Couture

Trưa 30/8, đi xe ôm từ đường Trần Hưng Đạo sang đường Lý Thường Kiệt, đoạn đường chừng 1km. Đến nơi, anh xe ôm nhất quyết đòi 20.000đ. Cuốc xe ôm sau từ Lý Thường Kiệt sang Hoàng Diệu cũng chỉ trên 1km, cước phí là 20.000đ. Lần thứ 3 đi xe ôm từ một nơi gần chợ Hội An về khách sạn Vĩnh Hưng, rút kinh nghiệm nên hỏi giá trước. “Hai mươi nghìn!” – Anh xe ôm nói. Thấy chiếc taxi, định vẫy thì anh ta hạ giá xuống 15.000đ. Thôi, đi cho rồi. Dọc đường, nghe khách nói cước xe ôm mắc hơn cước taxi, anh lái xe phân trần: “Dân Hội An ít đi xe ôm lắm nên ít người làm nghề chạy xe ôm, giá cuốc xe phải cao hơn nơi khác.” Nghe vậy biết vậy.
Tối 30/8, Viết Hiền và Việt Hương từ Quy Nhơn ra, gia đình Hữu Thành gồm 5 người từ Đông Hà vào, cùng Thiềm Thừ, Cửu Vạn và thổ công xứ Quảng Lê Trung Việt mừng hội ngộ. Bọn đàn ông trù tính, kiếm quán cơm cho phụ nữ và trẻ em trước, bù khú bia rượu sau. Cửu Vạn chạy xe khắp Hội An, chỉ thấy duy nhất 1 quán còn cơm, nhưng hết chỗ ngồi. Lúc đó mới 7 giờ tối! Đành kéo nhau ra quán Vườn Hoàng bên sông Hoài kiếm cái lẩu. Nghe nhau câu được câu chăng, vì quán bên có nhạc sống, đám mừng sinh nhật hay họp bạn gì đó hát – gào – hú hét đủ loại bài tây, ta, cũ, mới… Ngỡ ngàng đêm Hoài Phố.
Đường Trần Phú, thời gian chỉ dành cho người đi bộ và xe thô sơ

Nhưng ở Hội An, tôi đã gặp nhiều người để lại ấn tượng rất đẹp, như anh Trương Duy Trí, hướng dẫn viên du lịch, cựu quân nhân. Nhẹ nhàng, mạch lạc pha chút hóm hỉnh, mỗi lời kể của anh đều cho thấy sự hiểu biết sâu sắc, lòng tự hào về lịch sử, văn hoá, con người Hoài Phố. Nhớ nhất lời anh kể về việc người Hội An đã biết “sống chung với lũ” từ mấy trăm năm trước, thể hiện qua việc làm nhà có chỗ mở lên gác, lên mái. Người ta thường làm nhà ngoài thấp, trong cao, nhưng người Hội An làm nhà nền ngoài cao, nền trong thấp. Cũng như tục quét rác vào trong, không quét ra ngoài, việc làm nhà như vậy để của cải tài lực “vào dễ ra khó”. Nhưng còn có ý nghĩa khác. Nhà Hội An thường bị ngập nước lụt, thường phải rửa. Nhà trước cao sau thấp, khi rửa bùn rác không chảy ra ngoài đường, chảy sang nhà bên. Ứng xử, quan hệ thân thiện, có văn hoá với xóm giềng từ chuyện cái nền nhà như thế!
Chiều 30/8, đi bộ dạo chơi phố cổ. Đến một ngã ba gần Quảng trường Sông Hoài, hỏi một bà cụ trên 70 tuổi đường tới Chùa Cầu. Bà cụ chỉ đường xong, đã dợm quay đi nhưng lại cầm tay tôi dẫn tới đường Nguyễn Thị Minh Khai, nói Chùa Cầu ở cuối đường đó con!
Hai lần đến, cũng chỉ có hơn 2 ngày ở Hội An. Thời gian mới tạm đủ để làm quen. Nhưng dường như đã đủ để biết, Hội An có nhiều thứ quý giá cần được bảo tồn, gìn giữ. Trong đó, có tình người, có sự thanh bình của cuộc sống.

Trương Duy Trí: "Trên đây là cửa thoát lên khi nước ngập". 3 vạch phấn là mức nước ngập năm 1999 - 2000 và 2007.

Blast hay nhất ngày 4.9

Category: Con người, Tag: Những người sống quanh ta,Văn hóa Xã hội

09/04/2008 07:03 pm
Blast của bác Binh Nguyên. Không cần bình luận gì thêm!


best blast

Thứ Tư, 3 tháng 9, 2008

Gặp lại Hội An - hơn mười năm trước

Category: Cuộc sống, Tag: Bạn bè,Đời sống

09/03/2008 09:22 am

Sau 11 năm mới trở lại Hội An. Hình như mình có phần kém năng động, ít chịu “xê dịch”! Nhưng xa hơn mười năm, mới có chuyện để kể khi gặp lại chứ.
Năm 1997, lần đầu tiên đến Hội An. Đắc Bình - anh bạn làm nghề ảnh chở bằng xe máy từ Đà Nẵng qua núi Ngũ Hành, theo đường liên huyện qua Điện Ngọc, Điện Nam đến Hội An. Chưa có con đường ven biển Đà Nẵng - Hội An như bây giờ. Hội An ngày ấy thật vắng vẻ, dù hàng ngày vẫn đón những đoàn khách du lịch nước ngoài. Chỉ trong một buổi, hai anh em đi thăm khắp Chùa Cầu, Quan Công Miếu (Chùa Ông), Hội quán Phúc Kiến, Hội quán Triều Châu, mấy ngôi nhà cổ… Buổi trưa, nằm nghỉ trên sập gỗ ở gian ngoài ngôi nhà cổ của ông Trần Đương ở 25 Phan Bội Châu, mát rượi. Trên lầu, ông Trần Đương cũng treo một số tranh vẽ, tranh in phong cảnh Hội An và Việt Nam, không đề giá. Du khách xem tranh, ai thích thì mua, chủ khách ít mặc cả nhưng giá bán chỉ từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng.
Buổi chiều, đến Cẩm Nam ăn bánh tráng đập và chụp ảnh cầu tre Cẩm Nam. Đắc Bình trúng mánh, vì tình cờ có người mẫu là một đôi nam thanh nữ tú. Chàng đến từ Úc, nàng từ Mỹ sang, trẻ trung xinh đẹp. Cô gái còn mặc áo thun, không có “underwear”, thế mới chết anh chàng phó nháy! Đôi tình nhân toàn hỏi “đểu”, như: “Are police in Danang bad to tourist” hay “During Vietnam war, this beach was for US soldiers on holiday?”. Họ lại còn tỏ ra rất ngạc nhiên khi thấy trên cái mũ của mình có chữ Versace, ý là bọn Việt Nam quê mùa ở Hội An hẻo lánh mà cũng biết Gianni Versace, nhà thiết kế thời trang người Ý vừa mới chết, nhỉ!
Bây giờ trở lại Hội An như gặp lại người xưa, vui nhiều mà cũng có chút buồn...