Thứ Ba, 1 tháng 12, 2015

Vụ án vườn điều và vụ Huỳnh Văn Nén, án oan kép:
Kỳ IKhởi đầu hành trình 16 năm

Trong 16 năm đằng đẵng, các phóng viên báo Tiền Phong đã quyết liệt, bền bỉ đồng hành cùng những người bị kết tội oan ở thị trấn Tân Minh (Hàm Tân, Bình Thuận). Làm sao để không còn những vụ án oan, như vụ án vườn điều và vụ Huỳnh Văn Nén?

            Ông Huỳnh Văn Nén mang một kỷ lục không ai muốn mang: Người mang hai án giết người, đều là án oan. Vụ án vườn điều và vụ bà Lê Thị Bông là án oan kép, án oan chồng án oan, oan sai của vụ án này góp phần gây nên oan sai của vụ án kia. Hai vụ án này tuy hai mà một còn vì có chung điều tra viên (ĐTV) chính là ông Cao Văn Hùng, chung trưởng ban chuyên án là ông Đinh Kỳ Đáp.  
      Sáng sớm ngày 21/5/1993, xác bà Dương Thị Mỹ được phát hiện tại vườn điều của ông Hai Hoàng ở thôn 2 xã Tân Minh (nay là thị trấn Tân Minh, Hàm Tân, Bình Thuận). Cơ quan CSĐT, Công tỉnh Bình Thuận (PC16, nay là PC44) xác định bà Mỹ bị giết đêm 18, rạng sáng ngày 19/5/1993 và cho rằng vụ án có nguồn gốc từ quan hệ tình ái giữa bà Mỹ với ông Trần Văn Sáng, khiến vợ ông là Nguyễn Thị Nhung ghen tuông. Từ ngày 27/5/1993 đến ngày 26/7/1993, vợ chồng ông Sáng bị PC16 tạm giữ, nhưng không có quyết định khởi tố bị can và lệnh tạm giam. Ngày 22/9/1993, PC16 tạm đình chỉ điều tra vụ án. Đêm 23/4/1998, bà Lê Thị Bông ở thôn 2 Tân Minh bị giết tại nhà của bà ở thôn 2 Tân Minh. Ngày 17/5/1998, ông Huỳnh Văn Nén bị bắt vì bị coi là thủ phạm giết bà Bông. Đến tháng 10/1998, ông Nén lại khai rằng đã cùng vợ là Nguyễn Thị Cẩm, mẹ vợ, 4 chị em ruột của vợ, 2 cháu ruột vợ, tổng cộng 8 người đã giết bà Mỹ năm 1993. Từ đó, tháng 12/1988 PC16 phục hồi điều tra vụ bà Mỹ bị giết (vụ án vườn điều), khởi tố 8 người này về tội “giết người”, khởi tố ông Trần Văn Sáng về tội “không tố giác tội phạm”. Ngày 20/11/1999, PC16 ra kết luận điều tra (KLĐT) vụ án vườn điều…

Lên đường theo những tiếng kêu cứu
 3 đứa con của ông Huỳnh Văn Nén và 2 đứa con của ông Nguyễn Văn Tiền, ảnh của Đặng Ngọc Khoa chụp tháng 4/2002 
Cuối tháng 1/2000, cố Tổng biên tập báo Tiền Phong Đinh Văn Nam, khi đó đã nghỉ hưu nhưng vẫn giúp việc cho Ban bạn đọc của báo Tiền Phong gửi cho tôi một tập hồ sơ vụ án vườn điều, trong đó có nhiều lá đơn kêu cứu, kêu oan. Cùng lúc, anh Hồ Việt Khuê, phóng viên báo Tiền Phong thường trú tại Bình Thuận cũng nhận được những tài liệu tương tự. Lá đơn đầu tiên là đơn đề ngày 20/12/1998 của bà Nguyễn Thị Lâm (Năm Gấm) ở đội 9, xã Tân Minh, kêu oan, kêu cứu cho các con Nguyễn Thị Nhung, Nguyễn Văn Tiền, Nguyễn Văn Châu. Họ bị bắt ngày 16/12/1998, do bị cho là đã tham gia giết bà Dương Thị Mỹ. Lá đơn thứ hai, ông Nguyễn Văn Gấm kêu cứu cho bà Năm Gấm, vợ ông. Bà Năm Gấm bị bắt tạm giam ngày 21/12/1998, chỉ một ngày sau khi làm đơn kêu cứu cho các con. Lá đơn kêu cứu thứ ba đề ngày 5/12/1999, của ông Trần Văn Sáng. Ông Sáng làm đơn này sau khi đã có KLĐT vụ án vườn điều, ngày 20/11/1999. Khi đó, PC16 đã bắt tạm giam thêm hai con riêng của bà Nguyễn Thị Nhung là Trần Thanh An và Trần Thanh Vân, khởi tố hai em ruột bà Nhung là Nguyễn Thị Cẩm (vợ ông Nén), Nguyễn Thị Tiến. Ông Sáng cũng bị đình chỉ công tác cán bộ tư pháp xã Tân Minh và bị khởi tố. “Anh em cháu còn lại bơ vơ không có người nuôi dưỡng, phải bỏ học, bữa đói bữa no, không biết nhờ cậy vào ai”. Đó là lời trong đơn kêu cứu, đề ngày 30/11/1999 của ba anh em Nguyễn Hữu Lợi (SN 1985), Nguyễn Hữu Lộc (SN 1987), Nguyễn Hữu Lực (SN 1990), ở ấp 3 (Xuân Hòa, Xuân Lộc, Đồng Nai). Mẹ của Lợi – Lộc - Lực là Nguyễn Thị Huệ, bị tai nạn giao thông mất ngày 21/9/1998, gần đến dịp cúng trăm ngày cho mẹ các em thì cha các em là Nguyễn Văn Châu lại bị bắt. Trong xấp hồ sơ chúng tôi nhận được, có cả bản phô tô bài báo “Qua 6 năm truy tìm thủ phạm”, được đăng hai kỳ trên báo Bình Thuận. Bài báo nêu khá chi tiết quá trình điều tra vụ án vườn điều, khẳng định hành vi phạm tội của các bị can là không thể chối cãi.   
          Sau khi đọc đi đọc lại tập văn bản kêu cứu và buộc tội, sáng 14/2/2000, qua Tết Canh Thìn đúng một tuần, chúng tôi tới Tân Minh. Không ngờ, hành trình của chúng tôi cùng với những người bị oan ở Tân Minh kéo dài tới 16 năm trời.

Thấy rõ dần dấu hiệu oan sai
 Các bị cáo tại phiên xử sơ thẩm (lần 1) vụ án vườn điều, ngày 7/3/2001, từ trái qua: Nguyễn Thị Tiến, Nguyễn Văn Châu, Nguyễn Thị Lâm, Trần Văn Sáng, Huỳnh Văn Nén, người đứng giữa không phải bị cáo trong vụ án này, mà là một "chim mồi"
Theo KLĐT, khoảng 9 giờ ngày 18/5/1993, bà Nguyễn Thị Nhung giặt đồ, thấy trong túi quần ông Sáng mảnh thư ghi “Mỹ muốn gặp anh Sáng vào 1 giờ đêm nay tại vườn điều ông Hai Hoàng”. Đêm đó bà Nhung cùng mẹ, hai con trai, hai em trai, hai em gái và em rể là Hùynh Văn Nén đi phục ở vườn điều, rồi chém chết bà Mỹ… Nhưng ở Tân Minh, rất nhiều người nói bà Mỹ không biết chữ. Cô Huỳnh Thị Ngọc Hạnh, con gái bà Mỹ cũng khẳng định điều này. Trước khi vụ án xảy ra, bà Mỹ đã ly thân với ông Huỳnh Ngọc Bửu. Bà ăn ngủ ngay tại chòi bán nước mía của bà ở chợ Tân Minh, cạnh ngã ba QL1A và tỉnh lộ 336, chỉ cách nhà ông Sáng khoảng 250 m. Như vậy, nếu bà Mỹ và ông Sáng có tình ý, họ rất dễ dàng trực tiếp gặp nhau, không cần hẹn hò qua thư. Bà Mỹ không biết chữ, nên chuyện lá thư hẹn càng khó tin. Thực sự có lá thư định mệnh đó hay không? Ông Nguyễn Thận, Chủ tịch UBND xã Tân Minh còn nêu một nghi vấn về động cơ giết bà Mỹ, vì đêm 18/5/1993 chính là đêm trước ngày TAND huyện Hàm Tân xử vụ ly hôn của vợ chồng bà Mỹ.
            Những câu hỏi khác cứ tự nhiên bật ra khi tôi đứng ở vị trí phát hiện xác bà Mỹ, năm 1993. Nơi đó chỉ cách nhà bà Mỹ khoảng 100m, sát chỗ đổ rác của chợ Tân Minh. Nếu có lá thư, bà Mỹ thật khéo chọn thời gian và nơi hẹn! Ngã ba là cửa ngõ vào rừng Tánh Linh, năm 1993 là điểm nóng khai thác lậu gỗ và lâm sản, hàng quán hoạt động suốt đêm. Cả chục người mang dao gậy tới vườn điều và chạy về nhà qua ngã ba rồi theo QL1A, sao không bị ai thấy?
          Trong khi chúng tôi đang tập trung vào vụ án vườn điều, ngày 31/8/2000, TAND tỉnh Bình Thuận xử phạt ông Huỳnh Văn Nén tù chung thân vì tội “giết người”. Đến đầu tháng 10/2000, chúng tôi được biết, ngày 26/8/2000 anh Nguyễn Phúc Thành đã tố giác Nguyễn Thọ giết bà Lê Thị Bông, với đồng phạm là Hồ Văn Việt, không phải ông Nén. Bài trên báo Tiền Phong số ra ngày 28/10/2000 đã nêu khá rõ về việc này. Sau đó, được PC16 cử đi xác minh nội dung tố cáo của anh Thành, đại úy Cao Văn Hùng báo cáo xác minh rằng Nguyễn Thọ đã bỏ đi khỏi địa phương từ năm 1997. Tuy nhiên Công an xã Tân Minh cho biết, cuối tháng 4/1998, sau khi bà Bông bị giết, Thọ mới đi khỏi Tân Minh. Chúng tôi đã thu nhận nhiều ý kiến thắc mắc về phương cách làm việc của ông Hùng. Thắc mắc lớn nhất là, tại sao việc xác minh lại được giao cho ông Hùng, chính là người điều tra vụ bà Bông, cũng chính là người điều tra vụ án vườn điều. Một người được khen thưởng về thành tích phá 2 vụ án nghiêm trọng này, sao có thể được giao xác minh đơn tố cáo rằng sự thật không như ông đã điều tra ra?
          Trở lại việc bà Bông bị giết. Cơ quan điều tra xác định ông Nén là hủ phạm duy nhất. Nhưng anh Thành tố cáo rằng có 2 kẻ tham gia vụ này. Ở hiên nhà bà Bông và trên ghế xa lông trong nhà có 4 dấu chân không dép, kích thước khác nhau. Đây là dấu chân của cùng một người hay của hai người khác nhau? Theo KLĐT, ông Nén lấy được 1 chỉ vàng nhưng làm mất ngay khi chạy khỏi nơi gây án. Khi được dẫn về dựng lại hiện trường, ông Nén lúng túng không biết làm như thế nào... Trong bài “Những câu hỏi quanh vụ bà Bông bị giết” trên báo Tiền Phong số ra ngày 2/7/2001, chúng tôi đã nêu nhiều điều mâu thuẫn trong việc điều tra, kết tội ông Nén, đề nghị phục hồi điều tra xét xử vụ bà Bông theo trình tự giám đốc thẩm. Việc đó càng cần thiết vì nó liên quan chặt chẽ với việc làm sáng tỏ sự thật vụ án vườn điều”. Bài trên báo Tiền Phong nhấn mạnh.
                                                                                                       Nguyễn Đình Quân 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét