Thứ Tư, 25 tháng 11, 2015

NGƯỜI BẠN CAMPUCHIA

Anh… Trong thời gian học tập của em hơn 8 tháng rồi em nhớ anh lắm và rất buồn vì em nhận tin là anh bị ngã ô tô… Anh Long đưa tin này bảo hộ em. Em biết như vậy em về nhà ngai, em viết thư gửi cho anh hỏi thăm anh…

Hôm qua kôru pết (bác sĩ) Đỗ Văn Thái vào Nha Trang mở lớp tập huấn kỹ năng giao tiếp, ứng xử cho cán bộ y tế, ngồi cà phê cùng ôn chuyện xưa mới nhớ ra, sang Campuchia cuối tháng 11/1985, nay vừa tròn 30 năm. Về nhà, lục giấy tờ cũ để xem đặt bước chân đầu tiên sang K chính xác là ngày nào. Chưa tìm thấy cái muốn tìm, nhưng lại thấy phong bì thư của Hing Sao (thực ra tiếng Khmer là Hing Saư) gửi hồi tháng 4/1987. Một anh lính Campuchia đang ở Hà Nội gửi thư cho một anh lính Việt Nam đang ở Phnom Penh.
Hồi đó, tôi ở được cử về Xưởng Quân khí ở quận Tuol Kork, phía Tây Bắc Phnom Penh, cấp bậc chùm-nuôi-ca bây (trợ lý 3, lính K gọi là sạ bây – quan ba). Hing Saư là lính thợ ở xưởng, chắc bằng tuổi tôi, cao trên 1m70, da đen nhất xưởng, nụ cười hiền lành, chăm chỉ và tháo vát, đã có vợ và một con nhỏ. Nhà Hing Saư ở cạnh xưởng, có cây xoài kiến vàng hay kết lá làm tổ. Lần đầu tiên tôi được ăn canh chua thịt chó nấu với tổ kiến vàng là ở nhà Hing Saư, nguyên tổ kiến gồm cả lá xoài, kiến và trứng kiến vừa hái trên cây được bỏ thẳng vào nồi quân dụng hầm xương chó. Bê bát canh nóng hổi, uống thứ nước vừa ngọt, vừa dôn dốt chua vừa dìu dịu thơm, ôi chao! Vợ Hing Saư cũng hiền lành như chồng, bán cá ở chợ Tuol Kork. Nhà nghèo, vốn ít nên chỉ mua bán gánh cá nhỏ, người ta bán cá lóc cỡ bắp chân thì vợ Hing Saư chỉ có cá cơ 2- 3 ngón tay, to nhất bằng cổ tay. Ông bạn Trần Tiến Đạt, nay làm ở Vinaphone có lúc trách, chợ toàn cá to sao mày không mua, toàn mua cá nhỏ. Bảo mua ủng hộ vợ chồng Hing Saư. Sau này Đạt đi chợ cũng hay mua cá nhà Hing Saư.
Cuối năm 1986, Hing Saư được chọn đi học ở Nhà máy Z133, Gia Lâm, Hà Nội. Đầu năm 1987 một đoàn công tác của Nhà máy Z133 đi sửa chữa vũ khí ở khu vực Pailin, khi về có ghé Xưởng Quân khí Tuol Kork, vì có một số cán bộ Z133 làm chuyên gia ở đó. Tôi nhờ họ chuyển lời thăm Hing Saư, không ngờ tháng 4/1987 nhận được thư của anh. Một người bạn thực sự. Dù hồi ở Xưởng Quân khí Tuol Kork tôi cũng đã dạy Hing Saư tiếng Việt, nhưng khi đọc thư Hing Saư tôi vẫn ngạc nhiên vì anh viết tiếng Việt khá tốt, chỉ sau 8 tháng.  


Thêm: Anh Long, người được Hing Saư nhắc đến là công nhân Z133, tôi quen từ 1983 khi lớp tôi thực tập ở đó. Năm 1986 anh Long cưới vợ là Hương, một công nhân điều khiển cần cẩu ở xưởng sửa chữa pháo của Z133. Hương khỏe mạnh, có duyên, có cá tính, chúng tôi gọi đùa là Hương cẩu. Cuối năm 1987, tôi nghe anh Viên, một chuyên gia Z133 ở Xưởng Quân khí Tuol Kork nói Hương mất vì sốt rét. Có lẽ Long đi Pailin sốt rét, về nhà muỗi đốt Long lại đốt Hương, nên Hương bị lây sốt rét.                       

1 nhận xét:

  1. Hai người ỏ hai quốc gia khác nhau nhưng vẫn là những người bạn. Lâu lắm rồi không còn được trải qua cái thú của xé thư để đọc. Ở đó nó có cả tình cảm và sự yêu thương của người viết. Giờ công nghệ quá nên nhiều giá trị bị trôi đi

    Trả lờiXóa