Thứ Tư, 2 tháng 12, 2015

Vụ vườn điều và vụ Huỳnh Văn Nén, án oan kép - Kỳ 2:
Khi bị cáo khóc trước tòa

Bắt đầu từ khoảnh khắc ông Nguyễn Văn Sơn òa khóc trước tòa ngày 14/6/2001, chúng tôi tin rằng ông và các bị can vụ án vườn điều vô tội.



Bài báo đầu tiên nêu nghi vấn ông Nén không giết người

Tôi (phóng viên Hồ Việt Khuê) và nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển (công tác tại báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh) lên chuyến xe đò Phan Thiết - Phan Rang vào một buổi sáng tháng 10/2000. Trong ba lô của tôi có lá đơn kêu cứu của cụ Huỳnh Văn Truyện, đơn tố cáo của Nguyễn Phúc Thành, phạm nhân  đang thụ án ở Trại giam Sông Cái (Ninh Thuận) và báo cáo của ông Nguyễn Thận, Chủ tịch UBND xã Tân Minh gửi các cơ quan tố tụng về việc anh Nguyễn Phúc Thành tố giác tội phạm. Trong đơn, anh Thành khẳng định ông Nén không phải là thủ phạm giết bà Năm Tét (bà Lê Thị Bông),  mà thủ phạm là Nguyễn Thọ và Hồ Văn Việt, hai người bạn thân của Thành. Theo Thành, đối tượng của Thọ và Việt không phải bà Năm Tét mà là chị Gái (Phạm Thị Hồng), con gái của bà, nhưng chị Gái bán thức ăn đêm về khuya, còn bà Năm về nhà sớm nên chết thay con. Chị Gái mang nhiều vàng nữ trang trên người mới là đối tượng mà hai kẻ sát nhân nhắm tới…
  PV báo Tiền Phong và anh Nguyễn Phúc Thành, người tố giác Nguyễn Thọ là thủ phạm giết bà Lê Thị Bông
Đến Phan Rang, tôi đến Tỉnh đoàn Ninh Thuận mượn Honda của Bí thư Tỉnh đoàn Lê Văn Phong, hỏi đường đi nước bước rồi chở anh Vũ Đức Sao Biển tìm Trại Sông Cái ở tuốt xã miền núi Phước Tiến, huyện Ninh Sơn, hiện nay thuộc huyện Bác Ái. Gần hết giờ làm việc chúng tôi mới đến nơi nhưng Trung tá Phạm Văn Phống, Giám thị trưởng vẫn vui vẻ tiếp chuyện. Trung tá Phống cho biết, Trại thường xuyên giáo dục phạm nhân tinh thần tự giác tố cáo tội phạm đang thụ án cũng như còn ngoài vòng pháp luật. Khi Thành tố giác, Trại cho Thành được nghỉ ba ngày lao động, nhiều lần viết tường thuật với sự truy vấn của quản giáo, nhận thấy các bản tường thuật của Thành trùng khớp nhau nên Ban giám thị quyết định fax bản tường thuật sau cùng của Thành về Cục V26 Bộ Công an. Bản tường thuật của Thành ghi ngày 26/8/2000, còn phiên tòa kết án ông Nén mức án tù chung thân diễn ra sau đó 5 ngày, vào ngày 31/8/2000.
Trên báo Tiền Phong số ra ngày 28/10/2000 đã đăng bài “Huỳnh Văn Nén có giết người?” ký tên Nguyễn Hồng Liêm, một trong các bút danh của tôi. Tôi ngây thơ tin rằng, khi vụ án có tình tiết mới sẽ được cấp có thẩm quyền xem xét. Nhưng sau đó, tôi được biết những người đến Trại Sông Cái xác minh đơn tố cáo của Thành là ông Đinh Kỳ Đáp, Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT, Công an Bình Thuận và ông Cao Văn Hùng, điều tra viên chính vụ án vườn điều và vụ của ông Nén, người đã được tuyên dương, khen thưởng nhờ thành tích phá hai vụ án này. Biết điều đó, tôi hiểu là hành trình đi tìm công lý cho thân phận người tù chung thân Huỳnh Văn Nén còn quá đỗi mịt mù…

Huỳnh Văn Nén phản cung, bị cáo khác bật khóc

Ngày 14/6/2001, tại trụ sở TAND tỉnh Bình Thuận, Toà Phúc thẩm TAND Tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm (lần 1) vụ án vườn điều. Rất đông người dân Tân Minh thuê xe ra Phan Thiết dự phiên toà. Với lý do phòng xử đã quá chật, rất nhiều người đã bị ngăn không cho vào Toà theo dõi việc xét xử. Ngay khi bắt đầu phần thẩm vấn, bất ngờ lớn đã xảy ra.  Huỳnh Văn Nén, bị cáo duy nhất khai nhận tội tại phiên toà sơ thẩm (lần 1) và cũng là bị cáo duy nhất không kháng án sơ thẩm đã phủ nhận hoàn toàn các lời khai trước đây của mình. Theo ông Nén, khi xảy ra vụ án ông không ở Tân Minh, mà đang làm thuê tại “Căn cứ 4” (xã Xuân Hoà, Xuân Lộc, Đồng Nai). Ông không biết gì về vụ bà Dương Thị Mỹ bị giết, những lời ông nhận tội và khai báo về hành vi phạm tội của những người khác là do bị ép cung, bức cung. Khi được kiểm sát viên Đinh Văn Lai, cán bộ VKSND tỉnh Bình Thuận vào trại giam phúc cung, ông Nén kêu oan thì bị điều tra viên vào đánh, do vậy tại phiên toà sơ thẩm (lần1) ông phải khai nhận tội... Khi nghe ông Nén nói, những người dự khán đã nhiều lần vỗ tay, trong khi một người đàn ông bưng mặt khóc. 
Vợ chồng ông Huỳnh Văn Nén hôm nay
Người đó là bị cáo Nguyễn Văn Sơn, anh rể ông Nén. Ông Sơn có xe tải chở hàng thuê, có 3 đứa con ngoan ngoãn, học giỏi. Gia đình đang êm ấm thì vợ ông Sơn là Nguyễn Thị Huệ bị chết vì tai nạn giao thông tháng 9/1998, gần đến giỗ trăm ngày bà Huệ, ngày 16/12/1998 ông Sơn lại bị bắt tạm giam, rồi bị kết án sơ thẩm 6 năm tù giam. Các con ông Sơn phải nghỉ học, đứa bán vé số, đứa làm thuê, đứa vào Làng Trẻ em SOS Gò Vấp. Trớ trêu nữa, mọi hồ sơ vụ án đều ghi tên người bị bắt là Nguyễn Văn Sơn, nhưng tên ông trong giấy CMND không phải là Sơn, mà là Nguyễn Văn Châu! Oan khuất lớn quá, nên khi ông Nén nói rằng không biết gì về vụ bà Dương Thị Mỹ bị giết, ông Sơn không kìm nén được nữa, òa khóc như một đứa trẻ.
Bắt đầu từ khoảnh khắc ông Nguyễn Văn Sơn òa khóc trước tòa, chúng tôi tin rằng ông và các bị can vụ án vườn điều vô tội. Nhưng hành trình để họ được tuyên vô tội còn xa lắm. Bởi sau đó, trong hồ sơ vụ án lại có lời khai của ông Huỳnh Văn Nén, rằng ông, ông Sơn và các bị can khác đã giết bà Dương Thị Mỹ.Bắt đầu từ khoảng khắc ông Nguyễn Văn Sơn òa khóc trước tòa, chúng tôi tin rằng ông và các bị can vụ án vườn điều vô tội.

Những đứa trẻ bị đánh cắp tương lai

          Bức ảnh này được cố nhà báo Đặng Ngọc Khoa chụp ở cổng TAND tỉnh Bình Thuận sáng ngày 5/4/2002, khi vụ án vườn điều được xét xử phúc thẩm (lần 2). Ba bé trai đang đứng bám cánh cổng tòa án là Huỳnh Thành Công, Huỳnh Thành Phát và Huỳnh Thành Lượng, con ông Huỳnh Văn Nén. Sáu đứa trẻ khác là các con của ba người, chị ruột, anh ruột và em gái ruột của bà Nguyễn Thị Cẩm, vợ ông Nén, đều là bị can trong vụ án. Lũ trẻ ngóng vào trong tòa án, mong được nhìn thấy 10 người là bà, mẹ, cha, dì, cậu, anh của chúng. Thay vì ở bên lũ trẻ để yêu thương, nuôi nấng, che chở cho chúng, họ phải để chúng bơ vơ giữa dòng đời, bản thân họ bị truy tố, xét xử về tội “giết người”, tội ác mà họ không hề phạm phải.
        Con của các bị can vụ án vườn điều ngóng trông cha mẹ ở cổng TAND tỉnh Bình Thuận, ngày 5/4/2002  
Năm 2002 ấy, ba anh em Công, Lượng, Phát đã cùng òa khóc khi nghe hỏi, mấy ngày tết có vui không. Chúng thường phải ôm nhau ngủ để quên đói, có lần đứa này ngủ mơ được ăn, cắn vào tay đứa kia. Năm 1998, khi ông Nguyễn Văn Tiền, anh rể ông Nén bị bắt giam, hai con của ông Tiền là Mỹ Dung và Văn Vàng mới 7 tuổi và 5 tuổi phải về quê ngoại ở Quảng Nam chăn trâu. Mẹ bỏ đi, hai chị em lại được cô Lụa đón về Tân Minh cho đi học. “Ngày ba con ra tòa, con có thấy ba nhưng ba không thấy con”. Bé Mỹ Dung kể trong nước mắt, còn cu Vàng thì ngơ ngác khi được hỏi về ba, em không hình dung được ba như thế nào. Thời gian đó, có 14 đứa trẻ con của vợ chồng ông Nén và của bốn người chị, anh, em ruột bà Cẩm lâm cảnh sống lay lắt, có đứa coi như mồ côi cả cha lẫn mẹ. Cám cảnh lũ nhỏ, ông Nguyễn Thận và cố nhà báo Đặng Ngọc Khoa đưa được 8 đứa nhỏ nhất vào Làng Trẻ em SOS Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh.  
Mỗi khi xem bức ảnh này, chạm phải những ánh mắt ngóng trông rười rượi buồn của lũ trẻ, tôi lại ứa nước mắt, con tim như bị bóp nghẹt. Các bị can vụ án vườn điều đã được đền bù oan sai, hôm nay ông Huỳnh Văn Nén cũng sẽ được xin lỗi, rồi sẽ được đền bù oan sai. Nhưng tuổi thơ trong sáng của những đứa trẻ vô tội kia đã bị lấy cắp, làm sao, cái gì có thể bù đắp nổi?     
        
Hồ Việt Khuê - Nguyễn Đình Quân
Huỳnh Văn Nén - Hành trình giải oan xuyên thế kỷ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét