Đảo An Bang hiện nay – ảnh Đại Điền
Đảo An Bang (Amboyna Cay) thuộc cụm đảo An Bang
(cụm Thám Hiểm) ở vĩ độ 07052’00’’ Bắc, kinh độ 112054’30’’
Đông, là đảo ở thấp nhất về phía Nam trong số 21 đảo do Việt Nam đóng giữ ở
quần đảo Trường Sa (mũi Cà Mau, cực Nam đất liền Việt Nam ở vĩ độ 8030’
Bắc, cao hơn đảo An Bang khoảng 0040’).
Đảo An Bang – ảnh Đại Điền
Đảo dài khoảng 220m, chỗ rộng nhất khoảng 100m, diện
tích khoảng 16.000m2, nằm theo hướng Bắc – Nam trên một rạn san hô hình
nấm. Bờ Tây đảo là một dải cát hẹp, bờ Nam có bãi cát xê dịch theo mùa, từ
tháng 4 đến tháng 7 được bồi thành bãi cát dài, từ tháng 8 bãi cát này dịch
sang bờ phía Đông. Nền san hô quanh đảo rất hẹp, cách xa đảo chưa đầy 1
hải lý, đáy biển đã sâu hàng ngàn mét. Hầu như quanh năm ở đảo An
Bang có sóng lớn, ngay cả trong mùa thời tiết thuận lợi nhất, việc ra vào
đảo An Bang vẫn rất khó khăn, khó nhất trong các đảo ở quần đảo Trường Sa. Mùa
hè, thời tiết ở đảo An Bang rất nóng, oi bức, nên đảo còn được gọi là “lò vôi
của Trường Sa”.
Đảo An Bang, tháng 4/1979 – ảnh tư liệu
Đội văn nghệ đảo An Bang, năm 1982 – ảnh tư
liệu
Năm 1963, chính quyền Sài Gòn đã cho
xây bia chủ quyền Việt Nam
ở đảo An Bang, nhưng sau đó không tổ chức đóng quân trên đảo. Đầu năm 1978,
tình hình ở khu vực quần đảo Trường Sa diễn biến phức tạp, một số nước đưa
nhiều tàu thuyền đến khu vực quần đảo Trường Sa, Philippines đưa quân
chiếm đóng cồn san hô Lan Can (đá An Nhơn, Lankiam cay, đá Panata). Quân
chủng Hải quân quyết định, phải nhanh chóng tổ chức lực lượng đóng giữ các
đảo Trường Sa Đông, Sinh Tồn Đông, Phan Vinh, An Bang.
Ngày 10/3/1978, một lực lượng của
Trung đoàn 146 (từ ngày 12/2/1979 được nâng cấp thành Lữ đoàn 146), Vùng 4
Hải quân, do Trung đoàn trưởng Cao Ánh Đăng chỉ huy, cùng một phân đội đặc
công nước của Lữ đoàn 126, đi trên tàu HQ601 của Lữ đoàn 125 đã ra đóng giữ đảo
An Bang. Tháng 11/1978, Hải quân Malaysia đã cho tàu vây ép đảo An
Bang liên tục 11 ngày đêm. Nhưng trước thái độ kiên quyết bảo vệ chủ quyền của
đơn vị đóng giữ đảo An Bang, đối phương đã phải rút khỏi khu vực.
Đảo An Bang năm 1993 – ảnh tư liệu
Đảo An Bang năm 1995 – ảnh tư liệu
Đèn biển đảo An Bang
được thiết lập năm 1995, độ cao tâm sáng 22,2m, tầm hiệu lực ánh sáng
15 hải lý – ảnh tư liệu
Ở cách đảo Trường Sa 75 hải lý về phía Đông Nam, cách
đảo gần nhất là đảo Thuyền Chài 27 hải lý về phía Tây Nam, cách cụm nhà
giàn DK1 ở Ba Kè, Vũng Mây khoảng 70 hải lý về phía Đông, Đảo An Bang
như cầu nối giữa quần đảo Trường Sa với khu vực nhà giàn DK1 ở thềm lục địa
phía Nam của Tổ quốc. Với vị trí đó, đảo An
Bang có vai trò rất quan trọng trong việc phát hiện từ xa, ngăn chặn
hoạt động của máy bay quân sự và tàu thuyền nước ngoài xâm phạm chủ quyền của
Việt Nam.
Bia chủ quyền mới trên đảo An Bang – ảnh Đại Điền
Đèn biển đảo An Bang hiện nay – ảnh Đại Điền
Bí thư Tỉnh đoàn Phú Khánh Đinh Thanh Đồng
(đội mũ, bên phải) và Bí thư Thành đoàn Nha Trang Huỳnh Hữu Ngân (đội
mũ, bên trái) trên đảo An Bang, tháng 6/1988 – ảnh Lý Bá Lin
Nguyễn
Đình Quân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét