Thứ Bảy, 7 tháng 12, 2013

Trường Sa qua từng bức ảnh - bài 2: Song Tử Tây, đảo tiền tiêu phía Bắc

Đảo Song Tử Tây, nhìn từ phía Tây Bắc

Đảo Song Tử Tây (Southwest Cay) nằm ở vĩ độ 11025’55 Bắc, kinh độ 114018'00’’ Đông, là đảo ở cao nhất về phía Bắc trong số các đảo thuộc quần đảo Trường Sa đang được Việt Nam quản lý (trong loạt bài này, tọa độ các đảo ghi theo thông tin ở bia chủ quyền tại đảo, với các đảo có 2 hoặc 3 điểm đóng quân, ghi theo thông tin trên bia chủ quyền điểm A). Cách đảo Song Tử Tây khoảng 2 hải lý về phía Đông Bắc là đảo Song Tử Đông, đang bị Philippines chiếm đóng.
Đảo Song Tử Tây năm 1995 – ảnh tư liệu
Ảnh vệ tinh đảo Song Tử Tây năm 2005
Đảo có hình bầu dục theo hướng Đông Bắc – Tây Nam, dài khoảng 630m, rộng 270m, khi thủy triều xuống thấp nhất, mặt đảo cao 4m-6m so với mặt biển, diện tích (tự nhiên) khoảng 12 ha, là đảo lớn thứ sáu tại quần đảo Trường Sa, lớn thứ hai trong các đảo do Việt Nam quản lý, sau đảo Trường Sa. UBND xã Song Tử Tây, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa đặt trụ sở tại đảo Song Tử Tây.
Cổng chùa Song Tử Tây

Thổ nhưỡng trên đảo chủ yếu là cát san hô pha với xác lá cây phân hủy, tạo thành lớp mùn khá màu mỡ, thuận lợi cho cây cối phát triển. Dưới mặt đất khoảng 2m có nước ngầm, có thể tắm giặt, tưới cây. Đây là đảo duy nhất ở Trường Sa nuôi được bò.  
Trạm Khí tượng thủy văn trên đảo Song Tử Tây

Chính quyền Việt Nam Cộng hòa tổ chức dựng bia chủ quyền Việt Nam trên đảo Song Tử Tây từ tháng 8/1956, nhưng đến đầu năm 1974 mới cho quân đóng giữ đảo Song Tử Tây.
Bia chủ quyền Việt Nam trên đảo Song Tử Tây được dựng năm 1956

Cán bộ, chiến sĩ tàu 621 (thuộc Đoàn 125 Hải quân) chụp ảnh lưu niệm tại đảo Song Tử Tây năm 1972, trong chuyến đi trinh sát đường Hồ Chí Minh trên biển – ảnh tư liệu
Máy bay SU30-MK của Trung đoàn Không quân 935 bay tuần tra tại đảo Song Tử Tây, ngày 28/4/2013 
“Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng. Truyền đạt tức khắc đến đảng viên, chiến sĩ”. Đó là nội dung mật lệnh ngày 7/4/1975 của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chỉ đạo Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nhưng ít người biết rằng, 3 ngày truớc đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi một mật lệnh chỉ đạo “chiến dịch Hồ Chí Minh trên biển”, giải phóng quần đảo Trường Sa.
Tháng 3/1975, trong lúc cuộc Tổng tấn công mùa xuân giải phóng miền Nam liên tiếp giành được thắng lợi, với tầm nhìn chiến lược, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Quân ủy Trung ương vẫn theo dõi sát sao tình hình ở biển Đông, nhận thấy một số nước ngoài có ý đồ thừa lúc quân đội Sài Gòn đang lao đao, để xâm chiếm các đảo ở Trường Sa. Lúc 17 giờ 30 phút ngày 4/4/975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi lãnh đạo Quân khu 5 và Quân chủng Hải quân mật lệnh số 990B/TK: "Nghiên cứu và chỉ đạo thực hiện gấp rút, nhằm thời cơ thuận lợi nhanh nhất, đánh chiếm các đảo do quân ngụy miền Nam chiếm đóng thuộc quần đảo Trường Sa. Đây là một nhiệm vụ rất quan trọng".     
 Ngày 11/4/1975, một phân đội của Đoàn 126 đặc công Hải quân, được tăng cường lực lượng của Tiểu đoàn 471 đặc công Quân khu 5, do Trung tá Mai Năng, Đoàn trưởng Đoàn 126 chỉ huy hành quân ra Trường Sa, trên 3 tàu vận tải của Đoàn 125 hải quân, giả dạng tàu cá Hồng Công. Với phương châm “thần tốc, táo bạo, bí mật, bất ngờ”, sáng 14/4 quân ta giải phóng đảo Song Tử Tây sau 45 phút nổ súng, mở màn chiến dịch giải phóng các đảo ở quần đảo Trường Sa do quân đội Sài Gòn đóng giữ.
Truy điệu liệt sĩ Tống Văn Quang, hy sinh ngày 14/4/1975 khi chiến đấu giải phóng đảo Song Tử Tây, là liệt sĩ đầu tiên hy sinh ở Trường Sa – ảnh tư liệu

Ngày nay, đảo Song Tử Tây là một căn cứ tiền tiêu của Hải quân Việt Nam, sẵn sàng phát hiện và ngăn chặn các hoạt động của nước ngoài xâm phạm chủ quyền biển đảo của Tổ quốc ở phía Bắc quần đảo Trường Sa. Năm 1999, tập thể đảo Song Tử Tây được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Quân dân đảo Song Tử Tây biểu diễn văn nghệ ngày 28/4/2013, kỷ niệm 38 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 

 Đảo Song Tử Tây cũng là nơi sinh sống của nhiều hộ dân, có nhiều công trình dân sự, văn hóa như đèn biển, chùa, trạm khí tượng thủy văn, nhà khách…
Tượng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn tại đảo Song Tử Tây, được khánh thành ngày 6/5/2012. Phía sau là đèn biển Song Tử Tây, được đưa vào sử dụng từ tháng 10/1993, là ngọn đèn biển đầu tiên trên quần đảo Trường Sa.    

Xây dựng âu tàu đảo Song Tử Tây, năm 2008 – ảnh tư liệu

Tháng 4/2009, âu tàu Song Tử Tây được hoàn thành xây dựng, đưa vào sử dụng, là nơi cung cấp nhiên liệu, nước ngọt, lương thực thực phẩm, dịch vụ y tế và cứu hộ, cứu nạn, sửa chữa tàu thuyền…, nơi tránh trú bão an toàn cho tàu của ngư dân khai thác thủy sản xa bờ.
  

Ngư dân huyện Hoài Nhơn, Bình Định vào trú bão ở âu tàu đảo Song Tử Tây, tháng 12/2011

Phía Đông Bắc đảo Song Tử Tây, năm 1995 – ảnh Viết Hiền
Phía Đông Bắc đảo Song Tử Tây, năm 2013 

                                                       Nguyễn Đình Quân

Trường Sa qua từng bức ảnh - bài 1: http://thiemthu62.blogspot.com/2013/12/truong-sa-qua-tung-buc-anh_6.html

3 nhận xét:

  1. "Chính quyền Việt Nam Cộng hòa tổ chức dựng bia chủ quyền Việt Nam trên đảo Song Tử Tây từ tháng 8/1956, nhưng đến đầu năm 1974 mới cho quân đóng giữ đảo Song Tử Tây."

    Chả biết nói gì :P

    Trả lờiXóa
  2. chính quyền Sài Gòn













    Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đóng quân quá muộn, quá ít trên các đảo trên quần đảo Trường Sa. nếu hồi đó chính quyền đóng giữ quần đảo này trên hầu hết các đảo nổi, đảo lớn từ thập niên 50 của thế ky 20. hay năm 1956 như đối với Hoàng sa thì giờ này con cháu Việt Nam ta đỡ khổ hơn khi phải dùng xương máu để bảo vệ chủ quyền,phải đối mặt với chiến tranh không? lịch sử mà,làm sao xoay chuyển được nữa!


    Trả lờiXóa
  3. Bác thiềm thừ tấm ảnh đảo Sông Tử Tây Năm 2013 (Tấm cuối cùng của bài Đảo Song Tử Tây) ở phía xa hơi mờ là bãi đá tên gì mình có kiểm soát kg bác trả lời e qua mail: nguyenquockhanh0414@gmail.com nhe.

    Trả lờiXóa