Nghe nói, từ nay Quân chủng Hải quân sẽ rà soát kỹ
hơn, sẽ giảm bớt số nhà báo trong các đoàn đi công tác, đi thăm Trường Sa. Lý
do, là có một số nhà báo coi đi Trường Sa như đi du lịch, hiệu quả tuyên truyền
sau chuyến đi Trường Sa không cao, viết bài không đúng sự thật, “tào lao” như
vụ N.Q.Đ… Nhưng khách thăm Trường Sa chưa hiểu Trường Sa, có phần lỗi của người
mời khách đi thăm.
Mỗi năm gần đây, có vài trăm nhà báo được cử, được mời
ra Trường Sa. Có nhà báo như ông Trương Minh Thắng, Tổng Biên tập báo Đắk Lắk,
làm thơ tặng lính Trường Sa với cảm xúc gượng ép, sượng như nồi cơm ít nước,
thiếu lửa, đã vậy còn minh họa thơ mình bằng ảnh lính Trung Quốc bồng súng đứng
bên cột mốc chủ quyền, quốc huy, bản đồ Trung Quốc! Có nhà báo làm lính Trường
Sa buồn, bực mình, như các cô ra đảo Phan Vinh, đảo Trường Sa Đông. Đó chỉ là
số ít. Đông hơn một chút, có những nhà báo coi ra Trường Sa là dịp để “lên màu,
thêm số má”.
Phần đông nhất, các nhà báo hăm hở viết, với nhiệt
huyết thật sự, tình cảm thật sự dành cho Trường Sa. Nhưng trong cả ngàn bài báo
được viết mỗi năm về Trường Sa, có bao nhiêu bài thật sự đọng lại trong bạn
đọc? Không nhiều. Hầu hết là những bài viết về Trường Sa đổi mới, lính Trường
Sa vượt lên mọi khó khăn, thiếu thốn để hoàn thành nhiệm vụ ra sao, trồng rau
giỏi thế nào… Đó là những điều cần viết, rất cần. Nhưng năm này qua năm khác,
nhà báo ra Trường Sa hầu như chỉ có thể viết về những điều đó. Cho nên, nếu có
những nhà báo coi đi Trường Sa là một chuyến du lịch không mất tiền, như bác
Cựu Chiến Binh đã còm ở blog này, cũng không nên trách họ nhiều quá. Họ có viết
bài về Trường Sa, có lẽ cũng sẽ viết theo công thức về đề tài quen thuộc, không
nhiều thông tin.
Vụ tàu hải giám Trung Quốc cản phá và cắt cáp của tàu
Bình Minh 02 ở khu vực bồn trũng Phú Khánh cho thấy, việc tuyên truyền về chủ
quyền biển đảo, trong đó có ý nghĩa của việc bảo vệ Trường Sa, quá trình hình
thành, xây dựng, bảo vệ các đảo ở đó là rất cần thiết. Nhưng, chính các nhà báo
ra Trường Sa cũng chưa được cung cấp đủ thông tin về những điều này. Cho nên,
có phóng viên một tờ báo khá gắn bó với Trường Sa, sau chuyến đi kéo dài một tháng ở Trường Sa vẫn có
nhận định hết sức ấu trĩ, sai lầm: “Mình đóng giữ nhiều đảo ở Trường Sa hơn
Trung Quốc thì tốn kém hơn, chứ chưa được lợi lộc gì”. Ngắn gọn về chuyện này:
Nếu chúng ta không còn các đảo ở Trường Sa, đội tàu đánh bắt xa bờ của ta chắc
phải xóa sổ, ngư dân chết đói!
Những thông tin đó ở đâu? Rất sẵn.
Trong cuốn Lịch sử Hải quân Nhân dân Việt Nam (1955 – 2005), trong cuốn “30 năm
hình thành và phát triển của Đoàn Trường Sa”, trong các tập sách về lịch sử
hình thành, xây dựng các đảo ở Trường Sa như Len Đao, Cô Lin, Tốc Tan…, sách “Những
điều bộ đội Trường Sa cần biết”… Nếu Cục Chính trị Hải quân, hoặc Ban Tuyên
giáo Trung ương chắt lọc thông tin trong các cuốn sách đó, soạn một cẩm nang
cho các nhà báo và mọi người khách ra Trường Sa, hiệu quả tuyên truyền về chủ
quyền và công cuộc bảo vệ chủ quyền tại Trường Sa chắc chắn sẽ được nâng lên,
trúng trọng tâm hơn nhiều…
Đó là nội dung chính của bài thứ 4
trong loạt bài “Nhà báo làm gì ở Trường Sa", tôi đăng trên blog ngày 31/5/2011.
Ba năm sau, tàu HQ-561 chở đoàn cán bộ
Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin Truyền thông đi thăm Trường Sa. Ngày
24/4/2014, khi tàu chạy đảo qua đảo Đá Tây C, đảo Đá Tây A để tới đảo Đá Tây B,
một số bác cứ khăng khăng rằng Đá Tây A là căn cứ của Trung Quốc, ta làm gì xây
được to như thế. Mở máy tính cho các bác xem ảnh tôi chụp Đá Tây A tháng 4 năm
ngoái, các bác cũng chưa chịu tin rằng, cái đảo các bác đang thấy là của ta.
Một anh bạn trong đoàn là Phó Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông tỉnh Nghệ An,
đồng đội lính 779 với tôi dùng máy ảnh siêu zoom chụp ảnh quốc kỳ Việt Nam trên
đảo Đá Tây A, các bác mới chịu im.
Có chuyện như thế, một phần vì các bác kém hiểu biết. Nhưng
cũng có phần do các bác bên Hải quân. Mỗi vị khách thăm Trường Sa được phát một
cuốn Sổ công tác Trường Sa, DK. Trong cuốn sổ này, sau phần giới thiệu về những
chặng đường lịch sử của Hải quân Nhân dân Việt Nam là phần quy định về tổ chức,
hoạt động của các đoàn đi thăm Trường Sa, DK1 và công tác tuyên truyền về Trường
Sa, DK1. Nhưng trong sổ không hề có bản đồ quần đảo Trường Sa, không hề nhắc
tới tình trạng tranh chấp của “5 nước, 6 bên” ở Trường Sa, số đảo Việt Nam đang
đóng giữ ở Trường Sa và số đảo bị các bên khác chiếm đóng, nói chung không có thông
tin về quần đảo Trường Sa. Cuốn sổ cũng không có thông tin về khu vực nhà giàn
DK1, như: Quá trình xây dựng các nhà giàn, số nhà giàn; Tại sao cần phải khẳng
định rằng khu vực nhà giàn DK1 là thềm lục địa Nam Việt Nam, không thuộc quần
đảo Trường Sa, không thể có tranh chấp với bất cứ quốc gia nào…
Khách đi thăm Trường Sa không được cung cấp thông tin chính
thống có hệ thống về Trường Sa, nên khi đi thăm Trường Sa dễ ở tình trạng như thầy bói xem
voi, đi đến đâu biết sơ sơ đến đó. Hiểu biết về Trường Sa không có hệ thống,
hời hợt, làm sao tuyên truyền về Trường Sa đạt hiệu quả cao được.
Còn một số hạn chế khác trong quy định về tuyên
truyền, tôi sẽ nói tới ở bài khác.
Tham khảo:
Anh Cóc ơi, em lại xin bài này, về blog em nhé !
Trả lờiXóaCảm ơn anh.
Rất vui vì Giao đã quan tâm, chia sẻ
XóaNhà báo mà còn nhận thức như thế thì có chết tôi không. Cảm ơn bác thiemthu nhiều!
Trả lờiXóaNên như thế nhà báo ạ! Tôi thấy còn rất nhiều người mơ hồ về Trường Sa, lên mạng xem nhiều bài báo không chính thống và có những suy nghĩ không đúng, nhận định chủ quan lắm. Cần phải tuyên truyền nhiều hơn nữa...
Trả lờiXóa