Từ năm 2000 đến nay, đã nhiều lần gặp bà Nguyễn Thị Cẩm, vợ ông Huỳnh Văn Nén và các con của hai người, tôi chưa bao giờ thấy họ cười, chỉ thấy họ khóc
Nhà mất nóc
Đầu tháng 12/2005, Cơ quan điều tra Bộ Công an và VKSND Tối cao công
bố kết luận
không đủ chứng cứ buộc tội bị can, bị cáo trong “vụ án vườn điều’. Ngay sau đó, ngày
10/12/2005, các phóng viên báo Tiền Phong là Hồ Việt Khuê và Nguyễn Đình Quân
về lại thị trấn Tân Minh (Hàm Tân, Bình Thuận) gặp đại gia đình bị can, bị cáo trong “vụ án vườn điều”.
Hôm đó, chúng tôi đã tới nhà ông Huỳnh Văn Nén,
một căn nhà nhỏ lợp tôn ở một góc hẻo lánh của khu phố 2, thị trấn Tân Minh. Nay, thị trấn Tân Minh đã sầm uất khác hẳn 9 năm
trước, nhà cửa, đường sá đổi thay rất nhiều, nhưng tôi vẫn nhận ra nhà ông Nén.
Vẫn căn nhà tường gạch không tô, vẫn mái tôn nóng bức, chỉ có thêm hai cánh cửa
bằng tôn. “Được như bây giờ là tốt lắm rồi, hồi xưa cứ mưa là dột, mấy mẹ con
phải dồn vào một góc nhà”, bà Nguyễn Thị Cẩm nói.
Trò chuyện với mẹ con bà Cẩm
về ông Nén và vụ bà Lê Thị Bông bị giết, về “vụ án vườn điều”, tôi nhớ đến việc
bà Cẩm được em gái bà là Nguyễn Thị Tiến ôm hôn, trong buổi đầu tiên của phiên toà xét xử phúc thẩm (lần 2) “vụ án vườn
điều”, sáng ngày 9/3/2005. Trong “vụ án vườn điều”, mẹ bà
Cẩm là bà Nguyễn Thị Lâm, 4 người chị, anh, em ruột của bà Cẩm cùng một người
anh rể và hai cháu ruột của bà Cẩm bị khởi tố, bắt giam. Bà Cẩm cũng bị khởi tố
về tội giết người, nhưng được tại ngoại. Vừa là bị cáo trong vụ án, vừa phải
vất vả một mình nuôi ba con nhỏ, bà Cẩm còn mang nỗi khổ tâm, mặc cảm là vợ của
kẻ đã khai bậy, khiến cả đại gia đình vướng vòng lao lý. Tại buổi đầu tiên của
phiên toà
xét xử phúc thẩm (lần 2) “vụ án vườn điều”, ngay sau khi bà Cẩm trả lời xong các câu
hỏi của chủ toạ, bị cáo Nguyễn Thị Tiến đã đứng lên ôm hôn bà Cẩm,
khiến Tòa phải cảnh cáo. Cái ôm hôn đó là sự chia sẻ, cảm thông với bà Cẩm, khi
ông Nén đã phản cung, nói rằng ông và cả gia đình vợ ông bị oan trong “vụ án
vườn điều”.
Đầu năm 2006, đại gia đình bà
Cẩm được đền bù oan sai trong “vụ án vườn điều”, bà Cẩm hy vọng ông Nén cũng sẽ
được xác định là bị oan trong vụ bà Lê Thị Bông. “Tôi muốn giải oan cho chồng
tôi, ảnh cũng nói với mấy ông luật sư, cứu em với, em vô tội mà bị bỏ tù lâu
quá”. Bà Cẩm nói. Bà đến UBND thị trấn Tân Minh để kêu oan cho chồng, nhưng
UBND thị trấn bảo phải lên huyện, lên tỉnh mà kêu, chớ thị trấn đâu giải quyết
được gì. Bà Cẩm muốn đi kêu oan cho chồng, nhưng không có tiền, không hiểu biết
nhiều về pháp luật, lại phải lo làm ăn nuôi con, trong khi tai ương vẫn chưa
buông tha cho bà.
Bà Cẩm bán bánh canh ở chợ Tân Minh, tháng 3/2010
Ngày 12/3/2010, sau khi đi viết bài ở thị xã
La Gi (Bình Thuận), tôi và phóng viên Hồ Việt Khuê ghé qua Tân Minh. Nghe nói
bà Cẩm đang bán bánh canh ở chợ Tân Minh, chúng tôi tìm đến, thấy bà Cẩm đang
lúi húi dọn đồ, trên đầu bà có một vạt tóc bị cắt. Bà Cẩm kể, ngày 6/3/2010 bà
cãi nhau với Th., cháu ông Phó chủ tịch UBND thị trấn, bị Th. chém vào đầu,
phải khâu 6 mũi, nhưng Th. không bị chính quyền xử lý. Hôm sau, con trai bà Cẩm
là Huỳnh Thành Lượng chém vào chân Th., liền bị bắt giam (sau này bị kết án 2
năm tù). Trước đó, anh của Lượng là Huỳnh Thành Công đánh nhau, bị tuyên phạt 4
tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 18 tháng. Sắp hết hạn
án treo, Công lại vướng vụ khác, án treo thành án giam. Vậy là cùng lúc, chồng và hai con bà Cẩm bị giam.
“Anh em con như
mồ côi mười mấy năm rồi”
Cùng bà Cẩm trò chuyện với tôi
ngày 28/9/2014 có Huỳnh Thành Lượng. Ngày 10/12/2005, tôi đã gặp Lượng, tại
chính căn nhà này. Khi đó, ba anh em Lượng vừa từ Làng trẻ em SOS Gò Vấp, TP Hồ
Chí Minh về, còn bà Cẩm vẫn đang đi
làm ôsin ở tỉnh Bình Dương. Trong ánh mắt của anh em Lượng, cũng như
trong ánh mắt của gần chục đứa trẻ vô tội khác của đại gia đình bà Cẩm như còn dấu vết những tháng ngày tủi nhục, vất
vưởng, thất học, bữa đói bữa no vì đại gia đình của chúng lâm cảnh tai ương. “Mỗi lần nhắc tới cha, con
buồn lắm, anh em con như mồ côi mười mấy năm rồi”. Lượng khóc khi gặp lại tôi.
Năm 1998, khi ông Huỳnh Văn
Nén bị bắt, Lượng mới 7 tuổi, Công mới 9 tuổi, còn em út Huỳnh Thành Phát mới 3
tuổi. Mẹ Cẩm bị khởi tố, không nuôi nổi ba đứa con, bà ngoại và hầu hết cô,
cậu, dì ruột cũng bị bắt giam, ông bà nội đã già và ở mãi tỉnh Cà Mau, ba anh
em Lượng như những con chim non không tổ. Công và Lượng phải bỏ học, đi chăn bò
thuê. Cám cảnh lũ trẻ, Chủ tịch UBND xã Tân Minh lúc đó là ông Nguyễn Thận (cuối
năm 2003 xã Tân Minh mới được chia tách thành thị trấn Tân Minh, xã Tân Đức và
xã Tân Phúc) xin Làng trẻ em SOS Gò Vấp nhận nuôi ba anh em Lượng, cùng 5 đứa
trẻ khác trong đại gia đình bà Cẩm. Họ ở Làng trẻ em SOS Gò Vấp hơn 3 năm.
Anh Lượng khóc khi nói về chuyện gia đình mình
Sau những ngày lêu lổng, quậy
phá và bị tù tội, Công và Lượng đã tu chí làm ăn. Công đi làm rẫy mướn và năm
2011 đã cưới vợ, vợ Công cũng là người ở Tân Minh. Lượng học lái xe, làm phụ xe
tải chở hàng trong tỉnh Bình Thuận và các tỉnh lân cận. Nhưng cậu em út Huỳnh
Thành Phát, năm nay đã 19 tuổi vẫn ham chơi bời. “Chuyện nhà con vẫn chông
chênh lắm, chú ạ”. Lượng nói với tôi. Lượng bảo, vẫn thường nghe người ta nói
sau lưng, cha thằng đó giết người. Vì mặc cảm, Lượng không muốn quen cô gái
nào, chưa nghĩ đến chuyện vợ con.
Tháng 8 vừa rồi, anh em Công,
Lượng đi thăm ông Huỳnh Văn Nén, đang bị giam ở Trại giam Xuân Lộc (Z 30A), thuộc
Tổng cục VIII, Bộ Công an, ở huyện Xuân Lộc (Đồng Nai). Ông Nén được đối xử
tốt, không phải đi lao động, nhưng sức khỏe đã xuống nhiều. Lượng cho biết, mắt
phải của ông Nén đã bị mờ, tròng trắng kéo màng. Khi nghe con trai nói vụ án
của mình đang được xem xét lại, ông Nén không nói gì, mà cười vui. “Ba con nói,
mấy năm trước có ba bốn lần làm đơn kêu oan, nhưng không thấy hồi âm”. Lượng
nói.
Cuối năm 2013, có ba cán bộ
Tổng cục VIII (Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ Tư pháp), Bộ
Công an gặp tôi. Họ hỏi tôi khá kỹ về việc tôi tố cáo thủ phạm giết bà Lê Thị
Bông là Nguyễn Th. và Hồ Văn V., không phải ông Huỳnh Văn Nén, việc sau khi bà
Bông bị giết Nguyễn Th. bảo tôi cùng anh Huỳnh Long Nghĩa đưa Th. đi bán một
chỉ vàng, rồi Th. bỏ đi biệt tích. Các cán bộ đó làm việc với thái độ vui vẻ, ngon
lành, không dọa nạt gì, còn đưa tiền bù cho tôi một ngày mất công mất việc,
nhưng tôi không nhận. Sau đó, lại có ba cán bộ của VKSND Tối cao gặp tôi, cũng
về việc tôi tố cáo Nguyễn Th. và Hồ Văn V.
Tố cáo hai người đó, tôi cũng
có sợ. Nhưng sự thật phải được nói ra. Hai
người đó ngày trước là bạn tôi, nhưng tôi không thấy có lỗi với họ khi tố cáo
họ. Chuyện họ làm mà để người khác chịu tội, ông Nén bị tù lâu quá rồi, cả gia
đình ba thế hệ bị đau khổ, tan nát. Nếu họ có lương tâm, họ phải ra đầu thú,
khai báo chứ.
Anh Nguyễn Phúc Thành, người dân thị trấn Tân Minh
Mấy tháng trước, có ba người
của VKSND Tối cao làm việc với tôi 2 buổi, ở UBND thị trấn Tân Minh. Tôi kể với
họ chuyện, năm 1998 tôi có chiếc xe Minsk,
làm nghề chạy xe ôm. Khoảng cuối tháng 4 năm 1998, Nguyễn Th. với Nguyễn Phúc
Thành bảo tôi chở đi huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Tới “căn cứ 4” (xã Xuân
Hòa, Xuân Lộc), chúng tôi vào quán uống nước. Tôi với Thành ngồi quán còn Nguyễn
Th. chạy đâu đó khoảng 15 phút, nói là đi mua bẫy lò xo để bẫy thú. Mua bẫy không
được, Th. cho chúng tôi 20 ngàn đồng để đổ xăng, rồi đón xe đò đi Đắc Lắc luôn,
từ đó đến nay tôi không thấy Th. về Tân Minh nữa.
Anh Huỳnh Long Nghĩa, người dân thị trấn Tân Minh