Thứ Bảy, 4 tháng 6, 2016

Ngài Bob Kerry hay lão Kerry?

Tôi tin rằng, ít ngày nữa, sau khi đã đọc, đã nghe những ý kiến về việc mình làm Chủ tịch Hội đồng Tín thác của trường Đại học Fulbright Việt Nam, đã có thời gian suy nghĩ, Bob Kerry sẽ rút lui khỏi vị trí đó.
Những người ủng hộ ông Bob Kerrey làm Chủ tịch Hội đồng Tín thác của trường Đại học Fulbright Việt Nam (FUV) nói rằng, Bob Kerrey đã sám hối, đã làm nhiều việc để hàn gắn quan hệ Việt –Mỹ. Họ bảo phải biết tha thứ, chê rằng những người phản đối Kerry ở vị trí lãnh đạo FUV là hẹp hòi, rằng dân tộc cứ bị quá khứ ám ảnh mãi thì sao tiến bộ, văn minh được…
Các bạn và tôi làm gì có tư cách để nói về tha thứ hay không tha thứ. Những người có quyền nói điều đó là người thân của 20 phụ nữ, trẻ em, người già bị ông ta và đồng bọn thảm sát tại Thạnh Phong,  Bến Tre, ngày 25/2/1969. Ông ta đã được thân nhân của các nạn nhân tha thứ. Nhiều người Việt Nam khác cũng đã tha thứ cho những lính Mỹ đã trực tiếp bắn chết người thân của họ.
Nhưng, tha thứ không có nghĩa là chấp nhận để Bob Kerry ở vị trí lãnh đạo FUV. Phản đối Kerry ở vị trí lãnh đạo FUV không có nghĩa là không tha thứ cho ông ta. Bàn về điều này, cũng nên biết về vai trò của Đại học Fulbright Việt Nam. Tại sao Tuyên bố chung Việt – Mỹ ngày 23/5 nêu việc mở Đại học Fulbright Việt Nam? Tại sao trong bài phát biểu ở Trung tâm Hội nghị quốc gia Hà Nội ngày 23/5, Tổng thống Mỹ Obama dành nhiều thời gian để nói về việc mở Đại học Fulbright Việt Nam? Vì Đại học Fulbright là một trung tâm truyền bá văn hóa, tư tưởng Mỹ, tương tự Học viện Khổng tử của Trung Quốc, việc mở FUV như một biểu tượng của sự hợp tác giáo dục Mỹ - Việt. Ở cương vị Chủ tịch Hội đồng Tín thác của FUV, chắc chắn Bob Kerry sẽ xuất hiện thường xuyên ở các sự kiện, trên các phương tiện truyền thông. Sự xuất hiện thường xuyên của ông ta có giúp củng cố mối quan hệ hữu nghị Việt – Mỹ, hay vô tình mở lại vết thương cũ trong lòng người dân Việt Nam, gây chia rẽ mối quan hệ đang tốt đẹp hơn bất cứ thời điểm nào trong quan hệ giữa hai nước?    
Bà A có chồng bị ông B giết hại. Tôi sẽ hoan nghênh việc ông B xin lỗi bà A, hoan nghênh việc ông ta lo lắng, chăm sóc cho con cái bà A, ngoài những việc ông ta bắt buộc phải làm, theo pháp luật. Tôi sẽ rất cảm phục, tán thành việc bà A tha thứ cho ông B, không đòi tòa xử tử hình ông ta, chấp nhận để ông ta giúp đỡ con mình. Nhưng tôi sẽ cho là bà A thiếu tự trọng, bạc nghĩa với chồng khi để ông B thoải mái xoa đầu con mình, nói cười rôm rả trong đám giỗ chồng mình.  
Tôi tin rằng, ít ngày nữa, sau khi đã đọc, đã nghe những ý kiến về việc mình làm Chủ tịch Hội đồng Tín thác của trường Đại học Fulbright Việt Nam, đã có thời gian suy nghĩ, Bob Kerry sẽ rút lui khỏi vị trí đó. Tôi sẽ tôn trọng Bob Kerry hơn nhiều nếu ông ta làm việc đó, sẽ tin rằng ông ta thực tâm muốn mang lại điều gì đó tốt đẹp cho người Việt Nam, cho quan hệ Việt – Mỹ.

Bằng không, tôi sẽ nói, Bob Kerry, ông vẫn là kẻ sát nhân. 

2 nhận xét:

  1. tác giả nói rất chính xác, đừng có mở miệng là nhân danh nhân dân không ai khiến, người có đủ tư cách nói lời tha thứ là người thân của nạn nhân không phải của số đông đang lên đồng cuồng mỹ và cũng phải là các nhà lãnh đạo các cấp chính quyền

    Trả lờiXóa
  2. Ủng hộ hòa giải, hướng về tương lai không phải là độc quyền của những ai ủng hộ BK làm Chủ tịch BOT/FUV. Nếu BK không có quá khứ nặng nề đối với nhân dân Việt Nam, thì chắc không ai bình luận gì. Nếu người được bổ nhiệm là cựu chiến binh như cựu Hạ nghị sĩ, Đại sứ đầu tiên của Hoa Kỳ tại Việt Nam Pete Peterson hoặc là chính ông Thomas Vallely, cũng là cựu chiến binh, là người có công lớn nhất trong việc thành lập FUV thì không ai sẽ có ý kiến gì. http://infonet.vn/thu-ngo-cua-ba-ton-nu-thi-ninh-gui-nguoi-viet-nam-va-cac-ban-my-post200646.info

    Trả lờiXóa