Từ sáng đến trưa ngày 13/5/2012, anh Ngô Thanh Kiều bị còng tay, còng chân trong phòng làm việc của Đội Điều tra tổng hợp, Công an thành phố Tuy Hòa (Phú Yên), bị đánh nhiều lần bằng dùi cui cao su, không được cho ăn. Đến 17 giờ 40 phút cùng ngày, anh Kiều được đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Yên, nhưng anh đã chết trước đó. Theo Trung tâm Giám định pháp y tỉnh Phú Yên, trên người anh Kiều có ít nhất 63 vết thương, anh chết do chấn thương sọ não, chấn thương phần mềm. Anh Kiều đã bị chết do những hành động tội ác, đó là điều không thể phủ nhận.
Tại phiên tòa do TAND tỉnh Phú Yên mở từ ngày 7/4 đến ngày 15/4 để xét xử sơ thẩm (lần 2) vụ anh Kiều bị hành hạ đến chết, nhiều nhân chứng là sĩ quan công an khai, khi ăn cơm trưa ở cách nơi anh Kiều bị hành hạ chỉ 5 – 7 mét, họ có nghe tiếng anh Kiều kêu la. Họ nghe nhưng bỏ qua, tiếp tục ăn cơm. Ông Hà Văn Đại, cán bộ Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội, Công an tỉnh Phú Yên khai, khi vào phòng có thấy bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành dùng dùi cui đánh anh Kiều. Theo ông Đại, ông thấy việc đánh anh Kiều là sai, nhưng không can ngăn vì đó không phải là việc của ông, ông không được giao nhiệm vụ, muốn can ngăn cũng không được. Có những lời khai rằng, ngoài các bị cáo, còn có những người khác đánh anh Kiều... Dường như từ sáng đến trưa ngày 13/5/2012, phòng làm việc của Đội Điều tra tổng hợp, Công an thành phố Tuy Hòa là một cái “hố đen”. Cái “hố đen” ấy khiến nhiều sĩ quan công an nghe mà như không nghe tiếng kêu la của anh. Cái “hố đen” ấy bưng bít việc anh bị hành hạ. Cái “hố đen” ấy khiến cho đến tận lúc này, sau 3 phiên tòa, vẫn chưa rõ có bao nhiêu người đã đánh anh Kiều, thực sự ai là thủ phạm gây nên cái chết của anh.
Theo báo cáo kết quả giám sát về tình hình oan sai, được trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 10/4, trong thời gian gần đây có 12 vụ án về tội dùng nhục hình, với 26 bị can, bị cáo. Đó là chưa kể tới một số vụ, người bị tạm giam, tạm giữ “tự sát” ở nơi bị tạm giam, tạm giữ, nhưng có những tình tiết khiến người thân của họ nghi là họ bị dùng nhục hình dẫn đến cái chết, như vụ chị Trần Thị Hải Yến, chết ở nhà tạm giữ, Công an huyện Tuy An (Phú Yên) chiều ngày 7/10/2013. Theo Ủy ban Tư pháp Quốc hội, việc bức cung, dùng nhục hình chủ yếu xảy ra ở giai đoạn điều tra đối với người bị tạm giữ, tạm giam. Việc tố giác bức cung, nhục hình và điều tra chứng minh việc bức cung, dùng nhục hình gặp nhiều khó khăn, do hành vi phạm tội xảy ra tại bối cảnh đặc biệt, địa điểm khép kín. Đó chính là những “hố đen”. Do đó, để chống bức cung, dùng nhục hình cần phải đưa vào Dự thảo Luật tạm giữ, tạm giam các hình thức giám sát việc hỏi cung, quyền giám sát việc hỏi cung của người quản lý tạm giữ, tạm giam… Tuy nhiên, vụ Ngô Thanh Kiều cho thấy, còn có những “hố đen” không phải ở nơi tạm giữ, tạm giam, mà ngay tại nơi làm việc của cơ quan điều tra. Cần có những biện pháp nghiêm khắc, hữu hiệu để không thể tồn tại những “hố đen” tệ hại ấy, để không tái diễn những vụ án đau xót, như vụ Ngô Thanh Kiều.
Tại Tòa, chị Ngô Thị Tuyết, chị ruột anh Ngô Thanh
Kiều trưng ảnh chụp tinh hoàn anh Kiều bị bầm dập
Rất ủng hộ tinh thần bài viết này ạ.
Trả lờiXóaCảm ơn Hồ Trung Nghĩa đã chia sẻ
Xóa