Thứ Hai, 11 tháng 3, 2013

Chuyện Trường Sa 1988, của người yêu Trường Sa: IV - Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin 14-3-1988


Đại tá Nguyễn Văn Dân kể tiếp, đêm 13-3-1988 ông được lệnh lên tàu HQ 614, chỉ huy lực lượng hành quân ngay lên phía đảo Sinh Tồn.
Ông chỉ huy cả lực lượng của Anh hùng liệt sĩ Trần Đức Thông?  
Không, anh Thông vừa đi phép vào, đi tàu HQ 604 từ đất liền ra, cùng tàu HQ 505, còn tôi từ Đá Đông lên.
Chúng tôi hành quân ngay trong đêm 13, đi ở khoảng giữa Châu Viên và Phan Vinh. Có hai tàu Trung Quốc, tôi nhớ là tàu 203 và tàu 205 đến kèm, phá sóng. Tàu chúng tôi bị mất liên lạc với đất liền. Do bị nó chặn đường, nên đến chiều ngày 14, chúng tôi mới đến được đảo Sinh Tồn. Lúc đó, HQ 604, HQ 605 đã bị bắn chìm, HQ 505 đã lao lên Cô Lin. Tàu HQ 605, HQ 604 là loại 400 tấn, còn tàu HQ 505 là tàu vận tải quân sự - đổ bộ (LST) của Mỹ, trọng tải 2.000 tấn…  
Con tàu Anh hùng HQ505 lao lên đảo Cô Lin, thành mốc chủ quyền Việt Nam, ảnh trên báo Nhân Dân số ra ngày 25-3-1988
Đêm 14, chúng tôi đưa anh em thương binh lên đảo Sinh Tồn để cứu chữa, và báo cáo tình hình về nhà. Anh Doan, chính trị viên tàu HQ 605 hy sinh trên tàu, anh em chèo xuồng đưa được về Sinh Tồn và an táng ở đó. 
          Hôm 14-3-1988, sao ở Sinh Tồn không bắn tàu Trung Quốc, hỗ trợ anh em mình? Từ Sinh Tồn đến Gạc Ma gần mười hai hải lý, không bắn tới được.
Sáng 15, chúng tôi ra chỗ tàu HQ 605, HQ 604. Theo vết dầu nổi lên, chúng tôi xác định được vị trí HQ 605 chìm cạnh Len Đao, thả neo đánh dấu. Rồi chạy qua chỗ Gạc Ma tìm HQ 604. Trung Quốc mới dựng cái chòi nhỏ ở đó. Lúc đó HQ 604 không còn dấu vết gì cả… Hồi đó nêu tên 74 người mất tích, nhưng sau kiểm lại, thực tế có 73 người hy sinh, mất tích và bị bắt. Anh em ở Gạc Ma, Len Đao còn lại đã về Sinh Tồn, về HQ 505. Chúng tôi tiếp tục tìm, đến gần 12 giờ trưa, 2 tàu khu trục Trung Quốc đến ngăn chúng tôi vào khu vực Gạc Ma. Chúng tôi không thể vào được, không xác định được vị trí tàu HQ 604 chìm... Chúng tôi đoán HQ 604 thả neo ở tây nam Gạc Ma, khi bị bắn thì chìm rất sâu nên không thấy vết dầu nổi lên…
Chúng tôi cho tàu HQ 614 cập vào chỗ tàu HQ 505 ở Cô Lin, lập sở chỉ huy trực tiếp tại đó. Tháng 4, tàu cứu hộ Đại Lãnh với bên Chữ Thập Đỏ ra, anh em lặn tìm tàu HQ 605. Theo báo cáo, có một đồng chí báo vụ hy sinh trong tàu, tổ thợ lặn xuống khảo sát, tìm kiếm kỹ trong tàu nhưng không thấy xác... Tôi ở cụm Sinh Tồn, Cô Lin, Len Đao cho đến tận tháng 9-1988.
đảo Len Đao
Đó là những ngày rất căng thẳng, có những thời điểm quá khắc nghiệt. Có lúc tàu chúng tôi hết cả cái ăn, nước uống, quần đùi may ô suốt, may có tàu Mỹ Á ra tiếp tế… Trên tàu, mấy chục anh em chúng tôi cùng đi với nhau, lúc đầu cũng có hoang mang. Nhưng sau khi chứng kiến sự việc, chúng tôi củng cố, quyết tâm hơn. Ở nhà, có tin tôi đã hy sinh, vì tàu bị mất liên lạc, tưởng Trung Quốc bắn rồi. Danh sách hy sinh không ghi tên tôi, nhưng ở quê cứ đồn tôi hy sinh rồi, làm vợ tôi ốm mất mấy tháng. Sau có tàu Đại Lãnh về đất liền, tôi nhờ ông Nguyễn Văn Ba, Chính ủy tàu Đại Lãnh điện về nhà, bà ấy mới hồi dần...

Chú bé trong lửa đạn

Tạm ngưng mạch chuyện của Đại tá Dân, để thuật lại một chuyện ngoài chính sử. Chuyện kể của một chiến sĩ Trường Sa 1988, nay vẫn đang ở Lữ đoàn 146 - Đoàn Trường Sa anh hùng. Tuy là chuyện ngoài chính sử, nhưng với những gì tôi hiểu về anh, cảm nhận ở anh trong suốt chuyến đi trên tàu HQ 996 ra Trường Sa gần một tháng cuối năm 2011, đầu năm 2012, tôi tin đây là câu chuyện có thật.
Trong sự kiện 14-3-1988, Trung Quốc đã bắn vào 3 tàu vận tải của Hải quân Việt Nam: HQ 604, HQ 605 và HQ 505. Con tàu HQ 505 không bị chìm, nó kịp lao lên đảo Cô Lin, bảo vệ được chủ quyền ở đây trước khi bị bắn cháy. Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ và tập thể tàu HQ 505 đã được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Không có ai trên tàu HQ 505 hy sinh trong ngày uất hận 14-3-1988 ấy. Điều đặc biệt nữa của tàu HQ 505 là, khi tàu bị địch bắn cháy, trên tàu có một chú bé.
Chú bé đó, thuyền trưởng Vũ Huy Lễ gặp tại cảng Hải Phòng đầu năm 1988, trong một lần tàu cập cảng nhận hàng. Khi đó, chú mới 9 tuổi, lang thang, không biết cha mẹ ở đâu. Thương tình, thuyền trưởng đưa chú bé lên tàu. Đầu tháng 3-1988, tàu HQ 505 nhận lệnh vào Đà Nẵng nhận lương thực, vật liệu xây dựng để ra Trường Sa. Lúc đó, tình hình Trường Sa đang hết sức căng  thẳng, không muốn để chú bé phải chịu nguy hiểm, thuyền trưởng Vũ Huy Lễ cho chú bé lên bờ. Nhưng gần một ngày sau khi tàu rời bến, mọi người phát hiện chú bé trốn trong một cái tủ trên tàu...
Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ và đồng đội tàu HQ 505, tháng 4-1988, ảnh Nguyễn Viết Thái
Ngày 14-3-1988, tàu HQ 505 đã hứng chịu trận mưa đạn từ các tàu Trung Quốc, cháy hỏng gần như toàn bộ lớp sơn, đài chỉ huy chi chít hàng trăm vết đạn, hai bên sườn và phía sau đuôi có hàng chục lỗ thủng đường kính 30 - 40 phân do đạn pháo bắn thẳng, lương thực, thực phẩm trong khoang tàu cháy thành than... Chú bé đã cùng các anh, các chú trải qua những giờ phút kinh hoàng. Nhưng thật kỳ diệu, không có ai trên tàu HQ 505 hy sinh, chú bé không hề hấn gì...
Chú bé đó tên là Thảo. Bây giờ anh ở đâu, Thảo ơi!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét