Tháng 11/1985, sau một năm học tiếng
Khmer, tôi được điều động sang chiến trường Campuchia, công tác tại một xưởng
quân giới của Quân đội Nhân dân cách mạng Campuchia, cấp bậc trợ lý 3
(chùm-nuôi-ca bây, nhưng dân Campuchia hay gọi là sạ bây - quan ba). Những sĩ quan
công tác trực tiếp trong đơn vị quân đội của bạn như tôi được gọi là cán bộ
tăng cường (căm-ma-phíc-ban boòng-caơn). Tôi và Trần Tiến Đạt, một ông bạn cùng
khóa ở Học viện Kỹ thuật Quân sự, căm-ma-phíc-ban boòng-caơn tại một tiểu đoàn
ô tô - thiết giáp của bạn cùng ở vùng đầm Tuol Kork, Tây Bắc thành phố Phnom
Pênh. Một ông bạn đồng khóa nữa ở Học viện Kỹ thuật Quân sự là Nguyễn Hoàng
Nguyên làm căm-ma-phíc-ban boòng-caơn tại Cục Công binh quân đội Campuchia.
Hàng tháng chúng tôi phải mượn xe đạp hoặc thuê xe đạp ôm, lên Đoàn Chuyên gia
quân sự 478 lĩnh lương. Tiền của ba thằng bỏ chung trong một hòm đạn B41.
Cuối năm 1985, đầu năm 1986, vài tháng sau
cuộc đổi tiền, đồng tiền Việt Nam bắt đầu mất giá nhanh chóng. Nhưng mấy thằng
trung úy boòng-caơn chúng tôi ở với bạn, ít đi chợ búa, ít thông tin, lúc đó
đâu biết chuyện tiền mất giá nhanh. Đến kỳ lĩnh lương thứ ba mới bảo nhau mang
tiền 3 tháng lương ra chợ Orussey, đổi lấy tiền Campuchia. Lúc mới sang Campuchia,
1 đồng được hơn 1,2 riel. Lúc bọn tôi mang tiền ra đổi, 3 đồng chưa được 2 riel,
coi như mất một nửa tiền! Bảo nhau, biết dại rồi, từ đó cứ lĩnh lương là chịu
khó mang đổi ngay ra riel.
Giữa năm 86, Đạt nghỉ phép về Hà Nội cưới
vợ. Tôi và Nguyên cũng xin nghỉ phép, về phụ làm đám cưới cho Đạt, lúc đó ở
cùng bố mẹ tại khu tập thể Nguyễn Công Trứ. Đêm tân hôn của Đạt, tôi ngủ cạnh
giường cô dâu chú rể, sáng tỉnh dậy thấy hai chân đút trong gậm giường!
Xong đám cưới Đạt, tôi trở lại Campuchia
trước. Khi tiễn tôi, Đạt dặn dò, mày sang đó lĩnh lương, mua vàng ngay nhé! Dặn
rất nghiêm túc, như bác Nguyễn Sinh Hùng khuyên chơi chứng khoán.
Sang Campuchia, tôi lĩnh lương hai thằng
(lúc đó Nguyên đi công tác nhiều, cần mang tiền để tiêu, không cất tiền chung nữa),
dồn cả hai suất lương thượng úy, cả tiền tích cóp trước đó, mua được cái khoẻn
nửa chỉ vàng 98. Vừa sắm khoẻn xong thì được lệnh của Cục Kỹ thuật Campuchia,
đi sửa chữa vũ khí cho một số đơn vị ở tỉnh Pursat và tỉnh Koh Kong.
Nghĩ chuyến này đi vất vả, động chân động
tay nhiều, đeo nhẫn vàng ở tay bị mòn mất (hic), tôi cắt một khuyết nhỏ phía
trong nắp túi áo quân phục, bỏ cái khoẻn vào đó. Yên tâm lắm. Mày cứ nằm yên
trong đó, chờ thằng Đạt sang tao moi ra khoe cho nó mừng, đỡ nhớ vợ, nhé!
Trên đường hành quân, tôi ngồi trên đống
hòm đồ nghề, dụng cụ ở thùng xe, không ngồi trong ca bin. Lúc đó, trong hàng
ngũ bạn có nhiều người tốt, nhưng không ít kẻ múc pi – hai mặt, và cũng có những
kẻ không ưa người Việt. Ngồi trong ca bin khó cơ động, có khi không dính đạn bọn
Pol Pot phục kích mà lại ăn đạn thằng cùng đi với mình. Cả đoàn hơn 40 người,
có mỗi mình là người Việt. Cứ ôm AK ngồi phía trước thùng xe, quan sát tốt, dễ ứng
phó…
Sau một chặng đường dài, đoàn xe dừng nghỉ
trưa tại một thị trấn. Trên đường mải quan sát và ngắm cảnh, quên cái khoẻn ở
phía ngoài trái tim. Giờ sờ lên, tim vẫn đập nhịp đều, khoẻn không thấy. Bỏ mẹ.
Thì ra gió mạnh đập túi áo, cái khuy đứt chỉ rơi mất, nắp túi đập lên đập xuống,
cái nhẫn vàng chui ra ngoài từ lúc nào. Biết nói sao với thằng Đạt đây! Cái thằng,
trông phong lưu công tử vậy nhưng cũng chưa từng cầm nửa chỉ vàng. Hôm cưới vợ,
Đạt đeo nhẫn vào tay vợ mấy lần vẫn rơi, vì nhẫn nó làm ở xưởng tôi, từ vỏ đạn
20 ly, hơi rộng…
Bần thần một hồi, rồi thử tìm lại, biết
đâu. Thế mà thấy thật. Em không rơi xuống đường mà nằm trên tấm vải bạt ở góc
thùng xe, vàng chóe. May thế!
Hôm Đạt sang, nghe tôi kể chuyện, hắn giật
luôn cái khoẻn, cất biến. Nói chung, tiếng Khmer đến với với hắn rồi đi nhanh lắm,
nhưng hắn giữ vàng hơi bị được!