Sáng 14-3, đại diện nhóm nhà báo tại Nha Trang có trang Facebook (Nha Trang JFB) cùng Đại tá Nguyễn Văn Dân, dịp 14-3-1988 là Phó Tham mưu trưởng Vùng 4 Hải quân, chỉ huy trưởng cụm các đảo Sinh Tồn, Cô lin, Len Đao... đi viếng Tượng đài Tưởng niệm các quân nhân Liên Xô/Liên bang Nga, Việt Nam hy sinh vì hòa bình ổn định khu vực (Tượng đài Cam Ranh).
Tới Mỹ Ca, phường Cam Nghĩa, thành phố Cam Ranh, đoàn đón chị Đỗ Thị Hà, vợ liệt sĩ - trung úy Đinh ngọc Doanh, hy sinh ở vùng đảo Gạc Ma ngày 14-3-1988
Chị Hà kể, chỉ 3 ngày sau khi anh Doanh cùng đồng đội rời Cam Ranh trên tàu HQ-604, chị nghe tin anh hy sinh. Lúc đó, chị thấy trời đất như quay cuồng, sập xuống. Thương con gái Đinh Thị Mỹ Lệ mới 2 tuổi, chị nén nỗi đau, ở vậy nuôi con khôn lớn, trưởng thành. Nay, Mỹ Lệ đã 27 tuổi, đang làm việc tại TP.HCM. Suốt 25 năm qua, chị Hà đau đáu mong mỏi được đón di cốt của anh Doanh, trở về từ lòng biển. Năm 2008, khi ngư dân tìm được 4 bộ hài cốt trong tàu HQ-604, bị Trung Quốc bắn chìm ở Gạc Ma ngày 14-3-1988, chị Hà hy vọng trong đó có hài cốt chồng mình. Nhưng kết quả xét nghiệm AND không như chị mong đợi. Từ năm 2009, Tượng đài Cam Ranh được xây dựng, tên anh Đinh Ngọc Doanh được ghi trên bia tưởng niệm, chị cũng được an ủi phần nào. Ngày giỗ anh 27 tháng giêng âm lịch, ngày 14-3, ngày 27-7, dịp Tết, chị đều tới Tượng đài Cam Ranh thắp hương…
chị Đỗ Thị Hà và vợ chồng Đại úy Dương Hoa Hồng
Tại Tượng đài Cam Ranh, chúng tôi gặp vợ chồng Đại úy Dương Hoa Hồng từ xã Diên Thạnh (Diên Khánh, Khánh Hòa) chở nhau bằng xe máy vào viếng đồng đội. Năm 1983, khi Đại úy Hồng là thuyền trưởng tàu HQ-604, Trung úy Vũ Phi Trừ về làm thuyền phó. Năm 1985, Đại úy Hồng chuyển công tác, anh Vũ Phi Trừ làm thuyền trưởng tàu HQ-604. “Vũ Phi Trừ là người chất phác, rất chịu khó, mới tốt nghiệp Học viện hải quân đã về tàu HQ-604 là tàu chuyên đi Trường Sa, công tác cực kỳ vất vả, nhưng trưởng thành rất nhanh”. Đại úy Hồng nhớ về Anh hùng liệt sĩ – Đại úy Vũ Phi Trừ.
Bia tưởng niệm tại Tượng đài Cam Ranh Ranh ghi tên 172 liệt sĩ hy sinh tại khu vực quần đảo Trường Sa và các Nhà giàn DK1 ở vùng thềm lục địa phía Nam Việt Nam, trong đó có 64 liệt sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma và đảo Len Đao ngày 14-3-1988. Khi chúng tôi lên viếng, đã thấy những vòng hoa của Đại tá Phạm Hoài Nam, Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, của Ban liên lạc truyền thống hải quân TP. Hồ Chí Minh, mấy vòng hoa ghi tiếng Nga…
Đại tá Nguyễn Văn Dân kể lại những ngày căng thẳng tháng 3-1988, về những đồng đội của ông đã hy sinh. Khi đó, Đại tá Dân là Trung tá, Phó Tham mưu trưởng Vùng 4. Đêm 13-3-1988, đang ở đảo Đá Đông, ông được lệnh lên tàu HQ-614, chỉ huy lực lượng hành quân ngay lên phía đảo Sinh Tồn, Gạc Ma. Do bị hai tàu Trung Quốc phá sóng liên lạc và chặn đường, đến chiều ngày 14-3 tàu HQ-614 mới đến được khu vực các đảo Cô Lin, len Đao, Gạc Ma. Lúc đó, tàu HQ-604 và tàu HQ-605 đã bị các tàu Trung Quốc bắn chìm, tàu HQ-505 đã lao lên giữ đảo Cô Lin… Tàu HQ-614 cập vào gần tàu HQ-505, lập sở chỉ huy khu vực 2 Trường Sa tại đó, cho đến tận tháng 9-1988. Tuy trong danh sách những người hy sinh, mất tích ngày 14-3-1988 không có tên Trung tá Dân, nhưng ở quê nhà ông tại xã Bình Minh (Tĩnh Gia, Thanh Hóa) có tin đồn ông đã hy sinh, làm vợ ông ốm mấy tháng.
Đại tà Nguyễn Văn Dân thay mặt đoàn nói lời điếu với hương hồn các liệt sĩ
chị Hà, Đại úy Hồng, Đại tá Dân
Chúng tôi đang viếng Tượng đài Cam Ranh thì có một đoàn khách Nga tới. Họ cúi đầu trước tượng đài, chăm chú đọc tên những đồng bào của họ đã bỏ mình. Nghe Đại tá Dân nói về những liệt sĩ Việt Nam hy sinh ngày 14-3-1988, họ lại cúi đầu, một lần nữa.
Kính chào chú/bác.
Trả lờiXóaCon là 1 du học sinh đang theo học tại Nga. Con rất biết ơn nếu chú/bác có thể cung cấp nguồn ảnh trong bài blog trên vì lý do liên quan đến 1 số quân nhân liên xô đã hi sinh. Sẽ rất tốt nếu ảnh là do chú/bác chụp và vẫn còn lưu lại. Mong sớm nhận được hồi âm của chú/bác.
Ảnh do chú chụp, trừ những ảnh có mặt chú do bạn chú chụp. Nếu Lâm Mai cần ảnh rõ nét danh sách quân nhân Liên Xô/Nga đã hy sinh, chú sẽ gửi cho
Trả lờiXóa